Một Truyện Ngắn Hay Nhất
Linh Bảo
Sau bữa cơm tối, Quế dọn dẹp phòng mình thực nhanh. Từ hôm trời trở rét,nàng phải mang bao tay cao su để rửa bát, chùi nhà cũng như giặt dũ hay làm những công việc khác. Đó không phải là tính đài các rởm, nhưng trong mùa rét ai cũng làm thế để cho công việc nhanh chóng hơn. Nước lạnh buốt như nước đá mà phải thò tay không vào thì chắc áo quần suốt mùa đông không bao giờ được giặt. Nguyên tắc của Quế là làm thật nhanh để chóng được nghỉ, nên chỉ trong nửa giờ là mọi việc đâu vào đấy cả.
Thấy gian phòng đã sạch sẽ thứ tự lại như cũ, Quế rất bằng lòng. Quế nghĩ đến lời cô em luôn luôn nhắc : Này chị, không phải là “ Ở bẩn sống lâu” đâu nhé. “Đói cho sạch, rách cho thơm” mới là văn hóa Việt Nam.
Ở cái thành phố Paris này mà ba chị em được mỗi người một phòng thì thực thần tiên, mặc dầu lầu sáu, nhưng lên 6 lần cầu thang thì có nghĩa lý gì đối với sinh viên. Quế thay quần áo ngủ xong, cho hai chân vào chăn, kéo chăn lên đến ngực, rồi ngồi dựa lưng vào tường. Ngoài chăn, Quế để cái khung nhôm, bên trên gác một tấm ván mỏng. Đó là bàn viết trên giường của cô em gái thương Quế, tính sợ lạnh, nên nhường cho nàng dùng. Bên cạnh, Quế để sẵn một cốc nước thật đầy, đủ uống suốt đêm, trên đầu là ngọn đèn nhỏ có cái chao mầu lá mạ, của một người bạn thân tặng. Ngọn đèn này đã theo nàng đi khắp nơi, và mỗi đêm, lúc Quế thao thức, thế nào cũng bật nó lên xem sách, hay có lúc chỉ nhìn sững ngọn đèn nghĩ ngợi chứ không làm gì cả. Bên cạnh giường là chiếc bàn con, từng trên để máy thu thanh, từng dưới đầy sách vở, giấy viết, máy chữ, Quế nằm trên giường, chỉ việc với tay là cái gì cũng có. Thì ra con người càng lười, cuộc sống tổ chức càng gọn gàng chu đáo.
Không còn thiếu thức gì nữa, Quế để tập giấy lên bàn và ngả đầu vào vách mơ mộng. Đã lâu, Quế có ý định viết truyện ngắn, nhưng có ý định là một việc, thực hành được lại là một việc khác, nhất là muốn viết cho ra hồn, truyện phải thật, phải sống, phải có những cảm xúc chân thành. Quế không biết kiếm đâu ra truyện hay như thế, mà nhất là cái “ cảm xúc chân thành”, nàng lại càng không biết làm sao có! Quế tự bảo:
- Hay là mình thử bịa xem, tưởng tượng một truyện “ có thể được” và đặt tên là “ Một truyện ngắn hay nhất”. Chỉ hay nhất với mình thôi thì đã làm sao chưa? Mình chỉ viết cho mình đọc. Đâu có ai biết mà sợ người ta cười. Nhưng dù sao, đã gọi là truyện ngắn hay nhất, thì phải tả cái gì đẹp nhất. Mà ở đời, còn gì đẹp hơn tình yêu nữa! Tất cả muôn loài, muôn vật, muốn sống, muốn sinh tồn, đều phải có tình yêu. Người ta đã yêu trong quá khứ, hiện tại, và tương lai cũng còn phải yêu mãi mãi. Chỉ có tình yêu là bất diệt, bất hủ, không bao giờ lỗi thời. Như thế, truyện ngắn hay nhất của Quế phải dành cho tình yêu mới được.
Định nguyên tắc rồi, Quế thấy như trút được một gánh nặng. Bây giờ chỉ còn tìm nhân vật, cố nhiên là một nam một nữ, vì có thế mới yêu nhau được chứ! Quế thấy hình như công việc đã xong một phần mười, nàng tự thưởng cho mình một cốc nước lã.
Cốc nước trong máy mới vặn ra, nên rét buốt cả răng. Quế mới uống lúc đầu rất khó chịu, mãi sau dần dần cũng quen với cái cảm giác tê tái lúc nước đi đến đâu biết đến đấy, không còn khó chịu nữa. Vừa uống nước Quế vừa nghĩ đến nhân vật trong truyện của mình. Nàng không muốn cho vào hạng cao sang quá, vì hạng này trong đầu óc chỉ có phú quí, công danh, và đàn bà đối với họ chỉ là một thứ xa xỉ phẩm họ đủ sức mua sắm, trao đổi một cách dễ dàng; vì thế, rất hiếm có, hay hầu như không thể có chân tình. Quế nghĩ đến hạng bình dân, lao động, nhưng mặc dầu truyện về giới này rất hợp thời, Quế không dám viết bừa về họ. Những người dân lao động phải tranh đấu, vật lộn với cuộc sống vất vả, nên đời tình ái của họ cũng rất giản dị, bình thản. Aùi tình vớiø tất cả những biến chuyển, thắùc mắc của tâm hồn, đối với họ, là một thứ xa xỉ phẩm vô dụng. Quế không thể gán cho họ những ý tưởng họ không có.
Vậy “chàng” phải là một thanh niên trung lưu có học thức, có tâm hồn, có tư tưởng. Chàng cũng phải hơi đứng tuổi mới yêu được, nếu còn trẻ quá, thì sẽ chưa từng hiểu đời, chưa từng sống, chưa từng đắng cay, làm sao có thể đóng vài “ chàng” trong truyện của Quế được. Còn “ nàng” nữa, nàng phải có giáo dục, thông minh và rất nhiều tình cảm, nhưng không được trẻ lắm. Có bao giờ một cô bé độ mười lăm, mười sáu tuổi, có thể làm cho người ta yêu đến nổi sóng nổi gió trong tâm hồn được đâu! Tuổi dậy thì chỉ là tuổi của những mối tình ngây thơ, tình vớ vẩn, tình vụn buổi ban đầu, tình “bản thảo” của cuộc đời tình ái trọng đại về sau. Chỉ những thiếu nữ đã từng đau khổ, đã hiểu rõ những đức tính dễ thương và dễ ghét của đàn ông, mới biết quí, biết chiều, biết trân trọng tình yêu, biết nắm giữ tâm hồn ai đó.
Nhưng, anh chàng ấy có đủ điều kiện như thế không thể để cho cô đơn đến ngần ấy tuổi? Hơn nữa, câu chuyện đã được đem ra kể, ít nhất cũng phải có cái gì đặc biệt, chứ nếu yêu nhau, cưới nhau, rồi sinh con đàn cháu đống, lên chức bà nội, ông cố, thì có gì đáng nói nữa. Tình yêu của hai người phải trắc trở mới được. Nhưng, thời buổi bây giờ, cha mẹ cũng như tôn giáo, pháp luật, đều không thể cấm được người ta yêu nhau, cưới nhau, rồi “bách niên giai lão” với nhau. Vậy chỉ còn cách là Quế cho anh ta đã có đệ nhất phu nhân ngồi chễm chệ giữ sổ chi tiêu rồi là hợp lý nhất.
Quế nhìn lên trần nhà, thấy một con thạch sùng đang rình mấy con mối. Trong lúc mãi nhìn theo cuộc săn đuổi, Quế hồi hộp từng hồi khi thấy con mối thoát được, bay đi nơi khác, nhưng nó không ngờ góc nào trên trần nhà cũng có những con thạch sùng đang kiếm mồi chờ sẵn. Quế nhìn theo cho đến khi tất cả đàn mối đều dần dần vào bụng đám thạch sùng hết, nàng mới trở lại với câu chuyện tình “ lâm ly” của nàng.
Quế tưởng tượng “ chàng “ và “ nàng” sẽ rất yêu nhau. Yêu một cách say mê đắm đuối, tưởng chừng như hai linh hồn đã chờ đợi nhau từ kiếp nảo kiếp nào, mãi đến bây giờ mới được chạm trán . Quế sẽ cho họ nhìn nhau mà đôi mắt sẽ thay họ nói tất cả nhớ mong, chờ đợi. Quế sẽ cho họ cầm tay nhau và nghe hơi thở hòa lẫn như thông cảm đến tận tâm linh, và họ có cảm tưởng như một tư tưởng bé nhỏ nào, hay một cảm xúc rung động gì, cũng là của chung cả. Tóm lại, là họ phải yêu nhau đến cái nhiệt độ cao nhất của tình yêu có thể có được ở trên đời.
Nhưng, phần đông đàn ông, dù là Lưu, Nguyễn hay ai ai đi nữa, dù có lạc vào Thiên Thai, dù có sống với Tiên Nữ, dù có ở cảnh Tiên, bao giờ họ cũng vẫn nhớ đến cõi trần, dù cõi trần phàm tục, đầy những phiền não. Và kết quả, bao giờ cũng chọn con đường trở về trần gian để ngày đêm mơ tưởng cảnh tiên. Vì dù sao, như thế cũng vẫn hợp lý hơn là ở non Tiên mà đêm ngày canh cánh nghĩ đến cảnh trần gian đầy mùi tục lụy thì kỳ quá, coi không được, mà kể lại nghe cũng chẳng thuận tai.
Để cho hai người phải xa nhau ngay, Quế cũng thấy hơi tiếc và cho là mình tàn ác quá. Tại sao trên đời có hai người yêu nhau đến thế, và quyền sanh sát ở trong tay Quế, mà Quế không “ gia ân” cho họ được gần nhau, yêu nhau thêm một thời gian nữa? Tại sao trên đời có những đôi ghét nhau như quân thù, thì lại cứ phải ăn với nhau, ngủ với nhau, nhìn nhau hàng tháng, hàng năm, cùng chung một gối màø chỉ mơ những vì sao Cô Thần Quả Tú? Nhưng dù sao Quế cũng phải cho họ xa nhau, nếu không, câu chuyện của nàng sẽ đi đến chỗ bế tắc.
Một khi chàng Lưu hay chàng Nguyễn đã động lòng nhớ phàm gian, thì “ Tiên Nữ” dù có yêu đến đâu cũng không giữ làm gì. Nàng nhất định sẽ phải xa chàng, nhưng hai người sẽ xa nhau trong lúc còn yêu nhau, và yêu nồng nàn hơn lúc nào hết. Quế định thầm vì như thế để cho hai người cùng giữ mãi trong lòng cái kỷ niệm đẹp tuyệt vời của nhau, cùng được an ủi khi nghĩ rằng, trong đời, ít ra họ cũng đã gặp được một người xứng đáng cho họ yêu, họ đã từng yêu và được yêu đúng mức, họ sẽ không còn ân hận gì lúc buông xuôi hai tay.
Quế sẽ cho hai người từ giã nhau trong một đêm trời rất đẹp. Họ sẽ không ở nhà, vì nhà nhiều người lắm, làm sao nói chuyện được trong khi đôi mắt nàng lúc nào cũng chỉ rưng rưng rơi lệ. HoÏ cũng không đi lang thang ngoài đường, vì đèn đường sáng một cách trơ trẽn và cũng không hợp với câu chuyện tâm tình. Quế sẽ cho hai người ngồi bên bờ sông nhìn trăng, nhìn sao một lúc lâu, cho họ nói tất cả những lời đáng nói, cần nói, cho đến lúc sương xuống lạnh, họ sẽ vào một tiệm khiêu vũ gần đấy. Họ không nhẩy, nhưng chỉ ngồi trong ánh sáng êm dịu, nghe tiếng nhạc du dương. Họ không nói gì với nhau nữa, chỉ cầm tay nhau và mắt nhìn mắt, cùng thông cảm niềm đau khổ của chia ly đang ray rứt tâm hồn.
Quế bỗng thở dài vì thương nhân vật của mình quá. Nhưng nàng đã trót để họ ở vào cái thế cưỡi hổ mất rồi! Muốn vớt vát bớt sự tàn ác của mình, Quế chỉ có thể cho hai người được ngồi cạnh nhau lâu thêm một chút, hay là để cho đầu nàng gục vào ngực chàng, để cho những giọt nước mắt nóng thấm ướt vai áo chàng. Nhưng như thế cũng không được: Quế còn phải tả tâm tình chàng lúc ấy, bản tính nghịch ngợm, nhỡ Quế lại hạ bút viết rằng: “ Chàng thấy nàng gục đầu vào ngực mình, sợ nàng vô ý để son dính vào áo, về nhà sẽ không biết nói sao với vợ, nên hoảng hốt vội xô nàng ra . . .” Nếu Quế tả như thế thì chao ơi! Cái “Truyện ngắn hay nhất” của nàng chỉ còn có việc đem cho gà ăn mà thôi!
Quế định sẽ giữ cho đầu người nữ thực thẳng, không nghiêng một chút nào hết, để chàng được bình tĩnh, yên tâm, khỏi sợ son dính vào áo . . . nhưng như thế lại sợ nhạt nhẽo quá. Hai người yêu nhau điên luôn, mà lúc từ giả nhau một lần cuối để rồi xa nhau mãi mãi, kẻ góc bể người chân trời, lại lạnh lẽo như hai “ đồng chí” lúc bàn giao công việc thế không được. Phải cho đậm đà hơn một chút, nếu không, người ngoại cuộc cũng thấy chướng mà phản đối và mất thiện cảm với chàng còn gì. Làm thế nào nhỉ? Quế không cho họ hôn nhau và cũng không muốn thấy họ lãnh đạm với nhau. Nàng không muốn họ có vẻ phàm tục thông thường quá. Tình yêu của hai người rất cao quí, nhất là trong giờ từ giã, niềm đau của chia ly phải dâng lên tràn ngập trong lòng, họ không có cái ý muốn rất người ấy nữa. Những cái hôn nồng cháy biểu lộ ao ước thân cận của thể xác, mà không thể làm giảm bớt chua xót của tâm hồn.
Trong lúc tưởng tượng, Quế như đặt mình vào chính cảnh thật và nàng thấy lòng mình cũng tràn ngập thương cảm. Trong một lúc mềm lòng, nàng định tìm cách vớt vát cho nhân vật của mình bớt khổ, để cho họ thấy cuộc đời có nghĩa lý hơn, đáng sống hơn.
Quế đang đắm mình vào câu chuyện một cách say sưa cảm động, thì bỗng có tiếng cãi nhau ở dãy nhà đối diện. Quế nhìn sang, thấy vợ chồng ông Giáo đang đứng ngoài hiên cãi nhau. Thường thường, hai vợ chồng này bao giờ cãi nhau cũng vào nhà trong và không bao giờ to tiếng như hôm nay. Quế không cần lắng tai cũng nghe rõ, vì giọng bà Giáo the thé quát rất to, át cả những lời khuyên can của ông Giáo. Bà Giáo đang cầm một tấm nệm chà chân, rũ cả bụi xuống hiên từng dưới.
Ông Giáo bảo:
- Sao em không để lúc khác hãy rũ bụi. Giờ này là giờ người ta ngồi ở nhà, em đập bụi như thế không phải.
Bà Giáo cười nhạt:
- À, bây giờ anh phản rồi phải không? Từng dưới là nhà cô ấy, thảo nào mà anh bênh nó. Này, tôi nói cho mà biết, đứa nào cướp chồng bà, bà xé xác nó ra.
Quế thở dài, nguồn văn của nàng thế là đành chết đứng. Theo nguyên tắc của Quế, hàng xóm cãi nhau, bao giờ nàng cũng đứng trung lập, nhưng vẫn phải làm “ quan sát viên” xem tình hình và chú ý nghiên cứu thứ văn chương ứng khẩu này, để “ tăng gia kiến thức”. Quế đành phải dẹp bỏ câu chuyện nàng đang xây dựng để theo dõi tình hình “ mặt trận” hình như đã đến lúc căng thẳng.
Cô ở từng dưới là Sâm, ngày thường vẫn hiền lành nhã nhặn, nhưng hôm nay bỗng phát dữ như con chó dại. Cô cũng lên tiếng:
- Bà nói ai đấy? Muốn dạy chồng bà, thì đóng cửa lại mà dạy!
- Bà chửi con nào ngày ngày nhìn chồng bà, ra cũng nhìn, vào cũng nhìn!
- Đi giữa đường, cấm người ta nhìn à? Muốn giấu, sao không gói cho kỹ?
Ông Giáo can:
- Thôi em, láng giềng với nhau cần phải giữ hòa khí. Em đừng ghen bóng ghen gió như thế, mang tiếng cả. Cô ấy cùng dạy một trường với anh, ra vào gặp nhau phải chào hỏi là sự thường và lễ phép bắt buộc. Em đừng nghi bậy.
Bà Giáo quát lên:
- À, bây giờ anh về hùa với nó để mắng tôi đấy à? Bà không phải là đứa dễ bắt nạt đâu! Đứa nào dám động đến chồng bà, bà xé xác ra. Đồ đĩ thõa!
Cô Sâm cũng to tiếng chẳng kém:
- Thế còn bà, đứng đắn lắm đấy hẳn? Chồng vừa ra khỏi cửa đã dắt trai vào nhà. Chồng đi bộ, để xe cho bà chở trai đi dạo, cả con đường này, cả thành phố này, làng trên xóm dưới còn có ai là người không biết! Bà quên thì tôi nhắc cho bà nhớ: nhân tình của bà cũng nhiều không kém gì rác bụi bà mới rũ xuống đâu! Có muốn nghe tên, tôi kể ra cho mà nghe?
Bài ca vọng cổ đang sắp đến đoạn lâm ly nhất, thì bà Giáo đã kéo ông Giáo vào nhà trong, đóng cửa đánh sầm một tiếng. Cô Sâm cũng vào nốt. Thế là hạ màn.
Quế chợt ïnhớ đến lúc thằng em trai sắp cưới vợ thì đạo luật gia đình ra đời. Trong một lúc “ cảm khái”, hắn đã “ cảm đề” luật ấy bằng một bài hát, theo điệu bài “ Nếu một mai em sẽ qua đời” của Phạm Duy. Quế chỉ nhớ được một câu :” Nếu một mai anh có mọc sừng . . . thì vuốt mà chơi”. Không thể nhịn cười được, Quế gục đầu xuống bàn, ôm ngực cười sằng sặc. Nàng cười đến đau quặn cả bụng khi nhớ đến cái giọng đau thương một cách khôi hài của thằng em.
Xong cơn cười, Quế lại thừ người ra vì buồn. Quế nghe như có cái gì đâm nhói từng cơn trong tim nàng. Câu chuyện của Quế đã bị xuyên tạc một cách mỉa mai. Trong khi xây dựng nhân vật, Quế đã nghĩ đến ông bà Giáo, nàng đã mượn hình ảnh của hai người ấy. Nhưng bây giờ, sự thực trắng trợn đến như thế, còn biện hộ làm sao được nữa! Quế định cho chàng dứt tình vì quí người vợ hiền đức. Sự thực trái lại, vợ chàng cái gì cũng thừa, chỉ thiếu có một điểm hiền đức. Còn chàng, con người như thế mà hơi kém hiên ngang! Chàng “ nể vợ” đến nỗi không dám liếc nhìn cô Sâm một cái, nói gì đến chuyện dám yêu “ nàng” một cách say đắm! Quế đã mượn hình ảnh Sâm để tạo ra “ nàng”, nhưng Sâm cũng làm cho Quế thất vọng. Sâm không cao thượng, không hy sinh như Quế định gán cho nàng những đức tính ấy. Lúc Sâm thấy mình bị xúc phạm, nàng trả miếng bằng cách nói toạc ra những hành động ám muội của bà Giáo mà ai cũng biết, chỉ trừ ông Giáo.
Làm thế nào bây giờ? Không, Quế không thể ép buộc nhân vật của mình phải “ lý tưởng hóa” một cách giả tạo. Phải để cho họ sống thực và gần với sự thực mới được, dù sự thực có éo le hay “ kém mỹ thuật” đến thế nào đi nữa.
Quế lại bắt đầu nghĩ tiếp câu chuyện bỏ dở. À, phải rồi, hai người đang ngồi cạnh nhau rất âu yếm dưới ánh sáng êm dịu, nghe tiếng nhạc du dương. Thế rồi, bên ngoài một cặp nam nữ đi vào. Chàng tinh mắt nhận ra ngay đấy là vợ mình. Vợ đang đi với một thằng bạn. Hai người cắp tay nhau, cũng âu yếm không kém gì chàng và nàng. Họ tìm một chỗ ngồi trong bóng tối, họ nắm tay nhau, họ tựa đầu vào vai nhau. Âm nhạc nổi lên, họ bèn ra sàn nhảy, đôi chân quấn quít, đôi tay ghì chặt, má áp má một cách say sưa . . .Họ nhảy rất đẹp, rất điệu nghệ, rất xứng đôi. Họ lướt qua bàn chàng và nàng đang ngồi. . .Trời ơi! Thật tuyệt vời! . . . Rồi tám mắt nhìn nhau, chẳng còn ai phải nghi ngờ ai điều gì nữa!
Quế nhắm mắt ngả đầu vào tường, không dám nghĩ thêm. Nàng thấy thần kinh căng thẳng, cả người mệt mỏi vô cùng. Mà nào nàng có làm việc gì nặng nề cho cam! Sau bữa cơm tối cho đến bây giờ, nàng chỉ nằm dài trên giường nghĩ vẫn vơ, xem thạch sùng bắt mối trên tường, nghe hàng xóm cãi nhau, lại còn thưởng thức từng câu một cách thú vị. Nhưng Quế đã mệt mỏi thực. Nàng đã chọn một việc làm quá sức mình. Đáng lẽ Quế nên đọc một vài trang sách rồi ngủ một giấc đến sáng cho khỏe thân, khỏe trí, nàng lại chọn cái việc làm khó khăn nhất.
Quế không dám nghĩ thêm nữa. Câu chuyện của nàng định viết và cho mang cái tên “ Một truyện ngắn hay nhất” sẽ không bao giờ viết thành. Quế làm sao tả nổi tâm tình chàng lúc “ tám mắt nhìn nhau!” Người vợ mà chàng tin tưởng là hiền đức, người vợ chàng chiều quí như bà hoàng và để cho tự do như một người độc thân, người vợ chàng vẫn còn yêu vì nghĩa, vì tình, người vợ chàng không lúc nào kém yêu, ngay cả những lúc ngồi bên cạnh nàng, và một phần mười những lời chàng nói với nàng là lời ca tụng đức tính hiền đức của vợ. Những lời đồn đãi, chàng cũng có nghe nhưng không tin, cho là thiên hạ ganh ghét hạnh phúc của chàng nên bịa đặt để phá hoại. Có một lúc chàng đã tưởng mình là người sung sướng nhất đời, vì có hai người đàn bà nói với chàng:” Em yêu tất cả cái gì anh yêu” và “ Em yêu cả vợ anh nữa, bởi vì anh yêu vợ anh!”. Chao ơi! Thật là mỉa mai làm sao! Bây giờ, cả hai người ấy, một người ngồi bên cạnh, một người đứng trước mặt, đều như “ nước chảy mây trôi” cả!
Quế làm sao diễn tả được cái cảm giác của một người đàn ông lúc thấy rõ ràng mình đã được ở cái cảnh “ Nếu một mai . . . “.
Quế làm sao diễn tả nổi tâm tình của nàng lúc nhìn thấy vợ của người yêu. Trong khi nàng tự nghĩ không biết mình còn phải tu đến bao nhiêu kiếp nữa mới “ được “ chàng, thì kẻ có cái hạnh phúc ấy đã xem thường, xem khinh, đến nỗi chàng “ Nếu một mai . . .”.
Quế làm sao diễn tả được tâm tình anh chàng ăn cắp vợ bạn bị bắt gặp: sượng sùng, bối rối, trơ trẽn, lưu manh . . .
Quế làm sao diễn tả nổi tâm lý người đàn bà, yêu danh giá, địa vị, tiền bạc, giàu sang của chồng,và cũng yêu cả những anh chàng trai khỏe mạnh khác ngoài chồng ra! Quế làm sao diễn tả nổi cái dáng điệu bẽn lẽn ngượng ngùng của người vợ lúc cắp tay tình nhân, vội vàng ra cửa. Cái bộ mặt vừa tức vừa lo. Tức vì thấy chồng đi với ai khác, và lo vỡ mất nồi gạo, lo nghĩ cách cắt nghĩa cho trôi để lừa người chồng vẫn dễ lừa xưa nay, lo nghĩ mưu “ phản công”. Chao ơi, thật là ngổn ngang trăm mối ! . . .
Không, nhất định là Quế không thể nào tả nổi đến mức ấy. Quế không tả được tất cả cái mầu nhiệm, bao la, hy sinh, cao quí của tình yêu đẹp đẽ tưởng tượng, mà nàng cũng không tả được cái tình yêu ích kỷ, giả dối, nhỏ mọn, bần tiện của sự thực. Quế đành phải nhìn nhận là ngòi bút non nớt chưa chiều được ý muốn của mình. Quế tự bảo:
- Hay là mình viết một truyện ngắn hay nhì vậy?
Quế mỉm cười vì thấy cái tên ngộ nghĩnh. Nhưng đã thế thì đề tài cũng phải thay đổi hẳn mới được. Ừ, thiếu gì chuyện đáng viết, mà phải viết những cái chuyện tình nhảm nhí ấy.
Quế nghĩ đến những cảnh thiên nhiên nàng đã trải qua, nghĩ đến đèo núi chập chùng, trời bể bao la, Đèo Hải Vân hùng tráng,Vạn Lý Trường Thành vĩ đại, Kim Tự Tháp uy nghi . . . Nhưng một lần nữa, Quế lại thất vọng. Quế thấy mình không thể diễn tả được cái mầu nhiệm của vũ trụ, uy nghi của núi sông, hùng tráng bao la của trời bể. Quế không tả được những cảm xúc đang dào dạt ngay chính trong lòng nàng.
Quế tự cười thầm mình:” ngay chính cảm giác của mình cũng không tả được, còn đòi tả cảm giác của người khác, thật là điên cuồng!” Nhưng có lẽ nào lại hạ xuống một lần nữa, thành “ Một truyện ngắn hay ba”? Tên nghe không thuận tai, mà ba cũng có nghĩa là hạng bét nữa. Nếu Quế phải đem hết tâm trí ra, chỉ để viết một truyện ngắn hay hạng bét, thì cũng nên quăng bút về vườn trồng rau, nuôi gà xin hai chữ bình an!
Quế hết nhìn giấy lại nhìn bút. Nàng phải viết, vì theo Quế, đã định viết mà trốn chạy là có lỗi với giấy với bút. Nhưng, chỉ mới viết được mấy dòng, Quế đã mệt mỏi quá gục đầu xuống bàn ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Lúc Quế tỉnh dậy, trời đã gần sáng. Ngọn đèn đêm vẫn còn soi màu lục non êm dịu trên đầu giường. Cái bàn nhôm nhẹ vẫn còn kê ngang trên mình. Quế nhìn trang giấy trắng tinh trên bàn, ngoài đầu đề “Một truyện ngắn hay nhất”, chỉ có mấy dòng : “ Nếu em chết trước, em sẽ phù hộ anh”. Thì ra, Quế đã viết câu Quế định cho “ nàng” nói với “chàng” lúc hai người từ giã nhau.
Linh Bảo 1959