Mỹ Phượng dừng xe trước công ty “Dac Jin System”. Đó là một ngồi nhà tư nhân cho thuê. không rộng lắm vì hoạt động của công ty rất gọn. Cô đã theo Duy đi tìm suốt cả tháng mới chọn được chỗ này. Duy rất hài lòng và ráo riết làm thủ tục thành lập công ty. Những kỹ sư anh mời về đều là bạn bè. Điều làm Mỹ Phượng thất vọng là tất cả nhân viên chỉ có bốn người. Cộng với Duy vừa là giám đốc, vừa làm nhân viên là 5.
Mỹ Phượng chán lắm, nhưng không muốn nói ra. Cô cứ tưởng một công ty thì phải đồ sộ và phải có nhân viên tấp nập ra vào. Ít nhất khi cô đến cũng phải có người để sai vặt. Thế mà ở đây… bốn người bên máy vi tính, họ làm việc chăm chú nên không để ý đến cô. Lịch sự nhất là gật đầu chào. Làm bà giám đốc kiểu này chán ơi là chán. Cô tơ tưởng về hình ảnh một bà chủ nhà hàng, có thể lượn lờ trước những cặp mắt chiêm ngưỡng, được nhiều người biết đến. Còn ở công ty này, cô chỉ là chiếc bóng.
Có lần cô bảo với Duy công ty gì mà nhỏ xíu thì anh cười:
- Nhìn như vây nhưng hiệu quả của nó lớn lắm em. Chương trình bọn anh lập ra có thể điều khiển cả hệ thống hoạt động của một công ty. Giống như bộ não điều khiển hoạt động trên cơ thể con người vậy, em hiểu không?
- Nhưng suốt ngày cứ ngồi một chỗ, chán thấy mồ!
Duy kiên nhẫn giải thích cho Mỹ Phượng. Cô nghe một cách lờ mờ. Cô chẳng hiểu gì về máy móc, không hình dung công việc ra sao. Nhưng nghe Duy bảo mỗi hợp đồng anh có thể kiếm được hàng chục ngàn đô thì cô mê lắm. Có một người yêu như anh thật tuyệt vời.
Cô thấy mình quá hạnh phúc và cô cùng hãnh diện về điều đó. Duy toàn diện, Duy tuyệt vời… chẳng có gì để cô thất vọng. Chỉ phiền một điều bên anh còn có Như Hạnh.
Mỹ Phượng dắt xe vào sân. rồi đẩy nhẹ cửa kính. không khí mát lạnh trong phòng tương phản với ức cái nóng nực bên ngoài làm cô thấy dễ chịu. Tạo một vẻ mặt nghiêm trang, cô đứng tựa bên bàn giám đốc, khoanh tay nhìn một nhân viên gần đó, cô hỏi:
- Giám đốc đâu?
Tay vẫn mải miết gõ trên bàn phím và mắt nhìn lên màn hình, anh trả lời ngắn gọn:
- Chưa thấy vô.
- Vậy hả? Biết chừng nào ảnh vô không?
Ném cho Mỹ Phượng một cái nhìn không thiện cảm, anh nhân viên nhùn vai:
- Không biết.
Mỹ Phượng thấy khó chịu vì cách trả lời “trịch thượng” của anh ta. Cô lườm anh một cái rồi ngồi vào ghế xoay xoay hết bên này đến bên kia. Tay nhịp trên thành ghế, cô ngả người trong tư thế nửa nằm nửa ngồi đầy vẻ uy quyền.
Chờ khá lâu mới thấy Duy đến, Mỹ Phượng đứng dậy nũng nịu:
- Mấy hôm nay anh đâu mất à! Không ai đưa em đi chơi hết, em buồn thấy mồ luôn.
Duy ngạc nhiên nhìn Mỹ Phượng. Anh không hiểu cô đang ở tâm trạng hưng phấn, tậm trạng của một cô người yêu bé nhỏ nhõng nhẽo để được chiều chuộng, nhất là được làm người yêu của một giám đốc. Cô đang muốn chứng tỏ ảnh hưởng của mình với các nhân viên trong công ty.
Duy hơi bối rối vì vẻ ngả ngớn của Mỹ Phượng. Cách nhõng nhẽo của cô có vẻ thiếu tự nhiên. Anh chưa từng thấy cô như vậy bao giờ. Và trước mấy cặp mắt ngầm quan sát, anh lúng túng thật sự.
Hạ giọng chỉ vừa đủ Mỹ Phượng nghe, Duy nói như năn nỉ:
- Anh đang bận lắm, chiều anh đến em. Giờ em về nhà đi. Nghe anh đi cưng.
Mỹ Phượng giậm chân:
- Khô…ông… Đưa em đi chơi bây giờ hà.
Thoáng thấy nụ cười châm biếm trên môi Thắng, Duy hơi quê:
- Thôi được, chờ anh chút.
Duy cất bản hợp đồng mới ký vào ngăn tủ, khóa lại rồi đưa Mỹ Phượng ra cửa. Anh muốn Mỹ Phượng rời khỏi đây nên đành chiều ý cô, chứ thực ra Duy đang nôn nóng vì công việc. Từ lúc lập công ty đến giờ, Mỹ Phượng thay đổi lạ lùng. Trước đây cô có một vẻ dịu dàng, đài các và bình đẳng kiểu trang lứa với anh. Bây giờ thì khác, Duy thường bị lúng túng vì cách cô vòi vĩnh, bé bỏng… Mọi cử chỉ đều giả tạo, chói tai và rõ ràng là không hợp với cô. Mỹ Phượng làm vậy để làm gì kia chứ?
Ra ngoài đường, Duy kiên nhẫn giải thích:
- Mấy hôm nay anh rối lắm. Hợp đồng này sắp đến ngày giao mà chưa xong phần cuối…
Mỹ Phượng ngắt lời:
- Tại mấy nhân viên bê bối chứ gì, để em rầy họ!
- Đừng nghĩ vậy Phượng, toàn bạn bè anh. Em làm vậy sao được? Và cũng phải thấy đó là lỗi của mình, em hiểu không?
- Hiểu gì?
- Em quên rồi sao? Lúc bắt đầu lo giấy tờ, thì bạn anh giật giùm hợp đồng này. Anh xoay xở chỉ kịp nửa thời gian để bạn anh bắt đầu lập chương trình, trễ là đúng rồi.
- Vậy hả?
- Vả lại, anh vừa tìm được hợp đồng mới, phải ráo riết làm cho xong cái cũ. Nếu quá hẹn, mình mất uy tín, em biết không?
- Xì! Trễ hẹn vài ngày thì đã sao. Bỏ em một mình, anh không sợ hả? Em với họ, anh coi trọng ai hơn.
Duy không trả lời. Anh cảm thấy chán nản. Mỹ Phượng chằng bao giờ chịu hiểu anh, cũng không quan tâm đến việc của công ty. Cô chỉ nghĩ mình có quyền hành đối với nhân viên, cả quyền điều khiển Duy, vì mẹ cô đã bỏ vốn cho anh. Duy cảm thấy tự ái trước suy nghĩ của cô. Anh phải đè nén cảm giác đó, vì bây giờ anh chưa đủ sức trả tiền cho bà Diễm.
Việc mở công ty, anh làm một cách lẳng lặng, gia đình chẳng ai biết. Anh muốn khi thành công mới công bố với mọi người. Lúc ấy ba mẹ sẽ không hoài nghi về khả năng của anh nữa. Tính Duy tự ái ngút trời. Hai lần xin tiến bị từ chối, anh dứt khoát đi làm và không xin tiền ba me, cũng không nhận khi ba anh đề nghị giao cho anh cơ sở đại lý bột mì. Anh thích làm theo mình. Bây giờ va vào sự khống chế của bà Diễm, anh bực mình nhưng chỉ biết chịu đựng. Mỹ Phượng chẳng những không thông cảm mà còn đồng tình với mẹ. Duy thấy phiền khi phải gặp cô và chỉ biết cố làm gom tiền trả bà Diễm.
- Nãy giờ anh nghĩ gì vậy?
- Không!
Duy quay ra phía sau:
- Em muốn đi đâu?
- Đưa em đi ăn, rồi vào shop. Biết tính em mà còn hỏi.
- Gần mười giờ rồi àm em chưa ăn gì à?
Mỹ Phượng đỏng đảnh:
- Em ngủ mới dậy và đến tìm anh đó.
Duy thờ dài tìm một nhà hàng nào đó trên đường. Vừa ngừng xe, anh đã thấy Như Hạnh trong quầy sách kế bên. Cô khoác giỏ trên vai, lững thững đi ngắm các quyển sách trên kệ. Mắt cô chợt nhìn ra đường. Thấy Duy và Mỹ Phượng, cô vội quay chỗ khác như tránh né.
Đưa Mỹ Phượng về nhà thì đã hơn mười hai giờ. Duy mệt mỏi đi về nhà, anh nằm dài ra giường với cảm giác phiền muộn.
Ở phòng đối diện, Hưng và Như Hạnh vô tình nói cười lớn. Tiếng cười giòn tan của Như Hạnh làm Duy thấy thần kinh bớt căng thẳng. Rồi tiếng cô hơi lớn… Hình như cô đang cãi với Hưng chuyện gì đó. Duy im lặng nghe. Anh bỗng muốn Như Hạnh cũng cãi cọ, hờn giận rồi làm hòa với anh. Việc cô tránh né anh như người lạ bây giờ làm Duy thấy nặng nề. Anh bỗng nhận ra mình cô đơn quá.
Nhưng còn công việc? Duy không có thời giờ để phân tích tâm trạng mình nữa. Anh ngồi dậy mặc áo. Và không ăn cơm, anh rời nhà đi thẳng đến công ty.
Thật khuya, Duy mới về nhà. Mọi người đã về phòng mình. Phòng Như Hạnh đèn còn sáng, cửa chỉ hơi khép, Duy gõ nhẹ.
Như Hạnh bước ra mở cửa, và cô có vẻ ngạc nhiên khi thấy Duy. Cô im lặng mở rộng cửa, Duy bước vào:
- Hạnh học bài khuya vậy?
Vẫn không trả lời, cô kéo ghế về phía anh. Anh ngồi xuống. Bỗng thấy khó mà mở lời trước một thái độ khép kín, anh ngồi im. Hai tay vô tình gõ nhịp trên mặt bàn. Anh lặng lẽ nhìn cô.
Như Hạnh nhìn tránh ra cửa. Cô muốn biết Duy vào phòng cô để làm gì nhưng không muốn hỏi, rồi anh sẽ tự nói.
Im lặng mãi, cuối cùng Duy lên tiếng:
- Anh định nhờ Hạnh một chuyện, tương đối hợp với khả năng của Hạnh. Em nhận lời giúp anh không?
Như Hạnh lưỡng lự như suy nghĩ. Cuối cùng cô gật đầu. Duy nhìn cô một cách trìu mến:
- Anh nói để em nắm sơ về công việc nhé. Đại khái là Đài Loan, họ sắp mở một ngân hàng ở đây. Họ cần một chương trình về quản lý nhân sự. Phải khó khăn lắm anh mới giành được hợp đồng này. Mà anh thì chưa từng đi xâm nhập thực tế về quản lý ở mấy ngân hàng bao giờ. Em làm chuyện đó giùm anh, được không Hạnh? Chủ yếu là em có hình dung được không?
Như Hạnh có vẻ ngạc nhiên:
- Em nghĩ là… Với một hợp đồng lớn như vậy, một mình anh làm sao…
Duy khoát tay:
- Không phải một mình anh. Anh nhận hợp đồng với danh nghĩa của một công ty, và có hẳn các kỹ sư chuyên viết phần mềm cho ngân hàng.
Thấy Như Hạnh mở lớn mắt nhìn mình, Duy vội giải thích:
- Thật ra, anh đã lập công ty cách đây hai tháng. Chuyện này chỉ có em biết thôi nghe Hạnh.
Cô ngập ngừng:
- Anh giấu ở nhà, vậy tiền đâu anh…
Cô im bặt, vừa đủ thông minh để đoán ra. Nhưng cô không muốn nhắc đến tên Mỹ Phượng hay bà Diễm trước mặt Duy. Cô giận run khi anh dám đề nghị một việc như vậy. Anh muốn cô phải giúp đỡ công việc của anh và Mỹ Phượng sao?
Môi Như Hạnh run lên:
- Anh nghĩ gì khi đề nghị tôi làm việc đó vậy? Trong khi anh thừa biết… các người…
Duy đứng dậy, đến trước mặt cô, xoa đầu cô như một đứa trẻ:
- Đừng giận anh Hạnh. Anh biết làm vậy là xúc phạm em, nhưng anh hoàn toàn không có ý đó. Lúc này anh đang rối, rối đến mức… Hạnh không hình dung được đâu. Anh cần có một người hiểu và đủ khả năng giúp anh. Anh nhờ Hạnh như nhờ một cô gái anh tin tưởng, chỉ có vậy thôi. Thông cảm cho anh.
Như Hạnh cũng đứng dậy, lách người chỗ khác. Cô dựa vào tường nhìn Duy giận dữ:
- Đề nghị anh ra khỏi phòng tôi. Tôi không muốn dính líu tới mấy người, không bao giờ.
- Hạnh! Nghe anh nói nè…
Cô gần như hét lên:
- Anh đi ra đi!
Duy thở hắt ra:
- Thôi được, xem như anh chỉ có một mình.
Anh đi ra cửa, chợt đứng lại quay mặt nhìn cô:
- Chúc Hạnh ngủ ngon! Anh xin lỗi vì đã vào làm phiền em.
Như Hạnh vẫn đứng dựa tường, không trả lời. Đợi Duy đi hẳn rồi, cô ngồi xuống giường đấm thình thịch vào gối. Hết dì Ngân rồi đến Duy, lúc nào cũng bắt cô phải dính líu đến Mỹ Phượng, trong khi cô cố tìm cách quên mẹ con họ để lòng mình thanh thản. Mọi người ác lắm. Trong nhà này, ai cũng thương cô, nhưng hiểu cô thì chỉ có mình Hưng. Với hắn, cô có thể nói hết mọi ngõ ngách trong lòng. Trong khi dì Ngân và Duy luôn làm khổ cô.
Tức đến không ngủ được. Cô ngồi im trên giường với cơn ấm ức… Thật lâu cô mới đứng dậy đến bàn xếp tập vở, cô tắt đèn học, bật đèn ngủ và thay áo nằm xuống giường.
Khi cơn tức lắng xuống, Như Hạnh thấy tội nghiệp Duy. Cô nhớ như in khuôn mặt anh lúc nãy. Giọng nói trầm trầm buồn buồn, nét buồn đó cũng phảng phất trên mặt… "Anh cần có người hiểu và đủ khả năng giúp anh… anh đang rối…"
Như Hạnh ngồi dậy ôm gối vào lòng, suy nghĩ thật lâu. Thật ra, công việc Duy yêu cầu đâu phải là đơn giản đối với cô. Anh cứ nghĩ cô là phóng viên thì có thể xông vào bất cứ nơi đâu. Biết vậy, nhưng viết một bài phỏng vấn về quản lý nhân sự của hệ thống ngân hàng thì… cô đã vững vàng trong nghề đâu.
Lúc này Duy đang cần cô. Từ chối anh không hiểu sao cô thấy áy náy, không lẽ cô ác đến vậy?
Khẽ thở dài, cô lại nằm xuống vùi mặt vào gối… và ngủ ngon lành.
Hôm sau, Như Hạnh bắt Kha cũng bỏ học, để đưa cô đến các ngân hàng trong thành phố:
- Em muốn viết thử một bài phòng sự về quản lý nhân sự. Giấy giới thiệu của khoa, em có rồi. Đi với em!
Cô nói như vậy khi thấy anh thắc mắc. Quả nhiên Kha trợn mắt:
- Chà! Không đơn giản đâu nghe. Chuyện này phải để mấy nhà báo chuyên nghiệp.
- Nhưng không lẽ nhị ca không giúp em được? Hai người cùng viết thì vẫn hơn.
- Ừ, thì viết. Không hiểu sao tự dưng Hạnh nghĩ ra được chuyện này. Muốn lấy tiếng hay lấy nhuận bút?
- Lấy… cả hai. – Như Hạnh nheo mắt trả lời.
Cả một ngày cô và Kha đến các ngân hàng, hỏi tỉ mỉ và ghi cả gần nửa quyển tập. Về nhà, cô chui vào phòng tập họp lại các tư liệu một cách hệ thống hơn. Khi viết xong thì đã hơn mười một giờ khuya. Cô không hiểu thế này đã đúng yêu cầu chưa, nhưng viết tỉ mỉ hơn thì cô không biết gì để viết nữa.
Như Hạnh qua phòng Duy gõ nhẹ cửa. Đợi mãi không thấy anh ra, cô hé cửa nhìn vào. Duy đang ngồi trước máy vi tính chăm chú làm việc. Cô khẽ lên tiếng:
- Anh Duy!
Duy quay ra. Anh có vẻ ngạc nhiên thấy cô tìm mình:
- Có gì vậy Hạnh? Em vô đây.
Như Hạnh lẳng lặng đưa anh tờ giấy cuộn tròn:
- Cái này là tư liệu anh tìm. Anh cứ đọc xem, có thể em viết chưa hoàn chỉnh lắm.
Duy nhìn Như Hạnh không chớp. Anh như không tin cái điều vừa nghe:
- Sao em làm nhanh vậy? Anh cám ơn em nhiều lắm Hạnh.
- Không có chi.
Cô định đi ra, nhưng Duy như muốn cô ở lại:
- Hạnh buồn ngủ chưa?
- Anh cần gì nữa?
- Không, anh chỉ muốn em xem cho biết công việc của anh thôi.
Nghĩ rằng anh cần nhờ gì nữa, Như Hạnh im lặng ngồi xuống chiếc ghế cạnh Duy, lặng lẽ nhìn màn hình.
- Em biết sử dụng vi tính không?
- Biết, em có học.
- Trường dạy em à?
- Không, em theo lớp trung cấp ở ngoài.
Duy nghiêng người nhìn vào mặt cô:
- Em học chi vậy? Để đi làm hả?
- Không, tại thích nên em học. Em thích biết nhiều thứ.
- Xong hợp đồng này, anh rảnh rỗi chút ít. Anh sẽ dạy Hạnh học lập chương trình phần mềm, em chịu không?
Như Hạnh gật đầu. Duy hài lòng khi thấy mặt cô tươi lên. Anh rất thích dạy cô học ngành này. Biết đâu sau này, cô sẽ sử dụng đến nó, biết nhiều chỉ có lợi cho mình mà thôi.
Duy che miệng ngáp, cảm thấy lờ đờ mệt. Cô tò mò nhìn Duy:
- Đêm nào anh cũng làm khuya à?
- Tại công việc gấp nên anh đem về nhà làm. Lúc trước, anh ngủ tại công ty luôn.
- Vậy hả?
Sao cô không biết chuyện đó nhỉ? Ờ, có quan tâm đâu mà biết. Như Hạnh đứng dậy:
- Em đi ngủ nha, em buồn ngủ lắm.
Thấy ly và phê vơi phân nửa đặt trên bàn, cô nhìn anh như tội nghiệp:
- Anh Duy đừng nên thức khuya quá.
Cô chợt ngập ngừng:
- Mai mốt, công việc nhiều quá, em sẽ phụ giúp anh, em không từ chối đâu.
- Thật chứ Hạnh?
Duy quay cả người lại. Vô tình anh nắm tay cô:
- Em vị tha lắm Hạnh. Em tốt đúng như anh nghĩ.
Như Hạnh đỏ mặt, rụt tay lại:
- Em mà tốt gì?
Nói xong, cô chạy ào ra cửa. Cô cũng không hiểu tại sao mình lại hứa hẹn như vậy. Có lẽ vì thấy Duy cực quá. Như hạnh không biết mình có hối hận không? Trong cô là tình cảm vừa ghét vừa thương. Đáng lẽ những việc như vậy là của Mỹ Phượng. Bất giác, cô thấy ghét cay ghét đắng Duy. Mai mốt đừng mong nhờ cô làm gì cả, không có lần thứ hai đâu.
Mấy ngày sau đó, Như Hạnh tiếp tục tránh mặt Duy. Tối, cô tắt đèn thật sớm để anh đừng gõ cửa. Vậy nhưng, có lúc thức giấc nửa đêm, cô lại rón rén đi đến phòng Duy, mở hé cửa nhìn, or ra phía ban công xem ánh đèn có hắt ra không. Nếu Duy là Hưng, chắc chắn cô sẽ cùng thức làm với hắn, không cần hắn phải bảo gì cả.
Mấy hôm nay, Duy ở nhà nhiều hơn. Anh có vẻ không bận bịu như trước nữa. Buổi tối đợi mọi người về phòng riêng, anh lại đến phòng Như Hạnh:
- Hạnh buồn ngủ chưa, qua anh dạy cho. Hôm trước, anh em mình định làm gì, Hạnh nhớ không?
Như Hạnh miễn cưỡng gật dầu:
- Nhớ.
- Vậy thì qua phòng anh đi.
Lững thững đi theo Duy mà trong bụng cô cứ mam mác một cảm giác bực mình. Cô thấy mình đang thân thiết với anh, điều đó làm cô vui mà cũng cô cưỡng lại. Đến tận lúc ngồi vào máy, cô cũng còn vương vấn ý nghĩ bỏ về phòng.
Duy phải lờ như không thấy cử chỉ chống đối yếu ớt của Như Hạnh. Anh hiểu cô đang nghĩ gì, nhưng điềm nhiên như không biết. Như Hạnh cũng không biết anh cố tình áp đặt cô phải học. Cũng không thấy nụ cười cố giấu của anh khi môi cô cong lên một mầm mống muốn phản kháng.
Duy kéo ghế ngồi xuống cạnh cô:
- Bắt đầu nghe! Em có hình dung công việc “lập chương trình” là sao không?
Anh im lặng nhình Như Hạnh đang nheo mắt suy nghĩ.
- Cũng giống như dì Ngân dạy em nấu ăn vậy. Dì Ngân dạy em cách nấu nướng, khi em biết rồi, nếu muốn ăn món gì, anh cứ ra một lệnh, tự em sẽ làm.
Thấy Duy cười cười, cô bẽn lẽn:
- Em nói có đúng không?
- Em có cách tưởng tượng ngộ nghĩnh quá!
- Sai hả?
- Không, không hề sai.
Như Hạnh vô tình quýt dài:
- Nếu em có nói bậy cũng ráng làm thinh đấy nhé. Chê là em không học đâu. Và nhớ là phải khen cho nhiều vào!
Cử chỉ trẻ con của cô làm Duy thấy vui vui. Anh bỗng nhận ra ở bên cô thật dễ chịu và hưng phấn. Duy liên tưởng tới Mỹ Phượng, bất giác anh khẽ thở dài.
Duy trở về công ty. Anh định nằm nghỉ một chút rồi ngồi vào máy, thì chợt nhận ra chỗ của Thắng còn bỏ trống. Đưa mắt nhìn Vĩnh, Duy định hỏi thì anh ta nhún vai:
- Nghỉ rồi.
Duy choáng váng:
- Sao vậy?
- Gây với bà Phượng rồi nghỉ.
- Ủa! Mỹ Phượng tới đây lúc nào mà gây?
- Trưa hôm qua. không, gần xế chiều. Tụi tao có can mà hai người găng quá… đành chờ mày vô giải quyết.
Duy bực tức đấm mạnh tay xuống bàn. Bản hợp đồng với ngân hàng Đài Loan ký kết trong trong sáu tháng. Mất trắng gần tháng để lo thủ tục, cộng với những trở ngại linh tinh khác, anh lo sốt cả người vì sợ trễ hợp đồng. Giờ Thắng lại nghỉ ngang, anh biết tìm đâu ra người thay thế đây?
Đăng báo tuyển thì lâu quá. Thật ra kỹ sư vi tính không thiếu, nhưng tìm một chuyên viên giỏi về viết phần mềm cho ngân hàng không phải là đơn giản.
Duy chống tay trên bàn, vò vò tóc. Anh cố nhớ những người bạn cũ đã cùng trường nhưng nhớ không ra. Vĩnh liếc nhìn Duy:
- Mày nghĩ gì vậy?
- Mày ráng nhớ xem, lớp mình còn thằng nào không?
- Tụi nó đi làm hết rồi. Tìm kiếm ngang như vậy, dễ gì gặp.
Hạo ngồi ở cuối phòng, chợt lên tiếng:
- Tao có thằng bạn cũ, hôm nọ uống cà phê gặp, nó than về sếp của công ty nó quá trời. Nó đinh “bay” đó, hay là mình kéo nó về Duy?
Duy đứng dậy đi về phía Hạo:
- Lương nó bao nhiêu? Có giỏi không?
- Ba triệu. Bảo đảm tay nghề… cỡ mày.
Anh búng tay:
- Ok.
Hạo đứng dậy đi về phía bàn giám đốc:
- Đợi chi cho lâu, tao gọi điện hỏi nó coi.
Hạo nói chuyện khá lâu, rồi quay lại phái Duy nhún vai:
- Thằng bạn nó bảo nó quay qua công ty khác rồi. Nó có cho tao điện thoại, nhưng gọi làm quái gì nữa.
Duy lắc đầu:
- Vậy thì thôi.
Anh chống tay cạnh bàn, trầm ngâm suy nghĩ. Hạo chợt lên tiếng:
- Mãy nghĩ làm quái gì cho mệt óc. Ba đưa tao sẽ làm thêm giờ cho mày. Vậy là xong!
Duy nhún vai:
- Mày nói làm thêm giờ nào? Thức suốt đêm chắc? Tụi mày làm tới 10 giờ rồi còn gì.
- Thì tăng thêm 11 giờ, có sao đâu.
Duy thở dài:
- Ừ, tạm thời cứ vậy, sau sẽ tính.
Anh đến ngồi vào máy. Hạo chợt quay lại nhìn anh một cách nghiêm chỉnh:
- Chỗ bạn bè, tao nói thật nghe Duy. Mày nên góp ý với Mỹ Phượng. Tính cô ấy… hơi quá đáng. Tụi tao thì có thể nhịn, nhưng thằng Thắng nóng tính lắm. Để mày với nó xích mích vì Mỹ Phượng, tao thấy…
- Tao hiểu.
Nãy giờ Duy cố nén giận khi nghĩ đến Mỹ Phượng. Anh hiểu vì sao có chuyện này rồi. Hôm qua sinh nhật mẹ anh, Duy đã đưa Như Hạnh đi lấy ổ bánh, giữa đường gặp Mỹ Phượng. Cô tức điên lên khi gia đình anh có tiệc mà không mời cô, cả Duy cũng giấu cô. Đối với Mỹ Phượng, đó là cách gián tiếp nói rằng: Duy nặng tình cảm với gia đình hơn cô. Và để dằn mặt anh, cô đã đến công ty gây gổ đuổi Thắng để thị uy. Mỹ Phượng quá đáng lắm.
Cô chưa bao giờ quan tâm đếm công việc của anh, điều đó Duy có thể thông cảm. Nhưng cố tình gây khó khăn để khuất phục anh, thì không thể chấp nhận được.
Làm sao anh có thể để cô có mặt trong tối sinh nhật mẹ anh. Mọi người đều mất vui, thà anh giấu cô.
Duy gõ phím mà tâm trí cứ lộn xộn. Có tiếng chuông reo ờ bàn. Vĩnh bước tới nghe rồi đặt máy xuống nhìn Duy:
- Gọi mày.
Vài phút sau, anh gác máy ngồi thừ người xuống ghế:
- Bên Đài Loan họ đặt tiếp mình viết chương trình quản lý hàng xuất nhập khẩu. Từ chối thì không được… Chứ tình hình kiểu này, tao không muốn đi chút nào. Hết ham!
Hạo búng tay cái tách:
- Cứ đi, để tụi tao lo ở nhà cho. Mày đi giỏi lắm là một tuần chứ gì.
Chuông lại reng, Duy nhấc máy. Bên kia giọng Mỹ Phượng chua như giấm:
- Sao, sinh nhật vui không? Không có tôi, chắc bà già và con ranh kia vui lắm chứ gì?
Duy gằn giọng:
- Em để anh yên.
Anh gác máy, nhưng lập tức tiếng chuông lại reo phút sau đó. Mỹ Phượng hằn học:
- Bây giờ anh bắt đầu giở trò với tôi, phải không? Ai giúp nah mở công ty, ai cho tiền anh…
- Đủ rồi Phượng.
Duy bỏ máy xuống và không muốn bị gọi nữa anh đặt ống nghe xuống bàn. Mặt đỏ phừng phừng.
Bình thường, Duy rất trầm tĩnh, nhưng mọi việc rối tinh từ nãy giờ làm anh không thể dằn được nữa. Lần đầu tiên anh phản ứng gay gắt với Mỹ Phượng như vậy. Anh không hề thấy ân hận. Cô thật là quá đáng. Cố dằn tình cảm nóng giận. Duy ngồi vào máy bắt đầu làm việc. Nhưng chưa đầy nửa tiếng đã thấy Mỹ Phượng xuất hiện. Vẻ mặt cô làm mọi người nghĩ rằng cô sắp nuốt cả Duy lẫn các nhân viên. Cô nhìn Duy một cách dữ dội. Anh đứng dậy đi về phía cô:
- Em tới có chuyện gì?
Mỹ Phượng khoanh tay trước ngực, hất mặt đầy vẻ khiêu chiến:
- Anh trả lời về thái độ lúc nãy đi.
Duy cố nén giận, điềm tĩnh nhìn cô:
- Mình đi uống nước, em đừng làm ồn ở đây.
Mỹ Phượng như cố tình làm nư:
- Tôi không đi.
- Được, vậy thì ở đây nói chuyện. Em lại đây!
Vừa nói Duy vừa đi về phía bàn. Gây gổ trước mặt bạn bè chẳng hay ho gì. Nhưng nếu Mỹ Phượng làm ầm ngoài đường thì còn kỳ hơn thà là ở đây.
Vĩnh nháy mắt với Hạo và Kỳ, rồi đứng dậy:
- Tụi tao đi giải lao chút nghe Duy.
Còn lại hai người, Duy nghiêm nghị nhìn Mỹ Phượng:
- Bây giờ em nói đi. Em muốn gì vậy?
- Anh trả lời về thái độ lúc nãy đi. Cắt máy trước mũi tôi, coi thường tôi vậy hả?
- Anh không coi thường. Nhưng em có biết mình làm gì không?
- Tôi không cần biết. Sinh nhật mẹ anh, anh cũng giấu tôi, anh coi trọng gia đình anh hơn tôi… Khi thôi hỏi thì anh không thèm nghe. Anh cư xử vậy đó hả? Anh vô ơn lắm.
Duy lầm lì nhìn cô:
- Còn gì nữa không?
- Anh nhớ đi. Nhờ ai mà anh có được thế này? Ba mẹ anh có dám cho tiền anh không? Còn mẹ tôi thì không tiếc gì với anh hết. Tưởng sao, chưa thành công thì đã phủi ơn như pủi bụi. Anh tồi lắm!
- Em khoan vội ghán ghép. Hãy suy nghĩ kỹ điều mình nói đã, liệu em có kết luận đúng chưa?
- Tôi không cần biết. Chỉ biết anh coi tôi không ra gì, thậm chí nhà có tiệc anh cũng giấu tôi.
Giọng Duy từ tốn:
- Nhưng không phải vì vậy àm em đến đây đuổi việc nhân viên của anh. Đó cũng là bạn anh mà?
Mỹ Phượng câng câng mặt thách thức:
- Tôi đuổi đó, và có quyền đuổi cả cái công ty này kìa. Tiền này là của tôi mà. Anh với tôi, ai có quyền hơn?
Duy giận run, nhưng cố kiềm chế:
- Em nghĩ như vậy à? Có quá đáng không?
- Không. Hứ! Tưởng bỏ tiền ra giúp anh để anh vì tôi đuổi con Hạnh, ai ngờ anh chẳng biết điều như vậy. Lầm thế mới tức chứ.
Mắt Duy lóe lên một ánh kỳ lạ, nhưng anh vẫn điềm nhiên:
- Thì ra mục đích của em là vậy. Rất tiếc đến giờ anh mới biết.
- Biết thì sao? Anh muốn bỏ tôi chứ gì? Nói đại ra đi.
Duy im lặng nhìn ra cửa. Thấy ống nghe còn lăn lóc trên bàn, anh đặt trở lại máy. Chưa đầy năm phút đã nghe tiếng chuông reng, anh cầm máy lên:
- Alô, tôi nghe đây.
Tiếng bà Diễm hiền hòa:
- Duy hả cháu?
- Vâng.
- Bác đây. Có con Phượng đó không cháu?
- Dạ, Phượng đang ở đây. Để con gọi Phượng nói chuyện với bác.
- Thôi, không cần. Con bảo nó, bác mới về, nó về nhà gấp gặp bác nhé.
- Dạ, hay là để bác nói với Phượng.
Nói rồi, anh đưa ống nghe cho cô. Mỹ Phượng cầm lấy, mặt vẫn hầm hầm nghe. Cuối cùng cô buông máy đứng dậy.
- Tôi về.
Đứng dậy đưa cô ra cửa, thái độ Duy lịch sự hơn là quyến luyến. Mỹ Phượng chờ một câu an ủi or một lời từ biệt của anh, nhưng Duy vẫn lặng thinh. Cô nghe giận đến cay đắng.
Bà Duy đợi Mỹ Phượng ờ nhà. Bà nằm dài xuống salon, người như sạm đi vì nắng gió, mệt mỏi lẫn căng thẳng. Chuyến đòi nợ Ở Nông Pênh có hy vọng thành công. Bà đã gặp ông nhân tình cũ và dọa sẽ thưa với chính quyền về tội lừa gạt. Ông ta có hẹn sẽ trả phân nửa vào tháng sáu. Có nghĩa là bà sẽ phải lặn lội qua đó mấy lần nữa.
Về đến nhà không thấy Mỹ Phượng, người giúp việc kể với bà cô gọi điện gây gổ với Duy và có lẽ đã đến công ty tìm anh, bà vội gọi cô về ngay.
Mới vắng nhà một tuần mà Mỹ Phượng đã có chuyện. Bà Duy thấy bực bội vô cùng. Chẳng lẽ lúc nào bà cũng phải ở cạnh cô như đứa trẻ?
Vừa thấy Mỹ Phượng, bà xẵng giọng:
- Chuyện gì nữa đó?
Mỹ Phượng ngồi phịch xuống, kể một tràng.
Bà Duy tức ức gan, nhưng vẫn điềm nhiên:
- Tai thằng Duy biết mẹ nó không thích mày nên nó không nói. Kệ nó! Với lại sinh nhật của bả chứ có phải của nó đâu mà mày tức?
- Nhưng ảnh dám nói nặng với con như vậy, mẹ chịu nổi không? Trời ơi! Tức riết chắc con chết. Chịu hết nổi rồi.
- Chuyện chưa đến nỗi đâu. Nó bực cũng đúng, sao tự nhiên mày đuổi nhân viên của nó?
- Con muốn dằn mặt ảnh đó. Cho ảnh biết nếu chọc con giận, con cũng có thể phá nát cái công ty đó được.
Bà Duy thấy tức Duy thì ít, mà ghét bà Ngân và Như Hạnh thì nhiều. Đâu riêng gì Mỹ Phượng, bà cũng nghe tức tối tự ái. Nhưng là người quỷ quyệt khôn ngoan, bà tỉnh táo hơn cô.
Phải bảo Mỹ Phượng hạ mình như vậy, ruột bà cũng tím giận. Nhưng muốn giữ được Duy đành phải để cô nhẫn nhịn thôi. Bà tìm đâu ra chàng trai tốt hơn cho Mỹ Phượng chứ?
Bà không nghĩ đến việc gả cô cho Việt Kiều. Bởi vì những người đứng đắn, đâu ai dám mai mối. Còn đám bạn bát nháo của bà thì dám mà tin. Bà sợ bị lừa, sợ bị lợi dụng, sợ đủ thứ…
Có một quá khứ xấu xa như bà, được kết sui gia với gia đình nề nếp như bà Ngân, bà sẽ hãnh diện hơn.
Nhìn Mỹ Phượng như ra lệnh, bà nói ngắn gọn:
- Chiều nay, mày đến xin lỗi nó cho mẹ. Đừng hỏi nhiều nữa.
Bà đứng dậy, thấy vẻ cố chấp trên mặt Mỹ Phượng, bực tức bùng lên bà quát:
- Mày chỉ giỏi gây rắc rối. Vừa dữ vừa ngu, cãi tao rồi khổ thì ráng chịu.
Thật lạ! Mỹ Phượng không hề phản ứng. Cô ngả người ra ghế lẩm bẩm:
- Khốn nạn quá!
Buổi chiều, cô trang điểm thật đẹp, thật tỉ mỉ, tỉ mỉ đến làn môi khoé mắt. Cô đến công ty khi tan giờ làm.
Hình như Duy không có vẻ ngạc nhiên, khi cô đổi thái độ đột ngột. Thậm chí anh đã biết trước sự việc sẽ như thế.
Họ lại tìm đến nơi vắng vẻ. Lại là những lời xin lỗi mơn man trong từng lời nói, mơn man trong từng cử chỉ vuốt ve. Biết rằng mẹ con Mỹ Phượng sắp đặt trước, nhưng Duy vẫn mềm lòng tha thứ. Cô làm tất cả vì yêu anh, điều đó làm anh xúc động và rộng lượng hơn.