Tối thứ bảy của tuổi hai lăm
Nguyễn Anh Đào
Tối thứ bảy, vừa tan sở làm về đến nhà là chị tắt máy, tránh những ồn ào khói bụi, chị dành riêng tối thứ bảy cho mình, để làm những điều mình thích, chẳng là gì ghê gớm, chỉ vừa nằm ngậm ô mai vừa xem tivi, hay vừa đọc sách vừa cắn miếng xoài chua chấm muối ớt. Những phút hiếm hoi thanh thản ấy, đơn giản thế thôi mà chị phải cố gắng lắm mới tìm được.
Những ngay trong tuần chị luôn bị cuốn theo những cuộc hẹn sau giờ làm việc, hẹn với cô bạn gái nào đó đi mua sắm, hẹn vài người bạn ở công ty cũ uống cà phê, hẹn với khách hàng về một hợp đồng mới, hoặc hẹn với những người bạn để tìm một ý tưởng quảng cáo cho sản phẩm. Công việc cứ kéo lê chị từ sáng thứ hai cho đến hết thứ bảy mà chị không có cách nào dứt ra được.
Cái ngày chị chưa nghĩ ra mình sẽ tắt máy vào thứ bảy, chị luôn bực dọc ngay cả với bản thân mình, chị tưởng mình bất lực, chị stress. Sếp cho chị nghỉ một ngày, yêu cầu chị tắt điện thoại để đừng ai quấy rầy và chị ngủ một giấc cho thoải mái. Chị tắt máy và ngủ nướng được đến chín giờ sáng, bỗng thấy buồn, nôn nao nhớ cái ồn ào của công việc, chị đến nhà sách cũ, tìm mua những quyển truyện ngắn và những cuốn truyện tranh. Chị nằm lăn ra đọc cho đến chiều và ngủ tiếp đến sáng hôm sau. Chị bỗng thấy tiếc thời gian của một ngày bình yên trôi qua mau quá. Những trang sách thú vị nhiều hơn những ly cà phê. Chị hứa tư hôm nay, ít nhất chị phải dành một khoảng thơi gian nào đó cho riêng mình trong tuần. Và chị chọn từ chiều thứ 7 đến chiều chủ nhật. Tan lễ chiều là chị mở điện thoại lên để sếp dặn dò công tác ngày mai, một cách làm việc chạy đua với thời gian chứ không thể đợi vào cuộc họp sang thứ hai.
Hôm nay cũng vậy, về đến nhà chị tắt máy theo một thói quen, thói quen chờ đợi đến giây phút này. Dù chị biết, có để máy cũng chẳng còn ai gọi cho chị vào giờ này nữa, bởi người ta đã không liên lạc được với chị và tối thứ bảy cách đây hơn ba tháng rồi.
Hai mươi lăm tuổi, chồng cũng chưa mà người yêu cũng chưa. Bạn bè lo ngại với công suất làm việc như thế thì chị đến ế mất thôi. Mà kệ, chị cũng đã trải qua hai cuộc tình, cũng "đá" người ta một lần và thất tình một lần, cả hai đều buồn và đau như nhau.
Chị đóng kín cửa phòng, mặc bộ quần áo thoải mái nhất, bật đĩa Tuấn Ngọc, nhâm nhi gói me ngào vừa thỉnh vê từ siêu thị, chị lăn ra nệm, lười biếng lấy chân khoèo cuống sách trên giá xuống, chị đọc tiếp những trang còn dang dở đêm qua.
Chị vẫn còn rất đẹp, cái tuổi hai lăm không phải là cái tuổi quá lớn để tuổi xuân đi qua, nhưng tại sao không có người đàn ông nào đến được với chị? đơn giản vì chị không thích những vẻ giả tạo, khách sáo và lịch sự quá mức cần thiết của những người đàn ông đeo đuổi chị, chị thích uống nước sâm ở vỉa hè, thích ăn chè ở quán cóc hay ăn bún riêu chồm hổm ở một góc nào đó, thích dạo bộ cùng người yêu qua những con đường ngợp vàng hoa điệp hay những hàng me xanh mướt đến ngút tầm mắt. Nhưng hình như những người đàn ông bên chị không cho chị những thứ chị muốn, họ muốn thể hiện mình trong những quán ăn sang trọng, đắt tiền. Mắt họ không vui khi chị muốn dừng lại lề đường uống nước sâm, họ lắc đầu khi chị muốn ăn một que cá viên chiên... Tất cả? Ừ, hầu như tất cả, chỉ có một người là ngược lại, chính là gã ...nhà thơ. Gã nhà thơ luộm thuộm và... ở dơ nhất mà chị từng biết.
Nhưng gã cho chị tất cả những gì chị muốn, muốn ăn ở đâu, muốn uống gì, chị đều được đáp ứng. Người ta nói "con đường nhanh nhất đi đến tình yêu luôn đi qua ...dạ dày", nhưng chẳng hiểu sao chị không thấy yêu gã nhà thơ này được, phải chăng chị còn cần điều gì khác nữa? Có thể chứ, đó còn là tìm thấy niềm tin trong sự vững chải của người đàn ông mà mình sẽ lấy.
Tuổi càng cao, tiêu chuẩn chọn người yêu luôn tỉ lệ nghịch với những "vệ tinh" xoay quanh mình, khi chị nghĩ đến những điều kiện "cần" và "đủ" để chọn một người đàn ông như thế nào thì thấy quanh mình vắng vẻ, không còn người đàn ông nào đeo đuổi như ngày chị mười chín hay hai mươi tuổi.
Chị nằm nhớ năm mình hai mươi tuổi, xung quanh mình có gần cả chục người săn đón cùng một lúc, đủ thành phần, đủ cá tính; con nhà giàu, học giỏi, galăng có, con nhà nghèo vượt khó có, đẹp trai lãng tử có, mà ... khùng khùng điên điên cũng có. Nhiều đến nỗi chị không biết chọn ai, không biết phải đối xử với từng người thế nào cho phải phép lịch sự, rồi cũng chẳng hiểu vì sao chị chọn Vỹ. Là một sinh viên Kinh Tế, cùng quê, không đẹp trai, không giàu có, không lãng mạn cũng chẳng ga lăng, tự nhiên một hôm chị thấy Vỹ có cái gì đó hay hay mà không rõ là cái gì, thế là chị dành cho Vỹ những cuộc hẹn, dành nhiều cho Vy những ưu ái... Rồi mạnh dạn nắm lấy bàn tay ướt rượt mồ hôi của Vỹ, mà sau này Vỹ mới nói cho chị biết là lúc ấy căng thẳng quá nên àn tay mới ra mồ hôi nhiều như thế. Chị bật cười, tự dưng vị thế đổi ngược hoàn toàn, đáng lý ra cái nắm tay đầu tiên ấy Vỹ phải chủ động, người run sợ và căng thẳng phải chính là chị mới đúng chứ.
Sau đó, Vỹ yên lặng đi bên cạnh chị, hết ngày này sang ngày khác, hết năm này sang năm khác, đi bên cạnh một cách tự nguyện, không đòi hỏi. Lúc nào cũng tạo cho chị một con đường không có chút gì vướng bận, con đường của chị là con đường đẹp, không có một chút chướng ngại vật. Lâu dần, chị thấy Vỹ như một chiếc bóng, một chiếc bóng lặng lẽ đi bên cuộc đời chị, chiếc bóng không làm cho tình yêu có màu sắc, vì sẽ không có chút giận hờn, không có tranh luận, không có mâu thuẫn, Vỹ quá thụ động trong tất cả các tình huống... Chị chán!
Chuyện chị chán một người yêu hiền lành làm cho đám bạn bè sửng sốt, vì họ quen nhìn thấy hai người luôn đi cùng nhau, luôn nhìn thấy Vỹ làm mọi điều tốt cho chị, không bao giờ chọc ghẹo các cô gái khác. Trong khi các ban của chị có những chàng trai lăng nhăng, suốt ngày chỉ khóc lóc vì ghen tuông. Còn chị, tuyệt nhiên không biết khóc vì Vỹ là gì?
Vậy thôi mà chia tay, đúng sau ba năm yêu nhau. Chị nhớ mãi ánh mắt Vỹ lúc đó, ánh mắt ngạc nhiên, trân trối và khó hiểu. Nhưng kỳ lạ là anh vẫn chiều theo chị, chiều một cách ngu ngốc. Chị nghĩ, giá như lúc ấy anh níu kéo chị, anh hỏi chị tại sao hoặc ví như Vỹ làm một điều gì đó hứa hẹn rằng Vỹ không thụ động nữa, thì có thể mọi chuyện đã khác, có thể chị đã lại yếu lòng cho Vỹ làm chiếc bóng của mình thêm một thời gian nữa hay vĩnh viễn cũng không chừng. Vậy mà...
Đó là năm hai mươi ba tuổi, sau đó không lâu chị lại quen mot người khác. Nhưng vài tháng thì chị phát hiện anh ta quen một lúc đến vài người, chị nói điều ấy thì anh ta một đi không trở lại. Chị cay đắng nghĩ chắc là "quả báo" cho mình đây.
Và năm đó, chị tốt nghiệp đại học rồi lao đầu vào công việc cho tới bây giờ, không hẹn hò bất cứ chàng trai nào dù quanh năm chị bận rộn bởi những cuộc hẹn.
Gã nhà thơ bảo chị, làm ơn mở điện thoại lên đi, vì đó là cơ hội giải thoát cho chị khỏi cô đơn vào cuối tuần, không người đàn ông thành đạt nào lại đủ thời gian hẹn hò vào những ngày khác trong tuần. Chị mỉm cười, vì chị đâu cần, và chị cũng không thấy cô đơn nữa. Chị tắt điện thoại là để tìm sự yên tĩnh kia mà, chị thiếu gì những cuộc hẹn. Gã nhà thơ gãi đầu cười trừ. Rồi gã nhìn chị, nhìn say đắm, gã mơ màng "này, sao không yêu anh đi nhỏ? Anh yêu nhỏ từ khi nào nhỉ? Hình như là yêu từ khi trái đất chưa tròn!", chị giả vờ chắp tay xá "làm ơn đi, lạy thánh Ala, lạy luôn Bồ tát cho gã này tỉnh lại dùm con, gã mà vớ phải con gã sẽ phải đi về địa ngục..."
Kết thúc những lần hẹn với những câu nói khùng điên ấy rồi về ngủ. Chị vẫn muốn cuối tuần là ngày dành cho riêng mình.
Rồi một hôm, sếp bảo chị "anh nghĩ thỉnh thoảng em cũng nên mở điện thoại lên đi, vào ngày nghỉ ấy... Có lúc anh muốn hỏi em cuối tuần có vui không mà ... không liên lạc được, anh nghĩ em cho em cơ hoi cũng như là người khác một cơ hội mới được rồi...". Chị trố mắt nhìn sếp, sếp oai phong lắm mà, sao hôm nay sếp cứ ấp úng như gà mắc tóc ấy, cái chuyện tắt điện thoại là của sếp bày cho em chứ ai.
Vài tuần sau, trưa thứ bảy sếp đã vội vã nhắn tin "anh thèm ăn cá viên chiên với tương ớt bán dưới chân cầu Thủ Thiêm, tối nay ra đó ăn nhé!". Chị ngần ngừ một lúc rồi trả lời "đến trước 7 giờ, sau giờ ấy con nhỏ bán cá viên đẩy xe đi nơi khác rồi".
Rồi chị chống cằm suy nghĩ, đây có phải là cơ hội cho ai không?
Tháng 5/2008
Nguyễn Anh Đào