Ai Chọn Dùm Tôi
Y Ban
Tôi quyết định bán nhà. Căn nhà đã ghi lại bao kỷ niệm buồn đến nỗi tôi không thể sống trong đó. Mỗi vật dụng trong nhà đều đã chứng kiến nỗi khổ đau của tôi. Thậm chí đến không khí trong căn nhà cũng tăng độ ẩm vì nước mắt của tôi.
Tôi không mang theo một thứ gì trong căn nhà này. Cái giường, cái tủ còn tốt nên chủ nhà mới xin lại. Cái bát, cái đũa, cái xoong, cái nồi tôi cho bà hàng xóm… Còn lại duy nhất là cái bàn thờ với bát hương thì chưa biết giải quyết bằng cách nào.
Cái bàn thờ tôi lập khi mua căn nhà này đi ở riêng. Trên bàn thờ chỉ có duy nhất một bát hương nhưng là nơi để tôi thờ Phật, Thần linh, Thổ địa, Cụ kỵ, Ông bà… Đến khi cha mẹ tôi qua đời thì tôi rất muốn rước cha mẹ tôi về thờ riêng nhưng các anh trai tôi không đồng ý vì phận tôi là gái. Vậy là cái bàn thờ của tôi là nơi tôi thờ tất cả những điều linh thiêng đã nâng đỡ cho tâm hồn tôi chống trọi được với cuộc đời, để sống.
Mẹ sinh tôi là gái. Mẹ dạy tôi tam tòng, tứ đức. Đặc biệt mẹ dạy tôi chữ nhẫn. Bài học đầu tiên của chữ nhẫn là năm lên 4 tuổi mẹ đã vót cho tôi một đôi que đan với một cái giỏ đựng đầy sợi gai. Bàn tay vụng dại của tôi nhể từng sợi gai đan thành một mảnh vải kỳ quái bé xíu bằng bàn tay. Lớn lên cha cho tôi đến trường. Tôi học không sáng dạ nhưng bàn tay đan thì khéo léo vô cùng. Khi 18 tuổi tôi đã có nghề kiếm cơm của thiên hạ. Nhưng cái nghề này khiến tôi suốt ngày ru rú ở trong nhà. Mẹ bảo: khéo không nó ế chồng. Cha bảo: mua cho nó căn nhà như cái giỏ để nó đơm một tấm chồng.
Năm 19 tuổi tôi đã có căn nhà, có một nghề tốt để kiếm cơm, lo gì không kiếm nổi một tấm chồng. Một tấm chồng tương xứng với tôi. Nhưng tôi lại là một kẻ mơ mộng, với ước vọng cao xa. Tôi phải lòng một anh học trò nghèo. Mặc những khuyên can của cha mẹ, anh em. Mặc những lời đàm tiếu của thiên hạ tôi rước anh học trò nghèo về nhà nhận phần chăm lo cuộc sống trần tục để chàng chăm lo đèn sách mong một ngày "võng anh đi trước, võng nàng theo sau”. Nếu không được kết thúc có hậu như vậy thì cũng là góp phần nuôi dưỡng chất xám. Cái thứ đang bị ngoại bang chăn dắt.
Sau 5 năm chăm lo cuộc sống cho chàng đèn sách, lại còn không muốn cho chàng thua kém bạn bè. Tôi đã mua cho chàng xe máy, máy vi tính, điện thoại di động. Còn tôi, tôi nhận về mình bao cay đắng. Chưa một lần tôi được đón tiếp bạn bè của chàng. Chưa một lần tôi được đi chơi cùng chàng giữa thanh thiên bạch nhật. Giữa một rừng lời nói yêu đương hai lần chàng ép buộc tôi đi tháo bỏ thai ra.
Thêm 2 năm sau khi tốt nghiệp mà chàng không xin được việc. Chàng khổ đau một thì tôi khổ đau 10. Để làm vui lòng chàng tôi phải ra sức chiều chuộng theo chàng. Giờ chàng có thói quen tắm hiệu, gội đầu hiệu. Một tấm áo len tôi đan mất 2 ngày, tiền công 50 ngàn đồng thì một lần chàng gội đầu hiệu và bo hết 20 ngàn đồng, tiền cà phê 10 ngàn đồng. Còn lại chỉ đủ tiền ăn cho chàng. Tôi bắt chước người Trung Quốc ngậm chiếc tăm vào miệng, sỉa răng trong khi ruột đang đói thắt lại.
Chàng được tuyển vào làm việc tại một công ty. Cầm giấy báo trong tay chàng lặng lẽ rời khỏi ngôi nhà của tôi nhưng không quên mang theo xe máy, vi tính, điện thoại di động.
7 năm đời con gái của tôi trôi veo. Thế là bài học cha mẹ dạy tôi chỉ áp dụng được ở đời chữ nhẫn.
7 năm, cái bàn thờ nhỏ trên tường đã đọng lại bao nhiêu lời cầu khẩn của tôi. Tôi thường khấn Phật giúp chàng đầu sáng láng vượt qua các kỳ thi. Còn tôi Phật giúp mở lòng từ bi vượt qua những cơn khốn khó. Tôi khấn Thần linh cho chàng sáng mắt, sáng lòng nhận ra tấm lòng tôi đối với chàng. Tôi khấn trời làm cho lòng tôi đen lại không yêu chàng nữa. Đau khổ tột cùng tôi cầu cha, mẹ cứu. Không có một điều kỳ diệu nào hiển linh cả, nhưng những điều tôi cầu khấn đã giúp tôi nghị lực sống.
Tôi đi hỏi bạn bè cách giải quyết chiếc bàn thờ của tôi. Ai cũng quả quyết rằng: không thể mang chiếc bàn thờ về nhà mới. Đó là điều kiêng kỵ nhất. Mà vứt bỏ vào một xó nào đấy cũng không thể được. Đó cũng phạm vào điều kiêng kỵ. Một người bạn bảo tôi đến nhờ một ông thày cúng. Tôi bèn sắm sính lễ đến. Ông thày cúng vừa thắp hương vừa lẩm bẩm:
- Sao mà bây giờ lắm người muốn trầm bát hương thế.
Thắp hương xong ông thày cúng quay sang hỏi tôi:
- Chắc là cô đã nghe người ta kháo nhau về mẹ con cái bà cờ bạc mà bỗng chốc trở thành mệnh phụ phu nhân rồi hử?
- Dạ cháu chưa nghe chuyện nhưng quả là nhà cháu có chuyện phân vân vì chưa biết giải quyết thế nào.
- Thế thì nghe cho rõ rồi mà quyết này.
Như các cụ nói ngày xưa thì cái nhà ấy là đại vô phúc. Một gia đình trung lưu,ông chồng chết sớm, 3 người con trai đã yên bề gia thất. Còn lại bà mẹ chưa phải là gìa với cô con gái út 20 tuổi. Bỗng đâu cả bà mẹ với cô gái út sa chân vào cờ bạc. Phạm vào cái thói cờ bạc thì đàn bà còn máu mê hơn đàn ông. Mẹ ngồi xới trên, con ngồi xới dưới. Của nả trong nhà cứ thế đội nón ra đi. Của trong nhà hết thì sang nhà các anh con trai. Nay nhà con này mất chiếc vô tuyến, mai nhà con kia bị cầm xe máy. Bọn trẻ con cứ thấy bóng bà nội và cô út đến đầu ngõ là đã hét dinh như còi. Rồi đến cái ngày cái nhà cũng bị xiết nợ. Chẳng con nào chịu cưu mang nữa. Quá bẽ bàng hai mẹ con rủ nhau bỏ đất này ra đi. Còn cái bàn thờ tổ tiên mang đến nhà con trai cả, con trai cả không nhận. Sợ mẹ lấy cớ hương khói quay về rồi nhà lại mất thứ nọ thứ kia. Anh con trai thứ hai cũng không nhận. Nó là cả nó chẳng nhận tôi là thứ sao tôi lại phải nhận. Anh con trai thứ ba lại càng chẳng có cớ gì mà thờ tổ thờ tiên cả. Bà mẹ bèn mang bàn thờ tổ tiên ra sông Hồng, buông sông. Hai mẹ con dắt ríu nhau vào Sài Gòn lê lết kiếm ăn trên vỉa hè. Thế nào mà cô con gái lại lọt vào tầm ngắm của một người đàn ông Đài Loan 60 tuổi. Cô trở thành vợ ông ta. Ông ta có một xưởng sản xuất to với một khách sạn lớn. Một năm sau cô út lại sinh cho ông ta một cậu con trai bụ bẫm. Thế là mẹ con bà nọ trở thành những mệnh phụ phu nhân. Một bước lên xe hơi, hai bước lên xe hơi. Kẻ hầu người hạ tấp nập. Buổi sáng đi đánh te nít, buổi chiều tính số đề. Lại còn biết lấy tiền của chồng làm từ thiện, lên cả ti vi.
- Đấy cô đã nghe rõ câu chuyện chưa hử? Nếu cô muốn lấy một ông tây nào nói chung, hay một ông Đài Loan già nói riêng thì cô mang cái bàn thờ ra sông Hồng mà buông sông. Sông Hồng chảy ra biển. Cô sẽ thành mệnh phụ phu nhân… Còn nếu cô chỉ muốn một cuộc sống thanh thản ở đời này thì cô mang bát hương này lên chùa. Rồi cô thành tâm cô khấn. Xong cô mang chân hương đi hoá. Rồi cô để bát hương này lại chùa. Lòng cô sẽ thanh thản. Cô sống thành thì sẽ nhận được quả phúc.
Rời nhà ông thày cúng tôi vẫn chưa biết chọn nẻo nào cho mình. Tôi đã sống thành mà có nhận được quả phúc đâu. Còn sông Hồng ư? Liệu có trôi được ra biển không? Hay sẽ mắc vào một gờ đá nào đó rồi vật vờ theo sóng như cái chết của nàng tiên cá. Đến câu chuyện cổ tích mà cũng có cứu được nàng đâu.