Chúng tôi đến Milan lúc sáng sớm, và người ta cho chúng tôi xuống ở ga hàng hoá. Một chiếc xe cứu thương đưa chúng tôi đến bệnh viện Mỹ. Đi xe nằm trên băng ca tôi không thể biết được là chúng tôi đi qua những nơi nào trong thành phố. Khi họ hạ cáng xuống, tôi thấy trước mặt mình là một cái chợ, một quán rượu mở cửa, có một cô gái đang quét dọn. Họ đang tưới nước lên mặt đường và hương dìu dịu của buổi sáng toả trong không khí. Họ đặt chiếc băng ca xuống và đi vào trong. Người thường trực đi ra với họ. Ông có bộ râu màu xám, đội mũ gác cổng và mặc sơ mi ngắn tay. Không thể mang băng ca lên thang máy được nên họ bàn với nhau xem có nên khiêng tôi ra khỏi băng ca. Cho lên thang máy hay chuyển cáng theo cầu thang. Tôi nằm lắng nghe họ bàn bạc với nhau. Sau cùng họ quyết định theo thang máy. Họ đỡ tôi ra.
- Nhẹ nhẹ tay – tôi nói – Chú ý nhé.
Thang máy chứa nhiều người nên chật chội và đôi chân phải co lại làm tôi đau điếng.
- Hãy kéo thẳng chân tôi ra – tôi bảo.
- Không thể được, thưa trung uý. Ở đây không phải là một gian phòng.
Người nói câu đó đang ôm quanh người tôi, còn tay tôi thì ôm cổ anh. Hơi thở anh phả vào mặt tôi, nồng nặc mùi tỏi và rượu.
- Chú ý kìa – người kia nói.
- Cậu coi tớ là một thằng tồi hay sao?
- Tớ chỉ bảo cậu chú ý.
- Đã bảo chịu khó tí mà – người giữ chân tôi nói lại.
Tôi thấy ông thường trực đóng cửa thang máy rồi cửa sắt. Ông bấm nút lầu tư. Trông ông ta có vẻ bận rộn. Chiếc thang máy đi lên từ từ.
- Nặng lắm hả? – tôi hỏi người đàn ông nồng nặc mùi tỏi và rượu.
- Không sao – anh đáp. Mặt anh đẫm mồ hôi và anh càu nhàu.
Chiếc thang máy lên thẳng rồi dừng lại. Người giữ chân tôi mở cửa thang máy bước ra. Chúng tôi đang ở trên bao lơn bệnh viện có nhiều cửa nắm khóa bằng đồng. Người giữ chân tôi ấn nút chuông. Chúng tôi nghe thấy tiếng chuông reo.Nhưng không có ai cả. Lúc đó ông thường trực mới xuất hiện ở đầu cầu thang.
- Họ đâu cả rồi? – Những người khiêng băng ca hỏi.
- Tôi không biết – ông thường trực trả lời – Họ ngủ cả ở dưới kia.
- Ông bảo hộ ai đi.
Ông thường trực lại ấn chuông reo và gõ cửa đi vào. Khi ông trở ra thì có một bà đứng tuổi mang kính theo sau. Tóc bà cặp rối sắp sửa xổ tung ra. Bà mặc sắc phục y tá.
- Tôi không hiểu – bà ta nói – Tôi không hiểu được tiếng Ý.
- Tôi nói được tiếng Anh – tôi đáp – Họ muốn biết là đặt tôi ở đâu.
- Không có phòng nào sẵn cả. Người ta không chờ đón bệnh nhân nào cả - Bà ta vấn tóc lại và quan sát tôi với đôi mắt cận.
- Bất cứ phòng nào cũng được. Hãy tìm cho tôi một phòng trỗng].
- Phòng nào cũng trống cả - ông thường trực nói – ông là thương binh đầu tiên – ông cầm chiếc mũ ở tay và nhìn bà y tá đứng tuổi.
- Nhân danh Chúa, xin hãy đem tôi vào một phòng nào đó.
Chân tôi co lại, đau đớn tăng lên. Ông thường trực mở cửa đi vào với bà có mái tóc ngả màu muối tiêu, rồi vội vã trở ra nói “Hãy theo tôi”. Họ khiêng tôi qua dãy hành lang dài đi vào một căn phòng có treo màn cẩn thận. Trong phòng có một chiếc giường, một cái tủ to có gương.Họ đặt tôi xuống giường.
- Tôi không thể trải nệm lên được – bà ta nói – Vải nệm để trong tủ khóa rồi.
Tôi không thèm nói chuyện với bà ta nữa.
- Tiền trong túi tôi đây này – tôi bảo ông thường trực - Ở túi áo khuy ấy – Ông thường trực lấy tiền ra. Hai người khiêng băng ca đến cạnh giường, mũ cầm tay. Tôi bảo ông thường trực – Đưa cho mỗi người năm đồng “lia”. Còn phần ông năm đồng. Giấy tờ của tôi ở túi bên kia, ông có thể lấy đưa cho bà y tá.
Mấy người khiêng băng ca giơ tay chào tôi và cám ơn.
- Chào các anh – tôi đáp – Cám ơn nhiều lắm.
Họ chào tôi một lần nữa rồi đi ra.
- Giấy tờ này – tôi bảo bà y tá – có tất cả những chỉ dẫn về vết thương của tôi và phương hướng đã điều trị.
Bà cầm lấy giấy và đọc qua đôi kính. Có tất cả ba tờ giấy gấp lại.
- Tôi không biết phải làm gì đây – bà ta nói - Tôi không thể đọc được tiếng Ý. Tôi không thể làm gì nếu không có lệnh của bác sĩ.
Bà ta liền khóc và cho tất cả giấy tờ vào túi áo choàng của bà.
- Phải ông là người Mỹ không? – Bà ta hỏi tôi với giọng nghẹn ngào.
- Phải. Bà làm ơn để giấy tờ trên bàn cạnh giường giùm tôi.
Gian phòng mát và tối mờ. Khi tôi đặt lưng xuống giường, tôi nhìn thấy chiếc gương to đặt cuối phòng nhưng không thấy được trong gương phản chiếu những gì. Ông thường trực đứng cạnh giường, mặt ông trông dễ thương và tử tế.
- Ông có thể đi được rồi – tôi bảo ông rồi quay sang bà y tá – Bà cũng có thể đi được rồi. À tên bà là gì ạ.
- Walker.
- Thưa bà Walker, bà có thể đi được rồi8 ,có lẽ tôi sắp ngủ đây.
Còn lại một mình tôi trong phòng vắng. căn phòng mát mẻ và không có mùi nhà thương. Nệm cứng và dễ chịu, tôi nằm không động đậy, thở khó nhọc, và cảm thấy sung sướng vì đã bớt đau. Một lúc sau, tôi muốn lấy một ly nước. Tôi tìm cái dây chuông ở cạnh giường, tôi giật chuông nhưng chẳng ai vào cả. Tôi đành ngủ.
Khi thức giấc, tôi đưa mắt nhìn quanh. Ánh mặt trời xuyên qua tấm cửa chớp. Tôi thấy cái tủ lớn, những bức tường trơ trọi và hai cái ghế. Trong lớp băng bẩn, đôi chân tôi duỗi thẳng ra trên giường. Tôi khát nước và cố với bấm chuông. Có tiếng mở cửa, nhìn ra đó là một cô y tá. Trông nàng còn trẻ và đẹp.
- Chào cô – tôi nói.
- Chào ông – nàng vừa nói vừa tiến đến gần giường. – chúng tôi không thể gọi bác sĩ được. Ông ấy đi vùng hồ Como. Chẳng ai biết có bệnh nhân tới cả. Ông bị sao thế?
- Tôi bị thương ở ống chân, bàn chân và đầu tôi bị sây sát.
- Tên ông là gì?
- Henry, Frederic Henry.
- Tôi sẽ lau rửa vết thương cho ông. Nhưng chúng tôi không thể động tới băng bó trước khi bác sĩ đến.
- Cô Barkley có ở đây không cô?
- Không, ở đây không có ai tên đó cả.
- Còn cái bà khóc khi tôi đến là ai?
Cô y tá bật cười.
- Đó là bà Walker. Bà trực đêm ấy, và lúc ông đến bà hãy còn ngái ngủ. Bà ấy không đợi ai cả.
Vừa nói chuyện nàng vừa thay quần áo cho tôi, nàng làm rất nhẹ nhàng, êm ái, khiến tôi cảm thấy dễ chịu. Chung quanh đầu tôi đều có băng, nhưng nàng rửa ở chung quanh rìa thôi.
- Ông bị thương ở đâu?
- Ở Tsonze, phía bắc Plava.
- Nơi đó ở đâu?
- Ở bờ sông Gorizia.
Tôi thấy nàng không biết tí gì về những nơi ấy cả.
- Ông có đau nhiều lắm không?
- Không, bây giờ thì đỡ đau nhiều.
Nàng cặp nhiệt độ vào miệng tôi.
- Người Ý cặp nhiệt độ dưới nách – tôi nói.
- Đừng nói – nàng bảo.
Nàng lấy cặp nhiệt độ ra đọc số rồi lắc.
- Bao nhiêu độ, cô?
- Tôi thiết tưởng ông không nên biết điều đó.
- Cứ nói cho tôi biết.
- Gần như là bình thường.
- Tôi không hề bị sốt. Chân tôi đầy những mảnh đạn.
- Ông muốn nói gì thế?
- Chân tôi đầy những mảnh đạn, đinh ốc cũ, lò xo và nhiều thứ nữa.
Nàng khẽ lắc đầu và mỉm cười.
- Nếu chân ông có vật lạ thì đã sưng và bị sốt.
- Được rồi – tôi bảo – Hãy chờ xem ra sao.
Nàng đi ra khỏi phòng và trở vào với bà y tá già. Cả hai người soạn giường mà không phải nhắc tôi lên. Đó là một điều hoàn toàn mới mẻ và tôi rất thán phục.
- Ai đứng đầu bệnh viện này, cô?
- Cô Van Campen.
- Ở đây có bao nhiêu y tá cả thảy?
- Chỉ có hai chúng tôi.
- Liệu có thêm nữa không?
- Có, chúng tôi đang đợi.
- Khi nào họ đến đây?
- Tôi không biết. Ông hỏi nhiều quá mà đáng lẽ một người ốm như ông không nên.
- Tôi không đau ốm gì cả. Tôi chỉ bị thương thôi – tôi bảo
Họ đã làm giường xong, và tôi nằm trên một tấm nệm sạch, êm và trên người tôi đắp một chiếc chăn khác nữa. Bà Walker đi ra ngoài rồi trở lại mang cho tôi cái áo ngủ. Bà mặc cho tôi, và tôi cảm thấy sạch sẽ tử tế.
- Bà tốt với tôi quá – tôi bảo. Cô y tá Gage cười khúc khích – Cô cho tôi xin một ít nước được không? – tôi hỏi.
- Được chứ và sau đó ông sẽ ăn điểm tâm.
- Tôi không muốn ăn điểm tâm. Cô vui lòng mở những cánh cửa ngoài ra giùm tôi được không?
Khi nãy gian phòng mờ tối nhưng lúc mở cửa ra thì tràn ngập ánh sáng. Tôi nhìn ra cửa sổ, thấy một chiếc bao lơn và a hơn là ống khói cùng những mái ngói. Phía trên mái ngói là những cụm mây trắng và bầu trời xanh thẫm.
- Cô không biết bao giờ những cô y tá khác đến đây à?
- Sao ông hỏi mãi thế? Chúng tôi săn sóc ông không tốt hay sao?
- Không, cô tốt lắm chứ.
- Ông có cần bô không?
- Có, tôi thử lựa xem.
Họ đỡ tôi dậy nhưng không được. Sau đó tôi nằm xuống và nhìn ra bao lơn.
- Bao giờ thì bác sĩ tới?
- Khi ông trở về. Chúng tôi đã gọi điện thoại đến hồ Como cho ông ấy.
- Còn bác sĩ nào khác nữa không?
- Ông ta là bác sĩ của bệnh viện này.
Cô Gage mang bình nước và ly vào. Tôi uống một hơi ba ly liền, xong họ rời khỏi phòng. Tôi nhìn ra cửa sổ một lúc rồi ngủ thiếp đi. Tôi ăn trưa và chiều hôm đó cô Van Campen, giám đốc bệnh viện đến thăm tôi. Cô người nhỏ, hay nghi ngờ, vượt quá cả cương vị của cô. Cô hỏi tôi rất nhiều và hình như thấy mất thể diện khi phục vụ trong quân đội Ý.
- Tôi có được uống rượu trong bữa ăn không? – tôi hỏi.
- Chỉ khi nào bác sĩ cho phép mới được.
- Thế không thể có trước khi bác sĩ đến à?
- Tuyệt đối không.
- Cô có ý định mời bác sĩ tới không?
- Chúng tôi đã gọi điện thoại cho bác sĩ ở hồ Como rồi.
Cô ta đi ra và cô Gage trở vào.
- Sao ông ăn nói cộc tằn với cô Van Campen thế? – Cô vừa hỏi tôi vừa săn sóc tôi rất tài tình.
- Tôi không muốn thế, chính cô ấy đã gắt gỏng.
- Cô ấy bảo ông kiêu căng và ăn nói cộc tằn.
- Đâu. Nhưng một bệnh viện mà không có bác sĩ thì cô nghĩ sao?
- Bác sĩ sắp đến. Họ đã gọi điện thoại cho ông ta rồi.
- Ông ta làm gì ở đấy? Bơi lội à?
- Không, ông điều hành một bệnh viện nữa.
- Thế tại sao họ không mời bác sĩ khác?
- Thôi, nào hãy chịu khó. Bác sĩ sẽ đến đây bây giờ.
Tôi nhờ gọi ông thường trực, khi ông ta đến tôi nhờ ông mua hộ chai Cinzano và mấy tờ báo xuất bản buổi chiều. Ông đi mua rồi đem về cho tôi các thứ gói trong tờ báo. Ông mở gói giấy ra và theo lời tôi mở nút rồi để chai rượu nho, rượu Vermouth dưới gầm giường. Họ đi ra hết, tôi nằm lại một mình trên giường. Tôi đọc báo một lát với những tin tức mặt trận và danh sách những sĩ quan tử thương và huân chương họ được thưởng. Rồi tôi với chai rượu Cinzano ở gầm giường, cầm chai thẳng đứng để trên bụng, còn cái ly mát lạnh tôi để sát bụng. Tôi uống từng ngụm nhỏ, làm rớt cả rượu lên trên bụng và trong khi uống tôi vẫn cầm cái chai như cũ. Tôi ngắm bóng đêm trùn lên những mái ngói thành phố. Mấy con chim én bay lượn vòng quanh, tôi nhìn những con diều hâu bay lượn trên mái, vừa nhấp nháp rượu Cinzano. Cô Gage mang lên cho tôi một ly rượu bia có trứng gà. Khi cô bước vào tôi vội giấu chai Vermouth sang phía bên kia giường.
- Cô Van Campen đã cho một chút rượu Sherry vào trong đó – nàng bảo – Ông không nên cộc cằn với cô ấy. Cô ấy không còn trẻ trung gì mà trách nhiệm bệnh viện này lại quá nặng đôi với cô. Bà Walker lại quá già, không giúp được việc gì cho cô ấy cả.
- Cô ấy là một người phụ nữ đặc biệt – tôi bảo – cô chuyển lời cám ơn của tôi đến cô ấy.
- Tôi sẽ mang bữa chiều lên ngay cho ông đó.
- Tốt lắm, nhưng tôi chưa thấy đói.
Cô bưng khay vào và để lên giường. Tôi cám ơn cô rồi ăn một ít. Bây giờ trời đã tối hẳn và tôi có thể thấy những tia đèn pha quét trên nền trời. Tôi ngắm một lát rồi đi ngủ. Tôi ngủ say, chỉ trừ có một lần tôi giật mình sợ hãi thức giấc, mồ hôi ướt như tắm, xong tôi cố ngủ lại và quên đi giấc mơ hãi hùng. Tôi thức dậy một lúc lâu trước khi trời sáng. Tôi nghe thấy tiếng gà gáy, từ đó tôi thức luôn cho đến sáng. Tôi mệt và đến lúc sáng hẳn thì tôi ngủ lại.