Dòng Sông Xanh
Trầm Hương
Chị Nam phàn nàn, Chỉ tại bà cụ mà cuộc đời tôi, ba mươi sáu con giáp hổng giống con giáp nào. Tôi hồ nghi trí nhớ chị đang có phần lộn xộn. Xưa nay, tôi biết chắc chắn văn minh Trung Hoa chỉ tạo ra 12 con giáp chứ chưa hề nghe tới con số 36 bao giờ. Hay là chị lỡ trớn, bước vô chapter mê hoặc của một quyển sách nào đó? Hoặc, phụ nữ là chúa phóng đại, chỉ cần gấp 3 lần của 12 là thành 36 chứ mấy. Và chị muốn nhấn mạnh, trong những 36 con súc vật, chị xui xẻo đến độ không có chân dung con thú nào tương tự như cái chân dung cuộc đời bầm dập của chị chăng?
Tôi vốn dĩ là người dễ tính, không muốn chấp nê những điều vặt vãnh như thế nên cũng rộng lượng với 36 con giáp mà cái số phận hẩm hiu đã đày chị không được may mắn giống con giáp nào ấy.
Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi. Sao tôi lận đận ngậm ngùi tuổi Mao.
Lại thêm một bằng chứng nữa về trí nhớ lộn xộn và vô cùng tùy tiện của chị. Lần đầu tiên, nghe chị ngâm thơ (với tôi, hễ ai lên giọng bổng trầm khi nói chữ, tôi đều gọi là ngâm thơ hết cả) như thế, tôi kêu:
- Làm gì có cái con gọi là con mao trong ca dao của các cụ!
Chị cười dễ dãi:
- Mình đang ở bên Mỹ chứ có phải ở vào thời các cụ đâu! Phải biết linh động theo thời thế chớ! Tuổi Tý, con chuột, không phải là con mouse của Mỹ sao? Ca dao phải có vần có điệu. Không lẽ lại nói, Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi. Sao tôi lận đận ngậm ngùi tuổi Tý.
Tôi bất bình:
- Đổi theo âm vần cho thích hợp cũng tạm chấp nhận nhưng rõ ràng, con chuột không phải là con vật mang vận số xấu trong tử vi Tầu.
Chị chẳng thua, lôi ra một kho ví dụ về đàn bà tuổi Tý- những người đàn bà bạn của chị- hiện đang lận đận đường chồng con. Tóm lại, nam nhân tuổi Tý thì tốt nhưng nữ nhân, nếu không bị chồng bỏ thì cũng bỏ chồng. Nặng hơn, có thể đưa đến bỏ mạng. Những chứng cớ rành rành khó cãi. Vả lại, tôi không phải cầm tinh con chuột nên đành á khẩu. Đành nhận lời ngâm thơ của chị là có lý cho xong.
"Lẽ ra bà cụ tôi phải tên Nam mới đúng. Ai đời có đứa con gái duy nhất lại đặt tên là Nam. Đàn ông- Con trai. Gì nữa? Làm như Nam không chưa đủ, bả còn tương thêm chữ lót Dũng, vứt đi chữ Thị bình thường. Võ Thị Nam cũng còn chút an ủi. Võ Dũng Nam. Có đứa con gái nào mang cái tên quái đản như tôi không? Bởi thế nên cứ bị cuộc đời thử lửa hoài. Cứ phải làm thằng đàn ông dũng lược mà bương chải theo dòng đời.
Ừ, nghe chị kể, tôi phải nhận nếu chuyện đời chị lọt được vào tai một nhà văn đại tài nào đó, với những chi tiết chị thuật lại rành mach, chỉ cần viết trung thực, khỏi phải vất vả tra thêm chút mắm muối (dù chỉ vài hột), chúng ta cũng sẽ có một bộ tràng- giang- đại- hãi (Xác định, đại HÃI, dấu "ngã", không phải dấu "hỏi" ) trường- thiên- tiểu- thuyết ly kỳ không kém chi cuốn tiểu thuyết lừng danh Cuốn Theo Chiều Gió của Hoa Kỳ.
" Vào thời của bà cụ, chuyện đàn ông vợ này mèo kia là chuyện thường tình. Đàn ông mà không năm thê bẩy thiếp là đàn ông gà chết chớ còn gì nữa? Vậy mà khi nghe tin ba tôi có đào, bả ghen tuông đến độ không thèm nói một lời, lẳng lặng mang tôi còn đang trong bụng gần ngày, bỏ tuốt về quê ở với má. Ổng mấy phen xuống năn nỉ bả trở lại mái nhà xưa, bả một mực lạnh lùng, lặng thinh. " Cái thứ đàn ông ưa đi rảo rảo tráng men. Vợ chỉ dùng để đúc cốt. Con có ngu mới hầu hạ tiếp!". Bả tỉnh rụi trả lời bà ngoại tôi như vậy đó!
Bả đẹp lắm à nghe! Bà cứ ngó tôi nè! Tôi ra sao là bả in hệt như vậy. Đôi mắt bả còn long lanh đa tình hơn mắt tôi nữa. Gái một con trông mòn con mắt. Bả nói, Cho mấy thằng đàn ông mắt mòn mắt đui kệ mẹ! Bả phải trả thù ba. Sanh tôi ra, bả thể hiện sự coi thường đàn ông bằng cách đặt cho tôi cái tên hiên ngang lẫm liệt không thua gì đàn ông là vậy đó! Võ Dũng Nam! Bả làm cho đã nư của bả, nào hay hệ lụy di lại cho con gái bà đời đời như vậy đâu?"
Mười sáu tuổi, con trai đã kéo đuôi, theo chị dài dài. Khác với sự căm thù đàn ông của má, chị thấy đàn ông thực tội nghiệp và đáng thương. Ông thầy trẻ độc thân nổi tiếng đẹp trai và dậy giỏi môn Lý Hóa năm chị học lớp đệ Tam đã chẳng vừa giảng bài, mắt vẫn ngu ngơ liếc nhìn cô bé học trò có đôi mắt to đen, đôi môi dầy tinh nghịch chúm chím đó sao?
Cuối năm học của lớp Đệ Tam, ông thầy đột ngột loan báo tin thầy nhập ngũ. Không chỉ cô nữ sinh Võ Dũng Nam ngẩn ngơ mà hầu hết các cô nữ sinh theo học lớp ông thầy đều không đấu nổi những giọt lệ. Thế nhưng, từ quân trường Võ Bị Đà Lạt, thư thầy tựa những cánh hoa pense nở khắp ven đường của vùng cao nguyên sương mù, gửi về cô bé đến ngợp thở. Bây giờ, không còn lằn ranh của thầy và trò, của luật lệ khắt khe xã hội, đạo lý trường ốc. Bây giờ, là tình yêu đầu đời của người thiếu nữ vừa lớn với chàng trai hiên ngang đáp lời sông núi.
Năm ông thầy ra trường, chiến tranh lên cao độ. Chàng Thiếu úy trẻ bước vào mặt trận sôi bỏûng với trái tim hồng thương yêu, lãng mạn như tráng sĩ khi xưa trên lưng chiến mã đi vào nơi gió cát. Chiến tranh với bi kịch xẩy ra đột ngột như trong tiểu thuyết. Ông thầy bị thương nặng, bị cưa cánh tay phải. Và thầy chạy trốn tình yêu của cô nữ sinh ngây thơ trong trắng. Thầy không muốn lê cơ thể khiếm khuyết đi bên cuộc đời lành lặn của người con gái đang tươi thắm một mầu hồng. Cái hình ảnh chua xót của Em một chiều dạo phố mùa xuân. Bên người yêu tật nguyền chai đá (*) đang là tấm gương thực tế thầy đang phải soi bóng và không muốn nhập vào. Cô Nam điên cuồng, tuyệt vọng dõi tìm tung tích thầy nơi những người bạn cùng khóa. Tổng hợp của tất cả những nguồn tin là người tình đã mất tích. Mất tích không một dấu vết. Cô Nam mỏi mòn mong ngóng. Cô ngỡ trái tim mình đã hóa đá, sẽ không thể nào có được nhịp đập cũ. Ôi mối tình đầu/ Như đi trên cát/ Bước nhẹ mà sâu/ Mà cũng nhòa mau (**)…. Bởi không dấu chân nào trên cát có thể tồn tại lâu nên mối tình đầu yểu mạng ấy, hơn một năm sau, đã được chữa lành bởi một tình yêu khác.
Làm sao có thể trách cô Nam được? Cô quá xinh để khó lòng lẫn vào đám đông. Làn sóng trong mắt cô vẫn dạt dào, ai rơi vào mà chẳng khỏi chao đảo. Người đàn ông từng trải và đẹp trai đã cuốn hút cô vào cuộc tình mới. Cô bồi hồi lắng nghe trái tim mình rộn rã những nhịp đập ngất say. Cô tin, cô ngưỡng mộ ông ta như khi xưa ngồi dưới bàn học, ngước nhìn người thầy trẻ uy nghi bên bảng xanh phấn trắng. Người đàn ông dẫn cô đến gặp một thiếu phụ trung niên quý phái mà ông ta gọi là mẹ. Căn biệt thự sang trọng nằm trên con đường nhỏ rợp bóng lá của "mẹ" ông đã là nơi họ tổ chức một đám cưới "trong vòng thân mật". Mẹ cô sung sướng nhìn con gái kiềng vòng sáng rỡ, đẹp đôi bên chàng rể. Định mệnh khắc nghiệt không thể tiếp diễn từ đời này sang đời khác. Con gái bà phải hạnh phúc hơn bà. Ông Trời đâu nỡ đóng mãi cánh cửa với kẻ thiện lương.
Đám cưới xong, cô Nam yên ả trong căn nhà ông thuê, vun bồi những mơ ước theo cái thai vừa được hình thành. Người đàn bà lạ với bản mặt dữ dằn đã xé toang giấc mơ của cô. Một buổi trưa đầu hạ, có tiếng gõ cửa. Cô buông kim chỉ và cái mũ bé sơ sanh đang khâu dở dang, rộn ràng ra mở. Có lẽ ông đi công tác xa đã về. Những chuyến đi ngoại quốc vì công vụ của ông ngày càng nhiều khiến cô lê thê đếm thời gian, chỉ mong chờ bước chân người trở lại. Không phải ông. Cô chưa kịp nhìn rõ kẻ đối diện thì mớ tóc dài đẹp đã bị quấn, bị kéo. Tiếng ngưòi đàn bà rít lên, Ai cho mày đi cướp chồng người ta, hả cái con đĩ ngựa? Cái tát. Cái đấm. Cái đá. Cô sững sờ, bàng hoàng, và cô chợt hiểu. Đồ thứ con gái thúi, đem xác thân dụ dỗ đàn ông. Tao đập cho mày chừa cái tật dâm đãng. Tiếng chân người chạy rầm rập. Tiếng nói láo nháo đầu nhà. Cô gập mình, ôm cái thai chịu trận.
- Đủ rồi Năm. Tha cho nó, vọt lẹ đi! Cảnh sát tới bây giờ đó!
Cô ngã xuống sàn gạch bông. Những viên gạch ngày ngày cô nâng niu chùi bóng đang dâng lên cao dần, chói chang trước mắt cô như mặt nước phản chiếu ánh mặt trời. Cô nhắm mắt, trôi đi. Bềnh bồng giữa thư thái và đau nhức. Nhắm mắt … Nhắm mắt…
"Bà có biết câu hát trong bài tâm ca Giọt Mưa Trên Lá của ông Phạm Duy: Giọt mưa trên lá, bối rối, bồi hồi, ráo riết miệt mài, em biết yêu lần cuối. Giọt mưa trên lá, bỡ ngỡ xôn xao, cuống quýt dạt dào, em biết yêu lần đầu …
Phi Khanh, nhỏ bạn tôi năm đệ Nhất, bảo, ông Phạm Duy muốn nói con gái ba xạo dữ lắm. Tình nào, mấy cô cũng nhỏ nhẹ là tình đầu. Tình nào, mấy cô cũng quả quyết là tình cuối. Không phải con gái hay nói dối đâu, bà ơi! Khi yêu, trai hay gái đều như thế cả. Ai cũng tin đây mới đích thực là người mình tìm kiếm. Là lần đầu mình biết yêu hay yêu lần cuối để rồi sẽ không thể yêu ai thêm được nữa. Tình yêu này, em cám ơn anh. Tình yêu này, anh cám ơn em… Thật ra, chẳng có điều gì tồn tại vĩnh viễn theo thời gian. Kể cả tình yêu và mọi nỗi đau đớn. Tôi chịu câu ngạn ngữ của người Pháp: Kẻ nào đã yêu thì sẽ còn yêu nữa. Tôi là một điển hình. Trận đòn ghen của người vợ chính thức dạo đó hằn lên thân xác tôi những vết thương, in dấu nhục nhã lên trái tim tôi bầm dập. Tôi tưởng cái sinh vật bé bỏng tôi đang mang cũng không thể sống sót nổi. Khi tôi mở mắt, khuôn mặt đầu tiên tôi nhận ra là ông ấy. Khuôn mặt ông buồn và xót xa quá chừng nhưng sao tôi không có được chút cảm xúc. Con đĩ ngựa. Con gái thúi. Dâm đãng. Vì ông mà tôi đã biến hình nhơ nhuốc trước con mắt người đời. Tại sao ông lại dối tôi? Tại sao ông không thú thật gia cảnh ông để tôi, nếu còn và cứ yêu ông, tôi sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả. Tại sao ông lại dối tôi? Trái tim phản kháng người tình. Trái tim đem lòng sinh hận. Sự giả dối - dù với bất cứ lý do nào- đã xóa tan hình ảnh của thần tượng một thời tôi nâng niu. Bậc trượng phu phút trước bỗng trở thành kẻ hèn nhược như Thúc Sinh trong truyện Thúy Kiều. Tôi bỗng hiểu mẹ tôi hơn lúc nào hết. Tôi thương mẹ tôi vô cùng. Ít nhiều gì, tôi đang mang máu huyết bà, dòng máu dũng lược của người đàn bà kiên quyết đứng một mình làm thân cây tùng, phải sắm cả hai vai cha và mẹ, nuôi dậy con khôn lớn. Tôi đã làm được điều gì cho bà hãnh diện ngoài tiếng rủa xả của người đời: Con đĩ ngựa. Con gái thúi. Dâm đãng. Còn điều gì nữa nếu tôi tiếp tục chấp nhận vai trò vợ hờ của mình? Lạ một điều, không hiểu sao, cái thai vẫn khoẻ. Tôi bị ra máu vài ngày rồi … xong. Rời nhà thương, tôi ôm cái thai về cùng mẹ, i hệt như ngày xưa, mẹ ấp tôi trong dạ, về cùng bà ngoại. Chỉ khác một điều, má tôi có căn tu nên thoát được chữ tình. Còn tôi…
Người con trai chị quen 2 năm sau khi con gái chị lẫm chẫm nói cười cũng vẫn cứ đẹp trai, cũng cao ráo chẳng thua ông thầy và người đàn ông trẻ. "Tôi mắc bệnh mê đàn ông … đẹp, bà ơi!". Chị cười. Hai bên khoé miệng lún xuống 2 cái lỗ tiền chôn khiến nụ cười của chị lúc nào cũng hồn nhiên, duyên dáng. Anh ta làm cùng sở với chị. Người thiếu phụ với khuôn mặt đẹp u uẩn nét sầu, trái ngược với ánh mắt long lanh đa tình đã khiến anh quyết lao vào tìm hiểu. Anh không nề hà chị đang có một con. Anh chẳng bận tâm chị lớn hơn anh 3 tuổi. Với anh, chị là một người con gái trinh trắng như mọi người con gái khác. Anh chinh phục cả mẹ lẫn con bằng trái tim yêu mê say đắm của mình.
- Nam này, Nam có biết cái hạnh phúc lớn nhất của người đàn ông là lấy vợ và ….
Chị tinh quái tiếp lời:
- Và vợ chết, đúng không?
Anh cười:
- Đúng nhưng không đúng. Đó là lấy vợ và người vợ chính là người mình yêu. Nam có cho tôi cái hạnh phúc đó?
Anh vào đề nhanh chóng và khéo léo khiến chị ngỡ ngàng xúc động. Chị chạnh lòng. Liệu mẹ anh, người đàn bà Bắc Kỳ cổ xưa chịu chấp thuận cho đứa con trai tân của mình lấy gái nạ dòng? Chưa kể những ánh mắt, những lời bóng gió vừa ganh tỵ, vừa chế diễu của các bạn đồng nghiệp thường lén dõi theo chị khi họ thấy anh đi bên cạnh chị thân thiết nữa. Một lần bị đời rủa xả, chị chưa thể quên.
-Chuyện thiên hạ, anh bất cần. Còn mẹ anh, em không phải là con dâu đầu tiên và duy nhất bà có. Buồn vui, bà cứ tự nhiên chia xẻ cùng các con dâu khác. Cuộc đời anh là của anh và của em. Anh sẽ thương yêu, bảo bọc em và con cho đến cuối đời.
Nghe anh nói chữ "con", chị mủi lòng. Anh đã đánh động tâm thức của mỗi người mẹ. Trái tim chị thêm lần nữa chẩy ra thành nước. Dòng nước của con suối mùa mưa dâng đầy, miên man chẩy, róc rách reo vui cùng thiên nhiên. Chị yêu anh bằng tấm lòng biết ơn nhiều hơn là tình cảm đơn thuần của trai gái như anh đang yêu chị. Lần này, "tiệc cưới" đã diễn ra trong vòng thân mật thật sự với anh, chị và bé Quỳnh Dao.
"Người đàn ông không dễ dàng quên đi quá khứ của người đàn bà như tôi tưởng, bà ơi! Lấy nhau được vài tháng là mất nước. Tụi tôi cùng làm sở Mỹ nên dĩ nhiên, chẳng ai còn việc để làm. Thời buổi kinh tế khó khăn, tôi phải lăn ra chợ trời kiếm sống. Ổng dở chứng ghen tuông, hạch sách đủ điều. Cái nghề bán buôn chợ trời thì bà biết rồi. Phải lanh lẹ. Phải đon đả. Đôi khi, còn phải đẩy đưa nữa. Khách hàng đa số là những anh bộ đội ngơ ngáo từ rừng ra hay những anh chị nhà quê từ Bắc vào. Buôn bán nắng nôi cực khổ, về nhà còn bị chồng chì chiết những chuyện không đâu, tôi tức mình cãi lại. Thế là bàn tay ổng bay vô mặt. Con bé Quỳnh Dao khóc thét như chính ông đánh nó. Ổng càng nổi điên: Trời ơi, tại sao tôi ngu thế này? Khi không rước vô 2 của nợ làm chi vậy? Tôi nghe mà sững sờ. Đâu rồi lời hứa hẹn ngày nào, Anh sẽ thương yêu, bảo bọc em và con cho đến cuối đời. Dòng máu Võ Dũng Nam của tôi đùng đùng trổi dậy. "Anh không cần phải ân hận. Em và Dao sẽ ra đi cho anh được nhẹ lòng". Ổng như sực tỉnh, ôm tôi xin lỗi, thề thốt, hứa hẹn sẽ không vũ phu với tôi nữa. Cứ thế, hạnh phúc chúng tôi mưa nắng như thời tiết. Rồi tôi mang thai. Thằng Thao ra đời. Cuộc sống càng thêm vất vả. Chúng tôi quyết định tìm đường vượt biên"
Khi tôi gặp và quen chị tại một thành phố nhỏ miền trung tây nước Mỹ, chị đã trở lại làm Ms Nam. "Ms", chữ viết tắt của người Mỹ dùng cho một phụ nữ không rõ đã có chồng hay chưa đến hay. Cuộc hôn nhân nắng mưa, cuối cùng, cũng phải rõ ràng một thời tiết. Có cả trăm ngàn những lý do thầm kín trong mỗi cuộc ly dị mà tôi không muốn đào sâu tìm hiểu. Chỉ biết rằng vào thời điểm tôi là hàng xóm của chị, chị đã 45 tuổi mà vẫn mượt mà như chỉ ngoài 30. Nước Mỹ trẻ trung hóa nhan sắc của người phụ nữ. Nước Mỹ không soi mói, buộc người đàn bà vào khuôn phép đạo đức khắt khe. Chị phơi phới áo đầm ngắn, quần short, áo thung tay cánh, ngạo nghễ làm mục tiêu cho đàn ông nhìn ngắm với trái tim dửng dưng của mẹ chị khi xưa. Cho mấy thằng đàn ông mắt mù mắt đui kệ mẹ… Con gái lớn của chị đã lấy chồng. Hai thằng con trai – một sanh ở Việt Nam, một sanh bên Mỹ- đang ở vào những năm cuối của bậc trung học. Chị hài lòng về đường con cái nhưng tràn đầy bất mãn mỗi khi nhìn lại cái thân 12 bến nước của mình. Người chồng, theo lời chị kể, sau khi chia tay đã tìm về miền Nam CaLi nắng ấm.
"Ổng tự tin ở cái mã bề ngoài của mình, cặp hết bà này đến bà nọ. Mắc cười là hễ quen người nào mới, ổng đều hí hửng phone cho tôi hay. Tôi chịu, không hiểu tâm lý của ổng ra sao nữa! Hiện giờ, ổng gắn bó với một cô nàng nhỏ hơn ổng tới 18 tuổi. Con nhỏ này đã có một đứa con riêng nhưng không hiểu sao mê ổng kinh khủng, nhất định đòi có con với ổng. Ổng gọi tôi, hỏi tôi cho ý kiến. Tôi bảo, còn đúc được cốt thì cứ đúc kẻo phí của trời. Ổng nhăn nhó, Nam nghĩ coi, ngoài 40 tuổi, ôm đứa con nít đỏ hỏn, người ta tưởng là cháu ngoại. Kỳ lắm. Tôi bảo, thế thì ôm vai bá cổ … con gái đi ngoài đường có kỳ không? Ổng quê, cúp máy. Từ đó, thôi không điện thoại cho tôi nữa"
Cuộc sống cơm áo đẩy chúng tôi xa nhau. Tôi theo chồng, về xứ núi trùng trùng vây bọc. Chị vẫn ở cái thành phố nhỏ xíu hiền hòa, nhìn cuộc đời mình lặng lẽ trôi qua. Thỉnh thoảng, buồn quá, chị lại bay xuống chơi cùng chúng tôi đôi ngày. Nhiều năm trôi qua như thế. Một buổi trưa, đang loay xoay dọn dẹp nhà cửa, chuông điện thoại reo vang. Tôi nhìn vào caller ID, nhận ra tên công ty chị làm. Tôi nhấc phone, đùa, Bộ bị xếp cua hay sao mà bỗng dưng ngồi trong sở lại gọi điện cầu cứu thế này? Giọng chị thất thần:
- Ông chồng tôi chết rồi bà ơi!
Tôi sửng sốt:
- Ông X hở? Ổng còn trẻ, lại khoẻ mạnh, tại sao chết bất tử vậy?
Tiếng chị chưa thôi hoảng hốt:
- Cảnh sát báo tin cho ông anh của ổng. Ông anh ổng gọi cho tôi tối qua. Thiệt, vừa thấy ghê vừa tội cho ổng quá! Tôi đâu dè ổng và cô đó có con với nhau thật. Ở với nhau đâu được 2 năm, con nhỏ chán, đá ông. Ổng chán đời, dọn ra thuê appartment ở một mình. Cách đây 3 bữa, manager của chung cư không thấy ổng đến văn phòng trả tiền nhà mặc dù đã trễ cả tuần lễ, họ tới gõ cửa. Không có ai trả lời. Trưa, họ lại ghé. Cũng không. Tối, họ đến nữa, cũng không người nốt. Hôm sau, họ gắng thử thêm. Cuối cùng, họ đành mở cửa phòng và kinh hãi thấy xác ổng nằm trên thảm, đã hơi có mùi. Theo giảo nghiệm hiện thời, bác sĩ cho biết ổng bị heart attack, chết khoảng 4 ngày rồi. Họ tìm khắp nhà xem có tung tích gì về thân nhân của người chết không thì đọc được vài số phone viết trong quyển sổ nhỏ. Họ gọi thử cái số đầu tiên trên trang sách. Té ra là số của ông anh ổng. Cũng may. Bây giờ, ông anh đang đợi cuộc giảo nghiệm hoàn tất để xin chuyển xác ổng về đây, làm lễ mai táng. Tôi đã báo cho mấy đứa con rồi. Tụi nó shock dữ dội lắm. Ngay cả tôi, lúc này, tôi vẫn còn nổi da gà. Tôi nhớ cái giấc mơ tôi thấy cách đây 2 hôm. Tôi thấy ổng đột nhiên mở cửa bước vào. Ổng chỉ quấn có cái khăn tắm. Tôi hỏi, đi xa sao không chịu mặc đồ đàng hoàng? Ổng không nói gì, ngó tôi buồn thật buồn và xoay lưng bước đi. Trời ơi, tôi đâu ngờ ổng về báo mộng vì theo lời cảnh sát, dường như ổng chết khi vừa tắm xong, còn quấn quanh người tấm khăn lông…"
Tôi nghe chỉ biết thở dài. Cuối cùng, chiếc lá nào cũng rụng về cội, có phải? Tôi ấp úng lời chia buồn. Chị rối ren, Bên gia đình chồng muốn tôi đứng ra đăng cáo phó vì dù gì, trên giấy tờ hôn thơ hôn thú chính thức, chỉ có tôi đã là vợ ổng và có với ổng 2 đứa con trai. Còn cô kia, rổ rá cạp vào, lại chỉ có con gái. Nhất nam viết hữu. Thập nữ viết vô. Tôi thấy cũng hơi kỳ vì tụi tôi dã ly dị lâu rồi, đâu thể nào tôi tự nhận mình là bà quả phụ Trần Văn X, nhũ danh Võ Dũng Nam. Chẳng lẽ lại công bố mình là … tri kỷ của người quá cố? Nhưng thôi, nghĩa tử là nghĩa tận. Tụi con tôi xót cho cha nó chết đơn độc nên muốn đón cha về, làm đám táng đàng hoàng. Tụi nó cũng không chịu thiêu xác ổng, tính tìm đất cho cha có một chỗ an thân tử tế để tụi nó còn thăm viếng. Tôi chưa nói với chúng nhưng đã định rồi. Mấy năm nay, tôi đã đặt trước cho mình một miếng đất nằm trên một sườn đồi rất đẹp. Trả góp còn khoảng 1 năm là hết. Bây giờ, chắc là tôi nhường cho ổng ở trước. Mai mốt có tiền, tôi kiếm miếng đất khác gần đó sau. Đúng là tôi với ổng nợ nhau đến chết mà!
Chị thường gọi điện thoại cho tôi rất khuya. Đó là lúc khi vạn vật chìm lắng trong màn đêm tịch mịch, người ta mới nhìn rõ hơn tâm cảnh mình. Đó là lúc cô đơn và cô độc trổi dậy khi giấc ngủ không tới, nhìn quanh, chỉ thấy mình và bốn bức tường vô tri giác. Và ngưòi ta cần có một người để trút mọi nỗi niềm. Chị diễu dở:
- Cuộc đời tôi, 36 con giáp, thiệt, hổng giống con giáp nào, bà ơi! Để ca tụng tấm lòng trung trinh của người đàn bà thủ tiết thờ chồng, ông bà ta có tích Góa Phụ Nam Xương. Còn tôi đây, rõ là Góa Phụ Ngang Xương. Thì hổng đúng sao? Chồng chết, người đàn bà lên chức góa phụ. Ổng là chồng ly dị của tôi thì trên pháp lý, tôi với ổng đâu còn dây mơ rễ má gì ngoài tên mọi người quen miệng gọi bà X, x-wife của ông X. Ổng đi lấy vợ khác, tôi được trở về tên mẹ đẻ của tôi, Võ Dũng Nam. Thế mà ổng chết đi, đám tang ổng tôi lo, mộ phần ổng tôi mua, chức góa phụ tôi lãnh. Rõ ràng cái tình này tôi đâu muốn? Thiệt, chạy đâu khỏi tên Góa phụ ngang xương bây giờ!
Ờ, ờ, đến đây, tôi phải công nhận chị có lý có tình thiệt. Trên nước Mỹ này, có bao nhiêu người đàn bà đang dở khóc dở cười với tước hiệu góa phụ ngang xương như chị nhỉ?
Một năm sau ngày trở thành góa phụ ngang xương, cũng lại đêm khuya, chị điện thoại cho tôi, giọng hớn hở:
-Nè bà, tôi có tên mới rồi nghe!
Tôi đang mắt nhắm mắt mở, hờ hững:
-Lại làm thơ, đặt ra vài ba cái bút hiệu cực kỳ gợi cảm chứ gì?
Chị vẫn hồn nhiên:
- Không, tôi mới vô quốc tịch, đổi lại tên rồi.
Tôi chưa tha:
- Vậy sao? Ê-Li-Da-Béo hay là Ma-Ri-Lin-Mông-Rõ?
Chị gắt lên:
- Cái bà này, tôi nói chuyện thiệt mà bà cứ diễu hoài. Tôi đổi tên Việt Nam, không thèm tên Mẽo tên miếc gì hết trơn.
Giọng chị bỗng trở nên mơ màng:
-Bà biết không, tôi đóng tiền, xin đổi thành tên Thanh Giang. Thanh giang. Giòng Sông Xanh. Hy vọng đời mình từ đây êm đềm như giòng sông xanh trong mát. Bà nghĩ coi, tôi nghĩ có đúng không?
Tôi mỉm cười. Sao không? Người phụ nữ nào lại chẳng có quyền mơ mộng cho dù đó là một người phụ nữ ở tuổi 55.
Trầm Hương
(*) Kỷ Vật Cho Em- nhạc Phạm Duy
(**) Ngày xưa Hoàng Thị – thơ Phạm Thiên Thư