Tiểu thuyết
Nguyễn Ðăng Thường
LỜI TÁC GIẢ : Tình yêu, hận thù, hiếp dâm, dị dâm, án mạng… Một người đàn ông, một người đàn bà, một gã thanh niên, một cô gái đẹp… Và tôi, trong một đêm gió mưa xa xưa, của buổi thiếu thời…
Câu chuyện sau đây rất có thể đã xảy ra ở nước ta, dưới thời thuộc địa, vì tôi – chứng nhân, đồng lõa, hay thủ phạm? – tôi biết nó đã xảy ra, nên đã muốn hủy diệt nó trong ký ức. Nay, kể lại, tôi muốn xóa bỏ phần nào lằn ranh chủng tộc, ngôn từ, và hiện thực - gã “clô-sa” kể chuyện cho du khách nghe là một nhân vật của “truyện cổ tích”, không thể có trong đời sống thật - để cho câu chuyện này có thể xảy ra “bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu”, trên những miền đất mênh mông của “hoang tưởng”…
Nếu muốn biết cho rõ, bạn nên nhìn
cái bề mặt : đằng sau chẳng có gì cả.
Andy Warhol
Đó là một bức tranh mà nó đã được trông thấy từ lâu lắm rồi, từ hồi nhỏ, trên một tờ báo có nhiều hình màu, nhưng nó vẫn chưa quên, từ những năm tháng đói rách của hai mẹ con nó trong một căn buồng tồi tàn, với chiếc cửa sổ nhỏ nhìn ra bờ sông, bức tranh vẽ một người mẹ bồng con.
Họa sĩ - một người Tây Ban Nha sống ở Paris - đã dùng các màu xanh, xám, hồng, pha trộn gần giống nhau, cho nên, khi thoạt nhìn, người ta ngỡ đó là một bức tranh toàn một màu lam. Người mẹ trẻ đội một chiếc khăn voan trắng, đầu hơi nghiêng về bên tay trái - bên mé phải bức tranh - và cúi nhìn đứa con. Chiếc khăn rơi xuống đôi vai gầy và nhọn hoắt của người mẹ, phủ che cánh tay bồng đứa bé, mà người ta chỉ thấy ló có cái đầu trọc méo mó, nhỏ hơn một chiếc sọ dừa. Phía sau lưng họ là bầu trời xám và mặt biển xanh phẳng lặng.
Đó là một bức tranh mà gã đã trông thấy bên trong một khách sạn, hai hay ba hôm trước, một bức tranh mà chắc gã đã được trông thấy, nhưng từ lâu lắm rồi, từ thời còn đi học, và gã đã quên, từ những năm tháng hạnh phúc của hai mẹ con gã trong một ngôi biệt thự bằng đá trắng, trên bờ biển, có trồng những cây trúc đào. Bức tranh vẽ một người đàn bà cầu nguyện. Người đàn bà có thể là Đức Mẹ hay một phụ nữ miền duyên hải, hoặc có thể là cả hai giả thuyết trên đều đúng - nghĩa là nhà họa sĩ đã vẽ Đức Mẹ Đồng Trinh qua hình ảnh một người thiếu nữ xóm chài. Hay ngược lại, có thể là cả hai giả thuyết trên đều sai - nghĩa là người vẽ không có chủ đích biểu hiện hai nhân vật ấy - mặc dù bức tranh khiến người xem phải liên tưởng ngay đến họ.
Người đàn bà đội một chiếc khăn vải nâu. Chiếc khăn rơi xuống bờ vai và phủ che phần trên chiếc lưng trần chắc nịch của người đàn bà. Màu sắc trên tranh rất rực rỡ, nhưng hơi quê mùa, hình thể đường nét ngây ngô, chất sơn dầu o bế, tuy có thô thiển nhưng rất dễ thương, với các màu đỏ chói, da cam, xanh dương, mà người ta có thể bắt gặp, chẳng hạn, trên tranh Gauguin thời kỳ đầu. Tất nhiên, bức tranh treo bên mép trái khung cửa kính nhỏ này không phải của nhà danh họa đó, mà chắc là của một tay nghiệp dư, một “họa sĩ ngày chủ nhật”, bởi không thấy có chữ ký, và người đàn bà đội khăn kia chỉ có thể là mẹ nó.
Đó là một câu chuyện mà hắn đã được nghe kể lại, nhưng hắn cũng không buồn để ý, vì vậy, hắn chẳng còn nhớ ai đã kể, hồi nào, và ở đâu. Rất có thể là trong cái quán rượu thưa khách của cái phố cảng đìu hiu này, một buổi chiều, hai hay ba hôm trước khi con tàu hàng Thụy Điển cập bến. Một câu chuyện rất lạ lùng, mà hắn gần như đã quên hết, chỉ còn nhớ mang máng là có một chiếc lá khô rơi từ trên cành xuống và trôi bồng bềnh trên một vũng máu (lạ nhỉ ?) - Một câu chuyện chắc cũng vừa mới xảy ra thôi, vài ba hôm trước, đúng lúc một gã con trai bị đánh đập đến chết, còn người mẹ thì ngồi chờ trên chiếc ghế xích đu, mình đắp cái chăn xám, trong căn nhà nhỏ có chiếc cửa sổ duy nhất nhìn ra bến tàu.
Đúng vậy rồi, đó là một câu chuyện đã tình cờ lọt vào tai khiến hắn tò mò chú ý lắng nghe, bởi thế cho nên, hắn còn nhớ rất rõ, là câu chuyện về cái án mạng rùng rợn đã được bàn tán xôn xao khi hắn ngồi trong cái quán cơm tàu ồn ào, bên cạnh chiếc bàn có một người đàn bà ngoại quốc với một người thủy thủ nước ngoài, một buổi sáng, hai hay ba hôm sau khi con tàu hàng Hòa Lan đã kéo neo lên đường. Một câu chuyện tuy rất lạ lùng, nhưng đã trở thành nhạt nhẽo chán phèo, vì bọn ăn không ngồi rồi, thất nghiệp lang thang, ở cái phố cảng hẻo lánh nhưng dập dìu du khách ấy, kể đi kể lại mãi cho bọn người tứ xứ ghé qua đấy nghe, mong họ đãi cho một cốc rượu, hay họa hoằn được một bữa ăn, những lúc có tàu ngoại quốc đổ bến và đám du khách tấp nập theo nhau lên bờ viếng cảnh, chụp hình, mua sắm các thứ lặt vặt.
Có phải đó là một câu chuyện mà rất nhiều người ở đấy đã được biết, và họ đã kể đi kể lại mãi, và hắn đã không thể tránh nghe những lúc muốn ăn uống, thành thử, câu chuyện lúc ban đầu khá tầm thường, nhưng mỗi người lại kể khác đi vì đã thêm thắt vào, mà câu chuyện nhạt nhẽo dần dà đã trở thành kỳ lạ, với vô số nhân vật và chi tiết đối nghịch nhau? Hay đó là một câu chuyện lúc ban đầu rất kỳ dị, chỉ có một mình gã được biết thôi, nhưng vì muốn có rượu uống hay cơm ăn, nên gã đã phải kể đi kể lại mãi cho các thực khách, mà cái câu chuyện rất lạ lùng đó ai nấy rồi cũng đều được biết hết gốc ngọn, đâm nhạt nhẽo chán phèo, chẳng còn ai muốn nghe nữa, và với thời gian tuổi tác, cứ mỗi bận kể lại cho một người nào đó còn tò mò muốn biết, gã lại quên thêm một tí, vì câu chuyện xảy ra đã quá lâu rồi, từ hồi gã còn bé, từ những năm tháng mà người đàn ông đó còn sống trong ngôi nhà bằng đá trắng, cho nên tình tiết của câu chuyện đã biến mất luôn trong sương khói, chỉ để lại hai nhân vật không liên hệ gì với nhau : một phụ nữ trẻ đẹp quý phái và một đứa gái nhỏ nghèo đói tật nguyền.
Mà hình như cũng chẳng phải vậy, vì đó chỉ là một vở kịch mà nó đã xem. Hay đã đọc? Hay đã viết? Một vở kịch rất ngắn, chỉ có hai nhân vật : một bà mẹ già và một đứa con trai. Người mẹ ngồi trên một chiếc ghế - xe lăn tay - nhưng khán giả không được thấy chiếc xe, vì một tấm mền len đỏ đã phủ che cái thân hình tàn tật của người mẹ, chỉ để ló ra cái đầu tròn vo tựa một chiếc sọ dừa. Người mẹ đã chết. Đứa con trai thì như bị treo lơ lửng trên không trung, do vậy, khi mới nhìn, khi màn vừa kéo lên, người ta có cảm tưởng như người mẹ đang quỳ dưới chân đứa con mình - người con cũng đã chết. Thân thể của hắn lõa lồ, ngoại trừ một miếng vải che đậy bộ phận sinh dục. Hắn trông tựa như Chúa Giê-su trên những bức tranh cổ điển của nước Ý trong thời kỳ Phục Hưng, hay trên các bức icons Hy Lạp. Màu da trắng toát của cái xác người con - người diễn viên đã thoa một lớp phấn trắng thật dày - làm nổi bật những lằn roi còn rỉ máu. Tay chân của người con bị trói chặt bằng hai sợi dây đỏi - hay xích chó? - hay chiếc còng số tám? - hay những sợi thừng mà nó thường thấy nằm rải rác trên các bến tàu, nhưng không biết dùng để làm gì ?
Khán giả - bọn người thừa tiền bạc trong các khu phố sang trọng - khi nhìn theo ánh đèn rọi trên sân khấu còn chìm trong bóng tối lúc màn mở ra, ánh đèn rọi di chuyển theo chiều kim đồng hồ, nghĩa là từ trái sang phải và từ trên xuống dưới, từ trên đỉnh đầu và khuôn mặt xuống tới chân người con, rồi rọi lên chiếc mền đỏ, rồi cái đầu gục xuống và cái khuôn mặt cúi nghiêng của người mẹ, trước khi dừng lại vĩnh viễn - khán giả tưởng chừng như thấy máu từ các vết thương trên khắp mình mẩy của người con chảy đọng lại thành một vũng thật to, trong đó người mẹ đang ngồi - đang quỳ cầu kinh - chỉ để ló có cái đầu nhỏ ra ngoài, tuy cái thân hình gầy ốm của người thanh niên không thể chứa được ngần ấy máu - cái đầu khô héo của người mẹ khiến một người xem chợt nhớ tới một chiếc lá tre cong queo trôi bồng bềnh trên một vũng máu. (Nhưng kiếm ở đâu ra cho được một cử tọa - sang hay hèn, thừa của hay thiếu tiền - cho một vở diễn kỳ cục như thế?)
Và nó chợt nhớ: trước khi tấm màn nhung buông rủ xuống và tất cả ánh đèn trong rạp hát đồng loạt thắp sáng, khán giả - những chị bồi phòng, những cô thợ may, những em bé bán hoa, những anh thợ trẻ, những chú lính say, những tên ma cô, những ả buôn hương bán phấn - khán giả thấy người con gái xoay mặt về phía chiếc cửa sổ hai bên có treo màn vải sọc vuông trắng đỏ, khung cửa sổ mở nhìn ra cái bến tàu nhộn nhịp, người con gái cũng đang ngó xuống cái bến tàu nhộn nhịp, đưa chiếc lưng trần và đôi vai gầy phủ che bởi một mái tóc thề về phía họ.
Và gã bỗng nghe: tiếng người đàn bà nức nở khóc trong đêm khuya, và một lát sau là tiếng chiếc xe lăn tay di chuyển chậm chạp nặng nề trên sàn gỗ và tiếng đứa con gái nhỏ húng hắn ho. Rồi im bặt. Những giọt mưa bên ngoài bắt đầu rơi lộp bộp trên mái lá, át dần tiếng của hai mẹ con gã trong căn nhà.
Nhưng hắn vẫn tiếp tục nghe : tiếng người mẹ trẻ hát ru con, tiếng người thủy thủ say rượu chửi thề, tiếng bước chân dồn dập của đứa con gái trên đường khuya vắng, tiếng người đàn ông kêu gào thảm thiết, tiếng ngọn roi da quất xuống mỗi lúc một nhanh, tiếng sợi dây xích sắt đập mạnh vào cánh cổng - trong tiếng những hạt mưa đã bắt đầu rơi đều bên ngoài.
Hay đó chỉ là một màn thôi, của một tấn tuồng không phải ngắn mà thật dài, một trò đùa quái gở của định mệnh, với vô số nhân vật, thành ra, bây giờ họa may chỉ có ông Trời mới có thể biết nổi bọn họ đã làm những chuyện gì, đã nói những điều gì, trong vở tuồng đó và trên sân khấu đó - nghĩa là trên bến tàu, tại quán ăn, nơi tiệm rượu, ngoài bờ biển, trong ngôi nhà, trong căn buồng - giữa đêm thành phố hiu quạnh và bao la. Chung quy, thiên hạ chỉ còn nhớ mang máng cái câu chuyện lạ lùng mà chắc một trong các nhân vật đó đã kể lại, nhưng chẳng còn ai biết rõ người đàn bà bồng con đi lang thang trên bờ biển là nhân vật đã kể lại câu chuyện đó hay chính là câu chuyện.
Người đàn bà - người con gái - mặc áo trắng, tay cầm bó hoa, đầu hơi nghiêng về bên phải và như đang cúi nhìn xuống đất tìm một vật gì. Chiếc xe đạp dựng dưới gốc cây. Mái tóc ngắn kiểu con trai khiến đôi mắt to đen và khuôn mặt trái xoan càng thêm não nùng. Vừa trông thấy gã cô ta khựng lại. Gã khẽ cất tiếng chào, nhếch môi mỉm cười, từ từ bước tới. Gã không nghe tiếng la hay tiếng khóc, có cảm tưởng như nằm trên một cái xác chết, vì hình như cũng không có tiếng thở. Chỉ có tiếng chim ríu rít trên cành, trong những bụi ớt hoang, mận gai, xương rồng. Bó hoa thơm bị dập nát dưới bờ vai mềm. Gã đứng dậy. Xa xa, trước mặt gã, là mặt biển xám và bầu trời xanh phẳng lì.
Gã nhớ đã thấy máu chảy đọng lại thành một vũng rất to trên mặt đất - hay chỉ là nước mưa phản chiếu ánh hoàng hôn? - ở gần cái gốc cây xoài cằn cỗi, chỗ người con gái hình như đã đứng nghỉ mệt, hay đợi chờ ai đó, mấy hôm trước. Người thanh niên bị treo ngược, dương vật bị thiến, thịt trên ngực và mông bị lóc gần hết - hay chim chóc đã tới rỉa? - hai tay bị trói ké sau lưng, có thể bằng một chiếc còng, chiếc còng số tám mà nó đã thấy treo trên tấm vách tường gần bên chiếc cửa sổ nhỏ có hai chấn song nhìn ra bãi biển, trong gian phòng tối tăm ở mặt hậu của ngôi nhà có mùi ẩm ước và tanh tanh như mùi máu, vì vậy, khi thoáng trông thấy - khi cánh cửa mà một trong hai người lính cảnh sát lấy chân đạp banh ra - khi cánh cửa vừa mở hé và ánh trăng rằm tháng tám rọi hắt vào, họ có cảm tưởng như cái đầu của người đàn ông đang nằm trên giường trôi bồng bềnh trên chiếc mền đỏ - trên vũng máu.
Thế nhưng nhân vật nào đã kể lại câu chuyện về người đàn ông - hình như là một người Pháp - bị cứa cổ, thẻo cặc, cắt dái, nếu cả hai đã chết cùng một lúc, hắn, trong căn buồng ngoại ô ẩm mốc, và nó, trong ngôi biệt thự kín cổng cao tường, trước khi cái chuyện đó xảy ra, và trước lúc vở kịch đó bắt đầu? Vở kịch rất ngắn, chỉ có vỏn vẹn hai nhân vậït câm và điếc - với lý do rất khôi hài là vì họ đều đã chết - vở kịch duy nhất mà nó vẫn còn nhớ, vì nó đã viết, đã đọc, hay đã xem? Tuy nhiên, bây giờ nghĩ kỹ lại nó bỗng đâm hoang mang, vì không còn biết hai nhân vật của vở kịch đó, là: một người vợ với một người chồng, hay một người chồng với một đứa con gái, hay một đứa con gái với một người thủy thủ, hay một người thủy thủ với một người đàn ông, hay một người đàn ông với một thằng con trai, hay một thằng con trai với một bà mẹ hay…
Nhưng mà đâu phải vậy, vì đó chỉ là một chiếc ảnh màu, nó nhớ ra rồi, ảnh chụp một người thiếu phụ trẻ đẹp ngồi bên cạnh một đứa con gái nhỏ xinh xắn dưới một khóm trúc đào đang trổ đầy những chùm hoa màu hồng. Phía sau lưng họ là một ngôi biệt thự trắng cửa sổ xanh lá cây. Chắc là ngôi nhà mà hắn đã ngó thấy trên con lộ từ bãi biển đi vào thành phố. Thằng Tây giả vờ tin câu chuyện gã đó kể, mua cho gã một chai bia, dúi vào tay gã một tờ giấy bạc, bảo nó là rất dễ tìm thấy - ngôi nhà - với chiếc cổng sắt luôn luôn được khóa chặt, nhưng vòng rào thấp rất dễ trèo qua - ngôi nhà và mảnh vườn tuy vẫn được chăm sóc nhưng dường như bỏ trống, vì hắn chưa bao giờ thấy có bóng người thấp thoáng bên trong.
Có phải đó là tấm hình mà người đàn, gặp gỡ tình cờ một đêm trong cái quán rượu trên kè bến, hai hay ba hôm trước ngày con tàu nhổ neo lên đường, đã đưa cho hắn xem trong căn buồng khách sạn? Hay đó là tấm hình mà gã đã nhặt được trên đồi cát trong khi rình rập dõi bước theo? Hay đó là tấm ảnh mà nó đã trông thấy từ lâu rồi, từ thời niên thiếu, trên một tờ báo cũ đã rách bìa? Hay đó chỉ là một tấm carte postale trong cái kiosque bán hàng lặt vặt của người con gái trên bãi biển, mà một du khách đã mua - vì nó gợi lại một kyœ niệm xưa xa - tấm hình đã rơi mất trên đường về khách sạn?
Người con gái đánh phấn trắng thật dày, hình như vậy, bởi thế, khi thoạt nhìn, khi từ bóng tối lạnh lẽo bên ngoài gã bước vô cái quán rượu oi bức, rỉ rả tiếng nhạc Tango Bleu, ngộp mùi mồ hôi, thuốc lá ánh đèn chiếu lên mặt người con gái, chắc là một con điếm, khiến cái miệng thoa son đỏ chói của ả lúc đó hình như ả đang kể một câu chuyện vui trông tựa một vết thương còn rỉ máu, một vết thương mà hắn đã nhìn thấy trên thân thể một người nào đó, hay là hắn đã mang trong lòng mình từ lâu lắm rồi, từ những năm tháng thật xa xôi, khi nó còn đứng ngó lung trên các bến tàu, khi gã còn lang thang trên các bãi biển, khi hắn còn bước tới lui trong các căn phòng khách sạn, còn tưởng nhớ trong các quán rượu, còn đợi còn chờ trong các ngôi nhà? Và hắn bỗng nhớ lại tất cả mọi chuyện đã xảy ra : những câu đối thoại, những giọng nói, những khuôn mặt những hình ảnh và những âm thanh đó chồng chất lên nhau, trộn lẫn trong thời gian thành tiếng nói và màu của im lặng, khi ánh sáng vụt tắt và tấm màn nhung đỏ từ từ vén lên.
Khi màn mở ra, tôi như ngửi được mùi gió biển quen thuộc thổi về từ cái phố cảng mênh mông và cô quạnh của thời thơ ấu - một cơn gió dìu hiu đã thổi mãi từ những tháng năm hạnh phúc trong ngôi nhà. Tôi nghe tiếng chim hót trong bụi mận gai. Một năm sau cái buổi trưa hè oi ả đó, tôi thấy nó bế con đi lang thang trên bờ biển. Lúc đầu tôi có hơi áy náy. Nhưng không lâu. Vết cắn trên bờ vai mềm, bó hoa thơm bị dập nát, cái xác chết dưới tôi đã sanh sôi nảy nở thành những xác chết thật. Tôi đã rời phố cảng. Tục ngữ bảo : Cha nào con nấy. Tôi bảo : Bậy. Cứ xem đấy. Tao đâu có homo, tao đâu có chơi dại. Còn lâu tao mới bị cứa, cắt. Dạ đúng, tôi cặm cụi, siêng năng, không uống rượu hút thuốc. Mỗi ngày tôi lấy chiếc bus 13, sáng tối đều đặn, đến sở rồi về nhà. Tôi sống độc thân. Tôi làm kế toán viên cho một hãng xuất nhập cảng ngoại quốc lớn và vừa mới ăn mừng sinh nhật hai mươi tám tuổi. Tôi soi gương thấy mình vạm vỡ, đẹp trai, duyên dáng. Tôi có nhiều bạn gái xinh xắn, dễ thương. Tôi thấy tôi đang đứng trong gian buồng ẩm mốc - người mẹ xinh đẹp của nó đã chết rồi, cái xác già mảnh mai khô gầy như một con búp bê nằm nhắm mắt ngàn thu trên chiếc giường nệm êm ái trải tấm drap màu eau de nile - hay trong căn phòng khách sạn tồi tàn trên bến tàu, có chiếc cửa sổ treo màn vải sọc xanh, chiếc màn đã phai sắc như khuôn mặt người đàn bà vừa đưa tay khép chiếc màn lại, che khuất cái bến tàu ồn ào và những người thủy thủ tứ xứ ?
Và như trong một giấc mơ gã nghe những câu đối thoại sau khi tấm màn nhung thẫm đã vĩnh viễn buông xuống cuộc đời, khi đám khán giả bình dân đã rời khỏi cái rạp hát bẩn thỉu đầy rác rưởi - các tờ chương trình, các bao thuốc lá, giấy gói bánh kẹo, que kem - nô nức theo nhau ra về trên các nẻo đường khuya dưới ánh đèn đường yếu ớt - các bóng đèn tựa những chiếc kén chín vàng mắc trên nhánh cành - trước khi tan biến vào đêm thanh.
Và hắn bỗng nghe như có tiếng ai khe khẽ huýt sáo một điệu nhạc cũ trong đêm vắng. Hay đó chỉ là tiếng gió biển xa xăm còn thì thầm trong những bụi rậm? Rồi thôi.
Những giọt mưa ngoài trời đã bắt đầu rơi lộp bộp trên mái ngói át dần tiếng của mọi người trên sàn diễn.
1971 - 2000