Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Mưa trên cây sầu đông

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 7822 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mưa trên cây sầu đông
Nhã Ca

Chương một

     Cây sầu đông không biết có phải là một loại cây đặc biệt ở Huế không, tôi nghe người Bắc gọi là cây Xoan, người Huế gọi là Sầu đông, Thầu đâu hay có khi gọi Sầu đâu. Thân cây cao, có nhiều cành màu đen, khô, lá cây có khứa, nối chùm bằng những cọng nhỏ, hoa nhỏ, có cánh li ti màu tím nhạt, nhụy tím thẩm. Ở gốc cây, nếu bị vết sứt thường chảy ra một thứ nhựa trong màu vàng, có thể dùng để dán được.
Bây giờ Huế đã đổ nát, đã tang thương. Tôi viết lại câu chuyện này để cùng những người bạn cũ và những cây sầu đông của Huế còn sống sót, nhớ tới một thành phố êm đềm thơ mộng cũ, những ngày cũ, với những giọt mưa rơi từ trên cây sầu đông.
                                                                  Sài Gòn năm 1968


CHƯƠNG I
Đông Nghi choàng một tay qua vai Tỷ Muội, một tay ôm chồng sách dày theo lối cửa bếp đi ra vườn sau. Lúc này, ánh nắng đã bị đẩy lên cao trên những đọt cây xa và mái ngói đã trở lại màu váng rêu điềm đạm. Tỷ Muội vừa đi, vừa đưa tay đánh nhẹ vào những cành cây khế, nhiều cánh hoa nhỏ màu tím rơi bám trên hai mái tóc thề. Đông Nghi đi ngúng nguẩy cốt cho những cánh hoa vuột ra khỏi tóc. Tỷ Muội cười trong veo. Nó giật mấy cuốn sách trên tay bạn, chạy tới một cây khế khác, nằm gọn vào chiếc võng đang đứng sững không chịu đưa đẩy theo gió. Đông Nghi chạy theo, nàng rướn người, định sà xuống võng, Tỷ Muội đã kêu thét lên:
- Khỉ, mi định đè tao chết dẹp răng?
Vừa nói, nó vừa đưa hai tay lên như chực đẩy xô Đông Nghi. Mấy tập sách rơi xuống đất. Đông Nghi cúi xuống lượm lên, vừa phủi sạch đất, vừa nói:
- Mi thiệt kỳ, ta dọa chơi mà quýnh lên rứa. Ngồi lên, ta ngồi với.
Đông Nghi vừa nói, vừa dợm ngồi xuống nữa. Tỷ Muội vừa cười sằng sặc, vừa ngồi rột dậy. Chi lạ rứa. Hai cô bạn lúc bấy giờ ngồi choàng vai nhau, hai chân đạp xuống đất lấy đà đu đưa cái võng. Cây ổi nhỏ móc một đầu võng run run muốn uốn thân xuống. Tỷ Muội nạt:
- Mi muốn gãy hả? Hai ta đâu có nặng nề chi, toàn thân hạc, vóc liễu cả mà.
- Ngày mai phải nhờ thằng Rọm cột cái võng ni bên kia cây ổi sẻ với cây sầu đông cuối vườn mát hơn, ngồi học sướng hơn.
- Mi thiệt, ta phải dạy mi lịch sự tử tế với người nhà. Rọm lớn tồng ngồng, răng mi kêu bằng thằng?
- Kêu bằng chi nữa? Kêu bằng ông địa nghe? Hắn điên điên, khùng khùng. À, mi ơi, bữa trước hắn nhờ ta làm mối cho hắn O Cau gánh nước.
- Không, theo tao, gả O Cau cho ông Bồ Đào, thằng cha ngấp nghé mạ mi đó.

Đông Nghi đang cười bỗng khựng lại. Tỷ Muội vừa nói câu gì mà sao lòng tôi đau nhói. Ông Bồ Đào. Cái ông có khuôn mặt phì nhiêu đạo đức, cái ông mà thường ngày chị chị, tui tui với mẹ tôi!
Không, đó chỉ là một câu nói đùa với Tỷ Muội chứ không có thâm ý gì. Đôi mắt nó trong sáng thế kia, cái miệng nó tươi tắn như sắp cười. Phủi cái mặt sắp nổi sùng của mày đi. Đông Nghi nở một nụ cười:
- Mi nói đùa, mạ ta nghe được, mạ ta phiền lắm nghe
- Thôi, tui xin lỗi bồ!
- Không bồ tèo chi với bạn hết.
- Phải đó, bồ tèo với …
Đông Nghi rú lên:
- Con khỉ, mi định nói châm chọc chi?
- Châm chọc chi mô, mi định bồ tèo với cái thằng cha suốt ngày ngồi đánh ghi ta bên kia vườn. Coi, hôm ni hắn đi mô rồi, chắc đã làm công tác lúc rợn sáng rồi há? Tiếc quá, hôm ni tao chưa được nghe điệu đàn muôn thủa …

Mặt Đông Nghi bỗng buồn ngang. Không phải đến bây giờ nàng mới cảm thấy hôm nay thiếu tiếng đàn ghi ta của anh chàng sinh viên học Hán ngữ. Buổi trưa ngồi học trong phòng, mở cửa sổ đối diện qua vườn bên, Đông Nghi đã trông thấy bóng dáng áo sơ mi trắng tinh thấp thoáng. Sau giấc ngủ trưa, Đông Nghi không được thức dậy bởi tiếng đàn cố tình trầm ấm du dương. Đúng là hắn có cảm tình với mình rồi. Nghĩ thế, Đông Nghi đâm ra thương hại hắn. Đông Nghi không muốn nghe Tỷ Muội nói những câu châm chọc làm hắn ê mặt. Dù mình không thương người ta thì thôi, nhưng cấm người ta thương mình thì không cấm được rồi. Với lại, con gái đứa nào cũng giống nhau, người ta thương mình làm sao không cảm động cho được. Nhưng chỉ nên cảm động thôi. Đông Nghi tự nhủ mình. Nàng cố phủi khuôn mặt buồn ngang của mình lần nữa. Chiều nay, sao nhiều chuyện làm mình nổi sùng thế. Đông Nghi lại nghĩ đến khuôn mặt của ông Bồ Đào. Công việc làm ăn của mẹ đó mà. Thôi cũng quên đi nốt. Anh Vinh ơi, lúc này giá như anh biết được sự bực mình của em. Giá anh viết được cho em một dòng chữ, một dòng thôi. Tình yêu gì mà lạ lùng thế. Buổi sáng đi học, đi theo đằng xa. Buổi trưa đi đón, cũng đi theo đằng xa. Em thèm đọc thư tình, thèm được nói với nhau. Mình có thể ngồi nói chuyện với nhau đàng hoàng ở xa-lông kia mà. Vậy mà anh không chịu đến nhà. Anh sợ mẹ. Mẹ có gì mà anh sợ? Mẹ có phải là con hổ ăn thịt người, con trăn nuốt người cái ực hay con gấu có thể bất chợt tát vào mặt anh? May quá, nỗi bực mình không đậu lâu được trong hồn em nữa rồi. Gió đã mát lắm, còn lâu mới tới mùa thu, nhưng những ngày hạ nóng bức quá. Đợi cả một ngày, chiều mới có cơn gió này đây. Cám ơn gió nhé. Đông Nghi chụp mạnh vào vai bạn:
- Học thôi mày. Kỳ hai mà không đỗ chắc bỏ trường luôn. Học đúp là tao không học rồi. Mà mày cười gì?
- Tao cười mày. Thấy mày ngồi im, tao biết mày nghĩ chi trong đầu rồi.
- Mày sao lắm chuyện quá, chuyện của người ta. Tao có bao giờ đi vào đời tư của mày mô?
- Tao làm chi có đời tư, đời riêng.
- Thiệt không?
- Cũng không thiệt lắm.

Đông Nghi đánh mạnh vào vai bạn. Con nhỏ này, lắm lúc pha trò cũng vui đáo để. Cả  lớp học không có nó chắc chẳng đứa nào bày trò để vui được như bên lớp B3, B4. Bên B3 có con Quỳnh Như, cái gì cũng cãi. Lớp B4 có Trâm lùn, đọc bài luôn luôn ê ê a a như đang cầu nguyện, giận lẫy và nói dai thì vô địch. Lớp B1 có MaRiLyn Cầu Kho, điệu một cây xanh rờn. Nổi tiếng nhờ có thân hình sexy và dám đi rước đèn với bồ ngoài phố. Ở một thành phố nhỏ, chuyện gì người ta cũng biết. Trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã hay. Đông Nghi nhớ tới cô bạn thân năm Đệ Lục, chỉ vì lời đồn đại dám gửi thư tán một ông thầy đã ức lòng tự tử chết. Cái chết của nó đã giải tiếng oan cho nó được năm ba tháng rồi cũng quên đi. Chỉ tội nghiệp cho cha mẹ nó khóc con, thương nhớ con một đời. Đông Nghi nghĩ tới hoàn cảnh của mình. Mẹ nàng chắc sẽ xấu hổ đến chết được nếu nàng bị một tai tiếng nào đó. Đông Nghi không khỏi giật mình:
- Thôi nghe mi, tụi mình đùa chơi với nhau chứ đừng có nói ra chỗ đông người. Tụi con Bích, con Dung nó hàm hồ hay mách lẻo nữa.
- Ta dại chi mà nói với tụi nó.
- Vậy thì được. Dại chi chọc thiên hạ.

Ôi, Đông Nghi thù ghét cái thiên hạ lắm. Ăn nói câu gì cũng sợ thiên hạ cười, ngồi đứng không ngay ngắn cũng thiên hạ cười, đi chung với bạn trai cũng thiên hạ cười. Tôi thù ghét cái thiên hạ này lắm. Thiên hạ, thiên thượng chỉ là một lũ người lắm chuyện. Làm sao để sống hết mình, để thoải mái, sung sướng biết bao. Làm sao để Vinh bước nhanh kịp mình, nói chuyện với mình, ngỏ lời yêu nhau một cách đàng hoàng. Thiên hạ ảnh hưởng đủ thứ, từ gia đình, ở trong học đường, ngoài đường phố. Con mắt thiên hạ đông vô kể. Đông Nghi hỏi bạn:
- Từ hôm mi may áo dài eo, có đứa mô nói chi mi không?
- Chắc là có rồi, nhưng đứa nào dám nói trước mặt tao. Nói lén thì ăn thua gì tới tao. Kệ cha nó. Còn mi, mi nói với ta dẫn đi mua vải, giới thiệu tiệm may rồi cuối cùng vẫn mặc áo hai đường lượn sống.
- Tao thấy kỳ.
- Mạ mi không cho, tao biết cái họ Tôn Nữ nhà mi phiền phức lắm. Ôâi cha, chuyện đời xưa vẫn còn công chúa, còn mệ. Mệ ăn vỏ khoai lang, mệ thất nghiệp cắp dù đi cùng phố, công chúa làm vú em. Nói thiệt, tao chơi với mi mà tao ngán mạ mi quá.

Tỷ Muội nó cũng ngán cả mẹ tôi. Thảo nào ngay cả Vinh cũng không dám đến nhà. Người ta bảo gia đình tôi là gia đình quan gia. Mẹ tôi ngoài vẻ mặt lạnh lùng, bà còn rất ít nói, tôi không thể nào hiểu nỗi mẹ tôi nữa. Khi tôi hư, bà đem chuyện quan gia ra mắng. Khi tôi nên, bà cũng lấy chuyện quan gia ra mừng. Nhưng tôi muốn đời sống bình thường. Tôi muốn có một gia đình, có người cha, người mẹ, người chị, người em. Tôi chỉ là một đứa con gái, lại là con một. Lại thêm một thắc mắc cho mẹ tôi trong công việc chọn một ông rể quý.
- Ta là một Tôn Nữ thì có khác chi mi?
- Nghe cái giọng của mi vừa nói ra cũng sực mùi công chúa.
Tự nhiên Đông Nghi mũi lòng muốn khóc. Con gái Huế đa sầu, đa cảm thiệt mà. Đông Nghi cố dấu vẻ xúc động muốn rợn trên da mặt.
- Thôi học đi, từ nãy đến giờ, chưa có đứa nào học nghe.

Hai cô bạn gái, mỗi cô chọn một tập vở. Tỷ Muội và Đông Nghi cùng ngả đầu xuống mỗi đầu võng, bốn chân vẫn đu đưa sát đất. Thỉnh thoảng Đông Nghi bỏ sách nhìn vu vơ. Tỷ Muội mắt nhắm nghiền lẩm nhẩm ôn bài, giọng đều đều như một bài tụng. Đông Nghi cố học cho nhớ mấy phương trình toán, nhưng không thấy lọt một chữ nào vào đầu. Đông Nghi cũng không hiểu tại sao nàng đâm ra vẩn vơ. Nàng yên lặng ngắm mấy cành cây lay động. Cuối mùa hạ rồi. Những ngọn lá bắt đầu qua thời thanh xuân, màu xanh đã đặc và tối. Đông Nghi nghĩ và thương cho những dấu chân mùa học vừa qua nàng để lại trên đường đi. Những dấu chân của nàng, những dấu chân theo hút của Vinh, những dấu chân chồng chất lên nhau hàng trăm lớp vẫn thấy xa cách. Ta yêu Vinh thật không? Yêu hay mới chỉ thấy thích? Tìm xem Vinh có đặc điểm nào? Dáng điềm đạm trầm lặng của con trai Huế. Đôi mắt đen, hàng mi cong như con gái với đôi môi đỏ hồng luôn luôn được thấm nước bọt ướt láng. Không, ta cũng chưa yêu Vinh đâu. Ta mới thích Vinh như đã thích anh chàng đánh ghi ta, hay ta vẫn thích được những đôi mắt khác lén nhìn? Đông Nghi muốn nàng thật đẹp, muốn đón nhận tất cả những lời khen. Đông Nghi cố tưởng tượng ra cái dáng mình đi trên đường, cặp sách ôm trước ngực, nón bài thơ nghiêng vành, bờ tóc ôm gọn đôi vai thon nhỏ và thanh tú biết bao. Vinh yêu ta vì những thứ đó chăng? Yêu ta vì lẽ gì ta làm sao biết được. Ta chưa yêu nhưng lòng ta đã xao xuyến. Hay tại vì trời sắp sang thu? Còn lâu, mùa hạ vẫn còn rát bỏng mặt mày. Phải chờ bao giờ mới có một cơn gió mát? Lúc này, Đông Nghi muốn được một mình, nằm thoải mái nơi võng hay nằm vắt vẻo trên ngọn ổi, trên cây khế. Tha hồ mà mơ mộng. Trời xanh, cây trái xanh với tâm hồn ta xanh trong đẹp biết bao nếu có gợn những mây tơ mỏng. Một mùa hè cũng đã qua chóng vánh. Hoa phượng cũng đã nhạt trên đường đi, quả sầu đông đã chín vàng. Cuốn sách vẫn mở trước mặt, nhưng Nghi  không thấy gì hết. Trong đầu Nghi còn vang vọng những tiếng rì rầm của sóng biển, những giọng cười vang trên sóng nước Thuận An. Con đường dài mười ba cây số đi xe đạp, qua phà, về vùng biển. Áo trắng như những miếng thạch trắng mát trườn trên bãi cỏ, sườn đồi xanh. Những buổi chiều mẹ dọn mâm cháo đậu xanh ăn với đường cát trắng hay đường cục chặt nhỏ. Những buổi tối mẹ ngồi nói chuyện với ông Bồ Đào bàn chuyện làm ăn ngoài sân, sai nàng quạt những tách nước trà bay bớt hơi. Những lời mẹ phàn nàn. Anh cố giúp tôi, công việc chạy, tôi cảm ơn anh lắm. Con Đông Nghi đã lớn. Tôi chỉ mình nó là gái, về sau, nó không thể thiếu thốn, bơ vơ. Giọng ông Bồ Đào như một cha cố: Chị cứ tin cẩn ở tôi. Từ trước tới nay, tôi chưa làm gì để thất tín với chị. Chị tin tôi được không? Được hay không thì tại sao phải hỏi? Tại sao lại có giọng như một vị cha cố truyền giáo hỏi con ơi, con tin cha, tin Chúa không? Nó phải được học hành cẩn thận, điều mà chị phải lo cho tới chốn. Đông Nghi cảm động với sự tử tế đó được rồi. Ly nứơc trà vừa nguội, những sợi khói thơm tan biến vào bóng đêm, đậu dưới khóm tường vi, bên cụm hoa nhài. Cho đến những ngày sau, Đông Nghi vẫn còn ngửi phảng phất mỗi lần đứng giữa sân. Đời sống bình dị như thế, sung sướng như thế, có bao nhiêu người lo lắng, nhưng tại sao tôi thấy thiếu một cái gì, nghĩ tới một cái gì?
Đông Nghi cảm thấy đau đầu. Nàng vỗ tay vào trán:
- Thôi, bãi buổi học hôm ni.
Tỷ Muội mở lớn mắt:
- Nãy giờ mày học gì chưa?
- Có.
- Thôi ta về, chiều mai học tiếp. Chiều ni mãi chuyện trò, quên lùng địch rồi.

Địch đây là những quả ổi vừa chín, những quả khế vừa căng khía.
Đông Nghi phủi phủi những cánh hoa khế và cọng khô vướng trên tóc bạn:
- Thôi bạn về nghe.

Tỷ Muội đi tới mé vườn trái, giơ tay khỏa một lỗ hổng nhỏ nơi bụi chè tàu, chui ra ngoài. Đông Nghi nhìn theo bạn vừa biến mất một cách tài tình, ở đó lỗ chè tàu đã hẹp trở lại. Bỗng nhiên nàng liếc về phía sau vườn, bên kia là khu vườn của Khánh. Lúc này nàng lại ao ước được nghe tiếng đàn.

Đông Nghi nhặt hết sách vở, lửng thửng đi vào nhà. Không thấy mẹ đâu, Đông Nghi hỏi thằng Rọm:
- Mẹ tôi đi mô rồi?
- Trước sân a tần thấy không?

Đông Nghi tức cười, đã thấy thì còn hỏi làm gì nữa. Thật là đồ khùng.
Đông Nghi bước lên nhà, bà ngoại đang nằm trên chiếc sập gụ. Bà nằm ngửa, vắt tay lên trán. Đông Nghi đi thật nhẹ ngang qua gian nhà giữa chỗ bà ngoại đang nằm. Nàng vào phòng cất sách, khép cửa lại.
Nàng chưa kịp ngả lưng đã nghe tiếng mẹ gọi:
- Có con Nghi trong nhà không, ra mẹ biểu.
Nghi dạ to một tiếng, chạy ra sân. Mẹ nàng đang ngồi với ông Bồ Đào trước sân, nơi cái bàn nhỏ kê dưới gốc cây nhãn. Mẹ nàng búi tóc, mặc áo dài, đi đôi hài thêu hai con rồng bằng cườm xanh. Ông Bồ Đào mặc quần tây màu nâu, áo sơ mi kiểu Hồng Kông bốn túi. Thấy Nghi, ông Bồ Đào cười:
- Mấy hôm đi xa, về cháu lớn dữ.
Nàng cúi đầu chào. Chắc lại đứng quạt cho nứơc trà bay bớt hơi đây. Đông Nghi đi lại gần mẹ, kéo cái hộc bàn nhỏ, lôi ra cái quạt giấy:
- Quạt hả mẹ?
- Không, hôm nay khỏi. Mẹ kêu con ra, bác Bồ Đào có chuyện chi hỏi con đó.

Đông Nghi mở lớn mắt nhìn người đàn ông, cảm thấy vui thích vì chiếc đầu hói có mấy sợi tóc đang lất phất:
- Thưa bác dạy chi?
- À cháu. Bác đi Sài Gòn có món quà tặng cháu. Một xấp áo dài.
Ông mở cái cặp da to tướng để tựa nơi chân ghế, lôi ra gói hàng đưa cho Nghi:
- Bác cho cháu đó.

Đông Nghi nói lí nhí mấy tiếng cám ơn. Nàng cầm xấp vải đứng lớ ngớ chưa nghĩ được cách rút lui vào nhà thì ông Bồ Đào đã nói:
- Nó lớn bộn rồi. Đến tuổi kiếm chồng được rồi đó.
Đông Nghi  é lên một tiếng, ôm chặt gói hàng chạy một mạch vào nhà, sau lưng nàng còn đuổi theo giọng cười ha hả của ông Bồ Đào. Nhưng vô nhà, Đông Nghi hiểu ra ngay đó là một câu nói đùa, nàng mỉm cười một mình và gỡ gói hàng ra: Một xấp vải nội hóa bằng tơ mịn màu mỡ gà. Đông Nghi nghĩ tới cái quai nón đen.

Nhưng cùng lúc đó, tiếng cười của ông Bồ Đào bỗng nổi lên đay nghiến ở trong đầu óc nàng, chỉ một giây rồi tắt lịm. Như một cái chớp mắt, người Nghi tỉnh khô, xấp hàng trên tay rớt xuống đất. Đông Nghi tưởng tượng ra khuôn mặt cha và cảm thấy ghen tức với lối ngồi nói chuyện tay đôi của mẹ và người đàn ông đó. Khuôn mặt phì nhiêu, đạo đức kia, liệu có thể là một thảm cảnh nào đó cho đời ta không? Nhất định là không, ông ta cũng có vợ con đùm đề. Mạ ơi, nhớ làm một mệnh phụ phu nhân trung trinh, tiết liệt. Ở cái xứ Huế này. Thôi, nói làm chi nữa.
Có tiếng võng kẽo kẹt, tiếng nước đổ sau bể cạn. Đã đến giờ O Cau đổ nước giếng. Mùa này, giếng đã bớt cạn, quả thanh trà sắp ngọt. Đông Nghi bỗng nghe rất rõ lời bạn: Ông Bồ Đào ngấp nghé mẹ mi đó. Thiệt là tức. Sao lúc đó nàng không hỏi cho ra nhẽ những lời đồn đại. Nhưng mẹ nàng không như trái thanh trà vừa ngọt, như nước giếng mùa hạ cạn khô vừa ươm nước? Biết đâu đó? Tiếng O Cau nói oang oang:
- Bà ơi, đổ sáu đôi rồi, với bữa qua mười đôi, vị chi là mười sáu đôi.
Tiếng guốc bà ngoại lẹp kẹp:
- Ừ, tao đi tắm cái đã.

Một lát sau, đang nằm úp mặt xuống gối, Nghi nghe tiếng gáo dừa múc vào bể cạn. Đông Nghi biết bà ngoại đang tắm. Chắc bà lại ở trần, mặc cái quần đen hai ống phồng lớn vì chứa nước. Nàng rùng mình lo sợ bà sẽ kêu: Nghi ơi ra kỳ cái lưng. Ờ bà. Nghi thấy bà như một trái thanh trà để dành, chưa lột vỏ, treo trên giàn bếp. Giá mẹ mình già cả, xấu xí  hơn một tí, mình cũng đỡ lo.

Đông Nghi nghe tiếng bà kêu ơi ới, nhưng không phải gọi nàng mà là gọi thằng Rọm. Có tiếng mẹ nàng gắt khẽ:
- Cái bà này kỳ cục quá, bắt đàn ông kỳ lưng.
Bà ngoại nạt lại:
- Kệ cha tao. Tao già rồi, như trái keo khô, tội vạ chi mà sợ.
Nghi biết mẹ sẽ im, không nói gì hết. Nói nữa, bà chưởi cho mà nghe.
Nghi thấy đói bụng và cầu cho ông Bồ Đào cắp cái cặp đi để được ăn cơm với mẹ.

Nghi biết rằng tối nay, khi ra ngõ đóng cổng, thế nào cũng trông thấy Vinh đi lui, đi tới, lẩm nhẩm học dưới cái cột điện bên kia đường. Chán mớ đời! Rồi cũng chẳng có chuyện gì lạ hơn xẩy ra nữa hết.
Đông Nghi tạt thau nước xuống mặt đất khô. Nước thấm xuống rất nhanh. Nàng nghĩ tới mấy cây ổi nhỏ vừa mới trồng sau vườn và múc nước vào cái lon nhỏ đem đi tưới. Đông Nghi tay xách gàu nước, tay vẹt lá cây đi ra cuối vườn. Mấy cây ổi lá đã héo coi bộ khó sống được. Đông Nghi nghĩ thầm mình sẽ trồng lại vào mùa thu tới, nếu chả may mà nó không sống được. Nàng tưới cây xong, ngồi xuống một hòn đá ở cuối vườn, bên cây bại hoại. Hoa bại hoại nở bốn mùa, hương hoa này ngan ngát, cánh dày, đài như múi mít, màu vàng xanh. Những đêm trăng sáng, mở cửa sổ cho ánh trăng tràn ngập đầy phòng. Đông Nghi thường nằm thẳng, ngửa mặt nhìn những bóng lá cây lay động chiếu lên tường, mũi nàng nở lớn, bít đầy lồng phổi mùi hương hoa bại hoại. Mùi thơm ngọt lịm thấm vào tận tim gan, làm nàng ngây ngất, chân tay bải hoải như bị mùi hương làm cho tê liệt không cất lên được nữa.

 Những lúc như thế, Đông Nghi thấy đầu óc nàng đê mê, không còn chân tay, không còn mặt mũi, chỉ còn bộ óc tê lịm trong mùi hương ngọt ngào. Và nàng cảm thấy mình tan biến hòa hợp trong ánh trăng xanh, nhảy múa trong ánh trăng xanh tràn trên gối, trên đỉnh màn, trên tủ áo. Còn nữa chứ, làm sao tinh tế để nhận ra những mùi hương khác như hương hoa nhài, hương hoàng lan, hương khế, hương sầu đông, hương hoa thanh trà, hoa bưởi.

Đông Nghi đưa cái nhìn quấn quít quanh vườn và qua khóm hoa nhài sát hàng chè tàu chưa kịp cắt bằng phẳng, Đông Nghi bắt gặp một đôi mắt ai đó đang lén nhìn sang. Quên cả gàu nước, Đông Nghi bỏ ù té chạy một mạch vào nhà. Đến gần sân, Đông Nghi bước vào cửa. Mẹ nàng đã trang điểm xong, áo nhung tím, cổ đeo kiềng vàng chạm, hai cổ tay đeo hai đôi neo. Hôm nay bà Phúc Lợi không búi tóc lọn mà lại vấn tóc theo kiểu người Bắc. Đông Nghi thấy mẹ trẻ hơn, sang hơn. Nàng đi như nhảy đến bên mẹ:
- Mạ sang cửa hàng hả mạ?
- Không, tui định tìm cô. Sáng mai cô sang cửa hàng nói với chị Nại bán hàng một mình.
- Mạ đi mô?
- Tui đi có công, có chuyện.
Bà mở ví, lấy tờ năm chục:
- Đi xe xích lô cho nhanh, đừng cà rịch, cà tàng hay bày đặt đi xe buýt nghe chưa.

Đông Nghi đưa tay cầm tiền, nàng cúi gầm mặt. Một mối buồn tràn tới rất nhanh, phút chốc cứng ngắc cả mặt mũi. Bằng một lối nói như thế, Đông Nghi đã nghe quen hàng ngày, nhưng không lúc nào Đông Nghi bằng lòng với đối xử đó. Chắc mẹ cho Đông Nghi là đồ con nít. Hay chính vì Đông Nghi, đứa con gái một làm cho mẹ vướng mình. Tất cả mọi sự nghi ngờ đổ lỗi cho mẹ, Đông Nghi thấy vô lý, đôi khi còn hàm hồ nữa, nhưng Đông Nghi cũng không tìm được một lẽ phải nào để bào chữa cho sự nghi ngờ về lối đó. Nàng vò nhàu nát tờ giấy năm chục trong lòng bàn tay và nhìn mẹ chào bà ngoại rồi đi ra khỏi cửa. Tự nhiên Đông Nghi thấy giận dỗi mà không biết giận ai. Tìm lý do để giận mẹ thì không tìm thấy. Bỗng nhiên khuôn mặt ông Bồ Đào hiện tới đúng lúc cho nàng trút hết giận hờn. Phải rồi, chỉ có thằng cha đó. Đông Nghi muốn chạy vào buồng, xé nát xấp hàng mà nàng đã cất kỹ trong tủ áo tối hôm qua. Đáng lẽ ta không nên vội vàng nhận như thế. Nhưng cũng không được, thử chọc giận mẹ lên mà xem. Đông Nghi rút cổ lại. Chưa bao giờ nàng cải mẹ chuyện gì đến độ quyết liệt, nửa chừng lúc nào Đông Nghi cũng im ngang, cúi mặt xuống, tránh đi đôi mắt quắc lên đầy giận dữ của mẹ. Phản ứng sẽ kết cuộc như thế nào, Đông Nghi chưa một lần dám muốn biết.
- Cháu Nghi, ngồi xuống bà hỏi.

Đông Nghi quay lại nhìn bà ngoại. Bà Ấm Cả đang nhai trầu, hai chân bà xếp bằng. Đôi mắt bà ngoại nhiều nếp nhăn, nhưng thanh thản. Đông Nghi bước lại gần bà ngoại:
- Cháu ngồi xuống, bà hỏi.
- Dà.
- Mấy bữa ni con có xuống dì Trạm con không?
- Dạ cháu bận học thi. Bà sai thì cháu xuống.
- Ờ, bà định sai cháu, trưa ni bắc cái thang khèo mấy bông hoa bại hoại để tối mình cúng rằm, rồi đem xuống cho dì con ít bông, hắn ưa lắm.
- Nhưng con không thích xuống dì Trạm, dì nớ cũng lạnh lùng như mạ con.
- Y, tại cháu hay hỏi này, hay hỏi nọ, con nít ưa hỏi bậy, người lớn ghét lắm.
- Cháu hỏi chi nhiều mô, mạ không cho cháu biết tin tức ba cháu, cháu hỏi dì, dì la.
- Ba cháu đã đi xa, coi chừng tới lúc ni chết rồi cũng nên, ai biết nữa.
- Cháu thấy mạ cháu dấu cháu. Hay ba cháu chết rồi cũng nên.
- Thì hồi đó ba cháu đi biệt mù cà cưỡng, có tin tức chi mô.
Đông Nghi đưa mặt mình tới gần bà:
- Bà ơi, bà coi cháu giống ba cháu hay mạ cháu?
Bà Aám Cả cố mở lớn mắt nhìn vào mặt cháu, nhưng qua làn mây mỏng, bà chỉ nhìn thấy khuôn mặt cháu lờ mờ:
- Tao nhớ hồi đỏ cháu giống mạ cháu.
- Cháu thích được giống ba cháu. Ba cháu ở xa mà gần với cháu hơn.
Bà Aám Cả bật cười khàn khàn. Bà không hiểu ý nghĩa câu nói của cô cháu ngoại, nhưng bà nghĩ chắc nó đang giận mạ nó. Bà giả vờ mắng:
- Tao đập cái chết mạ mi chừ. Thôi, giã cho bà cối trầu nữa coi, cho nhiều vôi cho miếng trầu có duyên một chút.

Đông Nghi hiểu rằng có hỏi thêm nữa cũng chả ích gì hết. Nhưng tại sao nàng lại thắc mắc về lý lịch cha trong khi mẹ nàng vẫn bảo: Cha làm chính trị, trốn đi Tàu, đi Tây chi hồi đó biệt mù đến chừ. Không biết sống chết, không có tin tức. Tại sao ta không coi như cha ta đã chết? Phải rồi, nếu còn sốâng, chán chi cách nhắn tin, nhờ cái tòa đại sứ, nhờ các tuần báo, nhật báo, nhờ người quen liên lạc. Nhưng mẹ tại sao cố tình ít nhắc tới cha, giữa cha với mẹ hình như có sự bất bình nào, vô lý chỉ có lý do ba bỏ đi mần chính trị rồi biệt tích. Nghi ngồi giã trầu cho bà, tay nàng vừa nghiến nghiến cái chỉa đồng, mắt lơ đãng nhìn ra sân. Nơi gốc cây nhãn già kia, buổi tối hôm trước, mẹ nàng vừa ngồi nói chuyện với ông Bồ Đào. Đông Nghi không thể hiểu được, không thể tưởng tượng được ngoài những chuyện mua bán, mẹ còn có chuyện gì để nói với ông Bồ Đào. Nàng bỗng có cảm tưởng rằng ông ta biết nhiều chuyện về người cha đi xa của nàng. Nhưng làm thế nào để ngồi nói chuyện tay đôi với ông hay làm thế nào để gợi ra câu chuyện đó. Bên nội của Đông Nghi vừa ít người,  lại vừa bí mật. Hình như bà nội không yêu thương nàng nồng nàn như tình máu mủ. Đông Nghi còn một ông bác, bà con bên nội ở Huế, còn mấy cô chú ở Đà Lạt, Sài Gòn. Và có điều lạ là nàng chỉ biết họ mơ hồ qua những lần nói chuyện với anh Liệt, chị Minh con ông Bác. Nghi nhớ những lần mang quà của bà ngoại hay mạ sang biếu bà nội, nàng thường gặp một bà già quắc thước, cũng ngồi trên sập gụ, trước bàn thờ lớn có màn điều che, hai bên những cột gỗ bóng loáng, có những lưỡi gươm, lưỡi giáo dựng đứng như ở trong đại nội hay trong những đền lên đồng. Có lần Nghi được nhìn vào trong khu đền thờ, thấy la liệt nhiều bát hương, nhiều khung ảnh phủ vải điều, vải vàng. Những bức ảnh các vị tướng ngồi trên ngựa hoặc ngồi trên chiếc ghế như ngai vàng của vua, người nào cũng áo mão, râu ria chấm ngực. Có lần anh Liệt giảng cho nghe tấm nào là ông cố, ông tổ, tấm nào là ông nội, nhưng hồi đó, Nghi còn nhỏ lắm. Mỗi lần gặp bà nội là mỗi lần Đông Nghi khổ sở vì vẻ tẻ nhạt của bà.
- Ngoại cháu có khỏe không?
- Dạ cám ơn bà nội, bà ngoại con mạnh khỏe. 
- Ờ, cháu còn đi học chớ ….
- Dạ …..
- Lên lớp không?
- Dạ thưa nội có.
Ừ, thôi ra ngoài chơi.

Chữ ra ngoài có nghĩa như đuổi: “Thôi mày về với má mày!”. Và mỗi lần Đông Nghi đi ra khỏi chiếc cổng dài, hai bên trồng chè tàu, Đông Nghi có cảm tưởng như mình đang bị xô đuổi, bị ném vuột ra khỏi mối liên hệ máu mủ.
Nhớ dạo còn nhỏ, Đông Nghi hay hỏi mẹ:
- Mạ ơi, bà nội không thương con hả mạ?
Bà Phúc Lợi gắt:
- Ai biết chi bà có thương hay không thương. Mi cháu bà chớ ta cháu bà mô mà biết.

Lần này, Đông Nghi định đem chuyện đó ra hỏi ba ngoại, nhưng thấy bà ngoại ngồi nhép nhép nhai trầu với vẻ hết sức vô tư, Đông Nghi không muốn bà bận lòng vì mình. Nàng đứng dậy uể oải:
- Thôi, cháu sang cửa hàng đây ngoại.
- Ừ, cháu nhớ đi xích lô kẻo nắng hỉ.
- Dạ.

Đông Nghi thay chiếc áo dài lụa trắng, bỏ đôi dép lại, mang đôi guốc gỗ cao gót vào. Đứng trước gương, nàng thấy mình cao hẳn. Con gái Huế đứa nào cũng cốt nhất là cái co với dáng người mảnh mai. Đông Nghi ngắm lui, ngắm tới mình ở trong gương rồi vớ chiếc nón lá đội lên đầu. Khi ra nhà ngoài, bà ngoại kêu:
- Cháu đứng đội nón trong nhà mà lùn người đi chừ hỉ.

Đông Nghi bất đắc dĩ phải bỏ nón xuống. Khi ra khỏi nhà, Đông Nghi ngước mặt lên nhìn trời thì mặt trời chỉ mới vừa lên khỏi vông đồng ở vườn mụ Ninh. Đông Nghi ngoắc một chiếc xích lô đang đạp ngược chiều:
- Bác Đậu, ghé lại chở tui qua hàng với.
- À cô, bữa ni bà nghỉ ở nhà?
- Không, mạ tui có công chuyện từ khi rạng. Chở tui qua cửa hàng nghe.
Chiếc xích lô vòng qua. Bác Rạng nhảy xuống xe:
- Để tui kéo mui lên kẻo nắng cô.

Chiếc xe chạy bon bon, Đông Nghi nghĩ mình hẳn nhẹ cân lắm. Xe đi dọc xuống phía bờ sông, rồi băng qua chiếc cầu nhỏ, đi rẽ qua ngã trường Đồng Khánh. Ngang qua trường, Nghi thấy hai cánh cửa gỗ đóng chặt, sân trường vắng tanh. Bỗng nhiên Đông Nghi thấy thương nhớ nhốt đầy trong mỗi lớp học và nàng nôn nức chờ đợi ngày tựu trường. Đông Nghi vuốt tà áo lụa, nàng ngồi khép nép một bên xe, chiếc nón nghiêng vành che một nửa khuôn mặt cúi xuống. Đông Nghi thấy một vài nữ sinh đội nón, đi xe đạp song song hoặc ngược đường bên kia, đằng trước và đằng sau có một tốp con trai cũng đi xe đạp nối đuôi, lặng lẻ. Đông Nghi nhìn ra phía bờ sông, nắng đã lên cao. Những ánh nắng vàng chiếu rực rỡ trên dòng sông xanh mát. Mấy con thuyền đang ngược xuôi, mái chèo chậm rải một cách lười biếng. Tự nhiên Đông Nghi nghĩ tới một phương trời xa và thấy chán nản khung cảnh của một Huế chật hẹp, cổ kính và đầy thành kiến. Không có ai còn muốn đổi thay nữa, không còn ai muốn bắt đầu. Tất cả đã nhận một kết cuộc xưa cũ. Xe ngang qua đài phát thanh, qua cầu Tràng Tiền.  Đông Nghi nhìn những ngôi nhà, nhìn dòng sông, nhìn những bạn bè đang đi qua cầu, gió bay bay tà áo, chiếc nón che nghiêng mái tóc thề, tự nhiên Đông Nghi cũng hết thấy mình nô nức muốn thay đổi.


Cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp
Anh không qua kịp tội lắm em ơi
Chả thà chẳng biết nhau thôi
Biết rồi mỗi đứa mỗi nơi thêm buồn


Không bao giờ đuổi kịp hết. Mỗi người đi đằng trước với chiếc bóng đuổi đằng sau lưng. Anh Vinh, anh muốn làm chiếc bóng đuổi đằng sau lưng em đến bao giờ? Người đưa thư mỗi ngày đi qua ngõ đó, tại sao không ném vào một phong thư? Cầu Tràng Tiền chỉ có sáu vài mười hai nhịp, mười hai nhịp mà sao cách xa đến muôn trùng.

Đông Nghi cắn môi, nàng bỏ nón, hất ngược mái tóc ra đằng sau. Hình như cô bạn cùng lớp nào vừa đạp xe qua và gọi nhỏ tên Nghi. Khi Nghi nhìn lên thì chỉ thấy bóng áo trắng với chiếc xe đạp chạy thật nhanh đằng trước mặt. Xe đã đổ dốc. Đông Nghi thấy chợ Đông Ba. Một âm thanh hổn tạp đến nhức óc đang nhốt lùng bùng trong mấy dãy nhà thấp dưới kia. Phía ngoài, dãy hàng hoa và trái cây, Đông Nghi nhìn thấy những chùm nho chín mọng.

Bác Đậu đã nhảy xuống xe, đẩy xe băng qua đường. Xe đậu trước cửa hiệu. Đông Nghi thấy chị Nại đang bày cửa hàng và con Tý quét mấy cái tủ gương bằng chiếc chổi lông gà. Thấy nàng, chị Nại kêu vui:
- Cô sang đó à, bà sang chưa?
Đông Nghi vừa bước vào cửa hiệu, vừa trả lời:
- Mạ nói chị bán hàng đi, sáng ni mạ mắc công chuyện.
- Chắc chiều bà sang?
- Chắc rứa, tui không biết rõ.
Đông Nghi nhìn một lượt khắp cửa hiệu:
- Tý, mi lau mấy cái cửa kính phía trên không lát bà qua, bà khỏ cho.
Dặn dò qua quýt cho xong chuyện, Đông Nghi bỏ về. Lần này không gấp rút gì, Đông Nghi đi bộ. Nàng định qua khỏi cầu rồi kiếm xe. Nhưng ngang qua một hiệu ảnh, Đông Nghi nghe tiếng gọi:
- Ê, Đông Nghi, đi mô rứa, vô đây.
Đông Nghi đứng lại nhìn vào thấy Mỹ Chánh đang thập thò ở cửa. Đông Nghi vẫy:
- Ra đây mi.
- Không được, tao mặc áo cụt.
Đông Nghi hiểu ra, nàng bước vào cửa tiệm. Mỹ Chánh lôi tuột bạn lên căn gác nhỏ dùng làm phòng học và phòng ngủ của nó:
- Đi mô rứa?
- Đi sang cửa hàng.
- Răng lại về?
- Có chị Nại chị bán, tao ghét triển lãm cái mặt cửa hàng lắm.
Mỹ Chánh có tiếng là ăn nói bạt mạng nhất trong mấy đứa ngồi cùng bàn ở lớp. Nó cười khúc khích:
- Tưởng mi triển lãm mới đắt hàng chớ.
- Khỉ, mi ăn nói mất dạy. Tao không chơi a nghe.
Mỹ Chánh càng cười lớn hơn. Hắn kéo Đông Nghi nằm lăn ra giường.
Đông Nghi sợ nhăn áo, đẩy Chánh ra:
- Thôi tao phải về chứ, bà ngoại chưởi chết.
- Thì ngồi chơi, hay ở lại đây ăn cơm trưa với tao.
- Không được, con gái mà ăn cơm chực. Để tao về.
- Mi có chuyện chi vui không?
- Có chuyện chi đã nói cho mi nghe hết rồi còn chi nữa?
- Tuần vừa rồi mi có đi Thuận An?
- Không.
Mỹ Chánh làm vẻ quan trọng:
- Ừ, mi chưa đi chưa biết, tuần trước con Marilyn Cầu Kho về Thuận An, nghe nói làm náo thiên, náo địa dưới nớù.
- Có chuyện chi?
- Hắn đi với thằng bồ của hắn.
- Tưởng chuyện chi, chuyện nớ thì thường quá, đối với nó chưa phải là chuyện lạ.
Mỹ Chánh kể thêm:
- Còn chuyện nữa mi đã hay tin chưa? Ngày mai có buổi họp văn nghệ ở nhà con Trà.
- Họp văn nghệ, mà họp hành mần chi?
- Ừ, thì nghe nói có một thi sĩ mô ở Sài Gòn ra thăm. Họp là vui lắm chứ mày.
- Biết rồi, nhưng ăn thua chi tới tao?
- Răng mà không ăn thua. Ăn thua lắm chớ. Tụi nó nhờ tao mời mày.
- Mời tao?
- Thì mời mi.
- Mà có những ai đã?
- Bữa mô tới đó biết, nói trước mất linh thiêng.
- Ui, tao ngán mấy vụ văn nghệ văn gừng lắm, nếu có cắm trại hay đi biển, tao đi chơi với cho vui. Lâu ở nhà hoài riết muốn mập.
Mỹ Chánh lanh chanh:
- Tao có chuyện ni lạ lắm.
- Chi nữa?
- Mi biết thằng Định con Bảo Long không?
- Bảo Long con vua Bảo Đại à?
- Mô có, Bảo Long dưới Phan Bội Châu chớ.
- À, hiệu tơ lụa đó, tao biết, chuyện chi đó?
- Thằng đó gửi thư tán tao, viết vui lắm.

Đông Nghi cười lớn. Nàng nhớ lại hồi năm ngoái, một đứa bạn của Nghi cũng đã nhận một lá thư tỏ tình của anh này. Hôm đó con Ánh đem lá thư vào lớp. Tới giờ nữ công, nó lôi ra chuyền cho cả bọn hai bàn đầu đọc. Đến giờ ra chơi, nó đằng hắng giọng, đọc lớn cho cả lớp nghe. Sau giờ ra chơi, tụi bàn dưới tò mò muốn tận mắt nhìn thấy tác phẩm vĩ đại đó và không may, lá thư bị lọt vào tay cô giáo, một cô giáo già khó tính nhất. Ánh bị hai giờ đi phạt ngày chủ nhật. Cả lớp bị điểm xấu. Dạo đó, ở cột điểm kỷ luật, Đông Nghi cũng bị một con Zero to tướng. Cuối năm trình học bạ với mẹ, Đông Nghi không biết giải thích ra sao và mẹ nàng coi như một tháng không thèm ngó ngàng tới đứa con gái. Đông Nghi bảo bạn:
- Giữ lấy lá thư đó, bữa mô tựu trường cho tụi nó đọc.
Tán gẫu một lúc, Đông Nghi cầm nón:
- Tao phải về.
Mỹ Chánh đưa bạn xuống thang gác gỗ. Hai đứa chia tay ở giữa cửa hàng.
- Nhớ tuần tới, thứ năm mi tới tao rồi đi họp chơi nghe.
- Được rồi, tao hứa.
- Buổi chiều đó nghe.
- Ừ.

Đông Nghi đội nón, lửng thửng đi bộ qua cầu Tràng Tiền, tính qua đường Lê Lợi sẽ kiếm xích lô, nhưng vừa đang đi, nàng bỗng giật mình vì tiếng gọi:
- Đông Nghi …
Đông Nghi liếc khẽ qua vành nón, nàng nhìn thấy Vinh đã bước kịp mình. Đông Nghi không biết mình nên bước mau hay dùng dằng đứng lại. May mắn, quãng đường vắng người và cũng vì sự vắng vẻ đó làm Nghi e ngại. Giọng Vinh bắt đầu làm quen:
- Nghi đi học về?
- Dạ.
- Nghi sắp thi lại chưa?
Câu hỏi chứng tỏ Vinh đã chú ý tới nàng mọi chuyện, Đông Nghi cũng không biết trả lời ra sao?
- Dạ ….
- Hình như Nghi chơi thân Trà lắm?
- Dạ.
- Trà là em bà con cô cậu với tôi.

Câu chuyện chỉ được tới đó rồi im lặng. Đông Nghi vừa sợ có người bắt gặp cảnh nàng đi song song với Vinh ngoài đường, vừa vui mừng vì câu chuyện mà nàng ước muốn đã bắt đầu có hình dạng. Chuyện Vinh theo đuổi nàng, cả Huế đều biết, nhưng chỉ mới biết về phía Vinh. Đông Nghi không bao giờ phát biểu một câu về đề tài này. Khi bạn bè hỏi, Nghi chỉ mỉm cười và trả lời: Đó là quyền của người ta, còn tôi, tôi chưa biết gì hết. Chữ chưa biết gì hết có hai ba nghĩa, muốn hiểu là nàng chưa biết gì về chuyện yêu đương hoặc là nàng chưa biết gì về chuyện tình yêu của Vinh cũng được. Cả hai đều vô tội vạ.

Vinh như đoán được ý người con gái, chàng đi lùi lại vài bước. May mắn, vừa lúc đó, đằng xa, hai ba cậu con trai đạp xe đạp ngược tới, thấy Vinh, họ cười cười rồi khi đã bỏ xa một đoạn, cả Vinh và Đông Nghi nghe tiếng họ cười cười, nói nói. Đông Nghi đỏ bừng mặt, chân nàng như muốn ríu lại, rồi không hiểu sao, Đông Nghi quay lại nhìn Vinh như cầu cứu. Vinh cúi đầu, chàng muốn nhận lỗi trước đôi mắt van nài của người con gái:
- Tôi xin lỗi cô.
Đông Nghi định quay gót, tiếp tục bước thì Vinh gọi lại:
- Cô Nghi, cô không giận tui đó chớ?
- Dạ ….
- Chắc cô hiểu là tôi rất có cảm tình với cô …
Đông Nghi không dám nghe thêm một câu nào nữa, nàng luýnh quýnh quay đi rồi cúi đầu lầm lủi bước. Vinh dợm bước theo, nhưng nghĩ sao, chàng lại đi ngược trở lại con đường cũ.
Đi một đoạn xa, Đông Nghi liếc nhìn lại, không thấy Vinh đi theo, Đông Nghi mới yên tâm thở nhẹ. Nhưng cùng lúc đó, một sự bực bội bỗng dồn lên đôi mắt, Đông Nghi vò nát chiếc khăn lụa trên tay.

Chưong hai ( A) >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 205

Return to top