Tai nạn ở Sa Pa
Đinh Thùy Hương
Mẹ tôi là giám đốc một công ty cỡ bự. Mẹ đã hơn bốn mươi nhưng còn rất trẻ và đẹp nữa. Công ty của mẹ làm ăn phát đạt nên lương của mẹ cao và ơn trời nhờ đó kinh tế nhà tôi cũng kha khá. Tôi nói thế là vì từ trước tới nay tôi thấy mọi việc trong nhà đều do một tay mẹ cả.
Trong nhà mẹ vừa là thủ trưởng, vừa là thủ quỹ cũng kiêm luôn cả chân loong toong. Cha tôi làm trong quân đội. Thời trẻ ông đi biền biệt, kinh qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh biên giới, hòa bình lập lại năm thì mười họa cha mới về.
Công việc- cha bảo thế. Đến khi về hưu thì thấy cha đã lên tới hàm đại tá. So với mẹ, trông ông già hơn nhiều nhưng rắn rỏi, mạnh mẽ và còn phong độ lắm. Tuy thế, sự có mặt hằng ngày của cha ở nhà chẳng làm thay đổi cuộc sống của hai mẹ con tôi bao nhiêu.
Mẹ vẫn là thủ trưởng gia đình, vẫn tối ngày bận việc cơ quan. Và tôi, tôi chỉ biết học. Học ở trường, học ở nhà rồi học thêm. Từ nhỏ tôi đã thần tượng cha lắm, nhưng thật sự cho tới giờ tôi thấy ông xa lạ thế nào ấy, khó mà gần gũi và thân mật tự nhiên được. Có phải vì tôi đã quen với sự vắng mặt thường xuyên của cha trong nhà hay tại cha có khuôn mặt nghiêm nghị và lạnh lùng quá? Tôi cũng cảm nhận được giữa cha và mẹ có những sự khác biệt quá lớn. Nhiều người nói cha tôi là người có tài, nhưng ông thuộc về thế hệ trước, sống bằng những lý tưởng lớn lao về cộng đồng, về dân tộc. Còn mẹ, mẹ năng động và khéo léo. Mẹ là người thuộc về cơ chế mới: cơ chế thị trường. Nhưng dù vậy, họ vẫn sống với nhau êm ấm và hạnh phúc. Có lẽ sự khác nhau ấy được gắn kết bởi một tình yêu bền chặt và cả niềm tin của tôi nữa- niềm tin của đứa con gái đã bước vào tuổi hai mươi.
Có lần về nhà, ngồi bên mâm cơm, mẹ kể chuyện làm ăn, chuyện cơ quan. Cha nghe rất chăm chú, nhưng tôi biết ông không hứng thú gì khi phải nghe những câu chuyện chỉ toàn là những bon chen, kèn cựa, những mưu tính thanh trừng và lật đổ. Tôi nhìn cha tủm tỉm cười. Những lúc như thế, tôi hay nghĩ tới những lúc ông kể chuyện chiến tranh, chuyện ngày xưa thì mẹ thường chả mấy khi ngồi nghe cả. Mẹ bảo để sống được hạnh phúc thì mỗi người trong nhà cần phải chiều nhau một chút, vừa giống nhau lại vừa phải khác nhau. Có lẽ nhờ vậy mà gia đình tôi là một gia đình mẫu mực nằm trong giấc mơ của rất nhiều người.
Cha tôi hay than thở:
- Bọn trẻ bây giờ sống không có lý tưởng chung. Cái gì cũng đều xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân hẹp hòi.
Mẹ cười:
- Bây giờ cái gì cũng phải đặt cái tôi lên hằng đầu. Tôi rồi mới đến chúng tôi, sau nữa mới là chúng ta, có phải vậy không con gái?
Tôi cũng cười:
- Thời bây giờ khác rồi cha ạ. Nhưng cha nói chúng con không có lý tưởng là không đúng đâu. Bọn con có lý tưởng, có muốn cống hiến, nhưng trước hết phải thỏa mãn được những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống đã. Không thể nghĩ tới chuyện cống hiến được nếu cái bụng lúc nào cũng đói meo cha à.
Cha gay gắt:
- Đấy đấy! Đã cống hiến đâu mà đòi hưởng thụ. Lớp trẻ chúng mày không giống cha ngày xưa nữa. Ngày xưa...
Ôi, ngày xưa! Ngày xưa là bao giờ và bây giờ đang ở vào khoảng nào của lịch sử? Cha bước ra từ chiến trường, từ một môi trường chân giẫm chữ kỷ luật, đầu đội chữ quân lệnh, thì làm sao cha hiểu một cách căn cơ được cái cơ chế thị trường đầy rẫy những cạm bẫy, những rối ren, phức tạp mà mẹ đang phải đối diện hằng ngày? Thương trường như chiến trường, nhưng chiến trường mẹ đang ở trong đó là một chiến trường không có tiếng súng. Tôi thông cảm với mẹ dễ hơn. Nhưng mẹ không bao giờ trách cha cả. Mẹ bảo: “Phải độ lượng con ạ. Độ lượng và bao dung mới dễ sống”.
Tôi vào năm thứ hai đại học thì thân với Biên. Thật ra tôi đã quen Biên từ lâu bởi Biên là con một người bạn thân của cha, một người bạn mà theo đúng nghĩa thì mang ơn cha về nhiều mặt. Cha tôi rất quý Biên, ông nói Biên là một người có năng lực, có đầu óc tổ chức và lý tưởng. Nhưng cái trên hết là Biên có niềm tin, lòng say mê công việc và làm việc với ít mục đích vì bản thân. Tôi thì không phân tích rườm rà như cha. Với tôi, Biên đơn giản là một người bạn tốt và giỏi. Đơn giản và ngắn gọn thế thôi. Cha tôi nói: Đất nước cần những người như thế. Tôi nghe chỉ cười.
Một hôm cha đi vắng, mẹ gọi tôi vào phòng riêng và hỏi:
- Con nghĩ gì về cha?
- Sao vậy mẹ? Tôi ngạc nhiên.
- Không, chỉ là mẹ muốn hỏi con suy nghĩ về cha thôi.
- Con thích sự cứng rắn và mạnh mẽ ở cha. Nhưng con nghĩ... cha chỉ hợp với thời chiến tranh thôi.
Mẹ ý nhị:
- Vậy còn trong gia đình?
- Trong gia đình mình thì... thực tế mẹ gánh vác hết còn gì!
- Sau này con có làm được như mẹ không?
- Con sẽ cố gắng, nhưng chắc là không thể... bởi vì mẹ đảm đang và tháo vát đến thế...
- Vậy thì con đừng yêu Biên.
À ra thế. Mọi sự dẫn dắt của mẹ từ nãy tới giờ cũng chỉ cốt là tới được cái đích này đây. Mẹ đã đi qua cuộc sống bằng những trải nghiệm nên mẹ thường đoán định được trước mọi điều. Tôi hiểu những suy nghĩ của mẹ bao giờ cũng có lý. Nhưng tôi cũng còn quá trẻ, tôi chỉ mới hai mươi và đôi khi tôi cũng muốn được làm cái gì đó theo ý thích của mình. Nghĩ thế, tôi trả lời mẹ bằng một nụ cười. Nhưng mẹ không hài lòng:
- Con phải nói gì đi chứ?
- Con... sau này thì con không biết, nhưng cho tới giờ mẹ hãy yên tâm vì con với Biên vẫn chỉ là những người bạn bình thường thôi.
Khuôn mặt mẹ giãn ra. Mẹ hài lòng.
Mùa hè, anh Vũ ở Sài Gòn ra. Anh Vũ là con riêng của cha. Cha mới tìm lại được anh nhờ một người bạn. Mẹ anh mất từ lúc anh còn rất nhỏ. Bà và cha tôi yêu nhau rất lâu và có một thời gian dài hai người chia cắt. Sau này, cha nhận được tin bà đã mất nhưng ông không biết mình đã kịp để lại cho bà một đứa con. Cha luôn day dứt về điều đó. Nhưng anh Vũ đã vượt qua được sự thiếu hụt cả cha lẫn mẹ để vươn lên. Mẹ tôi rất thương anh, bà luôn muốn bù đắp những thiếu hụt mà anh phải chịu từ thời thơ bé, nhưng anh nói cuộc sống của anh rất tốt và anh không có điều gì để phải phàn nàn cả. Anh còn nói không phải cha vô tâm mà lỗi bởi chiến tranh, những mất mát thời loạn lạc âu cũng là điều không thể tránh khỏi. Tôi có thêm một người anh trai mà theo tôi là “bất đắc dĩ”.
Mẹ tôi năn nỉ anh ra Bắc làm trong công ty của mẹ nhưng anh nói anh đã quen với cuộc sống ở Sài Gòn. Vì thế chỉ thi thoảng ra ngoài Bắc công tác anh mới ghé qua nhà. Những ngày ấy, cả cha và mẹ tôi đều rất vui. Anh gọi mẹ tôi là mẹ, còn tôi gọi mẹ anh- người đã khuất là má. Mẹ nói: “Các con không được phân biệt. Chúng ta là một gia đình”. Tôi nghe mẹ nói với một nụ cười không rõ nghĩa. Thực ra tôi không thích anh Vũ, nên tôi luôn giữ một khoảng cách cần thiết với anh. Làm sao tôi lại có thể quen ngay với một ông anh bỗng dưng xuất hiện và chiếm hết cảm tình của cha mẹ. Dù sao tôi vẫn là một đứa con gái, mà con gái thì có sự bao dung nhưng đôi khi lại thừa ích kỷ. Tôi hay đặt câu hỏi tại sao anh không giận cha, vì cha đã không hề biết đến sự tồn tại của anh trên đời trong suốt thời gian qua? Và nếu gia đình tôi không có điều kiện đến thế thì anh có đi lại thăm cha mẹ tôi với thái độ vui vẻ ấy không? Tôi học thương mại nên nhiều khi nhìn cuộc sống hoài nghi và cân nhắc, đôi khi có phần tính toán. Nhưng tôi che đậy điều đó cũng khá khéo léo. Tôi vẫn vui vẻ mỗi lần anh ra, vui vẻ trò chuyện, nhưng cũng ngấm ngầm vui vẻ tiễn anh trở vào Nam. Mẹ bảo: “Nó là một người tốt”. Tôi thì tôi lại không tin. Tôi nói với mẹ những suy nghĩ của mình và bà đã trả lời tôi bằng một cái tát. Mẹ khóc: “Mẹ thất vọng vì có một đứa con gái ích kỷ và tham lam”. Tôi lẳng lặng đi về phòng. Lòng tự ái trỗi dậy.
Cha tôi quý Biên ra mặt. Anh Vũ nữa. Mỗi lần Biên đến, hai người trò chuyện với nhau say mê. Tôi biết họ hợp nhau vì họ đều là người của công việc, của những niềm đam mê và những khát vọng rất lớn lao. Tôi vẫn thích Biên nhưng ngoài mặt thì thờ ơ. Tôi vẫn nhớ lời mẹ nhưng không phải tôi sợ mà tôi nghĩ mình là con một đại tá và con một giám đốc thì mình cũng có cái giá của mình. Thực tình tôi biết Biên hơn hẳn tôi về mặt năng lực, về cái đầu nhưng tôi lại hơn Biên về điều kiện, hoàn cảnh. Tôi biết Biên có ý chí phấn đấu phi thường, còn tôi, tôi bằng an với ý nghĩ ra trường sẽ về làm ở công ty của mẹ. Dù sao sống ở đời con người ta cũng phải biết tranh thủ điều kiện và cơ hội để tiến thân.
Tôi nhận được một cú điện thoại lạ khi tôi, anh Vũ và Biên đang ngồi tán gẫu. Người đàn ông ở đầu dây bên kia báo tin : “Cha mẹ cô bị tai nạn trên đường đi Sa Pa. Hiện giờ đang được cấp cứu...”. “Ông có nhầm không? Cha tôi ở nhà mà...”. “Xin lỗi, tôi tưởng người đàn ông trên xe là cha cô? Tôi nghe người ta nói...”. Chiếc điện thoại rơi xuống và lăn long lóc trên những bậc lên xuống. Anh Vũ hốt hoảng nhặt lên và cả ba chúng tôi nhìn nhau bàng hoàng, người tôi run lên như sốt rét. Tôi hỏi anh Vũ gần như hét lên: “Sao lại thế, mẹ nói là đi Hải Phòng cơ mà...”. “Có thể là đổi lịch”. Anh Vũ trả lời tôi bình tĩnh. Còn Biên thì lảng tránh cái nhìn của tôi. Tôi khóc và lắc tay Biên : “Hai người biết điều đó phải không?”. Biên lẳng lặng nắm tay tôi và nói với tôi bằng cái nhìn im lặng. Anh Vũ bảo: “Đừng nói với cha. Cha chết mất”. Tôi dựa vào Biên, người tôi như tan ra và trong lòng đổ vỡ những niềm tin.
Khi cha đến bệnh viện thì tình hình của mẹ đã khá hơn và ba chúng tôi đang ngồi bên nhau yên lặng. Anh Vũ bảo:
- Khổ quá, mẹ vừa mới điện cho hai anh em con báo là đi Sa Pa thì...
Cha à à mấy tiếng, mắt tắt ánh nhìn mang hình dấu hỏi và gật đầu. Rồi cha nói với tôi và anh Vũ:
- Tội nghiệp bà ấy, lúc nào cũng tất tả vì công việc.
Tôi đáp: Vâng. Anh Vũ bấm tay tôi một cái. Chắc anh cảm nhận được giọng tôi sắp vỡ bung. Cha quay nhìn tôi, nụ cười hiền từ:
- Cái con bé này, bác sĩ bảo đã qua cơn nguy hiểm rồi mà.
- Út khóc vì thương mẹ đó cha!
- Ừ, ừ...con người ta có nhiều cách để bộc lộ tình cảm. Bao giờ mẹ con ra viện, gia đình mình phải mở tiệc ăn mừng vì mẹ đã tai qua nạn khỏi, các con nhỉ!
Anh Vũ cười, nhưng mặt cúi xuống đất. Và anh bóp tay tôi rất mạnh. Có lẽ anh muốn bảo tôi hãy để cho cha được yên. Tôi cắn môi, thương cha đến quặn lòng. Tôi cũng đã như vậy, niềm tin vô cùng thơ ngây và đơn giản... Chúng ta vẫn luôn là một gia đình phải không cha?