Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Một tháng ở Nam kỳ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 6760 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Một tháng ở Nam kỳ
Phạm Quỳnh

Phần VI

Ngạch quan lại trong Nam Kỳ khác hẳn ngoài ta. Về ngạch  chánh trị đại khái có bốn hạng: dưới là hạng các thầy Thông thầy  Phán làm giấy ở chánh phủ trung ương và các tòa bố (tức là tòa sứ)  các tỉnh, rồi đến hạng Tri huyện, hạng Tri phủ và hạng Đốc phủ,  ba hạng ấy tuy giai cấp khác nhau mà đều là thay quyền quan chủ tỉnh (tức là quan công sứ) cai trị một quận (circonscription ou délégation), vì trong này không có phân biệt đường quan với thuộc  quan và không có hạng quan tỉnh. Từ hạng thông phán lên hạng  tri huyện có thi, khóa thi này nghe nói khó lắm, có người nói khó gần bằng thi quan cai trị Tây. Từ hạng tri huyện lên hạng tri phủ đốc phủ, cứ thăng lần, không có thi nữa. Cứ lệ thi các quan chủ quận là lấy trong hàng phủ huyện và đốc phủ, không phân biệt  hạng nào, nhưng thường thì các ông huyện mới còn phải làm phụ với quan chủ tỉnh ở sở tại, còn các ông chủ quận thì cũng tùy quan  hàm cao thấp mà lĩnh quận to hay quận nhỏ. Hiện các quan đốc  phủ thường lĩnh quận sở tại ở tỉnh lỵ. Coi đó thì biết trong Nam  Kỳ này hàng các thày làm việc với hàng các quan không có cách  biệt nhau, tức là một ngạch, trong ấy gọi là “ngạch các quan lại  hành chánh an man” (cadre des services civils indigènes). Còn các  quan lại về bên tư pháp (service judiciaire), thì tôi không được  tường lắm, nghe đâu cũng không có thể thức gì riêng.
Quan Phủ Bảy tuy mới có hàm tri phủ mà được lĩnh quận sở tại ở ngay tỉnh lỵ Long Xuyên; coi đó thì biết quan trên trọng dụng  vậy. Ngài có tiếng là ông quan cần cán thanh liêm. Mới đến Long  Xuyên được vài ba năm mà đã khởi xướng được nhiều việc công  ích. Làm chủ hội Khuyến học Long Xuyên thì ngài mở ra báo Đại  Việt tập chí, trên kia đã nói. Tỉnh Long Xuyên là một tỉnh chuyên  nông nghiệp, ngài bèn lấy cái thế lực quan phụ mẫu mà khuyến  khích người dân nên lập hội để giữ lấy lợi quyền nhà nông và mở mang những đất trong tỉnh hiện còn bỏ hoang nhiều. Ngài đã lập  thành một hội “canh điền”, họp cổ phần để khai đất mới. Lại cổ võ lập ra một hội “Nông nghiệp tương tế” theo như hội ở Mỹ Tho.  Quốc dân ta tất ai cũng đã nghe nói đến các hội “nông nghiệp  tương tế” ở Nam Kỳ và biết rằng nếu các hội ấy thành lập và thịnh  hành được trong suốt cõi thì đồng bào ta trong Lục tỉnh có cái thế thu phục lại được nhiều lợi quyền về nghề nông, hiện nay lọt vào  tay các Chú cả. Nhân đây nói qua về cách tổ chức và sự lợi ích của  các hội “tương tế”, để giới thiệu cho nhà nông ngoài Bắc ta cũng  bắt chước mà làm như trong Nam kỳ, nhất là lập ra các hội “nông  nghiệp ngân hàng” (sociétés de crédit agricole), ngoài ta đương cần  lắm. Về cái vấn đề đó, trong Đại Việt tập chí đã có mấy bài luận  rất tường của ông Hồ Văn Trung, tức là người đã có công giúp vào việc lập hội “tương tế” Long Xuyên nhiều lắm. Lại có bài diễn  thuyết của quan Phủ Trần Nguyên
Lượng, phó chủ hội “Tương tế” ở Mỹ Tho làm ra để cổ động  cho dân Nam kỳ biết cái nghĩa hợp quần về đường nông nghiệp.  Bài diễn thuyết ấy nói tường tất và hay lắm, hội Mỹ Tho đã in  thành sách, dám khuyên những người lưu ý về việc đó nên đọc cho  hiểu rõ. Nay tôi tóm tắt những điều đại lược về các hội “tương tế”  và phụ thêm những sự kiến văn trong khi du lịch.
Xứ Nam kỳ là xứ sống về nghề nông mà giàu về nghề nông.  Vậy nghề nông ở đây thật là nghề căn bản, thật là cái nguồn lợi to  nhất trong bản xứ. Cái nguồn lợi ấy nếu thu hoạch được hết thì  người dân còn giàu có biết bao nhiêu. Nhưng xét ra trong nông  nghiệp xứ Nam kỳ có cái hiểm tượng càng ngày càng to, không phá được thì cái nguồn lợi kia không mấy nỗi mà về tay người ngoài  mất cả. Cái hiểm tượng ấy như sau này. Người dân bản xứ chỉ biết  làm ruộng lấy thóc mà thôi. Thóc ấy ăn không tài nào hết, phải  làm ra gạo mà bán cho ngoài: dân cũng chỉ mong có bán được  nhiều mới có nhiều tiền tiêu. Nhưng cái công xay thóc bán gạo ấy  không bởi người mình mà ở cả tay khách trú. Người mình dẫu giàu  đến đâu cũng không có thể nào mà đặt nhà máy lớn xay hàng  ngàn tấn thóc một ngày được; lại dù giỏi đến đâu cũng chưa thuộc  cách buôn bán với nước ngoài bằng người Khách. Vậy thì về hai  đường đó hiện chưa thể thoát li người Khách được; thành ra người  mình chỉ biết cầy sâu cuốc bẫm mà làm ra cho nhiều thóc, đến khi  hoạch lợi thì người ngoài nó chia cho bao nhiêu là được bấy nhiêu  mà thôi. Người Khách thừa thế tha hồ mà ép buộc bọn nhà nông;  nhân người mình không hiểu cái tình hình trong thị trường thế giới thế nào, chúng nó tự đặt giá mà mua thóc của người nhà quê,  thường bắt bí mua rẻ, mình không bán cho nó cũng không bán cho  ai được, thành ra bán mất bán lỗ chỉ những thiệt thòi. Đất của  mình, công mình cầy cấy, mà bọn Khách trú làm chủ nhân ông  ngồi hưởng lợi. Người Khách vốn hiểu nghĩa hợp quần, có chí đoàn  thể, họp nhau thành mấy hội vốn cực to, thế cực lớn, vừa đặt nhà máy xay, vừa thuê tàu bể chở, nghiễm nhiên lũng đoạn cả cái  quyền buôn thóc bán gạo trong Lục châu. Nó liên hợp mạnh như  vậy, mình đan độc từng người địch làm sao cho nổi. Đã bao giờ đến  giờ vẫn như vậy. Gần đây người mình mới tỉnh ngộ, biết mỗi năm của trong nước lọt vào tay người ngoài không biết bao nhiêu ức  triệu. Những người tri thức lấy làm sốt ruột, muốn tìm phương lập  kế mà vãn hồi lại. Năm 1912, nhờ có ông quan chủ tỉnh giỏi (tức là quan Maspero, hiện nay làm quyền Thống đốc Nam kỳ, hồi bấy giờ làm công sứ tỉnh Mỹ Tho), các nhà điền chủ lớn ở tỉnh Mỹ Tho họp  nhau lại thành hội để gìn giữ cho lợi quyền nhà nông; hội ấy đặt  tên là “Nông nghiệp tương tế hội”, lập theo cách thức các hội nông  nghiệp bên Tây mà châm chước tuỳ tình hình bản xứ. Đó là hội  “tương tế” đặt ra trước nhất ở Nam kỳ vậy. Điều lệ của Hội dựng  ra, rồi sau các hội khác bắt chước cả. Mục đích Hội là trước họp các  điền chủ trong mỗi tỉnh, rồi sau họp cả các tỉnh làm một hội cực  lớn để đối lại với bọn khách buôn gạo, tìm cách đặt lấy nhà máy,  định lấy giá gạo và bán thẳng cho ngoài, không phải qua tay bọn  đó. Cái chương trình ấy to rộng quá, không thể thực hành ngay  được một lúc; vậy hẵng bắt đầu lập hội “tương tế” trong từng tỉnh  một, thí nghiệm xem cách hành động thế nào, rồi bao giờ tỉnh nào  cũng có bấy giờ mới nghĩ liên hợp cả làm một cái tổng cục lớn.  Hiện nay thì cái mục đích riêng cho mỗi tỉnh là thứ nhất xây lẫm ở tỉnh lỵ và ở các địa phương để mùa đến các người chủ ruộng đem  thóc gởi vào đấy, Hội phân giống tốt giống xấu rồi để đợi xét cái  tình hình trong thị trường mà định giá bán, bao giờ có được giá mới chịu bán, các chủ ruộng không đến nỗi phải theo cái giá vô  bằng của bọn Khách mà bán đổ bán tháo cho thiệt hại; thứ nhì là triêu cổ phần góp lấy tư bản để làm cái vốn cho vay các nhà chủ ruộng có thóc gởi Hội hay là có ruộng đợ cho Hội, nhân đó lập lấy  cái “nông nghiệp ngân hàng” (crédit agricole), để cứu bọn nhà nông  khỏi một cái hiểm tượng nữa cũng nguy cấp bằng cái trên. Cái  hiểm tượng ấy là cái hiểm tượng bọn Chà và (Tây đen) cho vay,  trong Nam kỳ gọi là bọn “xả tri” (tức ngoài ta gọi là “xét ty” =  chetty). Bọn Chà cho vay này cũng hại cho người dân bằng bọn  “Chệt” buôn gạo kia, khiến cho có người đã nói rằng: “Dân Nam kỳ có hai cái họa lớn: là cái họa Chệt và cái họa Chà”. Dân làm ruộng  thì ở đâu cũng vậy, suốt năm chỉ trông vào mùa gặt mà tiêu dùng  cả năm. Ngộ gặp năm mất mùa, hay là giữa năm túng tiền tiêu thì  biết hỏi vào đâu? Tất phải đến khất vay bọn “xả-tri”, bọn đó bắt lãi  rất nặng, đã túng thì thế nào chẳng phải vay. Đến hạn trả được  thì chớ, không trả được thì lãi phụ vào gốc thành món nợ mới, mỗi  ngày lại một nặng lên. Nhiều người cùng không trả được bị tịch ký mất cả ruộng đất, lắm khi đến thất nghiệp, cùng vô sở xuất. Ấy cái  “họa Chà” ghê như vậy, chẳng kém gì cái “họa Chệt” trên kia, một  cái hại riêng từng người, một cái hại chung cả xứ, hai cái cùng độc  bằng nhau. Muốn đối với cái “họa Chệt” thì phải đặt nhiều hội  “nông nghiệp tương tế” mà giữ lấy cái quyền xay thóc bán gạo;  muốn đối với cái “họa Chà” thì phải đặt nhiều những nhà “nông  nghiệp ngân hàng” để có tiền mà cho vay nhẹ lãi cho những người  làm ruộng túng bấn khỏi phải đặt mình vào móng “con diều hâu  đen” (le vautour noir = tức là chỉ bọn Tây đen cho vay). Nhà “nông  nghiệp ngân hàng” lại có một sự ích lợi to nữa: là khi nào tiền vốn  đã to và thế lực đã lớn đủ làm đảm bảo, có thể đứng lên vay các  nhà “băng” những khoản tiền to để cho vay lại các tay điền chủ lớn  cho có đủ vốn mà khai khẩn thêm các ruộng đất mới, giúp cho  nông nghiệp trong bản xứ được phát đạt.
Ấy đại khái cái tôn chỉ của các hội “tương tế” trong Nam kỳ như vậy. Cái phong trào hợp quần khởi lên tự tỉnh Mỹ Tho, rồi các  tỉnh khác cũng kế tiếp theo sau. Hiện nay thì mấy tỉnh làm ruộng  to hoặc đã lập thành hội rồi, hoặc lục tục đương sắp lập. Hiện tỉnh  Châu Đốc, Cần Thơ, Long Xuyên đã lập xong rồi. Ta rất mong  rằng trong suốt địa hạt Nam kỳ đâu đâu cũng dựng lên những hội  nông như vậy. Rồi có một ngày kia sẽ liên hợp lại thành một tổng  cục lớn, thế lực gồm cả toàn hạt, bấy giờ đồng bào ta trong Lục  tỉnh sẽ có thể ra tay mà thu phục lại những lợi quyền trong tay  bọn Chệt bọn Chà, cái “họa Chà họa Chệt” từ đấy mới có thể tiệt  được vậy. Ta rất mong mỏi lắm, xin đồng bào ta đã đi vào con  đường tốt nên cố mà tiến mãi lên, thật là may lắm, may lắm.
Ở chơi Long Xuyên mấy ngày, bữa thì đến xem các ông cùng  các thày đánh bóng (tennis) trong vườn tòa Bố; bữa thì lại ăn cơm  ở nhà thày cai tổng gần đấy, nhà lịch sự lắm, cũng là một tay giàu  có trong hàng tỉnh; bữa thì đi coi hát. Bữa ấy quan Phủ rủ đi, nói  rằng có bọn con hát hay lắm mới qua Long Xuyên, tối hôm ấy hát  tuồng Ô thước. Tôi đã phải thú thật với ngài rằng tôi thật “phàm”  lắm, đến nghề diễn kịch ta thì mang nhiên không hiểu gì và không  biết thưởng giám gì cả. Quả khi đến coi tuồng thì cử tọa đều nức  nở khen con hát giỏi, mà duy một mình không giải được cái hay ở đâu. Kỳ thay! Xét kỹ ra thì là bởi mình lấy cái quan niệm về nghề diễn kịch tây mà xét nghề diễn kịch ta, cho nên sai lạc cả. Diễn kịch ta không phải là “diễn kịch” (art dramatique) theo nghĩa tây.  Diễn kịch ta chỉ là múa và hát mà thôi, người xem cũng chỉ chủ coi  cái giáng múa, nghe cái điệu hát mà thôi, không ai chú ý đến cái  “kịch” (action dramatique) là cái phần hành động trong bài tuồng.  Đến như tuồng tây thì thuần là “kịch” cả, hoặc “bi kịch” là diễn  những việc bi ai cảm động, hoặc “hí kịch” là diễn những sự hài hí  buồn cười, hoặc “bi hí kịch” là nửa bi và nửa hí, vui có buồn có; còn  như nghề hát, nghề múa lại là hai nghề riêng, không lẫn với nghề diễn kịch. Cho nên khi xem tuồng tây thì cái tinh thần chú cả vào  sự hành động trong bài tuồng, không ai chủ nhìn giáng điệu hay là nghe giọng hát của người làm tuồng, chỉ nhận cái cách người làm  tuồng diễn cái việc trong bài tuồng đó có được hệt, có được xứng  đáng không, có khéo hình dung được các tình cảnh và phô bày  được cái thâm ý của nhà soạn kịch không. Khi xem tuồng ta thì  thật khác, phần nhiều chỉ chủ nghe giọng ca điệu hát của bọn con  hát mà thôi; cho nên người mình đi xem tuồng thường hay nói đi  “xem hát”. Xem hát, hai tiếng thật không đúng quá, hát thì xem  làm sao được, nhưng xét đó cũng đủ biết rằng ta thường lẫn tuồng  với hát, lấy hát trọng hơn tuồng, đến nỗi hát lấn mất cả tuồng mà đi xem tuồng gọi là đi “xem hát”! Ôi! Cái tư tưởng hàm hồ của  người nước Nam, nó phát hiện cả ra lời ăn tiếng nói; bao giờ phá tan được cái màn sương mờ ám nó bao bọc cái trí não người mình?  Nay muốn cho nghề diễn kịch nước ta phát đạt được thì phải quyết  chí cải cách mới xong, thứ nhất phải phân biệt chốn kịch trường  với nhà ca quán và nơi võ đài, cho nghề tuồng, nghề hát, nghề múa, mỗi nghề đứng riêng một cõi, nghề nào giữ cho thuần cái tôn  chỉ, cái tinh thần của nghề ấy, không lẫn lộn với nhau, thì mỗi  nghề mới phát đạt đến cực điểm được. Nghề hát, nghề múa hẵng  không nói làm gì, nay thử xét cái tôn chỉ của nghề tuồng thì đủ biết lối tuồng ở nước ta vì hỗn tạp với hai lối kia mà chưa thành  tính cách gì, vẫn còn khuyết hám nhiều lắm. Cái tôn chỉ của sự diễn kịch là thế nào? Thế nào gọi là kịch? Kịch là một cái việc  mạnh hơn việc thường trong đời người ta, hoặc là cái kết quả của  cả một cuộc đời chung đúc lại một lúc, hoặc là sự ngẫu hợp của hai  việc trái ngược nhau bỗng xung đột nhau trong giây phút mà sinh  ra cái tình trạng hoặc đáng vui, hoặc đáng buồn, hoặc ghê, hoặc  thảm; nói rút lại là việc phi thường ở trong việc thường mà ra, là cái tia điện sáng bật ra giữa lúc âm dương điện gặp nhau, cái tia sáng ấy vẫn là điện mà phải có sự xung đột mới nẩy ra được. Đời  người ta cũng có thể ví như cái điện lúc bình thường, khi nào có hai luồng trái nhau chợt đến xung đột thì mới nẩy ra tia sáng, tia  sáng ấy tức gọi là cái việc phi thường trong việc thường mà ra, tức  gọi là một cái “kịch” vậy. Diễn kịch là lấy những lúc có cái việc phi  thường trong một đời người ấy mà diễn tả ra, vụ lấy hiển nhiên  như lúc việc đương hành động vậy. Nói phi thường không phải là việc hoang đường quái đản gì đâu; phi thường là sánh với việc  thường mà nói, có việc phi thường thì mới thành “kịch” được, đời  người trong lúc bình thường thì đời tôi đây với đời bác láng giềng  kia có khác gì nhau mà thành chuyện. Cô Kiều nếu không gặp gia  biến thì sao thành truyện Kiều? Sự gia biến đó tức là sự phi  thường, tức là một cái “kịch” vậy. Nhà soạn “kịch” khéo phải diễn  thế nào cho cái kịch ấy xuất hiện ra hiển nhiên như thực, hình  như chung đúc cả sự sinh hoạt một đời vào trong một lúc đó, khiến  cho cái “kịch” ấy nên được kịch liệt, mà người xem phải cảm động.  Sự cảm động tức là cái hiệu quả của nghề diễn kịch: bài kịch mà cảm động được người ta nhiều ấy là bài kịch hay. Vì người ta lúc  bình thường mấy khi gặp những sự phi thường, có người cả đời  không có chuyện gì đáng kỷ niệm; vậy đến nơi kịch trường là muốn cho cái tấm lòng mình phải kích thích, phải lay chuyển, phải  cảm động ra một cách khác thường. Cho nên nhà diễn kịch phải  diễn cái việc gì tuy kịch liệt khác thường mà cũng là ở trong lẽ thường, khiến cho người coi có thể tưởng tượng rằng việc ấy cũng  có ngày xẩy vào mình được, lắm khi nhà diễn kịch khéo thì người  xem mê đến nỗi tự coi mình như người hành động trong truyện,  như thế thì sự cảm động lại càng sâu và mạnh lắm. Diễn kịch mà đến được bậc ấy là tuyệt khéo vậy.- Nay sánh với nghề diễn kịch  ta, còn xa cách biết bao nhiêu! Trong tuồng ta, trừ phần múa phần  hát ra, còn thật tuồng thì có gì? Thường thường là một cái việc cũ trong lịch sử dàn diễn ra cho dài, pha thêm những chuyện yêu  quái hoang đường thậm là vô vị, khiến cho không biết cái phần cốt  yếu là cái “kịch” ở đâu. Không phải rằng những chuyện cũ không  đủ tài liệu mà làm thành “kịch”, nhưng người mình không biết  tiêu biểu diễn xuất cái “kịch” ấy ra, bỏ những phần vô ích mà chỉ  hình dung lấy sự hành động mà thôi, thành ra chuyện vô vị, không  phiền tạp thì nhạt nhẽo, còn đủ khiến cho người ta cảm động sao  được? Rút lại chỉ có mấy câu ca, mấy câu hát, mấy tiếng thét, mấy tiếng hò, mấy cái giáng điệu quay cuồng uốn éo, đỏ gọng dương  vây; còn có cái phong thú gì mà khiến cho người phong nhã say  mê, kẻ tài tình cảm động? Than ôi! Diễn kịch thật là một cách giáo  dục quốc dân không gì mạnh bằng; tiếc thay người mình xưa nay  không biết lợi dụng cho phải đường, để biến thành một nghề đê  tiện, làm cái kế sinh nhai của bọn phường chèo con hát!
Nay trong Nam ngoài Bắc đã nhiều người có chí muốn ra  công cải cách lại nghề diễn kịch cũ, nhưng chưa thấy xuất hiện  được bản kịch nào xuất sắc, mà cũng chưa có phường tuồng đủ tư  cách mà diễn cho xứng đáng. Trước tôi có nói ông Điệp Văn Kỳ là con quan Điệp Văn Cương cũng là một tay sành về nghề diễn kịch  ở Nam kỳ. Ông đã soạn được mấy bài có đọc tôi nghe hay lắm,  nhưng tiếc chưa in thành vở. Chủ ý ông là muốn lợi dụng các lề lối  cũ mà châm chước theo phương phép mới, nghĩa là đặt bài tuồng  mới mà theo giọng cũ, cho con hát có thể diễn được ngay. Mong  rằng ông sẽ chuyên về nghề đó, chắc là trong kịch giới nước ta sẽ nẩy ra một cái tia sáng vậy.
Chính quan Phủ Bảy ở đây cũng đã từng soạn nhiều bài  tuồng mới, có một bài đã in thành vở đề là Vị nước quên nhà ngài  soạn chung với ông Hồ Văn Trung và đã đem ra diễn mấy lần ở Long Xuyên và Sài Gòn để giúp việc lạc quyên cho Hội Hồng thập  tự. Bài ấy đặt theo thuần lối mới, khi diễn toàn là các ông và các  thày đóng vai cả, không phải con hát nghề. Truyện là truyện một  thày làm việc Nhà nước tình nguyện sang tùng chinh bên Đại  Pháp, vì nước mà quên nhà, bỏ mẹ già cho vợ trẻ, đến khi trở về tuy thành công danh mà mẹ chẳng may đã chết mất. Cách kết cấu  đã khéo và hệt như lối tuồng tây.
Trước khi từ biệt các bạn Long Xuyên, nhân bữa chủ nhật,  Phủ Đài giắt đi chơi Cần Thơ. Tự Long Xuyên ra Cần Thơ ước 60  cây lô mét, đi bằng xe hơi. Phải cái xe hơi chạy khí chậm, nên đi  mất từ sáng đến ngót trưa mới tới nơi, nhưng chậm cũng vì đỗ ở Ô  Môn mất non một giờ đồng hồ. Ô Môn là một quận lớn, giàu có nhất trong hạt Cần Thơ, ở vào giữa khoảng đường từ Long Xuyên  đến Cần Thơ. Cai trị quận Ô Môn là quan Đốc phủ Nguyễn Đăng  Khoa, người đã có tuổi mà tính vui vẻ lắm. Khi trở về ngài có giữ ăn cơm chiều, nói chuyện khoái trá lắm. Ngài khi xưa có đi theo  quân thứ ở mấy tỉnh Bắc kỳ và qua khắp cả các tỉnh Trung kỳ, có tài săn bắn ít người bằng. Hiện chỗ ngài ngồi chơi còn bày la liệt  các thứ súng. Ngài chỉ một cái súng lớn mà nói rằng: “Cái súng  này tôi đã từng bắn được mấy chục con hổ ở vùng Bình Thuận Phú Yên đây”. Rồi ngài kể chuyện một bữa bắn được con hổ to lớn lạ thường, khi nó vươn mình ra từ đầu đến cuối đuôi có tới sáu thước  tây, nó làm kinh hoảng cả một vùng đó, ăn hại không biết bao  nhiêu người và súc vật, người dân đã cho là hổ thần, đành chịu  không ai bắn nổi. Nhà săn bắn tài thấy những miếng nguy hiểm  hay liều mình. Ngài bèn cùng mấy người đầy tớ giỏi, đem chiếc  súng lớn vào rừng. Quả gặp hổ thần thật. Ngài bắn luôn mấy phát  trúng, ngã sóng sượt ra, người nhà tưởng chết thẳng rồi, có một  anh đánh bạo chạy lại gần; té ra hổ ta còn ngắc ngoải, vươn tay ra  nắm lấy gáy anh chàng! Quan đốc phủ nhanh mắt và nhanh tay  sao, bắn liền ngay một phát vào giữa đầu hổ chết cứng. May sao là may, nếu chậm một giây phút thì anh đầy tớ kia đi đời. Khi khiêng  về hồn vía đâu mất cả, nhưng phúc đức, khỏi chết. - Quan Đốc phủ nói chuyện vui quá, muốn ngồi nghe mãi không chán.
Con đường tự Long Xuyên đến Cần Thơ tốt lắm, giữa đổ đá,  hai bên trồng cây, cái xe bon bon chạy giữa, coi phong cảnh rất là ngoạn mục. Vả đại để đường lộ trong Nam kỳ này ở đâu cũng tốt  như vậy: chẳng bù với đường Bắc kỳ, thứ nhất là đường Trung kỳ,  xe hơi chạy có chỗ tưởng bổng lên đến ngọn núi, có chỗ tưởng sô  xuống tận vực sâu!
Cần Thơ có cái vẻ mĩ miều xinh xắn, sạch sẽ phong quang,  thật xứng tên làm tỉnh đầu về miền Tây (la capitale de l Ouest).  Đường phố thênh thang, cửa nhà san sát, các nhà buôn Tây cũng  nhiều hơn các tỉnh khác, có chỗ coi xinh đẹp hơn ở Sài Gòn. Tới  Cần Thơ vào thăm ông huyện Võ Văn Thơm, chủ bút An hà nhật  báo. Ông người đã đứng tuổi, tính trầm mặc, chuyên trị về kinh tế học. Ông không thích chữ nho, giữ cái thuyết muốn lấy chữ Pháp  làm quốc văn. Ông kể cái lẽ sở dĩ làm sao ông không ưa hán tự thì  nói rằng thủa nhỏ đã từng học năm năm mà chẳng thấy tấn tới gì,  ông kết rằng chữ nho quyết không phải là cái lợi khí cho sự học  vấn. Tôi nói rằng đó có lẽ là bởi cái phép dạy học sai lầm, chớ không phải lỗi tại chữ nho, ngày nay có cách học giản dị, chỉ một  vài năm là thông thông. Xem ra ông không lấy làm tin lắm, nhưng  sau bàn đến mấy chữ tây phải dịch ra tiếng ta thế nào, tìm mãi không được, lại phải tra trong sách Pháp Hoa tự điển mới xong, thì  coi chừng ông cũng rõ rằng tiếng ta bỏ chữ nho không được. Nhưng  chủ nghĩa ông là muốn lấy tiếng Pháp làm quốc văn thì không kể chữ nho mà đến tiếng ta nữa rồi có cần chi! Nghĩ cũng tiện thật!...  Bấy giờ ông đương bận cất một nhà trường Trung học riêng cho  con trai con gái ở Cần Thơ, bao nhiêu kinh phí ông chịu cả, lại sửa  soạn đón thày tây và đầm về dạy; trường sẽ có đặt nhà ký túc  (pensionnat). Ông đặt tên trường là Collège Võ Văn, không biết  nay đã khánh thành chưa.
Ông giữ ăn cơm, chừng hai ba giờ đi dạo chơi các phố, vào  thăm nhà in và nhà bán sách của báo An Hà. Ở Cần Thơ mới mở một cửa hàng lớn đề là Galerie de l Ouest, của người Tây người  Nam chung vốn lập ra, bán đủ các thức hàng hóa vừa tây vừa ta:  cửa hàng này có cơ phát đạt to. Chợt đi qua nhà chụp ảnh, quan  Phủ rủ vào chụp cái ảnh ba người, ngài, ông Cư và tôi, để lưu làm  kỷ niệm. Năm giờ chiều lên xe đi về, tới Ô Môn quan đốc phủ Khoa  giữ ăn cơm tối, mãi đến quá chín giờ mới lại lên xe về Long Xuyên.  Trời sáng trăng, xe chạy không nhanh lắm, gió thổi không lộng mà mát, ngồi trong xe vừa ngắm cảnh bóng trăng chiếu xuống cây cỏ đồng điền, vừa chuyện trò vui vẻ, thật không cảnh gì thú bằng.  Quan Phủ nói: “Mai ông sắp biệt chúng tôi, tôi mong rằng ông sẽ mang được cái kỷ niệm tốt ở chốn Long Xuyên cô lậu này. Tôi ước  ao rằng cái cảm tình kẻ Bắc người Nam từ nay trở đi sẽ được mỗi  ngày một thân mật thêm ra. Nay ông đã biết chúng tôi, ông nên cổ động cho cái dây liên lạc nó nối người dân một giống một nòi, một  quê hương, một tiên tổ, ngày được bền chặt thêm lên. Tôi lại sở nguyện một điều: là ước gì các hội “khuyến học” liên hợp với nhau  mà đặt cách thế nào cho mỗi năm ngoài Bắc phái một vài người  vào du lịch trong này như ông bây giờ, trong Nam cũng phái một  vài người ra du lịch ngoài Bắc, đi khắp các nơi cho rõ nhân tình  phong tục, vì có biết nhau thì mới thương yêu nhau được. Tôi rất  mong mỏi lắm!" - Ôi! Lời nói trân trọng thay! Nghe mà biết được  người dạ cả trí cao, có cái bụng nhiệt thành với nước. Về phần tôi,  tôi xin hết sức vun trồng cho cái tình thân ái kẻ Bắc người Nam  ngày một đặm đà thâm thiết hơn lên. Người trong một nước có thương yêu nhau, bỏ cái lòng hiềm kỵ riêng mà đồng tâm hiệp lực  mưu việc lợi ích chung, thì nước mới giàu dân mới mạnh được.
Nhưng đương lúc còn chưa quen biết, chưa am hiểu nhau lắm,  được những người như quan Phủ Bẩy chủ trương mà liên lạc cái  cảm tình người hai xứ, thì thật là một sự may mắn lắm. Nam kỳ được nhiều người như ngài, thì thiết tưởng cái cảm tình kia không  phải ai cổ động mà tự khắc nẩy ra vậy. Tôi được biết ngài thật là một sự danh dự, một sự hân hạnh vô cùng. Không bao giờ tôi quên  mấy ngày qua ở cùng ngài và các bạn Long Xuyên.
Sáng sớm hôm sau tôi xuống tàu đi Sa Đéc. Đi Sa Đéc là đi  xuôi giở xuống, tự Long Xuyên đi 6 giờ sáng, ước 9 giờ tới nơi.  Quan Phủ có đánh dây thép giới thiệu cho ông Đặng Thúc Liên là một nhà văn sĩ có tiếng và một tay trợ bút có công của báo Đại  Việt. Không may bữa đó ông Đặng lại về vườn vắng, nên tôi lại  thăm không được gặp, lấy làm tiếc lắm. Bữa sau tới Vĩnh Long  tiếp được điện ông, phàn nàn về sự nhật nhau và tỏ lòng yêu mến,  lại càng khiến cho mình thêm tiếc không được cùng một người  đồng chí bàn bạc chuyện trò. Song tuy chưa gặp người mà đã biết  tiếng, thường đọc văn ông, biết ông là một nhà nho học súc tích, lại  được biết cái cảm tình ông đối với mình, nên trong lòng vẫn ham  mộ lắm lắm.
Vào trọ ở nhà “bun ga lâu” (bungalow, tức là nhà khách sạn),  để đồ hành lí, rồi đi dạo chơi phố phường. Các tỉnh Nam kỳ có cái  rất tiện cho những khách lữ hành qua lại: là tỉnh nào cũng có một  nhà khách sạn sắp đặt theo lối tây, có buồng ngủ sạch sẽ, cơm ăn  chỉnh đốn, thường là người Tây lĩnh chưng mà quan cai trị chủ tình giám đốc, khách lạ mới đến vào trọ đấy vừa tiện và vừa chắc  chắn không quan ngại gì, hơn là vào các hàng cơm khách cơm ta.  Ngoài Bắc kỳ ta, ngoài Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, còn các  tỉnh tuyệt nhiên không có những nhà khách sạn như vậy, thật là tối bất tiện cho những hành khách vào bậc tử tế, hoặc có công việc  gì, hoặc đi chơi mà tới nơi không quen biết ai trong tỉnh. Ở Trung  kỳ thì cũng có vài ba tỉnh ở gần đường quan lộ xe hơi thường qua  lại, gần đây mới đặt những nhà gọi là “nhà hành khách” (maison  des passagers), như ở Đồng Hới (Quảng Bình), nhưng những nhà ấy không những chỉ để riêng cho người Tây ngủ trọ đêm, mà chưa  gọi là nhà khách sạn được, thường chỉ có một vài buồng nhỏ và cơm ăn không có. Muốn cho sự giao thông trong xứ được tiện lợi,  hành khách đi lại khỏi phiền nhiễu, nhân đó sự buôn bán trong nước mới lưu thông và phát đạt được, thì mỗi tỉnh Trung kỳ và Bắc kỳ ít ra cũng phải đặt một nhà khách sạn có quan kiểm đốc  như trong Nam kỳ mới được. Duy có các nhà “bun ga lâu” ở Nam  kỳ tính tiền ăn tiền trọ đắt quá, ăn hai bữa cơm, ngủ một đêm, lấy  tới năm đồng bạc, nên khách không được đông lắm. Muốn cho thật  tiện lợi và được nhiều khách qua lại thì phải đặt giá rẻ lắm mới  được. Nhưng trong Nam kỳ này sự ăn dùng vốn đắt đỏ và đường  tiêu xài thường phí phao lắm, gắp mấy lần ngoài ta.
Tỉnh Sa Đéc ở chạy dài hai bên bờ sông, coi phồn thịnh đông  đúc lắm. Nhưng phố xá buôn bán cũng chỉ thuần là người Khách,  không có một nhà An Nam nào. Vả không một ở Sa Đéc, tỉnh nào  cũng vậy, nơi chợ phố toàn thị là Khách với Chà; lại không những  các tỉnh thành, đến chốn nhà quê, có ý nhận phàm nơi nào coi ra  hơi có người ở đông đúc, tất có một vài tiệm Chệt bán đồ ăn và đồ tạp hóa, lại có khi có một bác Chà bán vải kiêm làm đại biểu cho  bọn “Xả tri” ở tỉnh hay ở quận. Coi đó thì biết cái “họa Chệt họa  Chà” thâm là dường nào, tới đâu cũng thấy trình bày ra trước mắt  như một sự nguy hiểm rất cần cấp mà người dân Lục tỉnh coi đã quen lấy làm thường vậy. Hiện nay bọn “Chệt” và bọn “Chà” đã chăng lưới khắp đất Nam kỳ, dù nơi cùng tịch đến đâu cũng không  lọt ra ngoài vòng bọn đó. Người mình làm thế nào mà cắt cho đứt  được cái lưới trăm nghìn vạn dây chắc như dây sắt, bền như chão  thừng vậy? Ác thay là mình ở trong lưới đó đã quen đi rồi, không  muốn thoát li ra ngoài nữa! Cái nô lệ nào mà đã vào trong căn tính  thì còn lay làm sao cho chuyển, bạt làm sao cho được? Than thay!
Ở Sa Đéc này thì thật nhiều Khách quá, một dẫy phố dài rặt  các Chú bán hàng. Coi cũng vui mắt, nhưng không được vui lòng,  vì bởi nghĩ đến sự nguy hiểm mà lòng không yên. Trong các phố ta  thì thường trông thấy những nếp nhà nho nhỏ xinh xinh, có thềm  mà không có lầu, nửa kiểu tây, nửa kiểu tàu, tĩnh mịch êm đềm,  coi có cái vẻ phong thú lắm: chắc là nhà của quan phủ huyện, của  thày cai tổng, của cụ điền chủ hay của ông “hội đồng” nào. Nhìn  cái dáng nhà đủ biết người trong nhà là những bậc an nhàn vô sự,  phú quí phong lưu. Những nếp nhà xinh xinh đó, tức là một cái  đặc sắc của các tỉnh Nam kỳ vậy.
Ở Sa Đéc có một ngày một đêm, rồi đi đường bộxuống Vĩnh  Long. Sa Đéc cách Vĩnh Long ước chừng 20 cây lô mét, đi xe hơi mất chừng một giờ. QuanPhủ Bảy lại có điện giới thiệu cho quan  Đốc phủTươi ở Vĩnh Long. Tới nơi vào thăm quan Đốc phủ, ngài đi  thanh tra vắng đến quá trưa mới về, phu nhân tiếp, người phong  nhã mà lịch thiệp lắm. Phu nhân giữ nghỉ chơi, đợi quan đốc phủ về. Nhân nói chuyện về báo giới mới biết phu nhân cũng là người  có kiến thức lắm. Ngài phàn nàn rằng: “Các nhà báo trong này hay  có thói khích bác người ta lắm, thường vị việc riêng nay châm chọc  người này, mai chỉ trích người kia. Thiết tưởng làm báo như vậy là sai cái nhiệm vụ nhà báo. Nhà báo phải trọng việc công hơn việc  tư, lời bàn phải chánh đáng thì mới đủ làm mực thước cho người,  nếu chỉ lấy giọng trào phúng làm hay thì còn có bổ ích gì?” Lời phê  phán thật là xác đáng vậy. Phu nhân lại chăm việc lễ bái, hay tu  bổ các đền chùa. Hiện ngài đương hưng công dựng một cái miếu  Công thần ở gần tỉnh, miếu thờ một vị công thần đời Lê, không rõ danh hiệu là gì, đằng sau phối hưởng những cai đội binh lính  người hàng tỉnh đi tùng chinh bên Đại Pháp chẳng may bị tử trận.  Miếu cất đã xong, trong vài ba bữa nữa sắp làm lễ khánh thành,  phu nhân cố giữ ở lại xem, nhưng đi chơi đã lâu quá, phải kíp về Sài Gòn để sửa soạn ra Bắc, nên không thể ở lại cho đến ngày làm  lễ được. Phu nhân sai người đưa đi xem miếu và xem các đình  chùa trong tỉnh. Tỉnh Vĩnh Long này là một tỉnh cũ, nên sánh với  các tỉnh khác còn có một vài nơi cổ tích. Cái khí vị trong tỉnh  thành cũng ra cái khí vị cũ, hơi giống như các tỉnh ngoài ta. Đi ra  ngoài tỉnh một ít, người ta còn chỉ cái nền thành Vĩnh Long cũ. Tôi  có thăm miếu thờ quan Phan Thanh Giản, ngài là người tỉnh này;  trong miếu có bức tranh họa hình ngài theo một tấm ảnh ngài  chụp cùng với bộ sứ hồi sang sứ bên Paris. Đứng trong miếu, trước  hình ảnh ngài mà lại hồi tưởng đến lịch sử quan Phan, ngậm ngùi  than thay cho cái tâm sự bồi hồi của một vị đại thần gặp giữa lúc  bước nước gian nan. Tỉnh Vĩnh Long lại có một cái Văn Miếu, qui  mô cũng phỏng theo các nơi văn miếu ngoài ta mà cách sắp đặt sơ  sài lắm: ở gian giữa không có bài vị đức Thánh sư, chỉ treo có một  cái tranh hình ông Khổng râu xồm tóc bới của các hiệu Khách  thường bán! Than ôi! Phu tử lạc loài đến đây làm gì? Ai la người  còn biết cúng tế ngài cho hợp lễ, hợp những lễ phép ngài đã đặt ra,  vì sách ngài còn mấy người đọc nữa? Trong miếu có đôi liễn khắc  của cụ nguyên Hóc bộ Cao Xuân Dục làm mùa thu năm quí mão,  tôi sao được như sau này:
Cả trong miếu còn đôi liễn đó là chút văn chương thừa!  Đại để các đình chùa miếu vũ ở đây có cái vẻ bỏ hoang cả, coi  như người dân không thường tới lui lễ bái. Nhưng rực rỡ phong  quang thời là các “nhà làng”, tức là nơi hội sở của các làng. Có lắm  nhà, như “nhà làng” Long hồ ở giữa tỉnh Vĩnh Long, nguy nga như  tòa Đốc lý, nhà thị sảnh một tỉnh lớn. Trong “nhà làng” Long Hồ,  ngay giữa cửa vào có treo một cái biển lớn sơn đen thếp vàng khắc  lời nghị định quan “phó soái” Gourbell khen làng ấy đã biết tỏ hết  lòng trung thành với “tân triều” Đại Pháp. (“tân triều” là tiếng  Nam kỳ, tức là Chánh phủ Pháp đối với “cựu triều” ta) Vẻ vang  thay!
Quá trưa quan Đốc phủ mới đi việc quan về. Ngài ân cần tử tế lắm, có tiếng là ông quan cần cán, tính tình trí thức cũng bình  thường. Ngài là người yêu của quan nguyên Toàn quyền Doumer,  khi xưa đã từng theo quan làm việc ở Bắc kỳ. Nay nói chuyện ngài  vẫn thường tỏ bụng hoài mộ quan Doumer. Trong hàng Đốc phủ Nam kỳ, duy ngài là có phẩm tước của Triều đình: đức Thành Thái  có sắc ban cho ngài hàm tổng đốc, phẩm phục huy chương đủ cả.  Ngài lĩnh chức đốc phủ sứ Vĩnh Long đã mười năm nay, không  từng phải đổi đi nơi nào. Buổi chiều xong việc quan, ngài cho đánh  xe ngựa cùng đi dạo chơi trong các phố: nhìn cái cảnh tượng thành  Vĩnh Long thật có cái vẻ cũ hơn các tỉnh thành khác như Sa Đéc,  Cần Thơ, rõ biết là cái đất đã từng có chút lịch sử. Ngài đưa đến  chơi một ông cụ bà con với ngài, người đã có tuổi: cụ có nho học và đã từng đi du lịch buôn bán ngoài Bắc kỳ Trung kỳ nhiều, kiến  văn rất rộng, nghị luận rất hay. Ngồi nói chuyện với cụ lâu lắm, cụ nói nhiều lời xác đáng, nhiều câu dĩnh ngộ. Bàn về cái tính tình  người Bắc người Nam cụ phán đoán mấy lời rằng: “Người Bắc có khôn khéo hơn chúng tôi thật, nhưng có cái tính duy kỷ, người nào  chỉ biết phận người nấy mà thôi, đối với người ngoài hay biến báo,  không được thật thà như người trong này. Tôi đi lại buôn bán với  các ông nhiều, tôi đã từng nhận biết. Nhà này thiếu thức hàng  này, biết rằng nhà láng giềng có, nhưng không hề mách bảo cho  người mua biết bao giờ. Chúng tôi thì không thế: “chúng tôi nhẹ dạ và thật thà hơn các ông. Nhà tôi có vườn bầu vườn bí, nhà láng  giềng thiếu cứ việc sang cắt mà ăn; khi khác tôi có cần đến trái gì  trong vườn họ tôi cũng cứ việc sang mà bứt lấy, tự nhiên như vậy, không ai quan tâm gì về sự đó. Cái bụng ”của anh của tôi" nó không có cách biệt nhau lắm như ngoài các ông. Chúng tôi được cái  tính đó hơn người Bắc". Trưởng giả kinh lịch đã nhiều, phán đoán  như vậy, tôi cũng xin vâng, không biết đáp lại thế nào. Có lẽ người  Bắc cũng có cái lòng duy kỷ mạnh hơn người Nam thật: đã khôn  khéo thì hay biến báo, đã biến báo thì biết suy hơn suy thiệt, đã suy hơn suy thiệt lắm thì chỉ biết vị lợi mình mà cái bụng “của anh  của tôi” tất thịnh hành; bấy nhiêu cái đặc tính nó liên tiếp nhau  mà làm nhân quả cho nhau vậy.
Trưa hôm sau từ biệt quan đốc phủ cùng phu nhân và xuống  tàu về Mỹ Tho. Ông bạn lại giữ ở vài ngày nữa, rồi nghe tin sắp có chuyến tàu ra Bắc bèn vội lên Sài Gòn. Tới Sài Gòn mới biết rõ rằng có chiếc Dumbéa sắp đi, nhưng không ghé vào Bắc kỳ. Vậy  lại phải đợi mươi hôm nữa mới có chuyến khác. Trong những ngày  đợi tàu đó nóng ruột lắm, nghĩ đến công việc bề bộn ở nhà mà chỉ  vội muốn ra cho chóng. Đã quyết định trở về thì cuộc du lịch tất  một thú, lại chỉ những ngóng đợi tàu, không còn có cái hứng muốn  đi đâu nữa. Vả ở Sài Gòn đến hai ba tuần lễ thì cũng đã chán lắm  rồi; đất Sài Gòn không có cái phong thú gì, chỉ là chốn mài miệt ăn  chơi, tiêu xài lãng phí, vốn không phải là sự sở thích của mình.
Một hôm ông Diệp Văn Kỳ lại chỗ trọ, rủ đi xe hơi lên chơi  đồn điền cao su của quan Diệp Văn Cương ở trên Biên Hòa. Lúc ra  đi đã về chiều, lên đến nơi thì trời tối cũng không xem được gì,  nhưng khi đi đường được biết cái phong cảnh miền cao nguyên ở Nam kỳ. Phong cảnh này thật là khác cái phong cảnh mấy tỉnh  Tây Nam mình vừa đi qua mới rồi. Đất đây cao và khô, toàn là đất  gò đất núi cả, lắm chỗ đường xe đi sẻ ngang vào giữa khoảng rừng  cỏ bãi hoang, cảnh tượng cũng đìu hiu tịch mịch như lắm nơi ở Trung kỳ. Vả đất này mới là đất cao nguyên, chưa phải là đất núi:  núi thì còn xa lên trên nữa, vào vùng Mọi ở. Đất này chỉ ưa trồng  cao su mà thôi. Có nhiều cái đồn điền rộng lắm, phần nhiều là của  người Tây cả; vả gần khắp tỉnh Biên Hòa toàn thị là đồn điền cao  su hết, ruộng lúa thì không có mấy và khô khan cầy cấy khó lắm.  Miền Tây Nam coi ra phong đăng trù mật bao nhiêu thì miền  Đông Bắc này coi lơ thơ xơ xác bấy nhiêu. Dân nghèo, người ít, đất  rắn, cây cằn, ít những nơi đô hội lớn, thưa những chốn làng xóm  to. Quan lại mà bổ vào những châu quận đây chắc không được tốt bổng bằng miền dưới, tức cũng như quan lại ngoài ta phải bổ lên  Trung du Thượng du mà không được ở vùng Nam Thái vậy. Nhân  tình ở đâu cũng là nhân tình, mà quan trường xứ Nam kỳ chẳng  khác gì quan trường xứ Bắc. Ôi! tiếng tham nhũng ở đâu cũng đã thành cái thanh danh riêng của bọn quan lại vậy. Tựu trung có người tốt, mà cả đoàn đã mang tiếng với quốc dân lâu lắm vậy.  Tiếng ấy, quan lại ta có mong bao giờ rửa cho sạch không? Theo ý ông Diệp Văn Kỳ thì khó lòng mà rửa cho sạch được: ông đối với sự hành động của bọn đó, vốn có cái ác cảm riêng, thường thổ lộ ra lời  nói câu chuyện.
Còn phải đợi một tuần lễ nữa mới có chuyến tàu lớn bên Tây  sang, đáp vào đây, rồi đi ra Bắc. Làm gì cho qua thì giờ bây giờ?  Ngày ngày bèn đi dạo chơi khắp trong các phố phường, khi ở Sài  Gòn, khi về Chợ Lớn. Sài Gòn thì đã nghiễm nhiên thành một tỉnh  tây rồi. Ngoài các phố tây với mấy phố khách, hàng buôn bán An  Nam ít lắm. Những nghề người mình hay làm nhất là nghề chưng  khách sạn - mà khách sạn cũng là chỉ có buồng ngủ thôi,không có cơm ăn -, nghề húi tóc, nghề chụp ảnh, nghề chữa máy và cho thuê  xe đạp, nghề thợ kim hoàn, v.v., toàn thị là những nghề nhỏ mọn  tầm thường cả. Ở đường Catinat là đường lớn nhất ở Sài Gòn, có được mươi lăm tiệm bán hàng Bắc kỳ: đồ thêu, đồ khảm, đồ đồng,  đồ the lụa, v.v. Tiệm lớn nhất là tiệm của ông Đào Huống Mai, là nhà mĩ nghệ có tiếng ở Hà Nội ta. Đại biểu cho ông ở Sài Gòn là ông Nguyễn Đắc làm phán sự ở tòa Điện báo. Người Bắc ta ở Sài  Gòn kể cũng lơ thơ chẳng có mấy, và chưa lập thành đoàn thể gì  cả. Tôi có bàn với mấy ông rằng ngày nay Nam Bắc giao thông có lẽ mỗi ngày một nhiều hơn trước, các ông nên họp thành một hội  thân ái gồm cả các người Bắc kỳ ở Nam kỳ, rồi tìm cách đặt lấy  một nhà hội quán tại Sài Gòn, trước là để làm nơi cho anh em  đồng xứ mình tới lui mà chuyện trò cho vui, sau là làm một chốn  công sở để tìm phương đặt kế giúp cho người Bắc vào trong này  doanh nghiệp làm ăn. Nói rằng cổ động cho dân Bắc kỳ vào Nam  kỳ mà sinh cơ lập nghiệp thì vẫn hay lắm, vẫn phải lắm, nhưng  những người vào tới nơi bỡ ngỡ chưa biết đâu vào đâu, chưa biết  cách làm ăn ra làm sao, mà không có người cũ khuyên bảo chỉ dẫn  cho, thì khó lòng mà tháo vát cho xong. Nếu có một nhà hội như  vậy thì người mới đến ở trên tàu xuống đến ngay nhà hội hỏi han các cách, tiện lợi biết bao nhiêu. Hội lại sẽ có những đại biểu ở Lục  tỉnh báo cáo về cho Hội biết cái tình hình về nông nghiệp thương  nghiệp các nơi thế nào, cùng là chỗ nào làm nghề gì tiện, chỗ nào  đất khai khẩn tốt, hoặc có người hỏi đến thì Hội chỉ bảo cho, chẳng  là giúp đỡ được nhau lắm ru? Ấy là tôi phác họa ra như vậy, xin  các ông chú ý xét xem có thể thực hành được cái việc công ích ấy  không.
Chiều chiều thường về chơi Chợ Lớn, đi xe lửa không đầy  nửa giờ. Cái cảnh tượng Chợ Lớn thật là sầm uất phồn thịnh có một; nhưng nghiễm nhiên là một tỉnh Tàu! Tối đến đèn điện sáng  choang, hàng bày la liệt, đồ tây đồ tàu, đồ ăn đồ uống, tiếng đánh  “toan” xì xồ, tiếng thanh la ánh ỏi, tiếng “hầu sáng” gọi đồ ăn,  tiếng hàng rong rao thức bán, ồn ào rộn rịp, tấp nập linh đình, mỗi  tối trông thấy cái cảnh tượng ấy không thể không khen thay cho  giống Khách có cái sức sinh hoạt lạ lùng, đi trú ngụ ở đất người  mà lập thành hẳn một tỉnh riêng của mình, đoạt người bản xứ ra  ngoài cái vòng quyền lợi mình! Than ôi! Đất khách quê nhà, quê  nhà mà sao thành đất khách? Lợi quyền ở tay mình mà sao để ra  tay người? Ngày nay người Nam kỳ đã tỉnh ngộ, biết hợp quần mà tranh giành lại với giống Khách về đường nông nghiệp. Nhưng về đường thương nghiệp thì biết bao giờ cho mình bằng nó? Sự khuyết điểm đó mới thật là to và cái hiểm tượng này mới thật  đáng lo vậy. Vì thương nghiệp với công nghệ có cái quan hệ rất  mật thiết với nhau: một xứ tuyệt nhiên không có công nghệ như xứ Nam kỳ, thế tất là phải dùng đồ ngoại hóa; đã phải dùng đồ ngoại  hóa thì thoát li tay bọn Khách sao được? Làm đôi guốc gỗ người  mình cũng không làm được, thì trách sao không phải chịu cái  quyền áp chế trong sự buôn bán của nó? Tôi thường trông thấy  Khách gánh nước, Khách bán củi: còn nghề gì nữa là nó không  tranh hết của mình? Hiện nay trong Lục tỉnh mới nhóm lên cái  phong trào phản đối Khách: cái phong trào ấy rất là chánh đáng  lắm. Nhưng phần nhiều còn là phản đối ở lời nói cả, chưa từng  thấy thi thố ra việc làm. Không kể có lắm kẻ lại phản đối sai lầm,  cái nên phản đối thì không phản đối mà phản đối ở cái không cần  phải phản đối: có kẻ tạ sự ghét người Tàu mà chỉ ghét riêng một  thứ chữ tàu là cái văn tự cổ không có quan hệ gì đến việc cạnh tranh về đường buôn bán cả. Thiết tưởng cái cách phản đối ấy  chưa đủ cướp lại được lợi quyền ở tay bọn “Chệt” vậy!...
Đợi chán chê mới có tin chiếc Paul Lecat ở Tây sang đã tới  Sài Gòn. Chiếc này cũng to gần bằng chiếc Porthos hồi đi vào đây.  Thành ra khi đi khi về đều được ghé tàu to cả, không phải đáp  những chiếc chạy thơ nhỏ, như chiếc Manche, chiếc Haiphong, đi  không được vững vàng và hay say sóng.
Ngày 8 tháng 10 tây, xuống tàu ra Bắc. Thế là xong cuộc du  lịch Nam kỳ.
*  * *
Đọc Quốc sử có một điều rất đáng hưng khởi trong lòng: là cái công phu lớn lao của tổ tiên ta trong mấy mươi thế kỷ khai  thác được suốt một cõi đất Đông Dương này, khiến cho ngày nay từ giáp ranh nước Tàu cho đến vũng bể Xiêm La, từ bến sông Mê  Kông cho đến bờ bể Đông Hải, dân An Nam ta thuần là một giống  người, cùng một cỗi rễ mà ra, cùng một tiếng nói, cùng một phong  tục, cái tính tình tư tưởng cũng không khác gì nhau. Thử hỏi khắp  trong thế giới đã có một dân nào thuần nhất như dân ta chưa?  Ngót hai mươi triệu người sinh trưởng ở một cõi đất mênh mông,  trong hơn hai mươi thế kỷ, đã từng lắm phen sướng khổ cùng  nhau, nguy hiểm có nhau, dần dần gây nên một mối quốc hồn tuy  lúc bình thường như u ẩn không hiện ra, mà gặp buổi quốc gia đa  nạn đột khởi ra những người anh hùng chí sĩ lập nên những sự nghiệp phi thường. Cái quốc hồn ấy, phàm người có tấm lòng khối  óc, những khi trông thấy quốc vận suy vi, ai là người chẳng hình  như nghe thấy cái tiếng kêu ai oán như não nùng than khóc ở trong lòng? Ngày nay có người lấy lẽ chính trị nhất thời, lấy sự gián cách không đâu, mà phân biệt ra kẻ Nam người Bắc, coi nhau  hầu như khác giống khác giòng, không biết rằng dù kẻ Bắc dù người Nam tuy ăn ở xa cách nhau mà trong lòng cùng là mang  nặng một tấm quốc hồn như nhau; chỉ vì cái quốc hồn ấy không  thường có dịp phát hiện ra nên không ngờ không tưởng vậy.
Tôi còn nhớ một ngày ở Long Xuyên có ông Cả một làng gần  đấy đến chơi, ông nói: “Tôi thấy trong báo Nam Phong và báo Đại  Việt có nói rằng Hoàng thượng ta ở Huế mới có Dụ đặt ngày mồng  2 tháng 5 An Nam là ngày Đức Thế Tổ Cao Hoàng đế lên ngôi làm  ngày quốc hội trong địa hạt Trung kỳ. Tôi lấy làm phải lắm, dám  xin các ông cổ động để xin Nhà nước Đại Pháp cho phép đặt hội ấy  ở cả Bắc kỳ Nam kỳ nữa, vì dân ta nhờ ơn Cao Hoàng nhiều lắm,  Ngài đã gồm Nam Bắc làm một nhà mà dựng ra nước Đại Nam ta,  nên bao giờ cũng nhớ ơn Ngài mà biết rằng ta là dân một nước”. -  Nếu người An Nam không có một cái mối tinh thần chung thì sao  ông Nam kỳ đó lại nói được những lời quí hóa như vậy?
Tôi càng đi du lịch trong Nam kỳ lại càng thấy cái cảm giác  rõ ràng rằng người Nam người Bắc thật là con một nhà, nếu biết  đồng tâm hiệp lực thì cái tiền đồ của nước Nam ta không thể nào  hạn lượng cho được. Tôi xin đốt lửa thắp hương mà cầu nguyện cho  cái mối đồng tâm ấy ngày một bền chặt, thật là may cho nước nhà lắm lắm.

Hà Nội, tháng 11 năm 1918 - tháng 1 năm 1919
1 Bưng, tiếng đường trong là cái bãi ngập nước, không cầy cấy được
2 Diện tích Nam Kỳ: 58.000 cây lô mét; Bắc Kỳ: 103.500 cây lô mét; Trung Kỳ: 165.000 cây lô  mét
3 Số người các tỉnh Nam Kỳ đây là chiếu theo trongsách “Đông Dương địa dư” của ông PAUL  ALINOT, bản in tại Sài Gòn năm 1916
4 Trong Nam Kỳ, nhà quê gọi là vườn, tiếng nhà quê có ý bỉ và nghĩa như quê mùa. Người  Tây ngày nay thường dùng tiếng nhà quê để nói bỉ, là theo nghĩa Nam Kỳ vậy
5 Trong Nam Kỳ có thứ xe kiểu Ấn Độ, Tây gọi là voiture malabare, hình như xe hòm, chung  quanh gióng mặt kính, một ngựa hay một lừa kéo; người Nam Kỳ gọi là xe kiếng (kiếng =  kính)

<< Phần V |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 464

Return to top