EM TRAI TÔI
lanngoc
EM TRAI TÔI
Buổi sáng đưa tang Mẹ vừa đến nghĩa trang cũng là lúc chị em tôi thêm một lần nuốt giọt nước mắt hiếm hoi còn sót lại để cùng xúm vào ôm chặt đứa em trai tội nghiệp đưa vào bệnh viện tâm thần. Em lăn lộn la hét khi bị nhốt vào xe nhưng lúc nằm trên giường trong nhà thương điên ấy em đã hồi phục được đôi chút và cứ hỏi Mẹ chôn chưa?
Những ai có mặt lúc ấy không cầm được những giọt nước mắt dù là người vô cảm nhất.
Em sinh ra gặp phải ngôi sao chiếu mệnh không được sáng cho lắm. Có lẽ thiếu ánh sáng thì đúng hơn bởi vì nó là một ngôi sao đang thoi thóp và tắt dần.
Lúc 8 tuổi em bị tai xe hơi khi băng qua đường trong lúc đi học về. Đó là thời gian gia đình tôi còn lưu lạc theo Ba ở tận thành phố Vũng Tàu.
Buổi trưa định mệnh ấy em đi học về đã bị một chiếc xe Jeep tông phải, em lọt gọn gàng dưới gầm xe và khi lôi được em ra người tài xế thấy em không bị xây xước gì bên ngoài nên không đưa vào bệnh viện. Nhưng thật ra em đã bị ảnh hưởng đến phần não bên trong mà vài tuần sau gia đình mới phát hiện được nhưng mọi chuyện đã trể quá rồi. Thần kinh em không bình thường từ đó, mỗi lần đi học em thường hay vấp ngã nên khắp khuôn mặt em đầy vết sẹo. Những lần vấp ngã như vậy làm trầm trọng thêm vết thương trong đầu em.
Học hết lớp chín phải bỏ ngang vì không thể theo kịp được nữa. Thỉnh thoảng lại hay ngẫn ngẫn ngơ ngơ nói cười một cách không bình thường chút nào nên Ba Mẹ phải cho em ở nhà phụ Mẹ pha chế cà phê và sau này cứ vậy mà luôn ở bên cạnh Mẹ đến phút cuối cùng của Bà.
Cuộc sống của tôi quá vất vả để không được ở cạnh chăm sóc cho Mẹ, một phần ỷ lại em trai tôi lúc nào cũng bên cạnh chăm sóc Mẹ những lúc ốm đau. Là c on trai nhưng em đã thay thể chị em gái chúng tôi làm tất cả mọi việc mà đáng ra phải là tôi hoặc những đứa em gái khác. Ngày đưa Mẹ vào Sài Gòn chữa bịnh, em đã túc trực bên Mẹ còn tôi là chị gái nhưng em để tôi lo chạy việc bên ngoài, hai chị em theo Mẹ suốt những ngày đó trong bệnh viện dù rất mỏi mệt nhưng lúc nào cũng thấy em cười với Mẹ, bón từng miếng cháo mong Mẹ nhanh khỏe.
Từ ngày lên vùng đất này để sinh sống Mẹ không làm việc được nữa. Đã hơn mười lăm năm nay anh chị em chúng tôi đóng góp tiền còn phần chăm sóc đã có em rồi. Những khi Mẹ trở bịnh nặng em cầm đàn ngồi hát cho Mẹ nghe những bài hát mà tác giả và ca sỷ cũng là em. Những lời ca câu trước không ăn nhập gì với câu sau hoặc trong một câu mà có nhiều đoạn không ai hiểu được gì nhưng em hát say mê vì Mẹ và khi dừng tiếng ca câu đầu tiên em hỏi là “nghe con hát Mẹ hết đau chưa ?”. Vậy mà em chăm sóc cho Mẹ rất kỷ lưởng, đi đâu xa một tí là lo chạy về với Mẹ.
Em rất sạch sẽ và ngăn nắp, hằng ngày đem nước vào tận phòng để tắm cho Mẹ những khi Mẹ không tự đi lại được, tuyệt đối không cho tôi nhúng tay vào. Em nói vì Mẹ thương em nhất nên phải tự làm để trả hiếu. “Chị mà làm rồi dành Mẹ của em sao?”
Từ đầu năm sức khỏe Mẹ rất tệ, không biết Mẹ sẽ ra đi lúc nào nên chúng tôi luôn sẵn sàng cho điều không hay sẽ xảy đến và khi tin Mẹ mất tôi thật bàng hoàng nhưng em tôi vẫn còn giử được bình tỉnh để hướng dẫn cho tôi phải làm cái này cái kia. Vậy mà khi liệm Mẹ vừa xong em đã thay đổi tính tình một cách bất ngờ khiến anh chị em tôi không trở tay kịp. Có lẻ tình cảm dành cho Mẹ bị dồn nén trong suốt ngày quá bây giờ bất ngờ vở tung quá sức chịu đựng của em. Sau khi phục tang xong em bắt đầu nói nhảm. Khi nhìn thấy hai chiếc nhẫn tôi đang đeo trên tay biết là của Mẹ nên đòi lại với lý do sửa nhà cho Mẹ ở. Trưa hôm đó em cầm hai chỉ vàng rồi dắt xe máy ra ngoài nói là đi mua vật tư về làm nhà. Em đi cho đến chiều tối mới về mà không có chiếc xe máy, mặt máy xây xước. Mọi người hoảng loạn chạy đi tìm xe cho em còn tôi ngồi bên cạnh an ủi, chờ đến khi em bình tỉnh lại đôi chút mới hỏi nhưng em không nói gì chỉ vò đầu rồi tự đánh lên mặt mình. Suốt buổi tối hôm đó và cả ngày hôm sau anh chị em tôi vừa lo tang Mẹ vừa phải trông chừng em. Chiều hôm sau Công an tìm đến xác minh và trả lại chiếc xe tưởng như đã mất.
Sự việc xảy ra là do lổi em tôi đã va quẹt vào đuôi xe máy của người khác nhưng không nặng lắm. Người công an kể lại rằng khi va chạm với họ em tôi đã bị trấn lột hết tiền trong túi khoảng hơn hai triệu đồng nhưng may mắn hai chỉ vàng vẫn còn do em dấu kỷ trong người. Sau đó vì hoảng sợ em đã bỏ lại xe máy trên đường rồi trở về có vẻ tức giận lắm. Xe máy của em đã được người dân ở đó thương tình đem gởi cho công an nên vẫn còn lại. Phải chăng Mẹ đã phù hộ cho em trở về nguyên vẹn sau tai nạn.
Trước hôm đưa Mẹ đi một ngày, em đòi phá dở nhà để sửa lại. Chỉ có tôi mới khuyên răng được em và nói cho em hiểu Mẹ đã ra đi, đã về với Phật rồi. Nhờ đem uy Phật ra nói em mới chịu dừng lại.
Hôm đưa tang em vật vả khóc than, suốt chặng đường từ nhà đến nghĩa trang em cứ ngồi trên quan tài la hét khiến mọi người hoảng sợ lo lắng không đưa được Mẹ đến nơi an nghỉ cuối cùng . Chúng tôi bàn với nhau đưa em vào bệnh viện Tâm thần ngay lúc ấy, lúc mà người thân yêu của chúng tôi chuẩn bị nằm xuống bên dưới mặt đất. Giây phút đau lòng phải xảy ra khi nhìn em tôi vật vả đưa cánh tay về phía quan tài Mẹ vẩy vẩy la hét không chịu rời xa. Có lẽ lúc đó là lúc duy nhất em cảm nhận được sự mất mát lớn nhất trong đời nhưng chúng tôi đã không thể nào làm khác đi được là giữ chặt lấy em rồi đưa lên xe vào bệnh viện dành cho người mất trí. Tôi khóc cho Mẹ mà cũng khóc cho em, mặc nguyên bộ đồ tang tôi ở lại với em suốt ngày hôm đó nhìn em lòng đau xót lắm. Hai tay em đập xuống giường nhưng hề la hét có lẽ do em sợ hãi những vị Bác sỹ ở nơi xa lạ này. Nơi mà em chưa nghĩ đến một ngày mình sẽ vào đối mặt với họ. Những vị bác sỹ nhân hậu ở đây đã đem hết tấm lòng và cuộc đời mình để phục vụ cho những con người không được bình thường này, tôi chợt nghĩ đến điều đau xót ấy bởi vì em tôi là một trong những con người không bình thường đó.
Cuộc đời em chịu thua thiệt quá nhiều nhưng dưới con mắt người đời em tôi cũng chỉ là con người không bình thường hay cay đắng hơn, em là một người điên. Mà đã là người điên mấy ai có được thiện cảm với họ. Một người điên có tấm lòng hiếu thảo như em ít người bình thường có được, phải không em.
Ngày làm tuần đầu cho Mẹ nhưng em không về được. Vắng em ngôi nhà như buồn hơn bởi vì nơi đây em tôi đã gắn bó cùng Mẹ suốt bao năm qua. Mẹ đi rồi còn em phải nằm lại trong kia một mình để lại nơi đây nỗi hiu quạnh nên tôi phải nghỉ việc buôn bán về đây trông coi hương khói cho Mẹ, thỉnh thoảng rãnh rổi chạy vào chơi với em cùng cô em gái hồng nhan bạc phận nũa. Tối về hai chị em gái ôm nhau nằm khóc nhớ cậu em trai có số phận buồn. Cúng Mẹ , anh chị em tôi cầu nguyện Mẹ linh thiêng phù hộ cho đứa em trai bất hạnh mau chóng bình phục quay về để tối tối cầu kinh cho Mẹ được siêu thoát nơi cỏi vĩnh hằng.
Mười ngày sau đến thăm em mọi người bất ngờ vì em đã tỉnh táo lại nhiều mặc dù vẫn còn những câu nói hơi ngớ ngẫn nhưng em đã biết cười đùa pha trò với mọi người chung quanh. Trong phòng em nằm có một phụ nữ khoảng ngoài bốn mươi độc thân hằng ngày chăm sóc đứa con trai khoảng hai mươi tuổi bị tâm thần nhẹ thỉnh thoảng đến bên cạnh em giúp đở. Điều này thật bất ngờ vì từ trước đến nay ngoài Mẹ là người phụ nữ duy nhất gần gũi chăm sóc chứ chưa có bàn tay người phụ nữ nào khác nên em tôi cảm thấy xúc động lắm, cũng biết nói đùa với người đàn bà kia chuyện tình cảm khiến mọi người phải bật cười. Phải chăng có gì đó đang thay đổi trong em đem lại niềm hạnh phúc mà đời em chưa cảm nhận được.
Em xuất viện trong lần làm tuần thứ hai cho Mẹ. Khi bước chân vào nhà nhìn di ảnh Mẹ em đột ngột khựng lại một lát rồi như tỉnh người ra đến bên bàn thờ thắp nhang lạy Mẹ. Suốt đêm đó em đi lên đi xuống trong căn nhà vắng Mẹ đọc kinh cầu cho Mẹ được siêu thoát. Thỉnh thoảng lôi những đồ dùng của Mẹ ra ngồi nhìn rồi thở dài.
Em về nhà được một tuần bỗng nhiên lại lên cơn rồi la khóc trước bàn thờ Mẹ, hoảng hốt tôi bỏ dỡ công việc buôn bán vội vã đưa em vào viện. Nhưng đâu dể gì thuyết phục được em, cuối cùng gọi điện thoại cho người phụ nữ kia đến nhà năn nỉ. Em nở nụ cười rồi đi theo với người đàn bà ấy vào viện và ở luôn trong đó cho cô ấy chăm sóc. Điều kỳ lạ là người phụ nữ ấy có cảm tình với em trai tôi nên chăm sóc cho em thật chu đáo.
Phải chăng là bản năng người đàn ông năm mươi tuổi đang trỗi dậy mãnh liệt lần đầu trong em tôi.
Chiều qua vào thăm tôi nhìn em mà rơi nước mắt. Cầu mong cho em luôn được thanh thản nhẹ nhàng trong tâm hồn, cho em nhìn đời bằng màu hồng để xua đi những mảng tối tăm u buồn trong em. Nhưng dù em có là thế nào đi chăng nữa em vẫn là em trai tội nghiệp của chị.
Mãi mãi vẫn là như vậy.