Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tập Truyện ngắn >> Có loài chim lạ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 3882 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Có loài chim lạ
Y Uyên

Giọt nước

    Sau ngày Dần-anh chết ít lâu, Dần lại trở ra ở với bà ngoại ít ngày. Trước khi nhập ngũ Dần tự dưng muốn đi xa một chuyến. Dần nghĩ tới căn nhà bà ngoại và những năm hai anh em Dần học ở đó. Trong số bảy anh em, ngoài Dần, Dần-anh cũng có nhiều liên lạc với đám bà con bên ngoại Dần và Dần-anh coi nhà bà ngoại như một chỗ ở thứ hai. Dần-anh chết, Dần tự dưng hết còn muốn ở nhà. Dần nói mình ít sức chịu đựng. Nhất là hồi này ở nhà đang mùa mưa, không đi được tới đâu. Những buổi sáng dậy muộn, mẹ và hai em gái không còn ở nhà, Dần thường bày cờ giải một mình. Buổi chiều thì bắt đầu mưa và thường thường kéo luôn tới khuya hoặc sáng hôm sau. Dần tập đánh bài với chú Bách nhưng cũng mau nản. Chú Bách là cư sĩ, hồi này lại tuyệt ngôn nên Dần rất dễ buồn ngủ khi ngồi với chú. Dần thường chờ những bữa cơm chiều ngồi uống với mẹ ít ly rượu cẩm trong lúc chờ con Hài đi học về hay chờ con Tấm choàng áo tơi ra bãi cỏ trước nhà xua đàn ngỗng loáng quáng chạy về chuồng. Những chiếc ghế thửa trước đây, dành riêng cho mấy người con trai đã không còn gợi được chuyện họp mặt. Chúng yên lặng như một vài điều mẹ Dần có thể nhờ nhất định về mỗi người. Những ồn ào làm nên đời sống anh em Dần đã thực sự tản mát. Những âm thanh Dần-anh mang theo cũng đã tắt ngấm sau một tiếng nổ. Dần đi sau hôm ông lão thầy tướng tới từ biệt mẹ Dần để xuống đò về một tỉnh miền ngoài. Mẹ Dần có những câu mờ hồ như gởi gấm những chuyến đi của Dần sắp tới cho ông. Dần thấy tội cho mẹ, chỉ cười. Ông lão thấy tướng đã quá già. Đi phải chống gậy và có đứa cháu kèm bên. Hồi sinh Dần-anh và Dần, mẹ Dần kể lại, có mời ông lão tới. Giờ nghe lặp lại. Ông lão thều thào: "Từ đó tới giờ, tôi ăn trộm tuổi trời". Ông lão đã thay cho Dần để đặt ra hai cái tên Dần-anh, Dần-em. Mẹ Dần nói hôm đặt tên, chẳng có gì đãi ông. Chỉ có mấy miếng đậu nướng và một con chuột cho ông nhắm rượu. Ngay từ hồi đó ông đã già lắm. Râu ông chạm ngực. Ông khom gập lưng xuống mâm rượu, vén râu, cầm đậu, cầm chuột bón vào miệng. Từ hôm Dần-anh chết, mấy lần gặp ông, thấy ông ngắm nghía mình, Dần chắc ông muốn hình dung mặt mũi Dần-anh. Mẹ Dần ở nhà khóc nhiều ngày mắt sưng đỏ. Ông tới an ủi thường ngồi lại cả buổi. Dần bỏ đi chơi có khi về gần tới nhà vẫn nghe tiếng mẹ Dần ấm ức lớn tiếng tiếp chuyện khách. Như lời lảm nhảm một mình. "Dạ, tôi nhớ. Bà ấy độc địa quá quắt. Không có cụ tới cúng, biết bao giờ trời mới cho bà ấy nhắm mắt". "Một năm mà bốc được hai mươi mốt ngôi mộ cũng là giỏi lắm rồi. Cụ còn nhớ cái đám ông Hào? Bữa đó đi nhặt xương về, cụ dựa vào cây cột lim vừa kể cho tôi nghe vừa véo xôi ăn cụ còn nhớ không? Cụ nói cốt ông ấy thực tốt. Đầy ắp một cái tiểu sành, đỏ đòng đọc". Mẹ Dần như đang vuốt ve những cái tiểu sành chứa xương cốt liệu bà có thấy được gần gũi Dần-anh thêm chút nào? Sau hôm ông lão trở ra miền ngoài, Dần dẫn con Hài, em Tấm đi may mỗi đứa một cái áo soie Thái Lan rồi sửa soạn hành lý. Buổi tối gặp Thục ở cầu thang lên sân thượng nhà nàng, Dần giải thích:
"Không phải anh ưa lang bang. Xa Thục anh thật buồn".
Đã hết mùa hè, trời ít còn nóng nhưng khu trường Dần đi qua hàng ngày vẫn chưa có học trò. Dần ra tới nhà bà ngoại thì nhận được thư của Dần-anh. Bức thư để trong cái hộc tủ của cậu Dư trước kia. Dần mở thư ra thấy Dần-anh nhờ mình chuyển cho con nhỏ láng giềng bà ngoại mấy tấm hình hắn chụp lúc ra trường. Dần đưa bà ngoại coi, bà cụ bảo:
"Nhờ có chính phủ đánh dấu nó, bằng không ai mà phân biệt được hai đứa mày".
Dần vứt mấy tấm hình vào hộc tủ, nghĩ đưa cho con nhỏ lúc này thực vô ích. Hồi còn sống, còn ở ngoài này, đã nhiều lần hắn xiêu lòng muốn trốn đi với con bé. Cậu Hiền gọi mắng, hắn cười bảo con nhỏ đó quyến rũ chứ hắn thì không có lòng dạ nào. Thấy hắn rắc rối, Dần cũng bảo hắn: "Con gái người ta nuôi nấng mười lăm, mười sáu năm, giờ bỗng chốc chạy tới xúi nó đi trốn, mất dạy hết chỗ". Dần-anh dở giọng tâm sự: "Tao đâu có ý đó. Chừng nào gặp được người như dì Phong tao mới phải tính". Hôm nghe tin Dần-anh chết, con bé bỏ đi đâu mất một hôm. Nó nằng nặc đòi Dần cho theo về đưa đám, Dần nổi giận nó mới chịu im. Thấy Dần trở ra, nó mừng rỡ không nén nổi. Có con bé xinh xắn như nó ngồi nói chuyện cho bớt thì giờ, Dần cũng đỡ chán. Dần bảo:
"Đừng nói chuyện Dần-anh nữa".
Nó nói:
"Không nói chuyện ảnh, biết nói chuyện ai bây giờ?"
Dần trỏ mình:
"Nói chuyện tôi đây. Khỏi bịnh rồi, tôi cũng đi lính nữa".
Buổi tối xuống ngồi nhà cậu Hiền ăn bánh bèo, Dần rủ con bé cùng đi, nó từ chối. Cậu Hiền bảo Dần: "Qua cái tang thằng Dần-anh, mày cũng nên lấy vợ thì vừa. Đùa dai mãi có hồi ế vợ". Dần cũng trả lời, giọng đùa: "Cháu cũng định vậy. Nhưng nói ra trước khi cậu nói, sợ cậu nghi". Câu chuyện lấy vợ thành một điều để mọi người nói vui suốt tối hôm đó trên mảnh sân thượng mốc những tảng rêu đã khô. Cậu Hiền khoe với bà ngoại có trà Hồng Kông. Dần uống mấy bình liền. Lúc hai bà cháu mò mẫm bước xuống cái cầu thang tối thui, khuất trăng, Dần mới thấy nặng bụng. Đã lách ra ngoài cái cửa sắt ở mặt hàng dưới nhà, Dần còn đem chuyện lấy vợ ra trêu bà ngoại. Về nhà, hai bà cháu vừa lượm những chiếc vỏ trứng lăn dưới sân phát sinh trở lại các đầu lá cây dứa làm cảnh vừa bàn về một người con gái Dần mới bày đặt trong trí.
"Lấy vợ đi rồi bà cho cái nhà lấy chỗ mà ở".
Bà cụ nói. Khi đưa bà về phòng, bật đèn cho bà, quay trở ra Dần ngẫm nghĩ rồi bảo:
"Cháu tính đi lính rồi mới cưới vợ".
Dần trở về phòng mình, nghe bà thở dài và tên dì Phong sau lưng. Mỗi lần nghe Dần có dự tính bà vẫn có thói quen nhắc tới dì Phong. Bà gọi dì và Dần, bọn lười biếng chúng mày. Dần thực tình không hiểu. Vì dì Phong trước sau vẫn khó hiểu đối với Dần. Dì sống hiếu thảo và uể oải với riêng mình. Lòng hiếu thảo và tính uể oải thì không bao giờ để một người con gái như dì phải đột ngột xa nhà, phải bỏ cuốn tiểu thuyết của Mai Thảo đang đọc dở dang. Trước sau, dì vẫn không là người có nhiều chuyện đáng nhớ. Những điều giúp dì có dịp để nói nhiều một chút quanh quẩn là những điều nói về cậu Dư. Cậu ấy chết rồi thì những tin mới nhất về cậu là mấy cái hộc tủ đầy nhóc thư từ của bạn bè cậu, bỏ xuống bếp để dì Phong mồi lửa và có cái mà đọc những bữa nấu cơm.
Bà ngoại Dần đã đi ngủ. Con bé láng giềng vẫn ngồi nói chuyện.
"Từ hồi anh Dần-anh chết, tôi muốn được nói chuyện tối ngày. May mà anh ra chơi… Con bé bỏ lửng nhìn Dần. Dần nhìn thân thể xinh xắn hết lớn thêm của nó nghĩ không biết đang nghe một người lớn hay một đứa trẻ con. Con bé cười, nói tiếp. Nó nhắc lại chuyện tình của nó với Dần-anh. Đây là lần đầu nó nói chuyện đó với Dần. Nó muốn sống lại những kỷ niệm vặt. Dần nhớ những lần nó nôn nả chờ đi trốn với Dần-anh. Nó con nít khi ngỡ lấy chồng là một cuộc đi chơi xa với ít nhiều hồi hộp. Nhưng nó thực đàn bà khi liều lĩnh hối thúc Dần-anh bất kể đêm ngày. Dần-anh vừa thương vừa sợ nó. Đã có hồi hắn không dám quyết mình hay nó, ai lớn ai trẻ con. Dần bảo hắn: "Cả hai đều con nít hơn". Dần-anh nổi giận: "Mày không yêu con Thục sao mà dám lên mặt chê tụi tao con nít?"
"Khuya rồi đó, về đi".
Dần bảo con bé lúc bắt đầu nản.
"Giờ mà đã khuya".
Con bé nói, nhìn Dần, ngạc nhiên.
"Không khuya nhưng nói mãi chuyện Dần-anh nghe nản lắm".
Con bé thực sự im lặng. Người nó thu nhỏ, Dần an ủi:
"Không phải tôi ghét chuyện của hắn…"
"Ai nói anh ghét Dần-anh".
Con bé nói. Và chợt kêu trong hình dạng thu nhỏ của nó.
"Nhưng sao anh không muốn nghe? Anh Dần-anh đâu có vậy".
Dần bực mình:
"Tôi không là Dần-anh".
Con bé đứng dậy, nhìn Dần rồi cúi đầu bước ra cửa:
"Tôi về nghe anh Dần".
Giọng nó nhỏ trở lại, nghe buồn bã.
Dần vận quần áo ra phố. Trời úa, mặt trăng mỏng non choẹt muốn mưa. Những ngày khô sắp qua. Dần nhớ những cơn mưa nhỏ đầu mùa ở đây. những đêm những ngày gió nam lốc bụi sắp hết. Ngày tháng thành một thứ trang trí bó buộc vô ích. Dần nhớ Thục như mọi lần vừa xa thành phố. Kỳ này về, buổi tối đứng ở cầu thang lên sân thượng nom Thục ốm đi nhưng đẹp ra. Thục cười bảo: "Có nhiều đứa nhỏ mười sáu, mười bảy đã lấy vợ lấy chồng. Bọn mình thì vớ vẩn mãi, chẳng ai biết lo". Dần đùa: "Anh thì có hai tên Dần mà vẫn chưa nên cái hình dạng gì". Thục kêu: "Anh đùa nghe gớm chết. Đừng nhận vơ nữa, để Dần-anh được yên". Dần-anh đã thực sự không bị quấy rối. Nhưng hắn mất, Dần vẫn thấy ở đâu đó, trong tiết nào đó, vẫn còn những người mặt mũi hệt mình, Dần nhớ tới những người anh còn lại. Những người đó chỉ muốn Dần và Thục cưới nhau cho xong. Dần viết những thư mù mờ trả lời: "Tụi tôi còn yêu nhau thì cưới nhau thế quái nào được".
Dần vào một tiệm nước, tiệm nước đó, trong đêm gió to hôm nào Dần vào với người đàn bà mang tên giả. Một quân nhân thấy Dần hỏi lớn:
"Ra đây hồi nào đó?"
Dần đưa tay bắt, ngồi xuống bàn anh ta.
"Uống gì?"
"Soda chanh, về ngủ cho tiêu".
Dần đón điếu thuốc anh ta mời, cười hỏi:
"Giờ đóng ở đâu?"
"Cách quận Biên Xuân ba chục cây".
"Ngán không?"
"Giờ thì quen rồi. Lúc đầu, nghe súng là ỉa đái đầy quần".
Hắn hỏi Dần:
"Lấy vợ chưa?"
"Vợ đâu mà lấy".
"Lông bông hoài vậy sao?"
Dần gật, thấy ngượng như vừa làm dáng. Người lính than phiền vài điều vặt vãnh, dài dòng. Dần yên lặng nghe, cố nhớ xem đã gặp anh ta ở đâu.
"Đ.m., nhiều lúc chỉ muốn giết hết. Ê, uống thêm băm ba, con trai gì mà yếu thế?" Dần bảo uống thêm cũng chẳng sao. Người lính đã có vẻ ngất ngư, mỗi lúc thêm ít nói. Thỉnh thoảng như nhớ có Dần trước mặt, anh ta ngửng lên nhìn chằm chằm rồi cười vu vơ hoặc đột ngột hỏi Dần một câu tục tĩu về trai gái. Lúc ra khỏi quán, Dần hỏi:
"Còn ở đây lâu không?"
"Còn tùy".
"Tôi vẫn ở chỗ cũ".
Dần nói mù mờ. Anh ta gật đầu:
"Ờ chỗ cũ… chỗ cũ là chỗ nào?"
Dần tả sơ qua nhà mình. Anh ta cúi đầu nghe nặng nhọc.
"Ờ hiểu rồi. Lúc nào rảnh sẽ ghé chơi".
Anh ta nhảy lên một chiếc xích lô sau cái siết tay thực mạnh…
"Thôi… bai bai…"
Dần ghé vào nhà cậu Hiền kêu bọn nhỏ mở cửa lên sân thượng xin cậu uống trà. Hai cậu cháu ngồi giữa chiếc ghế bố căng mùng ồn những tiếng ngáy. Dần ngại về vào lúc có cảm tưởng con nhỏ láng giềng chưa đi ngủ. Đã hai lần nó ở lùm cây trước cổng chạy ra quấn quít hỏi Dần sao về khuya vậy? Nếu còn Dần-anh để nói về nó, chắc hắn lại kêu nó quá cô đơn. Mặt trăng như ở cuối con đường rộng vắng người dưới kia, sau dãy đèn néon trắng xanh, Dần cố nhớ xem đã gặp người lính ở đâu vẫn không nhớ nổi. Hay anh ta đã lộn Dần với Dần-anh? Có lẽ vậy. Dần phỏng đoán để khỏi phải nghĩ tiếp. Dù quen anh ta hay không, câu chuyện cũng chỉ có bấy nhiêu. Ở trong một cửa tiệm, một bến xe, một phòng hội… cùng lúc, có thể có nhiều người cùng nói tay đôi, tay ba cùng một câu chuyện đó. Dần muốn giờ này ngồi với Thục trên cái sân thượng cao ngất đó. Dù chỉ im lặng, dù chỉ nói những câu có thể nói với bất cứ ai như với người lính vừa rồi.
Dần trở về, cậu Hiền tự mình xuống dưới nhà mở cửa. Tới ngõ, Dần tự dưng, nhìn ngay về phía lùm cây trước cổng. Thấy có bóng con bé nhô ra. Nhưng lần này nó có vẻ lẩn lút và chạy ngay về nhà nó. Dần không hiểu nổi nó nữa dù vừa nghe những mẩu chuyện tục tĩu của người lính. Dù có nhớ tới Dần-anh mà nói nó quá cô đơn.
Dần trở ra chỗ để những cái chum múc nước rửa mặt. Trời kín mây. Mờ mờ trước thêm nhà bên kia, con bé đang ngồi tựa cột nghêu ngao hát. Bóng tối đậm dần trên mảnh sân nhà nó. Nó hát nhưng mặt hất cao, như nhìn trời, như đang có một mảnh trời trăng sao trong đầu, như không còn ai để rủ đi trốn.
Dần vục đầu vào thau nước, muốn không có hình ảnh nào về nó. Từ đêm giấu người đàn bà mang tên giả trong nhà, Dần thực sự thấy trí tưởng mình bỏ không. Đời sống thường ngày như hết còn khêu gợi hợp lý. Chiến tranh như không còn gợi cảnh bom đạn, kẻ thù không còn gợi những sắc diện dã man… Dần chỉ còn những hình ảnh dị kỳ tràn ngập, kết hợp với nhau một cách vô lối. Hôm đó, người đàn bà lấy ngón tay trỏ đen đủi trỏ vào trang sách dì Phong đánh dấu bằng mụn vải vàng, làm bộ e thẹn nói: "Em cũng thích tiểu thuyết ông Mai Thảo". Trang sách, mụn vải giờ đâu có còn gợi riêng dì Phong những lúc ngừng đọc, lại trước gương bầu dục, cột lại tóc, đi sửa soạn bữa ăn? Khuôn mặt âm thầm, mê mải của dì lúc nằm đọc giờ hiện cùng lúc với mấy lóng tay trỏ đen đủi ở từng trang sách.
Dần vào nhà, vừa bật đèn đã thấy con nhỏ bước sang.
"Chắc anh phiền tôi lắm?"
Nó hỏi, muốn ẩn bóng vào những hàng cột.
"Xin lỗi anh".
Nó xúc động. Dần lại gần nó thấy nó chỉ bằng con Hài ở nhà.
"Cô rắc rối lắm".
Dần như nói với em mình. Con nhỏ ngồi xuống mép ghế, có dáng e sợ.
"Tôi biết làm phiền anh nhưng cũng không biết cách nào hơn, anh bỏ lỗi cho. Thương anh Dần-anh thực tình nhưng má tôi, mọi người chẳng ai chịu tin. Má tôi nói tôi còn nhỏ, nay khác mai, mai khác mốt, chớ có thương liều. Tôi thì biết tôi thương ảnh như hết còn ai khác để thương. Tôi khôn lớn là vì thương ảnh, anh tin tôi đi".
Dần ngắt ngang:
"Giờ Dần-anh chết rồi, nói lại làm gì".
Con nhỏ bối rối, giọng cố gắng:
"Anh có nhìn mặt ảnh lúc cuối không?"
"Hắn chết thực rồi".
Dần nói ngô nghê và hoang mang như muốn ói. Dần lấy một điếu thuốc châm hút. Con nhỏ trước mặt như thực sáng suốt, thực tình như ở một thế giới nào khác. Nó như một người đồng bóng. Dần ái ngại:
"Dần-anh chết thực rồi, cô tin chứ?"
Nó gật:
"Tin. Có tin tôi mới bỏ đi một ngày. Lúc đó tôi nghĩ anh Dần-anh cũng đi lính như mọi người. Nhưng từ bữa anh ra, tôi thấy có điều khác. Ở nhà tôi nhìn sang, thấy anh đi ra đi vô, tôi nghĩ ảnh chưa chết. Tôi buồn như bị phụ tình".
Con nhỏ không có giọng cố tình. Dần có cảm giác nó gần gũi mình. Trang sách của dì Phong và những lông tay đen đủi bỏ đó. Dần giục nó về.
Lúc này tốt hơn hết là nghĩ đến lời má cô. Cô còn nhỏ, nay khác mai, mai khác… Nó oà lên khóc. Dần đứng yên vuốt nhẹ trên tóc nó. Ở những bụi cây dưới sân, bụi cuốn xoay tròn, bốc cao. Hai người như ở một thế giới mộng du.
 
*

Dần dời xứ này đột ngột như lúc tới. Ở đây Dần-anh không sống, không chết hẳn, nhưng không ngớt ám ảnh. Con nhỏ hàng xóm làm bực mình như tiếng than vãn hàng ngày của đám trai gái trong máy thâu thanh. Nhớ lại mấy câu thơ của dì Phong, trước hôm đi, Dần cười bảo con nhỏ những ngày còn lại của mùa khô này là mùa thu. Những buổi sáng dậy muộn, trời cao và mát. Đi ăn sáng vào giờ mọi người đã ở trong sở làm. Gặp một vài người ngờ ngợ như người lính không rõ liên hệ bữa trước. Gió còn lớn lắm. Những cục đá, thanh sắt buộc lủng lẳng dưới những tấm màn che nắng trước các cửa tiệm thành những thứ đánh lén người đi trên vỉa hè. Con đường có nhiều tiệm ăn biến thành một con sông cát, màu vàng nhờ nhờ. Người cảnh binh chỉ đường trên các bục tròn nhiều lúc khom người, hai bàn tay bưng mắt. Mấy cậu nhỏ chở từng tảng nước đá, nước ròng ròng phải nhảy khỏi xe đạp khom lưng đẩy ngược gió. Con nhỏ đưa Dần lên hãng hàng không, nói như với Dần-anh hồi nào:
"Vô Thủ Đức anh nhớ viết thư về ngay".
Dần bảo nó:
"Nhưng nếu có trễ cũng đừng có trách, đừng chờ mất công".
Dần không muốn nói dối nó. Muốn nó sớm quên được mọi chuyện. Muốn quên nó. Muốn xa hẳn những người còn nhìn Dần như Dần-anh. Nhưng Dần biết mình không đi xa được. Dần đã thực sự thua kém dì Phong. Sự vắng mặt của Dần có chăng chỉ để trống thêm một chiếc ghế thửa trong bữa cơm với mẹ, các em.
Dần về nhà, mẹ Dần mừng như đã lâu không gặp. Bà bảo Dần nói chuyện cho bà nghe. Dần nói qua loa. Bà ngoại vẫn vậy. Gia đình cậu Hiền vẫn vậy v.v. Dần nghĩ tới việc gặp Thục, rủ Thục đi sắm vài thứ và nếu buổi sáng không mưa sẽ đi thăm mộ Dần-anh. Chập tối, trời mưa, uống của mẹ mấy ly rượu cẩm, Dần vào nhà sau nằm ngủ. Nằm trên giường, Dần thấy mỏi ê ẩm. Gian phòng nhỏ, như của riêng con Tấm. Từ hồi đi hướng đạo, nó cứng cỏi như con trai. Một tủ thuốc nhỏ treo trên tường sơn quét vụng về. Một bó cọng sắt để làm sacoche với đôi giầy nom nặng nề đặt trên một chiếc bàn thấp. Trên cái giá gỗ sát tường, mũ chóp nhọn, dây da, còi, hộp đồ thêu v.v. để gọn mắt. Một bức hình cỡ lớn treo ngay chỗ đầu giường có cảnh một đoàn hướng đạo bắc một cây cầu gỗ. Một câu khẩu hiệu ghép bằng các đoạn dây màu treo dọc theo sợi dây thép giữa phòng "ĐƯỜNG ĐI KHÓ, KHÔNG KHÓ VÌ NGĂN SÔNG, CÁCH NÚI…". Dần chợp mắt một lát, tỉnh dậy thấy đồng hồ trên bàn mới hơn tám giờ. Ngọn đèn được vặn nhỏ từ hồi nào. Cơn mưa đã tạnh. Dần kéo câu khẩu hiệu, sửa cho các chữ cách đều nhau rồi ra nhà ngoài. Mẹ Dần đang viết biên nhận cho những người chơi hụi. Con Hai đang ủi quần áo, con Tấm đang cặm cụi sửa chiếc máy ra-dô. Ngồi nói chuyện với mẹ một lúc, Dần thay quần áo, đến nhà Thục. Ghé vào nhà người bạn mượn chiếc xe, Dần đi thẳng Sài Gòn. Trời tối thẫm, hơi nước lạnh. Qua vùng ánh sáng những phố lớn, Dần tới vùng xưởng máy tối thui nhà Thục. Thục xuống lưng chừng cầu thang thì gặp Dần. Hai người đứng đó nhìn xuống những khu phố phía dưới, nói chuyện. Thục bảo:
"Đừng nói chuyện Dần-anh nữa, anh".
Dần cười trong miệng:
"Thục không nói mau, anh đã rủ Thục đi thăm mộ hắn".
Thục kêu:
"Đi thăm mộ Dần-anh?"
"Có đi ngay bây giờ đâu mà Thục phát hoảng lên thế".
"Ban ngày em cũng không đi. Em sợ thực tình rồi đó".
Dần hỏi ngớ ngẩn:
"Sợ gì?"
Thục quay đầu ra ngoài cầu thang nhìn xuống vùng tối phía dưới, giọng nói như giọng người mẹ ru con:
"Đừng nói tới Dần-anh nữa. Anh còn đó… thì đừng bao giờ nói tới Dần-anh nữa.

<< Pho tượng đứng đó | Khói trên mặt nước >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 172

Return to top