gã tử thần
dinh thi thoa
gã tử thần
Gã Tử Thần
Hỡi Tử Thần!
Chàng là ai!
Mà muôn loài muôn vật
Từ Vua Chúa cao sang
Đến Thần Dân thấp hèn
Đều hãi hùng kinh khiếp!
Khi nhắc đến tên chàng.
Thật vậy, từ muôn thuở những gì là sự sống đều rúng động khi nghe đến tên này.
Để đối phó với hắn, người thì đối diện tìm hiểu, kẻ thì trốn chạy. Đối diện tìm hiểu để rồi một ngày nào đó cũng phải gặp hắn, dù không muốn không ưa, mà lại không biết giờ nào, phút nào hắn đến, đến cách nào, thế nào? Nhiều câu hỏi tại sao? tại sao đặt ra. Thôi thì muôn hình muôn kiểu. Ra đi hạnh phúc với sự hiện diện đông đủ với con cháu, ra đi tức tưởi cô đơn ngoài đường, ngoài chợ, dưới biển, trên rừng… Khi tóc còn xanh, lúc còn ẵm ngửa, đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi thành phần. Không ai là không có một vé cầm sẵn trong tay, chỉ có điều là vé mời này không ghi rõ thời gian, địa điểm mời.
Người may mắn thì “lên đường” đúng thời hạn mà mọi người gọi là “thọ” có nghĩa là tròm trèm tám, chín chục, rất hiếm lên đến một “chăm”, ở “ngưỡng” này mọi người đều tung hô bái phục. Còn thì đôi khi chưa kịp chào đời đã đi, tuổi này cho đến già, cỡ nào cũng có. Đẹp cũng có, xấu cũng có, “rùng rợn” cũng có. Kiểu già, kiểu non, kiểu triền miên trên giường bịnh, kiểu bất ưng, kiểu nguyên vẹn, kiểu tan tành tan nát mỗi nơi một miếng, hoặc làm hai, làm ba, có khi không còn dấu vết. Khô, ướt, nước, lửa…. Kiểu nào cũng khó… ưa.
Phần đông có đến chín phần mười là … “trốn chạy” , không dám nhìn, dám nghe, dám nhắc đến hắn. Cố quên hắn, cố quên sự thực … phũ phàng. Tìm đủ mọi phương cách kéo dài thật dài… ngày đến gặp hắn. Nào là bồi dưỡng tẩm bổ sâm, yến… . Nghe đâu đang điều chế loại thuốc “ cải lão hoàn đồng” chống lão hóa có thể sống được đến hai, ba thế kỷ…. Võ Tắc Thiên muốn đổi nửa giang sơn để kéo dài cuộc sống thêm … ít ngày mà không được. Tần Thủy Hoàng luyện linh đan trường sinh bất tử nhưng cuối cùng vẫn phải… tử.
Làm sao xua đuổi được cái gã đáng ghét này đi để được sống mãi muôn đời… Niềm khát khao cháy bỏng của mọi sinh vật.
Đối diện với hắn để tìm hiểu, để trả lời những câu hỏi “tại sao”. Tại sao không ai tránh khỏi hắn, tại sao có người gặp hắn một cách êm ái, đẹp đẽ. Lại có người, trái lại quá sớm, quá bất ưng, quá mạnh bạo… khốc liệt. Rồi … sau đó … còn gì?
Còn trốn chạy không bao giờ nghĩ đến gã quái ấy vì quá sợ hãi, chỉ cần nhìn thấy trước mắt ngày sống hiện tại, chăm chút nâng cao chất lượng từng giờ, từng ngày. Quên béng hắn đi như chưa bao giờ, không bao giờ có hắn, biết hắn. Để khỏi bị ám ảnh giày vò, cái thân xác này sẽ trở thành vô tri vô giác,… và rồi sẽ thành tro, thành bụi nếu mang… thiêu. Chôn … thì sẽ trương phình … giòi bọ lúc nhúc khi phân hủy. Mà những nỗi kinh hoàng này bất cứ lúc nào cũng có thể… đến.
Quên đi tên “chết tiệt” này, ráo riết tìm tòi những nghiên cứu khoa học phát minh những phương thức “sống mãi không già”. không chết… nhưng thỉnh thoảng … ông “Chời” “thở nhẹ” một cái “đi đứt” vài trăm ngàn mạng, như đàn kiến bị một gáo nước dội vào. Đó chỉ là thở nhẹ! Những người “vô tư” cho là hiện tượng thời tiết ngẫu nhiên nhưng kỳ thực đã được cảnh báo từ trước. Đại lụt Hồng Thủy được nghe nhiều trong quá khứ … hữu ý hay không quyền lực thiên nhiên? Một điều đáng ngạc nhiên là các thú vật hoang dã đều biết trước và tìm nơi trú ẩn (thú vật nuôi bị nhốt lại không kể) nên không hề bị thiệt hại. Chả nhẽ Đấng Tối cao “ưu đãi” thú vật hơn loài người? Hay … loài người không thèm… quan tâm lời Ngài …cảnh báo.
Còn đối diện với gã gọi là Tử thần này, đã hiểu, đã biết nên nhiều cơ quan từ thiện, bác ái, tôn giáo đã có để đưa con người đến Chân lý Thiện Mỹ. Đường nào cũng đến La Mã nhưng đường nào dễ nhất, đúng nhất, gần nhất, nhanh nhất… trong khả năng yếu đuối, nhỏ bé, hạn hẹp của con người.
Việc tìm hiểu đường nào ngắn, dài, dễ, khó, không quá phức tạp như ta nghĩ, hay chỉ vì “khó ưa” cái gã này nên không dám quan tâm đến hắn, hoặc trước mắt chẳng “lợi lộc” gì cả, hoặc có cái nhìn phiến diện nghĩ đến hắn “khó làm ăn”, đến nỗi ai nhắc đến hắn trước mặt xem như phạm vào điều “cấm kỵ” “xui xẻo”, có thể bị xua đuổi, chửi mắng và xem họ như người bịnh hoạn, tâm thần. Điều khó nhất là có chịu đưa lên bàn cân để mổ xẻ, so sánh hay không? Để cùng dìu nhau tới đích.
Dĩ nhiên là ai cũng cho là đường mình đúng, gần nhất… Nhưng hãy “mở rộng tầm nhìn” dù sao thì tri thức có thêm cũng không ... dư. So sánh, tìm hiểu một cách “nô dzích”. Vì tất cả đều được chứng minh như các công thức toán học, như các kết quả nghiên cứu khoa học được đem ra “trình làng” Vì sự thực phải hiển nhiên, rõ ràng như 2 cộng 2 là 4 thì mới được công nhận. Khởi hành phải có đích đến, đến được hay chưa thì phải có tin tức, kết quả, “nói có sách, mách có chứng”. Còn thì cứ tiếp nối cha ông, ông bà sao mình dzậy! không quan tâm so sánh, tìm hiểu hơn thiệt , con đường nào quanh co, khấp khuỷu, con đường nào ngắn thẳng có thể đưa mình đến chỗ mình cần đến, hay chỉ thực hành theo thói quen kết quả thế nào không cần biết thì thực là … tiếc thay! Thí dụ rất đơn giản: Một số người từ Sài gòn trên đường về Cần thơ hay có thể nói là số người ngày đã tới ngày, giờ gặp hắn mà người ta gọi là an nghỉ, về cõi vĩnh hằng, hay là an giấc ngàn thu. Sài gòn là dương gian Cần thơ là cõi đời đời hoặc thiên đàng hoặc âm phủ gì gì đó. Có 2 phương tiện: nhóm thứ Nhất đi đò, nhóm thứ Hai đi xe. Người nhà của nhóm thứ Nhất hoàn toàn không biết tin tức họ hiện đến đâu, ở đâu, vì không có phản hồi, trước đó cũng có nhiều người dùng phương tiện này kết quả cũng như vậy. Người nhà của nhóm thứ Hai được biết kết quả của một số thành viên đến đâu, ở đâu, một đôi khi họ còn cho biết họ cần gì!. Như vậy là có phản hồi.
Nghe có vẻ phi lý khó có thể chấp nhận được nhưng nó lại là sự thực, vì như đã nói ở trên “nói có sách, mách có chứng” . Siêu nhiên và tự nhiên lẫn lộn với nhau không phải là không có. Đến nỗi có nơi chuyện này là chuyện bình thường mang tầm cỡ “quốc gia” cả “nước” đều phải công nhận. Phải chăng “Đấng Tối cao” muốn kêu gọi loài người điều gì đó nên cho những “điềm lạ, dấu lạ”. Những điềm lạ, dấu lạ thì rất nhiều nhưng làm sao để phân biệt những điềm nào do “Ngài” gửi đến.
Đâu là Ánh sáng? đâu là Bóng tối? Chỉ cần có quan tâm là phân biệt được ngay giống như trước những viên kim cương Thiên nhiên và Nhân tạo. Kim cương “thật” chiếu muôn tia sáng rực rỡ đủ màu đỏ, xanh, vàng, lam… lấp lánh… Kim cương tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu, son sắt, thủy chung…như tình nàng Tô Thị kiên trinh bế con chờ chồng, mặc cho mưa nắng phũ phàng chờ đến hóa đá, yêu hoài ngàn năm… như mối tình của Trương Chi, chàng lái đò với Mỵ Nương… mối tình bất diệt… mang xuống tuyền đài chưa tan. Những tia sáng yết ớt, mong manh, giả tạo… của kim cương nhân tạo làm sao có thể bì được khi kề bên “Vua “ các loại đá quí, kiệt tác của thiên nhiên, kết tinh sau cả ngàn năm trong khi “đàng kia” chỉ làm trong một “loáng”, giá trị như hoa sớm nở tối tàn. Chính bản thân kim cương thật đã tự xác định giá trị bản thân thêm vào có gốc gác, tiểu sử, tên tuổi, quá trình sử dụng mà nhiều người đã công nhận và kiểm chứng. Còn “giả” thì… không có tất cả… Người làm ra gán cho tất cả, với những cái tên mỹ miều, sử dụng không kết quả, nhiều khi thay vì “có” lại “mất” “lợi” lại “hại” “lên cao” lại xuống “vực thẳm”
Động tác “chọn” rất đơn giản nhưng giá trị lại rất lớn, không ngôn ngữ có thể diễn đạt được. Dựa vào đâu mà nói những lời này, cũng lại phải có căn cứ, xin cứ theo dõi tiếp. Đừng theo người “nhắm mắt đưa chân” rồi cũng “đưa chân nhắm mắt bắt chước giống người”.
Trốn chạy “che mắt bịt tai” không nghe không nhìn đến gã không mời mà cứ đến không hẹn mà cứ gặp tử thần này tưởng trốn chạy là “thoát” được hắn, trái lại nhiều khi “dễ dàng” gặp hắn hơn, điều dễ hiểu, đi trên một con đường đầy hầm hố, vực thẳm gai chông, nhắm mắt đi thì đương nhiên lủi vào những chỗ không nên vào có thấy đâu mà né!… Bởi thế mới có những tai ương thảm cảnh, có chuyện nhà này có phước, nhà kia vô phước. Không ít những trường hợp sự nghiệp đang lẫy lừng, công danh đang thăng tiến nhưng chỉ một chớp mắt đi đứt tất cả, không mang theo được gì, tài sản, tình yêu, sự nghiệp, cuộc sống này vô phước, cuộc sống sau cũng dzậy, chỉ vì … nhắm mắt làm lơ .
Luôn luôn những nỗi bất an giày xéo tâm tư, trước là sinh, lão, bịnh, tử, tiếp là sao cho biết đủ mọi “mùi” “ngọt ngào” của cuộc sống kẻo mỗi ngày mỗi qua như con thoi, mái tóc từ từ “có màu”, làn da từ từ “có vết”, không dám phí phạm một giây nào “thì giờ là vàng bạc”, tranh thủ thực hiện những “dự án” . Thời hạn để có cái nhà, cái xe, có cái nhà rồi thêm cái nữa, cái nữa… có cái xe rồi thêm cái nữa, cái nữa… có bà vợ rồi, thêm bà nữa, bà nữa … cứ thêm mãi mãi… không bao giờ đủ, khiến ăn không ngon, ngủ không yên, ngày đêm bứt rứt, muốn đủ mọi điều nhưng sức người có hạn, thời gian cũng có hạn như cơn khát khô cổ càng uống càng khát, như rơi vào bãi cát lún, như cá mắc vào lưới càng vùng vẫy càng lún, càng bị siết chặt…
Rất nhiều cánh cửa được mở để mời gọi để giúp đỡ mình đến với bến bờ hạnh phúc nhưng vì quá bận rộn , lo toan cuộc sống hằng ngày , l ngày chỉ có 24 giờ , đời người chỉ có ba vạn sáu ngàn ngày nên không đủ để ôm đồm nhiều việc. Nhỏ thì học hành ăn uống ngủ nghỉ… lớn thì làm việc kiếm sống ngày 8 tiếng có khi 10, l2 tiếng, còn lại thì nghỉ ngơi bồi dưỡng việc cá nhân, việc gia đình… trăm ngàn việc.
Có một việc mình quên không tự hỏi: Tại sao lại có mình hiện diện trên đời này, mục đích gì? Do đâu, vì đâu? Tại sao lúc nào ta cũng cảm thấy có một cặp mắt nghiêm nghị chiếu rọi thấu suốt cả ý nghĩ tâm hồn ta dù là chân tơ kẽ tóc? Tại sao khi làm được một việc tốt, việc thiện, ta cảm thấy vui vẻ, bình an? Trái lại, khi làm một điều gì xấu xa, tội lỗi, ta cảm thấy bất an, áy náy, lo lắng, buồn rầu dù việc này không vi phạm pháp luật. Phải chăng đó là tiếng gọi của lương tâm, là tiếng gọi của cha, Đấng đã tạo nên ta. Đêm ngày lúc nào ta cũng nghe tiếng gọi đó. Có khi ta “vờ” không nghe thấy… những tiếng gọi đó vẫn khẩn thiết, van nài… Có khi tiếng gọi này dằn vặt làm ta mất ăn mất ngủ cho đến khi sửa chữa lỗi lầm mới được yên. Phải chăng lúc nào Ngài cũng ở bên cạnh ta, trong ta, săn sóc ta, chỉ dẫn đường đi, nước bước cho ta… nhưng ta không thèm quan tâm nên không biết, không hay sự hiện diện của Ngài.
Tại sao có không khí cho mình thở, nước sông, nước biển, cá, tôm, heo, gà…cho mình ăn, mình uống… tại sao có ánh sáng mặt trời sưởi ấm cho mình? bốn mùa vận chuyển điều hòa… Nếu thiếu một trong những tiện nghi ấy, như nước, không khí, mặt trời… liệu mình có tồn tại không? Một cử chỉ nhỏ nhặt khi tha nhân làm cho mình như trao ly nước, nhường bước đi… mình nói lời cám ơn . Còn những việc lớn như dzậy! mình có khi nào nghĩ đến không? biết ơn không? mình hiện diện trên cõi đời này chỉ để hưởng thụ cuộc sống cho riêng mình thôi sao?
Khi tạo ra con cái mình mong muốn điều gì ở con? mong con trở thành một người tốt? có ích cho xã hội, hiếu thảo với cha mẹ mong con đáp trả lại tình yêu gắn bó với cha mẹ, gia đình hạnh phúc. Nếu con cái không cần biết đến cha mẹ là ai, không biết đến sự hy sinh, lòng thương yêu của mình cho nó cao cả đến mức nào, vẫn từng giờ, từng phút chờ đợi sự trở về của con trong khi nó vẫn thản nhiên vô cảm, hằng ngày thừa hưởng của cải của cha mẹ, không cần tìm hiểu, thăm hỏi, chăm sóc đến cha me, người từ đó mà nó được sinh ra, chỉ lo o bản thân mình thì cha mẹ đau buồn biết mấy! Hơn nữa lại làm những điều bê tha phóng đãng phá phách của cải của cha mẹ.
Dù con cái hư hỏng đến đâu , cha mẹ vẫn hướng về con với lòng khoan dung vô bờ, chờ đợi sự trở về của con. Tài sản mà nó đang lãng phí có khi là rất nhỏ chỉ là “một cái chấm so với đường dài’ mà cha mẹ đang dành sẵn cho nó nếu nó biết sử dụng của cải thử thách trước mặt. Hướng về con với tấm lòng tan nát khi con bước vào con đường tự hủy diệt. Sẵn sàng hy sinh mạng sống vì con. Súc vật là loài hạ đẳng mà tình yêu đối với con cũng vô cùng cao cả. Không hiếm những trường hợp xả thân cứu con trước nanh vuốt của thú dữ đã phải bỏ mạng. Hai mẹ con heo rừng bị sư tử săn đuổi, heo con bị bắt , heo mẹ từ đằng xa quay trở lại với con, chẳng làm được gì cả, chỉ nộp mạng cùng chết với con. Một chú nghé con bị chủ “làm thịt” trước mặt mẹ, mẹ chú đã lăn đùng ra “sùi bọt mép” dẫy dụa, ngất xỉu vì quá đau đớn. Trước khi rắn con được nở ra, rắn mẹ phải lo “biến” đi kẻo thèm qúa “xơi” mất con mình. Con tim của thú vật còn như vậy vì con mình, loài người thì còn nhiều nhiều hơn như thế nữa huống chi “cha chung loài người “trái tim” của Đấng Tối cao. Tất cả con tim của nhân loại họp lại chỉ như một giọt nước trong biển cả như một con ốc trong đại dương.
Tìm hiểu để làm nên điều kỳ diệu, biến cái tên ác ôn đáng ghét kia thành bạn bè thân thiết, biến đại hung thành đại cát, biến cay đắng nặng nề ra ngọt ngào êm ái dịu dàng, vô thức thành ý thức, biến lộn xộn thành ngăn nắp, thứ tự, biến rối rắm thành suông sẻ, bão táp phong ba thành êm đềm phẳng lặng
Tìm hiểu để cuộc sống sau là Thiên đàng là Niết bàn, cuộc sống hiện tại cũng là Thiên đàng là Niết bàn để quẳng đi những lo âu, nhọc nhằn, đau khổ của bịnh hoạn, tai ương, chết chóc bỏ đi cái câu “đời là bể khổ”. Đối diện để “yêu” cái nên yêu, “ghét” cái nên ghét, chứ không ngược lai.
Tìm hiểu để được hạnh phúc vui vẻ, bình an. Đạt được những niềm hạnh phúc lớn lao “Vượt quá sự hiểu biết” mà ai ai cũng được thừa thưởng khi ĐƯỢC sinh ra là một con người. Oi! Nếu hiểu được tài sản mình sẽ được thừa hưởng là gì? Là thế nào? Mình đang có những gì? Thì thật là đại đại trăm trăm ngàn ngàn chữ… đại phúc. Còn nếu không thì … ngược lại
Loài người là sinh vật thượng đẳng Thượng đế trao ban cho bộ não “tuyệt vời” nếu không sử dụng đúng công suất thì quả là lãng phí biết mấy!
oOo
Ai cũng biết Thói quen ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của một con người. Một thói quen xấu sẽ làm cho người ấy trở nên xấu, tốt trở nên tốt. Thói quen xấu như: hút thuốc, uống rượu. Tốt : ngủ dậy sớm tập thể dục. Câu chuyện Thói Quen tiếp theo sẽ là một ví dụ.
Ngày 18 tháng 11 năm 2010
M. Đinh Thị Thoa
ĐT: 3.935.1130 – 0937.346.004