Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Hẹn Mùa Hoa Cúc

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 334 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hẹn Mùa Hoa Cúc
Ueda Akinari

Nguyên Tác : Kikka no Chigiri

 Tác Giả : Ueda Akinari (1734-1809)

Lời Người Dịch :

Nguyên tác Kikka no Chigiri ( lời ước hẹn gặp lại nhau giữa mùa hoa cúc) của Ueda Akinari (Thượng Điền Thu Thành) đã in trong Ugetsu Monogatari (Vũ Nguyệt Vật Ngữ) hay Truyện Đêm Mưa Trăng Lu. Theo lời tựa, tập truyện được viết xong vào một đêm tháng ba trời mưa trăng lu năm Minh Hòa thứ 5 (1768), lúc tác giả 34 tuổi. Bản đầu tiên in năm An Vĩnh thứ 5 (1776). Người dịch dùng bản được Asano Sampei hiệu chú và nhà xuất bản Shinchô phát hành năm 1979.

Sinh năm 1734 trong một xóm yên hoa ở Osaka (1) , Ueda là đứa con vô thừa nhận của một cô gái làng chơi. Lên bốn, mẹ bỏ không nuôi, được một thương gia giàu có và tốt bụng nhưng không con trai, đem về cho ăn học. Ông bị lên đậu ngặt nghèo, tuy thoát chết nhưng liệt hết mấy ngón tay (nên một trong những bút hiệu của ông là Zenshi Kijin (2) nghĩa là Quái Nhân Cụt Ngón). Sau khi sống một quãng đời thanh niên đồi trụy, ông sớm thức tỉnh trở lại nối nghiệp cha nuôi buôn dầu và buôn giấy nhưng không mấy chí thú vì vẫn mang giòng máu nghệ sĩ. Năm 1771, sau trận hỏa tai làm tiêu tan sản nghiệp, ông chuyển sang nghề đông y và viết văn. Cuối đời (1793), về sống ở Kyoto và mất năm 1809, trong nghèo túng, vợ chết, không con cái và hầu như mù.

Tên tuổi Ueda Akinari gắn liền với văn xuôi Nhật Bản cận đại. Ảnh hưởng của ông rất sâu đậm đối với Kyokutei Bakin (1767-1848), tiểu thuyết gia số một thời Edo và những thế hệ đi sau (3). Phần ông thì chịu ảnh hưởng của các tiểu thuyết gia đời Minh như La Quán Trung (4), Phùng Mộng Long (5) ... Riêng Hẹn Mùa Hoa Cúc đã mượn đề tài truyện " Phạm Cự Khanh Kê Thực Sinh Tử Giao " (6) sưu tập trong tiểu thuyết bạch thoại Trung Quốc của họ Phùng, Cổ Kim Tiểu Thuyết, quyển thứ 16. Akinari thích viết truyện quái đản vì nó là loại văn phổ biến nhất trong quần chúng đương thời nhưng có thể một phần do bản chất thần bí của chính ông. Suốt đời, ông hay viếng đền thần chồn Inari vì tin thần đã cứu mạng lúc mình lâm bạo bệnh.

Giáo sư René Sieffert đã dịch truyện nầy sang Pháp văn (xem Le Rendez-vous aux Chrysanthèmes trong Contes de pluie et de lune, Unesco, Folio, Paris, 1956). Xin để ý lời văn trong truyện nầy tuy có dụng công nhưng chung qui rất thô phác, cổ kính, ngay khi đã được chuyển ra kim văn. Niên hiệu An Vĩnh (An-ei, 1772-1781) bên Nhật, lúc tác phẩm ra đời, tương đương với thời Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc phù Lê diệt Trịnh ở nước ta.

***
Liễu mùa xuân xanh mơn mởn nhưng xin đừng trồng liễu trong vườn nhà. Cũng như chớ kết giao với hạng người khinh bạc. Dương liễu xum xuê đấy nhưng không chịu nổi trận gió đầu thu, khác nào người khinh bạc dễ nhạt mối giao tình. Liễu kia còn thắm lại lúc xuân về chứ người khinh bạc một đi không hề trở lại.

Ở trạm Kako xứ Harima có người hàn sĩ học rộng tên gọi Hasebe Samon. Cam cảnh thanh bần, chỉ làm bạn với sách vở, trong nhà không của cải phiền toái. Mẹ già đưa thoi không thua gì Mạnh mẫu (7), suốt ngày chẳng rời giường cửi, những mong giúp con đạt chí nguyện bình sinh. Cô em gái út đã về làm dâu họ Sayo cũng chỗ làng nước. Nhà Sayo của cải ức vạn nhưng vốn biết mẹ con Hasebe là hiền nên mới xin kết thông gia và rước cô ta về. Đôi lúc họ mượn cớ nầy việc nọ để đem đồ biếu xén nhưng mẹ con cho rằng " chớ vì miếng ăn mà phải lụy người " nên vẫn thoái thác.

Một hôm, Hasebe Samon đến thăm người bạn tên Mỗ cùng thôn, trong lúc hai bên đang cao hứng bàn chuyện xưa nay bỗng nghe cách vách có tiếng rên rỉ bi ai. Samon bèn hỏi thăm. Chủ nhà trả lời : " Người nầy xem ra gốc gác ở miền Tây, nhân không bắt kịp bạn đồng hành để lỡ độ đường, mới xin tôi cho tá túc qua đêm. Tôi thấy ông ta tướng mạo đường đường như con nhà vũ sĩ nên nhận lời. Chẳng ngờ từ đêm hôm đó bị lên sốt nặng, nằm li bì, đáng thương lắm. Đã ba bốn bữa rồi cứ như thế, tôi lại chẳng biết nhà cửa quê quán ông ta, nghĩ mình thật vụng tính. Bây giờ có hơi hối " . Samon nghe qua mới bảo : " Thế thì tội nghiệp quá. Bác có lo lắng cũng đúng. Mang bệnh vào thân giữa đồng đất nước người không ai quen biết thì cơ khổ. Thôi để tôi khám xem sao " . Nói xong, đã thấy chủ nhà lên tiếng : " Tôi nghe bệnh dịch hay lây, trẻ con trong nhà còn không cho bước vào phòng đó. Đừng mang họa vào thân " . Samon mới cười : " Sống chết tại trời, ai truyền bệnh được. Thiên hạ không biết cứ nghe, mình tin theo làm gì! " . Rồi đẩy cửa đi vào. Samon thấy người khách đang nằm, đúng như nhà chủ nói, có phong thái khác phàm nhưng đang nhuốm bệnh nặng nên mặt mày vàng võ, người gầy đen, co quắp dưới một mảnh chăn cũ. Người ấy nhìn Samon với vẻ mừng rỡ, miệng nói " Làm ơn cho xin miếng nước nóng " . Samon ngồi sát con bệnh và bảo " Xin tôn ông chớ lo, thế nào tôi cũng chữa cho khỏi " . Thật bỏ rơi cũng chẳng nỡ, mới xin phép nhà chủ khám bệnh xong, tự mình cho toa, bốc, sắc thuốc, lại đút cháo, lo lắng trông nom đủ điều chẳng khác ruột thịt. Người vũ sĩ thấy Samon tận tụy, cảm động ứa nước mắt thưa : " Ông đối xử tốt như thế đến cả kẻ trôi dạt nầy sao ? Tôi có chết cũng chẳng báo đáp nổi tình thâm " . Samon mới can : " Tôn ông thốt chi những lời bi quan thái quá. Phàm bệnh dịch tất phải chịu đựng ít hôm. Tai qua nạn khỏi còn sống dai nữa đấy. Tôi sẽ qua đây trông nom ông mỗi ngày " . Đúng như lời hứa chân tình, Samon săn sóc thật tận tâm nên dần dần, người vũ sĩ cảm thấy bệnh thuyên giảm, thân thể nhẹ nhõm hẳn, nồng nhiệt tỏ lòng cảm tạ. Vì kính mến công ơn, người ấy mới hỏi thăm gia cảnh Samon và thuật cho nghe gốc gác của mình: " Tôi tên Akana Sôemon, sinh trưởng ở vùng Matsue xứ Izumo, vốn thông hiểu chút binh pháp nên được ngài Enya Kamon-no-suke, quan trấn thủ thành Tomita, tôn làm thầy. Nhân có việc cơ mật, ngài Enya mới gửi tôi đi gặp Sasaki Ujitsuna ở Ômi. Lúc đang ở công quán dưới đó chợt nghe tin chức trấn thủ cũ là Amako Tsunehisa kéo bọn Yamanaka về hùa, nhằm đêm giao thừa bất ngờ leo vào chiếm thành, giết hại chủ tôi. Nguyên lai, vùng Izumo vẫn là đất phong của họ Sasaki, còn ngài Enya phụ tá việc cai trị. Tôi mới khuyên Sasaki Ujitsuna " Xin hãy giúp bọn Mizawa và Mitoya tiễu trừ bè đảng Amako Tsunehisa hộ " . Khổ nỗi Ujitsuna bề ngoài xem ra dũng mãnh, bên trong chỉ là kẻ khiếp nhược ngu tối. Tôi bắt buộc nán lại Ômi. Thấy mình ở đó lâu cũng chẳng được việc, tôi mới lẻn trốn về xứ, ai ngờ giữa đường lâm trọng bệnh, để nhọc lòng ông, thật thân này may có phước phần. Trong nửa đời còn lại, nhất định có ngày báo đáp " . Samon gạt đi : "Tôi giúp tôn ông là vì tình người, thấy kẻ hoạn nạn làm ngơ không đành, đâu thể nào nhận lời cảm ơn quá nồng hậu của ông. Ông cứ nán lại nghỉ ngơi cho khoẻ đã " . Câu nói chí tình như thêm sức nên lần hồi con bệnh hoàn toàn bình phục.

Samon có cảm tưởng mình đã tìm ra người tri kỷ. Những lúc ngày đêm trò chuyện, nhân bàn đến kinh điển bách gia chư tử, cách đặt vấn đề cũng như lối giải đáp của Akana chứng tỏ ông ta không hề thiếu kiến thức. Đặc biệt khách lại giỏi binh thư, mỗi lần bàn bạc, hai bên đều tâm đầu ý hợp, rất ư vui thoả nên cuối cùng, họ ước với nhau kết nghĩa anh em. Akana lớn hơn năm tuổi, nhận lễ làm anh, xong hướng về Samon nói : " Cha mẹ ngu huynh mất đã lâu, mẹ già của em tức là mẹ anh. Vậy anh xin phép đến vái chào để mẹ nhận tấm lòng thành của anh xin được làm con " . Samon khôn xiết vui mừng đáp : " Mẹ hằng tội nghiệp em một thân một mình. Nếu được như huynh trưởng nói, chắc mẹ vui mà tăng tuổi thọ " . Họ đưa nhau về nhà, bà mẹ mừng rỡ tiếp đón : " Thằng con của mẹ bất tài, lại bỏ công đi học những chuyện chẳng hợp thời, đường mây lỡ bước. Chỉ xin anh chớ ghét bỏ mà dạy dỗ nó hộ ta " . Akana vui mừng cúi lạy : " Đại trượng phu xem trọng nghĩa khí, chứ coi công danh phú quí có ra chi. Nay tôi được mẹ yêu, em kính, không dám trông mong gì hơn " , rồi ở trọ lại nhà đó ít lâu.

Hoa trên non mới nở hôm nào nay đã bay tả tơi, gió hây hẩy lăn tăn ngọn sóng, không nói cũng biết trời đã vào hè. Akana mới thưa với hai mẹ con : " Tôi trốn khỏi Ômi cũng vì có chủ đích về Izumo thăm dò động tĩnh. Tôi sẽ xuống đó ít lâu nhưng cố gắng chóng quay lại đây và dù rau cháo qua ngày cũng cố gắng báo đáp ân tình. Vậy xin từ biệt " . Samon mới hỏi: " Thế huynh trưởng đã định ngày nào trở lại đây chưa ? " . Akana bảo : " Ngày tháng như tên bắn, chắc nội mùa thu này thôi, em ạ " . Samon lại hỏi : " Có thể nào hứa trước với em ngày anh về được không ? " . Akana nói : " Anh định về giữa tiết trùng dương, có được không ? " Samon thưa : " Huynh trưởng đừng sai hẹn nhé. Em sẽ ngâm sẳn một cành hoa cúc trong vò rượu nhạt để đợi anh " . Sau khi đã thành thực ước hẹn với nhau như thế, Akana mới sang miền Tây.

Bóng câu thấm thoát, những nhánh thù du dưới thấp đã sẫm mầu, chen với cúc dại huy hoàng vàng lưng dậu, tháng chín đến rồi. Ngày mồng chín, Samon dậy sớm hơn thường nhật, quét chiếu nhà cỏ cho sạch, chưng trong lọ con hai ba nhành cúc vàng cúc trắng, vét cạn hầu bao bày cơm rượu.

Bà mẹ bảo : " Mẹ nghe Yakumo ở tận cùng xứ San-in bên kia núi cách đây đến cả trăm dặm đường, anh con làm sao về cho kịp. Vậy chờ khi nào anh ấy đến nơi hãy sửa soạn! " . Samon thưa : " Anh con là người trọng chữ tín, thế nào cũng giữ lời hứa. Nếu đợi anh ấy về mới hấp tấp bày tiệc thì thật đáng thẹn " . Bèn mua rượu ngon, nấu cá tươi để sẵn trong bếp.

Ngày hôm đó trời quang đãng, nhìn ngút mắt không lấy một gợn mây. Bọn lữ khách gối đất màn sương nhập bọn trên đường kháo với nhau " Ai thượng kinh hôm nay nhằm ngày tốt đấy. Trời quang mây tạnh là điềm buôn bán có lời " . Một người vũ sĩ xấp xỉ năm mươi nói với một anh trai trẻ khoảng hai mươi ăn mặc cùng một kiểu : " Trời đẹp thế nầy, nếu từ Akashi mướn được thuyền mà rong buồm đi sớm thì chiều chắc kịp qua đêm ở cửa Ushimado. Chỉ vì bọn trẻ ngại sóng gió, mình đành chịu tốn kém. " . Anh kia vừa đi, vừa vuốt giận ông bạn : " Lúc lệnh bề trên nhà ta lên kinh, từ đảo Shôzujima qua bến Murozu, ngài cũng gần chết khiếp. Cứ theo lời bọn tùy tùng học lại, vùng biển này đáng sợ lắm đấy. Thôi đừng tức tối nữa. Để sang bến Uogahashi, tôi mời bác tô mì " . Một gã dắt ngựa đang phát cáu với con vật : " Cái con chết chương nầy, sao đi mà không chịu chong mắt ra cho ông nhờ! " , nói xong sắp ngay ngắn bọc hàng trên yên rồi ẩy ngựa bước tới. Quá ngọ vẫn chưa thấy bóng Akana. Rồi mặt trời ngả sang đoài, khách bộ hành ai nấy đều rảo bước tìm chỗ qua đêm. Mỗi Samon mắt vẫn đăm đăm nhìn về xa xôi, ruột gan nóng như nung.

Bà mẹ gọi Samon bảo : " Chỉ mong lòng người không thay đổi như trời thu chứ hoa cúc đâu chỉ thắm mỗi hôm nay. Như anh con giữ chữ tín quay về thì dù phải chờ đến khi mưa lạnh báo thu tàn, con cũng chẳng có gì để trách anh. Thôi vào nhà nghỉ đi, mai hẵng đợi " . Samon không dám trái ý, mới cùng lui vào trong, mời mẹ đi ngủ trước, rồi ra ngoài cửa nhìn lên, thấy bên sông Ngân là vầng trăng bạc soi mỗi bóng mình, lòng lại thêm buồn. Chỉ nghe tiếng sủa của con chó giữ nhà và tiếng sóng vỗ ngoài bến vọng tới. Đến khi trăng lặn bên sườn núi, đang nghĩ mình quên chưa đóng cổng, bất chợt nhìn lên thì thấy trong khoảng đêm đen có một bóng người lay động theo làn gió lại gần, nhìn mãi mới biết chính là Akana Sôemon.

Samon mừng rỡ nói như reo : " Tiểu đệ đợi từ sáng sớm đến giờ. Anh giữ lời ước về được thật không gì vui hơn. Mời anh vào trong cho! " . Nghe nói thế, Akana chỉ gật đầu mà không ừ hử. Samon đi trước dẫn đường, mời Akana ngồi vào chỗ dưới song cửa sổ phía nam, xong thưa : " Huynh trưởng chậm về, mẹ già không chờ được, e rằng anh mai mới đến nơi nên đã vào trong nghỉ rồi. Để em đánh thức mẹ nhé! " . Akana lắc đầu một lần nữa ngăn Samon lại nhưng vẫn chẳng nói chẳng rằng. Samon mới thưa : " Anh lặn lội đêm hôm, hẳn nhọc mệt vì đường sá. Vậy xin anh uống chén rượu mừng cho lại sức " . Bèn hâm rượu, bày biện mấy món đưa cay. Akana nâng tay áo lên che mặt, làm như ngán mùi tanh của thức ăn. " Cơm nầy do chính tay em tuốt lúa giã gạo. Tuy chẳng có gì nhưng là chút lòng thành. Xơi một miếng cho em vui " . Akana vẫn không trả lời, chỉ thở dài buồn bã, mãi lâu mới lên tiếng : " Hiền đệ tiếp đón ân cần, anh từ chối sao đang. Tuy thế, anh không thể lừa dối em. Cho anh thưa thật và tuyệt đối đừng ngạc nhiên. Anh không còn là người trên dương thế nữa mà chỉ là một cô hồn vất vưởng hiện ra trong thân xác vay mượn nầy thôi. "

Samon hoảng kinh. " Huynh trưởng nói chuyện gì lạ lùng thế nhỉ. Em không thể tin được. " Akana mới bảo : " Khi anh từ biệt hiền đệ về đến quê nhà rồi, thấy người nước sợ oai lũ giặc Tsunehisa, đều quên ơn ngài Enya mà ngả theo chúng, Anh liền đến thăm Akana Tanji, người anh em họ trong thành Tomita. Hắn ta giải bày điều lợi hại và đưa anh đến gặp Tsunehisa. Anh bèn nhân cơ hội ấy dò xét quân tình. Quan sát thật kỹ mới biết tên Tsunehisa sức địch muôn người, lại khéo rèn luyện sĩ tốt. Tuy nhiên, về mặt mưu trí thì vì tâm địa đa nghi như chồn cáo nên hắn không có một ai gọi là gan ruột nanh vuốt. Ở lâu không tiện, anh mượn cớ ước hẹn với hiền đệ phải về cho kịp tiết trùng dương để xin kiếu. Chẳng ngờ Tsunehisa đâm ra oán ghét và hạ lệnh Tanji giữ riệt anh tận đến bữa nay, không cho lọt khỏi vòng thành. Anh sợ sai hẹn thì hiền đệ chẳng còn coi anh là người tín nghĩa nữa. Hết sức khổ tâm mà không biết tính sao. Cổ nhân có câu : Con người không ai đi nổi nghìn dặm mỗi ngày nhưng hồn phách thì thừa sức. Nhớ lời dạy đầy đạo nghĩa ấy, anh tự đâm cổ chết để đêm nay hồn nương theo luồng gió lạnh cõi âm về cho kịp lời ước hẹn gặp nhau giữa mùa hoa cúc. Hiền đệ đã thấu lòng anh chưa? " . Nói xong nước mắt ràn rụa : " Từ đây, chúng mình sẽ mãi mãi chia tay. Mong em thay anh chăm sóc mẹ già " . Mới thấy vừa đứng dậy khỏi chiếu tiệc, thoắt đã biến mất.

Samon lật đật chận lại thì ngón âm phong đã che mắt tối sầm, không nhận ra phương hướng nữa. Anh ta trượt chân bổ sấp, rồi cứ thế mà khóc lớn. Bà mẹ choàng tỉnh, đứng dậy nhìn ra chỗ con ngã thì thấy anh ta đang nằm giữa đống chén bát, bình rượu, đĩa cá, trên chiếu tiệc. Bà mới đến bên cạnh nâng dậy, hỏi " Gì thế hở con? " thì chỉ thấy Samon khóc vùi, nấc nghẹn chẳng thốt được câu nào. Bà mẹ bảo : " Nếu mày buồn khổ vì anh mày lỡ hẹn thì ngày mai, lúc nó đến hãy nói cho nó biết. Cứ khóc thế nầy có phải ngốc không nào! " . Trước lời quở trách nghiêm khắc, Samon vội phân trần : " Đêm hôm nay, huynh trưởng nhớ lời hẹn cúc hoa đã về đến nơi đấy chứ. Con đem rượu và thức nhắm ra mời, anh ấy hai ba bận từ chối và kể sự tình xảy ra như thế nào, vì không muốn bội ước nên đã tự đâm cổ để linh hồn vượt trăm dặm tìm về " . Nói xong, anh ấy biến mất. Chính vì vậy con đã làm kinh động giấc ngủ của mẹ. Cúi xin mẹ tha thứ! " . Thấy nước mắt con lã chã, bà mẹ mới bảo : " Người trong ngục tối mong được cởi gông. Kẻ đang khát chỉ ước có miếng nước mát mà nhấp. Chắc con đang mang tâm trạng ấy. Hãy lấy lại bình tĩnh đi! " . Nghe thế, Samon lắc đầu : " Không phải mộng mị gì đâu mẹ. Huynh trưởng con có về thật đấy! " . Nói xong lại khóc đến quị xuống. Lúc ấy bà mẹ mới hết nghi ngờ và cũng oà theo. Đêm hôm ấy cả hai mẹ con cùng khóc than không dứt.

Rạng ngày, Samon dập đầu thưa với mẹ : " Con từ thuở nhỏ theo đòi nghiên bút nhưng ở chốn làng nước chưa tỏ điều trung nghĩa, trong nhà không tròn đạo hiếu kính, sống cũng như thừa. Nay anh Akana đã hủy tính mạng để giữ lời hẹn ước thì đứa em như con cũng phải lên đường đi Izumo nhặt nắm xương tàn của anh cho tròn chữ tín. Cho phép con đi một thời gian và nhớ bảo trọng mình vàng " . Bà mẹ lại nói : " Con có đi cũng cố về sơm sớm kẻo mẹ già tựa cửa. Đừng để lần từ biệt hôm nay thành ra cuộc chia ly vĩnh viễn. " Samon mới thưa : " Kiếp người bèo bọt, giữa ban mai nào biết được buổi chiều, nhưng con đi xong việc sẽ chóng quay về " . Nói xong lau nước mắt ra cửa, tạt qua bên Sayo nhờ chăm sóc mẹ già chu đáo, xong phăng phăng xuống Izumo. Trên đường đói chẳng buồn ăn, rét quên choàng áo, giữa giấc mơ cũng gào khóc, chỉ có mười hôm đã đến bên chân thành Tomita.

Việc trước tiên là tìm tới ngay phủ đệ của Akana Tanji, xưng tên xin gặp. Tanji bước ra nghênh tiếp, ngạc nhiên hỏi gặn : " Nếu không có tin nhạn đưa thư thì làm sao ông biết chóng vánh như thế " . Samon trả lời : " Kẻ sĩ không luận bàn chuyện phú quí hay là tình huống thế nào mà chỉ lo giữ điều tín nghĩa. Nay huynh trưởng Sôemon trọng lời thề thốt, chẳng tiếc thân, hồn thu đường đất trăm dặm tìm về cho nên tôi mới ngày đêm không nghỉ mà tới nơi đây. Tôi chỉ xin đem chuyện sách vở để hỏi một điều, mong ngài giải đáp cho. Xưa khi Công Thúc Tọa (8) nước Ngụy nằm trên giường bệnh, vua Ngụy đến thăm, thân cầm tay hỏi : " Nhỡ mai khanh có mệnh hệ nào thì lấy ai làm người chống đở xã tắc " . Tọa mới tâu : " Thương Ưởng tuy tuổi trẻ nhưng là bậc kỳ tài. Vương nếu không dùng hắn thì hãy giết đi chứ đừng để hắn ra ngoài cõi. Nếu cho hắn đi nước khác, chắc chắn mai sau sẽ rước họa " . Thực bụng tâu như thế xong, Tọa mới ngầm kêu Thương Ưởng vào bảo nhỏ: " Ta đã tiến cử ngươi nhưng nhà vua có ý không dùng. Ta lại bảo đã không dùng ngươi thì phải giết. Đó là đạo trước lo cho vua sau mới lo tới bầy tôi. Vậy ngươi nên mau mau trốn qua nước khác kẻo bị hại " . Câu chuyện nói trên nếu đem so với tình cảnh giữa ngài và Sôemon, hỏi khác nhau thế nào? " Tanji chỉ biết cúi gầm, không có lấy một câu.

Samon mới xích người lại gần hơn : " Anh Sôemon của tôi không chịu khuất thân thờ Amako vì nghĩ tình cựu giao với ngài Enya. Còn ngài bỏ chủ cũ Enya đi hàng Amako là không làm tròn đạo nghĩa của người vũ sĩ. Anh Sôemon giữ lời hẹn cúc hoa mà xả thân, hồn đi trăm dặm tìm về, coi chữ tín nặng nhường nào. Còn ngài, để làm đẹp lòng Amako, đã hành hạ cả cốt nhục để người ấy phải sát thân, quả không xứng đáng là một chiến hữu. Tsunehisa dù có ngăn chận thế nào đi nữa, ngài há không vì chút tình cố cựu mà ngầm giúp như Công Thúc Tọa đã đối xử với Thương Ưởng được hay sao? Chỉ lo sự phú quí cho riêng mình đâu phải là nền nếp vũ gia, có chăng chỉ là cách sống của bọn Amako mà thôi. Không hiểu sao anh ta lại không biết thế mà còn đưa chân đến chốn nầy làm gì? Ta hôm nay có mặt ở đây cũng vì đặt lòng trung nghĩa lên trên mọi sự. Còn mi, mi sẽ chuốc lấy cái tiếng bất nghĩa thối tha. " . Nói chưa hết lời đã tuốt kiếm chém Tanji (9) một nhát chết lăn tại chỗ. Thừa lúc bọn cận vệ còn đang nháo nhác bèn trốn đi không để lại dấu vết. Amako Tsunehisa nghe việc đó, thầm phục lòng trung tín của hai anh em, không hạ lệnh đuổi bắt Samon.

Ôi, chính vì thế mà ở đời, không nên kết giao với hạng người khinh bạc.

Dịch xong ngày 21 tháng 10 năm 2003
Nguyễn Nam Trân

Chú thích

(1) - Xóm Sonezaki, nơi Ueda Akinari chào đời là bối cảnh nhiều tiểu thuyết của Ibara Saikaku (1642-1693) và tuồng hát của Chikamatsu Monzaemon (1653-1724), hai nhân vật kiệt xuất của văn học Nhật Bản tiền cận đại và bậc thầy của Akinari.
(2) - Ngoài biệt hiệu nầy, ông còn đặt nhiều bút hiệu có tính chất tự trào như Wayaku Tarô (người dịch ra văn Nhật), Muchô Kọji (người ngang như cua) hoặc Shiki Kọjin (kẻ học đòi khoác lác).
(3) - Tiêu biểu có Kôda Rôhan và Higuchi Ichiyô, hai nhà văn tên tuổi thời Meiji, Akutagawa Ryunosuke và Satô Haruo thời Taishô, ngoài ra còn kể đến Izumi Kyôka, Hayashi Fumiko, Okamoto Kanoko, Ishikawa Jun vv
(4) - La Quán Trung tên thật là La Bản (?-?), sống vào thế kỷ 14, cuối Nguyên đầu Minh, tác giả các tiểu thuyết bạch thoại như Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, Tùy Đường Lưỡng Triều Sử Truyện, Đường Ngũ Đại Sử Diễn Nghĩa, Bắc Tống Tam Toại Bình Yêu Truyện., Thủy Hử Truyện. Nhiều thuyết cho rằng Thủy Hử là tác phẩm của Thi An (tự Nại Am), người được xem như thầy của họ La.
(5) - Phùng Mộng Long (1574-1646), sinh năm Vạn Lịch đời Minh và mất năm Thuận Trị đời Thanh, tác giả các tập đoản thiên tiểu thuyết bạch thoại Cổ Kim Tiểu Thuyết, Tình Sử Loại Lược, Cổ Kim Tiếu, Tỉnh Thế Hằng Ngôn, Dụ Thế Minh Ngôn, Cảnh Thế Thông Ngôn.
(6) - Truyện chàng Phạm Cự Khanh từ cõi chết về dự bửa cơm thịt gà với người sống
(7) - Mạnh mẫu, mẹ thầy Mạnh Kha, từng chặt đứt khung cửi (đoạn cơ) và dọn nhà ba lần để cảnh tỉnh con (tam thiên chi giáo).
(8) - Xem truyện Thương Ưởng trong Sử Ký Tư Mã Thiên.
(9) - René Sieffert cho rằng chữ trung Nhật Bản cũng có giới hạn vì người đáng bị chém phải là Amako Tsunehisa chứ không phải Tanji, một kẻ chấp hành.


 



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 533

Return to top