Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Triết Học, Kinh Tế >> Chế Ðộ Phát Xít

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 9152 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chế Ðộ Phát Xít
Jeliu Jeliev

Phần I(a)

I- Thiết lập cơ chế một đảng quyền
Thiết lập cơ chế một đảng quyền bằng cách dùng bạo lực hủy diệt mọi đảng phái chính trị khác là bước đầu tiên của bọn quốc xã, nhằm xây dựng nhà nước độc tài. Quy luật này cũng đã được thực hiện ở Italia từ năm 1925-1926, và ở Tây Ban Nha năm 1939, nó đuọc xem là dấu hiệu thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa phát xít.
Trong các tài liệu nghiên cứu, thường bỏ qua nguyên tắc cơ bản này của mọi nhà nước phát xít và do đó đã làm giảm mất một nửa sự thật của vấn đề. Người ta chấp nhận rằng sau khi nắm được chính quyền, chủ nghĩa phát xít hủy diệt tất cả mọi đảng phái và tổ chức chính trị, vô sản cũng như tư sản, và thiết lập sự thống soái toàn diện của đảng mình. Ðiều này có thể minh chứng không chỉ bằng những thực tiễn lịch sử, mà còn bằng những tài liệu và những tác phẩm công khai cuả các lãnh tụ phát xít.
Nhận thức sai lầm này xuất phát từ quan niệm là chế độ phát xít, một khi được xem là chuyên chính của giai cấp tư sản đế quốc, không thể hủy diệt những đảng phái tư sản, hoặc giả sử tính logic này không được đảm bảo và chủ nghĩa phát xít tiêu diệt các đảng phái tư sản ở một mặt nào đó thì đây chỉ là ngẫu nhiên và có thể bỏ qua. Nhưng sự ngẫu nhiên này xuất hiện ở tất cả các nước phát xít điển hình (Ðức, Italia, Tây Ban
Nha), và như một xu thế hiện thực, nó tồn tại ở cả những nước cận phát xít hay những nước phát xít phục hồi. Hơn thế nữa, chỉ có những nước thiết lập được cơ chế một đảng quyền mới có thể xây dựng thành công nhà nước phát xít toàn thiện!
Thậm chí để thiết lập cơ chế một đảng quyền của chế độ phát xít, không phải ở đâu cũng bắt đầu bằng việc hủy diệt những đảng phái cộng sản và vô sản. Thí dụ ở Italia, chủ nghĩa phát xít đầu tiên tấn công Ðảng Nhân Dân- đảng của giai cấp tiểu tư sản và tư sản trung bình. P. Toliate giải thích điều này như sau: "Trước hết đảng phát xít tấn công những đảng phái có cùng cơ sở quần chúng với nó. Ðảng Nhân Dân vì thế mà bị tấn công trước Ðảng Cộng Sản Italia... Ðảng Nhân Dân có cùng cơ sở quần chúng với Ðảng Phát Xít Italia - nó bao gồm những tầng lớp tiểu tư sản, tư sản trung bình và tầng lớp điền chủ, nghĩa là những tầng lớp mà Ðảng Phát Xít cũng muốn thống nhất trong đội ngũ của mình để trở thành một đảng quần chúng".
Ở Ðức, sự việc diễn ra theo một tiến trình khác. Thiết lập cơ chế một đảng quyền ở đây bắt đầu bằng việc hủy diệt Ðảng Cộng Sản Ðức vì những nguyên nhân tương tự . Ðây là đảng mạnh nhất, có thể dễ dàng tổ chức những cuộc đấu tranh. Nhưng sau khi đã tiêu diệt được kẻ thù nguy hiểm nhất, chủ nghĩa phát xít không ngần ngại tiêu diệt mọi đảng phái còn lại, không từ một đảng nào.
Sau khi hủy diệt mọi đảng phái chính trị và các tổ chức quần chúng- quá trình này kéo dài đến mùa hè năm 1933 - ngày 14.7.1933, chính phủ quốc xã ban hành sắc luật công nhận sự thống soái tuyệt đối của ASDAP (Ðảng Công Nhân Quốc Xã Ðức - ND). Ðiều luật này cấm phục hồi những đảng phái chính trị đã bị tan rã và cấm thành lập những đảng phái mới. "Ðảng Công Nhân Quốc Xã Ðức là đảng phái chính trị duy nhất ở Ðức. Kẻ nào còn bảo vệ cho cơ cấu những đảng phái chính trị khác hoặc có ý định thành lập những đảng phái chính trị mới, sẽ bị phạt lao động khổ sai tới 3 năm, hoặc bị phạt tù trong ngục tối từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp cố tình vi phạm luật, sẽ bị trừng phạt nặng nề hơn".
Ở đây chỉ được phép tồn tại những tổ chức quần chúng do Ðảng Quốc Xã tạo ra, chấp nhận cương lĩnh, điều lệ, và hoạt động dưới sự kiểm soát, lãnh đạo của nó. Trong tài liệu hướng dẫn lãnh đạo đảng, vấn đề này được nêu rõ như sau: "Ở Ðức chỉ tồn tại các tổ chức tin tưởng vào những nguyên tắc tập trung và sự hiểu biết quốc xã về nhà nước và nhân dân trong ý nghĩa quốc xã nhất của từ này, những tổ chức tự xem mình là một bộ phận của đảng, được đảng thành lập và chịu sự kiểm soát của đảng cả ở hiện tại và tương lai... Tất cả những cơ sở muốn được tự lập là những tổ chức lạc loài, hoặc phải đi theo đảng, hoặc phải biến khỏi đời sống xã hội".
Rõ ràng không còn có thể nghi ngờ vào quyết tâm thiết lập cơ chế một đảng quyền của NSDAP.
Giới lãnh đạo quốc xã chóp bu nhận thức được giá trị vô cùng quan trọng của cơ chế một đảng quyền trong cấu trúc chế độ này. Vì vậy, mọi ý đồ chống lại nguyên tắc này, nhằm phục hồi nền dân chủ tư sản với cơ chế đa đảng bị xem là phá hoại nền an ninh quốc gia và bị trừng phạt dã man, tàn bạo như những biểu hiện chống đối nhà nước, chống đối nhân dân, bởi vì chuyên chính khủng bố không thể tồn tại lâu dài, nếu không dựa trên cơ chế một đảng quyền.
Ngày 19.4.1943, tại phiên tòa xử nhóm sinh viên chống phát xít Bông Hồng Trắng, một trong những lời buộc tội nặng nề nhất với Curt Huber - Giáo sư khoa triết học trường đại học Miuhen, là ông đã chứng minh cho các sinh viên thấy sự cần thiết phải phục hồi nền dân chủ và cơ chế đa đảng ở Ðức. Vì tội lỗi này, giáo sư Curt Huber đã bị tuyên án tử hình.
Tầm quan trọng của nguyên tắc một đảng quyền trong cấu trúc chế độ phát xít, cũng được những người âm mưu đảo chính ngày 20.7.1944 đánh giá rất cao. Dù nhận thức của các tướng lĩnh còn rất xa những nguyên tắc của nền dân chủ, họ cũng đã đi đến kết luận là phải hủy diệt sự thống soái của đảng quốc xã. Kế hoạch của họ bao gồm: tước vũ khí các đội SS- cảnh sát riêng của Ðảng Quốc Xã và bắt giữ ban lãnh đạo của nó.
Tham vọng thiết lập cơ chế một đảng quyền của bọn quốc xã- bước đầu tiên quan trọng nhất khi xây dựng nhà nước độc tài- còn có thể nhìn rõ hơn trong những dẫn chứng lịch sử .
Trước hết bọn quốc xã tấn công Ðảng Cộng Sản. Vụ cháy tòa nhà quốc hội Raihxtaga đêm 27 rạng ngày 28.2.1933 được sử dụng như tín hiệu cho tội ác toàn diện chống lại những cán bộ lãnh đạo và tổ chức cộng sản. Chỉ riêng đêm ấy, có tới 10 nghìn người bị bắt, trong đó đa phần là những người cộng sản.
Ngày hôm sau chính phủ quốc xã cấm tất cả những cơ sở ấn loát cộng sản. Tại Berlin, các đội mật vụ chiếm tòa nhà Carl Libeneht và biến nó thành trụ sở của cảnh sát chính trị . Cùng ngày, chính phủ quốc xã ban hành hai sắc lệnh, về hình thức để chống "âm mưu cộng sản" nhưng thực chất là chuẩn bị cơ sở nhằm hủy diệt mọi đảng phái chính trị ở Ðức: sắc lệnh "Chống Ðảo Chính Nhà Nước và Những Hành Ðộng Phản Bội", và sắc lệnh "Bảo Vệ Nhân Dân". Trong sắc lệnh thứ hai có đoạn viết: "Các điều 114,115,117,118,123, và 125 của Hiến pháp nước Ðức cần được sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới. Vì vậy việc hạn chế những quyền tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do in ấn, tự do thành lập hiệp hội, tự do hội họp, phá vỡ bí mật thư từ, điện tín, điện thoại, và việc hạn chế những quyền sở hữu sẽ được thực hiện không cần phụ thuộc vào khuôn khổ pháp luật đã ban hành".
Những sắc lệnh này trên ngôn từ là cấm Ðảng Cộng Sản, nhưng thực tế đã đặt nó ra ngoài vòng pháp luật.
Ngày 3.3.1933, Ernxt Telman bị bắt tại cơ sở bí mật của ông ta ở Sarlotenburg. Hai thành viên trung ương đảng- Valter Stecer và Ernxt Snele cũng bị bắt.
Bị mất ban lãnh đạo, bị cấm in ấn, bị theo dõi, bị khủng bố gắt gao, Ðảng Cộng Sản không còn giữ được vai trò như một lực lượng chính trị thực sự .
Ðảng thứ hai mà chủ nghĩa phát xít tiêu diệt là Ðảng Xã Hội Dân Chủ Ðức. Lịch sử hủy diệt đảng này là minh chứng hùng hồn cho luận điểm của chúng ta về tham vọng thiết lập cơ chế một đảng quyền cuả bọn quốc xã bằng bất kỳ giá nào.
Tiêu diệt Ðảng Xã Hội Dân Chủ Ðức cũng bắt đầu bằng việc cấm cơ quan ngôn luận của đảng này hoạt động. Hàng nghìn công nhân dân chủ xã hội bị bắt. Sau cuộc bỏ phiếu tại Raihxtaga ngày 5.3.1933, chín nghị sỹ xã hội dân chủ cũng bị bắt. Cánh hữu trong ban lãnh đạo của Ðảng Xã Hội Dân Chủ (Velx, Stampfer) vẫn nuôi ảo tưởng vào chế độ mới, rằng sau khi Hitler đàn áp xong Ðảng Cộng Sản và cánh tả của Ðảng Xã Hội Dân Chủ, thì sẽ dừng khủng bố, chính quyền quốc xã sẽ điều hành chính quyền theo luật pháp, và Ðảng Xã Hội Dân Chủ sẽ giữ được vị trí của mình như "xu hướng chính trị công khai". Báo Forbertx- cơ quan ngôn luận của Ðảng Xã Hội Dân Chủ trong số ra ngày 26.3.1933 có đoạn viết: "... Thắng lợi của các đảng phái chính phủ (ở đây muốn nói đến bọn quốc xã và dân tộc Ðức - JJ) tạo cho họ khả năng điều hành đất nước chặt chẽ theo hiến pháp, họ chỉ còn hoạt động như một nhà nước pháp quyền. Từ đó suy ra rằng, chúng ta sẽ tồn tại như xu hướng công khai... Chúng ta chỉ cần hạn chế vai trò công kích".
Thậm chí cơ quan ngôn luận của Ðảng Xã Hội Dân Chủ còn muốn được công nhận công lao của đảng mình trong việc đưa Hitler lên nắm chính quyền. Báo Fornertx, số ra ngày 3.3.1933 đã viết cho Hitler như sau: "Thưa Ngài, Ngài gọi chúng tôi là những kẻ phạm tội tháng 11 nhưng về phía Ngài, có thể nói là Ngài thuộc về các tầng lớp công nhân không (?!), nếu không có chúng tôi, liệu Ngài có thể trở thành Quốc Trưởng được không? Ðảng Xã Hội Dân Chủ đã mang lại cho những người công nhân quyền bình đẳng và kính trọng. Chỉ với sự giúp đỡ của chúng tôi, thưa Ngài Adolf Hitler, Ngài mới có thể trở thành Quốc Trưởng".
Ban lãnh đạo quốc xã đã sử dụng cả ảo tưởng này của những người đứng đầu Ðảng Xã Hội Dân Chủ cánh hữu để ru ngủ dư luận quốc tế về những hành động khủng bố công chúng. Ðích thân Hitler yên cầu những người này dùng quan hệ quốc tế của họ, để giúp ông ta gạt bỏ nhận thức "sai lầm" xung quang việc đàn áp, khủng bố ở Ðức. Các thủ lãnh xã hội dân chủ chấp nhận yêu cầu này, cử đại diện ra nước ngoài, tác động với diễn đàn dân chủ thế giới nhằm dập tắt những công kích nhằm chống lại chính phủ quốc xã. Trên tờ báo Chính Trị ngay lập tức xuất hiện bài phê bình của nhà xã hội dân chủ Herx, trong đó có đoạn viết: "Những tin tức lừa bịp về khủng bố quốc xã, đăng trên các báo nước ngoài, chỉ gây ảnh hưởng xấu đến nền dân chủ nước Ðức. Tôi sẵn sàng tuyên bố, rằng chúng tôi, những người xã hội dân chủ Ðức, phản đối những thông tin lừa bịp về tội ác của những người quốc xã là hoàn toàn sai sự thật".
Ban lãnh đạo Ðảng Xã Hội Dân Chủ Ðức còn đi xa hơn nữa. Khi Ðệ Nhị Quốc Tế họp xét xử những vụ khủng bố quốc xã, đại diện Ðức Oto Velx đã bỏ ra ngoài và Ban lãnh đạo Ðảng Xã Hội Dân Chủ Ðức chính thức từ bỏ Ðệ Nhị Quốc Tế.
Ðể tỏ rõ nguyện vọng từ bỏ chế độ mới và để giữ cho đảng mình khỏi bị tan rã, Ban lãnh đạo Ðảng Xã Hội Dân Chủ khai trừ hàng loạt đảng viên và loại bỏ những tổ chức phụ thuộc tuyên bố chống khủng bố và yêu cầu đảng này mở cuộc đấu tranh. Tất cả những tổ chức thanh niên xã hội dân chủ Berlin đã bị giải tán. Tháng 4.1933, Ðảng Xã Hội Dân Chủ tiến hành đại hội, bầu lại Ban lãnh đạo và đồng thời khai trừ tất cả những thủ lĩnh đảng đã tố cáo những cuộc khủng bố quốc xã và đang sống tị nạn ở nước ngoài. Và tất cả những điều này xảy ra cùng một thời điểm, khi hàng nghìn thành viên xã hội dân chủ bị ném vào nhà tù và trại tập trung.
Nhưng điều đó cũng không cứu được Ðảng Xã Hội Dân Chủ khỏi bị tiêu diệt. Ngày 10.5.1933, chính phủ quốc xã ban hành sắc lệnh tịch thu toàn bộ tài sản của Ðảng Xã Hội Dân Chủ Ðức và những tổ chức phụ thuộc. Ngày 22.6.1933, Ðảng Xã Hội Dân Chủ bị buộc tội là "kẻ thù của nhân dân và nhà nước ", và bị giải tán theo sắc luật ban ngày 28.2.1933; cấm đảng này không được tuyên truyền, tổ chức hội họp, phát hành báo chí. Sau đó Bộ trưởng Nội Vụ Fric, với sắc lệnh đặc biệt, buộc tội toàn bộ các nghị sĩ dân chủ xã hội là không trung thực, và Ðảng Xã Hội Dân Chủ bị loại ra khỏi vũ đài chính trị .
Và giống như là điều vẫn thường xảy ra với một đảng chính trị bị tan rã trong điều kiện bị khủng bố gắt gao, một bộ phận các thủ lĩnh và đảng viên xã hội dân chủ đi theo chính quyền, cố gắng phục vụ cho nó hòng chiếm lòng tin và sửa chữa "sai lầm" quá khứ; số khác vẫn bảo vệ quan điểm chính trị của mình, bị chết mỏi mòn trong các trại tập trung cải huấn và nhà tù hoặc phải sống tị nạn ở nước ngoài.
Nhưng điều quan trọng trong trường hợp này là, mặc dù đã tỏ rõ sự đầu hàng, sẵn sàng phục vụ chế độ mới, sẵn sàng tuân theo và phục vụ mọi yêu cầu của nó, Ðảng Xã Hội Dân Chủ Ðức vẫn không tránh khỏi bị hủy diệt. Ðiều đó chứng tỏ, ngay từ đầu bọn phát xít đã có tham vọng giành quyền thống soái chính trị tuyệt đối cho đảng mình, rằng mục đích của chúng là cơ chế một đảng trị, chứ không phải là liên minh chính trị .
II- Sát nhập giữa đảng và nhà nước phát xít
Sự thống nhất toàn diện của đảng và nhà nước là bước đầu quan trọng thứ hai trong quá trình xây dựng chế độ độc tài của chủ nghĩa phát xít. Nó liên quan chặt chẽ đến bước thứ nhất- thiết lập cơ chế một đảng trị - đến mức có thể xem như sự tiếp diễn của bước này. Không thể khẳng định triệt để sự thống soái chính trị của một đảng phát xít, nếu sau đó đảng này không tự đồng nhất với nhà nước, không biến nhà nước thành sở hữu của riêng mình hay ít ra là thành công cụ thống soái. Lúc đó đảng này có thể chia quyền lợi cho các đảng viên của mình dưới các hình thức công sở nhà nước, trọng trách nhà nước, và khiến họ quan tâm một cách vật chất đến sự thống nhất giữa đảng và nhà nước. Ðây là con đường chắc chắn nhất để sát nhập đảng và nhà nước.
Bọn quốc xã đã nhận thức được giá trị quyết định của nguyên tắc này ngay từ năm đầu tiên nắm chính quyền. Sau khi tiến hành rất nhiều phương cách theo hướng đó, ngày 1.12.1933, nguyên tắc này được củng cố bằng điều luật đặc biệt Sự Cần Thiết Phải Thống Nhất Ðảng Và Nhà Nước, trong đó tuyên bố: "Sau thắng lợi của cuộc cách mạng quốc xã, Ðảng Công Nhân Quốc Xã trở thành người giữ trọng trách nhà nước Ðức và liên quan mật thiết với nhà nước."
1- Sát nhập giữa bộ máy lãnh đạo nhà nước và bộ máy lãnh đạo đảng
Thực chất, việc thống nhất giữa đảng và nhà nước đã được thực hiện ngấm ngầm từ phía dưới bằng cách cho các đảng viên nắm giữ những vị trí và trọng trách nhà nước.
Kết quả là đảng biến thành nhà nước và ngược lạị Các thủ lĩnh phát xít trở thành những cán bộ nhà nước cao cấp. Hitler vừa là Thống Lĩnh- theo trọng trách đảng, vừa là Quốc Trưởng- theo trọng trách nhà nước; Goring vừa là Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, Bộ trưởng - Toàn quyền Pruxia - theo trọng trách nhà nước, vừa là Thủ lĩnh SA và SS theo trọng trách đảng; Gobelx vừa là thủ lĩnh trong vùng Berlin, phụ trách tuyên truyền- theo trọng trách đảng, vừa là Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền, thành viên Hội Ðồng Quốc Phòng Tối Cao- theo trọng trách nhà nước; Himler trong đảng là Uy Viên Ban Lãnh Ðạo Tối Cao về Bảo Tồn Ðặc Tính Dân Tộc Ðức, thủ lĩnh SS, trong nhà nước là Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao, thành viên Hội Ðồng Quốc Phòng tối Cao; Ạ Rozenberg trong đảng là Uy Viên Ban Lãnh Ðạo Tối Cao về Giáo Dục Tư Tưởng cho đảng viên, trong nhà nước- Bộ trưởng Không Bộ; R. Hex trong đảng là - Phó Thống Lĩnh, Uy Viên Ban Lãnh Ðạo Tối Cao, trong nhà nước- Bộ Trưởng Không Bộ, thành viên Hội Ðồng Quốc Phòng Tối Cao, v.v...
Sát nhập vị trí lãnh đạo của nhà nước và đảng được thực hiện xuống một cơ sở . Tất cả những vị trí quan trọng trong Ðế Chế 3 đều do các đảng viên quốc xã nắm giữ và đặc biệt là những kẻ phục vụ đắc lực cho phong trào quốc xã. Tham gia đảng phát xít là dấu hiệu quan trọng nhất để được phép đứng trên những vị trí trọng trách của nhà nước.
Sát nhập bộ máy lãnh đạo nhà nước và đảng là một hiện tượng tổng thể, đa hình, song một vài biểu hiện mang giá trị cơ bản.
Thứ nhất, các đảng viên phát xít và những kẻ phục vụ đắc lực chiếm giữ những vị trí nhà nước.
Thứ hai, (trong giới lãnh đạo chóp bu) thống nhất quyền lực của đảng và chính quyền cho cùng một số người (Hitller, Goring, Gobelx, Himler, Rozenberg, Hex, v.v...).
Thứ ba, nhà nước hợp pháp hóa quyền kiểm soát của đảng trên mọi tổ chức nhà nước, mọi cán bộ viên chức và mọi biểu hiện của họ .
Thứ tư, trao nhiệm vụ nhà nước cho những tổ chức của đảng phát xít. Thứ năm, thống nhất giữa tổ chức tạm thời của đảng với nhà nước.
Thứ sáu, nhà nước trả lương cho các cán bộ đảng viên.
Chúng ta hãy nghiên cứu kỹ từng trường hợp riêng biệt của sự sát nhập này.
A- Các đảng viên phát xít chiếm giữ những trọng trách nhà nước.
Cùng với việc Hitler lên nắm chính quyền, hàng nghìn đảng viên quốc xã đã tham gia trong bộ máy nhà nước, "để củng cố chính quyền", đồng thời dần dần chiếm quyền lãnh đạo bộ máy này. Ðối với những người đó, việc chủ nghĩa quốc xã nắm quyền là lễ khải hoàn của "cuộc cách mạng quốc xã". Trong diễn văn ngày 18.5.1933, Goring đã tuyên bố: "Ai chiếm được trọng trách, người đó có thể điều hành." Một tháng sau, Rudolf Hex giải thích thêm: "...Thậm chí trong trường hợp những người có công lao với đảng không đủ khả năng, thì điều đó sẽ được bổ xung bằng lòng nhiệt huyết của họ muốn được cống hiến cho sự nghiệp của nhà nước quốc xã."
Thậm chí cả trong lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa, các đảng viên cũng giành được sự ưu ái đặc biệt.
Trên thực tế, trước khi kết thúc năm 1933, các đảng viên phát xít đã chiếm giữ tất cả mọi vị trí lãnh đạo ở các cơ quan trung ương, vùng, tỉnh, địa phương. Giới lãnh đạo đảng quan tâm và khuyến khích quá trình này. Ðể củng cố chính quyền, ban lãnh đạo đảng thi hành kế hoạch làm trong sạch bộ máy nhà nước, và bằng cách đó, bật đèn xanh cho những phần tử có công lao với đảng chiếm giữ những vị trí hành chính. Với sắc luật Phục Hồi Viên Chức Lành Nghề, ngày 7.4.1933, tại các cơ quan trung ương, vùng, tỉnh, và địa phương, người ta thải hồi "những nhân viên vì quan điểm chính trị mà cho đến nay vẫn chưa chịu tuyên bố sẵn sàng phục vụ nhà nước quốc xã."; đồng thời những kẻ trung thành với chết độ lập tức chiếm giữ những trọng trách này.
Tháng 2.1935, chính phủ ban hành điều luật nhằm củng cố hơn nữa sự thống soái của đảng trên các trọng trách nhà nước. Theo luật này, chỉ có những tổ chức quốc xã cao nhất ở địa phương mới có quyền đề cử Thị Trưởng. Sau đó, đề cử viên duy nhất này được Bộ Nội Vụ chuẩn y và giữ trọng trách Thị Trưởng trong vòng 12 năm. Những tổ chức phát xít địa phương kiêm luôn việc bổ nhiệm cố vấn cho Thị Trưởng. Bằng cách đó, bọn hitlerist hủy diệt quyền tự trị và thay thế bởi hệ thống lãnh đạo tập trung, đứng đầu là giới cầm quyền của Ðảng Quốc Xã.
Ngày 27.2.1936, Bộ Nội Vụ Ðế Chế và Pruxia ban hành sắc luật, trong đó nêu rõ, người viên chức không thể không là đảng viên, "do mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ giữa đảng và nhà nước," và đặc biệt là không thể từ bỏ hàng ngũ của đảng vì không đồng ý với "cương lĩnh và điều lệ chính trị của đảng." Sắc lệnh viết: "trong mọi trường hợp, cần phải tiến hành kiểm tra xem với mục đích và những nguyên nhân gì, mà người viên chức ra khỏi đảng. Nếu anh ta hành động như vậy vì không đồng ý với cương lĩnh và điều lệ chính trị của đảng, thì anh ta không thể là viên chức".
Và, thậm chí không phải vì lý do như thế, việc ra khỏi đảng của viên chức trong mối liên hệ tương hỗ chặt chẽ giữa đảng và nhà nước có thể xem là anh ta đã không có lòng yêu mến nhà nước quốc xã và tinh thần hy sinh tự nguyện. Ngày 26.2.1937, cái gọi là Những Cơ Sở Căn Bản Trong Luật Lệ Nhà Nước Ðức Về Viên Chức được ban hành, theo điều luật này, mọi bổ nhiệm trọng trách nhà nước đều bị xem là không có hiệu lực, nếu không được sự đồng ý của những tổ chức Ðảng Quốc Xã. Bởi vì, "mối liên quan thân hữu giữa viên chức và đảng là cơ sở để bổ nhiệm trọng trách của anh ta... Viên chức cần phải là người thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước quốc xã, mà nhà nước quốc xã là do đảng lãnh đạo."
Ðiều luật này pháp luật hóa triệt để và toàn diện sự kiểm soát của đảng trên các tổ chức nhà nước, thiết lập sự thống soái của Ðảng Quốc Xã đối với nhà nước Ðức.
Quá trình này không chỉ diễn ra tại các công sở hành chính mà còn ở cả các tòa án. Các quan tòa là các thành viên của các đảng phái và hiệp hội cánh tả đều bị thải hồi, còn những người không tham gia đảng phái thì dùng áp lực bắt buộc phải trở thành đảng viên phát xít.
Trong diễn văn đọc tại Quốc Hội Raihxtaga ngày 20.8.1938, Hitler tuyên bố: "Không còn một công sở trong nhà nước này mà không phải là quốc xã. Ở Ðức, mọi trọng trách đều do những người quốc xã nắm giữ. Tất cả mọi cơ sở của Ðế Chế đều phục tùng Ban Lãnh Ðạo Chính Trị Tối Cao. Ðảng ta lãnh đạo chính trị nước Ðức."
Muxolini, ngoài Những Luật Phát Xít Ðặc Biệt, cũng ban hành những điều luật về cán bộ viên chức với tên gọi không được chính xác - Luật Hành Chính. Thông qua điều luật này, ông ta tạo điều hiện cho những đảng viên phát xít nắm giữ những vị trí nhà nước. Nó buộc người viên chức đúng trước sự lựa chọn: hoặc trở thành đảng viên phát xít (nếu chưa phải là đảng viên) và làm việc như một phần tử phát xít tích cực, hoặc phải xin từ chức; đồng thời điều luật này loại bỏ những viên chức "công khai hoặc bí mật chống đối hay không ủng hộ chính quyền."
Theo điều luật trên, nhà nước không thể chấp nhận những cán bộ viên chức chống lại chính phủ, bởi vì đối với chuyên chính phát xít, "chính phủ và nhà nước" không thể tách rời nhau, và những ai chống lại chính phủ thì cũng là chống lại nhà nước và chế độ phát xít. Và do đó, viên chức này không thể giữ vị trí công tác trong bộ máy nhà nước.
Việc bắt buộc phải tham gia đảng phát xít được P. Toliati giải thích như sau:
"Thế nào là một đảng viên phát xít ở Italia hiện nay? Một bộ phận đảng viên tham gia hoạt động tích cực, có quan điểm, thi hành nhiệm vụ chính trị . Nhưng đa phần đảng viên có quan điểm chính trị tiêu cực. Song không vì thế mà họ từ bỏ sinh hoạt đảng. Tại sao? Tại vì có vô số nguyên nhân bắt buộc họ phải vào đảng. Thí dụ, vào đảng nghĩa là có quyền lựa chọn những vị trí công tác trong bộ máy nhà nước, và để có thể chiếm được những vị trí nhà nước cao cấp, thì tham gia sinh hoạt đảng là điều kiện không thể thiếu.
... Vì lý do này, rất nhiều người trong những tầng lớp bần cùng tham gia đảng phát xít chỉ vì họ cần làm việc, chỉ vì họ phải sống, và muốn sống thì bắt buộc phải có việc làm...".
Tại Tây Ban Nha, quá trình đảng viên chiếm giữ vị trí trong bộ máy nhà nước còn được thể hiện triệt để hơn nhiều. Theo nhân chứng của Eibi Plen, sau năm 1939 thậm chí kể cả các vị trí giảng dạy cũng ưu tiên cho những người Falangist, mà không phụ thuộc vào khả năng học vấn của họ . Chế độ chỉ quan tâm đến một phẩm chất duy nhất - các giáo viên cần phải tuân theo và phục vụ đắc lực cho nó. "Toàn bộ đội ngũ giảng dạy được cấu thành... từ những phần tử Falangist kém cỏi và những kẻ có công sức bảo vệ chế độ, những người này được trao tặng những vị trí giảng dạy không phụ thuộc vào khả năng quá kém của họ, để thay thế cho hàng ngàn giáo viên và giáo sư nổi tiếng bị sa thải, bị ném vào các nhà tù.
Cái "mới" do chủ nghĩa phát xít phát minh ra trong quá trình xây dựng nhà nước, là thiết lập nhà nước- đảng hoàn chỉnh, chuyên chính- đảng, tạo ra một bộ máy nhà nước, mà ngoài con đường hành chính (cũng có nghĩa là con đường đảng), còn có thể kiểm soát theo con đường đảng. Bằng cách đó, hệ thống kiểm soát kép của đảng phát xít đối với nhà nước được cấu thành, mang lại sự ổn định và thuần nhất đặc biệt cho chế độ này.
 
B- Ban lãnh đạo phát xít trở thành chính phủ quốc gia.
Ngày 30.1.1933, khi Hitler được bầu làm Quốc Trưởng và đứng ra thành lập chính phủ, trong chính phủ mới chỉ có ba phần tử quốc xã: Hitler, Goring và Fric. Hitler giữ trọng trách Quốc Trưởng, Goring- Bộ Trưởng Không Bộ, Fric- Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ . Còn những thành viên chính phủ khác không phải là đảng viên quốc xã - Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Fon Noirat, Bộ Trưởng Bộ Tài Chính- Bá tước Sverin
Fon Cnizig, Bộ Trưởng Bộ Nông Nghiệp- Hugengerg, Bộ Trưởng Bộ Bưu Ðiện và Giao Thông- Fon Elx Rubenah, Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp Hertner. Những người này thuộc các đảng phái chính trị khác và sau đó một vài tháng, tất cả những đảng này đều tan rã. Bị mất chỗ dựa chính trị, những vị Bộ Trưởng này không thể tránh khỏi bị mất ghế.
Nhờ sự thống soái chính trị của đảng mình, đảng chính trị duy nhất ở Ðức, Hitler đã biến chính phủ thành chính phủ quốc xã. Việc này được thực hiện bằng hai cách: thứ nhất thành lập các Bộ mới, đứng đầu là những phần tử phát xít thủ cựu; và thứ hai, trong đảng chỉ công nhận những Bộ Trưởng có quan điểm quốc xã.
Ngày 13.3.1933, thành lập Bộ Văn Hóa và Tuyên Truyền Nhân Dân, đứng đầu là Gobelx. Ngày 5.5.1933, thành lập Bộ Không Quân, đứng đầu là Goring, và Bộ Giáo Dục đứng đầu là Berigard, Bộ Các Vấn Ðề Nhà Thờ đứng đầu là tên trùm quốc xã Hanarx Kerl.
Sau khi chiến tranh bùng nổ, có hai Bộ mới nữa được thành lập: ngày 17.3.40, Bộ Chiến Tranh và Dự Trữ Quốc Phòng đứng đầu là tiến sĩ Tod (sau này Speer thay thế), và ngày 17.7.41, Bộ Các Vùng Thuộc Ðịa Phía Ðông đứng đầu là nhà tư tưởng của đảng Rozenberg.
Ngoài ra, trong nội các chính phủ còn có Phó Thống Lĩnh của đảng R. Hex (sau này là M Borman) và thủ lĩnh SA Ernxt Rom (sau ngày 30.6.1934 là Sepman)- những người này giữ ghế Bộ Trưởng Không Bộ. Việc này được tiến hành từ ngày 1.12.1933 bằng Luật Thống Nhất Ðảng và Nhà Nước. Trong điều luật ghi cụ thể: "Phó Thống Lĩnh và Thủ Lĩnh SA sẽ tham gia trong nội các chính phủ, để có thể đảm bảo sự cộng tác chặt chẽ giữ đảng và SA với chính quyền nhà nước...".
Ngày 30.2.1937, Hitler kết nạp tất cả những thành viên không đảng phái của chính phủ vào đảng của mình: Fon Noirat, Fon blomberg, Zeldte, v.v...
Duy nhất chỉ Bộ Trưởng Bộ Bưu Ðiện và Giao Thông- Elx Rubenarh, là từ chối đề nghị này của Hitler. Lý do từ chối không vào Ðảng Quốc Xã có vẻ như không mang màu sắc chính trị, nhưng thực chất là tỏ rõ sự bất đồng quan điểm với hệ tư tưởng phát xít: "Tôi tin vào những nguyên tắc của đạo Thiên Chúa," Elx Rubenah viết cho Thống Lĩnh, "và tôi cần phải giữ niềm tin vào Ðức Chúa và bản thân mình. Tham gia Ðảng có nghĩa là, tôi không thể chối cãi, rằng đã công nhận và ủng hộ những hành vi chống lại những quan niệm tôn giáo của các viên chức đảng viên, chống lại những người muốn bảo vệ quan niệm tôn giáo của họ .
Trên thực tế, đó cũng là đơn xin từ chức của Fon Elx Rubenah và nó được chấp nhận ngay lập tức.
Vào đầu năm 1937, nội các của chính phủ đã được quốc xã hóa hoàn toàn, các thành viên của chính phủ đều là đảng viên quốc xã, các thủ lĩnh phát xít đều trở thành những người lãnh đạo chính phủ . Nội các chính phủ lúc này bao gồm những người: Hitler, Goring, Gobelx, Himler, Hex, Rozenberg, Ðare, Fric, Fon Noirat, X. fanc, Ribentrop.
Tất cả những người này đều là đảng viên quốc xã và là thành viên Ban Lãnh Ðạo Tối Cao (chỉ trừ Fon Noirat là đảng viên thường).
Ở Italia, những quá trình tương tự cũng xảy ra. Lúc đầu, trong chính phủ của Muxolini, ngoài ông ta cũng chỉ còn có ba thành viên phát xít khác: nhà kinh tế Xtefan, hai đại biểu nhân dân, năm thủ lĩnh của những xu hướng chính trị khác nhau, và hai anh hùng của cuộc nội chiến: Tướng Ðiiax "Hoàng Tử Chiến Thắng" và Ðô Ðốc Toan De Revel "Hoàng Tử Biển Cả" .
Trong nội các đầu tiên, Muxolini, ngoài trọng trách Thủ Tướng chính phủ còn giữ cả ghế Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ .
Ðến năm 1925, Muxolini vẫn chưa thành lập được "chính phủ phát xít thuần nhất" và vẫn phải biện minh với các đại diện của những đảng phái chính trị khác.
Mãi sau vụ bê bối xung quanh cái chết của nghị sỹ Xã Hội Mteoti, vụ bê bối này kéo dài suốt cả năm 1924, Muxolini mới thành lập được chính phủ phát xít thuần chủng. Một nhà sử học Italia đã viết về sự kiện này như sau: "Toàn bộ chính phủ là những người phát xít. Các thủ lĩnh chính trị khác hoặc trở thành đảng viên phát xít, hoặc phải từ bỏ vũ đài chính trị . Những kẻ chống đối đều phải trốn ra nước ngoài, hoặc bị bắt buộc phải sống tị nạn chính trị ở nước ngoài...".
Các sự kiện này xảy ra cùng một thời điểm, khi những Luật Phát Xít Ðặc Biệt được ban hành, thông qua đó, bọn phát xít cấm tất cả các đảng phái hoạt động và khống chế toàn bộ bộ máy nhà nước. Việc thành lập "chính phủ phát xít thuần nhất" là dấu hiệu kết thúc quá trình hình thành cơ chế một đảng trị của nhà nước phát xít.
Tại Tây Ban Nha, Ðảng Falanga đã biến quyền điều hành chính phủ và biến Ban Lãnh Ðạo Ðảng thành chính phủ quốc gia. Ða phần các Bộ trong chính phủ và đặc biệt là những Bộ quan trọng đều do các thủ lĩnh Falanga chiếm giữ.
Thí dụ, thành phần chính phủ vào tháng 7.1939 bao gồm: Franxix Franco: trong Ðảng là Thủ lĩnh Tối cao của Falanga, trong chính phủ là Chủ Tịch Hội Ðồng Bộ Trưởng; Ramon Xerano Xuner: trong Ðảng Chủ Tịch tập Ðoàn Chính trị Falanga, trong chính phủ- Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ, và năm 1940-1942 kiêm luôn chức Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao; Munox Gradex- trong Ðảng: Bí Thư Tập Ðoàn Chính trị Falanga, Trùm Công An Falanga, trong chính phủ- Bộ Trưởng Không Bộ; Gamero Del Caxtilio: trong Ðảng- Thành viên Tập Ðoàn Chính Trị Falanga, trong chính phủ- Bộ Trưởng Không Bộ; R. Xantrex Maxax: trong Ðảng- Thành Viên Tập Ðoàn Chính Trị Falanga, trong chính phủ Bộ Trưởng Không Bộ; Hoxex Ibanex Martin: trong Ðảng- đảng viên thường, không giữ trọng trách, trong chính phủ Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục Nhân Dân; Alono Penia Boeuf: trong Ðảng- đảng viên thường, trong chính phủ- Bộ Trưởng Bộ Các Vấn Ðề Xã Hội.
Bốn Bộ Trưởng còn lại thuộc giới quân sự, không phải là những người phát xít: Tướng Hoxex Enrice Varela- Bộ Trưởng Bộ Lục Quân; Huan Lague- Bộ Trưởng Các Lực Lượng Không Quân; Ðô Ðốc xavador Moreno- Bộ Trưởng Các Lực Lượng Hải Quân; Ðại tá Baigbeder Atienxa- Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao.
Tất nhiên sau đó, trong chính phủ Franco, đại diện Falanga thay đổi sao cho phù hợp với tình hình chính trị trong nước và thế giới. Nhưng trên nguyên tắc, Ðảng Falanga chi phối chính phủ theo ba cách:
1- Nắm giữ những Bộ quan trọng nhất;
2- Kiểm soát những Bộ còn lại thông qua các đảng viên Falanga đang giữ những chức vụ quan trọng trong các Bộ này;
3- Thông qua Tướng Franco- vừa là Thủ Lĩnh của Ðảng, vừa là Chủ Tịch Hội Ðồng Bộ Trưởng, với quyền lực vô hạn thường xuyên thay đổi nội các.
Ở đây nổi bật lên một hiện tượng là, kẻ nào đánh mất vị trí trong Ðảng cũng đồng thời mất luôn trọng trách trong chính phủ và ngược lại. Thí dụ, Xerano Xuner, khi mất ghế Bộ Trưởng Nội Vụ và Ngoại Giao, "cần phải từ bỏ vị trí lãnh đạo trong Ðảng"; Hoxe Luis Areze (đã nhiều năm giữ vị trí lãnh đạo trong Ðảng), khi mất ghế Bộ Trưởng Cải Tạo Thành Phố, đồng thời mất luôn chức vụ trong Ðảng Falanga, v.v...
Trên quan điểm "Những Mối Liên Quan Chặt Chẽ Giữa Ðảng Và Nhà Nước" (Hitler), hiện tượng trên đây hoàn toàn logic. Nếu một Bộ Trưởng bị mất ghế trong chính phủ mà vẫn giữ vai trò lãnh đạo trong Ðảng, người đó có thể như là một "kẻ bất mãn" và trong một thời điểm nào đó xúi Ðảng chống lại chính phủ, hoặc ít nhất- trở thành kẻ tập trung những ý đồ chống chính phủ trong Ðảng. Nhưng điều này mâu thuẫn với một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của nhà nước độc tài: sự thống nhất giữa Ðảng và nhà nước, thiếu cái đó nó không thể tồn tạị Vì vậy, mất trọng trách trong chính phủ cũng đồng thời phải từ bỏ vị trí lãnh đạo trong Ðảng.
 
C- Sự kiểm soát của đảng phát xít đối với nhà nước
Sự kiểm soát tổng thể của đảng quốc xã đối với nhà nước, được luật hóa bởi nhà nước, là một trong những hình thức quan trọng của việc sát nhập bộ máy nhà nước và đảng. Sự kiểm soát này được thể hiện không chỉ trong vấn đề, rằng việc bổ nhậm các vị trí hành chính sẽ không có hiệu lực, nếu không được sự đồng ý của cơ sở đảng tương ứng, cũng không chỉ trong vấn đề rằng các thủ lĩnh đảng phát xít đồng thời nắm giữ những trọng trách nhà nước, mà còn vì nó được phân chuyển trên pháp luật quốc gia. Không một điều luật hoặc sắc lệnh nào được ban hành trong Ðế Chế 3 nếu như trước đó không có sự đồng ý của giới lãnh đạo đảng quốc xã.
Tất nhiên mọi luật lệ ban hành đều được Quốc Hội thông qua, nhưng đó chỉ là hình thức bởi vì bọn quốc xã chiếm đại đa số trong Quốc Hội. Trong trường hợp như thế, Quốc Hội bao giờ cũng đồng tâm nhất trí giống như trong các Ðại Hội Ðảng: tất cả đều được chấp nhận bằng cách hô: "Hail Hitler!" Hơn thế nữa, trước khi đệ trình Quốc Hội, những điều luật này phải được văn phòng Trung Ương Ðảng Quốc Xã bổ xung.
Ngày 27.7.1934, Hitler ký sắc lệnh cho phép Hex, người thay thế ông ta, được quyền kiểm tra mọi luật lệ ban hành trong Ðế Chế, và thậm chí được tham gia mọi công việc quốc gia - Sắc lệnh nêu rõ: "Hiện nay tôi giao cho Phó Thống Lĩnh- Bộ Trưởng Ðế Chế Hex- được quyền tham gia giải quyết mọi vấn đề có liên quan đến công tác dự thảo luật lệ trong tất cả các cơ sở hành chính đế chế. Mọi luật lệ do các Bộ trong Ðế Chế dự thảo cần phải được sự đồng ý của Hex".
Quyền lực này của Hex còn được phân chuyển xuống tận các tỉnh lẻ trong Ðế Chế. Trong công văn gửi các Bộ của Tiến sĩ Lamerx ngày 12.4.1938, có đoạn viết: "Phó Thống Lĩnh sẽ tham gia cùng các Bộ trưởng chuẩn y những sắc luật quốc gia và những văn bản pháp luật tại các tỉnh lẻ theo điều của sắc lệnh ban hành ngày 2.2.1934, do sự thay đổi cơ cấu của Ðế Chế...".
Sau năm 1941, khi Hex bí mật trốn sang Anh, toàn quyền kiểm soát đối với các cơ sở nhà nước và mọi văn bản pháp luật của chúng được trao lại cho Martin Borman - Thư ký của Thống Lĩnh và Chủ Tịch Văn Phòng Trung Ương Ðảng.
Sự kiểm soát của Ðảng Quốc Xã độc quyền về chính trị - "người giữ trọng trách nhà nước" - không chỉ được phân chuyển trên lĩnh vực pháp lý của các cấp chính quyền quốc gia, mà còn được củng cố trên mọi thứ bậc hình kim tự tháp của đảng và nhà nước, xuống đến tận cơ sở- tận làng xã. Trong lãnh thổ một khu vực, không một vấn đề quốc gia nào được giải quyết nếu không được sự đồng ý cuả Bí Thư Khu Ủy, đại diện của Ðảng Quốc Xã và là người lãnh đạo chính trị cao nhất trên lãnh thổ này.
Bản thân Ðảng Quốc Xã được tổ chức nhằm kiểm soát các cơ quan nhà nước, và đó là một trong những nguyên tắc quan trọng của nó. Trong tài liệu "Hướng Dẫn Xây Dựng Ðảng" nêu rõ: "Chúng ta xây dựng sự lãnh đạo của đảng trên cơ sở lãnh đạo chính trị quốc gia".
Tại Ðại hội Ðảng ở Niurnberg vào năm 1935, Hitler còn tuyên bố công khai và chính xác hơn về quyền kiểm soát của đảng quốc xã đối với các cơ quan nhà nước: "...Không phải nhà nước ban hành sắc lệnh cho chúng ta, mà là chúng ta ban hành sắc lệnh cho nhà nước".
Ở Italia, vấn đề kiểm soát của đảng đối với cơ quan nhà nước- một hình thức sát nhập đảng và nhà nước- còn được thể hiện rõ ràng hơn, chính hiệu hơn. Tại đây chúng ta bắt gặp cái gọi là "Hội Ðồng Phát Xít Tối Cao" - cơ quan đảng nhà nước cao nhất- chịu trách nhiệm "mọi vấn đề tư tưởng về nhà nước phát xít và chăm lo bảo vệ chế độ ."
Hội Ðồng này được hình thành như cơ quan đảng cao cấp ngay từ tháng 10 năm 1922 và mãi sau này mới trở thành tổ chức chính quyền. Với sắc lệnh ban hành ngày 28.9.1928, ba cơ quan cao cấp- Hội Ðồng Bộ Trưởng- Hạ Nghị Viện và Thượng Nghị Viện- quyết định Hội Ðồng Phát Xít Tối Cao từ tổ chức đảng thuần túy trở thành tổ chức chính quyền. Như vậy Hội Ðồng Phát Xít Tối Cao trở thành tổ chức đảng- nhà nước cao cấp, "tổ chức cuả chế độ", thúc đẩy quá trình sát nhập giữa đảng và nhà nước. Tại mục I trong sắc luật về Hội Ðồng Phát Xít, xác định vai trò của nó như sau: "Hội Ðồng Phát Xít Tối Cao là tổ chức cao nhất Kiểm Soat Ve Hoan Chỉnh Mọi Hoạt Ðộng Của Chế Ðộ, được thành lập sau cuộc cách mạng tháng 10.1922. Nó có vai trò quyết định đối với những trường hợp đã được chỉ rõ trong sắc lệnh này, và ngoài ra còn có quyền được tham gia mọi vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội trong khuôn khổ quyền lợi dân tộc, thông qua đàm luận với Thủ Tướng chính phủ ."
Hội Ðồng Phát Xít Tối Cao có quyền kiểm soát mọi vấn đề trong nhà nước cũng như trong đảng. Hội Ðồng điều hành mọi hoạt động pháp luật của các chính quyền nhà nước cao cấp- Hạ Nghị Viện- Thượng Nghị Viện, Chính phủ . Trong vấn đề này, điều 12 và 13 đã xác định vai trò thuần túy nhà nước của Hội Ðồng Phát Xít Tối Cao: "Cần phải có ý kiến tham gia của Hội Ðồng về mọi vấn đề có ý nghĩa pháp luật." Nói cách khác, quyền sửa đổi pháp luật được chuyển giao cho Hội Ðồng Phát Xít Tối Cao và chỉ có Hội Ðồng mới có quyền thay đổi luật pháp... Hội Ðồng Tối Cao xét duyệt danh sách các nghị sĩ và thực tế là tuyển chọn đa phần trong Nghị viện, bởi vậy, nếu nó không được xem là cao hơn nghị viện thì chí ít nó cũng phải ngang hàng."
Trong lĩnh vực đảng thuần túy, vai trò của Hội Ðồng Phát Xít Tối Cao được xác định ở điều 11 của sắc lệnh nói trên:
"(a) Xét duyệt danh sách nghị sĩ theo những điều khoản của sắc luật bầu cử hiện hành;
(b) xem xét điều lệ, tổ chức và những chỉ thị của Ðảng Phát Xít Dân Tộc;
(c) giải quyết những vấn đề bổ nhiệm và thải hồi bí thư, phó bí thư, thư ký hành chính và những thành viên khác của ban lãnh đạo những tổ chức đảng".
Các thành viên của Hội Ðồng Phát Xít Tối Cao đều là đảng viên phát xít, giữ trọng trách trong đảng hoặc trong nhà nước, Chủ Tịch Hội Ðồng là Mutxolini.
Như vậy có thể nói, rằng Ban Lãnh Ðạo Ðảng Phát Xít và những kẻ cộng tác đắc lực trong đảng sau khi đã nắm giữ mọi vị trí nhà nước quan trọng- chính phủ, nghị viện, các cơ quan địa phương- đã thành lập tổ chức đặc biệt, để củng cố hơn nữa quyền kiểm soát và thống soái pháp luật của đảng mình đối với nhà nước. Do đó, Hội Ðồng Phát Xít Tối Cao có thể định nghĩa như "Cơ Quan Kiểm Soát Của Ðảng Phát Xít Ðối Với Nhà Nước", chính quyền kiểm soát pháp luật.
Trong vấn đề này, sự khác nhau giữa bọn quốc xã và bọn phát xít Italia và Ban Lãnh Ðạo Ðảng Quốc Xã với đại diện Hex, và sau đó là Borman, trực tiếp thực hiện sự kiểm soát đối với chính quyền nhà nước và những biểu hiện pháp luật của chúng, trong khi Ðảng Phát Xít Italia thành lập cả một tổ chức kiểm soát đặc biệt, được pháp luật hóa bằng sắc lệnh tương ứng của chính phủ và nghị viện.
D- Chuyển giao những nhiệm vụ nhà nước cho các tổ chức đảng phát xít.
Khi cần phải thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, chế độ phát xít thường sử dụng các tổ chức của đảng, bởi vì chúng được tin tưởng hơn những tổ chức nhà nước tương ứng.
Ngay từ khi mới nắm chính quyền, bọn phát xít đã dùng những lực lượng SS và SA (cảnh sát và quân đội riêng của đảng) để tiến hành các cuộc khủng bố tiêu diệt những đối thủ tư tưởng và chính trị . Ðiều này làm cho các cuộc khủng bố trở nên đặc biệt dã man tàn bạo. Khác với cảnh sát quốc gia, bọn SS và SA không xem khủng bố là thừa hành công vụ, mà như lễ khải hoàn để thể hiện sự cống hiến của bản thân mình cho Ðảng Phát Xít, đảng hứa hẹn cho chúng những ưu ái vật chất và chính trị tương lai.
Quyền cai quản các cuộc tập trung cải huấn cũng dành cho SS và SA, chứ không phải là cảnh sát quốc gia. Chúng giữ vai trò này cho đến tận ngày tàn cuối cùng của chế độ quốc xã. Ðiều đó giải thích tại sao, trong thời gian rất dài, giới cầm quyền Ðế Chế 3 có thể giữ được bí mật những tội ác tày đình trong các trại tập trung cải huấn, ít ra là đối với nhân dân Ðức (những trại trung cải tạo này được xem như trại cải tạo lao động hay giam giữ tù binh). Không phải ngẫu nhiên mà trong một công văn nào đó, Hex đã công nhận rằng lính SS là đặc biệt cần thiết cho những nhiệm vụ quốc gia quan trọng, vì chúng được giáo dục theo tinh thần tư tưởng quốc xã tốt hơn, so với những bộ phận khác.
Ðấy là những trường hợp điển hình mà những tổ chức của đảng đảm nhận những chức năng quốc gia.
Những chức năng như thế cũng được cả những tổ chức đảng "thuần túy" đảm nhận, đặc biệt là ở cấp Bí Thư Khu Ủy, nơi những nhiệm vụ của đảng và nhà nước giao nhau một cách rõ ràng nhất. Một thí dụ điển hình, ngày 27.3.1942, Zaucel Bí Thư Khu Uy Tiuringya được bổ nhiệm làm Toàn Quyền Ðặc Biệt về vấn đề sử dụng sức lao động - một nhiệm vụ hành chính thuần túy. Và với sự đồng ý của văn phòng Trung Ương Ðảng, Zaucel đã bổ nhiệm những Bí Thư Khu Uy khác làm Toàn Quyền về sử dụng sức lao động trong những vùng tương ứng. Nhiệm vụ của những người này được Zaucel xây dựng như sau: "Ðảm bảo sự cộng tác tương hỗ, liên tục giữa những cơ sở nhà nước, đảng, quân đội và kinh tế nhằm đạt được hiệu quả cao nhất trong vấn đề sử dụng sức lao động."
Trong chiến tranh, tất cả những Bí Thư Khu Uy đều trở thành Toàn Quyền Quốc Phòng Ðế Chế và chịu trách nhiệm điều hành nền kinh tế quân sự (theo sắc lệnh đặc biệt ngày 1.9.1939). Về sau, các khu vực (vùng), đều trở thành quân khu và các Bí Thư Khu Uy trở thành Tổng Chỉ Huy của vùng tương ứng. Các chính quyền cấp huyện, giữ trách nhiệm kiểm soát giá cả, cũng chịu sự lãnh đạo của Bí Thư Khu Uy trên danh nghĩa Tổng Chỉ Huy Quốc Phòng. Các Bí Thư Chi Bộ cũng thực hiện những nhiệm vụ mang tính chất chính quyền. Trong sách Hướng Dẫn Tổ Chức có ghi: "Bí Thư Chi Bộ có nhiệm vụ phát hiện tất cả những kẻ có quyền hay tung tin đồn có hại, và báo cáo với Bí Thư Huyện Ủy để vị này thông báo với các cấp chính quyền".
Những việc tương tự cũng diễn ra ở Italia. Sau năm 1923, công an phát xít được thành lập - công an của đảng được trang bị vũ khí của nhà nước và thi hành những nhiệm vụ quốc gia. 
 
E- Thống nhất những tổ chức tạm thời của đảng và nhà nước phát xít.
Trước khi nắm chính quyền, Ðảng Quốc Xã đã thành lập lực lượng cảnh sát riêng (SS) và quân đội riêng (SA). Như chúng ta đã biết, những năm đầu SS và SA là những tổ chức của đảng nhưng thi hành những nhiệm vụ quốc gia: tổ chức những vụ khủng bố "kẻ thù của nhân dân và nhà nước", tiến hành các cuộc bắt giam triệt để, tấn công các đảng phái chính trị, kiểm soát những trại tập trung cải huấn, v.v...
Những năm về sau, khi chế độ quốc xã đã bền vững, "Ðảng đã trở thành Nhà Nước", những tổ chức này cần được thống nhất với cảnh sát quốc gia để tập trung sức mạnh cho chính quyền.
Ngày 1.3.1933, 50 nghìn lính SS và SA được biên chế cho cảnh sát quốc gia để "củng cố ngành cảnh sát".
Ngày 17.6.1936, Hitler sát nhập Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Ðức và thủ lĩnh SS.
Việc sát nhập giữa SA và quân đội có phần khác biệt. Trước đây Ðảng Quốc Xã đã sử dụng đội quân này trong nhiệm vụ kiểm soát các đường phố. Vào năm 1934, SA phát triển rất nhanh và đạt tới con số 4,5 triệu. Các sĩ quan SA: Rom, Haincxt, Siretl, C.Ernxt, v.v... muốn SA được sát nhập với quân đội để trở thành chỉ huy của nó. Nhưng điều này đe dọa toàn quyền của các thủ lĩnh chính trị. Họ không an tâm với sức mạnh tiềm tàng của đội quân đông đảo này.
Ðiều đó gây nên mâu thuẫn giữa các thủ lĩnh chính trị (Hitler, Goring, Gobelx, Himler...) và Ban Lãnh Ðạo SA, nên đã trở thành nguyên nhân gây ra sự kiện ngày 30.6.1934 (Ðêm Của Những Lưỡi Gươm Dài- ND). Các thủ lĩnh chính trị đã thủ tiêu toàn bộ Ban Lãnh Ðạo Quân Sự SA, và đẩy vai trò của đội quân này xuống hàng thứ hai. Từ đó lực lượng SA rơi rớt dần, và đến năm 1940, con số này chỉ còn 1,5 triệu.
Trong chiến tranh, về hình thức SA vẫn là đội quân riêng của Ðảng, song thực chất là đã sát nhập với quân đội chính quy. SA tham chiến trong cùng điều kiện với quân đội chính quy, chịu sự chỉ huy của các tướng lĩnh, không còn được hưởng ưu ái và những quyền lợi đặc biệt trước đây. Tạp chí bí mật De Lage của Gobelx viết: "Vào mùa thu năm 1944, quân số SA là 1,7 triệu. Trong đó 1,2 triệu đã được động viên vào quân đội".
Một thí dụ minh họa khác là việc sát nhập giữa SD và Zetapo. Ban đầu SD được thành lập như là một tổ chức mật thám cuả SS, và sau ngày 4.6.1934 trở thành đội quân đặc biệt của Ðảng Quốc Xã; còn Zetapo là tổ chức cảnh sát nhà nước. Ngày 26.6.1936, Haidrex- thủ lĩnh SÐ được bổ nhiệm là Giám Ðốc Cảnh Sát An Ninh, bao gồm Zetapo và mật thám SS.
Năm 1937, tổ chức đối ngoại của Ðảng Quốc Xã (AO) cũng được sát nhập vào Bộ Ngoại Giao: "Mối liên quan chặt chẽ giữa AO và Bộ Ngoại Giao cho phép các đại sứ quán Ðức kiểm soát được những hoạt động của những công dân Ðức sống ở nước ngoài".
F- Nhà nước bảo vệ đảng phát xít.
Kết quả của việc sát nhập bộ máy Ðảng và Nhà Nước là Ðảng Phát Xít trở thành Nhà nước, thành hạt nhân tổ chức của nhà nước, vì vậy nhà nước cần bảo vệ đảng. Ðảng Phát Xít được pháp luật nhà nước bảo vệ . Mọi hành động chống đảng được pháp luật xem như là chống lại nhà nước. Bọn quốc xã ban hành điều luật đặc biệt về những hành vi chống lại nhà nước, đảng và bảo vệ tổ chức đảng. Theo luật này, những người có biểu hiện chống lại Ðảng Quốc Xã và giới lãnh đạo Ðảng sẽ phải chịu những hình phạt nặng nề, bởi vì do sát nhập giữa đảng và nhà nước, lãnh đạo đảng cũng là lãnh đạo nhà nước; xử tù những người phát ngôn có hại nhằm chống lại chế độ quốc xã.
Có thể hiểu rõ mức độ liên quan mật thiết giữ Ðảng Quốc Xã và Nhà Nước, sự quan tâm của các cấp chính quyền nhà nước đối với đảng và quyền lợi của đảng, thông qua một chỉ thị của Martin Borman gửi các cơ sở đảng, trong đó cho phép những cơ sở này có thể sử dụng sự bảo vệ của Zetapo: "Ðể hiện thực sự liên quan mật thiết giữa các cơ sở đảng và những tổ chức của đảng trong Ban Lãnh Ðạo Cảnh Sát Bí Mật Quốc Gia (Zetapo), Phó Thống Lĩnh đề nghị Ban Chỉ Huy Zetapo được mời tham dự tất cả những cuộc mít tinh quan trọng của đảng và các cơ sở đảng."
Một chỉ thị khác yêu cầu các chính quyền nhà nước, đặc biệt là những chính quyền cao cấp, phải giúp đỡ các Bí Thư Khu Ủy trong vấn đề sử dụng sức lao động: "Các cán bộ trong những cơ sở kinh tế nhà nước cao cấp có nghĩa vụ phải giúp đỡ cho các Bí Thư Khu Ủy và thông báo với họ những vấn đề quan trọng nhất trong việc sử dụng sức lao động".
Ðể bảo vệ Ðảng Phát Xít không bị các công dân công kích, nhà nước quốc xã theo dõi gắt gao những người làm công tác nghệ thuật. Những nghệ sĩ có tư tưởng chống đối đảng và nhà nước đều bị đuổi khỏi nghành nghệ thuật. Báo Folcser Beobachter, số ra ngày 4.3.1939 thông báo: "Bộ Trưởng Bộ Tuyên Truyền Và Giáo Dục Nhân Dân - Gobelx, thải hồi khỏi ngành văn hóa nhà văn Vener Finc, nhà đạo diễn sân khấu Peter Zahe (Curt Pabxt) và Bộ Ba Puland: Xelmut But, Vilelm, Maixner và Marnfred Dlugị Và đồng thời cấm những người này không được công bố tác phẩm của mình ở Ðức".
Tất cả mọi chuyện cười, tiếu lâm chính trị, nhằm công kích Ðảng Quốc Xã và giới lãnh đạo đảng đều gặp sự cản trở của pháp luật. Ngày 20.12.1934, điều luật đặc biệt về sự phản bội trong đảng được ban hành, những kẻ "phản bội" phải chịu những hình phạt nặng nề nhất: trước hết bị khai trừ khỏi Ðảng Quốc Xã thông qua tòa án của đảng, sau đó bị đuổi việc, bị bắt giam vào trại tập trung hoặc bị tử hình, phụ thuộc vào mức độ phạm tội.
Ở Italia, trong thời gian phát xít cầm quyền, cũng tồn tại điều luật đặc biệt bảo vệ Hội Ðồng Phát Xít Tối Cao và những thành viên của nó (nghĩa là Ban Lãnh Ðạo Ðảng Phát Xít).
Những người có biểu hiện chống lại Hội Ðồng Phát Xít Tối Cao sẽ bị xử tử hoặc phạt tù khổ sai. 
 
G- Nhà nước trả lương cho bộ máy đảng phát xít.
Nắm quyền điều hành nhà nước, Ðảng Phát Xít tự đảm bảo cho mình những khả năng tài chính vô hạn. Nó không chỉ trao vị trí trọng trách cho những đảng viên của mình, mà còn trực tiếp sử dụng ngân sách nhà nước cho những nhu cầu thuần túy của nó: thứ nhất, trả lương cho các cán bộ đảng; và thứ hai, cấp kinh phí cho những hiệp hội và tổ chức của đảng.
Các cán bộ đảng nhận lương như những công chức về những nhiệm vụ mà họ hoàn thành, và bị mất lương nếu như cấp lãnh đạo đảng cao hơn đánh giá là không xứng đáng.
Lương của cán bộ đảng không chỉ cao hơn, so với mức lương lao động trung bình, mà còn cao hơn cả lương của những chuyên gia (kỹ sư, bác sỹ, giáo viên, họa sỹ...), bởi vì đối với chế độ, những người này được xem là có giá trị hơn nhiều so với các chuyên gia; chế độ dựa vào họ chứ không dựa vào các chuyên gia. Do đó về vật chất, các cán bộ đảng được ưu đãi hơn nhiều so với quần chúng nhân dân, họ tách khỏi quần chúng và tạo thành một tầng lớp lãnh đạo xã hội đặc biệt mà ở Ðức gọi là "tập đoàn lãnh đạo chính trị" .
Ðặc điểm của tầng lớp này không chỉ thể hiện ở chỗ nó lãnh đạo và điều hành đất nước, mà còn ở cách sống tư bản hãnh tiến với khả năng ưu đãi về tài chính. Trong bối cảnh đó, đảng cầm quyền phát xít bị mua chuộc, còn các cán bộ đảng không tránh khỏi trở thành những kẻ quan liêu, gắn bó với ban lãnh đạo đảng nhiều hơn là với tư tưởng của đảng, gắn bó với tài chính của đảng nhiều hơn là với quần chúng đảng viên.
Ðiều này giải thích một hiện tượng, mới thoạt nhìn tưởng như khó hiểu, rằng trong cuộc sống tinh thần phát xít nghiêm ngặt, những người trong giới cầm quyền chóp bu, được quảng đại quần chúng xem như những tấm gương trong sáng về lòng tận tụy: Hitler, Goring, Gobelx, Himler, Rozenberg, Laị.. - sau thất bại của nhà nước quốc xã mới lộ ra mức giàu có khủng khiếp qua những khoản tiền khổng lồ gửi ở nhà băng nước ngoàị Những người đã từng khơi dậy những tình cảm tốt đẹp trong nhân dân và thế hệ trẻ, khơi dậy lòng căm thù trước những biểu hiện lạc loài (không Ðức), đã đánh cắp tiền của dân đi gửi ở... nước ngoài, chủ yếu là ở các nhà băng Thụy Ðiển! Chỉ với việc xuất bản cuốn sách Cuộc Chiến Ðấu Của Tôi (Main Kampf), phát hành gần như bắt buộc, Hitler nhận được 4 triệu Dola vào thời kỳ đầu chiến tranh; Gobelx có tài sản ở nước ngoài trị giá 4,6 triệu Dola; Himler có khoảng 6 triệu; người giàu có nhất trong giới cầm quyền chóp bu là Goring, với những biệt thự và lâu đài nguy nga, với nhà tắm lát bằng vàng tấm.
Ðương nhiên, ngân sách của đảng không phải là nguồn làm giàu duy nhất cho bộ máy lãnh đạo. Cùng với ngân sách của Ðảng Công Nhân Quốc Xã, bọn này còn có những vị trí, trọng trách nhà nước tại những cơ sở công- nông nghiệp then chốt, những cơ sở mà vì vai trò đặc biệt của Ðảng Phát Xít cần phải có đại diện được trả lương của đảng. 78 vị trí trong các Ban Quản trị và Cố Vấn quan sát của 24 tập đoàn công nghiệp lớn nhất đều do các thành viên phát xít chiếm giữ.
Nắm trong tay một vài trọng trách đảng, nhà nước cộng với vị trí đại diện danh dự cho một tập đoàn kinh tế nào đó, cho phép bọn chóp bu phát xít làm giàu nhanh chóng. Ðiều này chỉ đặc trưng cho giới lãnh đạo lớn, hơn là các cán bộ đảng cấp thấp. Khi công ty công nghiệp lớn nào đó chọn cán bộ đảng, để đại diện cho quyền lợi của nó trước đảng và nhà nước phát xít, lẽ đương nhiên nó cần những cán bộ cao cấp hơn cán bộ bình thường. Bởi thế trong vấn đề tài chính, giới lãnh đạo đảng chóp bu và những Bí Thư Khu Ủy được ưu ái hơn hết.
Trong vấn đề này càng thể hiện rõ nét bản chất ăn bám của đảng phát xít. Song song với bộ máy nhà nước, bộ máy đảng- bộ máy trên nhà nước (ở Ðức, con số này vào khoảng 800 ngàn người) cũng được thành lập như chỗ dựa xã hội của chế độ . Vì ngay từ đầu đã không có những nhiệm vụ cụ thể, bộ máy ăn bám này hoạt động tích cực một cách giả tạo bằng cách tổ chức những cuộc diễu binh, mít tinh, diễu hành, tuần hành dân chủ, tưởng niệm những địa danh có các chiến sĩ phát xít hy sinh, các chuyến bay tập thể, các cuộc thi thể thao, quân sự, những ngày hội dân tộc, làm tổn hại rất nhiều cho ngân sách nhà nước. Chỉ cần dẫn chứng ra đây "những ngày hội" của Ðảng Quốc Xã tại "Thủ Ðô Ðại Hội" - Nuernberg. Trong suốt cả tuần lễ, Ðảng Quốc Xã phải chịu toàn bộ phí tổn về tàu, xe, ăn, ở... cho hành trăm ngàn người đến từ mọi miền đất nước.
Nếu như ở nền dân chủ tư sản có nguyên tắc cơ bản: "Ai có tiền, người đó có quyền lực", thì tại chế độ phát xít- hoàn toàn ngược lại: "Ai có quyền lực, kẻ đó có tiền", và "quyền lực càng lớn, thì tiền càng nhiều".
Ðiều này giải thích nguyên nhân tranh giành quyền lực điên loạn của các cán bộ đảng và nhà nước, khác xa với cách nhìn nhận về quyền lực tại các nước tư sản dân chủ . Ở các nước này, những người làm chính trị có tài sản riêng (nhà máy, hãng, công tỵ..), bởi thế, về mặt tài chính họ không phụ thuộc vào nhà nước và không phải bao giờ cũng liên quan chặt chẽ đến quyền lợi nhà nước, còn với đảng quốc xã và bộ máy lãnh đạo của nó, thì nhà nước là nguồn thu nhập quan trọng duy nhất. Như vậy đảng phát xít, và đúng hơn bộ máy lãnh đạo đảng, đã biến nhà nước thành công cụ để cùng nhau bóc lột xã hội và nền kinh tế quốc dân.

<< Phần mở đầu | Phần I(b) >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 743

Return to top