Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Mỗi bận về quê

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 662 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mỗi bận về quê
Đức Trí
Mỗi khi có dịp về quê lòng tôi lại tràn ngập một niềm vui. Đường về quê khiến lòng tôi thanh thản lại. Bao nhiêu buồn lo, bao nhiêu bận bịu, bao nhiêu những suy nghĩ vẩn vơ vô nghĩa lí cứ tan biến dần dần theo từng bước bánh xe. Ý nghĩ về quê giúp tôi thêm tin yêu, niềm vui tin cuộc sống. Quả quê hương giúp ta thêm sức mạnh như vị thần nọ cứ mỗi lần gót chân chạm vào đất mẹ là lại được thêm năng lượng chiến đấu chống kẻ thù.
Mỗi góc ruộng, mỗi con đường hay bờ cây, mương nước ở quê đều gợi trong tôi nhiều kỉ niệm êm đềm, đẹp đẽ tuổi thơ tôi. Tuổi thơ tôi sống trong nghèo nàn lam lũ. Bàn chân tôi đã lội bùn lội ruộng, bắt cá mò cua gắn bó với đồng chiêm thân thiện. Dầu là vậy nhưng tôi chẳng bao giờ thấy thế là vất vả hay khổ cực gì. Trái lại tôi chỉ thấy thân thương, gắn bó. Mỗi lần nhớ lại tuổi thơ tôi chỉ thấy trào dâng một niềm yêu mến xen lẫn tự hào, mình đã đi qua một thời gian khó.
Quê tôi, một làng quê nghèo nằm bên dòng Lô trong xanh với ngọn tháp cổ kính còn tươi rói màu son mặc cho nắng mưa tắm gội mà tháp chẳng hề rêu mốc, chẳng hề cũ đi. Những cánh đồng chiêm mỗi mùa nước lũ, nước lại dâng trắng đồng, thấp thoáng bóng thuyền cóc đánh cá lượn dọc, lượn ngang. Những ngày nước cạn tôi đi kéo chũm, đi đơm tôm, đi bắt cua. Những con cua đồng nằm trong hang đá cặp rách da tay mà tôi chẳng hề thấy đau bao giờ.
Kia là cánh đồng dộc Chùa, nơi ấy ngày xưa tôi nằm phục mỗi buổi chiều đánh cạm cuốc. Những con cuốc ngờ ngệch, lần theo dấu trấu rắc đi dần về phía cạm, đến gần cạm, cu cậu nhặt được vài hạt thóc, ăn song nghiêng ngó sang phía bên kia thấy vẫn còn vài hạt nữa. Loay hoay một lúc chú quyết định chui đầu vào cạm để nhặt hạt bên kia, thế là sau một cái soạch chú đã thuộc về tôi.
Mỗi năm về quê, nhìn lại những người làng, những người anh em mình lại thấy dấu thời gian hằn trên từng khuân mặt, trên những mái tóc đang ngả sang muối tiêu. Năm tháng trôi đi nhanh quá!
Bà chị tôi người nhỏ mà rắn chắc. Giọng chị vang, khoẻ, vui tươi lắm, hồn nhiên lắm. Gặp tôi bao giờ chị cũng vui, bởi có cậu em vừa hiền ngoan, vừa khéo nịnh. Đấy, chị đang cười tít vì cái vui vừa sắm được xe máy cho con. Cái cách chị khoe thật khéo mà cái cách chê trách người cũng thật tự nhiên, thật hồ hởi.
Ơ, cái chú Hoàng dạo này tính cách thay đổi hay sao! Hoàng là em tôi, em con bà cô. Mỗi bận gặp hắn tôi lại chuẩn bị để nghe hắn nói. Có lúc hắn chê tôi, có lúc hắn lại nịnh tôi. Cả khi chê lẫn khi  nịnh đều quyết liệt, gay gắt, bốc lửa. Hắn là con người của “không bình thường”. Luôn luôn phải trên mức bình thường. Sao lần gặp này bỗng dưng đổi khác. Điềm đạm hơn, mực thước hơn. Nói năng đã ra dáng một người chững chạc. Đã già rồi sao, đã chín chắn rồi sao, đã bớt đi những cái kiêu, cái hăng của tuổi trẻ rồi sao. Tôi ngắm nhìn Hoàng. Ờ, đã đến tuổi “Tri thiên mệnh” rồi, đã thành ông nội rồi. Khi người ta đã trải đời, người ta trở nên nhân ái hơn, bao dung độ lượng hơn, thanh thản nhẹ nhàng hơn.
Tôi lại nhớ, tiếc chú Hoàng xưa. Trẻ trung, sôi nổi, luôn luôn trên mức bình thường. Một lời nói không xuôi tai mình, lập tức dựng ngược lên đầy tức khí. Mặt đỏ, tai đỏ. Miệng gầm gào, chân tay vung vẩy. Rồi lí luận, rồi biện bác, rồi quyết làm ra lẽ. Dầu có làm khó chịu một vài người nhưng như thế tôi lại thấy vui. Lối hành xử ấy nó thật lắm, sống động lắm, tươi tắn lắm, và rất người nữa.
Cái ung dung, điềm đạm nó là của những người từng trải. Cũng có thể là của những người khôn. Những người khôn, họ cũng có cái cách giông giống như những người từng trải. Họ chẳng bao giờ thể hiện mình, chẳng bao giờ bày tỏ ý kiến. Họ luôn luôn im lặng, luôn luôn mỉm cười, cái cười hiểm sâu, tinh quái. Những điều mình nói họ hiểu hết rồi sao, họ trải hết rồi sao? Hay là họ chỉ lặng im để chờ nghe kẻ mạnh. Là người khôn họ cũng chẳng bao giờ hùa theo kẻ mạnh trước mặt mọi người. Sống giữa những người khôn, mình cũng phải giở mặt khôn. Thế là chỉ còn sự im lặng, chỉ còn những chuyện tầm phào, nhạt nhẽo, vô nghĩa lí.
Người quê, chủ yếu là nông dân, là người làm ruộng. Lâu ngày gặp lại mình phần lớn anh em ngần ngại, thành ra chỉ còn sự im lặng. Nhưng mà tôi biết sự im lặng kia là thành thực. Khi uống rượu rồi, cao hứng, vui say câu chuyện mới thật là nồng nhiệt. Nhưng mà tôi đã yếu rồi, không thể chiều nhau mà uống cho say được nữa. Cả bao nhiêu người cùng uống mà anh nỡ ngồi im sao, anh cũng nâng lên mà anh không uống sao. Mà sao ngày xưa anh uống hăng hái thế, nhiệt tình thế, thành thật thế. Hay là anh giở mặt khôn? Hay là anh coi thường chúng tôi quê mùa dốt nát nên mới uống rượu say? Anh em hãy thông cảm cho tôi, tôi không thể trăm phần trăm lia lịa như cái ngày nào - ôi, thời gian. Thông cảm thì vẫn thông cảm nhưng mà buồn. Ơ, cái anh này, sao mà hay nói chuyện buồn làm vậy. Anh dám bắt chước người xưa sao. Cái buồn của người xưa là cái buồn vượt thời gian, buồn xuyên thế kỷ, buồn qua mọi kiếp người. Cái buồn của anh nhỏ bé quá, vặt vãnh quá, tủn mủn quá. Ờ, không thể chiều nhau một cái vui nho nhỏ mình cũng vẫn lấy làm buồn chứ sao.
Mỗi bận về quê, vui buồn lẫn lộn, nhưng có một sự thực là ta được tiếp thêm sức mạnh bởi lòng tin yêu cuộc sống, bởi cái mộc mạc, chân thành của người quê, cảnh quê.


Ngày 01.05.2007

Đ.T.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 335

Return to top