Trò chơi súc sắc
Alain Danielou
"Chúng ta hãy bắt đầu", Jay Prakash nói như thế khi tất cả đèn đều được thắp lên. Họ ngồi chung với nhau và bắt đầu mở số. Phong tục chơi súc sắc để lấy hên thường được tổ chức vào đêm giao thừa của Lễ Hội Mùa Xuân. Jay Prakash đã mời được vài người bạn ở trường đến để chơi trò đỏ đen. Những người hầu, chân trần, đem đến những lá trầu, xoài, sinh tố trái cây đựng trong những hộp bằng bạc. Lalit hít thở mùi hương ấm áp từ khu vườn, cảm thấy thoải mái trong ánh sáng tràn ngập của gian phòng, với những gối đệm sang trọng. Lalit chơi một cách hời hợt, và thảy những con súc sắc ra khỏi tấm nhung vuông.
Jay Prakash lớn tiếng : " Nầy! phải chú ý vào trò chơi chớ."
Lalit phải cố gắng để tinh thần khỏi bị choáng váng bởi những tiện nghi trong căn nhà lớn nầy. Lalit cố gắng chơi cho đàng hoàng, nhưng Lalit thật chẳng được hên chút nào. Lalit thua sạch hết và muốn nghỉ chơi. Jay Prakash bực mình nói : " Sao mà chơi xấu thế ? "
" Tôi đã thua hết tiền rồi, tôi không muốn chơi nữa. Các bạn cứ tiếp tục chơi đi. Thần tài chẳng ngó đến tôi. "
" Nói nhảm! Tôi sẽ cho anh mượn trước: chúng ta không đánh cuộc lớn. Ðừng có hà tiện như thế."
Không trả lời, Lalit lại tiếp tục trò chơi, nhưng Lalit cứ thua hoài. Trông Lalit rất thảm hại khiến các bạn cười vang, và cuối cùng thì Lalit cũng tự cười mình.
Vào tảng sáng, Lalit đã nợ Jay Prakash rất nhiều. Lalit đi ra khu vườn còn đẩm hơi sương, đẩy nhẹ cánh cửa cổng và thẳng bước trên con đường không một bóng người. Lalit hơi ngập ngừng một chút khi hướng về trường nội trú, và rồi quay lưng đi .
Vài ngày sau, Jay Prakash sửa soạn trở lại trường. Người hầu cho chàng hay có một người đàn bà trẻ muốn được tiếp chuyện. Chàng đi ra khu vườn và thấy một người con gái y phục tầm thường, với một chấm đỏ giữa trán của người phụ nữ đã lập gia đình. Chàng nhận ra được là vợ của Lalit. Người phụ nữ nói : "Anh ấy đã bỏ đi, và chúng tôi không rõ anh ấy đã đi đâu. Và đây là bức thư anh ấy viết cho anh."
Nói xong, nàng ngồi sụp xuống đất và khóc nức nở.
Jay Prakash cầm lấy thư và đọc : " Anh Jay Prakash, Thượng đế đã ban cho tôi một gia đình không giàu. Vì lòng tự cao, tôi đã cố che dấu thân phận của mình. Cha mẹ tôi phải rất khó nhọc và cần kiệm mới có thể gởi tôi đi vào đại học. Tất cả những gì gia đình tôi sở hửu, cũng không thể nào trả hết nợ mà tôi đã vay của anh. Tôi thấy xấu hổ lắm và tôi phải ra đi. Xin vĩnh biệt."
Jay Prakash muốn hỏi thăm thêm, nhưng người đàn bà trẻ chẳng biết gì hơn. Nàng ra về, vừa đi vừa khóc, dáng đi trơ trọi, nhỏ bé.
Jay Prakash là bạn lâu năm của Lalit. Jay Prakash nghĩ đến lời châm biếm mỉa mai của mình đêm qua, và cảm thấy có lỗi . Ðể chuộc lỗi, anh nhất quyết phải tìm đủ mọi cách để kiếm lại Lalit. Anh tuyên thề không lập gia đình cho đến khi nào tìm lại được Lalit .
Anh gửi người đi mọi phương để kiếm Lalit. Nhưng hoài công, bao năm tháng trôi qua nhưng Lalit vẫn bặt tin. Hai năm sau, vợ Lalit mất.
Ngày nay, không còn bao người nhớ đến câu chuyện nầy. Nhưng, để trung thành với lời thề ước, Jay Prakash không hề lập gia đình. Nỗi buồn trong thời niên thiếu đã ảnh hưởng rất nhiều đối với cả cuộc đời của anh sau nầy. Không phải là Jay sống một cách buồn chán hay khốn khổ, nhưng dường như trong lòng anh luôn kiếm tìm một cái gì đó mà chính anh cũng chưa bao giờ hiểu được.
Bao năm trôi qua, và rồi thêm bao năm nữa.
Trong vài năm nay, Jay Prakash sống trong một căn nhà tồi tàn đối diện với dòng sông. Ánh sáng long lanh như ngọc đùa trên mặt nước gợn sóng lăn tăn, dòng sông trở thành người bạn đồng hành, gói trọn niềm vui và vẻ đẹp, mà chính trong lòng Jay không thể nào cảm nhận được.
Vào buổi sáng sớm, tiếng cầu nguyện, tiếng hát, những buổi lễ rửa tội đánh thức Jay dậy như những tiếng chim quen thuộc. Ðôi mắt anh ngắm nhìn những thân hình trần trụi, những chiếc áo sặc sỡ như mong đợi ai. Anh vui thú ngắm nhìn các trẻ em chơi những trò chơi của chúng, những ông già râu bạc, và những mái tóc dài của các ẩn sĩ rời hang động để đi hành hương.
Jay Prakash nghĩ rằng phải có cái gì thật và đẹp hơn ở cõi đời, vì tất cả vẻ đẹp và màu sắc anh đang thưởng thức đã phản ảnh lên điều nầy.
Trong một thời gian dài, anh đã tìm câu trả lời nơi những bài viết của các ẩn sĩ, và triết gia, nhưng vẫn chẳng tìm thấy gì, vì trong lòng anh vẫn còn niềm thao thức.
Mỗi ngày anh nghe những người đi hành hương kêu lên :
O Sông Hằng, Mẹ của chúng tôi, trước khi họ ngâm mình vào dòng nước thiêng liêng.
Ngày nào cũng thế, câu nầy lọt vào tai anh, và dần dần anh trở nên nhạy cảm hơn, cho đến khi anh khám phá ra tình yêu của mình dành cho con sông thiêng liêng, và cảm nhận được vẻ đẹp mênh mang của nó.
Anh hiểu rằng mình có thể ném vào lòng sông những nhọc nhằn đang đè nặng trong lòng . Thành phố với những lâu đài, vườn hoa, bài hát, lời nguyện như là những trang sức cho dòng sông thiêng liêng nầy. Dòng sông như đã nối liền với tâm hồn anh, và đã mang lại cho anh một thông điệp hòa bình. Anh nghĩ rằng mình cần phải đi ngược dòng sông, đến tận mạch nguồn của nó, đến ngay cánh cổng của thiên đường.
Tình yêu đối với dòng sông và ý nghĩ đi tìm mạch nguồn của anh lớn dần theo thời gian, cho đến một hôm- anh nghĩ đến việc làm một cuộc hành trình đến tận nguồn sông Hằng, chỗ mà người người coi là nơi thiêng liêng, huyền bí. Ðiều nầy như một tiếng gọi xa lạ được lập đi lập lại bằng những ngọn sóng vỗ vào bờ. Ðiều nầy dần dần lớn mạnh trong lòng anh, cho đến một hôm, khi anh cảm thấy mình già và yếu đi, và anh nhất định rời nhà không chút chậm trễ để đi hành hương trước khi từ giã cõi đời .
Jay Prakash làm một cuộc hành trình trong trạng thái nữa tỉnh, nữa mê với nhiều ngây ngất. Anh không chú ý đến những chuyến xe lửa, những người khuân hành lý, hay đám đông. Những khó khăn gặp phải trên đường hành hương chỉ làm tăng thêm giá trị chuyến đi, và niềm hân hoan vui vẻ mà anh cảm nhận được đang đầy dẫy trong lòng. Anh bước xuống xe lửa, trước một ga nhỏ dưới chân núi, một con đường nhỏ dành cho khách hành hương được bắt đầu từ Badrinath.
Anh đi bộ một mình trên con đường ven theo nhánh sông - bấy giờ là một thác nước đang reo vui. Bên đường, những người hành hương ngoan đạo đã xây những căn nhà để khách du hành có thể nghỉ qua đêm. Con đường thật vắng vẻ. Thỉnh thoảng anh thấy những người hành hương ngược đường đi xuống. Thấy anh hấp tấp đi, họ nói với anh : Nầy, Cụ ơi, mùa lễ đã hết rồi. Tất cả con đường sẽ bị chấn lối vì tuyết. Hãy về đi và mùa Xuân sau hẳn trở lại.
Nhưng Jay Prakash biết rằng mình không thể nào có được mùa Xuân năm sau; sự quyết tâm đã thúc đẩy thân thể gầy gò của anh tiến bước, mặc cho gió lạnh, mặc cho mệt mỏi.
Sau bao khó nhọc, ngày nọ anh thấy mình đứng dưới một vách đá hùng vĩ, nơi mà anh mong được nhìn thấy , rồi chết cũng vui lòng.
Một chiếc xe vận tải ngược chiều , chạy ngang anh - người khuân nào là chuông, nào là chiêng, khánh, nào là dĩa bạc. Họ là những thầy tu nơi ngôi đền của sông Hằng, họ rời đền khi mùa Ðông đến, và năm nào cũng thế. Không một người nào có thể chịu đựng nỗi mùa Ðông tại đây. Vài người thầy tu đến gần ông lão lạc đường , bắt ông phải đi về với họ. Trên đường về, họ đóng cửa tất cả những căn nhà nghỉ cho khách du hành. Nhưng Jay Prakash không muốn trở về. Ðây là cuộc hành trình cuối cùng của anh, có gì quan trọng hơn ? Theo tiếng gọi trong tâm thức mình, anh đến đây để lễ tạ trước mạch nguồn của dòng nước thiêng và anh sẽ không đi về, nếu chưa tròn nguyện ước. Anh năn nỉ một trong những vị thầy hãy trở lại mở cửa cho anh dù chỉ một chút thôi. Nhưng họ từ chối. Anh hứa dâng tặng tất cả những gì anh có cho họ, nhưng hoài công. Họ đã để cho các Thần ngủ trong mùa Ðông, họ nói : cánh cửa một khi đã đóng lại rồi thì chỉ được mở ra khi mùa Xuân đến. Bầu trời bắt đầu đe dọa . Không thể nào khuyên lơn "ông già" cứng đầu, họ bỏ đi.
Chiều xuống, mệt mỏi, Jay Prakash đến được ngôi đền. Anh làm lễ đi nhiễu vòng và lay mạnh cánh cửa lớn một cách vô vọng; đuối sức, anh té lăn xuống những bậc thềm. Anh không rõ mình đã nằm bất tỉnh trong bao lâu. Nhưng hình như có một niềm hạnh phúc lạ lùng xuất hiện trong lòng; một sự ấm áp, yên tịnh bao phủ, như vỗ về, như âu yếm. Có phải anh đã chết rồi không ? Bỗng một bàn tay rắn chắc ấn mạnh vai anh, tiếp đó là một giọng nói . Ngẩng đầu lên, Jay Prakash thấy một ẩn sĩ, gần như khỏa thân, râu tóc dài, với thắt lưng bằng sắt, một cây đinh ba trong tay. Khuôn mặt hõm sâu, nhưng thân hình thì vẫn như thanh niên- tất cả các du sĩ đều giữ được thân hình như thế.
Nầy anh bạn, anh không thể ở lại đây đêm nay đâu. Hãy đi theo tôi, rồi ngày mai anh muốn đi đâu tùy ý.
Ánh sáng cuối cùng cho thấy những cụm mây dầy đặc : báo hiệu cho cơn gío lạnh buốt sẽ thổi qua thung lũng nầy. Jay Prakash để cho ẩn sĩ dẫn mình đi. Họ trèo lên sườn núi bằng một con đường nhỏ hẹp cho đến khi đến dưới một cục đá to, xuất hiện một ngõ vào hang động. Trong động, trước một bàn thờ nhỏ, một ngọn đèn dầu đang cháy; giường ngủ làm bằng cỏ khô. Ẩn sĩ chỉ cho anh ngồi xuống và chia với anh phần ăn của mình, chỉ là bột nhồi với nước. Ẩn sĩ dường như không mặc gì dù trời đang rất lạnh. Ðể sưởi ấm Jay Prakash, ẩn sĩ đốt một nhóm lửa gần cửa hang. Sau đó, ngồi xuống bên cạnh, ông ta nói : Nầy anh bạn, đêm đông rất dài : chúng ta hãy chơi gì đi để cho qua thời gian.
Nói xong ẩn sĩ liệng ra mấy con súc sắc và chia ra mười lăm hòn sỏi trắng, mười lăm hòn sỏi đen làm thẻ ( thay thế tiền để đánh cuộc đỏ đen). Vừa nhác thấy mấy con súc sắc, Jay Prakash bất giác rùng mình. Anh đã không còn đụng đến chúng sau cái đêm đáng tiếc xảy ra cách nay đã lâu lắm rồi. Anh định từ chối nhưng khi bắt gặp ánh mắt sắc bén của ẩn sĩ, anh cuối đầu nhượng bộ. Anh đã quên bẳng luật của trò chơi nầy, anh cảm thấy cơn buồn ngủ đang đè nặng mí mắt. Nhưng vì sợ làm buồn lòng ẩn sĩ, anh tự nhủ phải chơi ít nhất là một bàn.
Ẩn sĩ dám đánh cuộc lớn và chơi rất giỏi, khiến cho Jay Prakash sau một lúc đã bị cuốn hút theo trò chơi. Một bàn rồi một bàn nữa...
Anh quên mệt mỏi và hết buồn ngủ, quên luôn đêm lạnh giá buốt bên ngoài. Anh như bị say thuốc khi thấy những hòn sỏi đen trắng thay phiên nhau đổi tay. Ẩn sĩ thua rất nhanh, nhưng khi mà ông ta chỉ còn một thẻ thì dường như ông ta hên trở lại, và thắng lại tất cả, cho đến khi đến phiên Jay Prakash thua hết chỉ còn một thẻ, thì ông ta thua trở lại.
Nhóm lửa đã tắt từ lâu. Jay Prakash nhận thấy là ánh lửa từ ngọn đèn dầu không khi nào chao động mà sáng như là một vị tinh tú bất động.
Anh định nói điều nầy với chủ nhân, nhưng vì đắm mình trong trò chơi, ẩn sĩ không màng để ý; và Jay Prakash cũng quên hết khi anh cố gắng chơi để được thắng cuộc.
Trời đã bắt đầu sáng mà cả hai đều không hay biết. Lần nầy đến lượt ẩn sĩ thắng và đây là lần thứ sáu mà ông ta lấy lại những hòn sỏi đã thua.
Jay Prakash chỉ còn lại năm hòn sỏi, còn bốn, còn ba, còn hai, còn một. Thần tài có thay đổi ý định không ? Không : lần nầy thì thần tài bỏ rơi Jay Prakash, và ẩn sĩ lấy đi hòn sỏi cuối cùng của anh. Ẩn sĩ đứng dậy, mỉm cười, và ra dấu cho Jay Prakash đi ra phía ngoài hang động. Ông ta đưa cho anh một vật gì đó được gói trong một miếng vải lụa.
Trời đã tốt. Hãy xuống núi đi anh bạn, hãy đến đền thờ và hãy dâng vật nầy như là lễ tạ của tôi.
Jay Prakash cảm thấy chẳng chút mệt mỏi sau một đêm không ngủ. Ngược lại, anh cảm thấy khỏe khoắn và tươi tỉnh. Anh ra khỏi động. Mây đã kéo đi, một ngọn gió ấm áp thổi lên từ dưới thung lũng.
Xuống triền núi, anh nhận thấy mặt đất đêm qua trơ trụi và cứng ngắt, sáng nay đã được phủ đầy hoa và cỏ. Khi anh gần đến đền thờ thì gặp một nhóm người mà anh nhận ra là những vị thầy tu đêm trước. Anh đến gần họ và nói : Các vị bỏ quên đồ à? Có thể nào mở cửa ra cho tôi lễ tạ một chút không? Các vị nầy dường như không nhận ra anh là ai, họ nhìn anh đầy ngạc nhiên. Một người trong nhóm nói : Chờ chút đã ông nội ơi, đền sẽ được mở cho tất cả mọi người; hôm nay là Lễ Hội Mùa Xuân .
Jay Prakash tiến gần bệ thờ và mở tấm vải lụa, lấy lễ vật mà ẩn sĩ đưa, để lên bục. Ðấy là một trong những hòn sỏi đã dùng làm thẻ trong trò chơi. Chợt Jay Prakash thấy hình như hòn sỏi được chạm chữ vào, và anh đọc được một chữ duy nhất Lalit .
Anh chạy về hướng hang động của ẩn sĩ. Nhưng triền núi phẳng lì và trơn láng. Chẳng có hang động và cũng chẳng có con đường nào.