Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Sẽ không ai cười

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 6352 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Sẽ không ai cười
Milan Kundera

Phần 1

Lời giới thiệu của dịch giả: Milan Kundera là một tiểu thuyết gia, điều này không có gì phải bàn cãi. Các nhà nghiên cứu văn chương Kundera thường cũng chỉ tập trung vào các tiểu thuyết mà bỏ qua tập truyện ngắn có thể nói là mở đầu văn nghiệp của ông: Những mối tình nực cười (Smesne lasky, tên bản tiếng Pháp của François Kérel là Risibles amours). Là các tác phẩm đầu tay, song bảy truyện ngắn trong Những mối tình nực cười không phải là những thử bút non nớt, nhiều khi tệ hại và ngớ ngẩn như ở trường hợp nhiều nhà văn, ngay cả các nhà văn lớn nhất. Kundera của Những mối tình nực cười (được viết tại Bohême từ 1959 đến 1968) đã ngay lập tức khẳng định được “đường cày” cho riêng mình trong cánh đồng văn xuôi rộng lớn. Các tiểu thuyết sau này sẽ tiếp tục triển khai các ý tưởng, khung cảnh, ngay cả cách hành văn và kết cấu của những truyện ngắn này. Trong một chừng mực nào đó, có thể nói rằng công việc nhà tiểu thuyết Kundera là một loạt các thao tác liên văn bản với đối tượng là các văn bản của chính mình: ông sẽ pastiche, chuyển hóa các văn bản đó để xây dựng các văn bản về sau. Khuôn khổ tiểu thuyết sẽ giúp Kundera mở rộng và đi sâu hơn những vấn đề mà Những mối tình nực cười đặt ra. Đường văn của Kundera bắt đầu từ một tâm điểm - Những mối tình nực cười - và sẽ tỏa về các hướng khác nhau giống như hình một ngôi sao nhiều cánh đều đặn. Tính đều đặn đó có thể thấy rõ ở dung lượng mỗi tiểu thuyết, ở kết cấu (nhất là kết cấu bảy chương hết sức đặc trưng mà ngay Những mối tình nực cười đã có - Năm 1970, khi đem xuất bản tập truyện, ông đã quyết định rút từ mười truyện ban đầu xuống còn có bảy, tự ấn định cho mình một mô hình văn xuôi.)

“Sau khi viết xong Điệu van giã từ, vào đầu những năm 70, tôi coi con đường văn chương của tôi như thế là đã xong”, Kundera viết trong Những di chúc bị phản bội (bản dịch của Nguyên Ngọc), ông cho biết tiếp là khi đến Pháp, ông quyết định viết văn trở lại nhưng không biết viết gì, nên đã thử viết một Những truyện tình nực cười thứ hai, mong tìm được lối thoát. Điều đó cho thấy tầm quan trọng mà Kundera gán cho tập truyện ngắn đầu tay và có thể nói là duy nhất của mình. (Ý định viết tập truyện đó không thành, nhưng nhà văn có thêm được một tiểu thuyết độc đáo là Sách cười và lãng quên). Khung cảnh bệnh viện và thành phố điều trị nước nóng của Cuộc hội thảoBác sĩ Havel hai mươi năm sau báo hiệu Điệu valse vĩnh biệt [tôi dịch tên tiểu thuyết La Valse aux adieux khác với nhà văn Nguyên Ngọc - ND] và phần nào Cuộc sống không ở đây; cô gái trong Trò chơi xin quá giang mang rất nhiều nét của Tereza trong Đời nhẹ khôn kham; các tư tưởng của Trò đùa đã nằm gọn trong Sẽ không ai cườiEdouard và Chúa; chiều tôn giáo của Edouard và Chúa sẽ được đào sâu đến kiệt cùng trong Điệu valse vĩnh biệt, trong đó tất cả các nhân vật đều muốn làm một vị chúa, chứ không chỉ có Edouard “tình cờ” đóng vai Chúa như trong truyện ngắn cuối cùng của tập này.

Trong một bài phỏng vấn năm 1989 trên tờ The Review of Contemporary Fiction, Kundera cho biết: “Cho đến năm 30 tuổi, tôi đã viết nhiều thứ: nhiều nhất là về âm nhạc, nhưng có cả thơ và một vở kịch. Tôi làm việc theo nhiều hướng khác nhau - để tìm kiếm giọng nói của mình, phong cách của mình và đi tìm chính mình. Với truyện đầu tiên của tập Những mối tình nực cười (được viết năm 1959), tôi đã có thể chắc là “đã tìm thấy mình”. Tôi trở thành người viết văn xuôi, tiểu thuyết gia, và tôi không còn là cái gì khác ngoài đó nữa.” (trích theo François Ricard, trong Lời cuối sách cuốn Risibles amours của nhà xuất bản Gallimard in năm 1998). Truyện ngắn đó là Sẽ không ai cười, mở đầu cho sáu truyện tiếp theo gồm Quả táo vàng của ham muốn vĩnh cửu, Trò chơi xin quá giang, Cuộc hội thảo, Người chết cũ phải nhường chỗ cho người chết mới, Bác sĩ Havel hai mươi năm sau Edouard và Chúa.

Dịch từ bản tiếng Pháp Risibles amours của dịch giả François Kérel, in trong bộ sách folio của NXB Gallimard, 1998.

1
“Rót thêm cho em một cốc slivovice nữa đi”, Klara nói và tôi rót rượu cho nàng. Cái cớ để chúng tôi mở chai không lấy gì làm đặc biệt lắm, nhưng cũng không đến nỗi dở: hôm đó tôi vừa nhận được khoản nhuận bút rất khá cho một bài nghiên cứu dài đăng trên một tờ tạp chí lịch sử nghệ thuật.
Không phải dễ dàng mà bài nghiên cứu đó được in. Những gì tôi viết trong đó toàn là xương xẩu và gây tranh cãi. Chính vì thế tờ Tư tưởng tạo hình với ban biên tập già cả và khó tính đã từ chối không chịu đăng, tôi đành phải gửi sang cho một tạp chí cạnh tranh, đúng là tầm quan trọng kém hơn, nhưng các biên tập viên ở đó trẻ hơn và ít suy nghĩ sâu xa hơn.
Người đưa thư mang đến trường đại học cho tôi tấm ngân phiếu kèm với một lá thư. Lá thư không quan trọng và tôi chỉ đọc liếc qua vào buổi sáng, vẫn còn lâng lâng vì sự lớn lao mới mẻ của mình. Nhưng khi về nhà, quãng gần nửa đêm, chai rượu dần vơi và để mua vui, tôi cầm lá thư trên bàn lên đọc cho Klara nghe:
“Đồng chí thân mến - cho phép tôi sử dụng từ này: đồng nghiệp thân mến! - Xin thứ lỗi cho một người trong đời anh chưa từng nói chuyện đã mạo muội viết thư cho anh. Tôi viết cho anh để mong anh đọc bài báo gửi kèm đây. Tôi không quen biết anh nhưng tôi đánh giá anh rất cao, bởi trong mắt tôi anh là người có những ý kiến, cách lập luận, những kết luận củng cố một cách đáng ngạc nhiên kết quả các nghiên cứu riêng của tôi…” Tiếp theo đó là những lời ca tụng nhiệt liệt tài năng của tôi và một yêu cầu: ông nhờ tôi viết một bài tóm tắt để gửi cho tờ Tư tưởng tạo hình, tờ báo đã từ chối bài viết của ông từ sáu tháng nay. Người ta nói với ông rằng ý kiến của tôi sẽ có ý nghĩa quyết định, nên kể từ nay tôi trở thành niềm hy vọng duy nhất của ông, ánh sáng duy nhất rọi vào bóng tối đeo đẳng ông.
Klara và tôi nghĩ ra đủ mọi lời đùa về cái ông Zaturecky này, chỉ riêng tên ông thôi cũng đã làm chúng tôi thấy rất khoái trí rồi; dĩ nhiên những lời nói đùa cũng không xấu bụng gì lắm, lời ca tụng mà ông dành cho tôi khiến tôi trở nên rộng lượng, nhất là với một chai slivovice tuyệt vời ngay trong tầm tay. Rộng lượng đến mức trong thời khắc khó quên đó tôi cảm thấy mình yêu thương toàn thể thế giới. Vì không thể tặng quà cho cả thế giới, chí ít tôi cũng tặng quà cho Klara. Và nếu không có quà thì chí ít cũng có những lời hứa hẹn.
Klara, đang độ tuổi đôi mươi, là một cô gái con nhà lành. Sao tôi lại nói nhà lành nhỉ, phải nói là một gia đình tuyệt vời chứ! Bố nàng, cựu giám đốc ngân hàng, do đó là đại diện cho tầng lớp đại tư sản, khoảng năm 1950 bị trục xuất khỏi Praha và đến ở làng Celakovice, cách thủ đô khá nhiều đường đất. Con gái của ông bị vào sổ đen của cán bộ và phải làm công nhân may trong một phân xưởng rộng mênh mông của một xí nghiệp may Praha. Tối đó, ngồi bên cạnh nàng, tôi làm cho nàng càng thêm yêu tôi bằng cách tán tụng những mặt hay ho của chỗ làm mà tôi hứa sẽ xoay cho nàng với sự giúp đỡ của bạn bè tôi. Tôi khẳng định là không thể có chuyện một cô gái duyên dáng như nàng lại phải tiêu phí sắc đẹp trước một cái máy may và quyết định nàng phải trở thành người mẫu.
Klara không có gì để phản đối và chúng tôi qua đêm trong một sự hòa hợp đầy hạnh phúc.
2
Chúng ta bị bịt mắt khi đi qua hiện tại. Giỏi nhất thì cũng chỉ có thể dự cảm và đoán định được mình đang trải qua cái gì. Chỉ mãi sau này, khi băng che mắt đã được cởi và có thời gian ngồi kiểm điểm lại quá khứ, chúng ta mới nhận ra được những gì đã trải qua và hiểu được ý nghĩa của chúng.
Buổi tối hôm đó, tôi cứ nghĩ mình đang uống mừng thành công và không mảy may nghi ngờ rằng đó lại là tối mở màn cho kết cục đời mình.
Và bởi vì không mảy may nghi ngờ, ngày hôm sau tôi thức dậy với tâm trạng vui vẻ, và trong khi Klara vẫn còn say sưa giấc nồng, tôi cầm lấy bài báo gửi kèm với lá thư của ông Zaturecky và vui vẻ lơ đãng bắt tay vào đọc ngay trên giường.


Bài báo có tên Một bậc thầy hội họa Séc, Mikolas Ales thậm chí còn không xứng đáng với nửa giờ đồng hồ lơ đãng mà tôi bỏ ra để đọc. Đó là một mớ hổ lốn những thứ cũ mòn, không chút ý thức về phát triển lôgic, và không có lấy nổi một ý tưởng độc đáo.

Không cần phải bàn cãi gì nữa, bài báo đó là một sự ngớ ngẩn. Đó cũng là điều mà tiến sĩ Kalousek, tổng biên tập tạp chí Tư tưởng tạo hình (nhân vật có tiếng là rất khó chơi), khẳng định với tôi trong ngày hôm đó qua điện thoại. Ông gọi đến trường đại học và nói với tôi: “Cậu đã nhận được bài của ông Zaturecky chưa? Cậu giúp tôi viết tóm tắt nhé, năm chuyên gia đã muốn quẳng bài báo của ông ta vào sọt rác rồi, nhưng ông ta vẫn cứ năn nỉ và tưởng cậu là người có thẩm quyền cuối cùng và duy nhất. Cậu viết vài dòng rằng nó không ra gì nhé, cậu có thể làm được đấy, cậu có thể tỏ ra hết sức cay độc, và sau đó ông ta sẽ để cho chúng ta yên.”

Nhưng có điều gì đó ở bên trong tôi ngầm chống lại: Tại sao tôi, chính tôi, lại phải trở thành đao phủ của ông Zaturecky? Tôi có được hưởng lương tổng biên tập đâu? Tôi lại còn nhớ rất rõ là tờ Tư tưởng tạo hình đã quá thận trọng không chịu nhận đăng bài nghiên cứu của tôi; ngoài ra với tôi cái tên Zaturecky gắn chặt với kỷ niệm về Klara, về chai slivovice và một buổi tối thật đẹp. Và còn nữa, tôi không muốn chối, điều này rất con người, tôi chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay của một bàn tay và thậm chí chỉ trên một ngón tay duy nhất những người coi tôi là “có thẩm quyền cuối cùng và duy nhất”. Tại sao tôi lại phải biến người duy nhất ngưỡng mộ mình thành kẻ thù?

Tôi chấm dứt cuộc nói chuyện với Kalousek bằng vài lời trí tuệ và mơ hồ mà chúng tôi mỗi người đều có thể hiểu thế nào cũng được, với ông đó là một lời hứa và với tôi đó là một cách né tránh, và tôi dập máy, quyết định sắt đá sẽ không bao giờ viết tóm tắt bài báo của ông Zaturecky.

Thế là tôi lấy giấy trong ngăn kéo và viết cho ông Zaturecky một lá thư trong đó tôi cẩn thận tránh mọi lời tán dương đối với công trình của ông và giải thích rằng ý kiến của tôi về hội họa thế kỷ XIX thường vẫn bị coi là sai lạc, nhất là đối với ban biên tập tờ Tư tưởng tạo hình, cho nên sự can thiệp của tôi có thể có hại nhiều hơn là có ích; tôi cũng phủ tới tấp lên ông Zaturecky những lời hoa mỹ thân ái mà ông không thể không tìm được một dấu hiệu cảm thông dành cho mình.

Ngay sau khi lá thư được cho vào hòm thư, tôi quên liền ông Zaturecky. Nhưng ông Zaturecky không quên tôi.

3

Một ngày đẹp trời, khi tôi vừa xong lớp (tôi dạy lịch sử hội họa), bà thư ký Marie đứng tuổi dễ mến, người vẫn pha cà phê cho tôi và trả lời tôi không có ở đó khi trong ống nghe vang lên những giọng phụ nữ không mấy dễ chịu, đến gõ cửa phòng học. Bà thò đầu vào nói có một ông đang đợi tôi.

Các ông thì tôi không sợ. Tôi chào sinh viên của mình và bước ra, lòng nhẹ nhàng; trong hành lang một người đàn ông thấp nhỏ, mặc bộ đồ màu đen đã cũ và áo sơmi trắng chào tôi. Rồi ông thông báo rất lễ độ mình tên là Zaturecky.

Tôi đưa người khách của mình vào một căn phòng trống, chỉ cho ông một chiếc ghế phôtơi và bắt đầu câu chuyện với giọng rất vui tươi, nói về đủ thứ chuyện linh tinh, về cái mùa hè chết tiệt mà chúng tôi đang phải trải qua và về các cuộc triển lãm ở Praha.

Ông Zaturecky lịch sự đồng ý với những lời tán chuyện của tôi, nhưng rất mau mắn ông tìm cách gán mỗi lời đó với bài báo của ông, cái bài báo đột nhiên nằm giữa chúng tôi trong cái bản chất vô hình của nó như là một thứ ái lực không thể cưỡng lại.

- Tôi sẵn sàng viết một tóm tắt công trình của ông, - cuối cùng tôi nói, - nhưng tôi đã giải thích cho ông trong thư rằng không ai coi tôi là chuyên gia hội họa Czech thế kỷ XIX hết và hơn thế nữa, tôi không thực sự có quan hệ tốt với ban biên tập tờ Tư tưởng tạo hình; họ coi tôi là một kẻ hiện đại chủ nghĩa cứng đầu cứng cổ, cho nên một lời khen của tôi chỉ có thể làm hại cho ông thôi.

- Ồ! anh quá khiêm tốn rồi, - ông Zaturecky trả lời. - Làm sao một chuyên gia tầm cỡ anh lại có thể bi quan về vị trí của mình như thế! Ở chỗ ban biên tập người ta đã nói với tôi rằng bây giờ tất cả đều phụ thuộc vào ý kiến của anh. Nếu anh khen bài báo của tôi, nó sẽ được in. Anh là cơ may duy nhất của tôi. Công trình này ngốn của tôi ba năm nghiên cứu đấy, ba năm trời tìm tòi. Giờ đây tất cả nằm trong tay anh.

Những lời thoái thác của chúng ta mới ít thuyết phục làm sao! Tôi không biết phải trả lời ông Zaturecky thế nào nữa. Máy móc nhìn lên khuôn mặt ông, tôi nhìn thấy đôi kính lỗi mốt nhỏ xíu ngây thơ, và cả một nếp hằn đầy cương nghị, vạch một đường thẳng trên trán ông. Trong một khoảnh khắc minh mẫn ngắn ngủi, một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng tôi: Nếp nhăn đầy chú tâm và bướng bỉnh đó không chỉ phản chiếu ý thức tử vì đạo mang tính trí thức của ông dành cho những bức tranh của Mikolas Ales, mà còn phản chiếu một sức mạnh ý chí lớn hơn mức bình thường. Không còn đủ tĩnh trí, tôi không tìm ra nổi những lời cáo lỗi đủ mức khéo léo. Tôi biết là mình sẽ không viết bài tóm tắt đó nhưng tôi cũng biết mình không đủ sức nói điều đó thẳng vào mặt con người nhỏ bé quỵ lụy kia.

Tôi bèn mỉm cười và hứa hươu hứa vượn. Ông Zaturecky cảm ơn tôi, nói là ông sẽ sớm trở lại để xem tình hình ra sao; tôi tạm biệt ông, miệng cười hết cỡ.

Quả thật vài hôm sau ông quay lại, tôi khéo léo tránh được ông, nhưng ông thông báo ngày hôm sau ông sẽ quay lại trường đại học nữa để hỏi tôi. Tôi hiểu là mọi chuyện đã bắt đầu diễn biến theo chiều hướng xấu. Tôi bèn đi gặp Madame Marie để thực thi các biện pháp cần thiết.

“Marie, nếu ông đó còn quay lại hỏi tôi, bà hãy nói với ông ấy là tôi đi Đức để nghiên cứu nhé, một tháng nữa mới về. Thêm một việc nữa: tất cả các giờ giảng của tôi đều vào thứ Ba và thứ Tư. Kể từ nay, tôi sẽ dạy vào thứ Năm và thứ Sáu. Chỉ thông báo cho sinh viên thôi nhé, đừng nói với ai hết và cũng đừng sửa thời khóa biểu. Tôi phải đi vào hoạt động bí mật đây.”

4

Không lâu sau, ông Zaturecky quay lại thật và có vẻ tuyệt vọng khi bà thư ký nói rằng tôi đã đi Đức khẩn cấp. “Nhưng không thể thế được! Ông trợ giảng phải viết tóm tắt cho bài báo của tôi! Làm sao mà ông ấy có thể đi như thế được?” ”Tôi không biết gì hết, - Madame Marie trả lời, - nhưng một tháng nữa ông ấy sẽ về.” ”Mãi một tháng nữa, - ông Zaturecky than thở. - Thế bà có biết địa chỉ ở Đức của ông ấy không?” ”Tôi không biết đâu”, Madame Marie nói.

Và tôi được yên tĩnh trong một tháng.

Nhưng một tháng trôi nhanh hơn là tôi tưởng và ông Zaturecky đã lại có mặt ở văn phòng của bà thư ký. “Không, ông ấy vẫn chưa về”, Madame Marie nói, và khi nhìn thấy tôi, bà hỏi giọng cầu khẩn: “Cái ông khách của anh vẫn tới, anh muốn tôi nói gì với ông ấy bây giờ?” ”Marie ạ, hãy nói rằng tôi mắc bệnh sốt vàng và nằm bệnh viện ở Iéna rồi.” “Ở bệnh viện à? Nhưng không thể thế được, ông trợ giảng phải viết tóm tắt cho bài báo của tôi!”, - ông Zaturecky kêu lên khi bà thư ký báo tin cho ông, vài ngày sau đó. ”Ông Zaturecky ạ, - bà thư ký nói giọng trách móc, - ông trợ giảng đang bị ốm nặng ở nước ngoài, thế mà ông chỉ nghĩ đến bài báo của ông thôi!” Ông Zaturecky ra về, đầu rụt vào trong cổ, nhưng mười lăm ngày sau, ông đã quay lại: “Tôi đã gửi một lá thư bảo đảm đến Iéna. Thư bị gửi trả lại!” “Tôi phát điên vì ông khách của anh mất, - ngày hôm sau Madame Marie nói với tôi. - Anh đừng giận, nhưng anh muốn tôi nói gì với ông ấy nữa bây giờ? Tôi đã nói là anh đã về, giờ thì anh tự lo mọi việc nhé!”.

Tôi không trách Madame Marie, bà đã làm những gì có thể, và hơn thế, còn lâu tôi mới chịu thừa nhận là mình thua cuộc. Tôi biết mình vẫn có thể thoát được. Tôi chỉ còn sống một cách bí mật, tôi bí mật dạy vào thứ Năm và thứ Sáu, còn thứ Ba và thứ Tư tôi bí mật đến rình dưới cổng một tòa nhà đối diện với trường đại học, vui sướng nhìn cảnh ông Zaturecky rình tôi ra khỏi trường. Tôi những muốn đeo một bộ tóc giả và dán hàng ria. Tôi tự coi mình là Sherlock Holmes, là Jack Mổ bụng, là Người vô hình đang đi ngang qua thành phố. Tôi cao hứng hết mức có thể.

Nhưng đến một hôm, ông Zaturecky chán công việc rình mò và chơi đòn mạnh tay với Madame Marie. “Thế thực ra ông trợ giảng có đứng lớp không?” ”Ông xem thời khóa biểu thì biết,” Madame Marie trả lời và chỉ tay lên tường, trên đó có một tấm bảng lớn kẻ ô với lịch học được trình bày hết sức rõ ràng.

- Tôi biết, - ông Zaturecky nói, không chịu để bị lừa, - nhưng đồng chí ấy không bao giờ đến dạy vào thứ Ba và thứ Tư cả. Ông ấy thôi dạy rồi à?

- Không, - Madame Marie trả lời, cảm thấy rất phiền.

Và người đàn ông bé nhỏ bèn bám chặt lấy Madame Marie. Ông trách bà đã không cập nhật thời khóa biểu. Ông mỉa mai hỏi làm sao mà bà lại có thể không biết các giảng viên dạy dỗ vào giờ nào cơ chứ. Ông nói sẽ khiếu nại bà. Ông nổi xung. Ông tuyên bố là cũng sẽ tố cáo đồng chí trợ giảng đã không chịu đến dạy. Ông hỏi hiệu trưởng có ở đó không.

Thật bất hạnh, hiệu trưởng có ở đó.

Ông Zaturecky gõ cửa văn phòng của ông và bước vào. Mười phút sau, ông quay trở lại văn phòng của Madame Marie và gắt giọng hỏi địa chỉ nhà riêng của tôi.

- Số 20 phố Skalnikova ở Litomysl, - Madame Marie nói.

- Sao lại Litomysl?

- Ông trợ giảng chỉ có một phòng nhỏ ở Praha và không muốn tôi cho địa chỉ…

- Tôi yêu cầu bà đưa địa chỉ nhà ông trợ giảng ở Praha, - người đàn ông bé nhỏ run người hét lên.

Madame Marie mất hết bình tĩnh. Bà đưa địa chỉ gác xép của tôi, chỗ trú ẩn khốn khổ của tôi, cái ổ hạnh phúc của tôi, nơi tôi sẽ bị theo đuổi đến cùng.

5

Phải, địa chỉ thường trú của tôi là ở Litomysl. Tại đó tôi còn mẹ và ký ức về người bố; mỗi khi có thể, tôi lại rời Praha về làm việc ở nhà, trong căn nhà bé nhỏ của mẹ tôi. Thế nên tôi giữ địa chỉ của mẹ tôi làm địa chỉ thường trú. Nhưng ở Praha tôi không đủ sức tìm được một căn hộ ra hồn như cần thiết và phải có, tôi phải thuê lại một căn phòng tại một khu ven đô, ngay áp mái, một gác xép nhỏ hoàn toàn độc lập mà tôi cố hết sức giấu để những người khách không mời không chạm trán các cô bạn gái của tôi.

Tôi không định vờ vịt rằng trong tòa nhà này tôi có tiếng tăm tốt đẹp. Ngoài ra, khi về Litomysl, đã nhiều lần tôi cho bạn bè mượn phòng, họ phá phách đến mức suốt đêm cả nhà không ai chợp mắt nổi. Tất cả những điều đó khiến một số người thuê nhà khác rất ghét tôi và chống lại tôi theo lối câm lặng, đôi khi thể hiện ra bằng những lời góp ý của ủy ban dân phố và thậm chí có cả một đơn kiện gửi lên ban quản lý nhà.

Hồi đó Klara đã bắt đầu thấy việc đi từ Celakovice lên tận Praha để làm việc là quá nặng nhọc, nàng quyết định đến ngủ ở nhà tôi, thoạt tiên mới chỉ rụt rè và chỉ trong những trường hợp đặc biệt, thế rồi nàng để lại một cái váy, tiếp đó là nhiều cái váy, và sau một thời gian hai bộ đồ lễ của tôi đã bị bẹp rúm trong góc tủ và căn gác xép của tôi bị biến thành một phòng khách phụ nữ.

Tôi rất yêu Klara; nàng đẹp; tôi rất thích thấy người khác ngoái nhìn hai chúng tôi trên đường phố; nàng kém tôi mười ba tuổi và điều đó càng làm tăng thêm uy tín của tôi trong mắt sinh viên; nói tóm lại, tôi có cả nghìn lý do để gắn bó với nàng. Tuy thế, tôi không muốn người khác biết nàng ở nhà tôi. Tôi ngại người ta sẽ nói lại cho ông chủ nhà, một người đàn ông đứng tuổi có vẻ kín đáo và không mấy ưa tôi; tôi run lên với ý nghĩ một hôm nào đó ông ta sẽ đến gặp tôi, vẻ rụt rè và rầu rĩ, đề nghị tôi mời cô bạn gái ra khỏi nhà để giữ gìn danh tiếng cho ông. Do đó tôi đã trầm trọng cảnh báo Klara và cấm nàng không được mở cửa cho bất kỳ ai.

Hôm đó, nàng có một mình ở nhà. Trời rất đẹp, nhiều nắng và trong căn gác xép của tôi quả cũng hơi nóng. Thế nên nàng trần truồng nằm trên đivăng ngắm trần nhà.

Chính vào lúc đó có người gõ cửa.

Không việc gì phải lo lắng hết. Vì cửa phòng tôi không có chuông nên người ta buộc phải đập cửa. Cho nên Klara không mấy bận tâm về tiếng ồn ã này và không buồn nghĩ đến việc ngừng ngắm trần nhà. Nhưng những cú đập cửa không chịu ngừng; chúng tiếp tục với sự dai dẳng kinh người. Cuối cùng Klara phát bực mình; nàng tưởng tượng trước cửa đang có một người đàn ông chầm chậm và trang trọng lật mặt trong áo vest chìa thẻ cảnh sát và sau đó sẽ hỏi tại sao nàng không chịu mở cửa, nàng giấu diếm gì và đã khai báo tạm trú ở đây chưa. Nàng cảm thấy một cảm giác phạm tội, thôi không nhìn lên trần nhà nữa và đưa mắt tìm kiếm chỗ để quần áo. Nhưng những cú gõ cửa gan lỳ đến mức trong cơn bối rối nàng chỉ tìm được chiếc áo mưa của tôi treo ở lối vào. Nàng khoác nó lên người và ra mở cửa.

Trên ngưỡng cửa, thay vì một khuôn mặt soi mói độc ác, nàng chỉ nhìn thấy một người đàn ông bé nhỏ chào nàng: “Ông trợ giảng có ở nhà không?” ”Không, anh ấy đi vắng rồi!” ”Tiếc thật, - người đàn ông bé nhỏ nói và lịch sự xin lỗi. - Ông trợ giảng phải viết tóm tắt cho một bài báo của tôi. Ông ấy đã hứa với tôi và bây giờ chuyện đó đã trở nên cấp bách rồi. Nếu cô không thấy phiền, xin cho phép tôi để lại cho ông ấy vài chữ.”

Klara đưa cho người đàn ông bé nhỏ giấy bút và tối đến tôi có thể đọc được rằng số phận bài báo của ông về Mikolas Ales nằm trong tay tôi và ông Zaturecky trân trọng chờ tôi viết bài tóm tắt đã hứa. Ông viết thêm rằng ông sẽ lại đến tìm tôi ở trường đại học.

6

Ngày hôm sau, Madame Marie kể cho tôi là Zaturecky đã đe dọa bà, ông đã nổi xung và đã đi khiếu nại; người đàn bà khốn khổ nói giọng vẫn còn run lên, sắp trào ra thành nước mắt; lần này thì tôi nổi giận. Tôi quá hiểu là Madame Marie, cho đến lúc này vẫn vui thích với trò ú tim này (vì quý mến tôi nhiều hơn là vì thích thú chuyện đó), giờ đây cảm thấy bị xúc phạm và rất tự nhiên bà coi tôi là nguồn gốc của những phiền toái bà phải gánh chịu. Và nếu tôi thêm vào việc Madame Marie đã phải nói địa chỉ căn gác xép của tôi, việc người ta đến gõ cửa nhà tôi suốt mười phút và đã làm Klara khiếp sợ, thì sự bực mình của tôi đã chuyển sang thành nỗi tức giận.

Trong khi tôi ở đó, đứng dựa vào bàn của Madame Marie, cắn môi lùng sục trong óc một cách trả thù, cửa mở ra và ông Zaturecky xuất hiện.

Ngay khi nhìn thấy tôi, gương mặt ông bừng sáng vì hạnh phúc. Ông cúi người chào tôi.

Ông đến quá sớm, trước khi tôi kịp có thời gian nghiền ngẫm kế hoạch trả thù.

Ông hỏi tôi đã đọc mấy chữ ông để lại hôm qua chưa.

Tôi không nói gì.

Ông nhắc lại câu hỏi.

- Rồi, - cuối cùng tôi cũng nói.

- Thế anh sẽ viết bài tóm tắt đó chứ?

Tôi nhìn thấy ông ở ngay trước mặt: gầy guộc, bướng bỉnh, đáng sợ; tôi nhìn thấy cái nếp nhăn thẳng đứng vạch trên trán ông niềm say mê duy nhất; tôi nhìn thấy cái nét đó và hiểu rằng đó là một đường thẳng được vẽ nên bởi hai điểm: bởi bài tóm tắt của tôi và bởi bài báo của ông; và rằng, ngoài tội lỗi của cái đường ám ảnh này, trong đời ông tất cả đều thuộc về một sự khắc kỷ giống với các vị thánh. Và tôi rơi vào một cơn thù nghịch, và bỗng nhiên tôi tìm ra lối thoát.

- Tôi hy vọng ông hiểu rằng tôi không còn gì để nói với ông sau những gì xảy ra ngày hôm qua nữa, - tôi nói.

- Tôi không hiểu anh nói gì.

- Đừng đóng trò nữa đi. Cô ấy đã nói hết với tôi. Không cần phải chối đâu.

- Tôi không hiểu anh nói gì, - người đàn ông bé nhỏ nhắc lại, lần này với giọng cương quyết hơn.

Tôi lấy giọng vui vẻ gần như bạn bè: “Nghe này, ông Zaturecky, tôi không muốn trách cứ gì ông đâu. Cả tôi cũng là một kẻ hay tán gái và tôi hiểu ông. Nếu ở vào địa vị ông, tôi cũng sẵn sàng đề nghị như thế với một cô gái trẻ đẹp, nếu tôi chỉ có một mình với cô ấy trong một căn hộ và cô ấy lại còn trần truồng khoác mỗi chiếc áo mưa nữa chứ.”

Người đàn ông bé nhỏ tái mặt: “Đó là một lời sỉ nhục!”.

- Không, đó là sự thật, ông Zaturecky ạ.

- Cô gái đó đã nói với ông như thế?

- Cô ấy không giấu tôi bất cứ điều gì.

- Đồng chí trợ giảng, đó là một lời sỉ nhục, tôi đã có gia đình! Tôi có vợ! Tôi có con! - Người đàn ông bé nhỏ bước lên một bước, buộc tôi phải lùi lại.

- Đó là một tình tiết tăng nặng, thưa ông Zaturecky.

- Anh muốn nói gì?

- Tôi muốn nói rằng việc ông đã có gia đình là tình tiết tăng nặng đối với một kẻ tán gái.

- Anh sẽ rút lại những lời đó! - ông Zaturecky nói giọng đe dọa.

- Được thôi! - tôi nói, giọng hòa giải. - Hôn nhân không nhất thiết là một tình tiết tăng nặng đối với một kẻ tán gái. Nhưng quan trọng gì nào. Tôi đã nói là tôi không trách gì ông và tôi rất hiểu ông. Nhưng dù sao cũng có điều gì vượt quá sự chịu đựng của tôi, đó là việc ông đòi một người viết tóm tắt bài báo của ông, trong khi ông tìm cách quyến rũ bạn gái của anh ta.

- Đồng chí trợ giảng! Chính ông Kalousek, tiến sĩ văn chương, tổng biên tập tạp chí Tư tưởng tạo hình, tờ báo xuất bản dưới sự bảo trợ của Viện Hàn lâm khoa học, đã yêu cầu anh viết bài báo đó và anh phải viết!

- Hãy lựa chọn đi! Bài tóm tắt của tôi hay bạn gái của tôi. Ông không thể muốn cả hai cái cùng một lúc được!

- Anh cư xử thật nhố nhăng! - ông Zaturecky kêu lên, vẻ giận dữ đến tuyệt vọng.

Điều lạ lùng là đột nhiên tôi có cảm giác ông Zaturecky thực sự có ý định cưa cẩm Klara. Tôi cũng phát cáu lên và hét: “Ông tự cho phép mình rao giảng đạo đức cho tôi à? Ông, người nhẽ ra phải quỳ xuống xin lỗi tôi ngay trước mặt bà thư ký của chúng ta!”.

Tôi quay lưng về phía ông Zaturecky đang lảo đảo, hoang mang bước ra khỏi phòng.

“Hẹn sớm gặp nhé!”, tôi nói kèm với một tiếng thở phào sau trận chiến khó khăn nhưng thắng lợi, và tôi nói thêm với Madame Marie: “Tôi nghĩ ông ta sẽ để tôi yên với cái bài tóm tắt đó.”

Sau một lúc im lặng, Madame Marie rụt rè hỏi tôi:

- Thế tại sao anh không muốn viết bài báo đó?

- Bởi vì bài báo của ông ta chỉ là một mớ nhảm nhí, Marie thân mến ạ.

- Thế tại sao anh không viết một bài nói nó là nhảm nhí?

- Tại sao tôi phải viết chứ? Tại sao chính là tôi phải tự tạo cho mình những kẻ thù?

Madame Marie nhìn tôi với một nụ cười an ủi khi cánh cửa lại mở ra; ông Zaturecky xuất hiện, tay chìa ra đằng trước:

- Chúng ta sẽ xem ai phải xin lỗi người kia!

Ông run run dằn từng tiếng một và biến mất.

7

Tôi không nhớ chính xác là cùng ngày hôm đó hay sau này chúng tôi tìm thấy trong hòm thư một phong bì không đề địa chỉ. Cái phong bì đó đựng một tờ giấy trên đó có những chữ to cồ cộ: Thưa bà! Chủ nhật này xin hãy đến nhà tôi để chúng ta nói chuyện về lời sỉ nhục đối với chồng tôi! Tôi sẽ ở nhà suốt ngày. Nếu bà không đến, tôi sẽ bắt buộc phải hành động. Anna Zaturecky, Praha III, Dalimolova 14.

Klara sợ và bắt đầu đổ tội cho tôi. Tôi phẩy tay bảo nàng đừng lo và tuyên bố ý nghĩa cuộc sống chính là chơi đùa với cuộc sống, và nếu cuộc sống quá lười biếng cho điều đó thì phải thúc cho nó một cái. Con người luôn phải đóng cương cho những cuộc phiêu lưu mới của mình, những chuyến phiêu du dũng cảm, nếu không có chúng anh ta sẽ chui vào trong lớp bụi như một anh lính mệt mỏi. Khi Klara trả lời mình không định đóng cương cuộc phiêu lưu nào hết, tôi đảm bảo với nàng rằng nàng sẽ không bao giờ phải gặp ông Zaturecky cũng như bà vợ của ông, và cuộc phiêu lưu mà chính tôi đã lựa chọn để cưỡi, tôi sẽ thuần hóa được nó không cần đến sự giúp đỡ của ai.

Buổi sáng, lúc chúng tôi ra khỏi nhà, người gác cửa chặn chúng tôi lại. Người gác cửa không phải là một kẻ thù. Trước đó không lâu tôi đã khôn ngoan đưa ông năm mươi curon và kể từ đó có thể sống với niềm tin vui vẻ là ông đã học được cách lờ tịt tôi đi và không đổ thêm dầu vào lửa khi những kẻ thù khác trong nhà liên kết chống lại tôi.

- Hôm qua có hai người đến tìm anh chị, - ông nói.

- Ai thế?

- Một lão lùn đi cùng bà vợ ông ta.

- Bà ta trông thế nào?

- Cao hơn ông ta hai cái đầu. Rất cương quyết. Nghiêm túc. Bà ta hỏi thông tin về tất cả mọi thứ. - Rồi ông quay sang Klara: - Nhất là về cô. Bà ta muốn biết cô là ai và cô tên là gì.

- Chúa ơi, ông đã nói gì với bà ta? - Klara kêu lên.

- Thế cô muốn tôi nói gì nữa nào? Tôi có biết ai đến nhà ông trợ giảng đâu? Tôi nói với bà ta là mỗi tối lại có một cô mới.

- Tuyệt vời, - tôi nói và rút ra một tờ mười curon đưa cho ông. - Cứ tiếp tục thế nhé!

- Đừng lo gì cả, - sau đó tôi nói với Klara, - Chủ nhật này em không cần đi đâu hết và sẽ không có ai quấy rầy em đâu.

Chủ nhật tới, và sau Chủ nhật, thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư. Không có chuyện gì xảy ra hết.

“Em thấy chưa”, tôi nói với Klara.

Nhưng thứ Năm đã tới. Tôi đang giảng bài cho sinh viên trong một giờ học bí mật như thường lệ, về việc tại sao những con thú non, với tính cách nồng nhiệt và thói sống bầy đàn, lại giải phóng màu sắc cho chủ nghĩa ấn tượng miêu tả, thì Madame Marie mở cửa và thì thầm nói với tôi: “Vợ ông Zaturecky hỏi anh!“ ”Bà biết rõ là tôi không có ở đây cơ mà, cho bà ta xem thời khóa biểu đi.” Nhưng Madame Marie lắc đầu: “Tôi đã nói anh không có ở đây, nhưng bà ta đòi vào phòng anh xem và đã nhìn thấy áo mưa của anh treo trên mắc. Bà ấy vẫn đợi anh ngoài hành lang đấy.”

Một ngõ cụt thường làm nảy ra những ý tưởng tuyệt vời. Tôi nói với cậu sinh viên thân nhất: “Cậu có thể giúp tôi một việc không? Hãy đi đến phòng làm việc của tôi, mặc áo mưa của tôi và đi ra khỏi trường! Sẽ có một người đàn bà cứ khăng khăng cậu là tôi, chỉ cần chối bay đi là được.”

Anh sinh viên đi ra và mười lăm phút sau trở lại, thông báo nhiệm vụ đã hoàn thành, đường đã thông và người đàn bà đã đi khỏi.

Lần này tôi đã thắng.

Nhưng thứ Sáu đã tới và buổi tối khi đi làm về, Klara run lên vì sợ.

Hôm đó, người đàn ông lịch thiệp chuyên tiếp khách hàng nữ trong phòng khách xinh đẹp của xí nghiệp may đột ngột mở cánh cửa dẫn đến góc xưởng nơi Klara đang gò lưng làm việc trước cái máy may cùng với mười lăm cô công nhân khác, và kêu lên: “Có ai trong số các cô ở nhà số 5 phố Lâu đài không?”

Klara hiểu ngay là ông đang tìm nàng, vì số 5 phố Lâu đài là địa chỉ của tôi. Nhưng vì tính thận trọng mà tôi đã cẩn thận gieo rắc vào đầu nàng, nàng không nhúc nhích vì nàng biết rõ là mình đang sống chui ở nhà tôi và điều đó không liên quan đến ai hết. “Tôi cũng đã nói thế với bà ấy rồi mà”, người đàn ông lịch thiệp nói khi thấy tất cả các nữ công nhân đều im lặng, và ông bước ra. Sau đó Klara biết rằng một người đàn bà đã gọi điện đến yêu cầu ông kiểm tra địa chỉ của tất cả các nữ công nhân, và trong suốt mười lăm phút đồng hồ cố thuyết phục ông rằng có một cô sống ở số 5 phố Lâu đài.

Cái bóng của ông Zaturecky in lên căn gác xép diễm tình của chúng tôi.

“Nhưng làm cách nào mà bà ta phát hiện được nơi làm việc của em thế nhỉ? Ở đây, ở nhà này, có ai biết gì về em đâu!”, tôi lên giọng nói.

Phải, tôi đã thực sự tin rằng không một ai biết gì về cuộc sống của chúng tôi. Tôi sống như những con người độc đáo, tin rằng thoát được khỏi những cái nhìn sỗ sàng, trốn được vào sau những bức tường cao, bởi vì họ đã quên tính đến một chi tiết nhỏ: những bức tường đó làm bằng kính trong suốt.

Tôi cho tiền người gác cửa để ông không cho ai biết Klara sống ở nhà tôi, tôi bắt Klara phải kín đáo và bí mật cao độ, và mặc dù thế cả nhà đều biết sự có mặt của nàng. Chỉ cần một hôm nàng vô ý nói chuyện với một người thuê nhà khác ở tầng hai, thế là người ta biết ngay nàng làm việc ở đâu.

Không nghi ngờ gì nữa, từ lâu chúng tôi đã bị phát giác. Chỉ duy nhất một điều mà những kẻ hành hình chúng tôi còn chưa biết: tên của Klara. Chính nhờ cái điều bí mật nho nhỏ duy nhất đó mà chúng tôi còn có thể thoát được bà Zaturecky, người đang tiến hành cuộc tranh đấu với một tinh thần đầy hệ thống và một sự bướng bỉnh khiến tôi nổi da gà vì sợ.

Tôi hiểu rằng chuyện này sẽ rất nghiêm túc; rằng lần này con ngựa cuộc phiêu lưu của tôi đã được đóng cương.

8

Chuyện hôm thứ Sáu là như thế. Sang đến thứ Bảy, khi Klara từ chỗ làm về, nàng lại run lẩy bẩy. Chuyện đã diễn ra thế này:

Bà Zaturecky, đi cùng ông chồng, đã đến tận xí nghiệp may mà bà ta đã gọi điện ngày hôm trước, và xin phép ông giám đốc được đi thăm xưởng may cùng với chồng để xem mặt các nữ công nhân may hiện có mặt. Chắc chắn là một đòi hỏi kỳ cục như thế khiến đồng chí giám đốc kinh ngạc, nhưng trước thái độ của bà Zaturecky, ông không thể từ chối. Bà bày tỏ sự lo ngại đối với vấn đề vu khống, cuộc sống gia đình tan nát và kiện tụng. Ông Zaturecky đứng bên cạnh, im lặng và nhíu lông mày.

Thế là người ta dẫn họ vào xưởng. Các cô thợ may ngẩng đầu lơ đãng nhìn và Klara nhận ra người đàn ông bé nhỏ; nàng sợ hãi và tiếp tục may với vẻ thu mình quá lộ liễu.

“Xin mời ông bà”, ông giám đốc lịch sự mỉa mai nói với cặp vợ chồng đang đứng ngây đơ. Bà Zaturecky hiểu là mình phải mở màn: “Nào, nhìn đi!”, bà nói để khích lệ chồng. Ông Zaturecky nhướng cái nhìn u tối lên và nhìn lướt qua cả phòng. “Cô ta có ở đây không?”, bà Zaturecky hạ giọng hỏi.

Ngay cả khi đeo kính, ông Zaturecky cũng không có thị lực tốt đến mức chỉ cần nhìn qua một lần là thấy cả cái xưởng lộn xộn này, chất đầy những thứ linh tinh và quần áo treo trên dây, với những cô công nhân ham hoạt động không thể ngồi im mặt hướng ra cửa, mà phải quay đầu, nhúc nhích ghế, đứng lên, quay mặt đi. Cuối cùng ông Zaturecky phải quyết định bước lên trước, đi sâu vào xưởng để xem mặt từng cô một.

Khi những người phụ nữ bị nhìn vào mặt như thế, hơn nữa lại bởi một nhân vật dị dạng đến vậy, họ cảm thấy một thứ cảm giác xấu hổ bối rối và thể hiện sự không vừa lòng của mình bằng những lời châm chọc và những cái nhăn mặt. Một người trong số họ, một cô gái rất trẻ, xấc xược kêu lên: “Lão tìm khắp nơi con điếm đã chơi lão kìa!”.

Tiếng cười rộ và độc ác của đám phụ nữ dội lên cặp vợ chồng đang phải đối mặt, rụt rè và bướng bỉnh, với vẻ cao quý lạ lùng.

“Bà ơi, - cô gái xấc xược kêu lên với bà Zaturecky, - bà không trông kỹ ông con của bà rồi! Nếu tôi có một thằng nhóc kháu như thế, tôi sẽ không bao giờ cho nó thò mũi ra đường đâu!”.

”Nhìn đi”, bà vợ của ông chồng thì thào, và người đàn ông bé nhỏ, vẻ u tối và rụt rè, đi từng bước quanh xưởng, như thể đang tiến lên giữa hai hàng rào toàn những cú đánh và chửi thề, nhưng với một bước đi chắc chắn, không bỏ qua khuôn mặt nào hết.

Trong suốt thời gian diễn ra cảnh đó, ông giám đốc mỉm cười vẻ không can dự; ông biết công nhân của mình và hiểu sẽ không làm được gì; giả bộ như không nghe thấy tiếng ồn ã họ gây ra, ông hỏi ông Zaturecky: “Thế cô gái đó trông như thế nào?”.

Ông Zaturecky quay lại về phía ông giám đốc và trả lời giọng chậm rãi và nghiêm trang: “Cô ta đẹp… cô ta rất đẹp…”

Trong thời gian đó, Klara co mình trong một góc phòng, và tạo hình ảnh trái ngược hẳn với tất cả những cô gái đang bùng phát vui vẻ, với dáng vẻ lo lắng, đầu cúi xuống, cử chỉ nóng nảy. Nàng đóng thật kém cái vai thiếu nữ không mấy quan trọng và bị lu mờ! Và thoắt cái ông Zaturecky đã ở cách chiếc máy may của nàng hai bước chân; lúc nào ông cũng có thể nhìn rõ được mặt nàng!

- Ông nhớ là cô ấy đẹp nhưng điều ấy thì có ý nghĩa gì, - đồng chí giám đốc lịch sự lưu ý ông Zaturecky. - Có quá nhiều phụ nữ xinh đẹp! Cô ấy cao hay thấp?

- Cao, - ông Zaturecky nói.

- Tóc nâu hay vàng?

- Tóc vàng, - ông Zaturecky trả lời sau một lát lưỡng lự.

Đoạn này của truyện có thể được coi như là một thậm xưng về quyền lực của cái đẹp. Cái ngày ông Zaturecky nhìn thấy Klara ở nhà tôi, ông bị lóa mắt đến mức đã không hề nhìn thấy nàng. Cái đẹp đã thả một tấm màn mờ ảo trước mắt ông. Cái tấm màn ánh sáng đó đã che khuất nàng.

Bởi vì Klara không cao, tóc cũng không vàng. Trong mắt ông Zaturecky, tầm vóc lớn lao của vẻ đẹp đã biến thành tầm vóc bên ngoài cao lớn. Và ánh nắng khơi gợi vẻ đẹp khiến tóc nàng như có vàng.

Khi cuối cùng người đàn ông bé nhỏ đi đến góc phòng nơi Klara, trong bộ quần áo lao động màu nâu, người rúm lại, đầu cúi gằm xuống các chi tiết của một cái jupe may dở, ông không nhận ra nàng. Ông không nhận ra nàng bởi vì ông chưa bao giờ nhìn thấy nàng hết.

<< Phần 2 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 660

Return to top