Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tập Truyện ngắn >> Hồi ức làng Che

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 13508 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hồi ức làng Che
Nguyễn Đức Thọ

Người ở miệt vườn

Ở miệt vườn Phước Hội có một cặp bạn rượu, nổi tiếng về khoản nhậu tới mức khủng khiếp là Huỳnh Văn Tín và Phan Văn Nghĩa.  Thường ngày họ lo kiếm sống,  lặn lội xuôi ngược giữa dòng đời, ai phận nấy nhưng khi gầy độ nhậu là có đôi, không thể rời nhau.  Hai Tín và Ba Nghĩa cùng tuổi Nhâm thìn, hai con rồng mắc cạn,  điều này chỉ có bà Hai Phấn mụ vườn nhớ.  Vì bà cắt rún cho Hai Tín vừa xong thì có người mang đuốc lá dừa sang đón bà cắt rún cho Ba Nghĩa.  Hai cái tên Tín và Nghĩa của hai gã sồn sồn bợm nhậu bây giờ là do bà Hai đặt. Bữa ấy,  bà trở về nhà lúc gà gáy sáng,  trong lòng le lói một niềm vui mơ hồ : " Hai thằng này lớn lên chắc là khá,  thằng nào cũng to khỏe,  khóc oang oang, bú lạu như chó táp. Cầu xin Trời Phật độ trì cho tụi nó được hưởng một cuộc sống thanh bình...  "
Đó là chuyện ngày xưa,  đã lâu lắm rồi...  Hai Tín và Ba Nghĩa vẫn thân nhau như thủơ lọt lòng,  qua thời chiến tranh tao loạn đến tận bây giờ. Niềm mong mỏi của bà Hai không thành,  chẳng thấy ông nào khá, cả hai đều nghèo rớt mồng tơi,lại thêm tội nhậu mút mùa. Họ có thể ngồi với nhau nhậu lai rai, nhậu nhâm nhi, từ sáng sớm sang chiều tối qua đêm. Ngày hôm sau, Hai Tín khật khừ như người ốm dậy,  Ba Nghĩa uể oải như kẻ sắp chết. Hai ông giống nhau từ vóc dáng tới bịnh hoạn.  Đầu ấp,  Hai Tín nằm trên bộ ván mọt hai ống quyển thò lẳng ngẳng ra khỏi chăn kêu nhức đầu.  Cuối ấp,  Ba Nghĩa ngồi gối đầu quá tai đang nhờ vợ cạo gió, lưng tím bầm từng vệt,  từng sọc như bị ai đánh,  từ ót xuống tận mông,  xương sống nổi u nổi cục. Hai bầy con lít nhít của hai nhà đều sợ hãi khi thấy ba chúng hí húi nướng cá sặc, băm xoài xanh trộn làm mồi đưa cay rồi xách can rượu chui vô chòi canh vườn. Hai ông đã vào đó là khó ra sớm. Con gái lớn nhà Hai Tín thắp nhang lên bàn Thiên ngoài sân khấn : " Lạy ông Trời phù hộ đừng cho ba con nhậu xỉn,  ổng bịnh là má con khổ ".  Con trai lớn nhà Ba Nghĩa cũng thắp nhang bàn thờ ông Địa khấn : " Xin ông Địa canh chừng,  ba con nhậu vô là quậy tưng bừng, má con khóc hoài ".  Tuy thế ông Thiên ông Địa vẫn không cản nổi hai ông thần nhậu say quắc cần câu.  Lối xóm chẳng chê trách vì hai ông không hề động chạm ai. Chính quyền không can thiệp vì hai ông không có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc thuần phong mỹ tục. Dân nhậu thường mắc tật nói to. Hai ông lại mắc tật hát to, hát đủ thứ bài cũ và mới.  Hai Tín hát những bài ca giải phóng hừng hực khí thế ra trận.  Ba Nghĩa hát những ca khúc buồn của người lính chiến nơi tiền đồn xa nhà. Có lúc hai ông song ca rất mùi mẫn : " Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm. Mái tranh nghèo không người sửa sang "...

Phải nhờ bà Hai Phấn mới chấm dứt được những bữa nhậu vô tiền khoáng hậu.  Có hôm cả hai chị vợ cùng đến nhà rước bà,  mặt chị nào cũng méo xẹo đua nhau tố khổ hai đức ông chồng.  Có hôm bầy trẻ kéo đến kín ngõ,  la rối rít : " Bà Hai ơi,  tía tụi con nhậu vô rồi đang quậy,  nhờ bà Hai đến dẹp dùm ".  Bà mụ vườn luôn đáp ứng yêu cầu của thân nhân hai bợm rượu,  bà hỏi :

- Tía tụi bay nhậu từ lúc nào ?

- Dạ thưa,  từ non trưa bữa qua lận.  Sáng nay lại kêu tụi con mua thêm lít nữa.  Thằng nhỏ chìa cái chai không ra.

- Rồi,  để tao đi dẹp.

Bà già lọm khọm bước đi trước như một vị tướng, theo sau rồng rắn một bầy con nít gồm sáu đứa con nhà Hai Tín và bảy đứa con nhà Ba Nghĩa.  Đoàn quân tảo thanh đi đến đầu mé vườn, tiếng lũ trẻ chọc ghẹo nhau léo nhéo,tiếng bà già gắt gỏng tụi nó làm hai bợm đang thù tạc trong chòi dỏng tai lên lắng nghe.

- Thấy bà rồi mày ơi.  Ba Nghĩa thì thào.  Tụi nó chiêu hồi má Hai,  dắt bả đến đây bố anh em mình.

- Chết cha.  Hai Tín nhỏm dậy. Tao nghi con vợ mày là điệp báo của bà già.  Thôi, đồng chí Ba,  tháo đạn đứng dậy. Chỉnh đốn trang phục.  Nghiêm...  chào má Hai,  má đến úy lạo anh em đơn vị đang chiến đấu.  Báo cáo tới giờ này chưa có ai hy sinh, thưa má.

Nhìn hai cái xác cao lêu đêu mặc quần xà lỏn từ trong lều bước ra xiêu vẹo,  bà Hai nghe xót xa trong bụng lắm.  Bà la lớn :

- Tụi bay nhậu để chết hả ? Ăn nhậu cũng phải nhớ đến vợ con chớ.

- Dạ ù hai đứa tụi con lâu ngày chưa đụng trận nào.

- Thưa má tụi con nhậu đàng hoàng,  nhậu để nhớ các chiến hữu đã hy sinh.  Má nghe con hát bài mới học lóm : " Cùng ta cạn với non cao,  cùng ta cạn với sông sâu,  cùng ta cạn với rừng gìa,  nơi bao đồng đội ta yên nghỉ sao không về uống cùng ta "

Hai Tín hát nước mắt trào ra đầy gò má.  Bất ngờ cả hai người cùng khuợu xuống ôm hai bên chân bà Hai Phấn khóc rống lên :

- Má ơi,  con tưởng hòa bình rồi, con nuôi má để trả ơn mà không nuôi được má.

- Con là thằng Nghĩa đây, không có má con chết mất xác lâu rồi, giờ con nghèo quá không báo hiếu được má.

Lũ trẻ thấy tía chúng nó khóc lóc,  sợ xanh mặt lui ra nấp vào sau các gốc cây. Nước mắt đàn ông phải nhờ rượu mới chảy nhiều như thế.  Tiếng khóc đàn ông cũng phải nhờ rượu mới to, mới rùng rợn như thế. Bà Hai lặng thinh xoa hai bàn tay gầy lên hai mái đầu lốm đốm bạc của hai ông say

- Thôi tụi bây nín đi.  Lo làm ăn nuôi con.  Má không trách thằng nào hết, cũng chưa đến mức phải nhờ bay nuôi.  Nhậu quên hết trời đất còn bày đặt nói thương má.  Ê tụi bay...  dẫn tía bay về. 

Bữa nhậu chấm dứt trong tiếng khóc ân hận của hai gã say.  Bà Hai đã hoàn thành nhiệm vụ dẹp nhậu,  bà bước theo lối tắt đi trước,  tấm lưng như còng thêm vì thời gian và lo toan chuyện đời.

*

* *

Phước Hội là vùng tranh chấp suốt hai mươi mốt năm chiến tranh nên thanh niên lớn lên là bị dạt theo hai ngã.  Hai Tín vô rừng làm giao liên từ căn cứ lòng chảo Nhơn Trạch về miệt vườn.  Ba Nghĩa vì vướng mẹ già mù lòa đành phải cầm súng đi lính địa phương quân,  mấy lần đi ruồng đi phục kích sém bị du kích bắn chết.  Hai người cũng có lúc nhìn thấy nhau giữa chốn súng đạn đì đoàng...

Hai Tín nói với bà Hai Phấn :

- Má nhắn thằng Nghĩa khôn hồn thì né tôi đi. Tôi từ nó,  không bạn bè gì nữa.

Bà Hai chậm rãi nhai trầu,  phân giải nhẹ nhàng :

- Hoàn cảnh bắt nó đi khác đường mày.  Bụng nó không bỏ mày đâu, mày đừng bỏ nó.  Nó thừa biết mày hay luồn về đây,  sao nó không đón bắt. Hai anh em bay chém nhau đằng sống thôi.

Đến vụ lính về khui hầm bí mật bắt gọn mười một người của huyện ủy đang náu tại Phước Hội, Ba Nghĩa lén vô nhà bà Hai báo tin :

- Má ơi,  hên quá trời.  Trong đám mấy ổng không có thằng Tín.

Mặt bà Hai vẫn điềm nhiên không tỏ vẻ lo hay buồn,  bà lôi trái sầu riêng ở góc nhà lấy mũi dao tách vỏ,  mùi thơm bay ngào ngạt :

- Mày ngồi xuống ăn đi.  Có thằng chỉ điểm tụi bay mới khui đúng hầm.  Mày biết trước sao không cho má hay ?

- Con là lính trơn. Con làm sao biết trước.  Con thấy thằng Tín không bị hốt là con mừng.  Nó về má biểu nó liệu né đi cho sớm.

Một họng súng lạnh ngắt ghé sát mang tai Ba Nghĩa :

- Tao đây.  Tao ở đây suốt đêm qua. Việc gì tao phải né mày.

- Trời đất.  Hai Tín mày làm cái gì kỳ vậy.

- Im. Cụ cựa tao bắn nát đầu.

Bà Hai dang hai người ra :

- Tụi bay không được cự lộn ở đây. Má muốn anh em bay gặp nhau cùng ăn vài miếng trái đầu mùa rồi đường ai nấy đi.

Hình như Ba Nghĩa không sợ,  đưa mắt lườm Hai Tín :

- Mày tưởng vô rừng là ngon hả? Tao ở ngoài bót cũng chó lắm chớ bộ.  Mai mốt bà già tao chết,  tao vô rừng,  chừng đó mới biết ai ngon à nghen.

- Tao sợ mày tiêu trước bà gìa mày, Nghĩa ơi.

Tức thì Ba Nghĩa cỡi phăng cúc áo dí ngực vô họng súng Hai Tín :

- Nè,  giỏi mày bắn tao đi mà trả thù cho mấy chả.

Bà Hai chống nạnh,  trợn mắt quát hai người đang hằm hè nhau : " Bay muốn giết nhau thì giết tao trước đã ". Họ im lặng nghe lời rồi thi nhau bốc sầu riêng ăn,  người nào cũng gật gù : "Trái này dày cơm quá má ơi ".  Trước khi chia tay, Hai Tín còn dứ vô mặt Ba Nghĩa : " Tụi nó mà đụng tới má Hai là tao chẻ xác mày ".  Ba Nghĩa cũng chỉ mặt Hai Tín : " Ráng làm ráng chịu, cực không xiết ra chiêu hồi đừng nhìn mặt tao ".

Suốt mấy năm liền,  trái cây thất mùa.  Sầu riêng vừa đơm bông đã rụng vì thiếu phân, lớp kết trái thì rụng lộp độp theo tiếng súng đạn bắn vu vơ. Bà Hai vẫn bám riết căn nhà để làm chốn đi về cho Hai Tín.  Có dạo lính địch vây chặt lòng chảo hòng để cho Việt cộng chết đói.  Bà Hai nhắn Ba Nghĩa :

- Khéo thằng Tín với anh em lả mất. Mày đi bố,  lén bỏ cho má mỗi bữa ít gạo,  vài con khô chỗ rìa trảng,  mày nhớ đừng đội nón sắt cho thằng Tín thấy mặt là nó hiểu đồ má gửi.

- Nó dám bắn con không ? Nghĩa phân vân

- Ngu gì nó bắn.  Nó mong mày lắm đó.

Ba Nghĩa đưa lén được vài lần, hai người mới xáp mặt nhau. Hai Tín khen bạn :

- Bồ giỏi lắm,  lần sau mang cho ít thuốc rê,  đá lửa,  pin đèn nghe. Trong này thứ gì cũng quý hiếm cả.

- Tao không bắt mày lãnh thưởng thì thôi,  mày định biến tao thành tiếp tế viên Việt cộng. Bộ mày tưởng dễ à ? Tụi nó dòm ngó dữ lắm. Ba Nghĩa nhăn nhó với ông bạn nằm vùng.

- Khó mới nhờ mày.  Bao lâu má Hai nuôi tụi tao có thấy má kêu ca gì đâu.  Không lẽ mày thua bà già trầu. Tao báo với mấy ảnh ghi công cho mày.

- Khỏi,  khỏi ghi cha nội. Cha đừng xớ rớ tụi nó tóm được là con mừng.

- Tao nhờ mày không chịu tao chiêu hồi,  tao khai mày là Việt cộng cài vô, mày ra tòa án binh đi Côn đảo chơi cho biết.

- Mẹ cái thằng.  Ba Nghĩa chửi yêu bạn. Nó điều tao đi nơi khác chắc mày chết đói nhăn răng.

Bà Hai Phấn là sợi dây buộc chặt tình bạn của hai người lính hai bên chiến tuyến. Họ cứ như hai kẻ vờn nhau nhưng không hề đọ súng. Ba Nghĩa phục đầu ấp Hai Tín mò về cuối ấp.  Hai Tín gài trái chờ Ba Nghĩa gỉa bộ vấp té xuống ruộng rồi mới châm nổ.  Thỉnh thoảng đụng trận làn đạn của hai nguười cứ lướt trên đầu nhau một cách cố tình.  Đến ngày giải phóng, Hai Tín gọi loa yêu cầu những người đi lính chế độ cũ ra trình diện chánh quyền cách mạng. Nằm ở nhà má Hai,  Ba Nghĩa không hiểu mình vui hay buồn, cứ thấy rạo rực trong người.  Chu cha,  giọng thằng Tín nghe oách gớm, đúng là giọng của người thắng trận trở về.  Bà Hai Phấn đi dự mít tinh về nhắn lời Tín với Nghĩa :

- Thằng Hai nó hỏi sao mày không đi trình diện ? Mày trốn là không xong với nó đâu.

Coi bộ không lành rồi. Thằng này dám cho người bắt mình lắm. Thời thế thay đổi lòng người cũng thay đổi biết đâu mà lường.  Trước khi trốn mình phải nhìn kỹ mặt thằng phản bạn đã.  Nghĩa nói cứng với má Hai :

- Con không trình diện.  Con chờ nó ở đây.

Hai Tín đến xách theo một xâu lòng bò và chai rượu đế sủi tăm. Đôi bạn ngồi nhậu,  Ba Nghĩa nhìn chằng chằng vào mặt Hai Tín.  Tín làm bộ ngó lơ hỏi :

- Ê mày,  ngày trước bắt được tù binh thường đem nhốt ở đâu mày ?

- Ngoài đảo Phú Quốc. Mày hỏi hay mày dọa tao đó Tín ?

- Hỏi để biết chỗ lâu lâu thăm nuôi mày. Bạn bè dọa nhau làm gì cho mệt.

Bà Hai không bỏ sót câu chuyện từ đầu,  lo lắng hỏi xen vào :

- Mày không đỡ được cho thằng Nghĩa hả Tín?

- Không má ơi.  Nó ngoan cố không ra trình diện,  để nó đi tù vài năm rồi nó về,  đâu có sao,  phải không má ?

Ba Nghĩa nổi quạu :

- Con không thèm nhờ thằng nào đỡ cả.  Má ở nhà ráng chịu cực, con ra tù về làm mướn nuôi má. Đừng chơi với quân bất nghĩa.

Hai Tín cười tỉnh khô :

- Mày yên tâm học tập cải tạo.  Má Hai tao nuôi được mà.

Bà Hai Phấn đấm ngực rên rỉ :

- Tao không mượn mặt thằng nào nuôi !

Lúc đó Hai Tín bỗng đè lên người Ba Nghĩa lòn tay xuống sờ háng bạn,  vừa la vừa cười phá lên :

- Nó sợ són đái ra quần rồi má ơi.  Thưa đồng chí Ba,  tao đã báo công và bảo lãnh cho mày.  Khổ thân,  cái thứ lính quèn như mày ai thèm bắt.  Tao hù chơi đó.  Ha.. ha...

Bữa rượu đầu tiên của ngày hòa bình,  tiếng cười của hai người bạn thân vang động một góc vườn.  Bà Hai thở phào : " Lạy Trời, hai thằng thương nhau thực tình.  Tụi bay,  tao mà có con heo,  tao mổ để ăn mừng ".

*

* *

Ba Nghĩa yên phận với lý lịch từng đi lính chế độ cũ,  sắm cái xe đạp tàng đi bán kem dạo,  bán bong bóng bay, khi rỗi việc ruộng vườn.  Hai Tín được điều lên huyện. Là kiểu người chỉ hợp với thời chiến,  không phải kiểu người của thời bình,  anh bị đùn đẩy hết phòng này ban nọ.  Đã vậy,  tính tình ngang ngạnh, đụng tý là chửi ráo,  bất kể ai từ trên xuống dưới.  " Hồi trong rừng mấy cha hòa đồng lắm,  tui đi kiếm đồ cho mấy cha ăn,  giờ mấy cha đè đầu cưỡi cổ thằng này.  Hồi đó mấy cha khen tui cho đã,  giờ chê tui ít học.  Tui về,  bao giờ có giặc nhớ đến kêu tui nghe ". Tín về hẳn Phước Hội làm dân. Ba Nghĩa mò đến an ủi bạn bằng một can rượu đế loại 45 độ.  Hai người vừa uống vừa chửi đời chó má.  Bà Hai nghe rác tai,  chỉ mặt la :

- Tao cấm tụi bay chửi bậy nghe.  Ngày trước hai ông gìa bay đánh Tây xong về vui vẻ mần ruộng có thấy ai nói xằng câu nào. Giờ bay nên lo lắng ruộng vườn,  lấy vợ sinh con. Ai cũng đòi làm quan hết lấy ai làm dân cuốc ruộng.  Tao thấy thương mấy thằng chết. Bay dám suy bì với mấy thằng đã chết không ?

Cây trái miệt vườn năm được năm mất.  Ruộng nước ít, cấy một vụ còn một vụ nước mặn theo triều cường dâng làm cháy sạch từ khi xuống mạ. Hai Tín sang thành phố làm thợ hồ ăn lương công nhật. Ba Nghĩa gò lưng đạp xe bán dạo bong bóng bay.  Thỉnh thoảng hai người gặp nhau sau một ngày bươn chải lại hú nhau vô chòi canh vườn nhậu.  Gia cảnh hai người đều nghèo túng quanh năm nhưng hai bà vợ cứ thi nhau đẻ sòn sòn. Không đứa nào phải ra trạm xá,  một tay bà Hai Phấn đỡ hết thảy hai bầy trẻ.  Nhiều lúc bà ái ngại nhắc chuyện đẻ nhiều,  hai tay bợm rượu nhe răng cười :

- Cũng tính biểu má nó đặt vòng nhưng nó sợ mỡ quấn rồi tắc đái.  Hai Tín gãi đầu sồn sột kể.

- Con bàn thằng Hai đi thắt ống dẫn con,  nghe người ta đồn liệt dương giống con gà trống thiến.  Ba Nghĩa phân trần.

Bà Hai chịu thua,  hàng xóm cũng chịu thua,  không ai góp ý được. Họ đẻ họ phải nuôi. Có nuôi dùm đứa nào đâu mà dám bảo nên thế này thế nọ. Lâu lâu tụi nhỏ thiếu bữa,  bà Hai lén cho vài lít gạo.  Mấy chị vợ cũng nhận lén vì sợ chồng.  Bởi hai bợm rượu biết lại chửi : " Đồ đàn bà ngu đần.  Tía nó ăn của má Hai chưa trả,  giờ con nó lại ăn quợt của má ".

Đầu năm nay người ta mở con lộ vào khu lòng chảo để xây dựng khu lọc hóa dầu. Miệt vườn xáo động cơn sốt đất.  Ruộng nhà Hai Tín và nhà Ba Nghĩa từ ấp ra đi xa tút mút,  bổng nằm ngay mặt tiền. Hai bạn rượu tưởng ngồi trên đống than hồng.  Đi đâu cũng chỉ nghe đồn gía đất lên cao chóng mặt.  Có mấy người lạ mò vô ấp dọ hỏi mua ruộng.  Bà Hai Phấn kêu hai người đến hỏi :

- Tụi bay định bán ruộng hả ?

- Dạ.  Thời cơ đổi đời má ơi.  Làm nông dân hết đời chưa hết nghèo.  Bán đi kiếm vài chục cây xài chơi.

- Bay đã nhận tiền đặt cọc chưa ?

- Chưa.  Hai ông nhìn nhau lắc đầu.

- Đã thấy ai bán được chưa ?

- Cũng chưa thấy ai bán cả.

Bà Hai mừng ra mặt.  Bà hỏi Hai Tín :

- Nếu bán được mày tính sắm cái gì ?

- Con mua cái xe DD màu đỏ điều chở thằng Nghĩa đi nhà hàng uống bia ôm cho biết.

Bà hỏi Ba Nghĩa :

- Còn mày ? Định sắm cái gì ?

- Con mua cái xe Đờ-Rim,  con đi bán bong bóng cho thiên hạ lác mắt.

Bà lại hỏi :

- Bộ không tính làm ăn sao ? Xài hết đi ăn mày à ?

- Có chớ má,  tụi con cho hai con vợ đi buôn bán.

Bà Hai lắc đầu:"Vợ tụi bay,đưa vốn cho chẳng khác thả cá xuống sông rồi mò.  Tụi bay nghĩ cho kỹ nghen.  Nông dân không có ruộng thì chỉ có làm mướn thôi. Đời tụi bay làm mướn thì được đừng để con cái đi làm mướn,  cực lắm ".

Hai người ngồi nghe bà gìa nói như thoát khỏi cơn mê.  Suốt ngày họ lo chạy ra lộ ngồi chờ khách mua đất quên cả xuống giống,  quên cả niềm vui nhậu nhẹt.  Vụ này không cấy lại thiếu đói,  lại chạy đôn đáo kiếm tiền mua gạo từng bữa.  Tương lai chưa gõ cửa mái nhà hai người.  Bầy con trẻ rách rưới đang cần cơm,  cần áo, cần sách vở đến trường.

Hai người bỗng nhìn lại bà Hai.  Người đàn bà cô độc ấy một đời gắn bó với họ nhưng chưa được họ báo đền.  Họ trào nước mắt,  lần đầu tiên hai người bạn nhìn bà khóc mà không phải nhờ rượu.

- Má ơi con chỉ ước ao được nuôi má lấy một ngày !

- Tụi con nghèo chỉ biết thương suông má thôi !

Họ ngồi trước mặt bà Hai mà khóc.  Tiếng khóc của đàn ông mới đáng sợ làm sao.

Cầu xin Trời đất mưa gió thuận hòa để miệt vườn bình yên như muôn thuở...

1994

<< Người trong cổ tích | Bóng dáng người yêu nhau >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 628

Return to top