Từ Văn đột nhiên phát giác ra có một cây đinh sắt đóng vào vách thuyền chìa ra dài
hai tấc ở ngay cạnh huyệt Thái dương bên hữu chàng, chỉ cách vài tấc. Chàng chỉ cần
đụng đầu mạnh một cái là kết thúc xong cuộc đời một cách dễ dàng.
Sau khi phát hiện ra vụ này, chàng liền bình tỉnh lại, bây giờ chỉ cần sao cho đối
phương chú ý ra chỗ khác.
Nghĩ vậy, Từ Văn liền lớn tiếng hỏi :
- Phải chăng các hạ họ Lam ?
Lão tú sĩ giựt mình, đáp :
- Lão phu... Ta...
Từ Văn lại hỏi tiếp :
- Phải chăng các hạ là Lam Thiếu Thần ?
Lão tú sĩ hắng dặng một tiếng, rồi đáp :
- Lão phu không phải là Lam Thiếu Thần. Giả tỷ Lam Thiếu Thần còn sống ở nhân
gian, thì hành động của y cũng giống lão phu.
Theo như lời lão tú sĩ nói đây thì Cữu phụ Từ Văn là Lam Thiếu Thần đã chết rồi,
chứ không còn sống ở dương gian nữa. Vậy lão tú sĩ này là ai ? Nhưng những cái đó
cũng không quan hệ. Mục đích của Từ Văn chỉ là tìm cơ hội di chuyển sự chú ý của
lão ra chỗ khác để cho cuộc tự sát của chàng không bị ngăn trở mà thôi.
Lão tú sĩ đột nhiên lớn tiếng hỏi :
- Tiểu tử ! Ngươi có nghe ai nói tới Tô Viên bao giờ chưa ?
Từ Văn chưa kịp suy nghĩ sâu xa đã buột miệng đáp :
- Há phải chỉ nghe tiếng mà thôi. Mới đây, tại hạ còn gặp mụ.
Lời nói vừa ra khỏi cửa miệng, chàng đã biết ngay là không ổn, nhưng trót lỡ lời,
còn thu về thế nào được ?
Chàng tự hỏi :
- Sao lão này lại biết cả đến danh tự Đại mẫu ta ? Lão hỏi tới mụ làm chi ? Lão là
nhân vật thế nào ?...
Lão tú sĩ đứng phắt dậy, dường như bị khích động quá chừng, lão gầm lên :
- Ngươi... ngươi biết mụ rồi ư ?
Từ Văn đã lỡ lời, đành liều đáp :
- Đúng thế !
Lão tú sĩ lại hỏi :
- Mụ... chưa chết ư ?...
Từ Văn không dáp, chàng hỏi lại :
- Giữa các hạ và Tô Viên có mối liên quan thế nào ?
Lão tú sĩ không trả lời, nắm ngay lấy hai vai Từ Văn vừa lắc mạnh, vừa giục :
- Hiện giờ mụ ở địa phương nào ? Nói mau !
Thật là một cơ hội rất tốt, Từ Văn tuy đã mất hết công lực, nhưng "Độc thủ" vẫn
còn. Chàng chỉ giơ tay lên một cái là có thể làm cho đối phương trúng độc ngay.
Nhưng xe đổ hãy còn in vết, công lực lão tú sĩ này cực kỳ thâm hậu, đã đến trình độ
thông thần. Dù lão có bị trúng độc, cũng không kềm chế ngay được lão, vì trong
người chàng không còn chút nội lực nào, mà thuốc giải độc, chàng lại để bên mình.
Lão cứ việc ung dung xục tìm lấy thuốc để tự giải, rồi đưa chàng vào tình trạng sống
không sống được, chết chẳng chết xong...
Chàng xoay chuyển ý nghĩ này trong khoảnh khắc, dường như lão tú sĩ đã nhìn
thấy ý niệm của chàng, lão liền nới tay lùi lại.
Thế là cơ hội lại lỡ mất rồi.
Từ Văn liền quay về quyết định trước, lợi dụng chiếc đinh ở vách thuyền cho xuyên
vào Thái dương tử huyệt để cầu giải thoát.
Da thịt trên mặt lão tú sĩ co rúm lại. Mắt lão trợn lên như hai chiếc nhạc đồng
không chớp.
Một người dầy công tu dưỡng, lại công lực thâm hậu như vậy, mà phải khích động
đến thế, dủ tỏ lão cũng hoang mang vô cùng !
Bỗng lão cất tiếng hỏi :
- Tiểu Tử ! Ngươi gặp Không Cốc Lan Tô Viên ở đâu ?
Từ Văn làm như vô tình người nhích đi một chút để huyệt Thái dương nhằm thẳng
vào đầu đinh, cách chừng hơn một tấc. Bây giờ chàng chỉ còn việc đâm mạnh tử huyệt
một cái là mọi việc đều giải quyết xong xuôi hết.
Dĩ nhiên lão tú sĩ không khi nào nghĩ tới Từ Văn định tự tử bằng cách này. Lão tức
giận trợn mắt lên nhìn chàng để chờ chàng trả lời.
Tuy Đại mẫu cùng phụ thân chàng đã ơn đoạn, nghĩa tuyệt, trở nên oan gia sinh tử,
nhưng khi nào chàng lại nói chỗ trú ngụ của mụ để gây mầm họa cho Diệu Thủ Tiên
Sinh.
Lão tú sĩ lại quát hỏi lần nữa :
- Ngươi có nói hay không thì bảo ?
Từ Văn buông thõng :
- Không nói thì đã sao ?
Lão tú sĩ thét lên :
- Ngươi muốn chết chăng ?
Từ Văn hững hờ đáp :
- Tiểu gia đã không tính đến chuyện sống chết nữa rồi.
Lão tú sĩ tức quá, gầm lên :
- Thằng lõi này giỏi thiệt ! Mi không còn nể mặt ta nữa ư ?...
Từ Văn nghiến răng ken két, toan đập đầu vào mũi đinh sắt...
Giữa lúc ấy, bất thình lình có tiếng quát từ đằng xa vọng lại :
- Từ Anh Phong ! Lão nên chường mặt ra đi thôi !
Lão tú sĩ biến sắc, chui ra ngoài khoang thuyền.
Từ Văn chấn động tâm thần. Trong lúc hốt hoảng, chàng không hiểu chuyện gì mà
lại có người réo tên họ phụ thân mình.
Chàng không suy nghĩ gì nữa, đứng phắt dậy, mở cửa sổ khoang thuyền ra thì thấy
ba con thuyền nhỏ đang từ từ đi về phía chiếc thuyền lớn.
Trên con thuyền đầu có Vệ Đạo Hội chủ Thưởng Quan Hoành và thiếu phụ xinh
đẹp, võ công thâm hậu, sóng vai đứng đó.
Trên con thuyền thứ hai là Táng Thiên Ông và Vô Tình Tẩu.
Trên con thuyền thứ ba là Thống Thiền hòa thượng và Thái Y La Sát.
Bọn chèo thuyền toàn là những tay tráng hán mình mặc áo đen.
Vệ Đạo Hội chủ Thưởng Quan Hoành lớn tiếng la :
- Từ Anh Phong ! Bữa nay ngươi có chắp cánh cũng hết đường trốn thoát.
Lão tú sĩ nổi lên tràng cười khanh khách như người điên, rồi đáp :
- Các vị bằng hữu ! Ở đây không có ai là Từ Anh Phong cả.
Táng Thiên Ông thanh âm như tiếng sấm quát lên :
- Ngươi ngậm mõm lại đừng sủa càn nữa. Kêu lão đó ra đây.
Từ Văn chợt động tâm linh, chàng đã hiểu chuyện gì rồi. Thiếu phụ xinh đẹp phế
bỏ nội công của chàng, tha cho chạy đi. Mục đích của mụ là muốn mượn chàng để
tìm cho ra phụ thân chàng lạc lỏng nơi đâu. Lão tú sĩ giết hai tên chân sào, cướp
chàng mà chạy. Chắc là vụ này đã có tin cấp báo, nên đối phương mới theo dõi tông
tích tới đây.
Mục đích của hai bên đều là tìm kiếm cho ra phụ thân Từ Văn. Nếu hai bên tìm ra
sự thực thì kẻ bị nạn vẫn là chàng.
Từ Văn đưa mắt nhìn quanh một lượt, phát giác ra đây là một cái đầm rộng chừng
mấy mẫu. Hai bên non cao chót vót. Tuy giữa ban ngày, nhưng cảnh vật cũng âm
thầm, lạnh lẻo.
Phía chính diện là một trái núi xanh, chìa ra như một tấm bình phong. Dãy núi hai
bên nước chảy ra đều bị vách núi ngăn lại, nên chảy xoáy trôn ốc, khoét xuống thành
chiếc đầm này. Lối ra có một đường thủy đạo nhỏ hẹp đi về mé hữu. Bọt trắng bắn lên
tung tóe. Sóng nước đập vào đá bì bòm nghe rất ghê sợ.
Từ Văn lại quyết định :
- Thà là mình chết giữa đầm nước xoáy, chứ không chịu để cho kẻ thù đày đọa. Cơ
hội này ta không thể bỏ lở được.
Chàng nghĩ vậy liền xoay lưng về phía thuyền nhỏ, mở cửa sổ khoang thuyền ra,
vịn lấy vách thuyền chui ra ngoài rồi cho người tuột xuống đầm không một tiếng
động. Nước trên mặt đầm phẳng lặng mà phía dưới chảy xoáy lại rất ghê hồn.
Từ Văn không biết bơi lội. Người chàng chìm xuống, rồi lập tức bị một hấp lực lôi
xuống đáy đầm. Công lực chàng đã mất hết, nên chàng không thể dùng nội công để
phong tỏa hô hấp, nước vào đầy miệng. Bản năng sinh tồn thúc giục chàng dảy dụa,
cố sức nhoi lên khỏi mặt nước. Nhưng sức nước xoáy cực kỳ mãnh liệt, chàng vật lộn
cũng bằng thừa. Dòng nước xoáy lộn mấy cái là chàng đã mất hết tri giác. Trong lúc
mê mang chàng tưởng chừng như mình đã bị dòng nước xoáy đẩy vọt ra ngoài đầm.
Một cơn rét như cắt ruột khiến chàng tỉnh táo lại. Chàng dương mắt lên nhìn thì
thấy ráng đỏ đầy trời. Người chàng nằm thẳng cẳng trên một tảng đá lớn, lạnh như
băng. Từng cơn gió núi quạt vào người chàng như cắt da xẻo thịt. Bên tai văng vẳng
vẫn nghe tiếng sóng vỗ bì bòm.
Trong lúc mê mang, Từ Văn không hiểu mình còn sống hay đã chết rồi. Cảnh tưởng
trước mắt là sự thật hay là ảo mộng ?
Hồi lâu, chàng mới xác định được là mình chưa thành "thần sóng". Chàng thở hút
cùng những cảm giác trong người đều không phải là ảo mộng.
Từ Văn kinh hãi đứng dậy mới phát giác chổ mình nằm, ở gần hang tuyệt cốc cánh
cửa hang không đầy ba thước.
Đây là một cái vực thẩm sâu hàng trăm trượng, ngó trông như một giải sông ngoằn
ngoèo hay một con rắn khổng lồ uốn khúc.
Chàng tự hỏi :
- Đây là đâu ? Mình đã được ai cứu sống ? Nếu không, dĩ nhiên mình tuột xuống
nước là chết dứt, chứ còn cách nào bay qua được vách núi chót vót kia ?
Đột nhiên có tiếng người già lọt vào tai :
- Bản sư tổ ở đây, sao ngươi không quỳ xuống ?
Từ Văn kinh hãi không bút nào tả xiết. Chàng lồm cồm đứng lên thì thấy một phiến
đá nhô ra cách đó chừng một trượng. Một lão già người gầy như que củi, song cặp
mắt lấp loáng như điện, ngồi trên phiến đá đang nhìn chàng.
Từ Văn tự hỏi :
- Sư tổ nào đây ? Câu đó ở đâu mà ra ? Sư tổ này ở đâu đến ? Mình ở nhà học nghệ,
đến sư phụ cũng không có, mà lão già quái gở này bình sinh mình chưa gặp bao giờ,
lại tự xưng là sư tổ, thế có lạ không ?
Từ Văn vừa sợ hãi vừa nghi hoặc lùi lại một bước, không biết nói sao ?
Lão già lại lên tiếng hỏi :
- Chẳng lẽ sư phụ ngươi không nói rõ cho ngươi hay ?
Từ Văn lắp bắp đáp :
- Sư phụ ư ?... Vãn bối không có... sư phụ...
Lão già cặp mắt chiếu ra những tia sáng xanh lè. Mặt lão chỉ còn rúm da bọc xương
mà cũng nổi giận quát hỏi :
- Ngươi không có sư phụ ư ?
Từ Văn đáp :
- Đúng thế !
Lão già lại hỏi :
- Ngươi đến đây làm chi ?
Từ Văn thở dài đáp :
- Vãn bối gieo mình xuống đầm tự tử, không hiểu...
Ánh mắt xanh lè của lão già ngó Từ Văn mấy lần, rồi lớn tiếng hỏi :
- Phép "Vô ảnh Tồi Tâm Thủ" ai đã truyền thụ cho ngươi ?
Từ Văn chấn động tâm thần. Chàng coi chừng trong vụ này có nhiều điều ngoắt
ngoéo. Nhưng chàng thành thực đáp :
- Chính tiên phụ đã truyền thụ cho vãn bối.
Lão già sửng sốt hỏi :
- Sao ngươi lại gọi bằng tiên phụ ? Y chết rồi ư ?
Từ Văn gật đầu đáp :
- Phải rồi !
Lão già hỏi :
- Có phải trước khi y chết bảo ngươi tới đây không ?
Từ Văn ngập ngừng :
- Cái đó...
Lão già lại hỏi :
- "Độc kinh" đâu ?
Từ Văn chẳng hiểu ra sao. Chàng bị một chuổi câu hỏi khiến chàng như người bị
thả vào trong đám mây mù.
Chàng ấp úng :
- Lão... Lão tiền bối...
Lão già nhíu cặp mày trắng, lắc đầu luôn mấy cái rồi nói như để mình nghe :
- Không phải ! Tất hắn không dám lừa thầy, mà sao dám trái lệnh lấy vợ, đẻ con, có
lẽ là...
Lão nói tới đây đột nhiên lớn tiếng quát :
- Quân nghiệt chướng đó chết vào hồi nào ?
Từ Văn ngơ ngác hỏi lại :
- Nghiệt chướng ư ? Ai là nghiệt chướng ?
Lão già đáp :
- Cái người đã truyền "Độc công" cho ngươi đó.
Từ Văn đáp :
- Tiên phụ ư ?... Lão nhân gia chết mấy tháng trước đây.
Lão già "Hứ" một tiếng. Tiếng hứ của lão rất chói tai, vừa lạnh lẽo thê lương, vừa
quái gỡ kinh hồn ! Từ Văn nghe thấy không khỏi ớn da gà. Chàng hoàn toàn đi vào
chổ hồ đồ, hoang mang, chẳng hiểu là chuyện gì. Chàng không biết mình đang mơ
ngủ hay là sự thực.
Lão già da mặt co rúm lại mấy lần, nổi giận đùng đùng hỏi :
- Hắn không tuân huấn lệnh mười năm... Hừ ! Hắn chết trong trường hợp nào ?
Từ Văn đứng trơ ra như tượng gỗ, đáp :
- Tiên phụ bị kẻ thù gia hại. Nhưng...
Lão già hỏi ngay :
- Nhưng làm sao ?
Từ Văn đáp :
- Nhưng mấy bữa nay lại có vết tích dường như... tiên phụ hãy còn sống ở thế gian.
Lão già hỏi :
- Hắn có đem chuyện sư môn cùng giới mệnh kể cho ngươi nghe bao giờ không ?
Từ Văn hoang mang lắc đầu đáp :
- Không.
- Vậy mà sao ngươi lại biết đường "Cửu chuyển hà" tới đây ?
Từ Văn đáp :
- Vãn bối bị kẻ khác bắt giử, liền thừa lúc họ sơ ý, nhảy xuống nước tự tử... Có phải
lão tiền bối đã cứu vớt vãn bối không ?
Lão già ngạc nhiên một lúc rồi miệng càu nhàu :
- Thằng nhỏ bị phong tỏa công lực. Chẳng hiểu thần trí gã có bị tổn thương mà mất
hết ký ức không ? Nếu không thì sao gã lại ăn nói vớ vẫn thế này ?
Từ Văn nghe đến mấy chữ "công lực bị phong tỏa" thì không khỏi động tâm, vì
hiển nhiên công lực chàng đã bị phế bõ mà sao lão này lại bảo bị phong tỏa. Phong
tỏa với phế bỏ khác nhau nhiều lắm.
Lòng chàng nghĩ vậy, bất giác chàng thử đề khí thì thấy nội lực ùn ùn như nước
suối. Công lực chàng đã khôi phục lại rồi.
Từ Văn kinh hãi trong lòng không bút nào tả xiết. Lão già bảo công lực chàng bị
phong tỏa thì chắc là lão đã giải khai cho khỏi bị kềm chế. Lão này là một nhân vật
cao siêu không biết đến đâu mà lường. Lão lại tự xưng là sư tổ, lại nhắc đến chuyện
"Độc thủ", hay lão đúng là ân sư của phụ thân chàng ?
Từ Văn còn đang ngẫm nghĩ, bỗng lão già vẫy tay bảo chàng :
- Ngươi hãy lại đây !
Bỗng nhiên lão mất hút. Từ Văn rất lấy làm kinh dị, sau chàng phát giác ra lão đã
lui vào thạch động. Lúc trước lão ngồi trên phiến đá che mất thị tuyến. Đồng thời
chàng để hết tâm thần chú ý vào người lão nên không phát giác ra được.
Từ Văn ngần ngừ một chút, rồi nhảy lên phiến đá đi vào hậu động. Cửa động không
rộng mấy, chỉ vừa một người chui ra, chui vào. Động đã hẹp lại tối tâm.
Từ Văn đi chừng mười trượng đột nhiên nhìn thấy một tòa thạch thất rộng rãi. Bàn
ghế toàn bằng đá. Giữa nhà bày một chiếc hương án, khói bốc lên nghi ngút và đèn
thắp sáng tỏ.
Lão già thõng tay đứng bên hương án.
Từ Văn vừa khoa chân bước vào, lão liền lớn tiếng quát :
- Thần vị sư tổ ở đây, sao không quì xuống ?
Từ Văn ngẩng đầu lên nhìn thấy trên án có đặt bài vị khắc giòng chữ : "Thần vị tổ
sư Vạn Độc Quỉ Kiếm Sầu Lê Vĩ"
Hàng chữ kinh tâm động phách này khiến cho Từ Văn chợt nhớ tới lão quái ở Bạch
Thạch phong đã nhắc đến. Theo lời lão kia thì "Vô ảnh Tồi Tâm Thủ" đã do Quỉ
Kiếm Sầu luyện thành hai trăm năm trước đây. Chàng biết là mình đi bổ nháo, bổ
nhào thế nào lại đi vào ngay chỗ tổ sư.
Từ Văn vừa kinh hãi, vừa mừng thầm quì hai chân xuống thi hành đại lễ, ba lần quì
gối, chín lần khấu đầu, rồi lại đến trước mặt lão già quì xuống miệng hô :
- Kẻ bất tiếu này là Từ Văn xin khấu đầu bái kiến sư tổ.
Lão này toàn thân chấn động quát :
- Đứng dậy !
Từ Văn ngạc nhiên đứng dậy. Chàng chẳng hiểu ra sao, ngơ ngác nhìn lão già.
Lão già xúc động hỏi :
- Ngươi tên gọi Từ Văn ư ?
Từ Văn đáp :
- Đúng thế.
Lão già lại hỏi :
- Phụ thân ngươi tên gì ?
Từ Văn đáp :
- Gia phụ là Từ Anh Phong.
Lão già nói :
- Ngươi không phải là đệ tử bản môn.
Từ Văn lùi lại ba bước liền. Chàng đứng thộn mặt ra. Bình sinh chàng chưa từng
trải những vụ ly kỳ thế này bao giờ. Lão già vừa thấy mặt chàng, tự xưng là tổ sư, mà
bây giờ lão lại bảo chàng không phải đệ tử bản môn.
Chàng tự hỏi :
- "Vô ảnh Tồi Tâm Thủ" gia phụ học ở đâu ? Không hiểu lão gia lấy được "Độc
kinh" trong trường hợp nào ?
Lão già ngồi xuống ghế đá, nhắm mắt trầm tư hồi lâu rồi dương mắt lên hỏi :
- Ngươi có nghe đến danh hiệu Ngũ Thượng bao giờ chưa ?
Từ Văn đáp :
- Vãn bối chưa từng nghe thấy tên đó bao giờ.
Lão già lại hỏi :
- Ngươi đã nhìn thấy "Độc kinh" chưa ?
Từ Văn đáp :
- Vãn bối chưa được nhìn thấy bao giờ cả.
Lão già lại hỏi :
- Ngươi luyện được "Vô ảnh Tồi Tâm Thủ" trong trường hợp nào ?
Từ Văn đáp :
- Đó là do tiên phụ dạy cho bằng lối khẩu truyền.
Lão già hỏi :
- Phụ thân ngươi đã luyện thành "Độc thủ" chưa ?
Từ Văn dè dặt đáp :
- Theo chỗ vãn bối biết thì gia phụ chưa luyện môn đó.
Lão già lại hỏi :
- Vậy hắn căn cứ vào đâu để khẩu truyền cho ngươi ?
Từ Văn đáp :
- Vãn bối có gia phụ đề cập đến pho "Độc kinh".
Lão già hỏi :
- Hắn có nói đến nguồn gốc pho "Độc kinh" không ?
Từ Văn đáp :
- Không !
Lão già im tiếng. Trong động biến thành tịch mịch, yên lặng.
Từ Văn không hiểu đối phương đang nghĩ gì và cũng không biết lão xử trí với mình
ra sao ? Nhưng chàng cũng ý thức được là mình không đến nỗi lo về chuyện mất
mạng. Điều khiến cho chàng phấn chấn nhất là cảm thấy công lực được phục hồi.
Chàng tưởng chừng như mình vừa được tái sinh.
Bầu không khí vẫn trầm lặng như tờ. Hàng nửa giờ chẳng một ai lên tiếng. Từ Văn
bắt đầu cảm thấy xao xuyến trong lòng.
Đột nhiên lão già đứng dậy, đến trước hương án quì xuống, miệng lâm râm khấn :
- Kẻ đệ tử truyền đến đời thứ mười hai này là Vạn Hữu Tùng xin thỉnh cầu trước tòa
tổ sư về việc duy trì bản môn khỏi đoạn tuyệt. Đệ tử phải tòng quyền thiện tiện
chuyên chính, cúi xin tổ sư so xét.
Cầu đạo xong, lão đứng sang bên tả hương áng rồi cất giọng nghiêm trọng hỏi Từ
Văn :
- Từ Văn ! Phụ thân ngươi đáng lẽ là truyền nhân đới thứ mười bốn của bản môn.
Vậy ngươi là truyền nhân đời thứ mười lăm. Bây giờ ngươi hãy dâng hương quì
xuống.
Từ Văn coi tình hình này biết rằng không còn cách để mà lựa chọn. Chàng cũng
không hiểu tại sao lão già lại nhận định phụ thân chàng là truyền nhân đời thứ mười
bốn. Phụ thân đã có danh phận như vậy thì còn nói sao được nữa. Ngay việc công ơn
cứu sống mình, cũng đủ khiến cho mình chẳng thể cự tuyệt lời yêu cầu của đối
phương.
Nghĩ vậy, Từ Văn chuyển mình tiến lên kính cẩn dâng ba nén hương, đoạn quì
xuống trước án.
Bỗng lão già lên tiếng :
- Lập thệ đi !
Từ Văn lại thêm một lần kinh ngạc. Chàng không biết phép lập thệ thế nào. Chàng
ngẫm nghĩ lại một lúc, rồi theo qui củ của kẻ mới nhập môn dõng dạc tuyên thệ :
- Kẻ đệ tử chân truyền đời thứ mười lăm là Từ Văn đã chịu ơn đức tổ sư thu vào làm
môn hạ, xin thề rằng đem mình hiến cho bản môn, hết sức giữ gìn giới luật môn qui.
Nếu trái lời thề, trời đất chẳng dung, môn qui trọng xử.
Lão già lại quát lên :
- Hãy nghe lời tuyên bố !
Từ Văn vẫn quì mọp, cúi đầu không dám lên tiếng. Sự thực chàng không biết ứng
đối cách nào.
Lão già Vạn Hữu Tùng nét mặt cực kỳ nghiêm trang, cất tiếng :
- Bản môn là Vạn Độc môn, lấy sự giúp người, bảo vệ muôn vật làm tôn chỉ, chăm
bề võ đức, sùng kính võ đạo. Lấy chính nghĩa võ lâm làm căn bản, tận lực trừ gian
diệt ác, dốc lòng cứu nhược phò nguy, không phụ giúp kẻ tàn ác, không theo bọn tà
gian. Đệ tử phải tuân theo không được trái lời huấn dụ.
Từ Văn cung kính đáp :
- Đệ tử xin giữ lòng dạ sắt đá, tuân theo lệnh dụ.
Lão già lại nói :
- Hãy nghe những điều cấm giới !
Từ Văn đáp :
- Đệ tử xin kính cẩn nghe lệnh !
Lão già lại đọc :
- Điều cấm giới thứ nhất là tà dâm, thứ hai là trộm cắp, thứ ba là hiếu sắc, thứ tư là
giúp kẻ ác. Ngươi phải một dạ tuân theo.
Từ Văn lại tuyên bố :
- Cảnh tuân cấm giới.
Lão già lại nói :
- Hãy nghe luật pháp bản môn !
Từ Văn đáp :
- Đệ tử xin kính nghe.
Lão già đọc :
- Khi sư diệt tổ là phạm tử hình. Truyền độc kỷ bừa bải sẽ bị tử hình. Tiết lộ những
điều bí mật của môn phái sẽ bị xử tử hình. Vong ân bội nghĩa cũng bị tử hình. Ngươi
phải khâm tuân.
Từ Văn lại đáp :
- Kính cẩn tuân hành.
Lão già nói :
- Ngươi đứng dậy đi.
Từ Văn quay lại nhìn Vạn Hữu Tùng khấu đầu, nói :
- Đệ tử xin tham kiến sư thái tổ.
Vạn Hữu Tùng đáp :
- Ta miễn lễ cho ngươi. Đứng dậy đi.
Từ Văn đứng dậy. Lúc này lão già tỏ ra rất hiền từ. Ánh mắt xanh lè khiến người
ghê sợ cũng không thấy nữa. Lão trỏ vào cái đôn đá phía dưới nói :
- Ngươi hãy ngồi xuống đó. Lão gia còn có điều nói cho ngươi hay.
Từ Văn tạ ơn, ngồi xuống.
Vạn Hữu Tùng nói :
- Lai lịch ngươi thế nào hãy nói cho ta biết.
Từ Văn đáp :
- Đệ tử tên gọi Từ Văn, là con bang chúa Thất Tinh Bang tên gọi Từ Anh Phong. Đệ
tử không học ai mà chỉ được gia phụ truyền dạy.
Lão già nói :
- Hay lắm ! Hài tử ! Ngươi hãy lắng tai mà nghe cho kỹ : Bản môn kêu bằng Vạn
Độc môn. Vị tổ sư mà trong võ lâm ngày nay vẫn đồn đại là Quỉ Kiếm Sầu Lê Vĩ. Bản
môn đời nào cũng chỉ truyền cho một người. Mỗi đời chỉ thu được một tên truyền
nhân đó là lề luật của sư tổ để lại, không bao giờ vi phạm được. Vì vậy trong luật có
điều ấn định kẻ nào truyền độc kỹ một cách bừa bãi là phạm tử hình.
Từ Văn hỏi :
- Thái sư tổ có qua lại giang hồ bao giờ không ?
Vạn Hữu Tùng đáp :
- Ta về núi đã đến sáu chục măn nay.
Từ Văn hỏi :
- Còn truyền nhân những đời kia...
Vạn Hữu Tùng ngắt lời :
- Tổ sư gia có để lại chỉ thị về việc thu truyền nhân. Chỉ thị có thể nói là một pho bí
lục của bản môn. Tổ sư trước đây hai trăm năm vô tình phát giác ra tòa bí động này
trên núi Tuyệt Phong có Cửu chuyển hà vây quanh, rồi từ đó người phát thệ vào đây
qui ẩn. Tổ sư tiềm tu trong khoảng ba chục năm chẳng những bản lảnh thông huyền
mà điều chủ yếu lại hiểu về "Độc đạo" rất tinh vi. Nếu để tuyệt kỷ này bị thất truyền
thì thật là đáng tiếc, nhưng tổ sư đã tuyên thệ qui ẩn, ngài không thể bỏ lời thề để ra
ngoài thu đồ đệ được...
Lão nói tới đây, ngừng lại một chút rồi tiếp :
- Thế rồi tổ sư nghĩ ra một diệu pháp gọi là "cơ duyên". Người đem những điều sở
học của mình viết thành hai quyển bí lục. Quyển thượng có thêm một điều lệ nói rõ
người nào bắt được bí lục này, hễ tiềm tâm tu luyện trong mười năm mà thành công,
thì về đây bái sư để luyện tiếp quyển hạ...
Từ Văn la lên một tiếng :
- Ủa !
Vạn Hữu Tùng nói tiếp :
- Tổ sư đem quyển thượng bí lục có điều lệ đặc biệt bỏ vào trong một cái túi chế
bằng da cá, quăng xuống sông. Nếu không gặp người có duyên thì từ đây cuốn đó bị
thất lạc và thất truyền. Tổ sư theo tâm nguyện kêu bằng "cơ duyên".
Từ Văn chú ý lắng tai nghe bất giác buột miệng hỏi :
- Tất là có người hữu duyên bắt được ?
Vạn Hữu Tùng gật đầu đáp :
- Dĩ nhiên là thế, nếu không làm sao bản môn còn tồn tại và kế tiếp cho tới ngày
nay.
Từ Văn lại hỏi :
- Xin thái sư tổ kể tiếp đi.
Vạn Hữu Tùng nói :
- Sau đó sáu năm, một hôm sư tổ đang câu cá ở bên sông, bỗng thấy một tử thi trôi
đến. Tổ sư kéo lên coi thì người này chưa tắt thở. Bên mình y còn đeo nửa pho "Độc
kinh". Tổ sư cứu sống y lại, hỏi thì quả nhiên y tới đây để bái sư. Vì y không biết
đường lối, xảy chân rớt xuống nước...
Từ Văn kinh hải la lên :
- Úi chà !