Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Kim Trúc Tự

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 393 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Kim Trúc Tự
Tuyên Đỉnh

Mỗ lúc hồi còn nhỏ để tóc trái đào, từng được nghe nói đến ngôi chùa Kim Trúc Tự ở Dương Châu, nhưng không hề biết rõ gốc gác do lai long mạch thế nào. Chỉ mới năm ngoái, may gặp được quan Đồn Điền Tư Mã là Dương Tuệ Sinh, người trong thân tộc, ngẫu nhiên đem chuyện Kim Trúc Tự ra kể.


Câu chuyện kể rằng:
Cuối đời Minh mạt, ở đất Hoãn, tức tỉnh An Huy ngày nay, có người tên là Tiêu Linh Oai, tuổi còn trẻ, nhưng tính tình hào hiệp, hay bênh vực kẻ yếu thế. Vì vậy nên thường hay mua oán kết thù với người đời, bị cừu nhân ám hại, suýt mạng vong, phải bỏ xứ mà đi, mai danh ẩn tích ở đất lạ xứ người mất hai năm liền.


Một tối, Tiêu một mình tản bộ dạo chơi dưới bóng trăng, chợt nghe có tiếng người nỉ non khóc lóc phát ra từ một ngôi nhà lá. Chàng tiến lại han hỏi. Té ra đó là hai mẹ con một người đàn bà góa, thường vẫn sống bằng nghề se tơ, đánh sợi.


Hàng xóm của họ có tên hào phú Ngụy Hổ Nhi, thấy nhan sắc của người con gái diễm lệ yêu kiều, thì đem lòng thèm khát, muốn cưỡng chiếm lấy nàng. Nhưng người con gái xấu hổ, bực tức, khăng khăng một mực không chịu, đã có ý tự sát mấy lần. Vì thế, người mẹ không dám rời xa nàng nửa bước. Hôm ấy, Ngụy Hổ sai người đưa thơ đến báo cho hai mẹ con nàng biết là đã chọn được ngày cát nhật, vài hôm sau sẽ cho kiệu đến rước dâu.Vì thế mà hai mẹ con chỉ biết ngồi nhìn nhau khóc lóc, kêu trời than thở mà thôi.


Tiêu được rõ câu chuyện, mới bảo với người góa phụ:
- Cho dù hai mẹ con bà có khóc đến sáng mai cũng không thể ngăn trở hắn đến cưỡng hôn được đâu!
Rồi quay trở về quán trọ, lấy một con dao thật sắc, dấu vào trong tay áo, ra đi.


Tiêu dò la tìm đến dinh cơ tên hào phú Ngụy Hổ, trèo qua lớp tường vây xung quanh nhà, vào bên trong, rồi tháo bỏ hài, nhảy lên mái ngói, lặng lẽ đi không để một tiếng động. Chàng đưa mắt nhìn bốn phía nghe ngóng, thấy từ gian phòng có ánh sáng rạng rỡ hơn cả phát ra những trận cười hoan lạc. Chàng tiến lại gần, đu người dòm qua song cửa. Chính lúc đó, tên hào phú Ngụy Hổ đang ôm một nàng cơ thiếp trong tay, bên cạnh có tên bạn đồng xuồng rót rượu thù tạc, chén chú chén anh, phong thái rất là phóng đãng dâm dật.


Bỗng Tiêu nghe tiếng tên bạn đồng xuồng bảo với Ngụy Hổ:
- Đại ca ạ! Cô ả đông lân chỉ vờ vẫn khóc đấy thôi. Đệ sợ ngày mai được vào trướng gấm với đại ca, được thưởng thức vị lạ rồi, e rằng có đuổi cũng không đi nữa.
Tiêu nghe tiếng Ngụy Hổ trả lời:
- Ả mà còn ngang bướng không chịu, thì cứ thảy xuống cái hố băng, cho chết lạnh là xong.
Tên bạn đồng xuồng tiếp:
- Đại ca là người biết thương hoa tiếc ngọc, lẽ nào lại buông lời tàn nhẫn đến thế, tính hù dọa kẻ yếu bóng vía đó sao?
Ngụy Hổ chỉ cười "ha ha," không đáp.


Tiêu biết chắc chắn đó chính là tên hào phú Ngụy Hổ, bèn lập tức nhẩy phắt xuống đất, vung đao nhắm vào Ngụy Hổ, chém một nhát, y chết tươi.


Người cơ thiếp thấy thế hoảng sợ ngất xỉu.


Tên bạn đồng xuồng của Ngụy Hổ trong lúc cuống cuồng cũng bị Tiêu bồi cho một đao, hồn du địa phủ. Bọn đồng bộc nghe tiếng kêu chạy tới cứu cũng bị Tiêu giết hai tên, còn một tên bỏ chạỵ. Tiêu thấy trên bàn tiệc có một hồ rượu, chàng rót uống cạn một hơi ba chén tống thật lớn.


Sau đó, lấy ngón tay nhúng vào máu, viết lên tường một hàng đại tự:
"Kẻ sát nhân chính là Tiêu Linh Oai. "


Viết xong, Tiêu lại nhảy lên nóc nhà, nhìn tứ phía, rồi lại nhảy xuống, nhắm hướng hoang dã ngoại thành mà đi. Tiêu đi được một lúc lâu, đến một vùng mà chàng không biết là đâu. Bất chợt Tiêu thấy một người mặc áo trắng, tay cầm chiếc đèn hoa sen chạy như phi ở phía trước dẫn lộ cho chàng. Tiêu nối gót chạy theo. Mãi đến khi trời hưng hửng sáng, Tiêu mới nhận ra là nơi chàng đến đã xa hẳn dinh thự của tên Ngụy Hổ đến năm trăm dặm. Lúc để ý tìm người áo trắng, thì đã biến mất, không thấy tông tích gì nữa, tuy chỉ có chiếc đèn hoa sen bị bỏ lại nằm trong bãi cỏ hoang, ánh sáng chập chờn lay động như sắp tắt.
Tiêu rảo bước tiến lại gần, nhìn kỹ, té ra không phải đèn, mà là một đĩnh bạc lớn, thuộc loại châu đề, tính ra ước lượng vào khoảng bốn mươi lạng. Chàng cúi xuống lượm lên bỏ vào túi, để dùng làm tiền lộ phí. Hàng ngày, Tiêu ở trọ trong một lữ quán, nhưng những tin đồn việc tróc nã can phạm giết người ở nhà viên hào phú Ngụy Hổ càng lúc càng khẩn cấp, Tiêu sợ bị bọn bộ dịch tìm ra tông tích, vội vã thay đổi y phục và danh tính trốn sang bên kia sông.


Chàng nghe đồn núi Thiên Trúc Sơn thuộc tỉnh Triết Giang có vị Bồ Tát rất là linh hiển, bèn dốc lòng tìm đến đó để phần hương sám hối. Nhưng khi đến nơi, Tiêu thấy trai thanh gái lịch, áo quần hoa lệ, tụ tập đông như kiến, còn tì khưu, thượng tọa thì nghìn nghịt như đếm không xuể, nhưng đều chỉ có bề ngoài, không có ai là người đạo hạnh cao thâm cả.


Sau khi thắp hương cầu khẩn, Tiêu tạm trú trong sơn tự, phát nguyện cải hối, trong lòng thầm xin được tị hộ che chở, ngày ngày đem hết lòng thành trai giới tụng niệm.


Một hôm, Tiêu cảm thấy trong lòng cô đơn tịch mịch, bèn leo lên đỉnh núi, tìm niềm khuây khỏa.


Chàng bước vào trong một thạch động thì thấy một vị sư già, đang ngồi bắt hai chân lên đùi nhập định. Đôi mắt như mù. Nhưng khi thấy Tiêu vừa bước vào trong động, nhà sư đột nhiên lớn tiếng mắng:
- Tên hào phú ấy cưỡng chiếm nhi nữ, có liên can gì đến nhà ngươi ?
 Bị nhà sư cật vấn thình lình, toàn thân Tiêu như bị dội một gáo nước lạnh. Chàng sợ hãi, mắt ngây ra, miệng há hốc, đứng đờ người, tưởng rằng việc giết người của chàng đã bị lộ, bụng nẩy ý giết luôn vị sư già đó để diệt khẩu, thì tai lại nghe tiếng vị sư già lớn tiếng quát:
- Khoan! Người mặc áo trắng cầm đèn dẫn lối cho ngươi chạy, lẽ nào ngươi cũng lại coi là kẻ thù hay sao ?.
Tiêu nghe vừa sợ, vừa cảm kích, vội vã phủ phục xuống đất, nói:
- Đệ tử biết tội mình rồi, đại bồ tát pháp lực hoằng thâm, xin giúp đệ tử thoát được nạn này!
Vị sư già đáp:
- Nơi đây không phải đất cho ngươi dung thân đâu. Ta có lá thư này, ngươi hãy cầm đến gặp vị phương trượng Kim Trúc Tự ở Dương Châu, xin ẩn náu lại đấy vài ba ngày, ắt tai qua nạn khỏi ;
Rồi rút trong tay áo ra một lá thư niêm phong kỹ càng, đưa cho Tiêu, và tiếp:
- Nhà ngươi hãy cầm thơ này đi ngay đi, đừng quay lại nữa.
Tiêu dập đầu vái tạ, cầm thư ra đi.


Sau mười ngày đi thuyền, Tiêu đặt chân được đến Dương Châu.
Chàng hỏi han tìm kiếm khắp vùng, nhưng không có chùa nào là Kim Trúc Tự cả, lòng vô cùng lo lắng ưu tư, không dám vào cư trú trong thành, chỉ quẩn quanh ẩn náu ở những nơi thôn xóm hẻo lánh, vắng người.


Một đêm, chàng men ánh trăng tản bộ đến cầu Phú Kiều ở cửa đông để dạo chơi. Bất chợt, Tiêu thấy có một vị hành cước tăng, vác trên lưng một cái túi, đằng trước có một chú tiểu cầm chiếc đèn lồng dẫn đường. Trên đèn có đề mấy chữ "Kim Trúc Thiền Viện. "


Tiêu chú ý nhìn, thấy ánh đèn lập lòe đi về hướng đông. Chàng vội vã cố chạy gấp theo phía sau. Chừng năm sáu dặm, đến một sơn cốc, thì bắt kịp.


Vị hành cước tăng hỏi chàng:
- Chẳng hay thí chủ nghe gì, thấy gì, mà lại đuổi theo bần đạo vậy !
Tiêu vừa thở hổn hển vừa đem việc gặp vị sư già ở núi Thiên Trúc thuật lại cho vị hành cước tăng đó nghe, rồi đưa lá thư ra trình.
Vị hành cước tăng nói:
- Tưởng là ai, té ra là Bạch Y Khoát Cúc Tôn Giả. Như vậy, thí chủ từ xa đến đưa thư, vậy xin mời theo bần đạo cùng về chùa một thể.
Chẳng mấy chốc, thì hai ngươì đi đến một vùng cây cối bao la, bát ngát. Dưới ánh trăng vàng lờ mờ, Tiêu thấy có một tự viện, kinh các, lầu chuông, nguy nga vòi vọi hùng vĩ. Bên trong chùa, văng vẳng tiếng mõ cầm canh. Tiếng niệm kinh ê a ngân dài, lạnh lẽo, tưởng chừng như thấm vào tận tâm can tì phế. Trong khi vị hành cước tăng vào trong để gặp phương trượng, Tiêu đến gần bên một khóm trúc đứng kính cẩn chờ đợi.


Chàng để ý nhìn, nhận ra đó là loại trúc phong hoàng, vỏ trắng, có vân đẹp, khi gió thổi, thân trúc cọ vào nhau buông ra những tiếng nghe leng keng như chuông ngọc khánh vàng.


Vị hành cước tăng đi ra báo cho Tiêu biết là phương trượng hiện đã nhập định, lá thơ để lại án thư, và xin mời chàng vào liêu phòng nghỉ ngơi qua đêm, sáng mai sẽ hội kiến với phương trượng. Rồi dẫn Tiêu đến một gian phòng nhỏ, thật là trang nhã sạch sẽ. Lát sau, lại dọn cơm tối mời chàng ăn, cũng rất là ngon lành tinh mỹ. Ngày hôm sau, Tiêu có ý chờ, nhưng không được phương trượng mời đến. Chàng thấy đám tăng lữ diện mạo cổ lỗ, đi tới đi lui. Có già, có trẻ. Có xấu có đẹp, rất là khác biệt nhaụ. Nhưng đem so với đám quần chúng qui y ở Thiên Trúc Sơn thì chẳng giống nhau chút nào.


Chàng ở trong chùa đến ngày thứ ba. Đêm ấy, thình lình chàng nghe có tiếng trống, tiếng mõ vang rền, hòa với tiếng tụng kinh, niệm Phật. Tiêu cho là nhà chùa mở đại tràng, bèn khoác áo vào người, rón rén lê dép lại gần lén nhìn xem. Khi chàng vừa đến chính điện thì tiếng trống, tiếng mõ, tiếng tụng kinh, bỗng nhiên đều im bặt, không nghe thấy gì nữa. Khắp trong điện, không có lấy một bức tượng Phật nào. Nhưng đèn đuốc sáng trưng. Còn dưới đất được trải kín bằng những đệm lông êm áị. Từng đôi nam nữ nằm la liệt, trần truồng lõa thể, đang cùng nhau soắn suýt hành lạc. (Bỏ năm mươi lăm chữ)


Tiêu nhìn thấy cảnh tượng như thế, lúc đầu có ý ngạc nhiên, sau rồi cơn giận bừng bừng bốc lên, không cầm được, bèn thét thật lớn:
- Dâm loạn ô trọc như thế này, thì còn ra thể thống gì nữa!
 Bỗng phía sau chàng có người quát bảo:
- Khoan! Ở trong bốn phương thiên địa, ở ngoài tứ phương thiên địa, tứ phương thiên sở thành, nơi nào mà chẳng nam hoan nữ ái. Duy có bọn tục tử mông muội mới cho đó là dị dợm khác thường mà thôi.
Tiêu quay lại nhìn, thấy đó là một vị hòa thượng mặc áo cà sa màu tím, đầu trọc, mặt như trăng rằm, bên cạnh có vị hành cước tăng mà Tiêu đã gặp, đứng hầu. Vị hành cước tăng bảo với Tiêu:
- Đây là vị phương trượng của bổn chùa, sao thí chủ chưa cúi đầu hành lễ bái kiến?


Bấy giờ trong lòng Tiêu còn mang nỗi bất bình, nỗi giận chưa tan, nhưng bỗng dưng không tự chủ nổi, nhũn người đổ xuống, chắp tay phủ phục vái chào vị phương trượng.


Hòa thượng nâng Tiêu đứng dậy, dẫn chàng vào trong ngụ thất, dùng lời ôn tồn hỏi thăm tình trạng sức khỏe của vị sư già ở Thiên Trúc Sơn, lại ân cần giảng giải cho Tiêu nghe: -
- Cảnh tượng mà thí chủ vừa mới thấy, chẳng qua chỉ là ảo ảnh, nên bậc trí giả trông thấy, thì tâm thần trong sáng, hiểu rộng thêm ra, còn kẻ ngu muội thì hứng khởi thèm muốn. Điều đó, không có gì là lạ cả.
Tiêu im lặng cúi đầu thụ giáo, không dám hỏi han gì cả. Sau đó, hòa thượng quay sang dặn dò vị hành cước tăng:
- Hãy đưa Tiêu thí chủ trở lại chiêm ngưỡng thủy tinh vực, để thí chủ phát nguyện bồ đề tâm.


Tiêu cáo từ hòa thượng, rồi theo vị hành cước tăng trở lại chỗ đại điện. Chỉ thấy bên trong điện, đèn đuốc đều đã tắt hết, không còn một aị. Chỉ có chiếc đèn dầu ở chỗ khám thờ bức tượng Tam Thế Phật còn leo lét lập lòe mà thôi. Thình lình có tiếng gà gáy sáng. Tiêu nghe thấy tiếng vị phương trượng ra lệnh cho vị hành cước tăng đưa tiễn chàng ra về.


Vị hành cước tăng hái một nắm lá trúc, đưa cho Tiêu và bảo:
- Xin tặng thí chủ ít lá trúc diệp này để làm vật tùy thân.


Tiêu cầm lấy nhét vào trong ống tay áo. Vị hành cước tăng đưa Tiêu ra khỏi cửa sơn cốc. Tiêu nhìn thấy những cảnh tượng so với lúc chàng đến hoàn toàn khác hẳn. Chàng bước thấp bước cao mò mẫm mà đi. Mãi đến khi trời sáng mới thấy rõ đường, té ra đã đến vùng núi Cam Tuyền.


Chàng ôn lại chuyện vừa xảy ra, tưởng như mơ vậỵ.


Nắm lá trúc do vị hành cước tăng tặng chàng, cũng bị rơi mất một nửa. Còn lại phân nửa đều là vàng cả.


Tiêu trở vào trong thành để hỏi han tin tức, thì ra chớp mắt đã ba năm trôi qua, bằng đúng ba ngày chàng sống ở trong Kim Trúc Tự. Chàng bèn đem số vàng bán đi lấy tiền mở một cửa tiệm buôn bán đồ cổ ở thành Dương Châu, sống cuộc đời sung túc, dư giả.


Một hôm, chàng gặp một bà lão ăn mày dắt đứa con gái đi xin ở dọc đường. Bà lão ăn mày trông thấy Tiêu thì phủ phục xuống đất khấu đầu kêu:
- Trời ơi! Ân công, sao còn sống đến ngày nay.
 Tiêu nhìn kỹ lại, té ra chính là mẹ con người góa phụ, nạn nhân của tên hào phú Ngụy Hổ mà chàng đã cứu năm nào.
Chàng mừng rỡ dẫn hai mẹ con người góa phụ về nhà, hỏi han cặn kẽ tình cảnh, thì được người góa phụ thuật lại rằng:
- Sau khi Ngụy Hổ bị ân công giết, con Ngụy Hổ đem việc kiện cáo lên phủ, phủ bắt được một người giống hệt như ân công. Lúc đem người ấy đi chém, chỉ thấy cái đầu rơi xuống đất, còn thân mình chẳng biết vì lẽ gì biến đâu mất không tìm thấy. Thiếp vì cảm ơn lớn của ân công, nên trộm đem cái đầu ấy đi mai táng. Khi vừa mới đào xong huyệt thì cái đầu ấy bỗng dưng hóa thành một chiếc đèn hoa sen. Quan phủ biết chuyện, cũng bỏ qua, không tra cứu thêm gì nữa. Riêng mẹ con thiếp thì sợ liên lụy, dắt díu nhau trốn đến vùng này, phải đi ăn xin mà sống, tính đến nay cũng đã ba năm rồi.


Tiêu cũng đem những chuyện mà chàng trải qua thuật lại cho hai mẹ con người góa phụ nghẹ Ai nấy đều ngậm ngùi rơi lệ.


Tiêu xin lấy người con gái của người góa phụ làm vợ, đối xử với bà ta một lòng tử tế, và quý trọng như thân mẫu của mình vậỵ.


Về sau, Tiêu nhập ngũ, nhờ có nhiều huân công, được tiến cử lên triều đình, quan đến chức Sùng Minh Thủ Bị.


Cả hai vợ chồng đều tin theo đạo Phật. Mỗi khi Tiêu có điều gì bất bình phát nộ, thì người vợ chỉ khẽ khàng bảo nhỏ chàng mấy câu: "Kim Trúc Tự. "


Thế là Tiêu hết giận, tươi cười lại ngay. Đối với mọi người, Tiêu luôn luôn xử sự ôn tồn, dịu dàng như con gái chưa chồng vậỵ. Khi mẹ vợ chàng mất, Tiêu ma chay chôn cất rất là trọng thể.


Trên đường trở về, chàng chợt nhìn thấy trong đám đông có đứa đầy tớ của Ngụy Hổ, bèn vội vàng bỏ luôn quan tước, dắt vợ ra đi.
Nhưng người đời không ai biết chàng đi đâu cả.

 

(Trích từ " Thiếp Bạc Mệnh " của Phạm xuân Hy, xuất bản năm 2002)



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 291

Return to top