Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cuộc Chiến VN >> Thạch Sanh Diễn Nghĩa.

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 1604 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đăng bởi: Windows 5 năm trước
Thạch Sanh Diễn Nghĩa.
Cửu Long

Hồi 1: Mở đầu.
Lời dẫn:

Tiên thần có thể tính quái tượng, đoán quá khứ vị lai, hiểu âm dương, luận luân hồi, biết được nhiều chuyện ly kỳ nơi trần thế.

Nhân gian đồn thổi chuyện cổ, cho rằng có người bịa ra mà không biết rằng nó có thật. Chẳng qua đều bị kẻ gian che giấu, xóa nhòa lịch sử. Ấy thật là đáng tiếc.

Mấy trăm năm trước, Ngọc Đế giáng chiếu, cho Thái Tử cùng năm vị thần tướng hạ phàm đầu thai làm người. Khi đó, có vị Tiên Thần cả gan trộm xé đi một tờ Thiên Thư. Bị Ngọc Đế phát giác, đem ra Lôi Thần Đài xử trảm.

Có điều, tờ Thiên Thư kia không cánh mà bay, rơi xuống phàm giới. Được một vị kỳ nhân nhặt lấy.

---o0o---

Thiên Thư chép thơ rằng:

Cuối đời Hàm Thông Trung Quốc loạn,

Chuyển vận đường xa bỏ bê trễ.

Ngô Quyền, Khúc Hạo, Kiểu và Dương,

Soán đoạt giành nhau, dân kiệt quệ

Họ Đinh, đời Tống mới phong Vương.

Thời loạn sinh anh hùng, hay anh hùng sinh vì trừ loạn thế?

Nam Giao đời xưa, nhà Chu gọi là Việt Thường, nhà Tần gọi là Tượng Quận, nhà Hán đặt làm ba quận: Giao Châu, Cửu Chân và Nhật Nam. Nhà Đường lại cải Giao Châu làm An nam phủ, quận Cửu Chân làm Ái Châu, quận Nhật Nam làm Hoan Châu.

Năm Mậu Dần (918), nhà Đường suy yếu, Giao Châu nằm dưới sự tranh dành của hai nhà Hán, Lương. Thời bấy giờ gọi là An Nam đô hộ phủ, hay Tĩnh Hải Quân.

Một năm sau, tức năm Kỷ Mão, Khúc Thừa Mỹ một người xuất thân hào tộc, là người Cúc Bồ đất Hồng Châu, sai sứ mang lễ trọng hậu sang nhà Lương xin được lĩnh tiết việt. Vua Lương là Mạt Đế Chu Hữu Trinh ưng thuận trao cho. Cuối năm đó, Khúc Thừa Mỹ trở về thì cha là Khúc Hạo mất. Ông chính thức lên cai quản đất Giao Châu, tự xưng làm Tiết Độ Sứ Tĩnh Hải quân.

Vua Nam Hán là Hán Cao Tổ, thụy hiệu Thiên Hoàng Đại Đế nghe tin thì giận lắm, xô đổ ngự tọa, quát mắng quan lại trong triều.

Quan Thứ Sử Lý Tiến quỳ mà tâu rằng: “Xin vua tôi chớ giận mà ảnh hưởng long nhan. Đợi bình định được tộc Khiết Đan phía Bắc, an ổn nước Cao Ly phía Đông, rồi khi đó đem quân Nam chinh cũng chưa muộn.”

Hán Cao Tổ khen là phải, rồi cũng gác chuyện Tĩnh Hải Quân sang một bên.

Cho đến mùa thu tháng bảy, năm Quý Mùi (923), tức năm Càn Hanh thứ sáu, Vua Hán sai tướng Lý Khắc Chính đem sáu vạn tinh binh thảo phạt Giao Châu.

Thế binh hùng mạnh, Khúc Thừa Mỹ chống không được. Đến đầu năm Ất Dậu mới bị Lý Khắc Chính bắt sống đem về. Vua Hán cả mừng phong tước cho Lý Tiến làm Thứ sử Giao châu, cùng với Lý Khắc Chính giữ thành.

Cũng cuối thời điểm đó, một bộ tướng dưới trướng Khúc Hạo là Dương Đình Nghệ dấy binh nổi loạn. Binh lính Nhà Hán vì không quen thổ địa, bị quân của Nghệ mai phục đánh cho tan tác. Lý Khắc Chính thua trận liên tiếp, chống được hai năm thì đổ bệnh mà chết. Quân của Dương Đình Nghệ thừa thế chiếm lại Giao Châu, bắt sống Lý Tiến.

Vua Hán khi đó là Lưu Nhiễm mới lên ngôi, đặt niên hiệu là Bạch Long, hay tin này không biết làm gì, bèn hỏi các quan trong triều.

Tả Thị Lang Trần Bảo đứng ra, tâu rằng: "Bẩm Bệ Hạ, đất Nam Giao vốn dĩ cằn cỗi, nhưng lại nằm ở vị trí hiểm địa. Nếu đem quân cường công ắt bị phục binh vây đánh. Nay Bệ Hạ mới lên ngôi không lâu, nên an lòng dân trước. Chinh chiến, dẹp loạn phải để sau."

Hán Đế gật đầu cho là phải, lại hỏi: “Thế theo ý khanh, ta nên làm sao?”

Trần Bảo cung kính đáp: “Theo ý của bề tôi, nên phái sứ giả, sang đó cầu hòa. Lại mang lễ trọng hậu, chuộc Lý Thứ Sử về kinh. Không những được lòng đám thuộc hạ, mà dân chúng cũng sẽ tôn người là minh quân.”

Hán Đế lại hỏi: “Ta biết cử ai đi sứ bây giờ?”

Trần Bảo quỳ rạp xuống, tâu: “Bề tôi tài mọn, nguyện đi sứ lần này.”

Hán Đế cả mừng, truyền thái giám ban thưởng. Lại phong Trần Bảo làm Đại Học Sĩ, mang theo vải lụa gấm vóc, vàng bạc châu báu, cùng một ngàn con ngựa quý đi sứ Giao Châu.

Năm Kỷ Sửu, tức Đại Hữu năm thứ hai (929), Trần Bảo bước vào địa phận Giao Châu, truyền người dâng sớ cho Dương Đình Nghệ, ý muốn cầu hòa. Dương Đình Nghệ đọc xong sớ, truyền cho Trần Bảo vào điện, nhưng bên cạnh lại mai phục sẵn đao phủ.

Trần Bảo vừa bước vào, Dương Đình Nghệ liền trở mặt mà quát rằng: “Tụi bay giết hại cha con nhà họ Khúc, bây giờ lại muốn cầu hòa ư. Thật khinh người quá.”

Lời vừa dứt, xung quanh đao phủ nhảy xổ ra chặt luôn đầu Trần Bảo.

Vua Hán bấy giờ là Lưu Cung, nghe được tin này, đập bàn giận dữ, quan lại trong triều im thin thít, không dám nói lời nào.

Một vị quan tên là Kiều Bình đứng ra hiến kế, âm thầm cho kẻ tài lẻn vào Giao Châu. Lại đầu quân dưới trướng Dương Đình Nghệ. Đợi khi nào lên làm chức to rồi thì hẵng dấy binh tạo phản, trong đánh ra ngoài đánh vào, đấy gọi là nội ứng ngoại hợp.

Hán Đế nghe vậy thì cả mừng, lại hỏi cử người nào đi cho được? Kiều Bình liền tiến cử con mình là Kiều Công Tiễn đi.

Năm Đại Hữu thứ tư, Dương Đình Nghệ lấy danh nghĩa là báo thù cho họ Khúc, chiêu binh mãi mã. Đánh chiếm lại quận Ái Châu và mấy tỉnh ở Hoan Châu. Ông nuôi ba ngàn giả tử (con nuôi), đặt ra trường đánh vật, chiêu tập các hào kiệt, lấy đại nghĩa khuyến khích họ.

Cho đến mùa xuân tháng ba, năm Đinh Dậu (937), Dương Đình Nghệ bị nha tướng của mình là Kiều Công Tiễn giết chết.

Sử Thần bàn rằng: Cuối đời Hán, Đường phần nhiều nuôi giả tử, là vì đương lúc trí, lực chọi nhau, hay là trong khi hoạn nạn cùng theo nhau, đắc lực trong lúc hoãn cấp, tức thì nhận làm giả tử, không biết rằng lòng lang khó dạ. Dấu của hớ hênh, là xui cho người lấy trộm, thiên tính như thế không thể làm khác được. Đình Nghệ nuôi giả tử đến ba ngàn người, thì bị nạn, còn hối sao được nữa.

Kiều Công Tiễn sát hại Dương Đình Nghệ, tự phong mình làm Tiết Độ Sứ. Nhưng Công Tiễn lại không có chỗ dựa vững chắc, lại làm điều phản nghịch nên nhiều người ghét bỏ. Bế tắc, Công Tiễn vội vã cầu cứu nhà Hán.

Bấy giờ, một bộ tướng dưới trướng Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền, đang đóng binh ở Ái Châu. Nói về Ngô Quyền người này, sinh ra trong một dòng họ hào trưởng có thế lực ở châu Đường Lâm. Cha là Ngô Mân làm chức châu mục Đường Lâm. Ngô Quyền được Dương Đình Nghệ khen là bậc anh hùng tuấn kiệt, "Trí dũng song toàn". Nên được cắt cử canh giữ Ái Châu.

Mùa xuân năm Mậu Tuất, Ngô Quyền đang ngồi đọc sách thì phía chân trời xẹt qua một tia sét, tiếng sấm động ầm ầm. Ngô Quyền có dự cảm chẳng lành, bèn sai người đến Giao Châu dò la tin tức. Vài ngày sau, thám báo trở về, Ngô Quyền nghe tin Dương Đình Nghệ chết dưới tay gian tặc, phun một ngụm máu ngay giữa sảnh đường. Thân tín xung quanh phải dìu đỡ, vuốt ngực bấm huyệt hồi lâu mới tỉnh lại.

Vài tháng sau, Ngô Quyền kêu gọi binh lính từ các tỉnh lân cận, phát binh hướng Giao Châu mà tiến đánh.

Sách sử viết rằng: Công Tiễn bị Ngô Quyền vây, sợ mất mật. Sai sứ không quản ngày đêm trở về Hán triều cầu cứu.

Vua Hán nhân Giao Châu có loạn muốn chiếm lấy, liền phái Thái Tử Lưu Hoằng Tháo. Phong tước Vương, gọi là Giao Vương, đem quân cứu Kiều Công Tiễn. Nhưng khi binh Hán chưa sang, mùa thu năm ấy, Ngô Quyền đã giết được Kiều Công Tiễn rồi.

Lưu Hoằng Tháo khi đó ý muốn tiến binh bằng đường thủy, bèn hỏi kế Sùng Văn sứ là Tiêu Ích.

Tiêu Ích thưa rằng: "Nay mưa dầm đã mấy tuần, đường biển thì xa xôi nguy hiểm, Ngô Quyền lại là bậc hùng tài, không thể khinh suất được. Đại quân phải nên thận trọng chắc chắn, dùng nhiều người hướng đạo rồi sau mới nên tiến".

Hoằng Tháo cười mà nói: "Chỉ là bọn giặc cỏ, còn chưa cần làm đến vậy." Nói rồi bỏ qua lời khuyên của Tiêu Ích, đem chiến thuyền theo sông Bạch Đằng mà vào, muốn đánh Ngô Quyền.

Ngô Quyền nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, bảo các tướng tá: "Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, không biết tin Công Tiễn đã chết, kế nội ứng ngoại hợp của chúng ấy là tan rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm ở trước cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát."

Quả nhiên y như lời Ngô Quyền nói, Hoằng Tháo lần ấy tử trận, toàn quân đại bại. Mười vạn quân binh chỉ còn chưa đến hai vạn trở về. Vua Hán đồn trú ở cửa biển nhưng không giúp gì được, nhìn trời mà khóc ròng hai ngày liền. Sau cùng thu thập tàn binh trở về Kinh.

Mùa xuân năm sau, Ngô Quyền xưng vương, lập ra nhà Ngô. Đóng đô ở Cổ Loa Thành, cai trị tám châu: Giao, Lục, Phong, Trường, Ai, Diễn, Hoan, Phúc Lộc.

Lại tôn Dương thị làm hoàng hậu, đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục.

Người xưa có câu rằng: Cực thịnh tất suy. Nhà Ngô cai trị được hai tám năm, đến thời Ngô Xương Xí thì bị phân chia. Các hùng trưởng đua nhau nổi dậy, chiếm giữ quận ấp, người sau gọi đó là loạn mười hai sứ quân.

Tân Hợi năm thứ nhất (951), Ngô Xương Văn lên ngôi, xưng làm Nam Tấn Vương. Lại đón anh là Xương Ngập về kinh đô, cùng trông coi việc nước. Xương Ngập xưng làm Thiên Sách Vương. Một núi không thể chứa hai hổ, Thiên Sách Vương chuyên quyền làm uy, vì thế nên hai Vương hiềm khích nhau, nhân gian cũng từ đó mà loạn.

Người sau có thơ rằng:

“*”

Tương truyền ở quận Cao Bình, có gia đình bác tiều phu Thạch Nghĩa, vợ chồng tuổi cao mà vẫn không con cái.

Hai ông bà lo buồn và ra sức làm việc nghĩa. Lại đi cầu khấn chùa chiền khắp nơi, cầu sao cho sanh được quý tử. Quả nhiên trời không phụ lòng người, Thạch bà thụ thai ba năm, rồi sinh một con trai khôi ngô tuấn tú đặt tên là Thạch Sanh.

Khi Thạch Sanh mới chào đời, trời sinh dị tượng. Bầu trời xuất hiện kim sắc, tiếng sấm rền vang vọng trời cao. Cùng lúc đó, một lão già lưng còng đi ngang qua, nhìn trời mà cảm thán rằng:

“Thiên sinh dị tượng. Là vị thần tướng nào hạ phàm hay chăng?”

Qua được sáu tháng, Thạch Nghĩa bàn với vợ:

“Con chúng ta khi sinh, trời nảy dị tượng. Điềm báo sau này không phải phàm nhân thông thường. Quanh vùng này chỉ có Lê Lương núi Đuôi Ong là có bản lĩnh cao cường. Chúng ta ngày mai sắm lễ vật, đưa Sanh nhi đi bái vị kia làm sư. Như thế được hay chăng?”

Thạch bà khen là phải. Tối hôm đó, vợ chồng hai người sửa đồ sắm lễ. Đợi đến sáng sớm liền ẵm Thạch Sanh lên đường.

Hai vợ chồng vất vả ngày đêm, cuối cùng đến trước hồ Thanh Hen. Thấy xa xa có người vừa chèo đò vừa hát, Thạch ông cao giọng hỏi: “Xin hỏi nhà của Lê Lương núi Đuôi Ong ở đâu?”

Người chèo đò đáp vọng lại: “Đi thêm một quãng, thấy có ngọn núi nhỏ, cao chóp vót như đuôi ong. Tiến vào nữa là thấy túp lều của Lương tướng quân đó.”

Lê Lương vốn là bộ tướng dưới trướng Ngô Quyền. Sau khi Ngô Quyền băng hà thì về núi ở ẩn. Người dân xung quanh vẫn thường gọi ông là Lương tướng quân.

Thạch lão cảm tạ một tiếng rồi dẫn vợ cùng con mình đi lên. Nhưng mới đi được một quãng thì sương trắng nổi lên, che hết tầm nhìn. Rồi nghe vài tiếng lộc cộc, một lão già cưỡi lừa không biết từ đâu đi ra, xuất hiện trước mặt hai người.

Thạch ông, Thạch bà ngỡ là tiên nhân hạ phàm, bèn quỳ xuống vái lạy.

Lão già hỏi hai người: "Các ngươi là đưa thằng bé này tới bái Lê Lương học nghệ đấy ư?"

Thạch ông gật đầu đáp phải.

Lão già nói: "Kẻ này tướng mạo kỳ tài, nhưng số đoản mệnh. Lê Lương thu nhận nó, nhưng không quản được mệnh của nó đâu."

Thạch ông cùng Thạch bà sợ lắm, quỳ gối dập đầu mà rằng: "Xin tiên nhân giúp vợ chồng chúng con."

Lão già thở dài, đáp: "Mệnh thiên chú định, không thể làm trái."

Nói rồi ngâm:

Kết bái huynh đệ,

Tình nghĩa kim lan.

Một đao một tiễn,

Diệt yêu trừ tà.

Phò Vua giúp nước,

Bình thiên hạ.

Trần đời tuấn kiệt,

Mấy ai hơn?

Bỏ mình vì tri kỷ,

Dũng nhân, trượng nghĩa.

Sử sách lưu tên,

Xứng danh anh hùng!

Thạch ông cùng Thạch bà chẳng hiểu gì, nhưng nghe chữ bỏ mình liền biết đó là điềm chẳng may. Liền lạy lục xin lão già nghĩ cách.

Lão già lấy trong người ra một tấm giấy vàng, đưa cho vợ chồng Thạch Nghĩa rồi nói: "Thôi được rồi, niệm tình hai người làm nhiều việc thiện. Ta sẽ giúp một phen. Hai người đi về phía Nam tầm hai dặm, sẽ thấy một ngọn núi. Trong núi có hang, đi vào cứ lấy gậy sắt mà gõ xuống đất. Lõm chỗ nào thì đào lên, dưới đó chắc sẽ có trọng thiết. Đào được rồi thì đưa về làng Phúc Sen, nhờ thợ rèn đúc một thanh đao. Cán đao phải quấn lấy lá bùa này. Khi nào thằng bé học được bãn lãnh của Lê Lương rồi thì hẵng cầm đao xuống núi."

Thạch ông, Thạch bà nghe vậy cả mừng, liền cúi đầu vái tạ. Nhưng vừa ngẩng đầu lên thì đã không thấy lão già kia đâu nữa.

Hai người đem chuyện này kể lại với Lê Lương. Lê Lương nghe xong cũng tấm tắc kêu lạ, rồi bảo hai người giữ bí mật không nên tiết lộ ra bên ngoài. Lại nhận Thạch Sanh làm đệ tử, hứa là đợi khi nào đủ mười ba tuổi. Sẽ hạ sơn dạy hắn võ nghệ. Vợ chồng Thạch Nghĩa cảm tạ, để lại lễ vật rồi đi về.

Thời gian cứ thế trôi đi, khi Thạch Sanh tròn tám tuổi thì ở Cao Bình, dịch bệnh nổi lên. Thạch ông Thạch bà bệnh nặng không qua khỏi mà mất. Chỉ còn mỗi Thạch Sanh ở một mình.

Lại qua năm năm, Thạch Sanh đủ mười ba tuổi. Lê Lương y lời hứa, hạ sơn dạy Thạch Sanh võ nghệ.

Thạch Sanh học ba năm thì thuộc lòng hết sáu mươi đường đao pháp Hoành Tảo Thiên Quân, cùng một bộ Phục Ma Đao. Lê Lương cũng phải tấm tắc khen là người tài.

Lại qua vài năm, khi Thạch Sanh tròn mười tám.

Một hôm, Thạch Sanh đến gặp Lê Lương, quỳ xuống mà rằng: "Bẩm sư phụ, con nay đã tròn mười tám. Tuổi này đáng ra phải tòng quân, đánh giặc giúp nước nhà mới phải. Chứ không thể ở mãi trên núi này chăn dê chăn bò mãi được. Lòng con hướng về đất nước, xin người hiểu cho."

Lê Lương nói: "Cha mẹ con khi đăng sơn núi Đuôi Ong thì gặp tiên nhân. Vị tiên nhân kia phán rằng con sau này mệnh đoản. Nếu xuống núi chớ có mang lòng hối hận."

Thạch Sanh đáp: "Đại trượng phu sống ở đời đâu có thể hèn nhát mãi thế được. Con có chết cũng phải chết ở nơi sa trường. Chứ không muốn chết già nơi đây."

Lê Lương bật cười, khen là phải. Lát sau lấy ra một phong thơ, trao cho Thạch Sanh rồi nói: "Thôi được rồi, mệnh thiên đã chú định, không thay đổi được. Con cầm lấy phong thơ này, đến động Hoa Lư, gặp một người tên Đinh Bộ Lĩnh. Người này với ta trước phò Tiền Ngô Vương, y thấy thơ này sẽ giúp đỡ con tận tình."

Thạch Sanh mừng rỡ cảm tạ, vội làm lễ ba quỳ chín lạy. Sau cùng trở gót đi thẳng xuống núi.
<< Thạch Sanh Diễn Nghĩa. | Hồi 2: Bước chân vào Châu, buổi mới đầu. Sinh tử giao ước, nghĩa kim lan. >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 424

Return to top