Năm 1942 là năm hoàn cầu điên đảo, khói lửa tưng bừng, nhà cửa hư hao, sanh linh đồ thán.
Đường giao thông gián đoạn, cuộc thương mãi gập ghình. Nhiều nhà buôn bị lỗ nặng nên phải đóng cửa mà chờ thời, song cũng có nhiều nhà buôn, nhiều chợ đen mà thạnh vượng. Hãng xe hơi Việt Nam của Lê Thành Cang tự nhiên phải chịu ảnh hưởng của thời cuộc. Thật hãng không mua được xe mới mà bán. Nhưng hãng xông pha trong thời cuộc cũng rất vững vàng, đã khỏi bị lỗ như người mà còn thâu lời thập bội. Ấy là nhờ Cang lanh lẹ, kiếm mua xe cũ đem về sửa sơn lại làm cho máy êm, màu đẹp, mà bán với giá thật cao. Nhứt là Nghiệp sáng suốt, biết thế cuộc sẽ đổi thay, nên mua trước mà trữ những vỏ ruột với các thứ đồ phụ tùng chất chứa đầy hãng đầy kho rồi thủng thẳng bán lại, vốn một lời mười, có thứ khan gắt, thì một vốn lời tới 50 hoặc 100, song người ta cũng kiếm mua, chẳng hề dụ dự.
Trót năm năm vừa qua, nhà của Cang cũng như Nghiệp, vợ chồng cũng âu yếm, cha con vẫn thân yêu. Mãi mãi cảnh vui cười cứ tiếp diễn trong gia đình, chẳng hề có một điểm buồn lo hoặc một cụm mây phưởng phất.
Cậu Hoàng thấy thời cuộc chộn rộn, cậu không làm thầu khoán, không dám lập vườn, mà cũng không gấp cưới vợ. Cậu chỉ lo cho mướn ruộng và góp lúa, lúc rảnh chạy lên Sài Gòn ở chơi, sống một cảnh đời tự do mà trưởng giả.
Cô Loan sanh được một đứa con trai. Vợ chồng Cang cưng như vàng như ngọc, Nghiệp hễ về nhà thì vui chơi với con, dường như đã quên hẵn cái nguồn gốc tối tăm mà Cang đã khai ngay ra hồi năm trước. Có khi vợ chồng trò chuyện, Loan nhắc lại Võ Như Bình, Nghiệp liền ủ mặt châu mày, kiếm chuyện mà nói lãng. Cô thấy chồng như vậy, thì cô không dám khiêu gợi mạch sầu của chồng nữa.
Một buổi sớm mơi, đến giờ nhơn viên sở bưu điện phát thơ, thì người giữ cửa hãng lãnh đem vào để trên bàn của Nghiệp một chồng thơ hơn 10 cái.
Nghiệp ngồi lần lượt xé từng bao lấy thơ ra mà đọc. Đến bao thứ ba, gồm một bức thơ có một tờ nhàu nhè kèm theo, Nghiệp đọc bức thơ vừa được ít hàng thì biến sắc, bật ngửa, lưng dựa vào bộ ghế, chăm chỉ mà đọc.
BỨC THƯ CỦA XÃ LƯƠNG
Prok (An Khê), ngày 27 tháng 3 năm 1942.
Kính gởi ông Lê Thành Nghiệp chủ hãng xe hơi Việt nam
ở đại lộ De La Somme
Sài Gòn.
Thưa ông.
Vâng lời quan phủ hưu trí, quí danh là Võ Như Bình tôi ghim theo thơ nầy mà gởi cho ông một tờ mà do tay ngài viết để bày tỏ nỗi lòng hối hận của ngài.
Từ 4 tháng nay, ngài đau ruột hay đau bao tử điều đó tôi không biết chắc vì tôi hông phải là thầy thuốc. Tôi có xin ngài để cho tôi đưa ngài về Sài Gòn đặng ngài kiếm lương y chuẩn mạch mà điều trị. Tôi năn nỉ hết lời mà ngài không chịu đi. Cứ ở ngoài nầy uống thuốc nam, thuốc mọi, không có hiệu quả chi hết, nên bịnh càng ngày càng thêm nặng, rồi phải mạng chung.
Tờ nầy tôi thấy ngài cặm cụi ngồi viết, lúc bịnh chưa nguy lắm, song có lẽ ngài đã hết hy vọng sống được nữa. Đến giờ chót, ngài mới giở áo gối rút tờ ấy ra mà trao cho tôi, và căn dặn hễ ngài mất thì làm ơn chôn cất cho xong, rồi sẽ gởi tờ ấy vào cho ông, theo địa chỉ ngài có biên đó.
Ngài tắt hơi tại nhà tôi, hôm ngày 20 tháng 3 dương lịch nầy, hồi 7 giờ tối, tắt hơi trong tay tôi đương ngồi một bên mà đỡ ngài. Ngài không có trối một lời chi hết , duy chảy nước mắt rồi thở ra mà đi xuôi.
Tôi lo chôn cất tử tế, đào huyệt trên triền một cái đồi nhỏ nằm phía sau vườn trà của tôi. Tôi có khắc mộ chí mà cặm trước mộ. Ngài nằm chỗ đó cao ráo, cảnh chung quanh rất đẹp. Tôi đã làm xong phận sự đối với một ông bạn đường, đồng phiêu lưu đất khách với tôi. Vậy bây giờ gởi tờ nầy đến cho ông rồi, thì tôi làm vẹn vẽ các điều ngài phú thác.
Trân trọng kính chào ông.
Trần Hiền Lương
Chủ vườn trà ở xóm Prok
gần An Khê - Kon Tum.TỜ DI NGÔN CỦA VÕ NHƯ BÌNH
Chừng tôi chết và chôn cất tôi xong rồi xin làm ơn gởi dùm thơ nầy cho Lê Thành Nghiệp, chủ hãng xe hơi hiệu “Việt Nam” ở đại lộ La Somme trong thủ đô Sài Gòn.
Con người lúc trẻ tuổi, khí huyết mạnh mẽ, nên hăng hái lập chí tấn thủ; lại thêm sống với đời vật chất hoàn toàn nên phải ham muốn tiền bạc cho nhiều, vì nếu thiếu tiền bạc thì không thể nào có danh dự được.
Lúc tôi còn nhỏ tôi gặp cảnh đời như vậy, tự nhiên tôi bị phong trào tham danh háo lợi đó nó lôi cuốn đi, cũng như nó lôi cuốn cả ngàn ngàn muôn muôn người khác.
Vừa lớn lên, tôi bắt đầu kết nghĩa vợ chồng với cô Huyền, là con gái của một ông thầy thuốc ở Chí Hoà, sanh được một đứa con trai, đặt tên là Nghiệp.
Cách ít tháng sau, may gặp tiền trình rộng mở, tôi phủi cả vợ nghèo con nhỏ mà gây cuộc vợ chồng khác với một goá phụ giàu có lớn, tên cô Hai Hương ở Bình Thuỷ, mong nhờ gia tư phong phú của người vợ mới mà xây dựng một địa vị giàu sang rực rỡ cho mau.
Thật đường công danh tôi bước lên rất lẹ và rất mau, trót 25 năm trường tôi mê man khoái lạc giữa cảnh đời tốt tươi sáng lạng, oai quyền lừng lẫy, tiền bạc dẫy đầy.
Tưởng là địa vị giàu sang ấy sẽ vững chắc lâu đời, nào dè đường vinh hoa đi chưa hết, mà sung sướng lại sụp đổ nửa chừng, trong có mấy tháng mà danh dự vỡ tan, bạc tiền tiêu hết.
Mấy năm nay tôi suy nghĩ lại, tôi muốn đổ sự thất bại thình lình đó cho mạng số để an ủi nỗi lòng. Nhưng sự ăn năn hối hận vẫn cứ hừng hực trong thâm tâm, vởn vơ trong trí não, ăn năn về sự tôi bội nghĩa vợ con, mà cũng ăn năn về sự tôi bốc lột thiên hạ.
Vì sự ăn năn đó mà năm nọ tình cờ tôi gặp lại con tôi là Nghiệp ở Nha Trang, thì tôi đau đớn hết sức, đã đau đớn mà thêm hổ thẹn nữa, đau vì được giáp mặt con mà không được nhìn con, hổ vì ham trèo lên cao nên phải sa suống thấp. Lúc ấy tôi liền muốn tự vận phứt đi cho rồi, đặng chấm dứt cảnh đời của tôi cho tôi hết đau khổ hổ ngươi, mà cũng cho con tôi nó không hay biết thói xấu xa của đấng sanh thành ra nó, khỏi ghi một đốm đen trong hạnh phúc tươi cười của nó vừa mới cấu tạo.
Nhưng tôi lại nghĩ ở đời hễ có vay thì phải trả. Tôi đã làm quấy thì tôi phải đền tội, không được phép tìm cái chết mà trốn tội, vì vậy nên tôi không tự vận, tôi chỉ bỏ đất Nha trang cho khỏi gặp lại con tôi nữa bỏ đi cho xa mà tá túc nơi đất lạ nhà người, để vùi lấp cảnh hình hài tội lỗi đê hèn trong đớn đau cực nhọc, hoặc may có chuộc tội được chút ít.
May tôi gặp được người quen, hồi trước cũng vì ham bạc tiền nên có tội phải kiếm chỗ ẩn thân, người sẵn lòng cho tôi đùm đậu, nên trót năm năm nay tôi được an thân, mà an là an về phần xác mà thôi, chớ về phần trí thì luôn luôn tôi vẫn hối hận không bao giờ tôi được thơ thới.
Hôm nay tôi có bịnh, có bịnh nhiều, chắc không còn sống được nhiều ngày nữa. Tôi ráng ngồi viết tờ nầy để bày tỏ lòng hối hận với đứa con trai mà ngày xưa tôi đành bỏ bê nó trong lúc nó chưa biết đi, chưa biết nói, để cho nó nhờ người khác nuôi dạy cho nó khôn lớn và nên danh.
Tôi phải viết tờ nầy là vì tạo hoá trớ trêu, khiến đứa con tôi bỏ, nó lại cưới đứa con ghẻ bỏ tôi.
Hai đứa gần nhau, tôi sợ e chẳng sớm thì muộn con tôi nó sẽ tìm biết nguồn cội tối tăm của nó, rồi vợ chồng đều thù oán vong linh của tôi, đứa thì oán tôi phụ phàng mẹ nó, đứa thì oán tôi phá hý tiết hạnh của mẹ nó. Tôi phải viết tờ này mà yêu cầu cả hai rộng lòng tha thứ cho người lầm lỗi ăn năn hối hận.
Ngày nay con tôi nó nhờ do đường thẳng ngay đứng đắn mà lập thân. Nó được thành công rỡ ràng, đã có danh lớn mà là danh thơm tho, lại thêm có của nhiều mà lại thêm của chánh nghĩa. Nó đương say sưa với hạnh phúc. Tôi chắc nó sẽ sẵn lòng hỷ xả cho người thân sanh nó đã mang nặng tội lỗi ở dương trần.
Sắp nhắm mắt mà xa lánh mùi đời, tôi không muốn ôm theo lòng hối hận. Vậy tôi thành thật nhìn nhận cả hai tội lỗi của tôi , lỗi với con tôi, và lỗi với bà mẹ nó.
Mà tôi xét kỹ nghĩ xa, thì tôi thấy dường như, lỗi ấy chẳng phải tại do chơn tánh của tôi gây ra, có lẽ một phần tại giáo dục và một phần tại xã hội.
Giáo dục mà nhằm mụch đích no cơm ấm áo, nuôi chí hướng dua bợ người trên để vơ vét kẻ dưới, giáo dục dường ấy thì làm sao biết được chỗ thúi hôi mà tránh.
Còn xã hội mà mọi người đều lo tranh đua cướp giựt, ai được tiền nhiều là khôn, ai được trèo cao là quí, ai không có tiền là dại, ai chịu ngồi yên là ngu.
Học tập với giáo dục như vậy, sanh sống giữa xã hội như vậy, thì làm sao tôi khỏi đi sai đường, làm sao tôi khỏi vướng tội lỗi.
Nói như vậy chẳng phải tôi có ý viện lẽ chữa mình mà gở tội lỗi. Không, tôi chẳng hề tính gở tội, sở dĩ tôi nói ra là vì tôi muốn vạch cho con tôi thấy rõ hoàn cảnh khiến cho tôi phải mang tội lỗi mà thôi. Thật dầu con tôi không khứng hỷ xả tội của tôi, thì tôi cũng phải chịu, chịu mà không phiền, không trách.
Trên đây là những lời thành thật thốt ra để bày tỏ nỗi lòng hối hận của nạn nhân thời đại sắp chết là “ VÕ NHƯ BÌNH” . Lê Thành nghiệp đọc dứt rồi sắc mặt buồn hiu, chớ không khóc. Nghiệp xếp kỹ lưỡng mà đút tờ di ngôn của Võ Như Bình với thơ của Hiền Lương vào bao rồi bỏ vào túi áo. Nghiệp khoanh tay rồi ngó lên trần mà suy nghĩ rất lâu. Bây giờ Nghiệp mới rưng rưng nước mắt.
Nghiệp đứng dậy, tính đi xuống xưởng sửa xe mà kiếm cha. May lúc ấy Lê Thành Cang đương lên bàn viết mà ngồi. Nghiệp đón trao cả phong thơ cho cha mà nói:
- Ba đọc thơ trong bao nầy mà coi ba.
Cang lấy phong thơ mà hỏi:
- Thơ của ai vậy?
Nghiệp không trả lời, liền trở lại bàn viết ngồi tiếp mở mấy bao thơ khác ra mà
đọc.
Phía bên kia, Cang ngồi đọc thơ của Hiền Lương rồi đọc tới của Như Bình, Cang đọc thật kỹ, nên đọc rất lâu. đọc xong rồi, Cang bỏ hết vào bao, bước lại trả cho Nghiệp và nói:
- Người lỗi lầm mà biết ăn năn thì cũng đáng cho con kính mến. Mà gặp con rồi, biết trốn tránh con, cử chỉ như vậy không tệ lắm. Tuy không dưỡng , song có công sanh, bây giờ người đã mất rồi con phải làm cho trọn niềm phụ tử, con phải đi ra An Khê, tìm cho thấy mồ mã của đấng thân sanh. Con phải kiếm thế mà xây mồ cho ấm cúng. Ba muôn cho con làm việc nghĩa đó, ba chắc má con cũng không cản trở đâu.
Nghiệp ứa nước mắt. Cang xây lưng mà trở xuống xưởng sửa xe.
Tuần sau Nghiệp với Hoàng lên xe hơi mà đi An Khê cũng có Sáu Bính với Tý Cầu theo hộ tống. Trên con đường quốc gia rộng rãi, chiếc xe hơi lộng lẫy chạy bon bon.
Lần nầy Nghiệp với Hoàng đi mà chẳng phải đi kiếm cuộc vui, hay đi xem nguồn lợi, chánh là đi cho trọn tình, đi đặng đáp nghĩa.
Thanh niên tân tiến đã ham vui, mưu lợi, mà cũng báo nghĩa, thì quí hoá vô cùng!
Đáng mong mỏi thay!
Gò Công 30-1-1954
HẾT