Tôi là người giúp việc
Nguyễn thị Cẩm Châu
Ông chủ chợt xuất hiện ở cửa buồng. Ông nhìn tôi, ánh mắt kín đáo tựa một mạch nước ngầm. Tôi vẫn lau phứa, bụng hơi lo lo. Ông định khiển trách tôi chăng? Có lẽ nào, tôi làm tốt cơ mà. Ông chủ vẫn đứng yên dòm tôi, giống như bị hóa thạch. Ông tiến tới một bước, hai bước.
Gia đình nhận tôi làm giúp việc nhà chỉ vỏn vẹn có ba người: hai vợ chồng chủ nhà ở tuổi băm cùng đứa con gái mới vào lớp một. Bà vợ tướng hơi sồ sề nhưng mặt lại mỏng, mắt trầm, cái miệng chù chù nhưng ăn nói có vẻ dễ dãi, xuê xoa. Ông chồng ngược lại, gầy xắt xeo. Diện thêm chiếc thắt lưng xiết chặt, nom ông chỉ bằng cái chét tay. Miệng ông bẹt tựa miệng cá trê, thỉnh thoảng lại đánh lưỡi tách một cái, nhưng ông rất kiệm lời. Mọi công việc sai phái người làm, ông giao tất cho bà vợ.
Làm được một tuần lễ, tôi cũng thấy tạm bằng lòng với “nghề” của mình, thậm chí lắm lúc tôi còn thấy vui. Ấy là khi hai vợ chồng chủ nhà đều đã đi làm, đứa con thì đến lớp. Một mình làm “chủ” trong căn hộ rộng thênh, tôi tự thưởng cho mình một ly chanh đá, rồi nằm gác chân lên salon kềnh kễnh xem tivi. Đôi lúc, tôi cao hứng nhảy nhót, uốn éo theo các điệu disco, tango từ chương trình ca vũ của màn ảnh nhỏ và cảm thấy mình “tự do” nhất trần đời, ít ra là trong lúc này. “Tự do” được một lát, tôi lại phải xắn tay áo lên làm bếp, kẻo chủ nhà về, cơm không có, có mà nghe “diễn văn”.
Nhưng có một điều không ngớt ám ảnh và làm nặng trĩu tâm can tôi đó là việc phải khai báo về nghề nghiệp với Thanh - kỹ sư điện, người yêu của tôi. Bọn tôi quen nhau được một năm khi tôi còn là cô học sinh lớp 12. Không như đa phần các nữ sinh, hễ có bạn trai là đâm ra học hành chểnh mảng, ngược lại, tôi học còn trối chết hơn để xứng đáng là bạn tâm giao của chàng sinh viên ưu tú năm cuối. Ấy vậy mà bây giờ, ra trường rồi lại phải mở miệng với Thanh rằng tôi là người giúp việc khác nào khai tử cho mối tình hoa mộng của mình. Khoe làm nghề gì “sang sang” một chút, ai lại đi khoe mình là oshin, nghe quê một cục. Bởi vậy, tôi ẻm luôn với Thanh, hay chí ít, tôi sẽ giấu Thanh đến khi tôi tìm được một nghề mới. Thanh vẫn tin sái cổ khi tôi nói mình làm thủ thư ở một thư viện gần nhà. Anh chàng sốt sắng, có đôi lần đòi đưa đón tôi đi làm, nhưng tôi gạt béng. Vẽ chuyện, chỗ giúp việc cách có mấy ngã đường, tôi nhong chiếc xế… đạp nhoáng nhoàng cái là tới.
Hừm, bữa nay ông chủ nghỉ phép ở nhà. Vậy là khi rỗi việc, tôi hết tí tởn nhảy điệu tango theo nhạc như ngô trong chảo nóng. Tôi phọt phẹt đẩy cây giẻ lau nhà. Đã lau được phòng khách. Giờ chùi tới buồng ngủ. Mệt ghê! Miếng giẻ lau cũng phì phọp thở. Ông chủ chợt xuất hiện ở cửa buồng. Ông nhìn tôi, ánh mắt kín đáo tựa một mạch nước ngầm. Tôi vẫn lau phứa, bụng hơi lo lo. Ông định khiển trách tôi chăng? Có lẽ nào, tôi làm tốt cơ mà. Ông chủ vẫn đứng yên dòm tôi, giống như bị hóa thạch. Ông tiến tới một bước, hai bước. Vợ ông đi làm, cô bé con đến trường. Thôi chết, một linh cảm chẳng lành làm cho tôi lo sầy vẩy: Đã có những ông chủ tòm tem với người giúp việc. Tay ông giơ về phía ngực tôi. Mặt tôi chắc xám tựa gio nguội. Tôi định la lên nhưng ông đã phủi cổ tôi một cái phẹt. Ông nói:
- Kiến lửa trên cổ cô, hai con lận đó.
Tôi thở một cái phào, lòng nhẹ như cất được một hòn đá tảng. Tiếng ông dập dềnh trong hơi nóng ban trưa:
- Tôi định nhờ cô một việc. Xíu nữa tôi đi nhậu với ông bạn, chắc về trễ. Con tôi nửa tiếng nữa tan học. Cô đi rước bé Thơ giùm tôi nhé.
- Dạ, chú cứ yên tâm.
- Gọi tôi là anh cũng được, cô cỡ em gái tôi chứ bé bung gì nữa.
- Dạ…
Ông chủ xùy cho tôi chiếc chìa khóa xe Citi rồi tong tong đẩy chiếc Dream II ra cửa. Ấy, vậy là hôm nay tôi kiêm thêm nhiệm vụ mới. Xả quần áo bằng máy xong, bật nút sấy cái xạch, tôi thong dong thay đồ bộ bằng cái quần tây và áo sơ mi rồi chỉnh chệm ngồi lên chiếc Citi đang đậu ngoài sân...
Giờ tan học, người đông như đại nhạc hội. Trước cửa trường, xe máy của các bậc phụ huynh chở đón con đậu kín bên lề. Lòng đường bên kia, xe cộ vẫn cắn đuôi nhau chạy phom phom, nhìn vàng cả mắt. Tôi phanh chiếc Citi sát lề, nhóng mắt về phía cổng trường. Chưa kịp ngáp, bé Thơ đã tin tin đeo cặp bước ra. Tóc cô bé xõa xuống vai tựa cái khăn choàng đen. Hay thật, khỏi phải chờ đợi, tìm kiếm lâu. Nom tôi như một cô công chức đi đón em út. Tôi khoái tỉ vì điều đó. Thơ nhìn tôi, hai mắt giống như đôi dấu hỏi:
- Ba Thơ đâu rồi?
- Ba bận rồi, nhờ chị đi đón Thơ. Lên xe nào!
Cô bé chưa kịp yên vị sau yên, một giọng nói rất quen cất lên phía sau tôi:
- Không hẹn mà gặp! Châu, anh mừng quá. Cả tuần nay chưa được gặp em.
Tôi quay người lại. Thanh, người yêu tôi, nom trẻ hơn lúc nào hết và hơi nôn nóng. Sự bất ngờ làm mặt tôi hơi co rúm lại như sắp sửa nổ. Tôi lắp bắp:
- Anh đi đâu đấy?
Thanh vui vẻ nói:
- Đi đón đứa cháu học trường này. Ba nó nhờ anh đó. Lâu lâu phải đi tập sự làm bố trẻ con một bữa!
Cũng như mọi khi, cung cách, cử chỉ của anh phảng phất có nét thiền nhưng nụ cười, lời nói lại rất đời. Thanh nhìn Thơ, hỏi:
- Thế cô bé này là ai đây em, sao anh chưa gặp lần nào?
Tôi định nói “là con một người bạn” nhưng Thơ đã song sóc cái mồm:
- Em là con của chủ nhà. Chị Châu ơi, hồi sáng lau nhà, có thấy cái cặp tóc của em đâu không?
Trời ơi, nó nói tuồn tuột cái câu phũ phàng mà tôi không muốn nghe nhất. Đầu óc tôi loạn ù, tôi ngây ngây như lên cơn sốt. Cái nhìn của Thanh đủ để tôi run đầu gối. Anh hỏi tới, giọng sốt ruột:
- Châu, em giúp việc hồi nào? Thế còn công chuyện thủ thư của em?
Lẽ ra tôi phải giải thích cho Thanh tất cả chứ còn chờ dịp nào tốt hơn, nhưng tôi là một người tự ti, tự ái theo lối cổ. Tôi cun cút rồ máy xe, chở Thơ phóng vọt đi mặc Thanh gọi ời ời sau lưng.
Vậy là Thanh đã biết tôi là người giúp việc. Nỗi mặc cảm đè nặng tâm can tôi. Thanh hẹn gặp, tôi không ra nơi hẹn. Anh đến nhà tìm, tôi trốn ra sau nhà, giả vờ đi vắng. Nghe tiếng anh rồ máy xe vọt đi, lòng tôi tựa muốn vỡ thành trăm mảnh. Thanh cài thư lại nơi cửa sổ, chỉ vỏn vẹn mấy hàng:
“Em không phải tự ti về công việc của mình. Anh chấp nhận được. Mấy tuần nay, sự cư xử của em làm anh thấy phiền. Lẽ nào em đã có… người khác? Dù em có muốn chia tay, mình phải nói với nhau một lời chứ. Anh sẽ đón em ra vườn hoa để tâm sự, đứng trốn anh nữa! - Thanh”.
Tôi vơ vẩn đứng ở ngưỡng cửa để đọc thư, thì Thanh đã quầy quậy quay xe lại. Hết trốn rồi nhé! Tóc Thanh cờm lên. Anh nhìn tôi tựa nhìn một vật trưng bày, nói:
- Lên xe, anh chở em ra vườn hoa nói chuyện.
Lần đầu tiên sau mấy tuần, có nụ cười giữa tôi và anh. Quanh co được một đỗi, Thanh chở tôi vào khoảng vườn của một biệt thự xinh xinh. Thanh nói:
- Vào đây ngồi, mình tha hồ trò chuyện. Không có ai đâu, nhà này anh quen.
Tôi phóng tầm mắt chiêm ngưỡng cả quần thể sinh vật cảnh: cỏ dưới chân nõn nường như cỏ giả. Bên vòi nước phun, cơ man là chậu kiểng: si tùng, đại lộc, đào, mai… gốc mốc mác nhưng cành thanh nhã. Những chòm lá cách điệu, gò gẫm mà tự nhiên, quẫy động mà ràng buộc làm tôi thích thú. Chủ nhà xuất hiện. Ấy là một người đàn ông chạc tuổi ba tôi, vóc dáng tiên phong đạo cốt tựa một ông tiên. Tôi khúm lúm chào ông mà cảm thấy sự xuất hiện của mình sao mà vô duyên, đường đột. Nhưng người đàn ông có vẻ hiếu khách. Ông cất lời:
- Con thấy vườn hoa của bác tuyệt vời không?
- Trên cả tuyệt vời nữa bác ạ.
Tôi trả lời mà không biết ông chủ nhà sẽ dẫn câu chuyện tới đâu. Tôi và Thanh cần tâm sự riêng cơ mà. Sao anh lại chở tôi tới đây. Thật là…
Như đoán được nỗi thắc mắc của tôi, Thanh hạ giọng như độc thoại với chính mình:
- Phải, ngoài giờ đi làm, anh đến đây làm thêm cho bác để có thêm một khoản tiền dành dụm, hầu mai mốt lo đám cưới chúng mình. Bản thân nghề giúp việc chẳng có gì xấu. Quan trọng là cách nhìn, thái độ của mình đừng làm cho nó bị thiên lệch, méo mó đi. Anh đã định kể cho em về việc anh làm vườn thêm, nhưng sợ em xót ruột vì thấy anh bận. Vậy là hôm nay, mình cùng nghề “giúp việc”, đồng nghiệp nhá!
Bác chủ nhà cứ tõn tẽn cười, chắc Thanh đã kể mọi “tội” của tôi cho bác nghe. Như sực nhớ phải để cho bọn tôi nói chuyện riêng, bác xăm xắm đi vào nhà trong. Đến bấy giờ, Thanh mới cất cao giọng như tự vấn an chính mình:
- Thế em có muốn trở thành người giúp việc của riêng anh không?
Ô, đó là câu tỏ tình hay nhất mà tôi được nghe!