Bán Thân
Zhou - hua
1. Hắn vốn là người siêng năng, nhưng số phận hắn - như người ta hay nói - đen như mõm chó. Nợ nần lút đầu. Thân thể hắn gầy nhom, nước da xanh mét, mắt lờ đờ. Bộ mặt lúc thì cau có, gắt gỏng, lúc thì im ỉm như đưa đám, trông bệ rạc chẳng khác cái nhà của hắn - nếu có thể gọi là “nhà” bởi vẻ lụp xụp tối tăm, ẩm thấp của nó.
Bữa nọ, đi đâu về trông hắn tươi tỉnh hẳn. Vợ hắn thấy lo, bởi khi nào trông hắn vui vẻ là sắp có "chuyện lớn", ít nhất cũng là đi khất nợ hoặc mượn nợ để mua rượu đổ vào mồm hắn.
Thế nhưng sự việc lại ngoài dự đoán. Hắn nói với vợ: “Nếu cảnh này cứ tiếp tục, cả nhà mình cũng sẽ chết thôi. Tao nghĩ, cách hay hơn hết, mẹ mày nên cho thuê cái thân mẹ mày đi!”, “Gì? Bán cái xác của tôi à?”. Người vợ đang cho đứa con trai mới lên 3 tuổi ngậm vú thảng thốt nói với giọng run rẩy. Căn chòi tranh im lặng hoàn toàn. Sau khi đã thở ra một hơi dài thật nặng nề, người đàn ông nói tiếp: "Hôm qua tao gặp bà Lưu. Bà ấy bảo, có lão Triệu đã ngoài lục tuần rồi mà chưa có con. Ông ấy muốn mua thêm một tì thiếp, nhưng mụ vợ không chịu. Mụ vợ chỉ bằng lòng cho lão ấy thuê một nàng hầu trong vòng vài ba năm thôi. Lão đã nhờ tìm cho một người đàn bà khoảng ngoài 30, đã qua sinh nở đôi lần, nhưng phải thành thực và siêng năng làm việc, nhất là phải biết phục tùng, lễ phép với bà vợ cả. Họ sẽ trả năm trăm lượng. Nếu trong thời gian đó đẻ được cho họ một đứa con trai thì họ sẽ tăng gấp đôi số tiền. Tao thấy vợ mày được lắm. Mày tính sao? Ôi, một ngàn lượng bạc! Cả gia tài đấy mẹ mày ạ. Có nó nhà mình sẽ đổi đời. Tao đã nhận lời bà Lưu rồi. Mẹ mày chịu thiệt vậy!".
Người đàn bà nghe chồng kể nín thinh chẳng nói lời nào. Tâm trí của chị như bị tê tiệt. Chị đau đớn hỏi chồng: “Tại sao không cho tôi biết trước?", “Cần gì, mẹ mày nghĩ coi, nếu không cho thuê mẹ mày đi, cả nhà này chỉ còn chờ chết đói. Giờ chỉ còn chờ ký tên vào giấy giao kèo thôi. Mà mẹ mày sao vậy, tao là chồng mà còn chịu được, mẹ mày có gì mà sợ !", "Trời ơi, sao tôi khổ thế này. Cha mày có nghĩ gì đến thằng cu Chít nhà này không? Nó mới lên 3 tuổi. Không có mẹ nó sống sao được?". Cu Chít là tên thằng bé trai mà chị đang ẵm trong lòng - nó là đứa con trai duy nhất của chị.
"Trời ơi, số phận tôi sao mà cay đắng thế này!?". Đột nhiên chị rên lên khiến thằng cu Chít ngạc nhiên nhả vú ra và kêu: "Mẹ! Mẹ!"...
2. Đêm trước ngày phải rời chồng con, chị ngồi im một mình trong một góc nhà. Chiếc đèn dầu leo lét treo trên bếp, tỏa một đốm ánh sáng yếu ớt như con đom đóm. Chị ẵm thằng cu Chít trong lòng và cúi gục đầu trên tóc của nó. Trong lúc ấy đầu óc của chị phiêu diêu tận đâu đâu. Nhưng hơi thở của đứa trẻ đã kéo chị về với thực tại. Chị khẽ gọi tên con một cách trìu mến: “Cu Chít của mẹ ơi, mai mẹ phải đi xa rồi con!".
Thằng nhỏ ậm ừ không trả lời, chỉ cố rúc đầu vào sâu trong ngực mẹ. Dường như nó chẳng hiểu gì lời mẹ nó vừa than thở. “Mẹ đi lâu lắm. Mẹ đi mãi 3 năm sau mẹ mới trở về con ạ!”. Chị vừa nói với con vừa gạt nước mắt. Thằng bé ậm ừ có vẻ không bằng lòng, rồi lại gục đầu vào ngậm vú mẹ. Chị cố nuốt nước mắt dặn dò tiếp: "Con phải ở nhà với cha. Cha sẽ lo cho con. Cha sẽ ngủ với con và đưa con đi chơi. Con phải ngoan ngoãn nghe lời cha...". "Cha đánh con!” - thằng bé làu bàu. "Cha sẽ không đánh con nữa đâu” - chị dỗ dành con. Nhưng mắt chị không rời cái sẹo nhỏ còn in rõ nét bên má phải của đứa bé. Đó là dấu vết của trận đòn mà chồng chị đánh con khi đang say rượu.
Chị còn muốn nói với con nhiều hơn nữa, nhưng chồng chị đã đẩy cửa bước vào. Hắn ta đi thẳng đến chỗ chị ngồi,
thảy ra bọc giấy nhỏ và nói: "Tao đã nhận được một nửa số tiền rồi. Số còn lại người ta sẽ trả nốt khi mẹ mày đến nơi. Thôi, cứ yên tâm, việc nhà đã có tao lo”. Không khí im lặng hoàn toàn.
3. Vừa bước vào nhà mới, chị biết cuộc đời của chị kể từ nay sẽ không phải đói rét nữa, ít nhất cũng được vài năm. Nhà cửa và ngay cả người đàn ông đã thuê chị về làm tì thiếp cũng đều hơn hẳn những gì chị vừa bỏ đi. Ông Triệu rõ ra là một người đàn ông đàng hoàng, nói năng từ tốn, khoan thai. Còn bà vợ thì cũng tỏ ra là một người đàn bà không đến nỗi độc ác lắm. Ngay buổi đầu tiên bà đã đem kể hết chuyện gia đình của bà cho chị nghe. Bà kể chuyện từ ngày hai vợ chồng mới lấy nhau, từ cái đám cưới linh đình, trọng thể cho đến nay đã 30 năm... cho chị nghe.
15 năm về trước, bà ta đã cho ông một đứa con trai rất kháu khỉnh dễ thương, nhưng chẳng may khi đứa trẻ mới đầy năm thì nó chết. Kể từ ngày đó, bà không còn sinh nở gì nữa. Chính vì vậy bà rất lo sợ. Bà sợ ông sẽ cưới vợ khác
để có con nối dõi tông đường. Mãi đến thời gian gần đây ông vẫn không tỏ ý muốn lấy vợ khác. Có thể ông còn yêu bà hay là thế nào thì bà cũng không biết rõ. Nhưng có điều chắc chắn là ông rất nóng lòng sớm được có con. Bởi thế bà phải lo tìm người sinh con đẻ cái, nối dõi tông đường cho ông và làm cho ông vui lòng không nghĩ đến chuyện lấy vợ khác...
Chị nghe bà vợ cả kể chuyện thì cũng cảm thấy vui vui trong lòng, vì dù sao mình cũng đang đóng một vai trò cần thiết trong cái gia đình này. Cuối cùng, bà vợ cả nói toạc ngay ước vọng của bà với chị, khiến chị không khỏi đỏ mặt ngượng ngùng: "Dù sao cô cũng đã sinh nở vài lần rồi, chắc chắn là cô kinh nghiệm về đường sinh nở hơn tôi”. Nói xong câu ấy bà ta bỏ đi chỗ khác.
Đêm hôm đó ông chủ nhà cũng kể nhiều chuyện về gia đình cho chị nghe. Chị ngồi bên cái rương gỗ sơn đỏ dành riêng cho chị đựng đồ đạc, một vật mà trong đời chị từ nhỏ đến lớn chưa từng dám một lần mơ ước đến. Chị đã mở to đôi mắt để nhìn cho rõ, để ngắm nghía cho thỏa lòng ưa thích cái vật quý báu ấy. Ông chủ nhà đến ngồi bên chị và hỏi: “Cô tên gì?”. Chị bẽn lẽn ngượng ngùng, lắp bắp trả lời không rõ ràng và đứng lên đi về phía chiếc giường. Ông ta cũng bước theo và vừa cười vừa hỏi: "Cô ngượng ngùng à? Hay là cô cứ xem tôi như chồng cô!". Giọng nói của ông dịu dàng và ông ta kéo chị vào lòng: “Cô cũng đừng buồn. Tôi... tôi...”. Ông ta đã không nói thêm, bỏ lửng câu nói, tủm tỉm cười và bắt đầu cởi quần áo... Ngay lúc ấy chị nghe bên ngoài có tiếng bà chủ nhà đang lớn tiếng chửi mắng một người nào đó...". Lại đây cô, mình đi ngủ!" nằm sẵn trên giường ông chủ gọi chị đến.
4. Nửa năm sau, chị cảm thấy có nhiều thay đổi khác thường trong người. Chị cảm thấy sợ cơm, mỗi lần nuốt vào lại ói ra. Thấy thế ông Triệu lộ vẻ vui mừng ra mặt. Ông thừa biết đó là dấu hiệu gì rồi. Ông đích thân ra chợ hoặc sai người ở đi mua rau trái về cho chị ăn. Có lần ông thấy chị đang phụ với bà lão Vương xay bột làm bánh ăn tết, ông liền la chị: "Cô hãy nghỉ tay, không được làm nặng nhọc như thế. Không phải việc của cô". Có lần chị nhức đầu dã dượi, phải nằm suốt 3 ngày, khiến ông chủ nhà lo lắng cuống cuồng. Ông thường đến bên giường hỏi han chị và còn hỏi xem chị có cần gì hay không.
... Rồi cũng tới ngày đứa bé sơ sinh được mở mắt nhìn đời trước ánh sáng mặt trời êm dịu của mùa thu. Nó được người mẹ đẻ săn sóc, thay tã lót và cho bú mớm. Bọn đàn bà con gái trong nhà và hàng xóm lúc nào cũng quây quần đông đảo chung quanh. Người thì khen cái mũi dọc dừa xinh xắn. Người thì nức nở ca ngợi cái miệng của đứa bé rộng và tươi, mai sau thế nào cũng trở nên đại gia. Có người lại khen cả cái dái tai, cho rằng dái tai to như tai Phật thế là sẽ rất trường thọ... Còn bà vợ của ông Triệu thì càng tỏ ra nghiêm khắc hơn, chẳng khác nào bà mẹ chồng đối với nàng dâu. Bà thường la rầy chi không được để cho đứa bé khóc, mất sức khỏe. Đứa bé được đặt tên là Hạo Dân.
Hạo Dân càng ngày càng trở nên kháu khỉnh, dễ thương, suốt ngày cứ bám lấy mẹ. Thời gian cứ thế thấm thoát trôi qua, chẳng mấy lúc sắp đến ngày mãn hạn hợp đồng. Về phần chị, lúc này đầu óc của chị hoang mang rối bời giữa hai con đường. Tất cả đều xoay vần chung quanh mấy chữ "ba năm". Ngày xưa, khi rời chồng con, đem thân đến nơi xa lạ bán cả sức lao động lẫn thân xác chị thấy tiếng “3 năm" sau mà dài lê thê khủng khiếp.
Nhưng đến bây giờ, không hiểu tại sao, chị lại thấy thời gian dường như đã mọc thêm cánh mà bay đi rất mau. Thời gian “3 năm” trôi qua vùn vụt, chẳng khác nào bóng câu qua cửa sổ. Trong tâm hồn chị, hai đứa con thằng cu Chít và thằng Hạo Dân đều là con của chị, do chị đã mang nặng đẻ đau, nên chị đều thương yêu chúng nó như nhau, mặc dù hoàn cảnh của mỗi đứa rất khác biệt. Nhiều lần ngồi ngoài sân cho thằng Hạo Dân bú, chị tưởng tượng giá như lúc ấy có thằng cu Chít ở đó. Chị sẽ đưa tay vẫy nó lại gần và nói chuyện cùng một lúc với cả hai anh em. Chị sẽ... Nhưng đó chỉ là giấc mơ giữa ban ngày của chị mà thôi!
5. Mùa xuân đã đến. Bầy chim đã bắt đầu ca vang mừng mùa xuân sớm. Lúc này vợ chồng chủ nhà bắt đầu cho mời thầy đến, nhờ xem tuổi, bấm số, để định ngày làm lễ cho đứa trẻ... xa rời vĩnh viễn người mẹ đẻ của nó!
Rồi ngày chia ly cũng đến. Mặt trời đã lên cao, tiết trời quang đãng. Bé Hạo Dân vẫn không chịu rời người mẹ đẻ, khiến bà chủ nhà phải dùng sức để lôi nó ra. Đứa bé càng gào khóc dữ dội. Nó đạp bà ta vung vít bằng đôi chân nhỏ bé. Nó cấu xé và bứt tóc bà ta bằng đôi bàn tay nhỏ bé, yếu ớt của nó. Người đàn bà đẻ thuê nước mắt ròng ròng: "Xin bà làm ơn cho tôi ở lại, đến chiều tôi sẽ đi". Bà chủ quay ngoắt lại nhìn chị với cặp mắt giận dữ: “Thu xếp quần áo, rồi cút xéo nhanh lên!".
Tiếng khóc, tiếng gào thét của đứa bé như mũi xiên đâm vào tai chị. Chị đứng gói mớ quần áo tư trang lại mà cử chỉ cứ lơ mơ như người mất hồn. Bà lão Vương cũng luẩn quẩn bên chị để an ủi dỗ dành, nhưng thực ra là bà ta để ý dò la theo lệnh bà chủ xem chị ta đem theo những vật gì. Cuối cùng, chị ra đi vỏn vẹn với một gói quần áo cũ kẹp dưới nách. Khi chị ra khỏi cửa, tiếng gào khóc của bé Hạo Dân càng xé lòng. Chị phải cắn chặt môi mới đủ sức lê bước. Cả 10 phút sau tai chị vẫn còn nghe văng vẳng tiếng khóc của nó. Dường như tiếng khóc ấy muốn bám theo chị mãi mãi. Chị bước đi như người bị mộng du, mặc cho trời nắng, mặc cho sức đuối, thậm chí có lúc tưởng chừng không thể nào lê chân nổi nữa. Nhưng chị vẫn cố đi, cố chạy như bị ma đuổi...
Cuối cùng thì chị cũng về đến đầu làng. Ngay cổng làng, chị ngồi phệt xuống bất động. Đôi mắt nhắm nghiền. Tai ù đặc. Thân thể rã rời. Đầu óc hoang mang rối bời. Trông chị phờ phạc như người ốm nặng. Người qua đường xúm nhau nhìn chị với vẻ tò mò. Lũ trẻ con đang nô đùa cũng bỏ cuộc chơi chạy tới xem, hò hét tưng bừng "bà khùng kìa chúng mày ơi. Lại đây xem nào, nhanh lên!". Trong đám trẻ con ấy có cả thằng cu Chít, con của chị - nó là một trong những thằng to tiếng nhất. Mệt nhọc, chị đứng dậy lê bước tiếp. Bọn trẻ bu theo đến trước cửa nhà chị - giờ cũng vẫn chỉ là một túp lều tranh, nhưng trông rách rưới hơn, tối tăm nghèo nàn hơn. Thằng cu Chít chạy vào nhà đứng ngó ra, lấy làm ngạc nhiên thấy chị đứng ngay trước nhà nó. Chị gắng sức kêu: "Chít con!”.
Thằng bé sợ hãi, chạy vào kêu cha nó. Nhưng không nghe tiếng người đàn ông. Trong bóng tối của căn nhà ẩm thấp, tồi tàn, hắn - người mà chị gọi là chồng - vẫn ngồi yên bó gối không ngẩng đầu lên. Đến chiều, người đàn ông nói với con: "Cu Chít, đêm nay ngủ với mẹ!". Thằng bé đứng bên bếp thút thít khóc. Thấy thế chị đến bên con, cầm tay đứa bé nói: "Cu Chít! Con cưng của mẹ. Lại đây với mẹ!". Thằng bé ngó chị vẻ xa tại rồi giằng mạnh tay ra, chạy vọt nép vào sau cánh cửa, lấp ló nhìn chị với vẻ sợ hãi.
... Đêm hôm ấy chị thao thức ôm cu Chít trong lòng mà không sao chợp mắt được. Trong đầu chị tại nhớ tới thằng Hạo Dân với tiếng gào đứt ruột xé gan của nó...