Phút lâm chung
Nguyễn Nguyên Phước
Cách đây bốn năm, hồi tháng tư, bố tôi phải nằm viện. Bác sĩ nói rằng ông bị xơ gan teo giai đoạn cuối. Suốt ba ngày, bố tôi giãy dụa trong cơn mê sảng. Thỉnh thoảng ông lại kêu lên “Đau quá! Đau quá!”. Bác sĩ giải thích rằng lúc này vì gan quá yếu không đủ khả năng lọc máu đưa lên não nên những gì mà hệ thần kinh trung ương cảm nhận được không phản ánh đúng cảm giác mà thông thường nó vẫn cảm nhận. Cụ thể trong trường hợp của bố tôi, nỗi đau thực chất lại không phải là nỗi đau, những gì ông nói ra miệng khi đó có thể hiểu là một sự phản ánh nỗi nhớ về một nỗi đau nào đó hoặc cũng có thể chỉ đơn thuần là một thói quen, tuy khả năng này, theo suy đoán của tôi, là rất ít vì bố tôi chẳng bao giờ nhắc đến nỗi đau, dù là một nỗi đau cụ thể. Theo như lời bác sĩ, nội tạng bố tôi không có sự tổn thương nghiêm trọng nào thì nỗi đau kia hẳn là vô lý, chỉ có thể là do tưởng tượng. Đến ngày thứ tư, bố tôi không còn giãy dụa nữa; ông nằm im thiêm thiếp, thỉnh thoảng lại rên khe khẽ rồi thở dài. Bác sĩ nói rằng, cơ thể ông lúc này đã quá mệt mỏi với nỗi đau tưởng tượng kia và nó cần được nghỉ ngơi. Ông cũng nói thêm rằng bố tôi không sống được lâu nữa.
Buổi tối hôm ấy, tôi ngồi bên giường bệnh viện. Đã ba ngày qua, hai anh em tôi hầu như không chợp mắt, cả hai luôn ở trạng thái căng thẳng, lúc nào cũng phải giữ chặt tay và chân bố tôi để ông không giãy dụa quá mạnh làm hỏng ven truyền nước. Tuy nhiên, lúc này tôi lại không cảm thấy mệt mỏi. Đầu óc trống rỗng, tôi hoàn toàn không thể suy nghĩ chuyện gì khác ngoài cái chết mà theo dự đoán của bác sĩ sắp đến với bố tôi. Hôm đó rằm, trăng rất sáng. Hơn nữa, cửa sổ bệnh viện khá lớn không có song sắt. Tôi nhìn bố tôi nằm im trên giường. Thỉnh thoảng, ông lại thở dài, rồi than “Ôi chao ôi!”. Tiếng thở dài đặc biệt đó chắc suốt đời tôi chẳng bao giờ quên, nhất là cái âm “ôi” thứ hai được kéo dài một cách hết sức đặc biệt. Hơn nữa, đặt trong hoàn cảnh của bố tôi, khi mà, theo phỏng đoán của bác sĩ, ông hoàn toàn không có khả năng nhận biết bằng giác quan thì cái tiếng than “chao ôi” kia hẳn phải có gì bí ẩn. Được một lúc, bố tôi thiếp đi. Rồi đột nhiên, ông kêu lên “Mợ ơi! Trời mưa. Con đau quá, mợ ơi!” Tôi nghĩ rằng ông đang gọi bà nội. Bà nội mất năm bố tôi lên tám tuổi. Tôi nhìn khuôn mặt bố tôi. Một khuôn mặt đẹp, hơi nhăn nheo, gò má tóp lại, hai hố mắt trũng sâu, râu ria mấy ngày không cạo mọc tủa tủa. Rồi bố tôi khóc. Nước mắt lặng lẽ chảy trên mặt ông. Có lẽ ông đang nhớ mẹ.
Hồi cải cách ruộng đất, bà nội tôi đã mất. Ông nội tôi bị bắt giam rồi chết trong tù. Bố tôi phải lên rừng kiếm củi, còn cô tôi phải đi mót khoai. Rồi bố tôi ra Hà Nội, làm công nhân khuân vác bến Phà Đen, rồi làm công nhân nhà máy cơ khí Hà Nội. Ông về hưu năm tôi học lớp tám. Để nuôi hai anh em tôi ăn học, ông xin làm bảo vệ ở một trường tiểu học. Và ông làm ở đó cho đến ngày em gái tôi vào đại học. Tôi nhìn ông nằm thiêm thiếp trên giường bệnh trong ánh trăng sáng nhờ nhờ và nhớ về ý chí phi thường của ông trong thời kỳ gian khó đó, một ý chí mà đến bây giờ tôi vẫn không sao hiểu được. Giờ hẳn ý chí đó không còn, bởi căn cứ theo lời bác sĩ thì rõ ràng cơ thể của bố tôi giờ không còn thuộc sự điều khiển của ý chí. Tôi nắm tay ông và lặng lẽ khóc. Đột nhiên, một giọng nói trầm ấm vang lên từ phía sau:
- Bố cháu sẽ không sao đâu.
Tôi quay lại nhìn. Đó là giọng nói của người đàn ông giường bên cạnh. Trong ánh trăng rằm, ông ta cũng nằm im thiêm thiếp như bố tôi. Miệng ông ta hơi mỉm cười, làn môi mấp máy một cách khó hiểu. Ông ta khe khẽ nhắc lại:
- Bố cháu sẽ không sao đâu.
Những lời an ủi kiểu như vậy, tôi nghe cũng nhiều. Nó chẳng có tác dụng mấy trong hoàn cảnh hiện tại của tôi. Dù sao, tôi cũng nói lời cảm ơn ông ta. Người đàn ông lặng lẽ nhìn tôi, rồi hỏi:
- Cháu đã yêu bao giờ chưa?
Tôi hơi ngạc nhiên. Lẽ ra ông ta nên hỏi thăm bệnh tình của bố tôi hoặc nói cái gì đại loại như thế. Tôi cảm thấy hơi lúng túng. Một câu hỏi khó. Bố tôi cũng chưa bao giờ hỏi tôi câu hỏi đó. Khó mà nói rằng tôi chưa yêu. Tôi đã từng có cảm tình đặc biệt với một vài cô gái, một thứ tình cảm không rõ ràng lắm. Dường như nó pha trộn nhiều loại tình cảm khác nhau. Dù sao, tôi cũng không đủ can đảm nói với họ là tôi yêu. Hơn nữa, tình yêu, nếu xét theo ý nghĩa của câu hỏi của người đàn ông kia thì hẳn phải là một thứ tình cảm hoặc hai chiều, tức là người con gái kia cũng yêu tôi, hoặc một chiều, nghĩa là chỉ có tôi yêu cô ta, nhưng cả hai đều hiểu rõ nó tồn tại và như thế thì cũng không thể nói là tôi đã từng yêu. Cuối cùng, tôi đành trả lời:
- Cháu chưa yêu bao giờ.
Người đàn ông hơi mỉm cười. Một cái mỉm cười rất khẽ, khẽ đến mức hầu như tôi chỉ cảm thấy đó là một cái mỉm cười chứ không nhìn thấy thực sự.
- Bác thì đã yêu hai lần. Lần thứ nhất, có lẽ là một tình yêu đơn phương. Năm ấy bác hai mươi tuổi, còn cô ấy mười tám tuổi. Cô ấy ưa nhìn, không quá xinh, nhưng ưa nhìn và rất thông minh. Anh trai cô ấy là bạn học của bác. Thực ra là có ba người bạn rất thân: bác, anh trai cô ấy, và một người khác nữa. Người kia cũng yêu cô ấy. Cậu ấy là một chàng trai rất khá. Người dong dỏng cao, rất đẹp trai và giỏi giang. Cuối cùng cô ấy chọn chàng trai kia. Cũng hợp lý thôi. Cậu ấy xét về mọi mặt đều hơn bác. Chẳng hiểu sao, khi hai người kia yêu nhau, tình bạn của ba người bọn bác cứ nhạt dần. Nếu ghen tuông thì lẽ ra chỉ có bác và người yêu cô ấy thôi, hà cớ gì tình bạn với anh trai cô ấy lại không còn như xưa nữa. Cái này quả thật khó hiểu. Rồi cô ấy và anh bạn của bác chia tay. Lý do thì bác không rõ lắm. Quả thật, tình cảm nó rất mù mờ. Đến giờ bác vẫn không hiểu được tại sao lại thế. Lần thứ hai, còn tệ hơn thế, mặc dù lần này không phải là tình yêu đơn phương.
Tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu. Người đàn ông này hẳn thần kinh không bình thường. Cũng có thể do ông ta bị bệnh nên mới thế chăng. Bố tôi đang nằm kia, mạng sống chỉ còn tính bằng giờ, vậy mà ông ta cứ liên tục lảm nhảm về những mối tình chết tiệt nào đó. Dù sao, là một người lịch sự, tôi cũng không thể hiện sự khó chịu của mình quá đáng. Người đàn ông dường như không quan tâm đến suy nghĩ của tôi. Ông ta tiếp tục lảm nhảm:
- Tình yêu thứ hai, cô ấy đồng ý lấy bác. Cô ấy không xinh nhưng có duyên. Năm ấy bác ba mươi tuổi, còn cô ấy mười chín tuổi. Kể ra chênh nhau cũng hơi nhiều, nhất là khi người ta mười chín tuổi thì một quyết định hôn nhân có lẽ không được chín chắn cho lắm. Năm đầu tiên, cả bác và cô ấy rất hạnh phúc. Năm thứ hai bắt đầu lục đục. Chuyện cơm áo gạo tiền thôi. Lúc ấy, cô ấy mới sinh con, bác làm ở nhà máy, lương ba cọc ba đồng mà bác lại không có tài xoay sở nên khổ lắm. Mà con gái bác đau ốm luôn. Rồi năm thứ ba, thứ tư trôi qua, mọi cái cũng xuôi xuôi. Con gái bác bắt đầu khỏe mạnh, cứng cáp. Rồi đùng một cái, cô ấy bỏ nhà đi, để lại một lá thư dài. Theo như lá thư thì cô ấy bỏ đi theo cái mà cô ấy gọi là “tiếng gọi của tình yêu” hay “tiếng gọi của trái tim”, đại loại là như vậy. Bác không nhớ chính xác. Bác nuôi con một mình khá vất vả. Mấy năm sau, có trát của tòa gọi bác ra làm nhân chứng. Cô ấy phạm tội giết người. Đại khái là sau khi bỏ bác, cô ấy cùng người tình đến một thành phố khác. Không hộ khẩu, không giấy giới thiệu, cô ấy phải đi làm đồng nát, người tình thì đạp xích lô. Hai năm đầu, cuộc sống cũng không đến nỗi nào. Đến năm thứ ba thì anh chàng kia bị tai nạn, liệt toàn thân. Cô ấy ngày phải đi làm đồng nát, trưa và tối về phục vụ anh ta rất khổ sở. Rồi một hôm, quá mệt mỏi, cô ấy nghĩ quẩn, bèn dùng dây thừng xiết cổ người tình. Sau đó, cô ấy treo cổ tự tử nhưng hàng xóm cứu được.
Trước tòa, bác vẫn là chồng cô ấy vì chưa ly dị. Hôm ở tòa, cô ấy khóc ghê lắm. Mọi người đều khinh bỉ cô ấy. Không phải bởi cô ấy xiết cổ người tình mà vì đã bỏ bác và con gái mới ba tuổi. Đến bây giờ bác vẫn nhớ ánh mắt của cô ấy. Nhất là đoạn cô ấy kể về lúc thắt cổ người tình. Cô ấy nói rằng không sao quên được cái nhìn của anh ta lúc đó. Bác không biết. Chắc nó phải là một cái nhìn ghê gớm lắm. Cô ấy bị kết án chung thân. Người ta cho bác gặp và nói chuyện với cô ấy nửa tiếng đồng hồ. Cũng chẳng có gì để nói. Cô ấy chỉ xin bác đừng bao giờ kể cho con gái nghe về mẹ nó, cứ nói là đã chết rồi. Nghĩ cũng tội. Thực ra lỗi là tại bác. Bác lẽ ra không nên cưới cô ấy khi cô ấy quá trẻ. Mười chín tuổi không phải là tuổi chín chắn để quyết định một việc lớn như vậy. Lẽ ra cô ấy có thể hạnh phúc nếu không lấy bác. Rồi bác tục huyền với một góa phụ, lần này thì không có tình yêu. Chỉ là đến với nhau thôi. Con gái bác cần có mẹ; nếu không, nó sẽ có cái nhìn lệch lạc về cuộc sống, nhất là cuộc sống tình cảm. Bác học được điều này từ chính người vợ đầu tiên của bác. Cô ấy mồ côi mẹ từ nhỏ. Bố cô ấy ở vậy nuôi con. Có lẽ vì thế cô ấy chẳng bao giờ tìm thấy cái hạnh phúc mà những người bình thường khác vẫn cảm thấy.
Người đàn ông im lặng. Tôi cũng im lặng. Tôi nghĩ đến bố tôi, nghĩ về những điều ông đã dạy tôi. Tôi nghĩ về cuộc đời khốn khổ của ông và tự hỏi liệu có khi nào, trong suốt cuộc đời, ông cảm thấy hạnh phúc không. Dưới ánh trăng rằm, khuôn mặt gày gò khắc khổ của bố tôi nổi bật trên nền trắng của tấm ga trải giường; trông ông giống như một kẻ tử đạo.
Khoảng ba giờ sáng, em gái tôi vào trông bố, còn tôi đi về nhà. Hà Nội ba giờ sáng yên tĩnh lạ thường, dường như chỉ có một mình tôi phóng xe máy trên những con đường ngập tràn gió. Tai tôi lúc đó văng vẳng tiếng nói của người đàn ông kia, một giọng nói đều đều, nhè nhẹ. Khoảng tám giờ sáng, tôi quay lại bệnh viện và một điều kỳ diệu đã xảy ra. Bố tôi đã tỉnh trở lại. Khuôn mặt ông vẫn xanh xao vì mất máu nhiều nhưng ông hoàn toàn tỉnh táo. Ông không nhớ được những gì đã xảy ra trong bốn ngày qua, kể từ lúc vào bệnh viện. Sau này, ông kể lại rằng, trong giây phút mê man ấy, ông nghe có tiếng ai gọi mình, một giọng nói mơ hồ nhưng có cảm giác rất quen thuộc mặc dù không thể nhớ được là giọng nói của ai. Tôi nhìn sang giường của người đàn ông nằm bên cạnh. Người ta đã dọn sạch toàn bộ ga trải giường cùng chăn màn, chỉ còn trơ lại tấm nệm giường. Tôi hỏi em gái tôi:
- Bác hôm qua nằm ở đây chuyển viện à?
Nó rầu rĩ đáp:
- Không, bác ấy mất rồi. Mất đêm hôm qua. Em vào thay anh được một lúc thì con gái bác ấy phát hiện ra bác ấy đã mất. Bác ấy bị ung thư gan.
Đến bây giờ, bố tôi vẫn sống khỏe mạnh không như lời tiên đoán của bác sĩ. Có lẽ ông mắc một chứng bệnh khác mà người ta chưa tìm ra nguyên nhân hoặc cũng có thể cơ thể ông nhạy cảm đến mức chỉ cần chớm bệnh là nó có thể rơi vào trạng thái mê man như thể triệu chứng của bệnh nhân giai đoạn cuối. Cuộc sống có vô số những điều bí mật mà người ta không bao giờ giải mã được. Chẳng hạn như, người đàn ông nói chuyện với tôi đêm hôm ấy, cứ cho rằng thời điểm ấy ông ta còn sống, còn tỉnh táo, nghĩa là không phải một hồn ma đang nói chuyện với tôi, thì cũng khó có thể hiểu được tại sao trong phút lâm chung mà hẳn lúc đó cơ thể phải rất đau đớn, ông ta lại nghĩ về những mối tình đã chết.
Nagoya, 6/2005