Ciao
Đường Hải Yến
Một buổi chiều có ba mươi phút vắng người hiếm hoi Ciao. Giá như giọng Sade đừng gợi cảm như thế thì tôi đã có cách từ chối việc nhận lại J, một người tình cũ trong đời.
(Cái còn lại mãi mãi là cái không bao giờ nhìn thấy được)
Tôi gặp J khi ngày đã muộn.
Dẫu là mưa Hà Nội vẫn duyên dáng gió. Ciao café vắng người trong ba mươi phút. Ba mươi phút của một buổi chiều hiếm hoi để tôi nhớ J, nhớ ngay khi vừa mới gặp. Sáng mai tôi sẽ lại bay chuyến bay đầu tiên trong ngày, rời thành phố này của tôi, mà đi.
Nhạc Sade dìu dặt gợi nhớ, một người tưởng rất giống J bây giờ, đã của tôi mà không là của tôi.
J đến bên bàn, lấp đầy khoảng trống thời gian bằng một câu dễ gây nước mắt:
- “Sao trông em buồn",
***
"Sao trông em buồn?”
Thời gian này Hà Nội rất ít đàn ông đến cạnh ai đó để tìm câu trả lời cho một thắc mắc tưởng vu vơ.
Trên chuyến bay trở về cách đây ít lâu tôi nhìn tấm ảnh trang bìa tạp chí Heritage mà hốt hoảng. Khuôn mặt trong ảnh tấn công tôi phũ phàng trong những giây đầu tiên, làm tim tôi đau nhói.
J.
Đã nổi tiếng, đã là khuôn mặt dễ nhận ra trên rất nhiều trang bìa tạp chí của cái thành phố nhỏ bé này, một khuôn mặt quen. Mình có ngờ được một ngày khuôn mặt của người đã từng yêu, đã tưởng không thể thân thương hơn thế lại làm mình sợ hãi, như thể người ta đang ở ngay trước mình, như đang soi vào tim mình mà hỏi cái câu tưởng chừng đơn giản nhất: “Lâu rồi em thế nào?”
Lâu rồi tôi ra sao?
Lâu rồi tôi làm gì?
Bỏ nhau đi đã kịp yêu thêm một mối tình lớn, mối tình đã lấy của tôi năm năm và có vẻ còn sẵn sàng lấy của tôi nhiều năm hơn thế nữa, dù tạm thời trong những ngày Hà Nội - Paris này, mối liên hệ duy nhất để vẫn của nhau chỉ là tấm vé hãng Air France có thể thay đổi ngày giờ bất kỳ lúc nào.
Và đây Ciao, tôi thấy mình buộc phải trả lời nhưng tôi không biết trả lời sao cho không phải rơi nước mắt:
- “Anh sẽ làm gì để thoát ra khỏi một tình yêu đẹp?”
***
Tôi có một thói quen khó bỏ đó là ít thay đổi thói quen.
Về Hà Nội là đi Ciao café, chốn hẹn hò đông người.
Hình như tôi đã đến nơi này hàng ngàn lần trong đời, ngàn lần đó có trăm lần đến với những người yêu. Tôi đã nghe từ Sade “love deluxe” đến Sade “lovers rock » ở đây, cùng với họ. Hay tại vì cô gái da nâu mắt to giọng trầm Sade hát “I am the King of sorrow” làm tôi buồn loãng và quên?! Đến nỗi bây giờ tôi không thể phân biệt rõ ràng người yêu nào với người yêu nào khi đều gắn họ với cô. Đến nỗi có mỗi cái ảnh trên bìa tờ tạp chí chỉ cần xem mà không cần phải đọc cũng làm tôi hốt hoảng. Đến nỗi một câu hỏi chừng như gần gũi thái quá sau rất nhiều rất dài rất xa cũng đủ làm tôi xúc động, những mong lại được chia sẻ với người:
- “Sao để thoát ra khỏi một tình yêu được coi là đẹp?”
Rồi thế là J tiện thể ngồi xuống bên cạnh, gọi thêm café và tiêu tốn thêm cả một buổi chiều cùng với tôi.
Một buổi chiều có ba mươi phút vắng người hiếm hoi Ciao. Giá như giọng Sade đừng gợi cảm như thế thì tôi đã có cách từ chối việc nhận lại J, một người tình cũ trong đời.
Tôi có cần gì thêm trong nỗi cô đơn của một người đàn bà bị tàn phá và cướp mất bản thân cho một tình yêu năm năm màu sắc bằng lên xuống nước thủy triều? Có thể tôi sẽ lấy E, sẽ tồn tại bên cạnh tình yêu của E mãi cho đến cuối cuộc đời, như một kẻ hèn nhát đã tình nguyện thất bại ngay từ lúc khởi đầu.
Dẫu tôi vẫn luôn tự hỏi rằng tình yêu đã có rồi đi đâu sau lời chia tay?
Chẳng có gì mất hẳn đi trong đời, nó chỉ chuyển từ dạng tồn tại này sang dạng tồn tại khác, như nước bốc lên thành hơi nước bay đi, như cái khăn lụa nhỏ hôm nào tôi bỏ quên trên tàu điện ngầm, tàu chạy rồi mới kịp nhớ, có ai đó sẽ nhặt nó lên, sẽ quàng cho đến khi mùi nước hoa của tôi trên đó lạt đi thành một làn hơi...
Chỉ có điều này thôi, giá như tôi có thể ngoảnh nhìn lại tình yêu qua đi mà vẫn được mỉm cười?!
***
Còn ở lại Hà Nội mấy ngày là còn đi Ciao cafe.
Bạn bè hỏi thăm về E, họ không để tôi kịp quên người yêu, người yêu mà vừa cách đây không lâu mua nhẫn kim cương một carat hỏi cưới tôi làm vợ.
Vậy là cầm tay nhau kiểm tra cái nhẫn trên ngón áp út, vậy là đành phải kể: một buổi chiều trên đảo Bali, mặt trời lặn ở biển, E quỳ xuống trước tôi đang mải cầm quyển sách mà nhớ thương vô cớ, rằng sao mỗi mặt trời lên hay lặn đều gắn với một người tình, mà mình đã sống nhiều nhặn gì đâu cho cam, ba mươi tuổi sao đã nhiều lời cầu hôn? Đến nỗi để lần này với E tôi hoảng hốt mong đó là chuyện đùa, tôi đã yên ổn sống và yêu năm năm tròn cho đến giờ phút đó.
Tôi bật dậy khỏi E và chạy. Tình thế có vẻ bất ngờ đầy kịch tính. E đuổi theo giữ lấy tay ghì tôi ở lại, tránh đi một hiểu lầm rất dễ làm bẽ mặt tình yêu:
- “Anh không đùa đâu, em có muốn làm vợ anh không?”
Câu hỏi gây sốt, tôi không biết cách trả lời, thực ra tôi chưa từng một lần biết trả lời bằng cái cách mà cả tôi lẫn người yêu tôi mong đợi. Tôi nước mắt cho tất cả những lời cầu hôn trước nữa.
Vậy là đồng ý rồi nhé, nước mắt hạnh phúc bất ngờ chảy xuống ồn ã thế kia cơ mà, vậy là nhẫn một carat đeo vào ngón tay từ bấy rồi nhé.
Kể lại với bạn bè mà thấy ngại, họ có yên tâm không về cái lần bạch kim lẫn kim cương này khi tất cả họ đều vẫn nhớ để hẹn hò tôi ở đây, nơi những người tình tôi đã đến và đã đi?
***
Hình như J đã dùng hết tình thân mật cho phút gặp lại đầu tiên nên giờ không thể nào tự nhiên hơn được nữa. Cũng có thể câu trả lời như một câu hỏi của tôi làm J khó bắt nhịp. Hay J nghĩ đó vẫn chỉ là tôi với một câu hỏi vu vơ, chẳng phải dành cho tôi và J nên J sẽ không ngại tiêu tốn cả một buổi chiều với tôi trong im lặng.
Ngón tay J đeo nhẫn.
Tôi chưa bao giờ quên ngày cưới của J, thiếp mời đề ngày 23 tháng 11. Hôm đó sinh nhật E, tôi mải nấu nấu nướng nướng tiệc tiệc tùng tùng đến tận mười hai giờ khuya, mười hai giờ khuya Paris đã là sáng ngày hôm sau Hà Nội, giờ đấy chắc người cũ của tôi và vợ đã trăng mật xong mất rồi. Tôi khóc. Không phải vì buồn tiếc. Tôi bỏ cả Hà Nội đi từ bấy, lẽ nào tôi vẫn giữ lấy được một J? Tôi chỉ khóc vì tôi đã quên mất ngày hôm ấy. Đàn bà nhớ cả màu áo sơ mi người tình đã mặc, giữ trong nhật ký hai tấm vé xem phim cùng nhau lần đầu, thế mà tôi, tôi quên ngày cưới của họ cho mấy ly vang không ngon không dở.
- “Em có gia đình chưa”?
Hóa ra J chẳng hề biết gì về tôi, chừng đấy năm tôi sống thế nào chắc J lại càng không thể biết. Dù để biết về tôi đâu có khó. Bạn bè cũ vẫn đấy, họ vẫn đến Ciao ăn trưa ăn tối cùng nhau, chắc vẫn thường nhắc tên tôi, chắc đã gặp J ở đây không ít bận. Có lẽ tất cả những lần nhìn thấy J, J đều đi cùng vợ, không chừng vợ còn đi cùng với hai con trai nhỏ, nếu không thì nhờ họ J đã biết tôi đang chung thủy đến mức nào, tôi đi bên cạnh tình yêu của E năm năm rồi đẹp đẽ mà không tạt ngang tạt ngửa, không một lần buộc phải chọn lựa giữa E với bất kỳ ai.
Ngày mai tôi sẽ lại lên chuyến bay hơn mười tiếng để về với người tình thương mến hứa hẹn sẽ tốn nhiều thời gian cho nhau hơn thế nữa.
Nhưng lúc này đây sao bỗng dưng nhớ một bàn tay, tay chưa bao giờ vô tình đơn điệu hèn nhát phũ phàng, tay chia sẻ bao hạnh phúc, tay chứng kiến từng giờ khắc yếu lòng cởi mở nhất, tay từng lướt trên dương cầm tôi những cung bậc mượt mà, tay từng đốt lò sưởi tôi rực rỡ nồng nàn.
Tay giờ đeo nhẫn mất rồi, để tôi ngồi cách có một cốc café mà xa vời vợi, mà thèm được nắm lấy, áp má vào êm mượt dày ấm thảm Ba Tư mùa đông, mặc kệ cái nhẫn như gai hồng ngạo nghễ sẽ đâm vào vết bỏng.
Ngày mai tôi sẽ lại bay hơn mười tiếng dài nhưng lúc này đây tôi chỉ xin có mỗi một bàn tay, nỡ nào J từ chối ?!
Lúc này đây tôi chỉ xin có mỗi một bàn tay, ngày mai tôi đã lại bay chuyến bay hơn mười tiếng dài, lẽ nào E rộng lượng của tôi còn đòi hỏi gì hơn?!
Tôi với cả hai tay mình sang phía J, tiện thể nhặt lấy cái mũ của anh đội lên đầu, rồi vẫn giữ nguyên tư thế ấy tôi nhìn, không nói không cười không sốt ruột không chờ đợi. Tôi nhìn J đang nhìn tôi như nhìn một cô gái nào khác lạ, vẫn là tôi mà không phải tôi với cái mũ nồi kiểu lính lê dương muôn thuở của J trên đầu. Như một đêm nào đã rất xa xôi cô gái dải lụa nâu buồn ấy quấn chặt lấy J, vắt kiệt tình yêu J bằng mắt bằng môi bằng cái mũ kiểu lính lê dương trên cơ thể gầy không áo quần chằng buộc. Có lẽ sự gợi nhớ làm J xúc động nên mắt J có khói, J đặt tay lên hai cánh tay tôi, không nhìn vào mắt tôi đang nhìn J mà thầm thì:
- “Đi với anh, đến một nơi chỉ có hai đứa mình, hãy đi với anh”.
Tự nhiên xuất hiện như việc xuất hiện của cái mũ trên đầu, tôi để yên tay mình trong tay J, dè sẻn từng cử chỉ để đừng làm hỏng đi cái điều đã được bảo toàn, cái điều đã bị tách ra khỏi quên lãng.
Tôi không nỡ hỏi J “đi đâu” vì tôi biết ngay cả tôi cũng sẽ không có câu trả lời.
Dù tôi đã luôn muốn mang tình yêu của chúng tôi đến một nơi nào khác Hà Nội duyên dáng gió, nơi không còn Ciao, không còn Sade nồng nàn như một hơi thở “I am the king of sorrow...” để nhận dạng tình yêu, để phủ nhận cái mong manh dễ vỡ, để đừng nhìn thấy rồi có ngày ai đó sẽ ra đi mà người ở lại không phải bất ngờ và cũng không cần đòi hỏi lý do.
Và lúc này đây, J nhìn tôi như nhìn một tấm ảnh cũ, một tấm ảnh cũ nhặt được khi tình cờ mở một ngăn tủ cũ, ở tận dưới đáy ngăn, nơi góc khuất cùng nhất lăn lóc rất xa ngoài vùng của cuộc sống thường nhật. Nhìn và nghĩ, bắt đầu chỉ là một bức ảnh nhòa, không phảng phất chút hương nào của thói quen xưa, khuôn mặt trong ảnh chỉ là một phiến rời của ký ức, nhưng hóa ra nó, cái mũ, lại chính là một dấu chấm nặng đánh dấu một phần đời đã có, đã đi qua, cái - mũ - tại - một - thời - điểm ấy lại chính là một dẫn đường, một thúc giục tình cảm sắc nhọn đánh thức trong J gần như một cần thiết, gần như một thân yêu, thân yêu đó làm người muốn khóc, cần thiết đó làm người phải bật lên:
- “Đi với anh, hãy đi với anh đến một nơi khác nơi này”
Chỉ vì mọi sự ra đi đều như một bài hát cũ kỹ buồn ta từng nghe đi nghe về trăm bận mà không còn thực sự lắng nghe để biết nó còn hay không hay là đã dở. Không phải J thì có nghĩa là tôi.
Tôi đã từng bay chuyến bay tương tự ngày mai, của hơn năm năm về trước mà không kịp cho J thời giờ để hiểu tại sao, bởi tôi đã không chấp nhận người đàn ông không chịu phản ứng gì, vô ý dẹp đi những tấn công của tình yêu bằng yên lặng và khá nhiều vị tha. Bởi không phải J chỉ mất đi một đôi mắt nâu đã tan chảy như mật trên từng lớp biểu bì của tấm lưng anh rộng trong đêm cuối cùng tôi quyết định xa J mà J sẽ mất đi nhiều hơn thế nữa, J sẽ mất đi cái duy nhất còn khiến sự bao dung độ lượng của anh mang ý nghĩa. Tôi đã kiên trì xúc phạm vào sự thiếu vắng của chính tôi trong tình yêu J, kiên trì đi đến tận cùng của nó để hiểu rằng một đàn ông đẹp cỡ J sẽ làm tôi cảm giác thiếu an toàn chứ không phải tình yêu tin cậy vô điều kiện của anh giành cho tôi mới khiến tôi ra như vậy.
Vì mọi ra đi rồi cũng chỉ cũ kỹ như một bài hát buồn. Chẳng phải J thì có nghĩa là tôi:
- “Không, ngày mai em đi Paris rồi”.
Có thể mắt nâu lại bỗng sẵn sàng tan chảy nên J sực tỉnh, J đứng dậy, rời tay khỏi tôi, bối rối trong giây lát nhưng đầy nhẹ nhõm và ơn nghĩa:
- "Thì hy vọng gặp nhau một dịp khác khi em về lại Hà Nội vậy”.
Tôi gật đầu trong yên lặng. Có những cái hẹn mà cả người hẹn lẫn người được hẹn biết là không ai giữ nhưng họ vẫn phải hẹn.
Bởi ngày mai hay ngày nào đó trong đời, tôi có thể trở lại giây phút này không, tôi ba mươi tuổi lạc lõng như chính cái mũ trên đầu lẳng lặng nhìn chủ nhân của nó rời đi, khuất sau góc quán, biến mất trong giọng buồn Sade dìu dặt tỏa hương «I’ve cried so many one’s tears … »
Bởi những gì đã có với J mới làm tôi ra đi.
***
Có thể tôi sẽ khóc trên chuyến bay hơn mười tiếng dài ngày mai vì biết rằng ở cuối chuyến bay ấy E sẽ đợi, sẽ cầm lấy tay, và tôi sẽ nói, như thầm:
"Thôi mình hãy đi về nhà",
như sau kết thúc một cuộc hành trình.
Như những gì chưa có với E mới làm tôi ở lại.