Con Gái
Hoàng Dạ Thi
Mùa hè. Căn phòng của chị em nó bây giờ sơn màu xanh lơ, trên bậu cửa sổ đã quấn quít vài sợi tóc tiên mảnh dẻ với vài bông hoa dỏ như những ngôi sao tí tẹo. Chị nó cũng thay đổi nhiều. Áo quần sửa sang hơn, mắt long lanh, nói năng nhẹ nhàng, không còn chơi những trò ngớ ngẩn với nó như hồi trước nữa. Nhiều khi nó ngồi ngắm mái tóc dài mượt của chị và giật mình nhận ra chị nó đã thành thiếu nữ từ lúc nào. Một thiếu nữ xinh xắn, vui nhộn, chẳng bao giờ buồn cả.
Còn nó? Có lẽ cũng đã lớn lên, cũng đã thay đổi nhiều. nhưng nó chỉ đoán chừng vậy - cũng như chị Thảo không biết mình đã lớn rồi. Nó nhún vai, chép miệng như bà nội thường làm: “Người ngoài bao giờ cũng sáng suốt hơn”.
Ở trường, nó có một chỗ ngồi ở bàn đầu, gần cửa sổ. Hầu như nó không có bạn. Nó ngồi, lơ đãng chép bài, nghe tiếng chim ríu rít ngoài kia và nhìn những chiếc lá chao liệng trong gió. Bạn bè coi nó như một cái gì vô thưởng vô phạt, một người lặng lẽ, già trước tuổi, vừa mơ mộng vừa khô khan. Nó “giống như con số 1 trong số học, không nhân mà cũng không chia được. Chẳng ai quan tâm đến.”
Ở nhà, nó cũng có một góc riêng. Một cái giường gắn lò xo để nhún nhảy, vài quyển sách nằm ngay ngắn trên giá, mấy bông hoa bất tử cũ mèm, cả những viên pháo đủ cỡ để dành từ năm kia. Nó thích ngồi một mình trong “góc” riêng, để suy nghĩ về những chuyện linh tinh mà khỏi bị ai quấy rầy. Chị nó nói: “Con Ý suốt ngày ru rú trong nhà, như con ma xó!”. Nó chỉ cười, không buồn cãi lại.
Mùa thu.
Trong mảnh sân con trước nhà, những bông lan đất hồng nhạt đã nở. Sáng nay nó đi quanh quẩn trong vườn, bình thản ngắm những chiếc lá úa vàng ngậm ngùi rụng. Mùa thu mang đến vườn nó một cảnh đẹp buồn bã và quạnh hiu.
Anh sinh viên ở ngôi nhà đối diện đang vẫy tay ra hiệu cho nó. Nó mỉm cười. Anh là người bạn “lớn mà nhỏ”, là người duy nhất chịu đựng được nó, nghe nó kể lễ những chuyện tầm phơ. Nó không hiểu vì sao lại trở nên thân thiết với anh. Có lẽ vì nó không có anh trai. Nó luôn mơ về một người anh vì nó luôn cho nghĩ anh trai bao giờ cũng muốn che chở cho em. Từ lâu lắm rồi, nó bỗng nhận ra mình thèm có anh trai như tụi bạn trong lớp kinh khủng.
Anh đang đứng bên cạnh nó. Nó muốn nói một cái gì đó “Ngủ ngon không?”hay “How are you?” chẳng hạn. Nghe khách sáo đến nỗi nó suýt phi cười. Anh nhìn nó, rùn vai. “Lạnh quá! Áo len của em bị chuột gặm mất rồi à?” Nó nheo mắt nhìn mặt trời đang che mặt sau đám mây dày, vênh váo: “Em có phải là trùng sốt rét đâu. Nói xong nó cúi mặt xuống đất. Sao anh không phải là anh trai của nó nhỉ?
Mùa đông.
Căn phòng nhỏ của chị em nó vẫn tràn ngập tiếng cười, cả cái góc khiêm tốn tội nghiệp của nó cũng bị quấy rối. Đó là những người bạn của chị Thảo. Nó thấy tất cả bọn họ đều giống nhau: áo quần sặc sỡ, cười nói ồn ào… Nhưng biết đâu như thế lại vui hơn thế giới im lặng, lạnh lẽo của nó.
Buồn bực, nó bỏ ra vườn. Ở trong nhà, mọi người nhìn nó như nhìn một bà già cau có, khó chịu. cành khô gãy răng rắc dưới chân, mưa khoái chí bám đầy tóc. Nó cài lại cửa sổ áo và đưa mắt nhìn qua ô cửa sổ bên kia đường, tựa hồ đó là một thói quen. Thấy trái hạnh tiên vừa chín, nó hái rồi đưa lên mũi ngửi. Mùi thơm của trái tiên làm nó phát thèm, chỉ muốn cắn. Nhưng nó không ăn mà bỏ túi áo bành tô, rồi lại nhìn qua bên kia đường.
Chị em nó nằm trên giường . Nó ra sức nhún làm làm lò xo rung lên bần bật. Chị nó gắt: “Đồ con nít”. Nó vặn: “Chị đã có ai chưa?” Chị nó nhướn mày, cười: “Ai là ai? À à chưa!”. Nó đắc thắng kết luận: “Vậy thì chị cũng chỉ là con nít. Một đứa con nít già”.
Gần tới Noel, cô nó cho hai đứa con một hộp kẹo lớn. Nó nhìn chị Thảo đang cặm cụi “cộng trừ nhân chia” hộp kẹo mà tức cười. “Con út thì chẳng được lợi lộc gì ngoài chuyện bị bắt nạt”, nó nghĩ thầm. Nó ngồi thừ trứơc trước đống kẹo lóng lánh kếch xù, phần của nó nhiều hơn một cái. Chị Thảo lẩm bẩm: “Nhiều quá. An thích loại này lắm. Còn mày định cho ai?”. Nó lắc đầu: “Chẳng cho ai cả. Ăn tuốt”. Lúc nói câu này, nó lại nghĩ tới anh. Tình cảm của nó nay đã thay đổi nhiều. Có cho anh tất cả tài sản ít ỏi của mình nó cũng chẳng tiếc. Nhưng mẹ nó dặn con gái là phải “ý tứ”, không được… nên nó có dám nói gì đâu ngoài những chuyện tầm phào. Nó thở dài. Chị nó chợt hỏi: “Ý đã có ai chưa?”. Nó cười tinh quái. “Đoán thử coi” - “Chắc là chưa. Nhìn mặt mày còn ngây thơ lắm”. Rồi chị bĩu môi, nói một mình “Mà cũng không biết nữa. Nhìn nó lúc nào cũng kín như bưng. Tài thánh cũng chịu!”.
Mùa xuân.
Nó ngồi háo hức trong nắng ấm, chỉ cho anh cây mai trước nhà. Cây mai có nhiều búp non chưa lớn vì bây giờ mới đầu màu xuân. Anh nói trầm ngâm, khác với vẻ giễu cợt thường ngày: “Ước gì năm nay mai nở muộn. Sau Tết, mình không gặp nhau nữa rồi”. Nó giật mình, thảng thốt hỏi: “Anh đi à?”. Anh nói về một nơi nào đó mà nó chỉ nghe loáng thoáng. Nó lặng thinh, rồi làm ra vẻ cứng cỏi: “Mình gặp nhau không nhiều. Để hiểu nhau, biết nhau mấy đâu mà phải
buồn, đúng không?”. Nói vậy, mà trong lòng nó chỉ muốn khóc.
Nó nằm bên cạnh chị Thảo, không biết chính xác mình đang nghĩ gì. Vì những ý nghĩ cứ chồng chéo lên nhau. Có lẽ nó nghĩ tới lần đầu nó biết anh. Lúc đó, anh xách chiếc va li đứng tần ngần trước cửa nhà, còn nó, thật buồn cười, ngất nghểu trong đôi giày cao gót của mẹ, trố mắt nhìn và bất giác toét miệng cười khi bắt gặp nụ cười của anh. Có lẽ nó nghĩ tới những buổi chiều anh và nó dạo chơi trong khu vườn - thế giới riêng của nó. Cái thế giới lặng em với những đàn kiến nối đuôi nhau trên cây bạch đàn, với những bụi hồng đầy gai… Và đưa tay lên lau mắt. Nó chẳng có thể nói gì với anh. Mẹ nó đã nói: Con gái là…
Đêm giao thừa. Nó đem những viên pháo viên tử năm ngoái, năm kia ra đốt thử. Thành phố dày đặc khói pháo như sương. Nó nhìn trời xao xuyến. Trên đó, những ngôi sao đã biến mất, nó chỉ thấy một màu tối đen như tâm khăn choàng của mẹ nó thường quàng. Người ta nói rằng, vào đêm giao thừa, nếu ước ba điều thì ít nhất sẽ thực hiện được một.
Nó lại nhìn lên trời, cố tìm kiếm một ngôi sao. Nó không phải là một cô gái thích mơ mông. Nhưng đêm nay, nó bỗng có một ước mong duy nhất. Nếu trên đời này có bà tiên như trong cổ tích thì…
Nó ước gì nó là con trai. Để có thể tự nhiên nói lên điều nó muốn nói mà không sợ mẹ rầy la: “Con gái là…