Ông lão sửa xe
Lương Hoài Nam
Chiều Sài Gòn, dòng người xuôi ngược những con đường ngày một đông đúc hơn. Dường như ở Sài Gòn không khí về đêm luôn nhộn nhịp hơn những khi khác. Ông Nam, một thợ sửa xe đã già, cố và một vài đũa gấp gáp cho xong buổi cơm chiều như thường lệ. Ông sửa xe ngang trường Lê Hồng Phong đã được hơn hai mươi lăm năm rồi. Lúc còn trẻ thì ông sửa xe gắn máy, nhưng nay già ông chuyển qua sửa xe đạp cho học sinh. Với người như ông Nam, mọi thăng trằm trong đời ông đều đã trải qua.
Sau ngày ba mươi tháng tư, cuộc sống của ông đã nghèo khổ thì giờ lại khổ cực thêm hơn. Thời đó, chính quyền đánh tư sản để lấy hết vàng của dân. Bất kể ai, một ông chủ hay một thằng hầu, miễn có vàng là phải giao nộp. Thêm vào đó là hai cuộc đổi tiền càng làm cho kinh tế miền Nam thêm khủng hoảng. Hai triệu đồng đổi được khoảng hai trăm đồng. Nhiều nơi, chính quyền còn ép giá dân để tham nhũng. Phút chốc, khoảng cách giàu nghèo được thu hẹp lại một cách tối đa. Chẳng còn ai giàu cả ngoài những người làm cho nhà nước lúc bấy giờ. Những người mà ông Nam biết nếu còn chút vàng thì tìm mọi cách vượt biên để tìm một cuộc sống bông bằng hơn, một cuộc sống cho con người ta cơ hội đổi đời.
Còn riêng ông Nam, lúc trước đã nghèo, giờ giải phóng rồi thì cũng có khá hơn đâu. Ông bắt đầu học nghề sửa xe để kiếm cơm dằn bụng mỗi ngày. Thời ấy thứ gì cũng phải đợi phân phát từ trên xuống. Lúa gạo làm ra mà không được ăn, phải nộp cho hợp tác xã để rồi đợi họ phát lại cho. Một mùa làm được năm chục vạ thì cuối mùa được dữ lắm một hai vạ mà ăn. Cuộc sống không biết bao nhiêu là khổ cực.
Ông Nam sống một mình trong một căn phòng trọ nhỏ mà ông đã mướn ở hơn gần hai mươi năm rồi. Ông không còn người thân lẫn họ hàng vì họ đã chết hết khi chiến tranh hoặc lưu lạc mất rồi. Lúc còn trai trẻ, ông có quen một người con gái nhưng duyên nợ không thành vì gia đình cô gái chê ông nghèo quá, không lo nổi cho con gái họ. Từ đó ông quyết định không theo đuổi ai nữa cả vì “thân mình mình còn lo chưa xong nữa thì làm sao lo được cho người khác.”
- Xin lỗi, ông vá lại bánh sau cho cháu được không ạ?
Đang suy nghĩ, ông Nam giật mình ngước lên. Đó là một cô nữ sinh nhễ nhãy mồ hôi bởi cái nóng bất tận của Sài Gòn.
- Ừ được, cháu đợi chút.
Ông Nam bắt đầu làm. Đôi tay nhăn nheo dày cứng của ông tuy chậm chạp nhưng rất chính xác. Ông làm công việc này như thể nó là bản năng của ông vậy. Mười lăm phút, vậy là xong.
- Bao nhiêu tiền ạ?
- Ba ngàn.
Cô nữ sinh lấy tiền trả cho ông, cám ơn rồi dắt xe đi.
Đối với ông Nam, ông không bao giờ nghĩ rằng công việc của mình là thấp hèn. Ông luôn cho rằng công việc của ông quan trọng không kém gì công việc của những kỹ sư, bác sỹ. Cuộc sống sẽ ra sao nếu không có những người như ông?
Thời gian trôi qua, giờ đã là chín giờ tối. Ông Nam tính gom đồ lại rồi về nhà nhưng ông cũng muốn nấng ná lại một chút coi có kiếm thêm được vài ngìn nữa không? “Khốn nạn thật!” Ông suy nghĩ trong đầu. Cuộc sống bao năm vẫn vất vả như thường. Tiền kiếm được cũng chỉ vừa đủ ăn, còn dư bao nhiêu thì cũng đi mất theo mấy cơn bệnh cứ vài tháng lại kéo đến một lần. Ông tự hỏi dân đen sống khổ cực như vầy mà tụi quan liêu chẳng thấy sao? “Mình ngồi mót vài ngàn, còn tụi nó mót tiền dân lên tới triệu đô?” Giờ đây ông mới thắc mắc không biết sao tụi nó đếm nổi số tiền mà chúng tham nhũng nữa. Cả đời ông, tờ một đô ông còn không biết mặt mũi ra sao nữa chứ nói chi là tới triệu đô.
Cái nóng oi bức ở Sài Gòn giờ không còn nữa. Thay vào đó, cái lạnh nhẹ nhàng nhưng cũng đủ cho ông Nam phải mặc thêm một chiếc áo khoác lên chiếc áo xanh jean đã rách hai lỗ trên hai vai ông. Cuộc sống Sài Gòn theo ông Nam không giờ ngủ. Vòng tuần hoàn bắt đầu khi những người quét rác lạo xạo, những tiểu thương trong chợ bắt đầu chuẩn bị cho buổi chợ sớm hay những người đi tập thể dục trong các công viên xuất hiện. Và vòng tuần hoàn ấy kết thúc khi những vũ trường đã đóng cửa khiến những cô chiêu cậu ấm chạy rầm rú ngoài đường đi tìm những cơn thác loạn khác.
- Này ông già, vá giùm tui bánh trước rồi bơm luôn bánh sau. Đụ mẹ, bữa nay xui quá!
Ông Nam nhìn lên thấy một cậu thanh niên khoảng chừng hai mươi tuổi. Nhìn thoáng qua ông biết đó là con nhà giàu. Tóc tai nhuộm vàng nhuộm đỏ, mình đeo đầy trang sức trong khi miệng luôn phì phèo điếu thuốc.
- Cậu chờ chút.
- Lẹ lẹ giùm ông già ơi, tụi nó đi hết mẹ rồi!
Ông Nam bắt đầu làm việc. Tay ông cố làm cho nhanh nhưng trong bụng ông không muốn vậy. Ông ghét nhất tụi ăn chơi này. Ông cho rằng chúng là loại quên cội quên nguồn. Người Việt thì phải tóc đen mũi tẹt. Không đâu, chúng nhuộm tóc vàng lên, đi nâng mũi lên để mong thành Tây. Nhưng chúng quên là dù bề ngoài chúng là Tây nhưng trong óc chúng vẫn là người Việt. Chúng quên câu “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” rồi. Mà tụi này chắc gì đã đi học đâu mà biết. Học chi? Bây giờ không học cũng có tiền mà.
Ông Nam làm xong. Cậu thanh niên đó trả tiền rồi rồ máy phóng đi để lại sau lưng làn khói trắng. Ông Nam bắt đầu gom đồ lại, chất gọn ghẽ trong thùng rồi để lên chiếc xe đạp. Ông đạp xe về ngang qua những chiếc xe mì gõ thơm phức. Lòng cồn cào nhưng ông không có quen ăn đêm. Đường vào nhà trọ ông không xa nhưng ngoằn nghèo khó tìm. Tuy là người suốt ngày phải chịu bụi bậm ngoài đường nhưng trong phòng ông mọi thứ đều rất ngăn nắp và sạch sẽ. Ông không nhớ ông có thói quen gọn gàng từ bao giờ. Có lẽ khi càng về già ông muốn mọi thứ trở nên giản dị hơn. Tắm xong, ông Nam lấy chiếc radio đã cũ ra nghe. Khi nghe ông có khi nhìn vào một khoảng không nào đó và bắt đầu suy nghĩ. Ông cảm thấy cuộc đời ông cô đơn quá. Suốt ngày ông chả nói chuyện với ai cả ngoài những câu giao tiếp thông thường với khách. Ông nghĩ có lẽ cuộc đời của ông chỉ làm bạn với cô đơn mà thôi.
Tắt radio, ông Nam vào giăng mùng ngủ. Giấc ngủ đến với ông dễ dàng bởi sự mệt mỏi trong cả ngày làm việc. Mắt ông lim dim chìm vào giấc ngủ trước khi nhận ra hôm nay là ngày sinh nhật lần thứ bảy mươi ba của mình.
HẾT