Tiếng An Dân
Thái Đào
1. Khâm sai đại thần của nhà Chúa chỉ là một lão ăn mày da bọc lấy xương… Nguồn tin này lan truyền trong nhân gian làm bọn quan binh nha lại thuộc Trấn Hạ Biều toát cả mồ hôi. Giữa trưa, tại chợ Phù Vân, trong quán rượu nhỏ, xã trưởng của xã Bái Trời, sụp lạy một lão ăn mày gầy nhom, nhếch nhác, mời lên chiếu trên để tỏ lòng tôn kính. Lão ăn mày đã chẳng nhận lời, còn nhổ vào mặt xã trưởng rồi bỏ đi. Xã trưởng cuống quýt chạy theo. Sự kiện này xảy ra dưới sự chứng kiến của cả bàn dân thiên hạ vùng chợ Phù Vân. Thế là lời đồn thổi lan truyền. Với lại, đích thân xã trưởng đã nói với quan viên hàng xã của mình: Ngài đại học sỹ đang mang trọng trách của nhà Chúa, thay hình đổi dạng tuần tra vào dân gian… vì rằng năm xưa khi được may mắn ra chốn kinh kỳ, xã trưởng có họ hàng với quan Quận, có vinh dự hầu trà, điếu đóm cho ngài, nên trong một lần quan Quận và quan Học sĩ đàm đạo, xã trưởng đã được chứng kiến dung nhan của quan Học sĩ…
Xã trưởng cam đoan mình không nhìn lầm. Nhưng có lẽ, không muốn để lộ hành tung của mình, nên ngài Học sỹ giả ngây, giả dại, mắng chửi và nhổ nước bọt vào xã trưởng.
Nỗi lo của xã trưởng sau đó là bãi nước bọt nhổ vào mặt mình trong buổi trưa giữa chợ, có phải điều đó báo hiệu một tai ương cho tiến đô sự nghiệp của mình không. Xã trưởng vẫn cứ băn khoăn. Hình như ngài đại thần, khâm sai tức giận lắm, khinh rẻ lắm mới có hành vi như vậy.
Xã trưởng ngay chiều hôm đó đã đích thân tìm đến huyện đường của huyện quan sở tại. Huyện quan giật mình, cụm đầu cùng xã trưởng thì thầm to nhỏ. Một mặt huyện quan cho người theo dõi hành tung của lão ăn mày. Một mặt, ngài cấp báo lên cho quan anh Trấn thủ trấn Hạ Biều.
Thế là chưa đầy ba hôm, mọi hành vi của lão ăn mày giữa chợ Phù Vân trưa nào đã được liên tục mật báo về…
Quan Trấn trấn Hạ Biều cau mày. Quan huyện Phù Vân cau mày. Và xã trưởng xã Bái Trời thấp thỏm lo âu.
2. Bên triền dốc đổ xuống khe vực Bái Trời, ông lão ăn mày đã chận đứng được tên trùm đạo tặc. Bằng những đường đao kinh hồn bạt vía, ông lão ăn mày đã đánh hắn luống cuống cả tay chân.
Nửa chiều, nắng còn hắt đỏ cả ngọn đồi, trải màu thẫm tím xuống khe vực Bái Trời… Tên trùm đạo tặc của trấn Hạ Biều toát cả mồ hôi. Hắn nhảy ra ngoài vòng chiến, chém loạn mấy đao, ngửa mặt cười khì khì:
- Lão huynh có những đường đao hay tuyệt! Không ngờ trong xó rừng góc nú này mà có được một đao pháp như lão huynh. Tiểu đệ bái phục, bái phục.
Ông lão ăn mày nghiêm mặt:
- Bỏ đao xuống… để tao trói cho mau.
Gã đạo tặc lắc đầu, thay đổi cách xưng hô:
- Sao lại trói tay nhau. Dẫu quan ông thay hình đổi dạng, tuần tra vào nhân gian, điều tra lẽ phải… thì tá mỗ này cũng không phải kẻ đáng bị trói tay. Phương chi, nể danh giá của quan ông, tá mỗ chịu lùi mấy bước gọi là tôn kính, cả đời cầm đao làm đạo tặc, tá mỗ có một lời nguyền: Tuyệt kỹ đao pháp của tá mỗ chỉ được dùng với bọn tham quan ô lại. Đao pháp của tá mỗ một khi đã được sử dụng thì phải tắm máu đối phương. Quan ông với tá mỗ, không thù không oán, đừng ép nhau vào chỗ chẳng đặng đừng.
Đến lượt lão ăn mày cười to:
- Ta là khâm sai đại thần của nhà Chúa, thi hành nhiệm vụ an dân. Còn mi là đạo tặc trộm cướp. Bắt mi là phép nước… còn nói lời chống chế mà được ư?
Đường đao của tên trùm ăn trộm bây giờ đã hết phần cung kính, nhường nhịn. Nó hiểm hóc và vô cùng lợi hại. Quan ngài khâm sai bây giờ mới thấy rõ cái uy lực của hắn. Ngài than thầm trong bụng, một tài năng như vầy mà đi vào đường trộm cướp, thật quá uổng, quá uổng.
Cuộc tranh tài quyết liệt kéo dài cho tới khi mặt trời lặn. Bỗng ối một tiếng quan khâm sai bay vụt đao ra khỏi tầm tay. Và, lưỡi đao của tên đạo tặc đã kề vào cổ ngài. Nhưng hắn không hạ thủ… Hắn xốc lại quần áo, cài đao vào lưng.
- Quan ngài nhặt đao lên và đi đi… Hãy tâu lại với Chúa Trịnh Sâm, nước loạn không phải từ dân đen tay trắng mà loạn từ sự thối nát chính sự của nhà Chúa, nhà quan…
Quan khâm sai sau phút sững sờ, đã kịp thời trấn tỉnh. Với tài kinh luân, thao lược, xoay đổi tình thế như những cuộc cờ, ngài xuống giọng:
- Cám ơn lòng tốt của tráng sĩ. Ta muốn cùng tráng sĩ đàm đạo đôi điều.
Bây giờ vua trộm trợn mắt ngạc nhiên. Dẫu đã biết tiếng tăm của quan Học sĩ: Phong lưu, trí tuệ, nhân ái, kinh luân… nhưng lòng gã từ lâu đã xem thường bọn quan trường, nên hành vi nhã nhặn của quan khâm sai lúc này làm gã bất ngờ.
- Ngài mời tôi đàm đạo…
- Vâng, với tư cách của tráng sĩ ta biết không phải hạng tầm thường. Ta mang sứ mệnh an dân, đi điều tra lẽ phải cho trăm họ được nhờ. Không đàm đạo với tráng sĩ cho thấu tình đạt lý là một thiếu sót.
Gã vua trộm cười ha hả:
- Lần đầu tiên trong đời, tôi được nghe một mệnh quan triều đình nói với mình như vậy. Ôi, quả là vạn hạnh, vạn hạnh.
3. Bằng một cú đánh tuyệt chiêu giữa cuộc rượu đang vui, quan khâm sai đã hạ gục vua trộm. Cú đánh bất ngờ quá, gã vua trộm trợn trừng mắt ngạc nhiên. BỊ trói tay trong lòng gã không khỏi tức tối, cái ngu của gã là quá tin người, đã đem hết ruột gan bộc bạch với quan khâm sai cũng có dòng máu của tầng lớp bề trên. Điều gã nói ra dẫu là sự thực, vẫn xúc phạm đến ngài. Ngài đã đắng cay ngồi nghe, đắng cay nhếch mép cười, đắng cay vỗ an gã. Nhưng ngài không bao giờ là kẻ đồng sàng, đồng mộng với gã. Trăm bồ sách thánh hiền ngài đã học được để làm quan, làm tướng, làm mệnh phụ của dân… Đánh đồng ngài khâm sai với gã, quả là một sai lầm nghiêm trọng. Cái sai lầm này chắc là đưa gã đến chỗ rụng đầu, mất mạng.
Gã vua trộm, chúa của ngành đạo tặc phẫn uất trợn mắt nhìn…
Từ khi Chúa Trịnh Sâm nhiếp chính, nắm quyền hành nửa nước ở phương Bắc, tâm nguyện của Chúa là thống nhất sơn hà, thu về một cõi. Việc của Chúa là an dân cõi Bắc, nuôi dưỡng tiềm lực quân sự thật mạnh và chuẩn bị cho một cuộc chinh phạt về phương Nam.
Quan Học sĩ là một công thần uyên thâm, bác học, văn võ toàn tài… được Chúa đặt trọng trách vào Viện cơ mật, từng theo Chúa tiễu trừ loạn đảng, dẹp yên bờ cõi phương Bắc.
Quan Học sĩ cùng nhà Chúa đã khảo sát bốn phương, hoạch định nhiều sách lược làm dân giàu nước mạnh, quân đội hùng cường. Chúa Trịnh Sâm và quan ngài Học sĩ đã đề ra kế sách an dân cho trấn Hạ Biều.
Sau những lần tuần du khảo sát, quan đại Học sĩ đã tấu trình với Chúa Trịnh Sâm xin mở quốc khố, xây dựng một công trình đại thuỷ nông, chống lũ chống hạn, dẫn nước vào ruộng đồng để cư dân toàn trấn có thể gieo tròng cấy hái được mà sinh sống. Có như thế mới an được dân, mạnh được quân, giàu được nước.
Sau bao lần tâu trình nhà Chúa mới chuẩn y.
Công việc tiến hành rất tốt đẹp. Thế nhưng đã gần ba năm mà hồ chứa, kênh mương vẫn không hoàn thành. Giặc giã, đạo tặc, trộm cướp nổi lên.
Gần đây lại nghe cấp báo: Lòng dân ở trấn Hạ Biều đã li tán. Một bọn đạo tặc, trộm của nhà quan, nhà quyền quý giàu sang đem phân phát cho dân đầu đen đói khổ nên bọn này rất được lòng dân. Không dẹp sớm bọn này e trở thành một mối nguy lớn.
Tinh Đô vương Trịnh Sâm bèn sai chính quan ngài đại Học sĩ nhận mệnh khâm sai đại thần, đi về khảo tra tình hình, tìm đối sách sửa trị…
Cầm kiếm lệnh nhà Chúa ban cho mà quan khâm sai tâm cơ không lấy gì làm yên ổn. Ngài rất băn khoăn và lo âu.
Hơn ba tháng lầm lũi trong các làng xã, quan Học sĩ đã biết được nhiều điều. Chính trong thời gian này, ngài đã thu thập đầy đủ về hành trang và con người của vua ăn trộm.
Hắn tên là Hoàng Bang Tá, xuất thân là một học trò tay trắng. Tưởng học hành đỗ đạt làm quan, nhưng đi thì không tiền đút lót bọn quan trường, hắn năm làn bị đánh hỏng. Giận đời, hắn nói năng khiếm nhã, bị một xã trưởng có hiềm khích xưa, ghép vào tội phản loạn. Hắn bị bắt, giải vào giam ở nhà lao huyện Phù Vân. Trong nhà lao huyện Phù Vân này, hắn gặp được những tên cùng khổ, giận đời tức trí cùng nhau mưu mô vượt ngục. Thế là bọn chúng đã lập nên một băng đản đi cướp của nhà giàu và của quan lại để chia cho người nghèo. Võ nghệ và đao pháp hắn cũng học trong thời gian này của một lão tù có nghề võ gia truyền.
Đêm qua thức trắng để chén tạc chén thù với tên vua ăn trộm, ngài thấy được cái cốt cách tài hoa và kẻ sĩ của hắn.
Quan Học sĩ đã thở dài. Những gì ngài nghe thấy đều trùng lặp với những gì mà tên đạo tặc này tố giác. Một vạn dân binh lực lưỡng thường trực trên công trường đại thuỷ nông như được phó thác: Sừng tê, đào đá quý, trầm hương về làm lợi cho các quan ngài. Quai đê lệnh phải xây bằng đá, vì hết nhân lực ăn bớt ngân sách, các quan ngài cho đổ bằng đất. Lương thực, thực phẩm lệnh cho ăn no để làm tốt, chúng chặn phần hơn một nửa, dân binh đói khát không còn sức mà làm… Làm không đạt, lũ đất mương phải lở, máng phải dập. Thế là bọn quan ngài lại đổ cho ông trời hại và hí hửng núp sau lưng ông trời hại để ăn theo lợi lộc, ngốn hết ngân lương quốc khố.
Thế nhưng không một ai điều tra, truy cứu đúng sự thực. Thậm chí quan giám sát, ngài cũng đã phớt lờ. Ngài… phần cũng có lợi lộc, phần cũng sợ mình thế yếu, không chống nổi những thế lực bao che. Quan giám sát đã làm sai vì lẽ đó.
Bất giác khâm sai Học sĩ rùng mình. Kể từ khi Tuyên phi Đặng Thị Huệ vào cung và được Chúa Trịnh Sâm sủng ái, cơ sự đã dần dần tồi tệ… Trấn Hạ Biều bắt tay vào công cuộc đại thuỷ nông thì một tên quan vô liêm vô sỉ cùng bè của Đặng tuyên phi cũng chễm chệ áo mão cân đai về trấn nhậm trấn Hạ Biều. Đã hết đâu, chưa tròn một năm, tên quan này đã thay toàn bộ từ huyện đến xã trưởng, lý trưởng là người của hắn. Một tiếng hắn: Nhất hô, trăm tiếng tay chân hắn: Vạn ủng. Ý của quan anh là mệnh lệnh của nhà trời.
Quan khâm sai thấy chua xót vô cùng. Kế sách thuỷ lợi của nhà Chúa đã biến thành thuỷ hại. An dân thành nguy dân. Lòng dân trấn Hạ Biều đã ly tán. Họ chưa nổi dậy nhưng một lòng tôn kính và ngưỡng mộ hững phường trộm đạo đã thường xuyên giúp đỡ họ. Chính Hoàng Bang Tá, trùm của bang nhóm trộm đạo này, đã mỉa mai nói với ngài:
- Tôi đang thực thi đạo trời, phân phối lại của cải trần gian cho hợp lẽ công bằng xã hội. Người quá giàu sang nhờ bóc lột, kẻ quá đói nghèo vì bị bóc lột. Sự bất công này là không hợp với chính đạo. Kẻ đọc sách như ngài và tôi không thể nhắm mắt làm ngơ.
Ngài khâm sai đã cay đắng ngồi nghe tên trùm đạo tặc nói - cay đắng gật đầu tán thưởng những điều hắn giãi bày. Hắn biết rằng, chống lại phép nước, đi làm trộm đạo là cái mạng coi như đứt rồi. Nhưng sĩ khí và nỗi đau của kẻ đọc sách, nhìn điều oan trái phải ra tay. Nay quan Học sĩ tâm đắc cùng hắn, đàm đạo cùng hắn. Ruột gan hắn thế nào, hắn bộc bạch thế ấy. Hắn ghét cay, ghét đắng bọn tham quan, ô lại sâu mọt, đục khoét của nước của dân.
Trong giờ khắc đàm đạo này, quan khâm sai chợt phát hiện ra, hắn là phần tử cực kỳ nguy hiểm. Nếu hắn có mưu đồ làm phản. Sơn hà này sẽ thêm rối ren nhiều đỗi, và nạn can qua máu chảy đầu rơi sẽ không sao thoát khỏi.
Chính trong khoảnh khắc này, quan ngài đã không ngần ngại vung tay, đánh một đòn tuyệt độc để bắt trói hắn lại. Hoặc thu phục được hắn, hoặc phải giết chết hắn.
Quan ngài đang thực thi sứ mạng khâm sai đại thần, đang phải cố sức để cứu nguy xã tắc…
4. Quan khâm sai có tài kinh luân thì Chúa Trịnh Sâm là người cơ trí. Chúa vuốt râu, ngả người trong trướng nghe khâm sai tấu trình sự việc. Chúa chuẩn bị hai điều. Thứ nhất, thay quan trấn thủ Hạ Biều, truy cứu tội làm hư việc nước, tịch biên gia sản.. cùng những quan lại có liên quan. Thứ hai, để tỏ lòng độ lượng và yêu mến nhân tài của nhà Chúa, nay tha tội chết cho vua trộm Hoàng Bang Tá - cho ra làm quan giám sát ở trấn Hạ Biều, được phép cầm kiếm lệnh của nhà Chúa chém rụng đầu những ai phá kỷ cương không tuân thủ điều lệ xây dựng và bảo vệ nguồn nước ở hồ chứa xã Bái Trời - Toàn bộ kênh mương dẫn nước, phân nước, tiêu nước và rừng bảo hộ quanh vùng thượng nguồn ba trăm dặm, đặt trong tay giám sát, cai quản, bảo vệ của quan giám sát Hoàng Bang Tá. Lệnh cho quan giám sát trong vòng hai năm phải đôn đốc, giám sát để công trình thuỷ nông được hoàn thành.
Thế là tên vua trộm đạo tưởng bị rụng đầu, lại được thăng quan. Hắn chỉnh trang lại tư thế, người ngựa oai phong, đĩnh đạc lên đường, nhắm hướng trấn Hạ Biều mà tiến.
Vua trộm đi rồi, Chúa Trịnh Sâm thưởng công cho quan Học sĩ ba chung rượu. Ngài nheo mắt cười:
- Ta biết chủ ý của quan Học sĩ rồi.
Người thu phục nhân tài Hoàng Bang Tá trước là vì ta, sau là giới hạn vây cánh của Đặng Tuyên Phi.
Quan Học sĩ toát cả mồ hôi, chưa kịp tâu điều gì, Chúa đã thở dài:
- Như vậy, cũng tốt… Ta chuẩn y như vậy cũng không tồi.
Đó là thời gian… Quyền lực của nhà Chúa đã hình thành hai phái đối chọi và tranh đoạt nhau. Phái của Trịnh Tông, con dòng trưởng. Phái của mẹ con Tuyên phi Đặng Thị Huệ và Trịnh Cán.
Phái của Tuyên phi họ Đặng ngày càng mạnh dần lên vì Chúa Trịnh Sâm đang sủng ái Tuyên Phi.
Cơ cảnh vương quyền nhà Chúa lúc này muôn phần rối loạn. Chúa Trịnh Sâm càng có tuổi càng đắm say Đặng Tuyên Phi. Vườn thượng uyển và nhiều cung phủ được xây dựng cầu kỳ. Tráng khí năm xưa của ngài đã tiêu hao và cạn kiệt vì tửu sắc.
Chúa lại đau khổ vì mẹ con Đặng Thị Huệ van cầu Chúa cái ghế thế tử, trong khi dòng trưởng đã có Trịnh Tông, lý ra phải được lập từ lâu. Chúa gian nan vì cái ngai vàng phủ Chúa chỉ có một. Chúa yêu Tuyên phi nhưng khó lòng lập Trịnh Cán… Thế lực hai phái diễn ra khốc liệt trước mặt Chúa nên Chúa bị ám thị. Chúa thường dò xét cái đại thần là phe nào. Làm như vậy có hại cho Tuyên phi không? Chúa cơ trí nhưng đã đến hồi quẫn bách, Chúa mưu lược nhưng đã đến hồi loá mắt… Quan Học sĩ thay đổi người của Đặng Tuyên Phi làm Chúa ghét. Nhưng việc nước đã tới hồi tan hoang nên Chúa phải chuẩn theo. Chúa đang mâu thuẫn với mình…. Rối rắm từ thân Chúa mà ra. Ba năm sau Chúa loại bỏ quan Học sĩ và từ đây Phủ Chúa được điều hành bởi một người đàn bà có nhan sắc nhưng vô học và tham lam. Chính sự bắt đầu nát bét.
5. Vài năm trước, Hoàng Đình Bảo chỉ là một tên quan trấn thủ nơi miền phên dậu, nhờ gian manh thủ đoạn, hắn chạy chọt được về kinh thành. Biết Trịnh Tông đang ngấp nghé chiếc ghế Thế tử, hắn quỳ gối xin theo phò. Nhìn bản mặt vô sỉ của hắn, Trịnh Tông chán ghét đuổi đi. Thế là hắn chạy theo phe của Tuyên phi Đặng Thị Huệ, lập tức những cơ mưu xảo trá của hắn được tin dùng, tước Huy Quận Công lọt vào tay hắn.
Chúa Trịnh Sâm thay quan Trấn thủ Hạ Biều, Huy Quận Công đạo diễn Đặng Thị Huệ mè nheo cũng Chúa để chỉ định người của mình. Chúa không dám tái ý Tuyên phi. Như vậy, một tham qua vừa rời khỏi ghế, lập tức một tên vô lại ngồi vào. Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm cũng biết thế. Sợ tái diễn cảnh cũ, Chúa bèn cho tên đạo tặc vừa mới thu phục được về làm quan giám sát để chế ngự quyền lực của Đặng Tuyên Phi. Chúa cũng chơi bài sấp ngửa hai mặt, cũng lắt léo với chính mình… Nên khi Hoàng Bang Tá trở lại trấn Hạ Biều, thì cuộc cờ ở đây như một bát quái trận đồ chỉ có cửa tử, không có cửa sinh.
Nhưng Hoàng Bang Tá là con người vũ dũng, đã từng cửa tử phá nát mê cung mà tồn sinh, hiện hữu… Nên khi cầm kiếm lệnh Chúa ban, sứ mệnh an dân đốc thúc, quan giám sát bừng bừng khí thế, quyết chí đến cùng.
Một sáng mùa đông, mây mù ảm đạm, nhìn cơ cảnh của đám dân binh đang thi công trên công trường, ngài rút kiếm chém rụng đầu quan điều khiển đê. Những mệnh lệnh chém đầu được ban truyền. Kẻ nào sử dụng dân binh của công trường vào việc riêng tư trái phép: chém. Kẻ nào phụ trách việc ăn mặc của dân binh mà cấp phát không đủ, để dân binh đói rét: Chém. Kẻ nào khai thác gỗ ở rừng bảo hộ, làm rừng cạn kiệt: Chém. Kẻ nào săn bắt, đốt cháy, đào bới để tìm đá quý, lâm sản quý, phá vỡ môi trường tự nhiên, làm sụp lở đất rừng bảo hộ: Chém. Kẻ nào không làm tròn trọng trách giao phó để công trưòng không thi công kịp thời hạn: Chém. Kẻ nào dùng công quỹ xây dựng đê để ăn xài: Chém…
Quan đương nhiệm Trấn thủ Hạ Biều xám mặt. Nhưng hắn từng là người mưu lược, thâm độc. Hắn biết thời cơ chưa tới, phải nghiến răng nuốt giận để chờ. Lùi một bước, để tiến mười bước. Đó là sách lược của Huy Quận Công dạy hắn.
Những lệnh chém đầu lập tức có hiệu quả. Cỗ máy trơ lì ì ạch đã vận hành tốt. Chỉ hơn một năm công trình đã hoàn tất. Nước đã chảy về các đồng ruộng và việc gieo trồng cấy hái đã bắt đầu đem lại miếng ăn. Gã chủ quán chợ huyện Phù Vân đã đổ đầy ba chum rượu để đãi khách. Bất luận khách là trẻ già trai gái, là lão nông hay quan gia bước vào quán gã, gã đều mời liền ba bát không lấy tiền… gọi là mừng thắng lợi.
Trong dịp này, quan giám sát Hoàng Bang Tá cũng bỏ tiền túi của mình, sắm một bữa tiệc linh đình, mời những bạn bè xưa về nâng chén. Nhưng buồn thay, khi rượu thịt đã dọn đầy, chỉ một mình người bạn cố tri là gã chủ quán, ngồi đối ẩm với ngài. Những bạn bè xưa không ai đến. Họ là phường lục lâm trộm đạo; ngài là quan nha của triều đình; luật đời đã phân ranh hai cõi; trộm đạo và quan gia không thể nào ngồi chung chiếu. Nỗi buồn đã làm the thắt cả tâm hồn của quan giám sát. Bây giờ ngài mới chợt hiểu ra… Và bây giờ ngài mới thấy mình chơ vơ cô độc.
Buồn hơn nữa… Khi con nước chảy về, ruộng vườn đâm hoa kết trái. Bá tánh của hai mươi xã, năm chục làng dọc theo các kinh mương đã biết giá trị của dòng nước là vàng bạc. Họ ra sức khai thác, ra sức trộm cắp con nước vào ruộng nương làng xã của mình. Thế là xảy ra tranh giành. Làng này đang đêm tháo trộm nước vào ruộng mình, làng kia thiếu nước gây gổ, sinh sự… lại đánh nhau. Người này đánh người kia, làng xã nay đánh nhau với làng xã kia. Cục diện lại bắt đầu bát nháo. Trấn Hạ Biều chưa kịp người ăn no đã sinh loạn.
Quan giám sát trấn Hạ Biều, chỉ sau ba năm nhậm chức, tóc ngài đã bạc trắng. Ngài sinh ra thường xuyên uống rượu để giải buồn. Có khi ngài uống tàn đêm và tuần tra tàn đêm.
Một lần nữa quan giám sát lại ban truyền pháp lệnh. Lệnh đánh trăm roi những ai đào mương trộm nước. Làng nào, xã nào trộm nước mà không bắt được người, lý trưởng, xã trưởng phải bị thay. Lệnh rất nghiêm nhưng bọn trộm nước ở kênh mương vào ruộng vườn cũng rất nhiều. Ngài ngao ngán lắc đầu… Đêm cũng như ngày, ngài ráo riết tuần tra khắp mọi nẻo. Đội thuộc hạ của ngài chia ra các toán làm việc cũng ứ hơi!
Làm việc cật lực ngài mới bảo vệ được con nước thông lưu, moi ruộng vườn đều có nước, chấm dứt được những trận ẩu đả tranh giành đổ máu. Nhưng từ đó… Ngài lại mang mối oán hờn với bọn lý trưởng, xã trưởng, cộng chugn vào với oán hờn của bọn quan lại địa phương.
Chính tên quan huyện Phù Vân trong một lần say rượu, hắn đã uất ức gào lên với quan trấn thủ.
- Làm quân để ăn bổng lộc nhà trời, ở trấn Hạ Biều này có khỉ gì để ăn. Trầm hương, gỗ quý, đá quý, lâm sản quý, hắn cấm tiệt. Có ai dám khai thác, dám bán buôn… thì lấy cái bã gì để cống nạp cho ta, để ta cống nạp cho ông; để ông còn cống nạp lên trên. Ông không triệt được hắn, thì chúng ta cởi áo mà về, đừng quan nha gì nữa!
Trấn thủ Hạ Biều là cháu của huyện quan - chính huyện quan được trấn thủ cưu mang và đặt để lên ghế này - Nên danh phận thì to hơn nhưng đôi khi quan trấn thủ cùng lắng nghe ý kiến của chú…
Lần này quan trấn thủ cười nham hiểm:
- Thời cơ đã đến rồi. Quận Huy đã bảo tôi tìm cách thịt hắn. Trên sẽ không truy cứu. Ông chú tìm cách đi…
6. Đòn hạ mã là kế đắc sách của bọn chúng…
Mười năm sau, chủ quán rượu đã kể lại với quan ông tóc ông bạc phơ. Lưng ông còng xuống. Ông xúc động nén tiếng khóc vào lòng, nhưng mắt ông vẫn đẫm lệ. Ông bây giờ không còn là mệnh quan của triều đình. Cuộc thế nhiễu nhương, từ khi chúa Trịnh Sâm loại bỏ ông, tin dùng Huy Quận Công vào việc triều chính, ông quay về ở ẩn mà lòng nóng như lửa đốt.
Cái tin quan giám sát trấn Hạ Biều bị tử vong đến với ông, khi ông đã bị an trí ở một trần miền phiên dậu. Lòng ông quặn lên, ông ngửa mặt kêu trời… ông đã đau như trái tim của ông đang bị băm vằm vậy.
Chính ông đã hại Hoàng Bang Tá! Năm xưa ông đừng ép buộc hắn. Cứ để hắn làm vua ăn trộm thì thoải mái cho hắn biết bao. Ông không ngờ thế cờ không lật được mà ông lại mất đi một người tri kỷ, hại một kẻ tri âm… Tiến cử hắn, ông chỉ mong cục diện ở trấn Hạ Biều tốt đẹp hơn, bá tánh có hạnh phúc hơn. Ông biết hắn… uy vũ không khuất phục được, tiền bạc không mua chuộc được. Chỉ có hắn về trấn Hạ Biều mới đối đầu được với bè lũ của Đặng Tuyên Phi, làm nên công trạng. Nhưng sức người có hạn. Trời đã chẳng thương ông vì Chúa, đã ăn phải bả của Đặng Tuyên Phi. Nước mắt ông chảy ròng. Kế an dân đã không thành được. Ông đau như thịt da ông bị tùng xẻo vậy.
Trưa hôm ấy, giữa kinh thành li loạn, tiếp sau Tuyên phi Đặng Thị Huệ cùng Trịnh Cán, Huy Quận Công bị kiêu binh quân Tam Phủ giết chết, băm vằm; Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm tiếm quyền… biến cố dồn dập, kinh thành tan tác. Ông từ một trấn miền phên dậu trở về mong tìm kiếm người thân.
Tình cờ, ông gặp gã chủ quán rượu ngày xưa. Hai người đã hàn huyên trọn cả buổi chiều…
Gã chủ quán mắt đẫm lệ đã kể lại rằng:
… Đó là một đêm tối trời mùa hạ. Bọn gian manh đã xúi giục những tên xã trưởng, lý trưởng bất mãn… Chúng đã dàn cảnh đào mương trộm nước. Quan giám sát tuần tra bắt gặp, chúng liền bỏ chạy. Ngài một mình phi ngựa đuổi theo. Vì nóng lòng truy bắt kẻ gian, ngài quên cảnh giác. Một sợi dây giăng qua bờ mương. Ngựa đang phi nước đại. Sợi dây hất tung ngài xuống kè đá. Ngài bị thương nặng. Những thằng ích kỷ, địa phương, cục bộ, dốt nát bị xúi giục, quay trở lại đánh ngài đến chết. Đòn hạ mã, chúng đã thành công.
Ngài chết đi chưa đầy ba năm… Rừng Hạ Biều bị chặt trụi, đất đá ngổn ngang bị đào bới. Kênh mương mặc sức cho người ta đào trộm nước. Lại đánh nhau to, án mạng nhiều. Quan trên chỉ việc ngồi xử. Bên nào lo lót nhiều, bên đó thắng kiện. Cả một hệ thống đại thuỷ nông không ai tu sửa. Ngân sách chui vào túi các quan. Làng tốn một, hô mười. Thế là sức nước, sức dân cạn kiệt.
Mùa mưa năm đó, rừng thượng nguồn lở, hồ chứa với hàng triệu khối nước vỡ tung. Một trận đại hồng thuỷ cuồn cuộn trào về phủ ngập trấn Hạ Biều, quét sạch nhà cửa ruộng vườn. Quan nha còn bận say sưa không kịp tháo chạy. Binh lính còn ngủ dật dờ không kịp thoát thân. Cả quan, cả dân cùng trôi theo dòng lũ lớn… Sóng nước bây giờ công bằng, bình đẳng dận chìm tất cả.
Trấn Hạ Biều gần như xoá trắng sau trận đại hồng thuỷ năm ấy. Những người sống còn đi tha phương cầu thực…
Gã chủ quán rượu Phù Vân khăn gói ra kinh thành. Năm ấy, gặp khi binh biến tràn lan. Quân tam phủ kiêu binh giết cả bè lũ Quận Huy cùng Đặng Thị Huệ. Chúng kéo nhau đi hôi của đầy đường…
Gã chủ quán rượu buồn não nuột. Dẫu chỉ là dân đen, gã cũng biết rằng: Đời người rồi ai cũng chết. Nhưng có những cái chết vì nước vì dân sử vàng chói lọi. Có những cái chết vì quyền vì lợi ác độc ti tiện để bia miệng nguyền rửa ngàn đời.
Gã chỉ là tay bán rượu. Thật thà sống. Thật thà bán rượu. Thật thà mang cho đời một chút say sưa để quên đi phiền muộn. Nhưng lòng gã hằng mong thái bình; hằng mong có một đấng quân vương để an dân trị nước. Gã đã từng khóc nhiều đêm, như cái ngày người bạn cố tri năm xưa bị kế hạ mã mà phải tan thân…
Mùa xuân năm ấy, Quang Trung Nguyễn Huệ dẫn mười vạn quân binh ra kinh thành. Gã bán rượu đã lập một hương án bên đường để chào mừng người anh hùng áo vải đó. Gã quỳ lạy ở bên đường; không phải lạy cái uy quyền to lớn của người thắng trận, mà gã lạy cái ân đức của ngài, sẽ đem đến thanh bình cho đất nước, đem đến sự an lành hạnh phúc cho dân đen.
Mùa xuân năm ấy gã cũng khóc. Nhưng những giọt nước mắt này mang một ý nghĩa khác./.