Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Cung Chúc Tân Xuân

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 615 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cung Chúc Tân Xuân
Linh Bảo

Mai lái xe lượn qua lượn lại nhiều lần, vẫn không tìm được chỗ đậu. Một lúc sau, có hai Sĩ quan từ trong cửa chính Câu Lạc Bộ bước ra, thấy Mai nhìn quanh mãi, họ ra hiệu cho nàng đi theo để lấy chỗ. Đậu xe được tận cuối sân xa tít, Mai phải đi bộ một quãng dài mới đến được phòng ăn. Lúc lên cầu thang, Mai bước thật chậm, nhẫn nha “ thiền hành”, làm như vài chục bậc thang có nghĩa lý gì , nhưng thực ra là để lấy lại nhịp thở đều.
Mặc dầu chỉ có một giờ nghỉ ăn trưa, mọi người không ai có vẻ vội vàng cả. Từ sự tranh nhau chỗ đậu xe rất có lễ độ, cho đến cách chiếm dãy bàn ăn cạnh cửa sổ để nhìn phong cảnh bên ngoài, cũng tranh vừa phải, hơi có vẻ nhường nhịn nhau nữa là khác.
Mai theo mọi người xếp hàng bên cạnh cái bàn dài, người bếp đứng sau bàn múc cho khách ăn món gì họ thích. Bao giờ Mai cũng chỉ ăn hai lát bánh mì kẹp thịt và một cốc sữa tươi. Mặc dầu có nhiều món ăn nóng khác ngon lành hơn, nhưng Mai tự kềm chế không ăn những món quá phong phú, quá béo bổ sợ lên cân, và cũng không ăn no quá, sợ vào lớp dễ bị buồn ngủ.
Mai bưng khay thức ăn đi qua chỗ cô giữ két ngồi, trả tiền như thường lệ xong bước vào phòng ăn. Mai còn đang nhìn quanh để tìm một chỗ vừa ý, bỗng nghe có tiếng gọi :
• Mời bà ngồi đây.
Mai quay lại, thấy ông Sơn, một Nha sĩ Quân y đang ngồi một mình trong góc phòng. Mai bưng khay đến gần, đặt trên bàn ông.
• Chào bà.
• Chào bà.
• Chào bà.
Chung quanh phòng, nổi lên nhiều tiếng chào, vài bàn tay vẫy từ đằng xa cuối phòng. Tất cả đều thuộc lớp sinh ngữ tiếng Việt Nam, và tất cả cũng đều đã từng được Mai chấm điểm thi một cách rộng rãi.
Trong đám người mặc binh phục ấy, từ binh nhất cho đến Sĩ quan cấp Tá, một khi đã ngồi vào ghế sinh viên, không nhiều thì ít, biến thành nghịch ngợm trẻ trung. Bọn họ biết Mai không nhớ tên, vì mỗi khi vào lớp Mai hay liếc nhìn bảng tên ở ghế ngồi rồi mới gọi. Một hôm cả lớp đồng lòng đổi chỗ. Lúc Mai vào lớp theo thói quen cũ, thì gọi tên này hóa ra người kia làm cả lớp được một bữa cười bằng thích. Mai đã chữa thẹn nói rằng : Các ông biết mỗi tuần tôi phải vào 8 lớp khác nhau. Làm sao tôi có thể nhớ hết mấy trăm sinh viên. Với lại, trong mắt tôi, các ông, ông nào cũng giống nhau hết. Ông nào cũng thông minh, học giỏi, ngoan ngoãn và . . . . đẹp trai như nhau.
Thế là cả lớp lại được thêm một trận cười. Họ chỉ vào nhau , béo, gầy, đen, vàng, trắng, già, trẻ đủ các loại người mà nói:
-Trời đất ơi, tôi mà giống tên này à?
-Chết tôi rồi, tôi giống thằng này thì làm sao mà cưới được vợ?
-Lạy Chúa tôi! Chắc tôi phải gắng đi xưng tội nhiều hơn nữa . . .
Nhờ câu “ Các ông đều thông minh đẹp trai giống hệt nhau “, họ đã xóa cho Mai cái lỗi không nhớ tên, và đâm ra có cảm tình thêm với cô giáo có nhiều khuyết điểm.
Tất cả đều là khách ăn trưa quen thuộc của Câu Lạc Bộ. 11 giờ là giờ ăn của sinh viên, 12 giờ là giờ ăn của Giáo Sư và nhân viên. Thì giờ chia như thế, ai cũng có chỗ ngồi, nhà bếp cũng đỡ vất vả. Tuy thỉnh thoảng có nhiều sinh viên ăn muộn, nhưng bao giờ cũng đủ chỗ ngồi, vì chỉ một số rất ít giáo sư Việt Nam ăn ở đây, còn tất cả đều về ăn cơm nhà, vừa hợp khẩu vị vừa cho các bà có việc làm buổi trưa.
Ông Sơn hỏi:
-Thế nào ? Bà đã đổi được xe chưa?
Mai cười:
• Hình như còn lâu. Năm nào tôi cũng dọa đổi xe mới cả, thế mà đã sáu năm rồi, tôi vẫn còn giữ chiếc xe bà lão, vẫn còn chạy ngon lành. Nhưng năm nay, chắc thế nào cũng phải đổi vì cửa xe không chịu đóng chặt nữa.
• Như thế nguy hiểm lắm!
Mai gật đầu:
• Vì thế, tôi đã mua bảo hiểm sanh mạng rồi.
Mai ngồi xuống bàn, chậm rãi bóc hộp giấy, đổ sữa ra cốc. Nhìn miếng bánh mì kẹp thịt đầy tràn cả ra ngoài đĩa, Mai mỉm cười nghĩ đến mấy ông bếp Phi Luật Tân. Hôm Mai vào đây ăn lần đầu tiên, lúc đi qua dẫy bàn đầy thức ăn, nhìn đĩa phó mát trắng xay vụn, trên mặt bày các thứ hoa quả hộp, Mai thật thà hỏi ông bếp;
• Món này ăn làm sao ông?
Ông bếp liến thoắng, vui vẻ trả lời:
• Ăn với thứ kem trắng này, hay kem vàng cũng được.
Mồm nói, tay ông đổ kem vào dĩa hoa quả cho Mai.
• Bà là người ở đâu đến? Bà có thích cơm Mỹ không?
• Tôi là người Việt Nam. Còn ông?
• Phi Luật Tân. Chúng tôi ăn cơm. Bà có thích cơm Phi Luật Tân không?
• Có chứ. Gạo Phi Luật Tân nấu cơm ngon lắm. Ở đây chúng tôi mua được nước mắm Phi. Ngon tuyệt.
Ông bếp nghe khen, lòng ái quốc lên hương, lấy thêm một bát canh nhỏ để vào khay của Mai.
• Hôm nay xúp hến này đặc biệt lắm. Chính tay tôi nấu lấy. Bà phải ăn thử mới được.
Mai cười cám ơn, và lúc ra về, đi qua dãy hành lang, ba ông bếp Phi đang ngồi nghỉ chân, thấy Mai ra , tất cả vội vàng đứng dậy chào hỏi:
• Thế nào? Cơm hôm nay bà ăn có được không? Bà thích món gì?
Mai dừng lại nói chuyện cơm canh một lúc. Từ đó, dù đến chậm, bao giờ Mai cũng còn phần.
• Kìa, bà ăn đi chứ, suy nghĩ gì thế? Gần hết giờ rồi!
Ông Sơn đã ăn xong bữa, chỉ còn ngồi chờ Mai.
• Bà có muốn về Việt Nam không?
• Cố nhiên là muốn. Nhưng có nhiều vấn đề cản trở, khó lắm.
• Tôi đã qua Việt Nam một lần rồi. Tôi rất thích và mong một ngày kia còn có dịp trở lại. Sơn là tên của người Việt Nam đặt cho tôi lúc tôi làm việc bên ấy. À, vừa rồi nghe nói có Tết âm lịch. Những người Việt ở đây ăn Tết có vui không? Có ai làm món ăn đặc biệt Việt Nam không?
Mai đang cắn miếng bánh mì, món ăn phải nuốt lẫn với nước mới lọt – mà nàng đặt tên là món “ ăn để sống” – nghe nói đến cơm Việt Nam, hình như có một sức khai vị lạ lùng. Mai nuốt bánh mì không khó khăn chút nào cả. Không cần phải thêm một miếng dưa chuột ngâm dấm ớt thêm vị, và nước lã dẫn đường.
• Có. Mấy cô khác đều có quà rất đặc biệt. Cô Lan nhận được mứt dứa, mứt sen. Cô Đào nhận được bánh tráng để cuốn chả giò. Một sinh viên có bạn ở Việt Nam gởi sang cho một gói mứt mãng cầu xiêm. Cô bạn cùng ngồi một phòng với tôi nhận được me chua ngâm với đường.
Nghĩ đến mứt mãng cầu Xiêm vừa chua vừa ngọt, và món me xanh dầm, Mai thấy khai vị lạ lùng. Mai cắn một miếng bánh mì và cũng nuốt trôi một cách dễ dàng.
• Nghe ngon quá nhỉ. Toàn là những món tôi đã từng được nếm thử.
• Tôi không biết tất cả các bạn khác, nhưng đại khái, ai cũng nhận được một thức gì không nhiều thì ít, của bạn bè hay bà con cho để nhớ đến quê hương.
Mai ngẫm nghĩ một chốc, tiếp theo:
• À quên, có một cô bạn nhận được da heo khô. Cô ta ngâm nước cho nở ra trộn với thịt làm nem chua, gói bằng giấy bóng. Cô đem đến sở, nướng trên lò sưởi làm cơm trưa, hôm ấy, cả sở ai cũng đòi xin cưới cô làm vợ.

• Tôi nghe nói năm ngoái người Việt Nam ở đây không tổ chức ăn Tết, nhưng năm nay hình như có, phải không bà?

• Vâng, có tổ chức đi tiệm Tàu ăn yến và đến những mười sáu món khác. Theo chương trình, thì có đi nhẩy ở một tiệm sang nhất và có âm nhạc hay nhất ở đây.

• Bà cũng đi chơi vui chứ ?
Mai lắc đầu:
• Không, tôi rất tiếc.
Ôâng Sơn ngạc nhiên:
• Tại sao bà lại không đi? Mỗi năm chỉ có một lần thôi mà? Với lại, nếu tôi không lầm, thì chính bà là người đòi ăn Tết nồng nhiệt hơn ai hết.
Ông nói đúng. Mỗi năm chỉ có một lần thôi. Ban tổ chức cũng đồng ý. Và họ nghĩ rằng, ngày Tết, không ăn thì thôi, đã ăn thì phải ăn cho ngon. Vì thế, giá tiền tham gia mất một phần ba của một tháng lương, nên chỉ có một số ít dự cuộc vui. Riêng tôi không muốn ham vui riêng mình, bỏ hai cháu ở nhà chúng nó buồn tội nghiệp..
• Tôi tưởng, ngày Tết, ăn là một chuyện cần, mà vui lại cần hơn, nhất là vui chung. Nên tổ chức thế nào cho tất cả mọi người, mọi giới, giầu nghèo, đều có thể cùng chia vui.
• Tôi cũng nghĩ như thế.
• Tại sao các ông các bà không mượn phòng nấu ăn quốc tế, góp tiền nấu chung, vừa ngon vừa rẻ, vừa vui.
• Năm xưa, lúc người Việt còn ít, chúng tôi đã tổ chức như thế, nhưng chỉ thành công trong phần chơi vui, còn phần ăn thì kém lắm.
• Bà có thể cho tôi biết, để tôi rút kinh nghiệm được không?
• Tôi chắc ông thừa biết, nấu ăn cho một số đông người quá, đồ ăn phải làm số lượng nhiều, mất ngon. Nấu trước thì nguội lạnh, đến giờ mới nấu, thì làm sao có thì giờ về nhà tắm, thay quần áo, trang điểm . . . Xong rồi lại còn việc quét dọn nữa. Ai cũng sợ và tránh xa những việc này. Vì thế, năm ngoái bỏ hẳn, không có tổ chức gì, làm ai cũng phàn nàn. Năm nay, tôi đưa ra đề nghị mượn nhà bếp quốc tế, mỗi người mang vài món. Trong phòng ăn có nhiều bàn, mình sẽ ngồi chung và góp đồ ăn với vài người bạn khác. Giờ ăn xong, đến giờ chơi. Ai không tiện đến ăn, sẽ đến chơi sau. Bói đầu năm, đàn hát, đóng kịch, ngâm thơ, nhảy nhót, chương trình muốn kéo dài đến bao lâu cũng được. Mọi người cùng vui, ai có trẻ, muốn mang đến cứ mang, chỉ phải tự trông nom lấy. Nhưng y ù kiến này không được “giới hữu quyền” tán thành.
• Thế hôm ấy bà đi chơi đâu không?
• Không. Tôi nằm nhà xem T. V. viện lý do là “ được mời đi dự tiệc”.
• Cũng vui chứ sao!
• Nào có xem được yên! Điện thoại của những người có gánh nặng gia đình cũng “được mời đi dự tiệc” như tôi, gọi suốt từ 6 giờ chiều đến nửa đêm. Chúng tôi chỉ có cách gọi nhau thăm hỏi cho đỡ ghiền.
• Ý kiến của họ có giống bà không?
• Đại khái cũng như thế. Họ bảo là ngày Tết mình phải chú trọng nhiều vào trẻ em nữa. Trẻ em đông quá mà không cho chúng ăn Tết, lâu dần chúng nó sẽ chẳng còn biết Việt Nam là cái gì nữa! Chúng sẽ mất gốc hết. Và họ cũng kêu đắt qua: hai vợ chồng đi, lại phải thuê người giữ trẻ, trẻ dưới 12 tuổi, nếu để ở nhà một mình, bố mẹ bị tội. Hơn nữa, nếu chỉ đi ăn ngon và nhảy nhót với một nhóm người rất ít, không có đồng bào, không có trẻ con, thì tiệc ấy đâu có phải là tiệc Tết, đâu có nghĩa lý gì. Muốn ăn ngon và nhảy nhót, thì suốt năm, lúc nào mà chẳng được.
Thấy chuyện Tết nói cũng đã hơi nhiều, Mai ăn nốt miếng bánh và nói sang chuyện khác:
• À quên, tôi muốn hỏi ông có quen luật sư nào không?
Ông Sơn cười:
• Bà không được ăn Tết, nên định kiện đấy à?
Mai vội vàng lắc đầu:
• Không, không, đâu có kiện ai. Tôi muốn làm di chúc.
• Ông Sơn lại cười chế nhạo:
• Làm di chúc? Sao bà yếm thế đến như vậy? Chỉ vì không được ăn Tết có vài lần, mà đã giận dỗi, nghĩ đến chuyện . . . qui tiên rồi.
• Biết đâu đấy? Tai nạn bất ngờ, đoán trước thế nào được. Tôi có đóng một số bảo hiểm nhân thọ. Nếu lỡ tôi chết thình lình, con bé có thể ăn học cho đến khi nên người. Nếu không tìm sẵn luật sư, thì lúc ấy không có ai lo hộ. Không ai đòi, hãng bảo hiểm sẽ lờ đi, nhà sẽ bị xiết, con bị bơ vơ.
• Tôi có quen ông luật sư làm về giấy tờ ly dị cho tôi. Để tôi giới thiệu.
Nhắc đến ly dị, mặt ông Sơn bỗng buồn rầu hẳn đi, và giọng ông nghẹn ngào. Ông Sơn đã từng kể cho Mai nghe một đoạn ngắn về đời ông.Sau nhiều năm đóng ở Thái Lan, ông được trở về Mỹ . Lúc gặp lại vợ con, chỉ mong yên hưởng tuổi già cạnh gia đình, thì bỗng một buổi sáng, có giấy của luật sư báo cho biết, ông phải dọn ra khỏi nhà trong 24 tiếng đồng hồ, vì vợ ông đã kiện xin ly dị. Ông nói:
• Ba con gái tôi đều đang học đại học. Chúng đã gần tự lập được rồi. Cái nhà tôi mua góp 25 năm, nay cũng trả xong. Tôi cứ tưởng vợ chồng đôi khi xích mích, tình già tuy không còn nồng nhiệt như tình trẻ, nhưng vẫn còn cái nghĩa và tình bạn đời. Chúng tôi có thể tìm hạnh phúc trong hạnh phúc của các con. Không ngờ . . .
• Thế bà nhà có yêu ai khác không ?
• Tôi không biết. Có lẽ không. Nhà tôi già rồi, cũng lắm bệnh nhiều tật như ai, lại đang ốm. Tôi không thấy nhà tôi có lý do gì đến nỗi phải ly dị cả. Tôi cũng chưa hề yêu ai khác ngoài nhà tôi. Tôi không ngờ ngày tôi về nước, tưởng để được sống với gia đình êm ấm, sống dưới mái nhà, mãnh vườn của mình dành dụm vun quén suốt 25 năm. . .
Ông cắn môi, dừng lại một chốc:
• Ngờ đâu, quá nửa đời người, gần về hưu rồi, tôi bị tống ra khỏi cái nhà của tôi. Phải dọn vào trại Túc Xá Sĩ Quan độc thân, sống chung với những chàng trai mới lớn, nhí nhảnh vô tư, và các cụ trai già tâm hồn bệnh hoạn, tính nết chướng kỳ. Sau 25 năm lao tâm lao lực, ra sức xây tổ ấm, chờ ngày dưỡng lão, bỗng dưng trở lại hai bàn tay trắng như ngày mới ra trường, mà tai hại nhất là tuổi tác, sinh lực không còn như xưa

• Tôi nghe nói luật ly dị ở Mỹ, người chồng phải cấp dưỡng cho vợ con nhiều lắm. Có khi tiền còn lại chỉ đủ sống một cách đạm bạc, không bao giờ có hy vọng mời bạn gái đi chơi, hay đủ tiền lập lại gia đình khác. Nếu có vợ lại, thì người vợ sau cũng phải đi làm mới đủ sống.Có đúng không?

• Gần đúng như thế, tùy theo trường hợp. Nếu vợ đi lấy chồng ngay, thì khỏi cấp dưỡng cho vợ nữa, chỉ cấp cho con thôi. Nhưng già như nhà tôi thì còn lấy ai, để tôi mong khỏi trả tiền cấp dưỡng. Ban đầu, tôi đề nghị chia nửa lương với nhà tôi, nhưng luật sư của bà ấy không chịu. Ông ta đưa ra một con số gần gấp đôi. Thế thì tôi làm sao mà sống được. Tôi phải thuê luật sư bảo vệ tôi. Kiện đi kiện lại, ra tòa bao nhiêu lần, tốn vô khối là phí tổn cho Tòa án và luật sư. Kết quả, nhà tôi bằng lòng nhận số tiền tôi đề nghị. Chung qui chỉ luật sư của cả hai bên lợi thôi. Nếu là một vụ ly dị thường, hai bên thỏa thuận ngay, cả hai chúng tôi đều chỉ tốn độ một phần mười số tiền chúng tôi đã chi phí.
• Có lẽ đó là một nghệ thuật chuyên môn của họ.
Ông Sơn gật đầu:
• Lúc nhà tôi ốm ở nhà thương, tôi đến thăm, bà ấy nói không biết gì về việc luật sư của bà ấy đòi nhiều tiền đến như thế. Đấy bà xem, họ chỉ lợi dụng hoàn cảnh không may của người khác, nói là bảo vệ thân chủ, mà thực ra thì mình được kiện hay thua kiện, họ cũng cứù thu tiền công, tiền án phí, lệ phí cả trăm thứ, đó là điều chính. Bất đắc dĩ lắm, tôi mới phải nhờ đến luật sư, nhưng còn bà, tại sao bà lại phải cần đến luật sư bảo vệ con bà, thu tiền bảo hiểm và tìm chỗ ở cho nó? Bà có anh chị em, hay bà con ở đâu không?
Nghe nói đến anh em, mắt Mai sáng lên:
• Có chứ. Tôi có nhiều anh chị em ở Saigon lắm. Tất cả đều khá giả và mạnh khỏe.
• Họ có viết thư cho bà thường không?
Vốn thực thà, Mai định nói thực, nhưng nghĩ đến một câu – không biết của danh nhân nào đã nói ra: “ Người đàn bà nào, mỗi ngày nói dối chưa đến 5 lần, thì đó là người rất thực thà và có thể tin cậy được”, ngày hôm ấy, Mai chưa có dịp nói dối lần nào, nên quyết định nói dối đễ giữ thể diện:
• Vâng, thường luôn.
Ôâng Sơn như chợt nghĩ ra:
• Nếu bà còn nhiều họ hàng thế, nên nhờ thân thích trông nom và làm người giám hộ cháu, có tốt hơn là nhờ người ngoài không? Luật sư cũng là người ngoài.
Mai có vẻ ngần ngại:
• Khi còn bé, anh chị em chúng tôi thương nhau lắm. Có dịp là nói chuyện với nhau mê mải, quên cả ngày giờ, rất ý hợp tâm đầu. Căn phòng nào trong nhà, có mặt chúng tôi là vui như Tết. Nhưng bây giờ . . . cách xa nhau mấy chục năm trời , với biết bao nhiêu là sông núi . . Ai cũng có gia dình, ai cũng đã trưởng thành,và cố nhiên là . . . đổi tính.
• Thế Tết năm nay, anh chị em và các bạn của bà có gởi gì cho bà không?
Mai cười, nhưng hơi có vẻ không tự nhiên:
• À, à . . .có , anh tôi có gởi cho tôi cái này đẹp lắm. Tôi cho ông xem.
Mai mở ví, lấy ra một cái phong bì, trên mặt phong bì dán đầy tem, nhiều màu sắc và nhiều kiểu, có thể làm cho bất cứ người chơi tem nào trông thấy cũng ham thích. Mai chỉ vào phong bì nói:
• Tôi quí những con tem này lắm, nhưng nếu ông chơi tem, thì tôi sẽ cho ông vài con, thứ nào tôi cũng có thừa.
Ông Sơn ngắm những con tem Việt Nam với một đôi mắt trìu mến thân yêu một lúc, rồi mở phong bì, lấy ra một tấm thiệp. Trên thiệp vẽ hình hai thiếu nữ Việt Nam, tóc bỏ lơi, đang ngồi hòa đàn tranh và đàn tì bà.
Ôâng Sơn nhìn tấm hình mỉm cười, giọng mơ màng:
Tôi đi Việt Nam về, có mua vài bức tranh sơn mài. Tôi thích nhất là bức tranh vẽ vườn cau bên cạnh một con sông. Mặt trời buổi chiều đã gần tàn, có một em bé đang ngồi trên mình trâu thổi sáo. . . Tôi yêu quí bức tranh ấy lắm, nhưng vợ tôi cấm tôi không được mang một đồ vật gì ra khỏi nhà cả, trừ mấy bộ quần áo.
Hai mắt ông chớp mau và ướt hẳn đi.Ôâng đưa ngón tay lên chặm hai giọt nước mắt đang lăn xuống má một cách tự nhiên, không ngại ai nhìn thấy.
• Chắc anh bà viết trong này dài lắm, thư máy bay, có dán nhưng 35 đồng bạc tem.
Như điện giật, Mai hoảng hốt định giơ tay chận lại, không cho ông xem bên trong, nhưng đã muộn quá rồi. Ông Sơn đã mở tấm thiệp ra một cách nhanh nhẹn gọn gàng.
Bên trong thiệp vỏn vẹn có bốn chữ hoa, in bằng mực đen rất to, rất đẹp:
“ CUNG CHÚC TÂN XUÂN”
Đã lỡ rồi, Mai đành mỉm cười. Nàng để tự nhiên, không cần che dấu hai giòng nước mắt đang ứa lên rất nhanh, mặc nó chảy dài xuống má. Và Mai vẫn giữ nguyên nụ cười ngưng đọng trên môi, tưởng như không bao giờ tắt.
Linh Bảo ( Monterey 1969)



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 298

Return to top