Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tuổi Học Trò >> Một hôm đánh mất kỉ vật...

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 3114 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Một hôm đánh mất kỉ vật...
Chu Nguyễn Nhật Quỳnh

(Thân tặng Café và Pooh)
Thứ ánh sáng vàng vọt ẽo ợt, ngà ngà hắt ra từ cây đèn cao áp duy nhất trong sân bóng của trường chỉ vừa đủ để Hà tìm cây bút chì yêu dấu trong mò mẫm.
Một cây bút chì gỗ sọc đen-đỏ, loại bút hay bị cùn, một buổi vẽ tranh phải chuốt tới chuốt lui hai ba lần, chưa kể chuốt quá tay lại gãy đầu chì, phải cặm cụi chuốt nữa, chuốt nữa... So với loại chì bấm đầu 0.5mm hay 0.7mm đủ màu sắc, kiểu dáng và tiện lợi mọi người vẫn hay sử dụng hiện nay, cây bút chì này được liệt vào loại đồ cổ hoặc sắp cổ. Do vậy, xách xe ra khỏi nhà, lọc cọc đạp lên trường vào lúc chín giờ tối chỉ vì một vật cũ kĩ và bất tiện dụng như thế, nghe như một lí do hết sức ngớ ngẩn nếu không đính kèm thêm hai từ “yêu dấu” cho nó. Cây bút chì còn thêm một người em sinh đôi, lúc này xa xôi tận Canada. Chúng được tách ra làm quà kỉ niệm giữa Hà và nhỏ bạn thân năm cuối cấp hai, sau khi hai đứa lùng sục hết cả buổi sáng tìm một-thứ-khác-thường và hí hửng vì phát hiện ra hai “chị em sinh đôi” cũ kĩ, nổi bật một cách lạc lõng trong cái lon bút chì đủ màu đủ kiểu ở một tiệm văn phòng phẩm nhỏ. Sau đó hai đứa bày trò chuốt bớt cho bút chì lùn đi, thành ra độ dài mỗi cây nhân mười y đúc với chiều cao “khiêm tốn” của mỗi đứa, để hai cây sát nhau y như hai đứa mỗi lần cặp kè. Nhỏ bạn và Hà hào hứng móc ngoéo “Đến lúc bút chì đứa này cao bằng ngón tay út đứa kia, mình sẽ gặp lại nhau, dù đang ở đâu và đang làm gì!”
Năm năm rồi kể từ lúc nhỏ bạn định cư, mang theo cây bút chì sinh đôi còn lại. Cây bút chì kỉ niệm của Hà vẫn ngày ngày nằm ngoan trong hộp bút, theo Hà vào giảng đường, thỉnh thoảng lại được lôi ra ngắm nghía, vẽ vời nguệch ngoạc. Nó giờ đã lùn đi nữa rồi, nhưng chỉ bớt một chút xíu thôi. Đáng lẽ Hà phải chuốt nhiều nhiều cho nó mau bằng ngón tay út ngắn ngủn, mũm mĩm của nhỏ bạn, để thực hiện lời hứa khi xưa. Nhưng Hà đủ lớn để nhận ra lời hứa đó không khả thi lắm khi Hà vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường, lúc nào cũng tất bật, bận rộn trong guồng bài vở giảng đường, chưa kể thời gian làm thêm, học thêm và những chuyện nhỏ nhặt khác. Hi vọng người chị em sinh đôi của nó sẽ mau lùn bằng ngón tay út của Hà. Hai đứa gặp lại nhau ở nơi đầy ắp kỉ niệm này vẫn hay và khả thi hơn việc Hà cố dành dụm sang Cadana thăm nó bằng mớ thời gian rảnh rỗi ít ỏi và túi tiền sinh viên mỏng lét. Cùng với hi vọng nho nhỏ đó, cây bút chì cũ kĩ được nâng niu, giữ gìn thật cẩn thận mỗi ngày.
Vậy mà hôm nay Hà lại làm mất nó!
Thật ra không hẳn một trăm phần trăm lỗi hoàn toàn do Hà đâu. Sẽ phải xử sự như thế nào khi có người bạn cùng lớp muốn mượn một cây bút chì của mình? Quá dễ, cho mượn cây bút chì bấm mình vẫn hay xài và giữ lại cây bút chì gỗ kỉ niệm. Nhưng nếu năm phút sau, lại có một người bạn khác đến gặp mình với lí do tương tự, và trong hộp bút chỉ còn duy nhất cây viết chì kỉ niệm! Làm người tốt hay kẻ ích kỉ? Ngộ nghĩnh thật, dường như người ta thường hay quên sót những thứ đơn giản. Trong buổi vẽ áp phích tuyên truyền sức khỏe, mọi người chuẩn bị đầy đủ màu nước, màu chì, cọ to nhỏ đủ loại và sơn, nhưng lại thiếu chì vẽ phác họa. Khi đó Hà vui vẻ rút cây viết chì gỗ của mình đưa bạn, không quên dặn dò “Giữ kĩ nha, đồ cổ nên quí hiếm lắm đó!” Nghe giọng điệu nửa đùa nửa thật, nhỏ bạn phì cười, nhướng cặp chân mày nghi hoặc ngó cây bút cũ kĩ rồi nhanh chóng nhập vào nhóm áp phích của mình. Hà cũng chúi đầu miệt mài tô tô vẽ vẽ, rồi lòng vòng trong sân bóng xem hết tranh của nhóm này đến nhóm khác. Khi trời chuyển nhá nhem tối, ánh sáng vàng nhạt yếu ớt hắt ra từ cây đèn cao áp bể vỏ không đủ soi rõ, mọi người mới lục tục kéo nhau ra về. Là một con nhỏ hay quên, nên Hà cũng hòa vào nhóm bạn làm chung áp phích, thản nhiên dắt xe ra khỏi trường, không hề nhớ mình đã cho mượn hai cây bút chì. Lúc này mới đúng là lỗi của Hà rành rành. Sau này mỗi khi nhớ lại chi tiết này, Hà vẫn tự trách mình kinh khủng. Mãi đến khi ngồi vào bàn học, giở xấp trắc nghiệm Anh văn ra, lục lọi trong hộp bút tìm cái gì đó để viết, Hà mới chợt nhận ra còn thiếu hai “thành viên”, trong đó một không những thân thuộc mà còn rất có giá trị đối với mình.
Như một cơn lốc nhỏ, Hà phóng ào xuống đất, với lấy điện thoại tức tốc bấm số. Tút... tút...
- Alô...
- Mai ơi, Hà đây. Lúc nãy Mai mượn cây bút chì gỗ của Hà, có nhớ cầm về không?
- Ừm... chắc có, đợi Mai lục lại trong hộp bút nha.
Vài phút máy để trống, thời gian như trôi chậm lại cả thế kỉ, tự dưng Hà linh tính có gì không lành lắm. Nhưng Hà không kịp nghĩ ngợi gì thêm, vì Mai đã bốc máy. Nó nói khó nhọc:
- Chết rồi... không thấy... Chắc là... còn ở trường...
Từ ngữ ngắt quãng nhưng ráp lại với nhau vẫn đủ để lần mò ra nội dung chính, đủ để Hà cảm thấy trái tim mình như đang rớt xuống bụng. Khó nhọc hơn Mai gấp trăm ngàn lần, Hà loay hoay với mớ từ ngữ lộn xộn trong đầu, giận sôi lên không biết phải nói gì. Sau khi hít thật sâu để bình tĩnh lại, Hà thở hắt ra chán nản:
- Mai để chỗ nào?
- Mai ngồi gần cây đèn cao áp, chắc để quên ở đó. Mai vô trường tìm lại cho... xin lỗi nha...
Nghe giọng nói ngập ngừng áy náy của nó, Hà đang giận cũng cảm thấy thật tội nghiệp. Nó cũng không cố tình đâu. Ít ra trên đời này không phải chỉ có một đứa con gái đễnh đãng hay quên. Hà thở hắt ra thêm một cái nữa:
- Nhà Mai ở Thủ Đức mà đi đâu giờ này. Hà chạy lên trường mất mấy phút... Để Hà tự tìm.
Đó là lí do tại sao Hà lại có mặt ở trường lúc này.
Khác với vẻ hiền hòa, tràn ngập ánh nắng, tràn ngập sắc xanh cây cối, tràn ngập sinh viên trong giảng đường buổi sáng, ngôi trường nằm im lìm, những mảng kiến trúc được hắt ánh sáng vàng nổi bật lên lạnh lẽo, cô độc. Thỉnh thoảng vài cơn gió nhẹ thổi qua, cây cối lại đung đưa xào xạc như đang rì rầm tán chuyện “Nhìn kìa, có một con nhỏ, nó làm gì trong trường giờ này?” Hà sợ đến cả từng bước chân mình lạo xạo trên sỏi. Lẽ ra Hà nên rủ thêm ai đó đi chung, không một mình “dấn thân” như thế này. Nhưng từ lúc ra khỏi nhà cho đến khi quăng vội chiếc xe trong bãi, Hà chỉ nóng ruột mong mau tìm lại được kỉ vật của mình, không kịp suy tính gì thêm nữa. Bây giờ, một mình đứng trong sân bóng này, Hà mới sực nhớ mình chỉ là một đứa con gái có lá gan thỏ, không những nhút nhát còn hay nghĩ ngợi lung tung và tự hù dọa mình, đại loại như hình như có ai sau lưng, có ai đang núp đâu đó, có cái bóng dài in trên bức tường... Không-có-gì-hết! Hà sẽ nhìn xuống đất thôi, tập trung tìm cây bút chì của mình. Bắt đầu từ chỗ cây đèn cao áp. Tập trung... tập trung... tập trung... Căng mắt săm soi từng milimét đất, nhưng vẫn không thấy cây bút chì đâu cả, Hà bắt đầu hoảng hốt, cố dò dẫm tìm kiếm xung quanh. Ánh mắt loăng quăng chạy trên đất, sục sạo từng cái khe, cái rãnh và đột ngột ngừng lại ở hai mũi giày sandal với những ngón chân hơi to và thô kệch không-phải-của-Hà... Trái tim ngừng đập vài giây khi Hà đưa tay ôm lấy ngực, chuẩn bị la to hết công suất vì quá sợ hãi. Nhưng cái miệng có vẻ bình tĩnh hơn, chỉ “Á” một tiếng gọn gàng vì đôi mắt đã kịp nhận ra kẻ trước mặt không phải ai xa lạ, là thằng Bình học chung lớp với Hà. Rút một tay đang đút trong túi quần ra, Bình vừa gãi tóc vừa nhe răng cười khì:
- Hà mò mẫm gì dưới đất vậy? Làm rớt tờ polymer nào hả?
Hà vén lại mấy sợi tóc lòa xòa trước trán, liếm môi khổ sở nặn ra một nụ cười đáp lễ lịch sự với Bình:
- Hà... bị mất đồ...
Nhìn miệng cười méo xệch của Hà, Bình gãi tóc nhiều hơn, áy náy vì câu nói đùa không phải lúc của mình. Nó ngoái đầu nhìn xung quanh một lượt:
- Mất gì vậy Hà? Bình tìm giùm cho!
Cố gắng nặn tiếp một nụ cười nữa, Hà cắn môi ấp úng:
- Không có gì... chỉ là... một cây viết chì...
Nhưng lúc này Bình đã vén tay áo lên, hăng hái ngắt lời Hà:
- Sao lại “chỉ là”? Đừng ngại, Bình biết bút chì cũng có mấy loại đắt tiền kinh khủng, mất tiếc hùi hụi. Bình cũng đang để dành tiền mua một cây làm quà tặng bạn nè, nhưng có lẽ phải suy nghĩ lại...
Vừa tự nhiên “bộc bạch tâm sự” Bình vừa cúi người, lom khom rảo mắt nhìn quanh. Hà vẫn đứng im đó, miệng vo tròn chữ “gỗ” bị mắc kẹt chưa kịp nhảy ra cho hết câu.
- Bình ơi...
Bình ngẩng mặt lên nhìn Hà, ánh mắt tràn đầy nhiệt tình. Nếu Bình biết Hà chỉ mất một cây viết chì gỗ cũ kĩ, loại chắc đã thành hàng “đồ cổ” trên thị trường bút viết và cũng chẳng khoác một nhãn mác nổi tiếng nào, liệu anh chàng vẫn còn nguyên vẹn nhiệt tình đó hay ánh mắt sẽ chuyển sang kinh ngạc, sửng sốt, nghĩ Hà nói dối không chừng. Đang định giải thích “sự tích” cây viết chì của mình thật ngắn gọn, đơn giản để Bình dễ hiểu, bỗng dưng tiếng chuông báo hết giờ học thêm ở dãy nhà trước reo vang làm Hà giật mình. Điện thoại di động trong túi Bình cũng tình tang báo có người gọi đến. Bình bấm tắt, nhìn Hà ái ngại rồi chỉ tay về phía cổng:
- Bình phải ra đón em. Hà cũng về đi, mai mình lên trường tìm sớm. Buổi sáng nhìn rõ hơn, chưa kể hết ca này trường đóng cửa luôn, Hà ra trễ bị nhốt lại... ngủ với ma đó.
- Làm gì có ma, Bình xạo quá đi...
Bình nhún vai sải từng bước dài phía trước, Hà cũng líu ríu theo sau. Dù biết Bình chỉ nói chơi thôi, nhưng khuôn mặt tỉnh như không của anh chàng làm Hà không khỏi thót tim, chiếc lá gan thỏ như đang run run theo. Đi được một quãng, khi hai đứa đã song song với nhau, Bình quay sang nhìn Hà, sắm một khuôn mặt nghiêm nghị kiểu anh hai, chau mày:
- Hà gan thiệt, đêm hôm dám vào trường một mình. Cũng may gặp Bình đó, không thì...
- Không thì sao? Hà giả bộ hếch mặt, dứ dứ nắm tay nhỏ xíu, nói cứng. Bình không biết thôi, Hà có võ đó. Mà hồi nãy Bình ở trong sân bóng làm gì vậy?
- Bình đón em. Hôm nay đi sớm quá, nên gửi xe vào trường dạo vài vòng chơi, tự nhiên gặp Hà. Cây viết chắc vẫn còn nằm đâu đó trong sân, không mất đâu. Ngày mai, Bình vô sớm tìm cho.
- Bình giỏi quá trời, chưa biết mặt mũi cây viết chì của Hà như thế nào vẫn tìm được.
- Ừ ha. Nó như thế nào vậy Hà?
- Thật ra nó chỉ là một cây viết chì...
Điện thoại của Bình lại tình tang ngắt lời Hà. Bình chắc lưỡi bấm tắt, ngượng ngùng ấn nó vào sâu trong túi quần.
- Bình đi trước nha, em Bình réo nãy giờ, sợ anh hai quên rước nên vậy đó. Mai hen!
Hà níu tay áo Bình, nhoẻn miệng thật tươi:
- Cám ơn Bình nha.
Hai cái răng thỏ ở “mặt tiền” hàm răng Bình lại được dịp khoe ra:
- Cám ơn suông không được đâu đó. Đợi tìm viết xong dẫn Bình đi ăn luôn hen. Mà Bình chỉ thắc mắc một điều thôi, Hà có võ gì vậy?
- Võ... chạy!
Hà nói nhanh rồi quay lưng rẽ bước, nghe phía sau tiếng Bình cười đuổi theo mình.
Nhưng chỉ vui chút ít đó thôi, về đến nhà, bốc máy điện thoại nghe Mai hỏi thăm cây viết chì, Hà lại đâm buồn.
- Vẫn chưa tìm được Mai ơi...
- Hà đừng lo, Mai sẽ viết thông báo, dán dọc theo lối đi sinh viên hay ra vào, dán lên bản tin Đoàn trường và bảng thông báo luôn. Thế nào cũng tìm được mà.
Hà ừ à không nói gì thêm. Nội dung bản thông báo của Mai như thế nào? Mọi người sẽ tìm kiếm, để ý giùm mình hay nghĩ có hai đứa con gái đang chơi nổi, làm chuyện khác thường muốn gây sự chú ý?

 
Y như Hà dự đoán, sinh viên ai cũng xì xầm khi đi ngang tờ giấy thông báo của Mai, có người lịch sự bụm miệng cười khúc khích, có đứa chẳng thèm ý tứ, phá ra cười như vừa đọc một mẩu truyện vui.
Vào đến lớp, cảnh tượng còn hỗn loạn hơn. Bạn bè đang tụm năm, tụm bảy chung quanh Mai, mắt chữ O, miệng chữ A “tra khảo” nội dung bất bình thường của tờ thông báo đang dán khắp nơi trong trường.
“Mất một cây bút chì gỗ cũ, sọc đen đỏ, không nhãn hiệu, dài khoảng 10cm, đầu cùn. Ai tìm được vui lòng liên lạc số điện thoại..., gặp Như Mai. Xin chân thành cảm ơn.”
Nội dung thông báo đơn giản, thật tình như câu chuyện vốn có của nó, nhưng có lẽ đối với mọi người, “vật thể” cần tìm kiếm lại quá đỗi bất thường, nhất là qua những câu chữ mô tả kĩ lưỡng của Mai! Chính vì lẽ đó, Hà không biết Mai làm sao “thoát” nổi hàng ngàn thắc mắc đang bủa quanh mình. Cầm thông báo trên tay, nếu không phải là “nạn nhân”, có lẽ Hà cũng sẽ nằm trong số đám bạn, ít nhất phải hỏi Mai một câu, như Hà nghe loáng thoáng có đứa vừa hỏi : “Mai ơi, dạo này có rớt môn nào hay đang stress chuyện gì không?” Hà biết chỉ cần Hà xông vào “giải vây” cho Mai là ổn, để rồi sau đó tất cả mũi dùi sẽ tập trung về Hà, tất cả câu hỏi dành cho Mai bây giờ sẽ là của Hà. Chắc Hà chết mất. Vậy mà phức tạp không chịu dừng lại ở đó, nó trèo lên cao hơn chút nữa khi vài phút sau, chị phó Bí thư Đoàn trường gõ cửa lớp. Cặp lông mày chị nhíu lại khi nhìn Mai:
- Em nghĩ bản tin Đoàn, bản thông báo và các cột hành lang trong trường là chỗ để đùa chơi hay sao? Từ đây đến hết tiết học, chị muốn mọi thứ như cũ, hoặc em sẽ mất 10 điểm thi đua về ý thức cá nhân.
Khuôn mặt Mai xám ngoét, có lẽ khi viết thông báo, nó chỉ nghĩ đơn giản tìm lại giùm Hà cây viết chì đã mất, nên không lường trước nổi mọi việc lại xảy ra theo chiều hướng xấu như thế này. Tâm trạng Hà không khá hơn bao nhiêu, hai tay vịn ghế rịn mồ hôi. Cuối cùng, những dấu chấm hỏi rối rắm bủa vây Mai cũng ùa sang rào chung quanh Hà khi Bình từ ngoài lớp hớt hải chạy vào với tờ thông báo cầm trên tay, kèm theo một “thông báo” khác “nóng” hơn, “vén màn bí mật”:
- Hà ơi, mô tả trong đây là cây bút chì Hà mất tối qua hay sao?
Mọi ánh mắt thoạt đầu từ Mai đổ dồn sang Bình rồi lại xoay ngoắt 180 độ về phía “nhân vật chính” thật sự. Hà cắn môi gật đầu, khổ sở giải thích với Bình, và với cả mọi người:
- Đây là cây viết chì kỉ niệm, nó rất quan trọng đối với Hà nên...
“Kỉ niệm gì vậy Hà, sao lại liên quan tới Mai?” “Không lẽ..., có Bình nữa kìa.” “Chắc vậy nên cây bút cũ quá trời vẫn đi tìm.” “Không phải, nhìn đâu giống!” “Đoán lung tung!” “Hèn chi từ đầu tới giờ Mai im lặng.” “Nhiều chuyện quá, nghe Hà nói là biết.”... Bàn tán. Nhao nhao. Xôn xao. Xầm xì. Hà đang chưa biết phải trả lời câu nào đầu tiên, đính chính chi tiết gì trước, bỗng ngỡ ngàng khi nghe giọng Bình lẫn trong đó, nhỏ nhưng rõ ràng, từng từ rớt ra cụt ngủn:
- Bình xin lỗi Hà...
Hai mắt Hà tròn xoe:
- Chuyện gì vậy Bình?
- Tối qua lúc Bình đi dạo trong trường, nhìn loanh quanh hứng chí đá tung mấy thứ trước mũi chân. Hình như... ngoài mấy viên sỏi, mấy cục đá nhỏ, còn có một khúc viết chì gỗ ngắn... ngáng chân Bình...
Hai mắt Hà vẫn tròn xoe, nhưng trong đó dường như đã bắt đầu có lửa. Cố giữ bình tĩnh, nhưng giọng Hà đã bắt đầu run run :
- Bình đá nó đi chỗ nào?
Bình liếm cặp môi khô rang, không dám nhìn Hà, cũng không nói gì thêm, cứ dán chặt mắt xuống nền nhà, mấy ngón tay hết gãi đầu gãi cổ lại khụt khịt trên mũi. Từng giây nặng nề trôi qua, Hà vẫn nhìn xoáy vào Bình, chờ đợi câu trả lời. Biết “câu giờ” trong trường hợp này là vô vọng, Bình ngập ngừng, từng tiếng bật ra khó nhọc:
- Mấy cái khác đá lung tung, không hiểu sao... mẩu viết chì đó... Bình lại hứng chí đá vô trong... sọt rác...
Mọi người ồ lên như đang thưởng thức đến đoạn phim gay cấn nhất, đây đó những tiếng cười lăn tăn rồi từ từ lan tỏa khắp lớp, chỉ mình Hà đứng chết trân. Tối qua trong ngẫm nghĩ, tiên liệu đâu có chi tiết này, giờ nó đột ngột xuất hiện, Hà phản ứng không kịp. Sau vài phút làm “Từ Hải”, Hà quệt những giọt nước mắt tủi giận đang bắt đầu rơi, xoay lưng bước ra khỏi lớp. Mai chạy theo níu vai Hà, giọng cũng rơm rớm:
- Hà... Mai xin lỗi... Hà định đi đâu vậy?
- Ra sọt rác tìm - Hà nói như người mộng du.
- Nhưng tờ mờ sáng người ta đã đổ hết lượt rác tối qua rồi.
- Cây bút chì vẫn còn nằm trong xe rác.
- Trên xe là rác của cả con đường này, đâu phải chỉ có trường mình. Hà định tìm nó trong một núi rác hay sao?
- Bình nghĩ tìm được.
Hai đứa con gái cùng ngẩng lên nhìn “chân sút” Bình một lượt, chia nhau bịch khăn giấy, sụt sùi thấm quanh mi. Mỗi đứa khóc vì một lí do khác nhau nhưng ai cũng nước mắt ngắn dài, đón nhận câu nói của Bình như một lời an ủi gần gần với vô vọng.
- Ba đứa mình sẽ cùng lục rác hả Bình?
- Không phải. - Bình xua tay lia lịa. - Mỗi ngày trước khi đổ rác, người ta sẽ tìm trong sọt những thứ còn xài được hoặc bán được để riêng ra. Cây viết chì của Hà không nằm trong một núi rác đâu, nó ở trong một bao những thứ trích lọc từ rác thôi.
- Bình nói thiệt không?
- Thiệt trăm phần trăm. Mình chỉ việc đuổi theo chiếc xe rác, tìm người lấy rác sáng nay xin tìm lại cây viết chì là xong.
- Biết chiếc xe rác sáng nay đi đường nào?
- Mình hỏi thăm được mà, mỗi xe rác đều có lộ trình qui định hết. Đến trưa, tất cả các xe ở quận mình sẽ tập trung tại nhà máy xử lí rác khu vực. Bây giờ mình chia hai nhóm. Bình sẽ đi tìm chiếc xe rác đó. Chắc nó chưa đi xa đâu.
- Còn Mai sẽ đến nhà máy xử lí rác đợi.
Kế hoạch Bình vừa vạch ra mở một hướng đi mới để Hà có thể gặp lại kỉ vật của mình. Cả Bình và Mai đều áy náy vì đã vô tình góp tay làm mất nó, nên ai cũng xông xáo thực hiện ngay, chỉ mỗi mình Hà lúc này lại... Phân vân. Chần chừ. Do dự. Kế hoạch không phải không khả thi, nhưng vất vả quá. Cũng chẳng phải ai đã cố tình làm mất, Hà không nỡ bắt các bạn người phải chạy tìm xe rác, kẻ đứng đợi khu tập trung rác, chỉ vì một cây viết chì cũ, với Hà là kỉ niệm đẹp nhưng với các bạn đâu phải. Điều đó ích kỉ và hẹp hòi quá chừng. Hà lắc đầu nguầy nguậy:
- Hà không muốn tìm nữa đâu. Bỏ đi. Nó cũ xì rồi...
Bình dứt khoát hơn, ấn Hà ngồi xuống ghế đá:
- Hà làm vậy Bình với Mai sẽ thấy... đau bụng lắm đó.
- Sao đau?
- Bị lương tâm... cắn.
Bình vừa nói vừa xoa tay lên bụng, mặt nhăn nhăn, hai mắt nheo lại. Nhìn bộ dạng đó, Hà đang căng thẳng cũng không nhịn được cười. Bình chém tay trong không khí:
- Quyết định cuối cùng nè, Hà đợi với Mai. Bình đi tìm một mình cho nhanh. Yes hay no?
- Dĩ nhiên là yes rồi. Mai vừa nói vừa kéo tay Hà ra bãi giữ xe, không cho Hà thay đổi ý kiến gì khác nữa.
Hóa ra nhà máy xử lí rác khu vực không gần như Hà nghĩ, thêm phần mù mờ đường đi, hai đứa con gái dò dẫm một hồi mới đến nơi. Trưa nắng chang chang, xe rác khắp nơi bắt đầu kéo về. Từng chiếc xe đầy ứ rác sực mùi chua ẩm ì ạch qua cổng. Những chiếc xe rác chạy bằng máy, nghe động cơ rền rĩ mệt mỏi, nhưng vẫn khá hơn những chiếc xe rác dạng xe ba gác đạp, người công nhân phải gắng sức kéo từ phía trước hay đẩy từ phía sau, từng bước đi khó nhọc, nặng nề. Trong số đó đàn ông có, đàn bà có, trạc tuổi Hà cũng nhiều, không ít người đầu trần, chân đất, họ cứ đi, cứ đẩy, cứ đạp như vậy suốt quãng đường dài sao? Hà nghe mũi hơi cay cay, không dám ngoảnh nhìn sang Mai. Chú bảo vệ thấy hai đứa con gái nhỏ xíu đứng lóng ngóng ngoài nắng, gọi Hà và Mai vào ô gác ngồi chờ. Các công nhân ở đây chú biết mặt hết, đúng người tới chú kêu. Theo cách chú nói chuyện, hình như Mai và Hà không phải là “mấy đứa nhỏ” đầu tiên đến đây đứng ngó tìm dáo dác thế này. Ngồi trong phòng bảo vệ, nhìn tấm bảng chữ nhật treo trên tường ghi lời chúc mừng ngày sinh nhật trong tháng của các công nhân, vài dòng tuyên dương thành tích tốt trong tuần, tự dưng Hà lại cảm thấy ấm lòng. Con gái nhiều lúc nhạy cảm quá... Thôi, không suy nghĩ mông lung nữa. Điện thoại trong túi Hà đang réo rắt nãy giờ nè. Bình gọi.
- Đội B nghe rõ trả lời, tìm ra người lấy rác chưa?
- Chưa. Đội B đang ngồi mát, ăn bánh qui chú bảo vệ cho. - Hà khoe. Đội A tìm ra xe rác chưa?
- Chưa luôn. Đội A cũng đang uống nước sâm lấy sức, nãy giờ hỏi thăm người ta khô cổ họng nè. Hình như... Bình thấy rồi! Thấy rồi Hà ơi!
Bình gọi đến và tắt máy nhanh y hệt nhau, Hà chưa kịp hỏi thêm gì, vừa định bấm số gọi lại đã thấy tin nhắn của Bình. Hà cười tươi rói, bật sáng màn hình đưa Mai xem:
- Đi thôi Mai, Bình tìm được rồi! Địa chỉ nè.
* * *
Điểm “tập kết” của hai đội không xa nhà máy rác khu vực lắm, có lẽ người lấy rác ở trường cũng đang trên đường đến đây. Như những người công nhân khác, chú Lai, Bình gọi vậy, cũng mang vẻ lam lũ gió sương, chiếc áo vải vấy bẩn đen nhàu nhĩ hơi quá khổ so với cái lưng cong nhỏ gầy của chú, gương mặt sạm nắng nhễu nhại mồ hôi, những đường nét chảy xệ, khắc khổ. Chú kéo cái bao bố to dài bên hông xe rác xuống, ngoắc ba đứa lại:
- Đổ ra kiếm thử. Tui nhiều khi lẫn, không nhớ hết mình moi được gì đâu.
Bình hình như chỉ chờ có vậy, lao vào sục sạo trong mớ vỏ lon bia, nước ngọt, bao ni lông... Hà và Mai cũng hăng hái nhập cuộc. Mùi rác xú uế vương vất trong bao dường như không còn đáng bận tâm đối với cả ba đứa lúc này. Chú Lai ngồi nhìn một lát cũng xắn tay áo phụ Hà, dù vẫn không ngớt thắc mắc sao lại phải tìm... một cây viết chì cũ. Mười. Mười lăm. Hai mươi phút trôi qua. Nắng trưa vẫn gay gắt trên đầu. Mọi thứ trong bao đã được bốn người lục tung, nhưng không có đến một cây bút bi hết mực, nói chi là bút chì. Khuôn mặt từng đứa lộ rõ vẻ thất vọng tràn trề, mồ hôi lăn tròn từng giọt. Chợt chú Lai vỗ tay lên đùi đánh tét:
- Bữa nay đồ nhiều, tui còn gom vô được thêm một bịch nhỏ nữa. Để lấy tìm thử.
Nhận bịch ni lông từ tay chú Lai, ba đứa như nhận thêm một hi vọng mới. Vừa đổ hết đồ trong bịch ra, Bình đã reo vang, mừng rỡ:
- Nó kìa Hà ơi! Đúng rồi! Đây nè!
Theo tay Bình chỉ, Mai và Hà dạt mớ nắp chai sang bên, trong bụng cũng khấp khởi mừng thầm. A! Bút chì! Bút chì của Hà! Hà mừng quýnh, chộp lên xem nhưng... Đây không phải là cây bút chì Hà đã mất! Một cây bút chì bấm nhỏ vỏ trang trí kiểu giả gỗ, đầu bấm bị hư, chỉ còn mấy cái ngòi chì để sẵn bên trong. Có lẽ vì vậy chủ nhân của nó đã vứt không tiếc tay. Vậy là hi vọng nhỏ nhoi cuối cùng cũng đã tan tành. Cả ba đứa ngồi thừ ra một lúc rồi mới lục đục phụ chú Lai gom lại đồ đạc, đứa nào cũng thẫn thờ đến mức suýt quên cám ơn chú.
Mai và Bình mặt buồn xo. Mai cứ nhìn xuống những ngón tay mình đang đan vào nhau ngượng ngùng, bối rối. Bình hết gãi đầu lại khụt khịt mũi, y hệt lúc “khai báo” với Hà đã lỡ chân “tống tiễn” cây bút chì Hà yêu dấu vào sọt rác. Hà thở hắt ra, nghiêm nghiêm vẻ mặt, nói gọn lỏn:
- Hai bạn đền đi!
- Hà muốn gì cũng được, miễn đừng giận Mai với Bình thôi...
- Một chầu kem trên tòa nhà 33 tầng, bù đắp về mặt tinh thần. Thi hành tức thì!
Mai cắn môi ngó Bình. Bình kịp nhìn thấy hai khóe miệng Hà nhoẻn lên thật nhanh, rụt rè giơ tay phát biểu ý kiến:
- Có thể... “giảm án” một chút hông?
Hà cười tươi khoe cả hàm răng. Giảm hai ba chút cũng được. Một cây viết chì cũ đổi lấy một chầu kem, dù ở đâu chăng nữa, ngẫm tính Hà vẫn được nhiều hơn mất đó chứ. Và Hà biết, mình “được” nhiều hơn một chầu kem nữa...
Mà cây viết chì đâu có mất. Nó được cất giấu ở một nơi rất kĩ, rất sâu. Trong lòng Hà nè. Mãi mãi...
Hết
Chu Nguyễn Nhật Quỳnh



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 739

Return to top