Mây bay trên đầu và nắng trên vai
Nghiêm Lương Thành
Đã sáu rưỡi tối. Triệu khoá cửa phòng làm việc, sách cặp ra về. Bước xuống sảnh lớn của cơ quan, đã thấy một chậu đào to tướng, có dễ phải cao đến ba mét. Khắp các cành to cành nhỏ, nhằng nhịt những sợi trang kim xanh đỏ và các thứ quả, lẵng, gói nhỏ, đèn lồng, chuông, khánh, nơ, đăng ten ... treo nhũng nhẵng la liệt. Đúng là một thứ văn hoá lẩu mắm – Triệu thầm nghĩ - Nói, thì lại bảo là hay xét nét. Thôi, miễn đừng có ai cho vanilla vào món cháo lòng là được.
Đánh vèo một cái, thế là lại hết một năm. Chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa là sang năm mới. Thời gian gớm thật - Triệu nghĩ - vừa mới đấy mà mình đã ngoài năm mươi rồi. Con cái thì vẫn còn nhỏ dại, nhà cửa thì trông chẳng khác gì cái hố rác. Cuối năm tới, phải cố xây lấy cái nhà tử tế cho vợ con đỡ tủi với bạn bè. Ơn phật, được cái, cô vợ béo ịch của mình, tiếng là xoe xoé suốt ngày thế thôi, chứ chưa bao giờ so sánh chồng mình với chồng người và cũng chưa bao giờ chê bai chồng mình là kẻ đần nghệch, không biết đường kiếm tiền, chẳng biết cách giao lưu sâu sắc với các sếp.
Có lẽ thần kinh của Triệu có vấn đề thật. Ngày trước, ngay cả những lúc tiền không bén túi, gã chưa bao giờ có mặc cảm vì mình là kẻ nghèo túng; thậm chí, khi mới tốt nghiệp đại học, gã còn nghĩ mình là người ít nhiều có tư chất cao quý và thường duy trì một khuôn mặt ngưỡng thiên mỗi khi đi ra khỏi nhà. Điều này có thể hoàn toàn thông cảm được, bởi đó là thường tật của tuổi trẻ, sự ngộ nhận tức thời của một gã trai mới ngoài hai mươi tuổi đầu, đôi mắt trong veo ngạo mạn luôn cả gan cười cợt cái chân lý "Có tiền mua tiên cũng được".
Thế rồi, thời gian trôi đi, lẽ tự nhiên vốn hết mưa thì đến nắng, và con thuyền cuộc đời Triệu đã đi qua khúc ngoặt hiểm trở, dương buồm đón gió dong thẳng vào khúc sông êm ả bằng lặng, rộng rãi và trù phú. Hồi đầu năm ngoái, sau một hồi đấu đá khá quyết liệt của mấy sếp, không hiểu thế nào, bỗng dưng thấy mấy sếp đó cùng cầm tay nhau "hạ cánh khẩn cấp" và Triệu - vốn chỉ là một trưởng phòng kỹ thuật quèn - nhận được cái Quyết định bổ nhiệm làm giám đốc công ty. Tuy chỉ là công ty cấp thấp, nhưng điều này đã làm gã bị sốc thực sự. Gã sốc không phải bởi "Tốc hỷ lâm môn" mà bởi gã chưa hề sẵn sàng đón nhận; bởi trước đó, gã chỉ cắm cúi làm việc như bất cứ công chức tử tế nào, đơn giản chỉ là để khỏi phải xấu hổ khi chìa tay ra nhận đồng lương cuối tháng từ tay bà thủ quỹ oai phong như nhân viên văn thư phường.
Sinh ra ở xứ đồng chiêm mênh mang nước bạc, lớn lên nhờ củ giong củ ráy và tiếng sáo trúc ngân nga bay bổng lưng tầng trời xanh, nên đầu óc gã cũng có phần nào thênh thang, mướt mát. Với một cơ sở hạ tầng triết học như vậy, gã không hề để tâm quen biết, cũng chẳng xách túi rượu ngoại đi lại thành khẩn trung trinh với "sếp nhớn" nào; Nghĩa là không được xếp vào hàng ngũ đông đảo của những bậc "quân tử tuỳ thời mà thông biến". Vậy, sốc là phải ! Nhưng nghĩ lắm làm gì cho nó chóng chết, bởi cái ông Tạo kia vốn cũng đa sự lắm, chỉ thích bày đặt ra những trò trái khoáy trêu ngươi.
Gã cả gan "kháng chỉ", phăm phăm đem tờ quyết định trả lại phòng tổ chức Tổng công ty. Phòng tổ chức tổng công ty lại cho người đưa xuống. Gã lại gặp thư ký công đoàn của Tổng công ty nhờ hậu thuẫn thì thư ký công đoàn cũng kiên quyết không ủng hộ. Bức xúc quá, gã lên gặp thẳng ngài Tổng giám đốc thì liền bị ngài "nâng quan điểm". Đã thế, nhận thì nhận ! Sợ chó gì cái nghề giám đốc ! Người ta cứ nhất định dúi cờ vào tay gã thì gã phất, phất thật lực; cố mà phất cho đẹp, cho hào hùng.
*
Thực tế, gã không phải là hạng suất sắc, nhưng cũng chẳng bị ai chê là dốt bao giờ, nghĩa là cũng như phần lớn trong số những kẻ đồng hạng. Gã thừa hiểu rằng cứ vận hành công ty một cách thẳng băng, trong sáng thì công ty sẽ đi đến chỗ phá sản, sẽ đắc tội với anh em dưới quyền. Còn ngược lại, sẽ đắc tội với công cộng ! Mà có doanh nghiệp nào dám không làm sai không ? Suy đi tính lại, gã có làm cho gã đâu ?
Vậy là, điều đầu tiên, sau khi nhận bàn giao, gã nghĩ ngay đến Nhân, thằng bạn cùng học, nghèo khó và ranh như cáo, đã từng sát cánh, cùng gã vật lộn trong các cuộc kiếm cơm bèo bọt trên cái khúc sông quanh co nhọc nhằn vừa qua. Thời buổi này, không khôn ranh để tạo công ăn việc làm cho anh em thì chỉ còn nước ... kính chuyển Bồ tát giải quyết ! Chẳng gì cũng được tiếng khi phú quý không quên bạn thuở hàn vi mà lại còn được Nhân bổ sung một cách hoàn hảo cho những khoảng trống kỹ năng thời tục đang thiếu hụt nghiêm trọng trong gã.
Quả thật là Nhân đã rất được việc. Nhân chạy đôn chạy đáo, chạy đi chạy lại như một con thoi giữa công ty và các cơ quan liên quan. Với bộ sưu tập tinh tuyển các kiểu cười đã được ghi vào bộ nhớ trong đầu không rõ tự bao giờ, cộng với cách sử dụng thành thạo đôi bàn tay như một nghệ sỹ công huân kịch câm, khi xoa vào với nhau khiêm cung cảm động, khi nắm chắc lại đanh thép trung trinh, lúc chém trong không khí hùng hồn cảm khái ... và với đẳng cấp cao trong dòng văn hoá "bì thơ" đang say xưa cuộn trào trong cõi nhân gian, Nhân đã rất thành công trong việc xây dựng các mối quan hệ, các liên minh chiến lược, chiến thuật, cùng Triệu đưa về cho công ty hết gói thầu này đến gói thầu khác. Nhân đã thành "người nhà" của nhiều bộ ngành, nhiều tổng công ty và nhiều ngân hàng lớn, luôn bổ sung kịp thời nguồn vồn cho công ty và làm cho công ty nổi như cồn với kỳ tích luôn luôn đạt tiến độ thi công ghi trong thiết kế và hợp đồng trao thầu.
Vả lại, hắn là người cũng rất biết điều, luôn biết cách chăm lo và đối sử với xếp sao cho phải. Cái chữ "phải", đố có tìm thấy sách nào dạy, nhưng người ta đã phải học từ cách đây nhiều ngàn năm, vậy mà có phải ai cũng học được đâu ! Mới chiều nay, ở cơ quan, Nhân bước vào phòng Triệu, nụ cười nhăn nhở nở toác ra từ cái miệng trông như móm trên cái bản mặt trông như gẫy, đưa cho Lợi một chiếc phong bì mỏng teo: "Tôi đã chuẩn bị tiền Tết cho anh em trong cơ quan và chúc mừng năm mới cho các đơn vị liên quan như đã thống nhất với ông. Đây là phần của ông. Thành thật xin lỗi vì công việc cập rập quá !".
"Đại táo" là bếp dành cho đại bình dân. Thời buổi bây giờ, phong bì mỏng mới là nhã, là tinh. Triệu bỏ cái "bì thơ" vào ngăn kéo, mỉm cười hài lòng: "Cảm ơn sự hỗ trợ của ông trong công việc. Nhưng đừng làm cái gì quá, để anh em người ta kêu là không được đâu !".
Hồi đầu mới nhận cái chức giám đốc này, Triệu vẫn giữ cái nếp chỉ chăm chăm vào công việc, miễn sao cho bạn bè, người quen và các cấp trên khỏi đánh giá là người kém cỏi, hoặc vô trách nhiệm. Thấy vậy, Nhân bảo: Chả nhẽ ông cứ để vợ con ông phải sống lay lắt mãi như thế. Người ta sẽ cười vào mũi và gọi ông là thằng cám hấp cố chấp, chẳng ai muốn quan hệ, không ai dám hợp tác. Nào, thử nghĩ xem, nếu ông trong sáng thì ông sẽ được gì ? Ông: được tiếng trong sáng, vâng, cái ánh trong của nước lã ! Vợ ông: mặt lúc nào cũng khó đăm đăm, đi qua cửa hiệu mỹ phẩm phải quay mặt đi, còn đầu thì nóng lên vì phải tính toán cân nhắc đến từng nửa ngàn mỗi khi đi chợ. Các con ông: Mỗi ngày phải cuốc bộ ngót chục cây số, lưng oằn xuống, khốn khổ với cái cặp sách cải cách để đến trường và về nhà. Cả gia đình ông: Biết bao giờ mới có một ngôi nhà bình thường để sống cho ra hồn con người bình thường ? Ông tưởng là ông còn sống lâu lắm à, có được nổi hai giáp nữa không ? Ông làm thế, về lý thuyết, đồng ý là người tốt, nhưng xã hội được gì ? Một que diêm cỏn con, nhiệt độ thì cao đấy, nhưng có đủ nhiệt lượng để đun sôi một thìa nước không ?! Nếu ông trong sáng thì, chí ít, ngày lễ ngày tết, rồi đến cuối năm sẽ chẳng có gì để chúc tết các sếp và lập tức lâm vào tình trạng chẳng giống ai. Điều này có nghĩa là, không chóng thì chày, ông sẽ nhận được câu nhận xét từ các phía trên: "Năng lực rất kém !". Bạn bè, đồng nghiệp, nào ai biết đấy là đâu. Tiếp theo là cái gì thì ông biết rồi. Cái ghế của ông lúc nào cũng có ba vạn chín nghìn thằng thường trực mơ tưởng ! Mà chúng nó thì "kinh doanh", “quy hoạch” náo nhiệt, dữ dằn lắm, chứ không như ông tưởng. Bấy giờ, những việc ông tránh làm, thằng thay ông nó sẽ làm, thậm chí còn làm tàn bạo; thiệt hại cho nhà nước còn cao hơn ! Và trên thực tế, nói đến cùng, xin lỗi, thực ra ông là kẻ chỉ có trong mà không có sáng !
Mà nghĩ cho hết nhẽ, Triệu đâu có phải là thủ tướng thủ tiếc gì cho cam, gã chỉ là một "vĩ tướng" siêu mọn mà thôi. “Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân”. Những lời của Nhân, ít nhiều có phần chí tình, tuy đầy nghịch lý; và, oái oăm thay, cái nghịch lý ấy lại dường như thuận thời lý ! Vậy là Triệu tặc lưỡi, tự nguyện, rón rén, đứng nép mình vào hàng cuối trong đội ngũ của những kẻ sáng dạ và thuận thời lý đó.
*
Thành thật xin lỗi vì những điều lang bang, chẳng ăn nhập gì với câu chuyện. Hãy trở lại không khí ngày tết.
Vào giờ trước giao thừa, từ lâu, Triệu có cái thú đi lang thang ngắm nhìn thiên hạ náo nức đón xuân, xem đốt pháo và dừng chân bên bờ hồ Gươm, ngửa mặt lên mà nhìn trời, mà hít căng lồng ngực cho đến no nê làn không khí xuân tươi mới trong lành. Năm nay các con của Triệu cũng đã cứng cáp. Gã muốn được đi du xuân cùng vợ và các con. Nhưng khi nhìn đến thì chúng đã - đứa nằm xuôi, đứa gác ngược - nhắm tít mắt tự lúc nào rồi. Gã ngắm hai đứa con đang ngủ mê mệt mà trong lòng bỗng rưng rưng dâng lên một nỗi thương cảm của người cha: Khổ thân, bằng ấy tuổi đầu mà chưa hề biết chơi bi, đánh đáo, đánh chuyền, vầy vọc đất cát là gì. Học, học và học ... đến nỗi, xểnh ra được mấy ngày nghỉ tết là lăn ra ngủ, ngủ như chưa bao giờ được ngủ ! Gã quay sang vợ, ướm hỏi:
- Hay là ... tôi với mình đi chơi giao thừa đi !
- Vẽ ! Cứ làm như còn trẻ trung lắm ấy. Phố xá thì toàn những người là người, có gì mà chơi !
Sực nhớ lại một bài viết vừa đọc được trong tạp chí Hạnh phúc gia đình hôm trước, thị cảm thấy câu trả lời của mình có cái gì đấy thực dụng đến hơi ... thô bạo; Cần phải đưa ra một dấu hiệu cảm thông với phần hồn nhậy cảm của chồng và nhân thể thông báo rằng cái chất lãng mạn của thị vẫn còn nguyên đấy:
- Mà thôi, quanh năm vất vả, cả năm có một tý giao thừa ... mình cứ đi đi, em còn phải làm thịt con gà cho kịp cúng giao thừa đã.
Thấy gã còn dùng dằng chưa nỡ, thị, tay cầm con dao, tay xách cánh con gà sống choai, nghiêng mặt mỉm cười, nhẹ liếc xéo một cái:
- Thôi, lại còn làm khách nữa cơ đấy ! Mình đi đi, không em lại đổi ý bây giờ !
Triệu bước ra khỏi nhà, liền thấy đèn đóm sáng trưng, hoa giăng đầy phố, xe cộ đan nhau, quần áo muôn màu, trai thanh gái sắc, thích cánh chen vai, con trẻ nô đùa, xe hơi êm ái, giai nhân êm đềm, hương xuân sực nức ... thì thấy trong lòng rất là khuây khoả. Đi hết dãy phố, qua một ngã tư rộng, gã đã đến đầu phố tiếp theo. Từ ngã tư này, gã vô tình nhìn chéo sang bên kia đường, liền nhận ra cái chỗ trước kia là một dãy nhà tập thể lụp xụp của một cơ quan nào đó, nay đã là một dãy những ngôi nhà ống hun hút bốn năm tầng cao, tháp nhọn tháp tròn, nguy nga ngất ngưởng. Thế mới biết thiên hạ tài ba mà kín đáo làm sao - Gã nghĩ và không khỏi phân vân, thán phục - Chẳng gì, dù là quẻn quèn quèn, thì mình cũng là giám đốc một doanh nghiệp "mậu dịch" có thâm niên đến mấy năm, cũng có điều kiện nhặt nhạnh hơn khối kẻ dân thường tay bo, vậy mà ky cóp hạt bột, bóp mồm bóp miệng mãi, nếu sang năm làm nhà thì cũng còn phải đi vay la liệt. Ấy thế mà cái đám công chức rúm ró khốn khổ, chân cẳng tong teo, mắt trố mồm giô, may ô lỗ rỗ, chui ra chui vào như cua đồng ếch ộp trong cái dãy bị lạm dụng gọi là nhà ấy, chỉ chờ nhận được tờ giấy bán hoá giá một cái là tức thì, tất thẳy đồng khởi, vươn mình Phù Đổng, đổi mới phi thường luôn !
Hè phố quãng này hơi chật, gã xoải chân bước xuống lòng đường. Có ai đấy, đạp xe vội vã, cành đào sắm muộn buộc phía sau xe quệt nhẹ phải vai gã, vương lại mấy cánh hoa phớt hồng phía trên mép túi ngực. Hai thiếu nữ đi ngược chiều trông thấy mấy cánh hoa đậu trên miệng túi áo của gã thì khúc khích, nghịch ngợm chỉ trỏ: "Ôi, thế mới lãng mạn chứ !". Gã bật cười theo và thấy niềm vui đã trở lại, không thiếu một ly mà có phần còn trong trẻo hơn cả lúc trước.
Nhà nào cửa cũng mở toang. Từ ngoài đường nhìn vào gã có thể thấy tất cả những gì họ làm để đón xuân và đón khách trong những căn buồng mặt tiền. Vẫn là công thức truyền thống: Cành đào, chậu quất, có nhà còn có cả chậu mai trắng, rồi đèn nến, câu đối đỏ, bánh chưng xanh, chai rượu, ngũ quả, hương khói, khăn trải bàn, hộp mứt, âu trầu ... nhưng gã cứ nhìn mãi, không biết chán. Theo hướng hồ Gươm, gã đi cả vài cây số, vừa đi vừa quan sát vừa ngắm nghía và, trong thâm tâm, cố tìm xem có bao nhiêu khuôn mặt cau có để thử làm một phép thống kê đơn giản. Nhưng gã đã uổng công: phép chia phần trăm, xét trên khía cạnh toán học, vẫn có nghĩa, nhưng trị số lại là một con số không màu hồng. Bỗng gã nghe thấy tiếng gì đó, quen lắm ... A, phải rồi: Tiếng pháo ! tiếng pháo nổ ở đâu đó, đích thị là nó: Tạch tạch ... tạch tạch đùng tạch tạch ... Đốt pháo a ? Có lệnh cấm nhiều năm nay rồi mà; nhà nào lại dám coi thường chủ trương của nhà nước như thế ? Ngông cuồng, ngông cuồng quá ... ! Ôi, nhưng khuôn mặt gã chợt đỏ rần lên trong ánh điện: Không phải ! Từ phía phố Hàm long, mấy đứa trẻ con trạc trên dưới mười tuổi, túm tụm đi với nhau, trên tay một đứa là cái cátxét. Tiếng nổ vui vẻ vẫn không ngừng phát ra từ cái vật ấy, làm khối người đi đường phải quay đầu ngoảnh lại, lắc đầu vui vẻ. Một cụ già, đầu đội mũ phớt dạ xám rộng vành, khoác trên người một cái măng tô cũng bằng dạ đã cũ lắm, tay chống lọc cọc chiếc can có tay nắm bằng sừng, đi ngược chiều và qua cặp kính dày cộp, nhận ra nét mặt băn khoăn của gã: "Thưa - cụ chìa tay về phía có tiếng "pháo điện tử" - thế cũng vui ông ạ. Méo mó có hơn không. Giá thử có chút mùi diêm sinh nữa, chậc ... cái mùi tết ấy nhỉ, thì cũng kể như gần giống ngày xưa !". Rồi ông ngoái lại, nhìn lũ trẻ đang đi xa dần về phía phố Ngô Thì Nhậm, miệng cứ lẩm bẩm: "Thương quá, thương quá !". Ôi, người già thường hay xúc động quá mức đấy mà. Nếu về nông thôn, chắc cụ phải khóc mất ! Mà nông thôn thì rộng lớn thế, nước mắt nào cho đủ ? Triệu cười, tặc lưỡi, rồi lại đi tiếp.
Xa hơn, vẫn còn một dãy bàn của mấy nhà ai đó kê ra trước cửa bán hàng tết. Chắc là họ tranh thủ bán cố trước giờ giao thừa. Thế mà cũng có khối người mua. Thiên hạ bây giờ bận bịu thật. Đến gần, Triệu nhận ra ở đó có hai bàn bánh chưng, một bàn giò chả thịt quay, một bàn bán xôi cúng và mấy bàn bán bóng bay, túi lì xì. Cách đó mấy bước, trước cửa một văn phòng giao dịch thương mại đã đóng cửa nghỉ tết, gã nhận ra, khuất trong bóng tối của một gốc cây xà cừ lớn là hai đứa bé rách rưới, tiều tuỵ. Thằng anh, vai đeo một cái hộp kính nhỏ; phía trong hộp chỏng trơ mấy phong kẹo cao su, mấy thỏi kẹo hoa quả và mấy bao thuốc lá bóc dở; nó đứng ngẩn người, đôi mắt đen thẳm đang nhìn chăm chắm vào cái bàn xếp ngồn ngộn những bánh chưng, không hề biết là gã đang quan sát chúng. Trời rét căm căm, cái áo vi ni lông mỏng dính không giúp được gì cho nó lắm. Thỉnh thoảng, một đợt gió ùa tới, khiến đôi vai còm nhom, mỏng dính của nó bất giác xo lại cùng với mẩu vải bị rách phía bả vai cứ chìa ra, phất phơ như một cánh bướm ma. Con em gái, cũng lem luốc, bù xù, hốc hác như thằng anh; nếu có khác là khác ở cái áo nó mặc có vẻ dày dặn hơn và ấm hơn. Hình như nó bị tật nguyền ở chân. Nó ngồi trên một mảnh gỗ hình chữ nhật, bốn góc của mảnh gỗ là bốn cái vòng bi cũ, một sợi giây dù buộc luồn vào cái lỗ khoét ở mảnh gỗ, đầu kia của sợi giây đang nằm trong tay anh nó. Con em cầm lấy sợi giây, giật giật, mếu máo:
- Anh ơi !
Thằng anh quay lại:
- Gì ?
- Em đói lắm !
Nó ngồi thụp xuống bên em:
- Ừ, anh quên mất.
Rồi nó móc ở túi áo ra một mẩu bánh mì nham nhở, thong thả xé từng miếng nhỏ bón cho em.
- Anh ơi, anh cũng ăn đi.
- Anh còn no lắm.
-Ứ, anh đói thì có. Từ sáng đến giờ anh toàn uống nước lã !
- Anh no thật mà. Thôi, em ăn đi. Hết chỗ này, chắc em vẫn còn đói đấy - Thằng anh đưa bàn tay lem luốc, dịu dàng vuốt tóc con em, vỗ về - Ngoan, rồi lúc nào có tiền, anh mua cho quả bóng bay màu hồng.
Con em nhất định không ăn nữa, phụng phịu quay mặt đi. Thằng anh đành phải véo một mẩu nhỏ, cho vào miệng, vờ ngồm ngoàm, con em mới chịu ăn tiếp.
- Mấy hôm nay chẳng thấy ai mua cái gì cho mình cả.
- Chắc là tại tết đấy. Thế lấy gì mà ăn hả anh ?
- Ừ, để anh nghĩ ... Mà có khi phải chuyển sang ngành đánh giầy thôi, chó con ạ !
- Vâng, cũng được - Con em đáp, vẻ yên lòng hiện rõ trên ánh mắt.
Chợt nhận thấy Triệu đang đứng nhìn chăm chú thì con em có vẻ sợ, liền dáo dác giật áo thằng anh: "Anh ơi đi đi !". Thằng anh quay lại, thấy Triệu, liền nhoẻn miệng: "Bác ơi, bác có mua thuốc lá không ?". Triệu không hút thuốc, nhưng gã đã nghe thấy hết. Gã đưa tay lên móc túi ngực, làm mấy cánh hoa đào màu hồng nhạt rớt xuống trước mặt con bé. Con bé rón rén, gượng nhẹ nhặt từng cánh lên, cẩn thận bỏ vào lòng bàn tay, cặp môi xinh xắn của nó khẽ reo lên, trầm trồ như bất ngờ gặp một kỳ quan: "Anh ơi, cánh đào !".
Gã lấy ra hai tờ giấy năm nghìn đưa cho thằng anh:
- Bác cho hai anh em này.
Thằng bé, sau một thoáng ngỡ ngàng rồi hiểu ra, nó nhìn chăm chăm vào mặt gã cứ như thể gã không phải là giống người vậy:
- Cháu không lấy !
- Sao lại thế ? - gã ngạc nhiên.
- Cháu đi bán thuốc lá chứ có phải đi ăn xin đâu ! - Thằng bé mặt lạnh tanh, xoay ngoắt người ra phía đường.
- Ăn xin cũng lương thiện chứ ?
- Cũng có cả ăn xin lưu manh đấy !
Thì ra thế. Gã cũng đã từng gặp một thằng bé tương tự ở một quán bia.
- Vậy bán cho bác một bao đi.
- Bây giờ cháu lại không bán.
- Sao thế ?
- Trông kỹ, bác không phải là người hút thuốc !
Sau đó, dường như không để ý đến Triệu, thằng bé chỉnh đốn lại cái cửa hiệu (cái hộp thuốc lá) của nó, hất hàm về phía con bé: "Chú ý, khởi hành !". Và dứt khoát kéo cái tấm gỗ đưa con em đi, đôi vai ngúc ngoắc, cái đầu nghênh nghênh, ngang tàng lãng tử. Rồi, từ cái miệng non nớt của nó, nghêu ngao một câu hát nghe quen quen:
Mây bay trên đầu và nắng trên vai
Đôi chân ta đi sông còn ở lại
Con tim yêu thương vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người ...[1]
Trên tay vẫn cầm hai tờ giấy năm nghìn, Triệu đứng như hoá đá, nhìn theo. Con bé, đầu lắc lư theo nhịp xe khấp khểnh, đôi bàn tay vẫn khư khư ấp lấy mấy cánh đào, thỉnh thoảng quay đầu lại, nhìn gã bằng khuôn mặt nhem nhuốc có đôi mắt to đen láy và một mẩu vụn bánh vẫn còn vương bên khoé môi non tơ.
Bóng dáng của hai đứa bé lẫn dần vào dòng người tưng bừng muôn sắc, lúc ẩn lúc hiện, lãng đãng xa dần, xa dần ...
Hai tiếng Con người, buông giữa không gian nơi kẻ chợ tân thời mà sao lại trong trẻo như tiếng chuông chùa làng quê, ngân nga da diết, khắc khoải ngẹn ngào ...
Từ nơi khoé mắt gã, đã lâu lắm rồi, lại ứa ta hai giọt nước trong trẻo ấm lành ...
Chú thích:
[1] Trịnh Công Sơn
Tháng 01 năm 2008