Chiều xuống, ánh nắng nhạt dần. Đoan Hảo đưa bà Thảo Trúc đi dạo trong khu vườn nhà.
Một lúc sau, hai người ngồi nghỉ trên chiếc ghế băng dưới gốc cây sứ. Đoan Hảo ngước mắt nhìn lên những cánh hoa sứ nở xòe ra trắng mịn, ở giữa phơn phớt vàng. Hương hoa tỏa ra ngào ngạt.
- Cô xem kìa, những bông hoa sứ nầy nở đầy cây rồi chúng rụng hết. Thật đáng tiếc.
Bà Thảo Trúc vừa nói vừa đưa tay chỉ những xác hoa lấm tấm dưới đất. Bà thì tiếc còn Đoan Hảo thì thích.
Nàng chạnh nhớ những ngày thơ ấu thường thơ thẫn nhặt những cánh hoa sứ rơi rồi kết thành cả một vòng hoa xinh xắn, chơi cùng lũ bạn.
Bất giác, Đoan Hảo nói với bà Thảo Trúc.
- Hoa rụng nhưng vẫn còn thơm lắm, bác ạ.
Vẫn dõi ánh mắt đăm chiêu nhìn cây sứ, bà Thảo Trúc chép miệng.
- Phải chi hoa nở hoài mà không bao giờ tàn, cô nhỉ ?
Đoan Hảo ngẩn người ra. Sao bà lại nói thế ? Có một thi sĩ đã từng bảo "Hoa nở để mà tàn" kia mà. Ở đời, mọi vật đều biến đổi không có gì tồn tại mãi với thời gian.
Đoan Hảo định nói với bà cảm nghĩ đó, nhưng rồi lại thô , vì ngại người đàn bà khó tính nầy sẽ bảo nàng giỏi lý sự nữa đây.
Nàng quay sang hỏi han về tình hình sức khỏe của bà Thảo Trúc :
- Hôm nay, bác thấy hai chân có bớt nhức không ?
- Đỡ - Câu trả lời cụt ngủn.
Đoan Hảo hỏi tiếp :
- Ra ngoài nầy thoáng, bác có thấy dễ chịu hơn không ?
Bà Thảo Trúc mau miệng đáp :
- Tôi thấy khỏe khoắn lắm cô à. Ở trong phòng, nhiều lúc ngột ngạt quá.
Đoan Hảo sốt sắng :
- Mỗi chiều, cháu sẽ đưa bác ra ngoài nầy chơi nhé. Ở đây không khí trong lành, giúp bác mau khỏi bệnh.
Đang cởi mở, bà Thảo Trúc chợt sa sầm nét mặt :
- Bộ cô tưởng chỉ có không khí trong lành là chữa khỏi bệnh sao ?
Đoan Hảo vội im bặt, đưa mắt nhìn bà Thảo Trúc. Mới trên năm mươi tuổi, nhưng phải công nhận bà còn rất trẻ và khuôn mặt kia đã từng một thời xuân sắc. Đôi mắt của bà vẫn còn ánh nét tinh anh. Tuy bệnh hoạn có làm bà mệt mỏi, nhưng Đoan Hảo nhận thấy sự kiêu hãnh vẫn tỏa trên mặt bà.
Vẫn còn đeo đuổi ý nghĩ đó trong đầu, bà Thảo Trúc nói tiếp :
- Nếu chỉ không khí thôi mà khỏi bệnh, chắc tôi không cần đến cô.
- Cháu không nói tất cả. Nhưng vẫn có những bệnh nhờ không khí trong lành là khỏi. Tóm lại, không khí trong lành rất tốt đối với sức khỏe con người.
- Thế bệnh của tôi, không khí có chữa khỏi không ?
Đoan Hảo đành ngậm miệng, thầm nhủ bà Thảo Trúc quả là rắc rối . Chính bà đã làm cho bệnh cuả bà không bao giờ thuyên giảm đấy.
Tại sao bà cứ bẳn gắt vì những chuyện không đâu ? Hãy sống thật bình thản có phải hơn không ?
Nghĩ thế, Đoan Hảo thuyết phục bà :
- Bệnh của bác sẽ khỏi. Bác hãy lo tĩnh dưỡng, chứ đừng nghĩ đến những chuyện phiền não nữa?
Bà nhếch môi, phàn nàn :
- Có ai muốn lo cho tôi đâu.
Rõ ràng là lời than phiền vô lý. Đoan Hảo thấy cả nhà đều lo lắng cho bà, thế mà bà...
Không hiểu sao, Hảo lại biện hộ cho mọi người :
- Ai cũng mong cho bác khỏi bệnh, nhất là anh Hạ Vũ luôn lo cho bác.
Gương mặt bà Thảo Trúc vẫn lộ vẻ không hài lòng :
-Chúng mà lo gì cho tôi chứ. Cả ba đứa con, lúc tôi bệnh có đứa nào thăm nôm đâu.
- Chắc các anh ấy bận, nhưng vẫn tới lui thăm bác luôn.
Giọng bà Thảo Trúc trầm buồn như nói với chính mình :
- Chúng nó chỉ hỏi han chứ có làm được gì cho tôi đâu.
Đoan Hảo hiểu và thông cảm nỗi lòng của người mẹ đang mang bệnh. Bà thật sự cô đơ , mặc dù người thân vẫn ở bên cạnh.
Nàng lặng thing để cho bà trút niềm tâm sự. Đúng thế, bà vẫn không ngớt kêu ca về những đứa con :
- Đứa nào cũng viện lý do bận rộn rồi chỉ hỏi han thôi. Cả con Trúc Mai cũng vậy. Nó rảnh rỗi, nhưng chỉ biết có đi chơi.
Bà trách Trúc Mai không oan đâu. Cô bé ấy chỉ có mổi việc đi chơi thôi. Ngoài giờ học thì đi rong chơi với bạn bè.
Tuy biết vậy, nhưng Đoan Hảo vẫn nói như để an ủi bà và có vẻ như bênh vực Trúc Mai :
- Trúc Mai bận việc học, bác nên thông cảm cho cô ấy.
- Học hành cũng có khi có thì chứ bộ học suốt sao ? Chỉ tại tính ích kỷ của nó thôi. Con với cái. Càng lớn, chúng càng muốn xa cha mẹ. Nó định bỏ tôi cô quạnh mà.
Giọng bà than thở nghe tội nghiệp làm sao. Đoan Hảo chân thành :
- Đừng buồn nữa mà bác. Có cháu luôn ở bên cạnh và sẵn sàng giúp đỡ bác.
- Nhưng cô là người dưng. Điều quan trọng là chồng con tôi kia.
Câu nói thẳng thừng đến độ tàn nhẫn của bà Thảo Trúc như một gáo nước lạnh tạt vào mặt Đoan Hảo. Nàng sửng sốt nhìn bà. Phải rồi. Dù có lo lắng, chăm sóc bà chu đáo đến thế nào, nàng cũng chỉ là cô y tá quèn, người làm công hưởng lương. Bà nghĩ, nàng làm vì nghĩa vụ hay nói đúng hơn vì đồng tiền sinh sống chứ không phải vì tình thương.
Đưa mắt về phía Đoan Hảo, bà Thảo Trúc hất hàm hỏi :
- Tôi nói có phải không cô ? Cô là người ngoài, làm sao bằng các con tôi được.
Đoan Hảo gật đầu. Bà tiếp tục tuyên bố một cách dõng dạc :
- Các con tôi bận, nên lơ là với tôi. Nhưng chúng phải răm rắp tuân lệnh tôi. Nhà nầy, tôi là chủ, mọi quyền hành trong tay tôi.
Bà Thảo Trúc nói cho Đoan Hảo biết điều nầy chi hả trời ? Ai mà không biết bà là một chủ nhân đầy quyền uy. Nằm trên giường bệnh mà bà cứ ra lệnh làm việc nầy, việc kia cho mọi người. Lúc nào bà cũng sợ mất quyền, sợ bị lãng quên.
- Chúng ta đi dạo tiếp đi cô. Tôi đã đỡ mỏi chân rồi.
Lúc nầy Đoan Hảo không còn hứng thú đi nữa. Nhưng lệnh của bà nên nàng đành gật đầu, đứng lên :
- Vâng cháu đưa bác đi.
Bà Thảo Trúc chỉ tay bảo :
- Đến đằng kia, cô sẽ thấy cả một vườn hoa đầy màu sắc. Đó là do công lao của ông Nhơn trồng theo sở thích của tôi đấy.
Lại chứng tỏ quyền nữa đây. Đoan Hảo lấy làm ngao ngán.
Hai người vừa định bước đi thì Hạ Vũ về đến, rối rít hỏi :
- Ồ ! Mẹ đã ra đây. Mẹ khỏe nhiều rồi phải không ?
Nét mặt bà Thảo Trúc cau lại :
- Khỏe nhiều, nhưng không phải nhờ con đâu.
Hạ Vũ xuống xe, đến bên mẹ, vui vẻ nói :
- Con đâu có định dành công của ai đâu mà mẹ lo lắng.
Chàng liếc sang Đoan Hảo, mỉm cười. Bà Thảo Trúc tiếp tục :
- Tôi phải nói trước, kẻo không, cậu lại tưởng cậu là người biết lo cho mẹ lắm.
Mặc cho mẹ nói lẫy hay đay nghiến, nhạo báng, Hạ Vù vẫn cười khì khì. Chàng đã biết tính ý của bà quá rồi. Nếu là Hảo thì nàng buồn ghê lắm. Hạ Vũ thì không. Chàng sà xuống bên mẹ, nắm lấy tay bà.
- Hôm nay mẹ khỏe nhiều rồi. Mẹ đi dạo thoải mái, con rất mừng.
Rồi chàng quay sang Đoan Hảo :
- Nhờ cô đấy cô hộ lý ạ.
Đoan Hảo ngượng ngùng :
- Tôi có làm gì đâu. Bác gái khỏe là nhờ bác có ý chí và nghị lực đấy.
- Và cũng phải nhờ đến bàn tay vàng của cô nữa. Đừng phủ nhận, cô Đoan Hảo à . Có cô bầu bạn và chăm nom mẹ tôi, chúng tôi thật yên tâm.
Liếc xéo con trai, bà Thảo hỏi với vẻ hờn giận :
- Chúng mày yên tâm bỏ mặc mẹ cho cô Đoan Hảo phải không ?
Hạ Vũ ôm vai mẹ :
- Kìa mẹ ! Chúng con có bỏ mẹ đâu.
- Không bỏ mà chúng bây có ngó ngàng gì đến tao đâu.
Hạ Vũ hướng sang Đoan Hảo, phân trần :
- Thật khổ. Mẹ tôi cứ hay ca cẩm mãi như thế.
Đoan Hảo tỏ ra thông cảm :
- Người bệnh mà anh, thường hay bứt rứt về một điều gì đó.
Nghe Đoan Hảo nói thế, Hạ Vũ thản nhiên hỏi nàng :
- Chắc là mẹ tôi hay làm cho cô khó chịu lắm nhỉ ?
Đoan Hảo nhìn thẳng vào chàng, trả lời thật khẽ :
- Không sao, tôi luôn thông cảm với bệnh nhân.
Đột nhiên, bà Thảo Trúc cao giọng :
- Thật thế à ? Chứ không phải cô đã chán ngấy những người bệnh như tôi sao? Tôi khó chịu, nóng nảy đúng như lời thằng con tôi vừa nói đó.
Hai người chợt đưa mắt nhìn nhau khi nghe những lời của bà Thảo Trúc.
Hạ Vũ đứng lên :
- Mẹ đi dạo với cô Đoan Hảo, con vào nhà nghe.
Bà Thảo Trúc kéo tay con trai lại :
- Khoan đã. Sao hôm nay con về sớm thế ?
- Cũng như mọi hôm, mẹ à.
Trả lời mẹ thế, nhưng đúng là hôm nay Hạ Vũ về sớm thật . Công việc của chàng thì bất kể giờ giấc. Là cộng tác viên cho một tạp chí chuyên viết bài phóng sự, chàng bận rộn suốt ngày, có khi cả ban đêm.
Bà Thảo Trúc hỏi chàng :
- Chừng nào ba con về ?
- Khoảng bảy giờ. Mẹ đợi nghe.
Chàng trả lời đại, chứ có ghé qua công ty đâu mà biết ông Kỳ Lâm chừng nào về.
Bà Thảo Trúc gật gù, đáp lời con :
- Ừ, mẹ đợi.
Những câu đối thoại rời rạc không làm Đoan Hảo chú ý, vì nàng còn đang mãi mê dõi theo những đám mây trắng trôi bồng bềnh ở cuối trời xa.
Giọng Hạ Vũ êm ái cất lên làm nàng quay lại :
*** Mất hai trang ***
... nhưng chỉ một thoáng là nàng trở lại ngay, vì bà luôn căn dặn.
- Cô đi nhanh nhé. Tôi rất cần cô.
Hạ Vũ không hay biết, nên chàng nói thế. Còn bà Thảo Trúc thì nghĩ rằng mình luôn là người giải quyết mọi chuyện, nên chặn chàng lại ngay.
Rồi bà đùng đùng nói như ra lệnh :
- Thôi, không đi dạo nữa. Cô Đoan Hảo hãy đưa tôi vào nhà.
Trước thái độ của bà Thảo Trúc, Hạ Vũ nhìn Đoan Hảo lắc đầu. Nàng mỉm cười, cũng lắc đầu. Hẳn Hạ Vũ không lạ gì sự trái tính, trái nết của mẹ chàng.
Đoan Hảo đưa bà Thảo Trúc vào trong, bỏ lại khoảng trời xanh trong với những cụm mây trắng trôi bềnh bồng.
Chiều đến, nắng đã tắt tự bao giờ. Trong khu vườn của ngôi biệt thự Thảo Trúc, cây cối đứng im lìm như đang đón gió. Những cơn gió hiếm hoi của thành phố.