Bóng chiều
Trần Minh Thuận
Sơn đã ngồi một mình cô độc dưới hoàng hôn không biết bao nhiêu lần mà nỗi buồn hình như chưa bớt đi một chút nào. Cuộc sống của anh giờ đây đã mất hết ý nghĩa khi bên mình không còn một người thân nào. Ba má đã chết trong uất hận, đau buồn, mọi người xung quanh thì thờ ơ, lạnh nhạt, họ xem như không có anh trên đời. Hồi ra trại, anh mới về đến đầu xóm đã nghe bà con xôn xao:
- Thằng Sơn “giang hồ” dìa, mọi người cẩn thận đồ đạc, vòng vàng coi chừng nó cướp hết đó. Ba má nó nó còn không từ nữa là bà con mình. Bao nhiêu tiền cũng không đủ cho nó chích xì ke đâu. Nó mà nổi cơn ghiền có khi giết người như chơi...
Sơn bước đi mà hai chân không cất lên nổi, lê lết từng bước nặng nề về căn nhà mà má anh mua sau này, bên bờ sông. Căn nhà trống hoác không có vật dụng gì, chỉ có một cái võng lác giăng qua hai gốc cột. Trên vách chỉ còn mấy cái bằng khen, huân chương kháng chiến và mấy tấm hình của ba má anh bị tơ nhện bủa giăng. Nhìn ảnh của ba má mình một hồi, Sơn bật khóc như thằng con nít mới vừa mất mẹ. Nhìn thành quả phấn đấu cả đời của cha mẹ mình có được, sự hối hận cứ lớn dần trong Sơn, anh nói lẩm bẩm một mình mà như nói cho cha mẹ mình nghe:
- Ba má ơi! Con dìa rồi, thằng Sơn hư hỏng đã dìa rồi mà ba má bỏ đi luôn thì còn ai để mà tha thứ cho con. Con đã phá hết những thứ mà ba má phấn đấu cả đời mình, để cuối cùng con mất tất cả, mất ba má và mất cả tình thương của bà con chòm xóm.
Gia đình Sơn là một gia đình có truyền thống cách mạng. Ông bà cha mẹ đều là những người từng tham gia kháng chiến để giành độc lập cho đất nước. Sau ngày giải phóng, cha mẹ anh đều giữ những chức vụ quan trọng: cha anh là chủ tịch huyện, còn mẹ là giám đốc ngân hàng. Cuộc sống gia đình ngày một khá hơn nhưng chính cuộc sống khá giả này mà đứa con duy nhất của họ đã trở nên hư hỏng. Ba má anh tốn nhiều thời gian cho công việc nhà nước, ít có thời gian chăm sóc, khuyên bảo anh. Nhưng điều đó có chắc là lỗi do ba má anh không? Anh bỏ học khi đang lớp mười hai vì không đủ năng lực để theo tiếp. Ba anh khuyên nhủ cả ngày, má anh khóc sáng đêm vẫn không sao lay chuyển được đứa con cứng đầu, cứng cổ! Sau đó, Sơn lao vào những cuộc ăn chơi trác táng giống như hầu hết những “cậu ấm, cô chiêu” khác. Hết tiền lại về nhà xin má. Chỉ có một đứa con duy nhất nên bà hết mực chiều con nhưng rồi bà cũng không còn chịu nổi phải rầy la. Thế là đồ đạc trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Cuối cùng, Sơn bỏ nhà đi biệt. Má Sơn không cầm được nước mắt, đêm nào cũng trông chờ con, khóc đến khô nước mắt. Ba Sơn giận dữ đập đồ thề không bao giờ tha thứ cho anh. Rồi căn bệnh tim quái ác đã khiến ông không còn trụ nổi trên cuộc đời. Hôm đó, ông uống cà phê, đọc báo sáng. Đang đọc, tự dưng ông buông rơi tách cà phê, ngồi chết trân trên ghế mà như không tin vào cặp mắt của mình. Ông gọi bà trong hoảng loạn:
- Má thằng Sơn! Bà ra coi nè!
Má Sơn từ bếp chạy lên, thấy mặt ông tái mét bà quơ vội chai dầu gió xoa cho ông lia lịa:
- Gì! Có gì mà ông hoảng dữ vậy, từ từ bình tĩnh nói tui nghe coi.
Ông không nói ra lời, đưa ngón tay run rẩy chỉ vào tờ báo. Đến lượt bà muốn khuỵu xuống khi nhìn tờ báo trên bàn, có hàng tít lớn: Vụ cướp táo bạo giữa ban ngày, tên cướp là một người nghiện ma túy. Cạnh đó là ảnh tên hung thủ mà bà dễ dàng nhận ra cậu con trai duy nhất của mình mà không cần nhìn tên của nó: Trường Sơn. Đây là cái tên ông bà đặt cho con để kỷ niệm những năm tháng gian lao, oai hùng trên dãy Trường Sơn hùng vĩ của mình. Bây giờ cái tên này lại mang đến cho ông bà một nỗi buồn vô tận. Ông ôm lấy ngực đứng lên rồi té xuống nằm dài trên chiếc ghế xô-pha. Trên đường được đưa đến bệnh viện, ông đã trút hơi thở cuối cùng. Người vợ, người mẹ đau khổ tột độ khi cả hai người thân của mình, một người chết, một người tù. Không còn tâm trí làm việc nữa, bà xin về hưu sớm. Bà mất sau hơn một năm sống trong buồn khổ, trong sự cô độc. Rất may, hàng xóm thương tình an táng bà chu đáo.
Ở trong tù Sơn hay được tin này qua một người bạn cũ vô thăm. Thằng Thống nói trong sự giận dữ:
- Ba má mày chết là do mầy chớ không ai khác. Tao muốn mầy lao động tốt, mau ra tù để lo hương khói cho hai bác. Chỉ có như vậy, mới mong ở dưới đó ba má mầy thanh thản mà tha thứ cho mầy.
Suốt mấy đêm liền Sơn không thể nào ngủ được, hình ảnh người cha chết trong tức tưởi, khuôn mặt má anh buồn buồn như oán trách luôn hiện ra mỗi khi anh chợp mắt. Anh suy nghĩ nhiều thứ lắm, càng suy nghĩ càng giận bản thân mình. Bây giờ có hối hận thì đã quá muộn rồi. Nghe lời thằng Thống, mình phải cai nghiện để chia tay với loại bột trắng khủng khiếp, lao động thật tốt để sớm ngày được sống cuộc đời tự do và phấn đấu thành người có ích. Anh luôn nhắc mình như vậy và cố gắng thực hiện thật tốt giấc mơ muộn màng của mình. Ở tù được bốn năm, cai hẳn ma túy, anh được trả tự do.
Nhưng mà những ước mơ đó trở nên quá xa vời với Sơn khi anh về đến quê cũ. Tất cả mọi người trong xóm từ già đến trẻ đều khinh ghét lẫn lo sợ, không ai nói với anh một lời. Anh tự an ủi mình, dù sao như vậy cũng tốt, anh muốn sống một mình để có nhiều thời gian sám hối, lo nhang khói cho ba má mình. Thế rồi anh lặng lẽ dọn mảnh vườn, sẽ trồng những thứ cây mà khi còn sống má rất thích. Bên ngôi mộ của má bao giờ cũng có hoa thơm. Chờ đến ngày tốt anh sẽ lấy cốt của ba về đặt bên cạnh má cho chồng vợ có nhau.
Cuộc sống cứ trôi qua một cách hờ hững, hàng ngày anh chăm sóc mớ rau và vườn cây. Nhiều tháng sau Sơn có thể sống được với mớ rau trồng trên mấy bờ đất. Sự chí thú làm ăn của anh dần dần tạo được niềm tin trong lòng những người lối xóm. Càng ngày họ càng nhìn anh bằng con mắt thiện cảm và dần trở nên thân mật. Sau những giờ quần quật lao động, anh vẫn giữ thói quen khi còn ở trong trại là mỗi ngày dành hai tiếng đồng hồ ngồi tập thở theo phương pháp dưỡng sinh. Cứ bốn giờ chiều là anh ra bờ sông ngồi tập cho đến khi mặt trời lặn. Sau đó anh ra mộ má đốt một nén nhang và thường nói đùa trong xót xa:
- Má mất rồi ai lo cưới vợ cho con đây? Mong hương hồn má phù hộ cho con có được một người vợ tốt và hiền lành như má. Con nói cho đỡ buồn thôi chớ con làm gì có được phúc phận đó!
Không biết có phải má anh phù hộ hay không mà điều anh mong ước bấy lâu hình như sắp thành sự thật, tự dưng anh thấy con tim mình thổn thức tình cảm lạ lùng với một cô gái. Đó là buổi chiều, anh đang ngồi tĩnh lặng thì nghe ở dưới sông có một giọng rao hàng ngọt sớt của một cô gái vang lên:
- Ai ăn dưa hường hôn. Ba ngàn một ký, mua giùm đi bà con cô bác ơi!
Giọng nói duyên dáng khiến Sơn mở mắt nhìn. Một cô gái nhỏ nhắn, gọn gàng trong bộ bà ba màu xanh đang đẩy nhẹ mái chèo của chiếc xuồng ba lá. Trên xuồng có một số hàng bông, cá, tương, chao, hột vịt, hành tỏi. Trong ánh nắng chiều tàn lụi, bóng cô in trên mặt nước sao mà đẹp đến lạ lùng. Sơn nhìn kỹ, cô gái cũng không có gì đặc biệt. Da ngăm đen, tóc cháy nắng vàng hoe nhưng bù lại có một cái răng lòi xỉ lấp ló ở khóe môi khi cô cất giọng rao hàng. Sơn buột miệng kêu:
- Cô gì ơi, còn bao nhiêu dưa hường tui mua hết cho.
Cô gái đang cho xuồng vào bờ, đột nhiên xê ra. Cô vừa nhìn thấy những hình xăm dữ tợn trên cánh tay và một bên ngực hở áo của người vừa gọi. Cô nghĩ thầm: Ở đây, hơi vắng vẻ mà trời lại sắp tối rồi, bộ dạng ổng như vậy chắc không phải là người tốt. Sơn không bất ngờ trước cử chỉ đó nên nhỏ nhẹ:
- Cô chọi nguyên bịch dưa hường lên cho tui, bao nhiêu tiền tui thẩy xuống xuồng cho, cô khỏi vào bờ. Vậy nghen. Mà cô tên gì, mơi mốt cô còn bán ngang đây hôn.
Nghe anh nói một cách hiền từ, cô gái hình như bớt sợ nhưng vẫn không tấp xuồng vào mà ném nguyên bịch dưa hường lên cho anh chụp rồi nói gọn lỏn:
- Tám ngàn. Quyên.
Anh vói tay, thẩy tám ngàn đồng gói trong miếng lá chuối khô cột chặt bằng sợi thun vào khoang xuồng. Cô gái đẩy mạnh mái chèo, chiếc xuồng khuất dần ngoài sông cái. Sơn ngồi thẫn thờ nhìn theo bóng cô dần xa rồi ra sau vườn thắp cho má nén nhang, cầu mong bà phù hộ cho Quyên ngày mai quay lại khúc sông này. Suốt đêm anh trằn trọc không ngủ được. Hơn bốn năm qua anh không nhớ nổi mình đã bao đêm thức trắng. Nhưng đêm nay khác những đêm anh mất ngủ vì nhớ nhà, nhớ ba má với niềm hối hận dâng cao. Đêm nay, anh thức vì hình bóng một người con gái chưa quen. Anh nhớ mái tóc vàng hoe vì cuộc đời bươn chải, nhớ cái răng lòi xỉ duyên ngầm giúp cô mua may bán đắt. Con tim tưởng đã chai sần theo năm tháng của anh đã thổn thức một cách tội nghiệp, không lẽ...
Mới sáng sớm anh đã ra mé sông ngồi ngó chăm chăm về phía sông cái mong chờ một bóng dáng nho nhỏ, dễ thương... Suốt ngày anh thấp thỏm ngó ra sông. Chưa tới bốn giờ chiều, anh đã ra mé sông, ngồi tập mà trong bụng rối bời, mắt cứ ngóng chừng ngoài sông cái. Chạng vạng, giọng rao hàng của Quyên mới văng vẳng trong gió, nghe ngọt lịm:
- Nước rằm chảy thấu Nam Vang, sầu đâu chín rụng sao chàng bặt tăm. Còn mấy bó sầu đâu cuối cùng bà con làm ơn mua giùm đi, sầu đâu xào rắn nhậu “bắt” lắm mấy anh ơi, gió chướng dìa lạnh lắm rồi.
Sơn đứng dậy, giơ tay ngoắc:
- Cô ơi! Mấy bó sầu đâu bán cho tui. Cô bán sầu đâu mà cô có sầu ai hông, sao mà giọng cô rao nghe đứt ruột vậy?
Lần này Quyên cho chiếc xuồng ba lá tấp sát vào bờ, đưa cho anh năm bó sầu đâu cuối cùng:
- Anh mua hết thiệt hả? Nguyên bịch dưa hường mới hôm qua anh ăn hết rồi sao? Gì mà nhanh vậy? Nè, năm bó năm ngàn, lấy anh bốn thôi.
Sơn lóng ngóng đưa tay đỡ mớ sầu đâu rồi hỏi một câu lảng nhách:
- Cô có chồng chưa?
Quyên bật cười khi thấy hai cái lỗ tai anh đỏ chạch:
- Hỏi làm gì! Có chồng rồi mà phải cực vậy sao, ai nuôi nổi tui tui mới ưng. Má tui già rồi hổng ai nuôi, chưa lấy chồng được đâu.
Tự dưng Sơn nhớ đến hoàn cảnh của mình mà chua chát. Một cô gái mảnh mai như Quyên còn phải một nắng hai sương tảo tần nuôi mẹ, đến chuyện chồng con mà còn chưa dám tính. Còn anh, cái tướng “cọp ăn mắc hâm” mà chỉ biết long nhong, phá của, tạo cho ba má biết bao nhiêu buồn tủi!
Quyên rất lấy làm lạ lẫm khi nhìn thấy giọt nước mắt trên khóe mắt anh. Một người nhìn đàn ông bậm trợn như thế làm sao khóc được chớ? Ủa, mà sao ổng sống một mình vậy cà, ổng có chuyện gì mà mặt buồn hắt hiu như thế? Mà sao mình tào lao quá vậy nè? Chuyện của ổng mắc gì mình! Cô nhìn Sơn một cái kín đáo rồi từ từ chèo xuồng ra giữa dòng mà nghe có sự thay đổi gì đó đang diễn ra mãnh liệt trong lòng mình. Cô linh cảm người đàn ông này chắc đã có nhiều sóng gió trong cuộc đời, tuy bề ngoài dữ dằn nhưng đôi mắt như biết nói, nó mang một nỗi cô đơn chất ngất và một tình cảm chân thành. Mình sẽ bán ngang đó mỗi bữa coi người ta như thế nào, có thiệt thương mình không, biết đâu mình sẽ tìm được một tấm chồng tốt, biết đâu cô sẽ có người chia bớt nỗi đau trong cuộc sống khó nhọc này. Ờ, biết đâu...
Nghĩ tới đây, tự dưng cô bối rối đẩy nhẹ mái chèo:
- Thôi, tui về, mặt trời lặn rồi...
Nhìn chiếc xuồng xa dần trong bóng chiều phủ xuống rồi mất dạng sau mấy đám dừa nước, Sơn thấy tim mình le lói một niềm vui...