Được và Mất
Nghiêm Lương Thành
Tối chủ nhật, ngày 9 tháng 10 năm 2006, theo dõi chương trình Người đương thời mà vị khách mời là nhà giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Tây - Một người đang rất không hài lòng với tình trạng hủ hoá của không ít người đang tham gia vào công cuộc “vì cái lợi trăm năm” của nền trồng người Việt Nam đương đại và đang nhận được sự cảm phục chân thành từ đông đảo những người đồng bào của anh - thấy người dẫn chương trình hỏi đi hỏi lại Người khách mời ấy một câu, đại ý là: Trước khi làm việc tố cáo và lên án này, Thày đã tính đến cái được cái mất ? Không hiểu sao, sự lặp lại cụm chữ cái được cái mất ấy của người dẫn chương trình lại gây nên trong tôi một ấn tượng khác thường, một cảm xúc khó chịu, dấm dẳn và âm ỉ không dứt. Vẫn biết cái cảm xúc ấy là phi lý, vẫn biết đó chỉ là một cụm từ phổ thông nhưng thực sự không hề dễ chịu, và nói thẳng ra, đấy là cảm xúc ngấm ngầm hổ thẹn, phảng phất chút vị đắng của một cái gì đấy na ná như sự nhục nhã.
Cuộc sống cũng có nghĩa là hành động. Không hành động sẽ không có cuộc sống. Còn hành động như thế nào, đó lại là chuyện khác. Đối với con người, gốc của hành động là vì cái lợi; vì thế, trước khi hành động, dù là đã suy nghĩ kỹ càng, đắn đo xuôi ngược hay chỉ thoáng qua, trong sâu thẳm, thực ra ai cũng đã đặt ra câu hỏi cho chính mình: Làm việc này ta được gì ? mất gì ? Quá trình này hoàn toàn tự nhiên và quá bình thường, bình thường đến gần như bản năng, không có ai ngạc nhiên và để ý đến nó.
Đứng trước câu hỏi được gì, mất gì, tuỳ theo từng loại tư chất, thường ta ở vào một trong hai dạng tâm thế: hoặc chủ động hoặc bị động. Người chủ động sẽ là ông chủ, còn kẻ bị động tất thành nô lệ. Gia súc, vốn trước là động vật hoang dã, đã bị ta thuần hoá theo nguyên lý lấy cái được để bắt chúng theo. Cái được của chúng là không phải kiếm ăn và tự vệ bảo toàn mạng sống, nhưng cái mất là phải làm việc và thậm chí còn bị biến thành thực phẩm cho người. Chính con người cũng đã, đang và có lẽ sẽ còn tiếp tục thuần hoá lẫn nhau trên nguyên lý đó.
Các đảng xã hội đen dùng cái được để phát triển số lượng thành viên và dùng nguyên lý được mất để kiểm soát và khống chế lẫn nhau. Vua chúa dùng nguyên lý được mất để điều hành hệ thống quan lại. Quan lại dùng nguyên lý được mất để chăn dắt thảo dân. Thảo dân dùng nguyên lý được mất để thuần hoá động vật hoang dã, gia tăng sản xuất, tạo thêm nhiều lúa gạo thực phẩm nuôi sống mình và toàn bộ hệ thống cai trị.
Hành động của con người cũng tựa như chuyển động của những hạt bụi trong không khí, nhưng có tinh thần. "Hòn đá nặng" thì "một người khiêng không đặng", nhiều người khiêng cũng chưa chắc đã đặng. Cần có thêm hai điều kiện: Tất cả đều thực bụng muốn khiêng và một hiệu lệnh thống nhất để cùng định thời, định hướng, tập trung khí lực; lúc đó mới thực sự là đặng. Đấy là lý do, là nền tảng và động lực thôi thúc các nhà tư tưởng làm ra tôn giáo và các học thuyết xã hội chăng ? Nhưng, trong việc này, các nhà tư tưởng có đặt ra câu hỏi được mất cho mình không ? Khi học thuyết chưa được đông đảo thừa nhận thì họ chỉ là những kẻ gàn dở. Và lúc được thiên hạ ngộ ra (có khi phải mất đến cả trăm năm) thì té ra ... họ là Thiên tài ! Nguyễn Trường Tộ đã từng là một người gàn dở và cô đơn, Allbert Einstein cũng vậy. Nghe nói, ở một số quốc gia, những người gàn dở - vốn là trí thức - thường được nhốt riêng và luôn được cung cấp đầy đủ giấy trắng và bút chì; sau đó người ta thu lại những tờ giấy đầy những nét nguệch ngoạc ấy, chuyển cho những chuyên gia xem xét; những chuyên gia ấy được gọi đùa là những nhà đãi vàng. Vì thế, xét theo một khía cạnh nào đó, gàn dở và thiên tài có vẻ như một cặp song sinh cùng trứng.
Kẻ ưu tú và người thường, thực ra, khác nhau là ở thái độ nhìn nhận cái được cái mất: Được cho ai và mất của ai ? Kẻ ưu tú là người hiểu sâu sắc đạo lý: Trong được có mất, trong mất có được. Họ là những "cô nhạn xuất đầu", đè gió sải cánh, rẽ mây mở đường, kiêu dũng trong lớp lớp muôn trùng hiểm nguy.
Dù thế nào, Carl Marx và Friedrick Engels vẫn là những người anh hùng. Điều này không có gì mới. Năm 1848, giữa bầu không khí ngột ngạt của một xã hội nô lệ kiểu mới, về cái được và cái mất, hai ông đã viết trong bản Tuyên ngôn của đảng cộng sản như thế này: "Hãy mặc cho giai cấp thống trị run sợ trước cách mạng cộng sản. Giới lao động không có gì để mất ngoài xiềng xích của họ. Họ được cả một thế giới để chinh phục".
Tháng 10 năm 2006