Một mảnh sao rơi
Trần Đặng Thanh Hiền
Diễm ngạc nhiên khi thấy chúng tôi xuất hiện. Cô bé run rẩy, nhìn người mẹ với ánh mắt đầy oán trách... Trong con người tôi lại diễn ra những mâu thuẫn quyết liệt, vừa thương vừa giận.
Sân bowling đông nghẹt. Chen mãi tôi và Khôi mới tìm được một nơi ít người chơi. Khôi nhanh nhẩu đăng ký, chọn giày và miệng liến thoắng với cô bé đang ngồi bên. Thấy cậu ta hớn hở như con nít mà buồn cười, nhưng vì không thích bowling nên tôi cứ ngồi nhìn xung quanh mặc cho Khôi giục.
Khôi nhỏ hơn tôi năm tuổi, chưa có gia đình nên ở con người cậu ta luôn toát lên vẻ trẻ trung, sôi động. Mỗi khi cùng đi công tác, Khôi bày đủ trò tiêu khiển giết thời gian rỗi.
- Anh cứ nằm ở khách sạn mãi sẽ sinh hư vớ vẩn. Về nhà, chị lại mắng em là không trông nom anh tử tế. Phải hưởng thụ và tự làm cho mình trẻ trung hơn anh ạ. Em thấy anh chưa già mà như ông cụ non! Nhất là cái nghề của mình, không giải trí thì dễ bị stress lắm!
Tôi cười và hưởng ứng cho Khôi vui vì nó gắn bó với tôi từ khi mới thành lập công ty. Khôi năng nổ, linh động trong công việc, không có thói nịnh hót cấp trên, nên tôi rất quý và tin tưởng nó.
Một cô bé “miền Tây” nhỏ nhắn và xinh xắn đang chuyền những đường bowling tuyệt đẹp và chính xác. Cô cười ngất với cách pha trò của Khôi. Còn anh chàng đang trổ hết tài điêu luyện của mình ra với cô bé. Nhưng chỉ chơi được mấy séc, tự nhiên Khôi than mệt và đòi về. Tôi đưa bóp của mình cho cậu ta thanh toán. Lúc ra quầy cô bé cũng đi theo. Hai đứa có vẻ hợp ý và quyến luyến... Tính tiền xong, Khôi trả lại cái bóp cho tôi rồi vào nhà vệ sinh. Tôi vẫn ngồi yên ở chỗ cũ đợi Khôi và bắt chuyện với cô bé.
- Em tên là Diễm, sinh viên năm thứ nhất Đại học Tự nhiên thành phố, nhà em ở... quận Bình Thạnh...
Điện thoại rung lên một hồi rồi tắt, tôi mở máy thì thấy số của Khôi. Quái, thằng nhỏ này làm gì mà giờ chưa chịu ra? Tôi gọi lại thì nghe Khôi rên rỉ: “Không nhớ ở nhà ăn gì mà bây giờ em đau bụng quá anh ạ. Đợi em chút xíu nữa ha. À! Anh phải cẩn thận với con bé chơi cùng sân với mình đấy. Lúc nãy ra tính tiền, em thấy nó cứ nhìn chăm chăm vào cái bóp và còn xuýt xoa từ nhỏ tới giờ chưa bao giờ thấy nhiều tiền như vậy...”.
Tôi giật mình quay sang thì đã không thấy Diễm bên cạnh. “Thôi chết rồi! Khôi ơi!”. Tôi chỉ kịp hét lên với Khôi trong điện thoại, rồi cuống cuồng đi tìm Diễm. Cái bóp tiền đã không cánh mà bay cùng với “bóng hồng”...
Tìm một lát, tôi thấy chóng mặt và nghẹt thở. Trong hàng ngàn con người đang say sưa chơi kia, không thấy đâu nụ cười rạng rỡ của Diễm nữa. Gần hai chục triệu chứ ít gì! Còn bao dự định, mối quan hệ làm ăn vẫn chưa được thực hiện, cả giấy tờ tùy thân và vé máy bay về Hà Nội. Tôi như dở khóc dở cười, đầu óc trống rỗng quay cuồng, còn Khôi đứng lặng đi nhìn tôi không dám nói câu nào.
Hai anh em đi lùng sục các con phố. Việc tìm một người con gái ở thành phố đông đúc, nhộn nhịp thế này quả là mò kim đáy bể. Chúng tôi quay về trung tâm bowling gặp người quản lý. Sau khi quay lại một số đoạn băng do camera theo dõi ghi trong ngày, anh ta nhanh chóng tìm ra hồ sơ đăng ký của cô bé ở trung tâm. Tên đầy đủ là Phan Thị Hồng Diễm, sinh năm 1986, địa chỉ liên hệ chỉ có một số điện thoại cố định ở Bạc Liêu.
Trên đường đến trụ sở công an, tôi cứ đắn đo không biết mình làm thế này có đúng chưa. Diễm vốn là sinh viên năm thứ nhất, nếu bị truy tố trước pháp luật thì tương lai tươi sáng của cô bé đến đây sẽ chấm dứt... Tôi đưa ý kiến đó ra nói với Khôi, thì cậu ta gắt lên:
- Giờ này mà anh còn nói đạo đức à? Nhỡ đó là một đứa lừa đảo chuyên nghiệp thì sao? Mình mà bỏ qua việc này thì cô ta lại tiếp tục lừa gạt những người khác, lại tiếp tục sa vào vũng lầy của tội lỗi...
Nói xong biết mình hơi quá lời, Khôi dịu giọng:
- Thôi cứ nhờ công an tìm anh ạ, chứ mình lạ nước lạ cái thế này, biết bao giờ mới tìm ra con bé ấy. Có gì, sẽ xin các anh ấy nhẹ tay một tí, được không anh?
Tôi ừ hữ cho xong chuyện vì bây giờ đầu óc cứ rối mù lên, không biết phải làm gì khác nữa.
Sau khi nghe báo cáo và phán đoán tình hình, công an thành phố nhanh chóng lập chuyên án, cử trinh sát về Bạc Liêu ngay trong đêm. Tôi gần như nằm dài trên ghế, nhắm mắt lại cố ngủ một lát nhưng hình ảnh Diễm vẫn cứ lởn vởn trong đầu xen lẫn những suy nghĩ... cô bé thật hồn nhiên.
Tiền bạc là phù du, vậy mà tôi lại đang bị nó dẫn dắt đi loanh quanh đến kiệt sức để tìm ra nó, để giành lại nó. Đối với tôi, có thể số tiền ấy không lớn nhưng đối với Diễm là cả gia tài. Mà quan trọng hơn, Diễm đã đánh đổi cả cuộc đời của mình để chỉ lấy được gia tài nhỏ ấy. Rồi cô bé sẽ như thế nào?
Xe đến Bạc Liêu lúc hai giờ sáng. Trinh sát nhanh chóng làm việc với công an phường, rồi đến nhà của Diễm. Mở cửa cho chúng tôi, cả mẹ Diễm cùng ông chồng cứ ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra. Mẹ Diễm khóc nhiều khi biết được sự việc xảy ra với con gái và đồng ý đưa chúng tôi đến nhà người em, dì của Diễm, nơi duy nhất mà Diễm có thể đang ở đó.
Ngồi trên xe, tôi ngầm quan sát người phụ nữ. Bà ngồi nhìn đăm đăm ra màn đêm qua cửa xe và im lặng. Mái tóc mỏng khô hắt hiu trong gió, mùi mồ hôi khét nồng và đôi tay xương xương đặt trên đùi cứ xoắn lại một cách bồn chồn. Bà không khóc như lúc ở nhà nữa mà thỉnh thoảng lại thở dài... Tôi bắt chuyện để phá vỡ không khí ngột ngạt trong xe:
- Tôi thấy Diễm không giống chị, có lẽ em nó giống bố?
- Diễm là con riêng của tôi - người phụ nữ lại thở dài và trả lời - Chồng trước của tôi là người anh đã gặp lúc nãy. Hồi đó cuộc sống cực khổ quá, tôi lại vốn chẳng biết làm ruộng nên bỏ nhà đi và quen với ba Diễm. Sinh con Diễm ra, làm ăn thua lỗ, ổng sinh hư, rượu chè be bét, về tới nhà là đánh đập vợ con. Tôi chịu không nổi lại quay về sống với ông chồng bây giờ. Ba con Diễm đã cưới một người vợ khác, còn chồng tôi không thích con Diễm vì tính nó rất bướng bỉnh, tôi đành phải gởi nó cho bà dì nuôi. Sau nó lên Sài Gòn làm việc, thỉnh thoảng có điện thoại về nhà, tôi cứ tưởng nó đã có công việc ổn định trên đó rồi nên cũng yên tâm phần nào. Ai ngờ lại ra nông nỗi này...
Nói xong bà lại ứa nước mắt làm tôi hết sức áy náy. Thì ra Diễm có hoàn cảnh như vậy. Cô bé thật bất hạnh vì không có một mái ấm để đi, về. Chả trách lúc nói chuyện với tôi và cả lúc cười, mắt của cô bé luôn đượm buồn và có vẻ như già dặn, từng trải nhiều... Đầu óc tôi lại căng lên như sợi dây đàn khi nghĩ đến Diễm, nghĩ đến việc khi gặp lại Diễm tôi sẽ nói gì? Trách móc hay an ủi?...
Cả tôi, Khôi và mấy anh công an lúc này đã mệt nhoài, chỉ thèm có một chiếc giường nằm kềnh ra mà ngủ một giấc thật đã đời. Từ hôm qua tới giờ tôi và Khôi không có hột cơm nào trong bụng, chỉ toàn nước khoáng, bánh mì và trái cây. Bụng cứ kêu ỏng ỏng, miệng khô đắng, người bải hoải...
Diễm ngạc nhiên khi thấy chúng tôi xuất hiện. Cô bé run rẩy, nhìn người mẹ với ánh mắt đầy oán trách... Trong con người tôi lại diễn ra những mâu thuẫn quyết liệt, vừa thương vừa giận. Tôi cũng như run lên cùng bờ vai nhỏ bé của cô bé mỗi khi kết thúc một lời khai. Người chông chênh như đang trong cơn sốt khiến tôi phải tựa hẳn vào tường để đứng cho vững.
Chúng tôi quay về Sài Gòn. Suốt chặng đường dài, Khôi không nói gì, chốc chốc lại quay sang nhìn tôi, nhìn Diễm rồi thở ra.
Mẹ Diễm yêu cầu ghé qua Bạc Liêu. Bà bỏ rơi cô bé vào lúc em cần tình thương của người mẹ nhất. Tôi ngạc nhiên vì cách xử xự của bà và không hiểu những giọt nước mắt kia bà dành cho Diễm hay cho chính mình? Còn Diễm vẫn ngồi trơ ra như gỗ đá, dường như em đã quen với những xúc cảm như thế nên không có biểu lộ gì. Đến khi mẹ xuống xe, Diễm thẫn thờ nhìn theo dáng bà khuất dần và ứa nước mắt.
- Số tiền còn lại, khi nào em làm ra tiền, nhất định em sẽ trả cho anh. Bây giờ em không biết sẽ ở đâu nữa anh ạ. Nhà cha thì có dì ghẻ, nhà mẹ thì có ông dượng... Lúc gặp các anh, trong túi em chỉ còn năm mươi ngàn, em không định ăn cắp, nhưng vì thấy số tiền nhiều quá nên nổi lòng tham...
- Em có trách mẹ không?
- Em biết trách ai bây giờ? Chỉ cái số mình đen đủi, không may mắn như những người khác, không có một gia đình hạnh phúc. Tới hôm nay thì coi như xong rồi...
Giọng em bất cần và chua chát. Tôi như thấy rõ những giọt nước mắt nghẹn ngào đang chảy ngược vào trong em, thấm sâu, sôi réo trong lòng em, làm loét lở những vết thương tâm hồn, và nó đang làm em đau buốt. Sao em lại không khóc thật to để vỡ tung những nỗi đau ấy, để thấy lòng nhẹ nhàng hơn? Sao em cứ oán trách cuộc đời của mình mà không tự tìm cho mình một lối thoát, một lối đi riêng cho tương lai của mình?
Cho tới khi tôi ngồi viết lại những dòng này, câu nói và đôi mắt của cô bé vẫn cứ ám ảnh tôi: “Bây giờ em biết về đâu hở ạnh?”...
Nha Trang, 8/2005