Kể từ bây giờ, tôi xin phép được thay mặt Tsumura để thuật lại câu chuyện một cách gián tiếp.
Tsumura đặc biệt thương nhớ đất Yoshino vì ảnh hưởng của vở tuồng Nghìn Cội Anh Đào. Một lý do khác là anh chàng biết mẹ mình xuất thân vùng Yamato Việc biết đích xác quê quán bà nằm nơi nào trong vùng nầy và gia đình bà còn có ai không từ lâu vẫn là một điều bí ẩn.Tsumura đã từng hỏi thăm bà nội, lợi dụng lúc bà còn sống để tìm hiểu tường tận thân thế mẹ anh ta nhưng bà nội cũng đã quên nhiều nên không trả lời được rõ ràng. Gia đình Tsumura vốn là gia đình có nền nếp lâu đời, chuyện thân thích hai ba thế hệ vẫn còn đi lại là thường, nhưng sao đi hỏi các bậc cô bác thì lạ lùng thay, chẳng có người nào biết quê quán mẹ anh cả. Thực ra, mẹ của Tsumura không ở dưới Yamato lên tỉnh để lấy cha anh liền: lúc còn con nít bà đã bị bán vào lầu xanh trong xóm ăn chơi ở Ôsaka, và sau đó nhờ một gia đình đàng hoàng nhận làm con gái nuôi trước khi gả chồng. Giấy tờ hộ tịch cho biết bà sinh năm Bunkyuu thứ ba (1863), được phép của ông Urakado Yoshijuuro, địa chỉ ở khu phố 3 Imabashi cho về làm dâu gia đình Tsumura vào năm Meiji thứ 10 (1877) lúc 15 tuổi (ta) và mất năm Meiji thứ 24 (1891) lúc 29 tuổi (ta). Đó là tất cả những gì Tsumura được biết về mẹ mình khi anh vừa học xong cấp hai bậc trung học. Sau đó anh mới hiểu ra rằng cả bà nội cũng như những người bà con có tuổi không muốn kể thêm vì họ không muốn đụng đến cái quá khứ của mẹ anh.Tuy nhiên, đối với Tsumura, việc mẹ anh lớn lên trong thế giới sa đọa chỉ làm tăng thêm lòng thương cảm của anh đối với mẹ và không hề khiến anh hổ thẹn hay khó chịu.
Hơn nữa, bà đã thành duyên lúc mới 15 thì cho dù là ở một thời đại hãy còn tục tảo hôn, thì có lẽ mẹ anh tuy có vướng chút bùn nhơ của xã hội ấy nhưng cũng mới sơ qua và bà vẫn chưa mất cái vẻ chân thật ngây thơ của một cô gái nhỏ. Chắc nhờ ở những đức tính như thế mà bà đã có với chồng được ba đứa con.Về làm dâu từ lúc còn là một thiếu nữ chửa biết gì, bà đã được dạy dỗ kỹ càng để trở thành bà chủ xứng đáng của một gia đình nền nếp. Tsumura từng có dịp xem quyển bài tập để đánh đàn koto được mẹ anh chép tay từ lúc bà mới mười sáu, mười bảy. Đó là một tờ giấy lớn xếp làm tư, trên đó bà chép lại lời ca theo hàng ngang và giữa những hàng đó, có ghi chú cẩn thận các nốt nhạc cho koto viết bằng mực đỏ, bút tích theo thư pháp O-ie nom rất đẹp.
Sau đó Tsumura lên Tôkyô trọ học và dĩ nhiên xa cách với gia đình nhưng ý nghĩ muốn tìm về quê mẹ của anh càng ngày càng nồng cháy. Có thể nói là cả thời thanh xuân, anh chỉ sống trong ý nghĩ tìm về mẹ mình. Không phải anh không có chút đỉnh tình cảm hiếu kỳ đối với những cô gái hàng phố, tiểu thư, geisha hay nữ tài tử vv... mà anh ta tình cờ gặp gỡ trên đường, thế những những người đàn bà mà anh để ý chỉ là những cô có khuôn mặt hao hao với hình ảnh người mẹ mà anh thấy qua ảnh chụp. Khi anh ta bỏ học để về Ôsaka, không phải vì anh muốn làm vừa lòng bà nội, nhưng chỉ vì anh ta muốn tiến sát lại gần một miền đất ở cạnh quê hương mẹ anh thêm chút nữa và cũng vì ngôi nhà ở Shimano.uchi, nơi mẹ anh đã sống một quãng đời ngắn ngủi của bà. Có thêm lý do khác là mẹ anh gốc gác miền Tây. Ở Tôkyô, ít khi anh có dịp gặp một người giống mẹ anh nhưng ở Ôsaka, đôi khi lại có. Anh ta chỉ biết mẹ anh đã lớn lên trong một xóm lầu xanh nhưng anh tiếc là không biết đích xác xóm nào. Để đi tìm hơi hướm của người mẹ, anh hay tìm đến các cô gái làng chơi và lui tới những trà đình tửu điếm. Kết cuộc anh đã nhiều lần thầm yêu những người con gái ấy và mang cái tiếng "dân chơi bời". Tuy nhiên những chuyện đó chỉ bắt nguồn từ niềm nhớ thương người mẹ cho nên không có cuộc tình nào đi xa và đến bây giờ, anh vẫn giữ tấm thân trong trắng.
Thế rồi, cách đó ba bốn năm, bà anh qua đời.
Chuyện dưới đây xảy ra ít lâu sau khi bà anh đã quá cố. Một hôm, anh ngồi sắp đặt lại đồ đạc của bà cho đâu vào đấy và bắt đầu bằng các ngăn kéo của một cái tủ nhỏ cất trong nhà kho. Lẫn lộn trong mớ giấy tờ của bà nội anh có mấy bức thư và giấy tờ cũ mà anh chưa được thấy bao giờ. Nó gồm có mấy bức thư tình mà mẹ anh, lúc còn là người giúp việc, và cha anh gửi cho nhau, một bức thơ của một người có lẽ là bà mẹ ruột của mẹ anh gửi từ Yamato đến cho con gái, mấy tấm giấy chứng nhận đã theo học các khóa đàn koto, shamisen, cắm hoa và trà đạo do các vị thầy cấp cho... Những lá thư tình, ba lá do cha anh gửi và ba lá từ phía mẹ anh, không có nội dung gì đặc biệt ngoài những lời lẽ thân ái, nhớ nhung trẻ con của thiếu niên thiếu nữ ngỏ cho nhau trong cái say đắm của mối tình đầu. Hình như hai người có lần lén lút gặp nhau. Cho dầu chữ viết hãy còn non nớt nhưng lối hành văn trong lá thư của mẹ anh rất là cổ kính trang nhã "chút lòng ngu muội mượn giấy thay lời bày tỏ nỗi niềm..." "tấm thân tủi hổ nay được đoái hoài vui mừng khôn xiết" vv.. đối với một cô bé mười lăm như thế là hết sức chải chuốt, nó chứng tỏ trai gái thời đó đã hiểu đời sớm.Thơ gửi từ dưới quê lên cho mẹ anh thì chỉ có một lá. Thư đó gửi về địa chỉ "Cô Sumi, khu phố 9, Shinmachi, thành phố Ôsaka, kính nhờ ông Konawaka chuyển hộ". Người gửi tên là " Gia đình Konbu Sukezaemon, xóm Kubokaito, làng Kuzu, quận Yoshino, tỉnh Yamato". Thơ viết như sau: "Má viết thơ nầy vì ba má rất cảm ơn tấm lòng hiếu thảo của con. Trời càng ngày càng lạnh nhưng nghe tin con được bình yên, ba má mừng. Ba con với má thành thật cảm ơn con". Sau đó là một loạt những lời dặn dò: nào là phải coi ông chủ nhà như là cha, hết lòng hầu hạ, ông dạy gì nghe nấy, đừng có tham lam đồ đạc của người khác, phải biết thờ Trời kính Phật vv...Ngồi trên cái sàn bụi bặm của nhà kho, Tsumura đọc đi đọc lại lá thư dưới ánh sáng lù mù. Khi anh bừng tỉnh thì nắng chiều đã tắt, mới vào phòng học và trải nó dưới ngọn đèn điện. Bồng bềnh hiện ra trên mặt giấy là hình ảnh của một bà già nhà quê, có lẽ cách đây ba bốn mươi năm, trong một túp lều nhà nông trong làng Kuzu quận Yoshino, vừa dụi đôi mắt kèm nhèm, vừa khòm mình trước ngọn đèn lồng viết thư cho con gái. Có là một cuốn giấy dài độ ba mét, văn phạm và ngữ vựng có chỗ không được chính xác, đúng là điều không tránh khỏi nơi một bà lão miền quê nhưng thư pháp thì đúng là lối O-ie, viết theo lối chữ thảo khá tốt, khó thấy nơi một người nông dân bình thường. Nhưng dù sao, rõ ràng họ đã gặp cảnh khốn quẩn đến nổi phải đánh đổi đứa con để lấy chút tiền. Bức thư đó đề ngày mùng bảy tháng chạp, khốn nỗi không ghi rõ năm, nhưng có thể đoán được đó là bức thư đầu tiên họ gửi cho con gái sau khi gửi con đi Ôsaka. Trong đó có vài chỗ nói lên sự cô đơn của những con người biết mình chẳng còn sống thêm được bao lâu: "Đây là lời trối trăn của má" hoặc là "Cho dù má có sức mỏn hơi tàn nhưng lúc nào má cũng ở bên con để phù hộ con làm ăn nên nổi". Lạ lùng nhất là trong những lời nhắn nhủ phải như thế nầy, không được thế kia, có một đoạn dài dòng căn dặn đừng bao giờ phí phạm giấy."Giấy nầy là do má với con O-rito làm ra. Con phải tuyệt đối, tuyệt tuyệt đối luôn luôn giữ nó bên mình và quí trọng nó. Dù con có sang giàu hay không thiếu thốn thứ gì, con cũng không được bao giờ xài phí giấy. Má và con O-rito khổ cực lắm mới chế ra tờ giấy nầy. Bàn tay của má với nó đã nứt nẻ và đầu ngón tơi ra hết." Những lời nhắn nhủ nầy tất cả kéo đến hai mươi dòng. Nhờ đó, Tsumura biết rằng họ ngoại anh sống bằng nghề làm giấy và trong nhà có một người đàn bà tên O-rito, có lẽ là chị hay em gái của mẹ anh.Thư cũng có nhắc đến một người khác tên gọi O-ei: "Con O-ei mỗi ngày vào trong núi chỗ tuyết ngập dày, để đào củ sắn. Cả nhà cố gắng làm việc để dành tiền và khi nào có đủ sẽ đi thăm con. Con hãy vui lòng chờ đợi!"
Bức thư kết thúc bằng một bài thơ:
Thương con mẹ thở dài theo,
Lòng u ẩn ngóng phía Đèo Âm U Trước khi có đường xe lửa, ai từ Ôsaka muốn đi Yamato theo đường cũ đều phải vượt qua ngọn"Đèo Âm U" (Kurakari Toge). Trên đỉnh đèo có một ngôi chùa, một nơi nổi tiếng để đến nghe tiếng cuốc kêu. Tsumura có một lần ghé khi anh còn học trung học, lúc đó hình như là một đêm tháng sáu. Anh leo lên núi vào lúc trời chưa rạng. Dừng chân nghĩ lại bên chùa một chốc thì khoảng năm sáu giờ sáng, trong khi cánh cửa giấy bên ngoài vừa mới trắng lờ nhờ, một tiếng chim cuốc bất chợt cất lên từ một chỗ nào đó trong những ngọn núi phía sau. Tiếp đến, không biết là chính con chim đó hay một con cuốc khác hót lên hai, ba tiếng, rồi rộn ràng tiếng cuốc, nghe đi nghe lại đến nhàm. Thế nhưng khi Tsumura đọc tới hai câu thơ nầy, bất chợt lòng anh bỗng rộn một niềm thương cảm nhớ về những tiếng cuốc kêu mà lúc đó anh thấy quá tầm thường. Bấy giờ anh mới hiểu tại sao người xưa ví tiếng chim với linh hồn người chết và nó làm liên tưởng tới những là "hồn Thục Đế" hay "bất như quy" [xxxviii] .
Thế nhưng trong lá thư của bà lão, có một đoạn khác làm anh cảm thấy gần gũi một cách lạ lùng. Cái người đàn bà nầy, cái bà đáng vai bà nội của anh, lập đi lập lại về chồn ở nhiều chỗ trong thư." Từ đây mỗi ngày, ban sáng con phải tới điện ngài Inari để cầu khẩn thần chồn trắng Myôbu-no-shin". Nào là " Chắc con biết khi nào cha con gọi thì thần cũng hiện ra bên cạnh, bởi vì mình bao giờ cũng một lòng một dạ", rồi sau đó "Con nên nhớ rằng gần đây mình tai qua nạn khỏi cũng nhờ thần chồn trắng đó con. Mỗi ngày má vẫn cầu thần ban phước lộc cho nhà chủ của con. Mình phải vững lòng tin". Những đoạn trong thơ viết như thế chứng tỏ ông bà ngoại của Tsumura là những kẻ dốc lòng thờ cúng Thần Chồn Inari. "Điện Ngài Inari" dường như là cái miếu nhỏ xây ở giữa khu nhà và Myô-no-shin, sứ giả của Thần Inari có lẽ chỉ là một con chồn cái sống trong hang cạnh miếu. Còn như câu "Khi nào cha con gọi thì thần cũng hiện ra bên cạnh" thì không biết có thật là con chồn trắng đã chui ra khỏi hang để đáp lại lời kêu gọi của ông già kia hay là nó nhập vào người khi ông hay bà lão ấy lên đồng. Dù sao cũng phải hiểu ý là ông ngoại của Tsumura có tài kêu được chồn đến, chồn kia cũng sống bên cạnh ông bà lão như bóng với hình và chi phối được vận mạng của gia đình họ.
Y như lời thư "Giấy nầy là do má với con O-rito làm ra. Con phải tuyệt đối, tuyệt tuyệt đối luôn luôn giữ nó bên mình và quí trọng nó", Tsumura kính cẩn cầm lấy cuốn thư áp sát vào ngực mình. Nếu lá thư nầy gửi đi ít lâu sau khi mẹ anh bị bán đi Ôsaka tức khoảng trước năm Meiji thứ 10 (1877) thì tệ nhất nó phải được viết cách đây ba bốn mươi năm rồi nhưng tuy cũ kỹ và màu đã ngả vàng nhưng so với phẩm chất của giấy thời nầy thì dày và chắc hơn nhiều. Tsumura cầm nó lên soi trước đèn để quan sát những thớ dài mà mỏng. Anh nhớ lại mấy dòng: " Má và con O-rito khổ cực lắm mới chế ra tờ giấy nầy. Bàn tay của má với nó đã nứt nẽ và đầu ngón tơi ra hết" Anh cảm thấy tờ giấy nầy, giống như làn da của một bà lão, có chứa giọt máu của người đã sinh thành người mẹ của anh. Chắc chắn là khi lá thơ nầy đến địa chỉ ngôi nhà trong khu phố Shimanouchi, mẹ của anh cũng trân trọng ấp nó vào ngực như anh đang làm, và vì, "đượm hương tay áo của người xa xưa", lá thư đó đối với anh thành ra một kỹ niệm quí báu và êm ái gấp đôi.
Sau đó, dựa vào những tin tức thu lượm được qua lá thư, Tsumura đi tìm gia đình của mẹ anh và thiết tưởng không phải đi sâu vào chi tiết để biết làm sao anh đã thành công. Chỉ biết từ thời đó tính ngược về ba bốn mươi năm trước là đúng lúc có những biến động của cuộc Duy Tân Meiji. Nhà Konakawa, căn số 9 trong khu Shinmachi [xxxix], nơi mẹ anh bị bán vào, cũng như nhà Urakado ở Imabashi, nơi mẹ anh vào làm con nuôi một ít lâu trước khi lấy chồng, bây giờ đã tàn hết rồi; mà con cháu những vị thầy cấp giấy chứng nhận là bà đã theo học trà đạo, thuật cắm hoa, đàn koto và samisen hầu như cũng chẳng còn ai. Rốt cuộc, chỉ có lá thư là đầu mối duy nhất; và cách đi tìm dễ dàng hơn cả là đến ngay làng Kuzu, quận Yoshita trong xứ Yamato. Vào mùa đông năm bà nội anh qua đời, sau khi làm lễ một trăm ngày cho cụ, Tsumura không nói ai hay mục đích, làm như du lịch, quyết chí một mình lên đường đi Kuzu.
Vùng thôn quê vốn ít có những thay đổi lớn như ở Ôsaka, nhất là Kuzu là một nơi hoàn toàn thô lậu, sâu trong ngõ ngách của vùng núi non Yoshino. Ngay cả một gia đình bần bách nhất cũng không dễ gì biến mất sau hai ba thế hệ. Mang trong lòng đầy ắp niềm hy vọng, khi đến chợ Kamiichi, Tsumura mướn một chiếc xe kéo và vào buổi sáng tháng chạp đẹp trời đó, anh ta tất tả nhắm hướng Kuzu theo con đường quan lộ mà anh và tôi, hai đứa đã đi bộ suốt hôm nay. Khi đôi mắt trông chờ của anh bắt gặp những ngôi nhà trong làng, thì cái thu hút anh trước tiên là những tấm giấy mà người ta đang hong khô trước hàng hiên hầu như của mỗi ngôi nhà. Những tấm giấy hình chữ nhật phơi gọn gàng trên mấy thanh gỗ dựng đứng bên nhau, cùng một cách thức như dân làng chài phơi rong biển. Những tấm giấy trắng toát bày ra rải rác khắp nơi dọc theo đường cái quan, cao thấp trên những vạt ruộng lưng chừng đồi, phản chiếu lấp lánh ánh nắng xế của buổi chiều lạnh lẽo. Nước mắt tự dưng ứa lên mi Tsumura. Đây đúng là mảnh đất của tổ tiên mình rồi. Bây giờ, anh đã đặt được chân lên quê hương của mẹ anh, nơi mà anh vẫn nhìn thấy trong giấc mộng từ lâu nay. Khi mẹ anh mới chào đời, cái ngôi làng trong hốc núi muôn thuở không biết bước thời gian đi qua là gì chắc cũng thanh bình êm ả như khung cảnh đang hiện ra trước mắt anh. Bốn mươi năm về trước, ngày cũng bắt đầu với mặt trời mọc lên rồi sau đó lặn xuống y như chuyện của ngày hôm qua.Tsumura có cảm tưởng anh đã đến sát và chỉ đứng cách "quá khứ" có mỗi một bức vách. Nếu anh thử nhắm mắt một lúc thì khi mở mắt ra, biết đâu anh chẳng bắt gặp mẹ mình đang nô đùa giữa mấy cô bé con sau bờ dậu ở một nơi nào bên cạnh.
Lúc đầu Tsumura lầm tưởng Konbu là một họ ít người có, anh sẽ tìm ra gia đình mẹ anh tức khắc nhưng khi đến xóm Hõm Rào (Kubokaito) bên cạnh, anh mới vỡ lẽ ra vì gia đình mang họ Konbu nhiều vô cùng, không biết bắt đầu tìm từ nhà nào trở đi . Không biết cách gì hơn là nhờ người kéo xe đi từng nhà mang họ Konbu để hỏi thăm. Nhưng ai cũng bảo không biết ngày xưa thế nào chứ nay thì không thấy ai tên Konbu Sukaezaemon cả. Đi mãi hồi lâu mới có một cụ già có lẽ là bậc cố lão từ trong một góc sâu cửa hàng bánh kẹo hiện ra dưới mái hiên, lấy tay chỉ về phía xa mà nói: "Nói như thế thì có lẽ là cái nhà đằng kia rồi!". Đó là một mái tranh tranh nằm lưng chừng trên sườn đồi ở phía trái đường cái quan. Tsumura bèn dặn người kéo xe đợi mình ở trước tiệm bánh kẹo rồi rời con đường cái, lần theo bậc thang cấp thoai thoải leo lên đồi về phía mái nhà tranh. Khí trời buổi sáng lành lạnh nhưng một chùm ánh sánh vây bọc mấy ngôi nhà đang chụm đầu lại thành một khối và được ngọn núi lài lài bao quanh che gió máy. Nhà nào cũng làm giấy. Vừa leo lên con đường mòn, Tsumura để ý thấy từ những căn nhà bên trên, có mấy người con gái đang dừng tay làm việc một khoảnh khắc để đưa cặp mắt hiếu kỳ nhìn người khách đàn ông thành thị. Công việc chế tạo giấy hình như dành cho mấy người con gái với con dâu. Họ làm việc trước sân nhà, người nào cũng có khăn buộc tóc quấn ngang trán. Đi giữa những vệt nắng tươi trong phản chiếu màu giấy đang phơi và màu những chiếc khăn bịt đầu, Tsumura tiến về phía căn nhà mà cụ cố lão đã chỉ cho anh. Biển treo ghi tên Konbu Yoshimatsu chứ không phải Sukezaemon. Bên tay mặt của ngôi nhà chính, họ có cất một gian nhà kho và trên sàn gỗ, một người con gái tuổi độ mười bảy mười tám đang khom lưng, hai tay ngâm trong một chất lỏng đục lờ như nước vo gạo. Cô ta đang nhúng một cái khung gỗ, đưa qua đưa lại và nhẹ nhàng múc từ dưới đáy lên. Chất nước màu trắng, bị chắn lại trong khung gỗ, cặn đọng thành hình mảnh giấy trên tấm lưới đan theo kiểu mành mành để chưng hấp. Thế rồi người con gái đặt những tờ giấy lên trên sàn rồi tiếp tục nhúng cái khung trong nước. Vì cánh cửa lối vào nhà bỏ ngỏ, Tsumura đứng đằng sau hàng dậu cúc dại đã tàn và quan sát trong khi người con gái làm được hai ba tấm giấy. Cô ta người mảnh mai nhưng đúng là gái đồng quê nên trông cứng cáp và chắc nịch. Hai gò má cô săn, đầy ắp sinh lực nhưng cái lôi cuốn Tsumura là những ngón tay đang dìm trong nước đục. Anh sẽ không lấy làm lạ nếu đó là hai "bàn tay đã nứt nẻ" và những "đầu ngón tơi ra hết". Tuy nhiên những ngón tay ửng đỏ vì cái lạnh, nứt nẻ, hao mòn, lại tràn trề sức sống của tuổi dậy thì ngày một vươn lên như không có gì có thể cản trở được, chứa đựng một vẻ đẹp làm mủi lòng người.
Bất chợt lúc đó, sự chú ý của Tsumura lại chuyển qua một chỗ khác. Anh ta nhận ra có một cái miểu thờ thần Inari ở góc tay trái ngôi nhà chính. Anh đi như có ai kéo chân, qua bờ dậu về hướng cái sân. Anh tiến gần một người đàn bà trạc hăm bốn hăm lăm có vẻ là chủ nhà tự nãy giờ đang đem giấy ra phơi.
Sau khi nghe Tsumura nói về lý do anh đến thăm, cô ta ra dáng hồ nghi. Mọi việc đến quá đột ngột với cô. Thế nhưng khi anh đưa bức thư ra làm bằng thì cô ta bắt đầu có vẻ tin tưởng. "Tôi không rõ mấy chuyện nầy đâu. Ông phải gặp những người lớn tuổi hơn" và gọi một bà già trạc sáu mươi từ trong căn nhà chính ra. Đó là "con O-rito" , người đã được nhắc đến trong lá thư. Bà là chị của mẹ Tsumura, vai bác anh.
Trước những câu hỏi sốt sắng và dồn dập của Tsumura, bà bác tỏ ra bối rối và phải lần mò tìm lại mối giây trong quá khứ để trả lời anh từng chút một với cái miệng móm mém đã khuyết hết răng. Có nhiều câu hỏi bà không thể trả lời, phần vì đã quên bẵng, phần vì bị lẫn, phần vì ngần ngại không muốn tiết lộ một vài chi tiết, cho nên có chỗ tiền hậu bất nhất, nhiều khi lúng búng trong miệng hay thều thào như đứt hơi. Do đó lắm lúc anh không nắm được ý bà muốn nói gì cho dù hỏi gặng đi gặng lại. Phân nửa những điều bà nói thì rõ ràng còn phân nửa kia chừng như có thêm bớt bằng trí tưởng tượng nhưng tất cả cũng đủ để giúp anh giải đáp những thắc mắc liên quan đến người mẹ mà anh đã đặt ra từ hai mươi năm nay. Theo lời bà bác, mẹ anh đã bị gửi đi Ôsaka vào thời Keiô, khoảng giữa năm 1865-68 . Nhưng bà còn nói thêm rằng vào thời đó bà (năm nay 67 tuổi) đã mười ba mười bốn và mẹ của anh cũng phải mười một mười hai. Nếu thế, thì nhất định câu chuyện chỉ phải xảy ra sau cuộc Duy Tân thời Meiji (1868). Đúng thật, mẹ anh chỉ làm việc ở Shinmachi có hai, ba, hoặc cùng lắm bốn năm rồi về làm dâu nhà Tsumura ngay. Dựa vào những điều bà bác O-rito cho biết, thuở ấy gia đình Konbu đang lâm vào cảnh túng ngặt và vì họ là một nhà cố cựu khá trọng thể diện cho nên đã cố dấu cho bằng được chuyện con mình đi làm ở một nơi như thế. Không những trong thời gian con gái đi làm mà ngay cả sau khi nó về làm dâu một gia đình danh giá, có lẽ họ vẫn nghĩ đó là một điều đáng hổ thẹn cho con và cho cả chính mình nên không hề đi lại thăm hỏi. Ngoài ra, trên thực tế thì người làm ở những xóm lầu xanh, con hát, gái làng chơi, gái trà thất hay gì gì đi chăng nữa, một khi triện đã đóng vào tấm văn tự bán mình rồi thì việc cắt đứt hoàn toàn quan hệ với cha mẹ là đúng với tập quán thông thường. Sau đó, với danh nghĩa "kẻ ăn người ở" trong nhà thì dù có chuyện gì xảy ra cho họ nữa, phía cha mẹ cũng không có quyền can thiệp. Tuy vậy, theo những gì bà bác còn nhớ một cách mù mờ thì khi cô em gái trở thành dâu con nhà Tsumura, mẹ của bà ta có đi Ôsaka thăm con một hai lần thì phải. Khi trở về, bà có kể lại những thay đổi đáng kinh ngạc trong đời cô con gái, bây giờ đã là bà chủ một gia đình trưởng giả và sống trong nhung lụa. Dưới Ôsaka cũng có nhắn O-rito thế nào cũng xuống chơi nhưng bà bác cho biết vì không muốn cho những người sang trọng họ thấy cái tướng lùi xùi quê mùa của mình nên không đi. Và từ đó O-rito cũng chẳng thấy người em về thăm Kuzu nữa nên không biết lúc lớn lên, dung mạo em mình thế nào. Rồi em rể và em gái lần lượt chết, phía bà thì cha mẹ cũng mãn phần cho nên mối liên lạc với nhà Tsumura coi như đoạn tuyệt.
Bà bác O-rito khi nhắc đến người em ruột, bà mẹ của Tsumura, thường gọi vòng vo là "đẻ của ông" . Có lẽ bà chỉ muốn lễ phép với Tsumura nhưng cũng có thể là bà đã quên bẵng tên cô em gái. Khi Tsumura hỏi về người tên là O-ei trong câu "Con O-ei mỗi ngày vào trong núi chỗ tuyết ngập dày, để đào củ sắn" thì được biết đó là bà chị cả, bà bác O-rito hàng thứ hai và O-sumi, mẹ của anh là cô gái út. Vì hoàn cảnh đặc biệt, O-ei đã đi làng khác lấy chồng [xxxx] trong khi đó chồng của O-rito vào ở rể trong nhà, lấy họ Konbu và thành người chủ gia đình. Hai người chồng của O-ei và O-rito đều đã chết, chủ gia đình hiện tại là con trai của O-rito tên gọi Yoshimatsu và vợ anh ta là người đàn bà đã tiếp chuyện khi Tsumura bước vào trong sân hỏi thăm. Khi mẹ của O-rito còn sống, cụ có giữ lại ít giấy tờ và thư từ liên quan đến O-sumi nhưng trải qua ba đời rồi, khó lòng còn vật nào tồn tại. Sau khi nói thế, bất thần O-rito như nhớ ra điều chi. Bà đứng lên, mở cửa cái ban thờ Phật trong nhà, lấy ra một tấm ảnh trưng bày bên cạnh mấy cái bài vị. Tsumura có cảm tưởng mình đã được nhìn thấy ở đâu. Đó là chân dung mẹ anh, khổ bưu thiếp, chụp khoảng trước khi bà qua đời. Anh cũng có một bức sao như thế trong tập ảnh của mình.
-Đây, đây, đẻ của ông có để lại vật nầy...
O-rito như nhớ thêm được điều gì khác:
-Ngoài tấm ảnh còn có chiếc đàn koto. Cụ tôi giữ cẩn thận lắm, xem nó như vật kỷ niệm của con gái dưới Ôsaka. Lâu nầy không giở ra xem, chẳng hiểu bây giờ nó thế nào...
Bà bảo cây đàn koto được cất trong kho trên gác. Tsumura nán lại chờ Yoshimatsu về lấy xuống cho anh xem.Trong khi chờ đợi, anh ghé xóm bên cạnh ăn cơm. Sau khi trở lại, anh giúp hai vợ chồng trẻ khênh món đồ kềnh càng bám đầy bụi đó ra chỗ sáng ngoài hiên.
Không hiểu sao món đồ quí ấy lại nằm ở một nơi không đúng chỗ là cái nhà nầy. Khi tấm vải dầu đã bạc màu bao quanh được mở ra, một chiếc đàn koto dài gần hai mét [xxxxi] , tuy đã cũ nhưng sơn và rắc kim nhủ tuyệt đẹp hiện ra trước mắt họ. Cây đàn được trang trí trọn vẹn bằng tranh sơn mài chỉ trừ mặt sườn gỗ gọi là "vỏ" (kô) ở dưới hàng dây đàn. Hai rìa dọc theo thân đàn gọi là "bãi" (iso) hình như được trang trí với phong cảnh bải biển Sumiyoshi [xxxxii] : một bên vẽ cánh cổng torii đền thần đạo và chiếc cầu hình vòng cung ẩn trong rừng tùng, bên kia vẽ một ngọn thạch đăng cao với rặng tùng ngã theo gió và những đợt sóng xô lên bờ.Vô số những con chim choi choi bay lượn trên vùng từ "biển" (umi) cho đến quãng "long giác" (ryuukaku), "tứ lục" (shibunnoroku) thuộc phần đầu cao của đàn; trong khi phần đầu thấp, nơi có "vải sậy" (oginuno) và ở dưới "lá sồi" (kashiwaba) có tranh trang trí hình mây ngũ sắc và các tiên cô. Vì gỗ ngô đồng làm thân đàn đã lên nước cùng với thời gian cho nên những bức tranh trang trí và kim ngân nhũ rắc lên nên toàn thể cây đàn hắt lên một thứ ánh sáng làm choá mắt. Tsumura phủi bụi khỏi tấm vải dầu bọc đàn và xem xét kỹ lưỡng các hình vẽ. Tấm vải hình như được dệt theo kiểu Shioze, đường chỉ rất sít sao và dày, mặt trên phô ra bên ngoài có hình hoa mơ kép màu trắng hiện ra trên nền đỏ, còn mặt dưới có hình một mỹ nhân Trung Quốc ngồi trên lầu cao gảy đàn tranh. Trên hai cột lầu có viết hai câu thơ đối với nhau:
Nhị thập ngũ huyền đàn dạ nguyệt,
Bất kham thanh oán khước qui lai[xxxxiii]
Trên nền, ở phía trong là cảnh một đàn nhạn đang bay dưới vầng trăng, bên cạnh có chép một bài thơ tiếng Nhật:
Ngỡ ngỗng trời đang giăng hàng,
Ai hay trụ nhạc cũng dàn đường mây.
Hoa mơ kép không phải hoa văn của gia đình Tsumura. Có thể nó là của gia đình Urakado, nhà cha mẹ nuôi hay là của hàng quán trên xóm Shinmachi. Có lẽ khi mẹ anh về làm dâu nhà Tsumura, bà thấy không cần phải giữ làm chi cái dấu vết của ngày tháng bà còn sống ở xóm lầu xanh nên gửi tặng nó cho gia đình ở dưới quê. Cũng có thể nghĩ rằng trong gia đình lúc đó có một cô gái đến tuổi cập kê, bà ngoại anh đã chấp nhận món quà để dành cho cô gái ấy. Hoặc giả, bà mẹ của Tsumura đã giữ cái đàn suốt thời kỳ bà lấy chồng ở Shimanouchi và trước khi chết, viết di chúc để nó lại cho gia đình, Thế nhưng cả bà bác O-rito lẫn cặp vợ chồng trẻ, không ai biết gì về chuyện đó cả, Hẳn là có một phong thơ kèm với cây đàn nhưng bây giờ không ai biết nó ở đâu. Họ chỉ còn nhớ rằng cái đàn koto ấy là của một người trong nhà mà họ đã "gửi đi Ôsaka" để lại cho.
Ngoài ra, có một chiếc hộp nhỏ đựng ít đồ phụ tùng như trụ chăng dây và phím đàn. Những cái trụ làm bằng gỗ đen, rắn chắc, được sơn, rắc kim nhũ và trang trí hình tùng-trúc-mai lên trên. Mấy cái phím vì dùng nhiều nên đã mòn hết. Chạnh lòng vì cái ý nghĩ mẹ anh đã sử dụng những cái phím nầy với mấy ngón tay mảnh khảnh của bà, Tsumura thử lồng một cái vào ngón út của anh. Cái cảnh anh đã thấy hồi còn bé với người đàn bà thanh lịch đang hòa bản Tiếng Chồn Tru (Konkai) với ông thầy trong gian sau căn nhà, lại thoáng hiện ra trước mắt anh. Cho dù người đàn bà ấy không phải là mẹ anh và chiếc đàn không phải là chiếc đàn koto này, mẹ anh chắc đã bao lần vừa đánh bản nhạc vừa hát theo. Anh tự nhủ nếu được thế nào cũng phải cho sửa chữa cái đàn nầy thật nhanh chóng và nhờ một nhạc sĩ có tài đánh cho nghe bản Konkai vào ngày giỗ của mẹ.
Ngôi miếu Inari trong vườn đã dùng để thờ thần chồn như vị thần phù hộ gia đình từ nhiều đời và cặp vợ chồng trẻ có thể xác nhận đó là cái miếu đã được nhắc đến trong lá thư của bà ngoại anh. Thế nhưng ngày nay, trong gia đình không ai có tài gọi được chồn ra nữa. Từ ngày còn bé, Yoshimatsu có nghe nói ông mình làm được chuyện đó nhưng từ một thời kỳ nào đó "thần chồn trắng Myôbuno-shin" không thấy xuất hiện nữa và nay chỉ còn dấu một cái hang cũ của chồn dưới gốc cây dẻ đằng sau miếu. Khi người ta dẫn Tsumura đến đó, anh thấy có một sợi giây thiêng shimenao của Thần Đạo tết bằng giấy ai treo hờ hửng ở miệng hang.
Câu chuyện trên đây đã xảy ra vào năm bà cụ nội Tsumura qua đời nghĩa là hai ba năm trước khi anh kể lại tôi nghe trong khi hai đưa ngồi trên mỏm đá ở Mitataki. Những "người bà con ở Kuzu" mà anh nhắc trong bức thư anh gửi cho tôi không ai khác hơn gia đình bà O-rito. Bà là bà bác cánh bên ngoại của Tsumura và gia đình bà cũng là gia đình mẹ của anh bạn tôi. Do đó, trong khoảng vài năm sau nầy, anh đã bắt đầu đi lại với gia đình mình. Hơn nữa, anh còn giúp đỡ chút đỉnh tiền bạc để họ sinh sống. Anh lại xây một ngôi nhà riêng cho bà bác và mở rộng cái xưởng làm giấy, giúp gia đình Konbu có phương tiện làm ăn bề thế hơn dù vẫn trong phạm vi một nghề thủ công.
Phần Sáu: Shionoha
-Thế thì lần nầy, mục đích chuyến đi của cậu là gì?
Hai chúng tôi vẫn ngồi nghỉ trên mỏm đá, quên khuấy màn đêm đã xuống dần chung quanh. Nhân lúc bạn tôi dừng lại giây lát câu chuyện kể, tôi mới hỏi xen vào;
-Cậu đi gặp bà bác, phỏng?
-Trong câu chuyện nầy, tớ còn quên chưa kể cho cậu một chi tiết!
Trong cái chập choạng của buổi hoàng hôn, chúng tôi bắt đầu hết nhận ra hình thù những bọt nước của dòng sông đang đập vào bờ đá dưới chân mình nhưng tôi vẫn cảm thấy được mặt Tsumura có hơi đỏ lên khi anh nói thế.
-Lần đầu tiên tớ đến, khi còn đứng ngoài rào nhà bà bác, có một cô gái trẻ mười bảy mười tám đang làm giấy ở bên trong. Cậu có nhớ là tớ đã kể cậu nghe chuyện ấy không?
-Ờ ờ!
-Cô gái đó thực ra là cháu ngoại của bà bác cả - cái bà tên O-ei và đã mất rồi đó. Hồi tớ ghé, đúng dịp cô ta đến phụ một tay cho gia đình Konbu.
Đúng như tôi nhận xét, giọng nói của Tsumura dần dần trở nên hết sức ngượng ngập:
-Như tớ vừa kể cậu nghe khi nãy, cô ta đúng là gái quê, lại không đẹp đẽ gì cho cam. Vì công việc, cô ta phải nhúng tay trong nước giữa trời lạnh cóng cho nên chân tay đã nứt nẻ và trông rất thô kệch. Thế như hàng chữ trong lá thư của bà ngoại tớ, cái "bàn tay nứt nẻ và đầu ngón tơi ra hết" đã ám ảnh tớ hay sao mà lạ lùng thay, từ lúc đầu tiên chỉ cần một lần được thấy cô gái nhúng đôi bàn tay đỏ hỏn trong nước, tớ đã thương cô ta liền. Còn phải nói thêm nữa là cô có nhiều nét hao hao khuôn mặt của mẹ tớ trong tấm ảnh. Đã đành vì gia cảnh, thân phận cô chỉ là người làm đứa ở nhưng nếu được trau dồi thì cô cũng sẽ gần được như mẹ tớ thôi.
-Ra thế, cô ta là cái trống Hatsune của cậu đấy!
-Phải, đúng rồi! ..Sao, cậu thấy thế nào? Tớ định hỏi cô ấy làm vợ.
Cô ta tên là O-sawa. O-tomo, con gái của bà bác cả O-ei, lấy chồng họ Ichida, con nhà nông ở gần Kashiwagi. O-sawa sinh ra ở đó. Vì gia đình sống chật vật nên khi mới xong bậc tiểu học, cô đã phải xuống thị trấn Gojô giúp việc cho người ta. Vì nhà neo người, năm mười bảy cô mới xin thôi về quê, từ đó giúp việc đồng áng. Nhưng đến mùa đông, không có nông vụ, cô được gửi đến gia đình Konbu phụ họ làm giấy. Năm nay đáng lý cô cũng phải đến nhưng có lẽ chưa đến lúc. Nhân thế, theo lời Tsumura, trước tiên anh phải thổ lộ cho bà bác O-rito và vợ chồng Yoshimatsu nỗi lòng thầm kín của mình, rồi tùy theo kết quả, hoặc nhờ họ gọi cô ấy tới gấp hoặc chính mình tìm đến nhà cô.
-Nếu mọi sự trôi chảy thì tớ cũng có hy vọng gặp được cô O-sawa?
-Đúng! Chuyến đi này rủ cậu đi tớ cũng muốn cậu thế nào cũng gặp cô ấy hộ và cho tớ nghe nhận xét của cậu về cô ấy đấy. Bề gì hoàn cảnh của hai bên khác nhau nhiều quá, không biết cưới cô ấy về rồi có được hạnh phúc hay không đây? Tuy tin tưởng là không sao nhưngcũng không thể hoàn toàn yên trí....
Tôi thúc hối Tsumura đi ngay, hai đứa tuột xuống mỏm đá mà chúng tôi ngồi nãy giờ. Thế rồi đến Miyataki, chúng tôi thuê xe kéo và khi chúng tôi đến nhà gia đình Konbu ở Kuzu, nơi chúng tôi đã xin ngủ đỗ, thì trời đã tối sẫm.Tôi xin lược hết những ấn tượng tôi có về bà bác O-rito, gia đình bà, cảnh tượng nhà cửa, xưởng giấy... vì không chỉ làm choán giấy mà còn lập lại những điều đã viết ở trên. Tôi chỉ xin ghi lại đôi ba điều còn giữ lại trong ký ức. Thời đó, điện chưa tới vùng nầy và chúng tôi và gia đình họ ngồi thành vòng tròn quanh một bếp lò lớn dưới ánh đèn dầu nói chuyện với nhau. Nhà của họ đúng là một ngôi nhà tranh miền núi tiêu biểu. Họ chụm lò bằng gỗ sồi, dẻ xanh lẫn gỗ dâu nhưng họ cho biết chỉ có gỗ dâu là cháy chậm và toả hơi nóng dịu hơn cả cho nên cho thứ củi nầy vào đầy cả lò. Tôi lấy làm ngạc nhiên vì họ xài phung phí còn hơn người tỉnh thành. Dưới ánh sáng của những tia lửa kêu lách tách, rui kèo và trần nhà trên bếp lò ánh lên một màu đen nhánh như vừa mới được tô bằng hắc ín.Còn phải kể thêm là mấy con cá thu vùng Kumano dọn ra trong bửa cơm chiều ngon ơi là ngon. Cá thu bắt được ngoài biển Kumano được kẹp trong lá trúc còi và chuyển vận lên vùng núi để bán. Trong cuộc hành trình dài năm, sáu ngày hay một tuần, nhờ có gió cá tự động khô đi. Nhiều khi chồn còn chạy ra cuổm cả cá. Đó là họ kể với tôi như vậy.
Sáng hôm sau, khi bàn định với nhau xong, Tsumura và tôi, tạm thời mỗi người sẽ hành động theo một hướng khác nhau. Tsumura sẽ trình bày vấn đề thiết thân của anh và thuyết phục gia đình Konbu nói vun vào hộ. Trong khi đó, nếu tôi có mặt thì sẽ làm vướng víu anh cho nên tôi sẽ đi một vòng khoảng năm sáu ngày tìm hiểu vùng núi sâu trên thượng nguồn sông Yoshino để thu lượm tư liệu cần thiết cho cuốn tiểu thuyết đã dự tính. Ngày đầu tiên rời khỏi Kuzu, tôi định đi đến làng Unogawa viếng phần mộ của hoàng tử Ogura, con trai thiên hoàng Go-Kameyama, sau đó vượt ngọn đèo Ngũ Xã (Gosha) đến làng Kawakami rồi qua đêm ở Kashiwagi. Ngày thứ hai tôi định vượt đèo Obagamine và ngủ lại trang trại Kawai trong làng Kitayama. Qua đến hôm thứ ba, tôi sẽ thăm chùa Long Tuyền Tự (Ryuusen) ở Otochi, chỗ có cung xưa của Vua Nhà Trời, và phần mộ hoàng tử Kitayama, rồi sau đó, leo lên rặng Ôdaigahara và ngủ một đêm trong núi. Ngày thứ tư, tôi tính ghé suối nước nóng Ngũ Sắc (Goshiki) và thám hiểm thung lũng Sannoko. Nếu đi trót lọt, tôi sẽ thăm hai vùng đất bằng là Hachimandaira và Kakushidaira cho được và xin tiều phu cho ngủ trọ trong chòi hay lui trở lại qua đêm ở Shionoha. Ngày thứ năm tôi sẽ từ Shionoha đi Kashiwagi, và cùng ngày đó hoặc hôm sau về tới Kuzu. Đấy là chương trình chuyến đi tôi đã lập ra, có tham khảo ý kiến gia đình Konbu về địa lý trong vùng . Sau khi hứa hẹn ngày tái ngộ, tôi chúc Tsumura mọi điều may mắn rồi lên đường. Khi tôi sắp sửa rời chân, Tsumura cho biết anh có thể đến thăm gia đình O-sawa ở Kashiwagi và chỉ cho cách tôi tìm nhà cô ta, dặn tôi nhớ ghé lại chơi khi nào tôi đặt chân đến Kashiwagi trên đường về.
Chuyến đi của tôi hầu như diễn ra ăn khớp với chương trình. Theo lời người ta, ngày nay thì ngay cả ngọn đèo Obagamine hiểm trở cũng đã có đường xe buýt, và khách có thể đi thẳng một lèo đến Kinomoto trong xứ Kii mà không cần phải xuống xe cuốc bộ. Nhớ lại tình huống hồi trước lúc tôi qua vùng thì như thể đã là chuyện xưa lắc. May là trời tốt nên tôi thu thập được nhiều tư liệu hơn cả lòng mong đợi, cho đến hôm thứ tư thì thấy chuyện đường sá khó khăn hay nhọc nhằn "chỉ có thế thôi sao!". Thế nhưng đường vào thung lũng Sannoko mới làm tôi tá hỏa. Nhất là trước khi đi đến đó, tôi có nghe thiên hạ hay bảo: "Chỗ đó khiếp lắm!" hoặc là : "Trời ơi, ông đi Sannoko đấy à?" nên đã chuẩn bị tinh thần. Do đó, tôi mới thay đổi lịch trình đôi chút. Ngày thứ tư, ngủ trọ một đêm tại suối nước nóng Goshiki, tôi mượn một người đi theo làm hướng đạo, rồi qua hôm sau, mới sáng tinh mơ đã khởi hành.
Con đường men theo dòng sông Yoshino từ nơi phát nguyên của nó là núi Ôdaigahara để xuống dưới, đến bên bờ một chỗ chẻ nhánh tên gọi Hai Bắp Vế (Ninomata), nơi sông gặp gỡ một dòng suối thì con đường rẽ làm hai.Một nhánh đưa thẳng về Shionoha, còn nhánh kia uốn cong về bên phải trước khi đâm xuống thung lũng Sannoko.
Con đường lớn dẫn đến Shionoha thì đúng là một "con đường" chứ cái nhánh quẹo qua bên phải chỉ là một lối mòn chật hẹp, chỉ đủ để đánh dấu giúp cho người đi, và xuyên qua những cánh rừng tuyết tùng dày đặc. Thêm nỗi hôm qua trời mới mưa, nước lũ sông Ninomata dâng cao làm lở đi hay nhận chìm cả mấy chiếc cầu làm bằng thân cây thô, làm tôi phải nhảy từ phiến đá nầy qua phiến đá nọ trên những chỗ xoáy của dòng nước xiết và nhiều khi đành bò bốn cẳng chứ ngoài ra không có cách đi qua. Trên đầu nguồn sông Ninomata là "sông" Okutama. Từ chỗ đó, chúng tôi băng qua lòng sông Địa Tạng (Jizô) và cuối cùng tới được phía sông Sannoko. Đoạn đường đi từ sông nầy qua sông kia bọc bằng những vách đá dựng đứng không biết bao nhiêu trượng. Nhiều chỗ hẹp đến nỗi phải lách người mới đi lọt, nhiều chỗ đường sụp mất tích. Người ta phải bắc các thân gỗ nguyên khối hay ván lót đường làm những chiếc cầu tạm tiếp nối trong không trung để con đường mòn ngoằn ngoèo có thể băng qua những vực thẳm. Một tay leo núi nhà nghề chắc sẽ coi là như chuyện cơm bữa , thế nhưng thể dục dụng cụ vẫn là môn tôi yếu nhất thời trung học: mấy thứ xà đôi, xà móc hay ngựa gỗ từng làm tôi sợ đến phát khóc. Hồi đi thăm Yoshino lần trước, tôi hãy còn trẻ, người trông thanh cảnh hơn bây giờ và có thể đi bộ trên đường bằng ba bốn mươi cây số mà không biết mệt. Thế nhưng giờ đây, ở một nơi khó đi như thế này, nếu không dùng cả bốn vó thì không tài nào tiến tới trước được. Chân tôi hãy còn đủ sức nhưng vấn đề là thân hình đã bớt nhanh nhẹn. Chắc chắn là trên đoạn đường, mặt tôi đã hết đỏ gấc rồi lại xanh chàm không biết đến bao nhiêu lần.Thật lòng mà nói, phải chi không có người hướng đạo đi cùng thì tôi đã quay về phía cầu gỗ Ninomata rồi. Sự hiện diện của ông làm tôi mắc cỡ vì không biết tính sao, tiến một bước hay lùi một bước đều ngại, rốt cuộc, hai bàn chân vừa run lẩy bẩy vừa phải tiếp tục.
Vì lý do đó nên phong cảnh mùa thu trong thung lũng đẹp như thế mà tôi lấy làm hỗ thẹn không đủ sức để miêu tả tường tận nó vì mải bận cúi xuống, chú ý vào bước chân mình. Đôi lúc có ngẩng đầu lên là khi giật nẩy người vì tiếng mấy con chim sẻ ngô chợt đập cánh bay lên. Ngược lại, ông hướng đạo của tôi quả thật đã quen việc. Ngậm điếu thuốc lá rời quấn trong lá hải đường trên môi, ông ta tiến lên trên con đường nguy hiểm nầy mà không chút mệt nhọc, còn chỉ bảo đây là thác nầy, sông nọ, ghềnh kia....Thế rồi, ông đưa tay ra trỏ về phía xa:
-Đằng đó là ghềnh đá Tâu Ngài (Gozenmôsu). Ông ta bảo. Còn kia là ghềnh Berobedo. Ông lại chỉ về hướng một nơi xa hơn.
Nghe nói thế, tôi đưa cặp mắt kinh hoàng nhìn xuống đáy vực mà không thấy thấu tới nơi và không phân biệt nổi cái nào là Gozenmôsu và cái nào là Berobedo nhưng ông hướng đạo giải thích là ngày xưa đức vua ngự ở đây cho nên có những ghềnh đá mang những cái tên như vậy. Do đó, bốn năm năm về trước, có học giả, tiến sĩ hay công chức cao cấp gì đó, nói chung là một vị có tiếng tăm, từ Tôkyô đến thăm thung lũng này, và đặt câu hỏi :
-Ở đây có cái ghềnh đá nào tên Gozenmôsu không ?
Ông hướng đạo lúc đó cũng đi dẩn đường, mới cung kính trả lời :
-Dạ thưa có ! Rồi chỉ về hướng ghềnh đá.
-Thế còn cái ghềnh tên là Berobedo ?
-Dạ, thưa nó đây ! Ông ta bảo thế rồi chỉ một mỏm đá khác.
-À ra thế, tốt lắm. Nhất định Vua Nhà Trời (Jiten.ô) có ở đây rồi !
Tấm tắc xong, vị ấy bèn quay về Tôkyô. Đó là câu chuyện mà ông hướng đạo đã kể tôi nghe nhưng không giải thích được nguồn gốc cái tên của những ghềnh đá ấy.
Cái ông hướng đạo nầy còn biết thêm nhiều câu chuyện truyền tụng ở vùng nầy. Ngày xưa khi bọn truy kích Vua Nhà Trời từ kinh đô đột nhập vào đây, chúng không biết ngài ở đâu, mới đi hết núi nầy sang núi nọ để lùng. Một hôm, chúng xuống thung lũng ở đây và thấy rằng trong dòng nước sông Tanigawa chảy từ thượng lưu xuống phía chúng có lẫn cả vàng nên chúng lần mò đi lên thì thấy có cung điện của ngài. Một câu chuyện khác kể rằng sau khi đến ngự trong cung Kitayama, mỗi ngày Vua Nhà Trời ra rửa mặt trên dòng sông Kitayama chảy trước cung điện. Đức vua bao giờ cũng đi với hai kẻ tùy tùng có khuôn mặt giống ngài như đúc đến nỗi không ai phân biệt được ai là đức vua thật. Những kẻ truy kích mới dò hỏi một bà lão trong thôn hay có dịp qua đó thì bà mới chỉ cho :
-Cái người nào khi thở ra mà hơi thở màu trắng ấy chính là đức vua.
Chính nhờ đó mà bọn truy kích mới tấn công và cắt được thủ cấp đức vua nhưng nghe nói con cháu nhà bà lão vì thế mấy đời đều đẻ ra toàn người tàn tật.
Vào khoảng một giờ trưa, tôi đến được một túp lều ở vùng đất bằng Hachimandaira, vừa mở cơm hộp ra ăn vừa lấy sổ tay ra ghi chép những truyền thuyết nghe được. Từ đây chỉ còn đoạn đường khứ hồi độ dưới ba dặm (mươi cây số) để đến chỗ đất bằng tên gọi là Đồng Ẩn Náu (Kakushidaira) nhưng đoạn đường sắp tới sẽ dễ đi hơn con đường chúng tôi mới vượt qua ban sáng. Thế nhưng cho dù các nhân vật Nam Triều muốn tránh cặp mắt người đời, việc vào ở mãi sâu trong nầy quả là điều bất tiện. Chắc chắn là câu thơ của hoàng tử Kitayama như sau :
Lạc loài vào chốn non sâu,
Cửa sài phong kín, dạ sầu với trăng
không thể nào được làm ra ở một nơi như nơi nầy.Nói tóm lại, phải chăng Sannoko chỉ là một địa điểm trong truyền thuyết chứ không dính dáng đến sự thực lịch sử ?
Tối hôm đó, ông hướng đạo và tôi ngủ đỗ lại ở Hachimandaira trong căn lều của một sơn nhân, được đãi ăn cơm có thịt thỏ rừng. Sáng hôm sau, chúng tôi trở lại Ninomata bằng con đường cũ, ở đó, sau khi giả từ ông, tôi về Shionoha một mình. Tuy nghe nói từ đấy đến Kashiwagi chỉ có bốn cây số nhưng tôi trùng trình lại với ý định đi tắm suối nước nóng phun lên dọc bờ sông. Trên sông Yoshino, nơi nước dâng lên khi hợp lưu với dòng Ninomata, có một chiếc cầu treo. Vừa vượt qua đó, tôi đã thấy suối nước nóng nằm trên bãi sông dưới chân cầu. Thế nhưng khi thử nhúng tay vào, tôi thấy nước chỉ hâm hẩm như nước hấp hơi nắng là cùng. Mấy bà nhà nông đang bận rộn rửa củ cải trong đó.
-Chỗ này mùa hè mới vào tắm được. Cữ nầy, muốn tắm phải cho nước vào bồn tắm mà đun lên.
Bà ta vừa nói vừa chỉ tay về hướng một cái bồn tắm bị bỏ mặc trên bãi sông.
Vừa lúc tôi ngoảnh đầu nhìn cái bồn thì từ trên cầu treo có tiếng ai gọi ơi ới :
-Ê.. ! ê.... !.
Nhìn lại, té ra ai như Tsumura và O-sawa. Anh chàng chạy về hướng tôi, cô gái theo sau lưng. Chiếc cầu treo chao nhẹ dưới bước chân và tiếng guốc gỗ lốc cốc của họ âm vang trong thung lũng.
Về sau, tôi không viết được quyển tiểu thuyết lịch sử như đã dự tính vì hãy còn thiếu một số tư liệu. Cô O-sawa mà tôi thấy trên cầu hôm đó nay đã trở thành bà Tsumura là chuyện không cần phải nói. Chuyến đi vừa qua xem ra đem lại nhiều thành quả cho Tsumura hơn là cho tôi.
Tôkyô, dịch từ 25/04 đến 05/06/2005.
Nguyễn Nam Trân
Chú Thích Của Người Dịch[
i] Con chồn ranh mãnh trong truyền thuyết, đã giả làm Tadanobu.
[iii] Satô Tadanobu (Tá Đằng, Trung Tín, 1161-1186), một trong những người con của Satô Shôji, cùng với anh mình là Tsuginobu (1158-1185) theo hầu Yoshitsune và đoạn hậu chẹn bọn tăng binh theo bắt, để cho chủ tướng thoát thân khi họ trốn chạy đến Yoshino. Ông tự sát ở Kyôto sau đó.
[iv] Minamotono Yoshitsune (1159-1159), tục gọi là Kurô (Cửu Lang), em trai Tướng Quân Yoritomo, người khai sáng Mạc Phủ Kamakura. Ông là danh tướng tài hoa nhưng yểu mệnh mà cuộc đời đã trở thành một huyền thoại trong dân gian. Sau khi diệt được nhà Taira, bị Yoritomo tranh chấp quyền lực, lùng bắt phải bôn đào từ Kyôto xuống Yoshino sau lên miền bắc, căn cứ địa cũ. Bị đồng minh phản bội và chọn cái chết.
[v] Nhân vật trong vở múa rối của Chikamatsu Monzaemon, sau được phóng tác thành tuồng Kabuki nhan đề Shigenoi kowakare (Cuộc chia tay giữa Shinegoi và đứa con). Bà vú Shigenoi có đứa con rơi là Sankichi, làm nghề mã phu. Bị giằng co giữa tình mẹ con và bổn phận (vú nuôi con gái lãnh chúa), bà đã chọn việc theo hầu cô công nương và bỏ rơi Sankichi, con đẻ của mình.
[vi] Thiên hoàng thuộc Nam Triều đã về kinh đô Kyôto năm 1392 sau cuộc hòa nghị.
[vii] Như lịch sử nhiều quốc gia, Nhật Bản đã trải qua tình trạng chia cắt trong vòng 57 năm (1336-92). Bắc Triều đóng ở Kyôto, còn Nam Triều đóng trong cùng núi non Yoshino. Các thiên hoàng hiện tại thuộc dòng dõi Nam Triều.
[viii] Người thuộc dòng họ Kutsunoki, hào tộc vùng Kawachi, Izumi, ủng hộ Nam Triều.
[ix] Ba vậy báu (sanshu jingi) tượng trưng cho quyền lực thiên hoàng.
[x] Akamatsu Mitsusuke (Xích Tùng Mãn Hựu, 1373-1441?), hào tộc đời Nam Bắc Triều, ám sát Tướng Quân Ashikaga Yoshinori, cháu người dựng chùa Kim Các, sau tự sát. Sử gọi là cuộc loạn năm Kakitsu (1441-1444).
[xi] Tức Thái Bình Ký, truyện ký về chiến tranh gồm 40 quyển miêu tả khoảng thời gian nước Nhật đi đến cảnh phân chia thành hai triều đình Nam Bắc với một giọng văn hoa lệ, bằng chữ Nhật xen lẫn chữ Hán. Có lẽ do một pháp sư tên Kojima viết ra khoảng năm 1368-1379.
[xii] Một hoàng tử có chí trung hưng thế lực thiên hoàng (nhà vua) chống lại thế lực mạc phủ (nhà chúa) nhưng phải bôn tẩu khắp nơi và cuối cùng bị kẻ thù cầm tù và thảm sát.
[xiii] Nguyên là một tiểu thuyết đại chúng nói về giới du côn anh chị đời Edo do nhà văn Kyokutei Bakin (1767-1848) viết.
[xiv] Kyokutei Bakin (Khúc Đình Mã Cầm, 1767-1848), nhà viết tiểu thuyết (đặc biệt là kiếm hiệp) nổi tiếng thời Edo.
[xv] Còn gọi là trường Nhất Cao (Ikkô), trường cao đẳng chuẩn bị vào đại học, năm 1949 đă sáp nhập vào Đại Học Đông Kinh.
[xvi] Kuzu (sắn dây) thân thảo, lá chỉa ba, một trong bảy thứ cỏ mùa thu, mặt trái (ura) dễ bày ra khi trời có gió. Làm liên tưởng đến chữ urami nghĩa là "oán hận" hay "hận tình". Còn gọi là kuzu kazura (sắn đèn lồng ) một chữ dùng trong thơ khi ám chỉ lòng "oán hận". Vở tuồng Nô nhan đề Kuzu của soạn giả Zeami (1363?-1443?) cũng nói về thiên hoàng Tenmu khi còn là một ông hoàng lưu lạc.
[xvii] Thiên hoàng vĩ đại trong lịch sử Nhật Bản, sau khi đoạt ngôi của cháu sau loạn Nhâm Thân (672), đă lập ra luật lệnh, chế độ, biên tu quốc sử, tại vị từ 673 đến 686. Lúc cňn là hoàng tử Ôama (671), có lần vào vùng núi Yoshino ẩn cư.
[xviii] Tên một vở tuồng búp bê nghĩa là " Đem Chuyện Núi Vợ Chồng Dạy Dỗ Người Đàn Bà" do nhà soạn kịch Chikamatsu Hanji và các bạn hợp tác viết và diễn lần đầu tiên năm 1771, kể lại bi kịch của chàng Koganosuke và nàng Hinadori. Sau trở thành tuồng Kabuki.
[xix] Tiệm bán một loại sushi mà cá được ướp đặc biệt và bày trong hộp gỗ hình chiếc gàu múc nước.
[xx] Tức Taira no Koremori (1157-1184?), con trai cả của quyền thần Kiyomori, nổi tiếng là người đẹp trai. Lúc họ Taira bị đánh tan, phải trú ẩn trong dân. Sau chết ngoài biển, có thuyết cho là đi tu và chết bệnh.
[xxi] Nhân vật trong tuồng múa rối Jôruri nhan đề Yoshitsune Senbonzakura, đóng vai một tên vô lại con nhà bán cơm nắm cá giấm, sau được cảm hóa, hy sinh cả mình và vợ con để cứu Tairano Koremori.
[xxii] Tiếng đầu tiên (Sơ Âm) thường để chỉ tiếng cuốc kêu đầu mùa hè.
[xxiii] Phu nhân Shizuka (Tĩnh) tức là Shizuka Gozen, ái thiếp của danh tướng Yoshitsune (Nghĩa Kinh), xuất thân con hát shirabyoshi (tên gọi gái làng chơi sành nghệ thuật thời Heian và Kamakura, ăn mặc nam trang), dung nghi diễm lệ, lại giỏi ca vũ nhạc. Trên đường lưu lạc, đành chia tay với Yoshitsune ở Yoshino. Bị bắt về Kamakura lúc đang có thai, phải múa ở đền Tsurugaoka trước mặt vợ chồng Tướng Quân Yoritomo (kẻ thù và là anh ruột của Yoshitsune) điệu múa mà xưa Yoshitsune yêu thích nhất. Sau nàng đi tu. Ngày sinh và mất của nàng không rõ. Mối tình bi đát hai người là nguồn cảm hứng phong phú của các soạn giả tuồng Nô và Kabuki . Tác phẩm liên quan đến nàng có các vở như Kuzu (Sắn Dây), Yoshino Shizuka (Shizuka ở Yoshino) , Futari Shizuka (Hai nàng Shizuka) , Funa Benkei (Con thuyền của Benkei).
[xxiv] Futari Shizuka (Hai nàng Shizuka), tuồng Nô của Zeami. Nàng con gái hái rau (Natsumi) là người bị hồn ma Shizuka ám. Nàng xưng danh tánh cho nhà sư và bắt đầu múa. Thế rồi, hồn ma của Shizuka cũng hiện ra và múa theo.
[xxv] Nhà thơ thời Man.yôshuu, hoạt động trong khoảng 20 năm từ 713 đến 733.
[xxvi] Gọi tắt tên nhà thơ Kakinomotono Hitomaro (Thị Bản, Nhân Ca Lữ), một trong Tam Thập Lục Ca Tiên.
[xxvii] Nhà thơ và danh tăng thời Heian. Sinh năm 1118, mất năm 1190. Có Sanka-shuu (Sơn Gia Tập).
[xxviii] Ám chỉ Yoshitsune, người yêu của Shizuka, trên đường bôn tẩu.
[xxix] Địa danh. Thị trấn nằm trên dòng sông Yoshino, nơi thu thập và phân phối gỗ của vùng núi nầy.
[xxx] Tương ứng với năm 1737 nghĩa là gần 600 năm sau thời của Minamotono Yoshitsune (1159-1189) và Shizuka Gozen.
[xxxi] (Trúc Điền, Xuất Vân, 1691-1756)
[xxxii] Kaibara Ekiken (Bối Nguyên, Ích Hiên, 1630-1714) là nhà Hán học, giáo dục và bản thảo học Nhật Bản. Hoà châu tức là vùng Yamato (Đại Hòa), quyển sách ghi chép chuyến viếng thăm vùng này của tác giả.
[xxxiii] Ken = 1, 818m.
[xxxiv] Ca từ của bài Tiếng Chồn Tru (Konkai) viết ra ở đây lấy từ tập Matsunoha (Lá Tùng, 1703), một tập thơ dân gian, thật ra rất tối nghĩa. Tanizaki có sửa đổi đôi chút cho hợp với đề tài câu truyện.
[xxxv] Những nhân vật trong vở tuồng. O-Karu, là con gái Yoichibei, để kiếm tiền giúp chồng, phải bán mình vào xóm thanh lâu ở Gion. Sao vì sợ lộ việc cơ mật, bị người giết.
[xxxvi] Còn gọi là thời Edo (1600-1868) lúc gia đình các Tướng Quân họ Tokugawa lãnh đạo Nhật Bản đến trước cuộc Duy Tân (1868).
[xxxvii] Michiyuki (đạo hành, đi đường) là một điệu múa trong tuồng Jôruri, Kabuki và Kyôgen mà hai nhân vật, thường là nam nữ yêu nhau, đi vòng vo trên sân khấu và hát, như thể sống lần cuối một cuộc đời thu gọn trước khi về cõi chết.
[xxxviii] Chim cuốc, còn gọi là đỗ quyên, tử qui vv... dính với sự tích Thục Đế như trong văn chương Trung Quốc và Việt Nam. "Bất Như Quy" cũng là chim cuốc (hototogisu), diễn âm tiếng kêu của chim.
[xxxix] Xóm làng chơi ở Ôsaka thời Edo. Trong niên hiệu Kan-ei (1624-1644), mạc phủ đă xây cất một khu phố mới (Shin = Mới, Machi = Khu Phố, Xóm) để tụ hợp các gái làng chơi bốn phương. Cùng với Shimabara ở Kyôto và Yoshiwara ở Edo là ba xóm bình khang lớn nhất nước.
[xxxx] Trong gia đình chỉ có con gái, đáng lẽ chồng cô cả phải gửi rể theo họ vợ và trở thành chủ gia đình.
[xxxxi] Nguyên tác honken no koto tức đàn cầm có chiều dài cở 1,82 m.
[xxxxii] Phong cảnh bải biển ở phía nam Ôsaka, nơi có đền thờ nổi tiếng.
[xxxxiii] Thơ của thi nhân Tiền Khởi đời Đường vịnh nhạn sông Tiêu Tương (vùng Giang Nam) phải bỏ đi về bắc vì không chịu nỗi tiếng đàn buồn thảm của nàng Tố Nữ trong thần thoại: