Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cuộc Chiến VN >> Số phận những thông dịch viên người Việt bên cạnh quân viễn chinh Mỹ

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 8521 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Số phận những thông dịch viên người Việt bên cạnh quân viễn chinh Mỹ
Lê Thành Giai

Lê Thành Giai nguyên là thông dịch viên của Lữ đoàn 11, Sư đoàn Americal bộ binh Mỹ từng có mặt tại Đức Phổ, Quảng Ngãi từ 1967-1969; đơn vị này đã từng nhiều lần tập kích vào trạm xá của bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm.
Năm 2000 Lê Thành Giai định cư và có học bổng tại một đại học tại California, Mỹ...
Tôi để ý đến Lê Thành Giai sau loạt bài của anh viết cho báo Thanh Niên về những cuộc hành quân của quân viễn chinh Mỹ mà anh từng tham gia. Những dòng Lê Thành Giai viết cho thấy những ký ức đau buồn của cuộc chiến vừa qua, sau 30 năm hình như đang còn đeo đẳng, đè nặng trong tim, óc của anh, hễ có dịp hay có ai động khẽ vào là nó sẽ vỡ oà ra từng mảng lớn.
Đây không chỉ là cõi lòng của riêng Lê Thành Giai mà còn là của gần một nửa dân tộc ở phía bên kia từng cùng chung chịu gánh nặng của cuộc chiến mà bấy lâu nay bị quên, lấp. Tôi động viên Lê Thành Giai hãy viết về những năm tháng đau buồn đó của đời mình. Hãy cố làm một mố cầu nhỏ nhoi, gánh chịu những áp lực từ hai phía để cho những nhịp "cầu tre" lắt lẻo bắc qua được những kinh rạch, những đầm ao thù hận, định kiến vẫn con ngưng đọng đâu đó do cuộc chiến gây ra được khoả lấp, bước qua.
Trước khi có chiến tranh chúng ta là người Việt - đó là câu nhiều lần Giai tâm sự với tôi! Tôi bổ sung: Sau chiến tranh, loạn lạc chúng ta vẫn là người Việt!
Lê Thành Giai đã mail cho tôi, tâm sự nhiều điều về những năm tháng mà anh từng tham gia với tư cách là một thông dịch viên. Chúng tôi xin trích một phần trong những ký ức không dễ quên đó của anh với Văn Nghệ Trẻ
Phạm Viết Đào
Vô lính
Giữa năm 1966, tôi có hai sự lựa chọn: lên đại học hoặc đi lính. Thế hệ của tôi, người ta dùng chữ đi lính nghe tưởng như vừa mới tìm được việc làm. Thời đó, đi lính gần như là giải pháp độc nhất dành cho người không có điều kiện vào đại học, muốn thoát đời làm ruộng và lớn lên có tiền xài. Ở mọi chỗ, phong trào tuyển quân nổi lên rầm rộ, thanh niên trạc tuổi tôi rộn rịp vô lính. Tôi còn nhớ rõ, hàng ngày trước cửa uỷ ban xã, một dãy bàn đặt ngay ngắn cách nhau, trên bàn có đặt tấm bảng nhỏ: tuyển quân Sư đoàn 5, tuyển quân Sư đoàn 7, tuyển quân Sư đoàn 9, ngày ngày radio phát thanh kêu gọi trai tráng vô lính như... mốt thời trang! Khắp nơi: cột đèn, gốc cây, vách trường học, cửa ra vào trụ sở cơ quan, bến xe, dọc hàng rào nhà thờ, chùa... băng rôn viết khẩu hiệu treo ngang treo dọc kêu gọi trai tráng nhập ngũ!
Thủ tục vô lính cực kỳ đơn giản như vậy, người sẽ thành lính chỉ tốn chút thì giờ để so sánh quyền lợi trước khi quyết định ký đơn. Quyền lợi hay tiền thưởng cho người tình nguyện dao động theo sự chạy đua tuyển quân: Sư đoàn X thưởng 10.000 đồng cho người đầu quân; Sư đoàn Y thưởng 12.000 ngàn..., và có sư đoàn còn thưởng cao hơn để “hút” thanh niên. Tiền trao 50% khi bước vào quân trường, ra trường nhận 50% còn lại. Có nhười rành chuyện khuyên người tình nguyện đâm đầu vô lính nên biết thêm: đi Sư đoàn X gần nhà, đi Sư đoàn Y lội ruộng chết cha, đi Sư đoàn Z vô sát biên giới nguy hiểm lắm! Người tuyển quân nói: “Cửa quân trường rộng mở, các bạn tha hồ chọn lựa tương lai.”
Vào thời kỳ kinh tế miền Nam chưa có gì, xã hội không ngần ngại đo tương lai của thế hệ chúng tôi bằng… cấp bậc quân đội. Tôi nhớ lúc vừa đậu tú tài I, bà con anh em trong xóm gọi tôi là “ê, thằng chuẩn úy tương lai”, trong lúc bạn tôi được hàng xóm khuyến khích, “ráng lên, Đà Lạt chờ mầy đó”.
Những ngày đầu tiên
Cất cánh từ phi đạo số hai của phi trường Đà Nẵng, chiếc chuyên cơ C-130 đảo một vòng rồi hướng mũi về phía nam. Khí lạnh từ hai bên hệ thống điều hoà tỏa xuống các hành khách mặc quân phục. Mặt ai cũng lo lắng. Cùng ngồi trong khoang phi cơ với tôi là Tô Hoài Thanh, vừa tốt nghiệp Trường Sinh ngữ Quân đội vào tháng 10.1966. Chúng tôi được bổ nhiệm về Đệ tam lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, gồm sư đoàn 1 và sư đoàn 3, Đà Nẵng. Sau một ngày làm thủ tục, tôi và Thanh theo những người lính Mỹ mới sang Việt Nam về trình diện Bộ chỉ huy Sư đoàn 1 thuỷ quân lục chiến, Chu Lai.
Tiếng gầm rít của những chiếc oanh tạc Phantom như chào đón các nhóm khách mới đến. Tôi nhớ ai đó nói phi trường Chu Lai có phi đạo lắp ghép bằng PSP độc đáo nhất thế giới. Những người Mỹ đón chúng tôi đã có mặt tại phòng chờ của sân bay. Sau cái bắt tay, tài xế ra hiệu cho tôi leo lên băng sau chiếc xe jeep không mui. Xe ra khỏi cổng Sư đoàn, người trưởng xa khoác áo chống đạn, lên đạn khẩu M-14. Phố xá dọc theo quốc lộ lấm bụi đỏ. Nhà tôn, nhà lá, cát trắng, đất đỏ, xe quân sự vụt qua vụt lại. Chiều xuống nhanh, tôi không nhận rõ mặt người Chu Lai.
Hạ sĩ Nelson hướng dẫn tôi leo đồi, ngoặt phải, chui vào căn lều nằm lưng chừng đồi 35 của căn cứ Trung đoàn 5 thuỷ quân lục chiến. Nelson và Garcia giúp tôi căng ghế bố, thổi nệm hơi. Chỉ tay vào hộp thức ăn ra hiệu ăn đi bằng tay, Nelson nói tạm biệt. Vén lều nhìn ra, nghe như mùi chiến tranh thoảng đâu đây. Trong ánh nến lung linh, tôi ăn hộp đồ hộp đầu tiên trong đời. Đêm miền Trung lạnh, nhớ Sài Gòn, một mình trong lều, tôi thật bâng khuâng. Từ lúc lên phi cơ bay về Chu Lai, nhớ lại tai tôi nghe toàn tiếng Mỹ. Từ đêm nầy, tôi phải cố nhớ những gì đã học để chuẩn bị cho công việc.
Ở Trường Sinh ngữ Quân đội, các giảng viên Mỹ, Việt dạy quá nhanh. Chương trình dài với toàn từ ngữ quân sự hải, lục, không quân quân, nhu, quân cụ... được hoàn tất như chạy đua trong vòng 60 ngày. Tuy nhiên, dù đào tạo nhanh cũng không bắt kịp với đà đổ quân của Mỹ vào miền Nam. Ngày thi ra trường, hàng lớp đại diện các binh chủng của Mỹ ngồi trong giảng đường chờ sẵn. Người vừa được tuyên bố đậu liền được bốc đi. Nhu cầu thông dịch viên quá cao. Vừa ra trường với một số kiến thức hạn chế, khả năng giao tiếp hạn chế, tôi liên tiếp bị khó khăn trước hàng rào ngôn ngữ.
Trung úy Barry Drees làm tôi giật mình thức giấc. Chỗ tôi ngủ cũng là văn phòng của Ban 5 Dân sự vụ. Mọi người có mặt: Herreira, Franklin, Nelson, Garcia, và tôi. Trung úy Drees giới thiệu tôi với mọi người. Ông nói, Sư đoàn gửi xuống cho chúng ta một anh trung sĩ “sữa”, 19 tuổi - tôi còn quá nhỏ để cầm súng. Garcia đưa tôi xuống tiếp liệu lãnh quân trang. Súng M-14, súng colt 45, đạn, 4 bộ quần áo, 1 áo chống đạn, 1 áo jacket, áo quần lót, mền, nệm hơi, ghế bố cá nhân, nón sắt, giày trận, kiếng đeo mắt... Phải mất hai chuyến lên xuống mới đưa hết quân dụng về chỗ ở.
Tôi bước vào thế giới lính Mỹ với nhiều cái lạ về văn hoá phải theo. Vào phòng tắm tập thể phải không được mặc quấn lót! Đi cầu dã chiến phải ngồi như đọc sách, có hôm ngồi cạnh một anh chàng vừa ị vừa ăn vừa đọc báo! Tập nhai thức ăn kín miệng, tập uống bia, tập chửi thề, tập tránh bá vai bá cổ với bạn bè kẻo bị cho là gay (cùng giới tính). Mỗi lần miễn cưỡng tiếp cận với những lọai hình văn hoá kể trên, lần nào tôi cũng được lính Mỹ tặng cho những tràng cười kéo dài.
Đêm 30 tết, tôi bay trên chiếc trực thăng HU-1B của MAG 36 có gắn loa phóng thanh: “Nhân dịp xuân về thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ tại Chu Lai kính chúc đồng bào một năm mới an khang và thịnh vượng”. Tôi phải học thuộc lòng lời chúc tết vì máy thu âm của ban tâm lý chiến bị hỏng. Bay đêm thật lạnh. Ngày 29 tết, các cấp chính quyền địa phương lũ lượt vào căn cứ Chu Lai chúc tết quân Mỹ. Từng đoàn người mặc áo dài khăn đống mang theo bánh tét, thuốc Ruby, câu đối tặng tư lệnh Sư đoàn, tướng Wallz. Đêm trước, tôi được gọi lên văn phòng tư lệnh để hướng dẫn ông cách bày tỏ sự cảm kích bằng tiếng Việt. Sáng mùng 1 Tết năm 1967, tôi bay với tướng Waltz ra Quảng Ngãi thăm ủy lạo thương bệnh binh Sư đoàn 2 và chúc tết bác sĩ Bùi Hoành, tỉnh trưởng tỉnh Quảng Ngãi.
Trực thăng Sea Knight CH-54 đưa tôi đến bãi biển thuộc khu vực Vùng Dung Quất, Quảng Ngãi. Tôi tăng phái cho một đơn vị của Trung đoàn 7 đổ bộ tác chiến vào Cap Batangan, gần Mỹ Lai. Ngoài khơi xa, đoàn tàu chiến dàn ngang như những hải đảo nhỏ. Những trái đạo hải pháo 4,2 inch bay vọt qua đầu nổ tung xa phía trước. Mặt đất chấn động. Từng đoàn tàu LSM (tàu chở quân), LST (tàu chở chiến xa) cắt sóng tiến vào bờ. Hải pháo tác xạ đạn khói che mục tiêu bung tỏa trên không. Rồi những người nhái xuất hiện với dụng cụ dò mìn. Loạt đổ quân đầu tiên vượt bãi an toàn. Quân đổ bộ tiến nhanh vào nội địa. Trực thăng võ trang bay kèm sát hướng tiến quân. Đoàn chiến xa Ontos - trang bị sáu SKZ 106 mm - lừ đừ bò lên trông thật áp đảo. Tôi nhớ đến phim The Longest Day nói về cuộc đổ bộ đẫm máu trên bãi biển Normandi, Pháp, của quân Mỹ hồi thế chiến thứ hai. Ở đây, cũng là trận đổ bộ, nhưng diễn ra như một cuộc tập trận đối với Sư đoàn 1 thuỷ quân lục chiến.
Lâm trận
Hai cánh quân giáp đầu nhau vào buổi chiều dưới đồng bằng. Có tiếng hỏi dây chuyền từ cánh quân Mỹ bên kia: “Có Việt Nam không?”. “Có” một khinh binh lên tiếng lớn, “có phiên dịch người Việt. Tụi bây muốn gì?”. Chưa tới một phút, Luật, khoá 65 từ sau đoàn quân hấp tấp chạy ra, “hê, người anh em”. Chúng tôi bắt tay, mừng rỡ, tiếng Việt vang vang làm lính Mỹ to mắt ngạc nhiên. Luật lớn hơn tôi 2 tuổi, sinh viên năm thứ hai khoa học, né động viên vào sĩ quan nên gia nhập thông dịch viên. Tôi và Luật dựng lều, chuẩn bị ăn chiều. Luật đun nước sôi lên trong ca nhôm bằng C-4, rồi chế vào bao gạo long grain túm chặt lại. Anh lấy thơm hộp C-ration, vắt bỏ nước ngọt, cho vào chảo xào với thịt bò hộp và nêm muối tiêu. Lôi trong ba lô mấy cọng cải xanh (hái từ vườn của dân), thái nhỏ nấu canh với gà hộp. Tôi giúp anh rán vàng hai hộp thịt heo ba lát. Anh chia cho tôi một trái ớt mọi. Bầy menu thịnh sọan lên poncho, hai anh em thưởng thức bữa cơm Việt Nam ngon lành. Mấy tay lính Mỹ cầm lon đồ hộp mò đến: “Cho xin một miếng, cho xin một miếng”. Chúng tôi hút thuốc, uống cà phê, nói chuyện gần sáng đêm. “Ráng mà giữ cái đầu”, Luật dặn tôi trước lúc chia tay vào sáng sớm. “Hồi sáu sáu sáu bẩy tháng nào cũng có thông dịch viên tử trận”, anh Hùng (San Jose, California), thông dịch viên của Đệ nhất Sư đoàn Kỵ binh Không vận Hoa Kỳ (1st Air Cavalry Division Air Mobile) cho biết. Khoá anh Hùng ra trường năm 65, nhằm lúc 1st Cav đổ sang Việt Nam và chịu trách nhiệm chiến thuật tại một khu vực gai góc của cao nguyên, nên bị thiệt hại cùng với quân Mỹ.
Trong cuốn sách Our Viet Nam, The War 1954 -1975, nhà báo, giáo sư A.J. Langguth, đã ghi lại trận đánh lịch sử Ia Drang giữa quân của 1st Cav và quân chính quy Bắc Việt. Trận đánh đầu tiên cấp sư đoàn trong lịch sử chiến tranh Việt Nam được ghi từ trang 395 - 400. Quân Mỹ tránh được tổn thất trước thế trận được quân Bắc Việt dàn sẵn phần lớn là nhờ thông dịch viên. Tin tức do trung sĩ thông dịch viên Võ Văn On, ra trường năm 1965, nhanh chóng lấy được từ một tù binh đã giúp cho quân Mỹ có thì giờ thiết lập sự phòng thủ hiệu quả trước sức tấn công mãnh liệt của quân chính quy Bắc Việt. Thông dịch viên được tăng phái phục vụ cho tất cả quân binh chủng của Mỹ có mặt tại Việt Nam. Nói một cách không quá đáng, các hạ sĩ quan thông dịch viên đã giúp cho bộ máy chiến tranh của Mỹ họat động được trên chiến trường Việt Nam từ 1965 - 1972.
Một tháng huấn luyện quân sự tại Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, hai tháng bổ sung sinh ngữ chuyên đề quân sự, thông dịch viên ra trường và bước vào cuộc chiến như những chiến binh lành nghề của Mỹ. Nhảy trực thăng, tuột dây Thụy Sĩ, đổ bộ, hành quân dài ngày hoặc có mặt tại các cuộc hội họp cấp vùng, thông dịch viên không chỉ đáp ứng với nhu cầu trước mắt, mà còn vượt xa khả năng chuyên môn của mình. Chỉ với bấy nhiêu trang bị, nhưng thông dịch viên có mặt tại các mặt trận lớn: Khe Sanh, Đông Hà, Huế, Pleime..., cho đến các chiến dịch quân y dân sự vụ từ La Vang về đến rừng U Minh.
Trung sĩ thông dịch viên Nguyễn Thiện Hối, ra trường năm 68, hình như đơn vị cuối cùng anh tăng phái là Tiểu đoàn 4/3 Lữ đoàn 11, Sư đoàn Americal. Cùng với Chiến, Hiếu, Khải, Đức, Miêng, Hiền, Điệp, Ninh, Chơn, Phú (thông dịch viên của Tiểu đoàn 1/20 gây vụ Mỹ lai), Hối là một người bạn tốt, một đồng nghiệp tốt. Noel năm 70 Hối cùng vài anh em khác ra Đà Nẵng, có việc và ghé thăm tôi. Đêm Noel chúng tôi cùng dạo phố, nghe nhạc đến nửa đêm. Về nhà tôi ở kiệt 7 Hoàng Diệu, cả bọn bày tiệc nhậu nhẹt đến sáng. Nhiều tháng ngoài trận mới có được một đêm vui và bình yên. Nhìn các bạn, tôi thấy mình khá may mắn. Bắt tay thật chặt và cùng hẹn nhau ăn Tết ở Sài Gòn. Chiến sự lúc đó khá căng thẳng, tuy nhiên thông dịch viên không còn bị điều xuống cấp đại đội nên nguy hiểm cũng bớt đi.
Mấy tháng sau tôi nhận dòng tin ngắn ngủi từ một đồng nghiệp trên đường về phép Sài Gòn: thằng Hối bị rồi. Tôi nghe như bị ai đó đấm vào ngực. Tết năm đó tôi bận việc ở Đà Nẵng nên mất dịp gặp Hối ở Sài Gòn như lời hứa. Tôi chẳng bao giờ còn gặp lại người bạn cùng đơn vị. Tôi nhớ không lầm Nguyễn Thiện Hối tử trận sau Phùng Hoàng Miệng, Nguyễn Văn Hiền, và Phan Văn Đức. Ít lâu sau, một người bạn khác cho biết “thằng Hối chết mất xác.” Tôi đau đớn không nghĩ ra vì sao bạn tôi lại chết mất xác. Tôi nhờ anh bạn Martin, làm việc tại G-1 24th Corp hỏi Chu Lai dùm. Mấy tuần sau, Martin trao cho tôi một bức copy công điện của 174th Aviation Company - đơn vị trực thăng cơ hữu của Lữ đoàn 11 - báo cáo chuyến tải thương của trực thăng Minuteman I. Nội dung trong bức công điện đó: … xác của người phiên dịch Việt Nam đã bị rơi ra khỏi Minuteman I trong lúc bay về Bronco. Minuteman I có quay lại nhưng không tìm được xác của người phiên dịch vì lý do thời tiết.
Tôi đưa cho các anh em khác đọc về số phận của Hối, ai cũng ngậm ngùi. Chúng tôi quá nhỏ để có thể làm một điều gì đó có thể gây tiếng vang. Thời chiến tranh, người ta có nhiều việc lớn để làm hơn là quan tâm đến cái chết của một thông dịch viên. Tôi từng được nhắc nhở về “trách nhiệm cao cả” của người lính, “không bỏ rơi chiến hữu trên trận địa”. Thế nhưng, xác trung sĩ thông dịch viên Nguyễn Thiện Hối đã bị bỏ rơi vĩnh viễn trong vùng rừng núi miền Trung. Người thân của anh có biết điều nầy chăng?
Tháng 4 năm 67 tôi được chuyển về G-5, Bộ chỉ huy Task Force Oregon (TFO). Đây là chiến đoàn bộ binh được thành lập tại Việt Nam gồm 3 lữ đoàn: 196, 3/25 và 198. TFO tiếp nhận khu vực chiến thuật của Sư đoàn 1 thuỷ quân lục chiến. Sau một buổi công tác từ Kỳ Khương trở về, tôi thấy một tờ giấy gấp đặt trên bàn làm việc. Nét chữ viết nghệch ngọac trên tờ giấy đánh máy trông lạ hoắc: “Tao mới ra ngoài nầy. Thằng Mỹ nói biết mầy. Tao đang ở Nước Mặn. Tô Thâm”. Trung sĩ Tô Thâm, khoá 4/66 cùng khoá với tôi và Tô Hoài Thanh. Tôi coi Tô Thâm như người anh. Dáng người thấp, đeo kính, anh Thâm, nguyên là nhà giáo, trông rất trí thức. Cầm bức thư trong tay tôi mới biết ra trường anh được thuyên chuyển về Lữ đoàn 196 BBHK.
Tôi xin phép đại úy Watson một ngày. Quá giang xe quá giang phà, gần trưa tôi đến được Bô chỉ huy Lữ đoàn 196. Anh Thâm tăng phái cho ban 5, trực thuộc G.5 của TFO theo hệ thống dọc. Gặp nhau hai anh em cầm tay mừng muốn chảy nước mắt. Gần nửa năm mới gặp lại nhau. Anh rờ mặt tôi ngắm nghía. “Mới có mấy tháng mà mầy lớn ra,” anh nhận xét. Theo đơn vị di chuyển nhiều, trông da anh Thâm đen hẳn. Đêm hôm ấy nằm trên hai chiếc ghế bố đối diện nhau, anh thủ thỉ tâm sự với tôi về người con gái anh thương. “Mai mốt đám cưới tao mầy phải về nghe mậy, anh nói đến mấy lần. Anh cho tôi biết sự lo lắng đối với sức khỏe người cha anh rất kính yêu. Chúng tôi nhắc lại kỷ niệm những ngày học ở Quang Trung, Trường Sinh ngữ Quân đội. Ở đâu anh cũng ra mặt binh vực tôi. Anh nhắc, “tao thấy mầy nhỏ nên thương như em”, và “thiệt may cho tao, lên đường ra đây vừa nhớ tới mầy là gặp liền.” Đêm lạnh, anh khoác thêm cho tôi cái poncho. Đêm qua nhanh, tiễn tôi ra bến phà Trung An, anh tặng tôi chiếc mền poncho-liner. Chia tay, anh còn ôm tôi dặn thêm “nhớ vụ đám cưới tao nhe mậy.”
Một tháng sau tôi gặp Tô Hoài Thanh ở MACV [1] Quảng Ngãi, chưa kịp mừng, Thanh báo liền: “Anh Thâm chết rồi mày chưa hay sao!” Tôi choáng váng rơi nước mắt. “Tao mới lấy xác của anh Thâm tuần trước. Ảnh chết đau khổ lắm.” Đưa tôi vào phòng ăn của trại Kmamer, Thanh kể cho tôi nghe qua nước mắt. Trận Tiên Phước, Quảng Tín diễn ra khá ác liệt. Quân Mỹ, Lữ đoàn 196, mới ra miền Trung đã đụng trận lớn. Đụng với quân chính quy Bắc Việt. Thiệt hại đôi bên nặng hơn ước tính ban đầu. Có thiết giáp bị bắn cháy, có trực thăng bị bắn rơi. Người dân bị dính giữa hai lằn đạn cũng chết không ít. Anh Tô Thâm bị tử trận vào ngày thứ ba của cuộc giao tranh. Không hiểu vì lý do gì xác của anh lại bị dồn đống với gần một chục xác vô thừa nhận. Quân y tỉnh chôn anh gần những người bất hạnh. Báo cáo thương vong của Lữ đoàn 196 về Task Force Oregon và về Quân đoàn I có tên nhưng không có xác người phiên dịch tên Tô Thâm. Phía Việt Nam lên tiếng, Mỹ bật ngữa. G-5 hứa sẽ tìm ra người chết và lệnh cho trung đội có thông dịch viên Tô Hoài Thanh chạy ra Quảng Tín. Tỉnh khẳng định xác Mỹ đã thu dọn từ mười ngày trước, xác lính địa phương cũng vậy. Cuối cùng chỉ còn 10 ngôi mộ vô thừa nhận nằm trên bãi đất hoang ngoài vòng nghĩa địa của tỉnh. Toán Mỹ của Thanh đề nghị quật mồ. 9 giờ sáng ngày hôm sau, từng ngôi mộ cạn được âm công đào tung lên. Phermature từng bao đựng xác được kéo xuống. Mùi da thịt thối rửa bốc lên đến lộn mửa. Đào lên lấp xuống đến bao đựng xác thứ 9 vẫn chưa phải là xác người muốn tìm. Mùi hôi thói xông lên không chịu nổi, Tô Hoài Thanh quỳ sụp xuống van vái. Phermature bao đựng xác thứ 10 được kéo xuống, xác của anh Tô Thâm lộ ra. Sau 10 ngày mặt anh Thâm sưng lên tím tái nhưng vẫn còn nhận diện được. Chớp mắt, một dòng máu tươi rỉ ra từ miệng người vắn số. Trung sĩ thông dịch viên Tô Thâm đã chết tức tưởi. Tô Hoài Thanh thương bạn ngất xỉu.
“Hồi sáu sáu, sáu bẩy tháng nào cũng có thông dịch viên tử trận”, anh Hùng (San Jose, California), thông dịch viên của Đệ nhất Sư đoàn Kỵ binh Không vận Hoa Kỳ cho biết. Khóa anh Hùng ra trường năm 65, nhằm lúc 1st Cav đổ sang Việt Nam và chịu trách nhiệm chiến thuật tại một khu vực gai góc của cao nguyên, nên bị thiệt hại cùng với quân Mỹ.

Chuyến bay nhớ đời
Tôi tăng phái cho phi vụ dust off (tải thương) của 174 Aviation Conpany bay đi Sơn Hà bốc một người lính Việt Nam bị thương. Dust off bay không có trực thăng võ trang bay kèm. Gió lạnh quất vào mặt, kim đồng hồ chỉ độ cao xấp xỉ 5000 feet (2400 mét). Tàu chúi xuống, từ từ giảm độ cao, qua hệ thống âm thoại, phía dưới đánh dấu bãi đáp khó hiểu: có bốn đến năm trái khói mầu đỏ vàng tím lơ lửng bốc lên từ nhiều vị trí khác nhau. Sau ba lần đảo vòng trên mục tiêu, phi công tải thương chịu thua. Cố vấn Mỹ của tỉnh yêu cầu chiếc tàu làm nhiệm vụ bay về Quảng Ngãi.
Một chiếc xe jeep chạy vội đến chỗ trực thăng đậu, 3 người đàn bà và một thanh niên vẻ nhếch nhác tiến đến chỗ phi hành đoàn. Cả bốn người cùng quỳ xuống trước chúng tôi và lạy liên tục. Mặt ai cũng hốc hác. “Có chuyện gì vậy, thưa các chị?”. “Anh nói mấy ông Mỹ đem người nhà chúng tôi về dùm. Chúng tôi xin đội ơn các ông”, người đàn bà bật khóc. Diễn biến quá nhanh, tôi điếng người giải thích chuyện gì đang xảy ra cho phi hành đoàn đang trố mắt ngạc nhiên. “O.K, O.K, liên lạc được chúng tôi bay đi liền. Xin đừng làm vậy. Nhiệm vụ của chúng tôi mà. Đâu có gì phải bận tâm”, đại úy trưởng tàu vổ vổ lưng người thanh niên. Đó là gia đình người bị thương đang chờ chúng tôi bốc về, ông ấy là trung đoàn phó.
Dust off của chúng tôi không phải là chuyến trực thăng đầu tiên bay vào Sơn Hà. Một số phi vụ tiếp tế đạn dược thực phẩm cho quân bị vây nhưng không hốt “người bị thương” về được. Hỏa lực dưới đất, bãi đáp thiếu an toàn, không có yểm trợ… hoặc có lý do nào khác khiến người bị thương, một sĩ quan cấp cao, vẫn còn bị nằm rên xiết ngoài trận. Có hai chiếc trực thăng Việt Nam nằm im lìm gần đấy. Phi hành đoàn nhìn nhìn chúng tôi. Tại sao lại chúng tôi? Tôi nói thắc mắc của mình, đại úy phi công chính nhún vai, trung úy phi công phụ lắc lắc đầu tóc vàng băn khoăn, xạ thủ đại liên ngước mặt chỉ ngón tay lên trời!
Súng nổ rền phía dưới. Họ bắn ra bốn phía để tạo an toàn tối đa cho bãi đáp. Chiếc tàu đảo một vòng trên không, hồi hộp thả thân rơi tự do, quay đuôi đáp xuống giữa thung lũng thật ngoạn mục. Khói mục tiêu tự tạo bằng thuốc súng ùa vào khoang tàu làm chúng tôi muốn ngạt thở. Như chui qua từ màn khói, sáu người lính khom người khiêng một gói dài... và, sạt một cái theo sức đẩy, gói thương như trườn lên lên sàn tàu. “Lên đi, lên đi”, một người lính nói to và ra tay chào kính. Phi công chính đưa ngón tay cái. Chiếc trực thăng tăng tốc cánh quạt xoay thân nhấc ào lên, làm động tác tránh đạn, lấy độ cao nhanh, tưởng như nghe ai nấy đều thở phào một cái! Gió lùa mạnh qua hai khoảng trống của cửa tàu rộng mở. Dưới chân tôi, thay vì là người bị thương, một cái xác được gói trong mấy lớp poncho! Tôi chợt hiểu ra. Người ta đẩy cho chúng tôi tải thương... xác bị thối rữa. Đóng cửa lại. Mùi hôi tỏa khắp, xuyên qua quần áo, xuyên qua nón bay VCR, tôi chịu không thấu, phi hành đoàn lắc đầu la hoảng. “Hôi quá. Mở cửa, mở cửa”, trung úy phi công phụ lột nón bay quơ tay ra hiệu, phi công chính lột nón bay vứt xuống sàn tàu. Cửa mở toang như ban đầu. Tôi chuyển ra ngồi chung với xạ thủ. Cái gói xác căng phồng như giần giật rung theo hơi gió vụt và sự chuyển động của thân tàu. Gió rát mặt nhưng vẫn còn hôi quá…
Những con sâu xuất hiện trên mặt kính phía trong của trực thăng. Lúc lắc, lúc lắc..., chúng vẽ những vệt nâu nhầy trên mặt kính. Nhiều con bám trên cổ áo bay của phi công chính. Nhiều con sâu xanh thân có lông, cở mút đủa, bó lộm cộm trên cổ áo, vai áo của phi công phụ. Gió hút đưa ra phía trước khoang mọi thứ khi cửa trực thăng mở. Những con sâu xoay tròn phía trong trực thăng, rơi lên rụng xuống trên các phi cụ. Nhiều con đang bò dưới chân tôi. Trời ơi, sâu gì ác độc lại tấn công chúng tôi - những người đang làm công việc nhân đạo! Người tôi như bị đông cứng... Tích tắc, tích tắc..., người xạ thủ chỉ vào gói xác, bầy sâu đang từ trong gói xác bị gió hút ra ném vào chúng tôi. Trời! giòi từ trong xác người chết! Mùi hôi xông lên không ngừng, giòi bò lổm ngổm. Coi chừng tầu phải đáp khẩn cấp. Coi chừng trực thăng có thể sẽ phải nghiêng mình bỏ rơi gói hàng. Mặt hai phi công ngập sợ hãi. Phi công phụ nôn mửa phun tung tóe mặt kính trực thăng. Phi công chính gập người ói hết cỡ. Tàu lảo đảo mất độ cao, hai phi công Mỹ bay trong sự kinh hoàng. “Xin sống khôn thác thiên để chúng tôi còn đưa anh về với gia đình”, tôi hốt hoảng khấn vái. Dường như mùi hôi có giảm nhưng giòi vẫn lúc nhúc mọi nơi. Cần điều khiển tốc độ như đẩy hết về trước, bay hơn 200 km/giờ sao vẫn thấy chậm rì. Sân vận động Quảng Ngãi hiện ra trước mặt.
Chúng tôi cởi hết mọi thứ trên người vứt xuống bãi cỏ. Nôn thốc nôn tháo những gì còn lại trong bụng. Khắp người, mùi xác chết nhiều ngày bám vào chân tóc, trong tai, trong răng, trong mũi, và lồng lộng trong phổi... Bốn người Mỹ nằm dài tên cỏ trông như bốn xác chết mới. Đám đông tò mò vây quanh xem xét, chỉ trỏ lắc đầu. Một chiếc xe cứu thương trờ tới. Nhiều can nước chuyền ra. Cả năm người cố gắng gột rửa những mùi hôi vô hình đang bám chắc vào cơ thể. Có tiếng cười của mấy anh chị y tá. Đằng kia, chiếc trực thăng dust off nằm riêng chịu đựng trông thật là thương.

Những ngày tháng 4 năm 1975
Ngày 20 tháng 4 năm 1975, Trung đội 327 được đưa lên núi Móng Ngựa để yểm trợ pháo binh cho núi Nhọn, Xuyên Mộc và Đất Đỏ. Mỗi ngày tôi và Hoàng Sĩ Hòa, trung đội trưởng, nghe tin tức và khoanh tay. Từ trên cao nhìn ra biển Đông sóng rập rờn. Ngày 26.4, nhìn ra biển xanh, hàng đoàn tàu nối đuôi nhau rẻ sóng tiến vào nam. Mọi loại tàu đã chạy từ Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Phan Thiết... về Vũng Tàu. Từ đấy, họ đồng lọat chạy ra hạm đội, chạy qua các đảo của Thái Lan, Indonesia, Philippine. Họ chạy làm hàng ngàn chiếc tàu của ngư dân dọc bờ biển được dịp chạy theo.
Người lính gác cho hay có một đoàn xe di chuyển từ hướng núi Đất đến Long Lể. Qua ống dòm, cả chục xe quân sự đang chạy với tốc độ nhanh. Bộ chỉ huy tiểu khu trả lời không rõ xe của ai và đề nghị bắn chận. Hòa cho lịnh tác xạ. Do ngoài tầm pháo nên các quả đạn điều chỉnh không mang lại yếu tố hiệu quả. Trong máy vang lên tiếng gọi xin pháo binh yểm trợ của chi khu Đức Thạnh. Trung đội 155 mm đặt tại Núi Đất bắn những phát đạn đầu tiên. Trời chiều tháng Tư, tầm quan sát từ đồi Móng Ngựa hướng về Đức Thạnh xa mút mắt. Chỉ thấy khói pháo bốc lên từ núi Đất. Trên bản đồ, Núi Đất nằm ngoài tầm bắn của hai khẩu 105 mm đặt trên núi Móng Ngựa (Đất Đỏ).
Cả trung đội ra hết phía ngoài nhìn về Đức Thạnh và Núi Đất. Máy truyền tin mang ra nối ăng ten bắt sóng, âm thanh được khuếch đại hết cỡ. Chiến sự đang dần tiến về chỗ chúng tôi đứng. Tiếng nói mất bình tỉnh của S., pháo binh Đức Thạnh, vang lên rõ, “tốt tốt, xin cứ tiếp tục.” Tình hình nguy ngập đến mức không ai còn thì giờ sử dụng mật lệnh truyền tin. Hệ thống truyền tin của tiểu khu trở nên hỗn loạn. Khoảng 6 giờ chiều, vẫn giọng nói nhanh của S., “tụi nó sắp vô tới rồi, bắn lẹ lên, bắn lẹ lên.” Tiếng combine bị nghẹn rồi lại mở như có bàn tay vô hình đang thao tác. Núi Đất bốc khói, có tiếng la, “tụi 155 ly đang bị pháo kích!” Mất yểm trợ từ 155 mm, Đức Thạnh thất thủ.
Hướng lên phía bắc là mênh mông rừng cao su nhuốm bóng đêm. Đâu đó xuất phát từng loạt tia chớp bốc lên nối đuôi rơi xuống vị trí pháo 155 mm Núi Đất. Ánh chớp tung lên nhưng không nghe được tiếng nổ. Những loạt tia chớp đồng loạt chuyển hướng về Nhà Đá, điểm phòng thủ của quân nhảy dù. Tiếng trong máy nghe rõ, “Trung tâm Huấn luyện Vạn Kiếp bị pháo kích, tiểu khu bị pháo kích”. Người chúng tôi như bị đông cứng trước những diển biến trong máy truyền tin. Hòa gọi về xin chỉ thị nhưng không nghe trả lời. Hòa nói “chạy mẹ hết rồi!” Đến chặp tối, hình như tiểu khu di tản về Vũng Tàu lập tuyến phòng thủ cuối cùng! Tôi vào hầm xếp các đồ dùng cần thiết vào ba lô.
Trưa ngày 28 tháng 4 năm 1975, chúng tôi: trung đội pháo binh 327, trung đội pháo binh Núi Nhọn 1A-161, chi khu Đất Đỏ, chi khu Xuyên Mộc, chi khu Long Lễ, với hàng ngàn quân lính, bị tiểu khu... bỏ rơi. Hệ thống truyền tin ngưng bặt, mạnh ai nấy tìm đường về Vũng Tàu. Tôi và Hòa bàn nhau đường di tản: “quân giải phóng đã chiếm thị xã và các thị trấn, trung đội nên men theo đường núi để tránh đụng độ và về Phước Tỉnh. Từ đó sẽ nhờ phương tiện qua Vũng Tàu”. Dẫn trung đội lần xuống núi, tôi nhận ra đại đội địa phương quân bảo vệ chúng tôi đã rút đi từ sáng sớm!
Chúng tôi di chuyển dọc qua núi Minh Đạm. Cuộc di tản phải ngừng lại nhiều lần để binh sĩ tháo bỏ và vứt bớt đạn dược, quân trang. Với 100% lính người Hoa, phần lớn chưa từng di hành dã chiến, sức khỏe không đáp ứng được chuyến đi dài gần 25 km. Về đến Phước Tỉnh là một cảnh tượng hỗn loạn. Tàn quân đông hơn dân địa phương. Chi khu Xuyên Mộc kéo về một cây pháo 105 mm rồi bò chỏng chơ giữa làng. Quân trang quân dụng vất bỏ mọi chỗ. Một chiếc ghe đồng ý cho chúng tôi qua bờ bên kia. Ai cũng muốn tống khứ tàn quân để tránh phiền phức. Vào bờ, Hòa rớm nước mắt tuyên bố tan hàng. Trung đội thẩn thờ chia tay. Những anh em còn lại nghỉ đêm tại Tam Bình. Những người dân tử tế nấu cơm và thức ăn đặt trước nhà. “Vào đây ăn đi các chú. Ăn xong nghỉ ngơi rồi đi. Thôi đừng buồn. Mai về với gia đình rồi...” Người dân có lòng đã cho chúng tôi, những tên lính chưa thấy địch đã chạy, ăn bữa ăn cuối cùng nhớ đời. Tôi gắp miếng khô khoai ăn với cơm gạo Thái Lan. Cơm và khô hết sạch.
Hồi ở miền Trung, tôi theo Đại đội A của 1/20 vào làng gặp lúc bà con ăn cơm. Bốn người ngồi vây quanh chiếc mâm bằng gỗ. Thức ăn gồm cá khô, mắm cái, hẹ tươi, rau cải luộc. Cơm có màu không trắng. Người đàn ông lớn tuổi e dè nhìn tôi, “mời hai chú ăn cơm với gia đình. Đạm bạc qua bữa mấy chú đừng chê. Bà con người Việt mình, mời hai chú”. Tôi và anh Bùi Quang Hóa, lính trinh sát tỉnh, ngồi xuống, góp vào hai hộp đồ hộp, bới cơm. Tôi ăn cơm với chút đồ hộp và rau cải luộc. “Ăn đi con, ăn đi con,” người đàn ông ân cần gắp cho tôi một miếng khô cá đù nướng. Tôi hết khách sáo. Người đàn bà đứng dậy nấu thêm cơm, nướng thêm khô. Cảnh ăn uống không thoát khỏi những con mắt tò mò của quý anh em lính Mỹ.
Cầu Cỏ May bị giật sập đâu sáng sớm ngày 29.4. Tàn quân đổ về Vũng Tàu ngập đường. Có tin kêu gọi hãy về miền tây cố thủ. “Chúng ta biết đi đâu bây giờ,” tôi hỏi Hòa. “Về Sài Gòn không được, quốc lộ 15 đoạn Long Thành bị cắt, vô Vũng Tàu như chui vào rọ. Thôi được, cứ về Bến Đá nhờ ghe thằng Vy, lính trung đội, đưa tụi mình về Gò Công,” Hòa nói.
Từ căn cứ hải quân Cát Lở tàu hải quân chở binh lính và gia đình lướt sóng ra khơi. Súng ống chĩa lom lom. Dường như họ sợ ai đó sẽ chận đường ra “hạm”. Một đoàn trực thăng ào xuống phi trường Vũng Tàu hốt gọn một đơn vị quân nhảy dù. Nhìn về Sài Gòn, từng lượt trực thăng Jolly Green Giant CH-53 lên xuống bốc người Mỹ, người làm cho Mỹ, bay vội ra hạm đội. Người Mỹ đã bỏ chạy nhanh hơn lúc đến. Rõ ràng ai cũng có hỗ trợ để chạy để rút, còn chúng tôi vẫn lang thang trên đường vào gần thị xã Vũng Tàu.
Có tiếng súng nổ. Một số tàn quân lợi dụng cơ hội loạn lạc để cướp bóc. Nghe nói một tiệm vàng bị hỏa tiển chống tăng phá nát cửa. Nhiều nhà trong trung tâm thị xã Vũng tàu bị phá cửa. Tôi nhớ hồi mùa Hè 72, chợ Đông Ba, Huế, cũng bị quân ta ra tay cướp bóc như thế. Tình quân dân chỉ thấy mỉm cười trên sách vở! Pháo binh 130 mm của quân giải phóng bắn trúng sườn núi Tao Phùng. Nghe tiếng nổ, mọi người sợ hãi chạy tìm chỗ núp tán loạn.
Tôi gặp Nguyễn Đình Chiến mặc quần áo dân sự đứng chung với nhiều người trước sân bay Vũng Tàu. Tôi đoán anh chờ chuyến trực thăng kế tiếp đón quân nhảy dù và có thể sẽ theo được họ. Cũng như hải quân, nhảy dù không dành chỗ di tản cho người ngoài binh chủng. Tôi nhìn ra một sự thật chua chát, từ Quảng Trị cho đến Vũng Tàu, khi các “chiến hữu của tôi” chạy, tính ích kỷ luôn chiến thắng tinh thần huynh đệ chi binh! Tôi bất ngờ gặp thiếu tá Bửu, chỉ huy trưởng pháo binh tiểu khu Phước Tuy, lếch thếch trên đường. Không hiểu đi đứng thế nào mà ông lại bị bỏ rơi. Sáng 30 tháng 4 năm 1975, ghe của gia đình Vy đưa chúng tôi sang Gò Công.
Phúc đã không thể nào chen vào hàng rào người đang ra sức vượt lên sân thượng của Sứ quán Mỹ. Trực thăng xuống lên với số người chọn lựa. “Tao là thông dịch viên của Sư đoàn 1 thủy quân lục chiến”, Phúc hét to, “giúp tao với.” Người lính thuỷ quân lục chiến nai nịt như robot làm bộ như không nghe thấy. Phúc dùng hết sức tràn lên, vừa lấn vừa hét to hơn. Người lính thuỷ quân lục chiến chĩa đầu súng M-16 vào mặt Phúc đẩy ra sau. Nhiều năm sau, Phúc vẫn còn thấy mũi súng của thằng chiến hữu thuỷ quân lục chiến chĩa vào mặt. “Lúc đó có đồ chơi tao đã không tiếc tay,” Phúc chửi thề, “tụi vắt chanh bỏ vỏ”.
Trong lúc Phúc và nhiều người khác đang tranh nhau vào Toà đại sứ Mỹ, chúng tôi đang lênh đênh trên đường từ Vũng Tàu sang Tân Thành, Gò Công. Một người lính nói to, “Thằng cha Minh kêu buông súng, ngưng bắn rồi, hoà bình rồi”. Chẳng ai để ý, mắt mọi người bận rộn với cảnh di tản trên biển. Mặt biển lềnh bềnh các loại tàu câu cá, ca nô, và hàng chục hàng trăm tàu các loại đua nhau chạy ra cửa biển. Từng đợt sóng mạnh va đập như muốn nhận chìm ghe chúng tôi. Về phía Sài Gòn, trực thăng bay ra bay vào đón những người Mỹ, người làm cho Mỹ đưa ra “hạm”. Người ta đang ra đi, tôi bị bỏ lại. Tôi và Hòa nhìn bầy trực thăng đua nhau rời thành phố thật tức tối trong lòng. Tôi nói, “ước gì có trong tay mấy chục cây Stinger lọai Fim-92 (hỏa tiển bắn máy bay) tao sẽ không ngần ngại nhắm trực thăng bóp cò.” Đối diện với sự thất vọng, tôi chỉ muốn mau mau về nhà.

Thông dịch viên người Việt mòn mỏi trên đất Mỹ
Người Mỹ đối xử với thông dịch viên như thế nào? Phúc chửi thề, “Tụi vắt chanh bỏ vỏ”.
Trong tất cả các văn bản mang tính ban ơn cho người Việt được ra đi theo các chương trình tái định cư tại Mỹ, cơ quan INS [2] vẫn còn cố tình quên đề thêm vào một thành phần được hưởng "ân huệ": thông dịch viên. Nhiều anh em cho rằng có lẽ chính phủ Mỹ không nhớ sự đóng góp của những người “lính Việt biết nói tiếng Mỹ” do Bộ Quốc phòng Mỹ không dám nhắc.
Hồi chương trình ODP (Orderly Departure Program) phát động, đọc suốt điều kiện cần và đủ để nộp đơn xin “ra đi trong trật tự”, chẳng thấy một chút chi tiết nhỏ nào đề cập đến thông dịch viên. Vừa tủi thân vừa tức đến cổ. Ngày trước thông dịch viên là một thành phần trong bộ máy chiến tranh, do Mỹ thua trận, buộc giải tán hết, nên mọi người có lý do để quên nhau! Theo Mỹ, giờ bị bỏ rơi, chỉ còn nước vượt biên! Quá trình 5 năm làm việc với quân đội Mỹ chẳng giúp ích gì. Một nhân viên Mỹ, phụ trách phỏng vấn tại đảo nói với người được phỏng vấn tái định cư, nguyên là thông dịch viên, “theo tao hiểu thì mày chỉ là người làm cho sở Mỹ. Mày cần phải có thân nhân ở Mỹ để được vào Mỹ. Mày không có giấy tờ chứng minh làm với sở Mỹ. Trường hợp của mày phải chờ trả lời từ Washington!” Anh bạn kể lại, “Ai dám giữ giấy tờ lính tráng hồi trước. Nói sao thằng ấy cũng không nghe. Tao nhờ người liên lạc với xếp cũ hồi tao làm USAID [3] . Mấy tuần sau thư xác nhận đến trại, thằng Mỹ ấy mới đổi thái độ!”
Ở Mỹ, cựu chiến binh Việt Nam là thành phần bị đối xử tệ nhất so với quý đàn anh cựu binh hồi đệ nhị thế chiến. Biểu tình đòi quyền lợi, biểu tình kiến nghị quyền sống, biểu tình đòi công nhận sự đóng góp, biểu tình đòi bồi tường thiệt hại... Hàng trăm cuộc biểu tình lớn nhỏ xảy ra tại Los Angeles, New York, Washington, Arlington... Từ những cuộc biểu tình ôn hoà ban đầu dẫn đến các cuộc xung đột với cảnh sát. Trở về từ Việt Nam với thân thể không lành lặn, giờ lại bị cảnh sát dùng dùi cui đàn áp. Phản ứng mạnh làm đôi bên cùng đổ máu trên đường phố. Trong một trong những quyển sách bán chạy nhất năm 2001, tái bản năm 2004, do Gerald Nicosia viết về phong trào đòi quyền sống của cựu chiến binh Việt Nam, Anjelo J. Charlie - huy chương danh dự Hoa Kỳ, đã viết trong phần mở đầu: “Hãy đọc để biết hậu quả của cuộc chiến tranh mang lại sự bất công cho chúng ta như thế nào.” Cựu chiến binh Mỹ còn bị xử ngặt như thế!
Anh Hùng cho rằng người Mỹ hoàn toàn không còn nhớ gì đến sự đóng góp của thông dịch viên trong chiến tranh Việt Nam. Liệu có vị nghị sĩ nào còn quan tâm nếu vấn đề thông dịch viên được đưa ra. Có quá ít phiếu bầu đổi cho một động tác chính trị!

Thông dịch viên Nguyễn Hiếu - người vẽ chân dung bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm trên chiến trường Đức Phổ năm xưa...
“Nguyễn Hiếu vượt biển năm 1979. Được tái định cư tại Arkansas lần đầu tiên. Trong bấy nhiêu năm, anh theo bạn bè trôi tới Nebraska, rồi xuống Texas, và về Louisianna. Anh thích sống gần người Việt. Nguyễn Hiếu không dễ quên thức ăn Việt Nam. Tấp chỗ nào để mưu sinh anh cũng dành thì giờ để đến trường học. Về Biloxi năm 1998 anh chia tay với sách vở và tập trung làm việc trong một casino ở Biloxi. Nhiều người biết Hiếu qua cá tính của anh. Giữa năm 2000 Nguyễn Hiếu bị cú đột quỵ về huyết áp và bị liệt một nửa người bên trái. Sau hai tháng nằm bệnh viện, anh được đưa về nhà thuê. Nguyễn Hiếu không có con. Người vợ, trẻ hơn anh 6 tuổi, gặp nhau ở Mỹ năm1983, tự chia tay anh và đi sang California. Anh đã ngã thật sự. Những nỗ lực trong việc tập luyện vật lý trị liệu, nhằm hồi phục chức năng của tay chân, cũng bị vật ngã vì cú shock tình cảm. Nguyễn Hiếu được Ty Xã Hội Biloxi đưa vào dạng chăm sóc loại 3: có nhân viên y tế phục dịch cho anh. Trước ngày Katrina ập đến, anh được di tản trước bằng xe bus Greyhound sang Houston, Texas.”
ie61uHie61ummmm Tôi hồi hộp chờ người receptionist chuyển điện thọai. “Anh Hiếu”..., tôi bị nghẹn lời vì xúc động. Tích tắc tích tắc, hình như đầu dây bên kia Hiếu cũng im lặng. “Mầy đó hả?”, giọng nói của Hiếu nghe thật trầm. Ba mươi mấy năm trời nghe lại tiếng bạn bè. “Mầy sống sao?”, anh hỏi. Tôi tưởng như anh đang đứng trước mặt. Hồi trước, hễ chạm mặt tôi Nguyễn Hiếu hỏi liền: “Sao mầy, có gì không?” Ở căn cứ Bronco tôi gặp anh mỗi ngày. Vậy mà lần nào thấy tôi anh cũng đưa ra câu hỏi đó. Chui lên từ hầm tránh pháo kích bên cạnh, anh vùa phủi bụi quần áo vừa hỏi: “Sao mậy, tụi bây có bị gì không?”
Nhiều buổi tối, trong lúc các thông dịch viên khác “lặn” ra ngoài làng, Nguyễn Hiếu hay ở lại trong căn cứ Bronco với tôi. Anh biết chơi ghi-ta, nhưng hát nghe rất chán. Tôi thường là thính giả bất đắc dĩ. Có lúc đang đàn anh tự ngưng ngang và quay sang hỏi tôi: “Sao mậy, nghe được không? Mầy lắc đầu một cái là tao ‘dộng’ mầy liền.” Tôi nhắc chuyện ngày xưa, anh cười thật nhẹ, “Hồi đó mầy đâu có ngán tao.” Anh hỏi tôi đủ thứ, hỏi thật ân cần. Tôi không đụng chuyện riêng tư nhưng bắt qua chuyện bác sĩ Trâm, câu chuyện của anh. Tôi nhắc lại không sót một chi tiết. Hiếu nói tránh rồi cho biết: “Tao bị mất hết máy móc,” và “ở đây chỉ có máy riêng, xài nhờ ngại quá.” Chợt giọng anh như được nhóm lửa: “Tao thấy mầy quên một chuyện: năm bảy mươi ‘họ’ khác xa với hồi tao với mầy ở đó. Theo tao, bà Trâm là dân chủ lực sao lại chết chỗ du kích! Nghe thằng Hùng kể bửa trước tao suy nghĩ hoài.”
Năm bảy mươi Nguyễn Hiếu đã theo đơn vị lên phía bắc, và lực lượng quân giải phóng tại Đức Phổ dường như mạnh lên. Căn cứ Bronco của Lữ đoàn 11, Sư đoàn Americal, bị pháo kích bằng 122 mm thường xuyên; trực thăng bị bắn hạ trong các trận giao tranh; thiết giáp hư hại được kéo về nhiều hơn; và ghi nhận của viễn thám: quân chính quy Bắc Việt đã có mặt tại các quận miền núi: Ba Tơ, Minh Long, Trà Bồng và Đức Phổ. Tôi nhớ đến cuộc phục kích do quân chính quy Bắc Việt thực hiện tại đèo Phổ Trang đã xác định giá trị tin tức tình báo thu được. Trận đánh ấy chỉ cách vành đai phòng thủ của căn cứ Bronco khoảng 4 km. Tôi đọc báo cáo tình hình trong ngày của Phòng 2: Hai đại đội quân chính quy Bắc Việt (North Vietnamese Army) chận đánh đoàn quân xa chở nhiên liệu tiếp vận: 4 chiếc xe bồn + 2 xe hai tấn rưỡi bị phá hủy hoàn toàn. Trung đội hộ tống bị thiệt hại: 16 KIA (tử thương), 12 WIA (bị thương).
Nhiều người sống sót cho biết, sau tiếng nổ đầu tiên, các xe bồn nhiên liệu bốc cháy. Quân giải phóng thanh toán chiến trường trong vòng 20 phút. Quân Mỹ phản ứng khá nhanh. Trực thăng võ trang Shark, từ căn cứ Bronco bay lên, thay nhau xạ kích bất kể vào những gì di chuyển ở phía dưới. Pháo binh 105 mm và 155 mm tác xạ chận đầu. Thiết vận xa M-113 (F.Troop) và quân địa phương được các cố vấn Mỹ điều động đổ ra từ hướng quận lỵ. Một số chiến binh chính quy Bắc Việt bị trực thăng và pháo binh cầm chân chống trả rất mãnh liệt. Trận chiến kết thúc vào khoảng 5 giờ chiều. Trung sĩ Trần Văn Cư, thông dịch viên, bị thương nặng ở cổ. Quân tiếp viện tiến thận trọng đến quá chậm. Hiện trường chỉ còn lại vài xác mặc quân phục chính quy cùng với lựu đạn chống tăng và một PRG B-41. Một tuần lễ sau, nguồn tin do cảm tình viên của M.I.D (chỗ của Fred và Nguyễn Trung Hiếu), đơn vị quân giải phóng đánh trận đèo Phổ Trang được Huyện uỷ Đức Phổ cung cấp nhiều dân công tải đạn tải thương. Nghe Nguyễn Hiếu nhận định, tôi chợt nghĩ ra, trong số dân công kỹ thuật ngày đó, chắc có cả nhóm quân y của bác sĩ Đặng Thùy Trâm!
“Tay nào là thông dịch viên của đơn vị bắn bà Trâm?” Nguyễn Hiếu hỏi tôi. “Hồi đầu 1968 là anh Nguyễn An Ninh (ra trường năm 67), về sau tôi không nhớ. Ngày bác sĩ Trâm bị phục kích, tôi đã thuyên chuyển về Đà Nẵng”. “Sao mầy không tìm cách hỏi xem ông anh nào làm thông dịch với đơn vị đó. Mày còn đi đứng ăn nói được mà,” không chờ tôi trả lời, Nguyễn Hiếu nói luôn, “hay là mầy không muốn làm (anh ngừng một chút, thở dài). Chạy hết trơn rồi còn gì nữa.” Im lặng, anh buông điện thoại. Cuộc nói chuyện đầu tiên giữa tôi và Nguyễn Hiếu kết thúc như thế. Tôi cảm nhận tính cách của Nguyễn Hiếu vẫn y nguyên như ngày xưa. Tôi thật bâng khuâng. Nói chuyện với anh tưởng như bị anh trách móc vì “công việc của anh” mới chỉ được làm nửa chừng.
Tôi thật sự không dám liên tưởng về hoàn cảnh hiện nay của Nguyễn Hiếu. Trong chương trình đào tạo tôi từng được sắp xếp đi thăm một số cơ sở xã hội chăm nuôi người lớn tuổi, người bị khuyết tật. Ở những chỗ ấy, tôi đã thấy các nhân viên phục vụ đưa các quý ông, bà ngồi trên xe lăn đến phòng ăn, đưa đi tắm, đưa đi sưởi nắng ngoài trời hoặc sưởi ấm bằng mặt trời nhân tạo. Chỗ ăn ở rất tỉnh mịch. Mặt ai cũng buồn. Hùng cho tôi biết, Nguyễn Hiếu ốm, già nhiều trước tuổi, và không còn đi đứng được. Tôi thật đau lòng chảy nước mắt. Từ Bắc California nghĩ đến Nguyễn Hiếu, tôi biết hàng ngày anh sẽ được đưa ra sưởi nắng, ăn sáng ăn trưa ăn chiều, nói chung, được chăm sóc theo tiêu chuẩn phúc lợi dành cho một công dân Mỹ. Ở Bradley, sẽ có người tiếp chuyện khi anh cần, anh sẽ nhờ máy tính để mail cho tôi và đọc lại những gì tôi viết. Nguyễn Hiếu sẽ gọi cho tôi, sẽ chờ tôi gọi cho anh để cùng hàn huyên một ngàn câu chuyện còn chưa nhớ. Nay mai tôi sẽ bay qua Arkansas thăm anh. Tôi còn nhiều chuyện hỏi Nguyễn Hiếu: họ hàng ở Việt Nam, và mong muốn cuối đời. Tôi sẽ thấy anh ngồi đó nhưng với cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm trong tay. Anh sẽ đọc, đọc nhiều lần và đọc thật kỹ. Anh sẽ được cầm trong tay sự mơ ước của thời trai trẻ, sự mơ ước của mấy chục năm về trước. Nguyễn Hiếu sẽ bớt cô đơn, tôi tin chắc như vậy, biết đâu một ngày nào đó sẽ đưa anh về lại Việt Nam, ra Hà Nội, đến Từ Liêm, để cùng nhau cúi đầu tưởng niệm trước ngôi mộ của bác sĩ quân y Đặng Thùy Trâm.

Nguyễn Hiếu đổi tánh sau lần đột kích vào trạm xá Đặng Thuỳ Trâm...
Năm 67, Nguyễn Hiếu đi hành quân hết 2/3 thời gian. Anh kể: “đi trực thăng riết ghiền. Trên cao nhìn xuống đồng ruộng xanh rì với từng mảng chia cắt. Ngồi trên trực thăng bay vượt qua núi, vượt qua thung lũng, có cảm giác như đang lướt trên tấm thảm thần trong chuyện ngàn lẻ một đêm. Và cũng dễ ăn đạn bắn sẻ của du kích miền núi.” Anh nhướng nhướng mắt, “không có chiến tranh dễ gì lên trực thăng bay dọc bay ngang được mậy.”
Mùi xăng nồng, âm thanh rít gió của cánh quạt trực thăng hình như chiếm hẳn một chỗ trong sinh hoạt hằng ngày của Nguyễn Hiếu. Ngồi lơ mơ với nhau ngoài quán cà phê thi trấn, nghe tiếng trực thăng vút qua trên đầu là anh nhỏm dậy, nghe ngóng theo. Đứng xếp hàng vào phòng ăn, nghe tiếng trực thăng đáp xuống ngoài phi đạo, Nguyễn Hiếu cũng phải quay lại nhìn cho được thằng Shark (võ trang), thằng Dust-off (tản thương) hay thằng Slick (chuyển quân).
Cuộc trực thăng vận xuống vùng núi Tam Cọp năm đó vào trạm xá của bác sĩ Đặng Thuỳ Trâmf đă làm cho Nguyễn Hiếu đổi tánh. Theo tin tình báo hỗn hợp giữa Chi khu Đức Phổ và Ban 2 Tiểu đoàn 2/35, tại một địa điểm trong khu vực Tam Cọp sẽ diễn ra một cuộc họp cấp huyện ủy. Đại đội Bravo của 2/35 thực hiện cú diều hâu và yêu cầu Nguyễn Hiếu đi theo. Giờ G., máy bay quan sát L-20 phóng trái khói đánh dấu bãi đáp. Thế nhưng khói đánh dấu bị tắt bất chợt nên chiếc trực thăng dẫn đầu (lead) của chuyến bay thứ nhất đáp trượt bãi đổ quân khoảng 100 mét. Chiếc trực thăng chỉ huy (C&C) vội điều chỉnh năm chiếc còn lại bay đúng vào vị trí chiến thuật. Từ trên cao, hai chiếc võ trang bắt đầu xạ kích dọn bãi đáp vào các vị trí tình nghi bằng rocket và đại liên 6 nòng (mini-gun). Chuyến thứ nhất đổ quân bị trễ hơn năm phút. Trung đội đầu tiên chạm đất và khởi sự nổ súng rời rạc để thăm dò. Nguyễn Hiếu xuống theo chuyến bay thứ hai. Hai trung đội dàn cánh cung dọc bìa rừng chờ “thằng bị lạc” và trung đội còn lại đang trên đường bay. Bốn chiếc võ trang quần đảo chận các đường thoát hướng bên kia dãy đồi thấp, nằm giáp giữa núi Tam Cọp và thung lũng 515.
Những loạt đạn từ hướng trước mặt nổ xẹt như móc mắt trung đội đi đầu. Quân Mỹ phía sau lạnh cẳng nằm thụp xuống đồng loạt. Đạn bay xé gió thiếu chút nữa lấy lỗ tai Nguyễn Hiếu. Tiếng chửi thề át sợ hãi vang rân. Rồi cả đại đội nổ súng không cần lệnh chỉ huy. Đại liên M.60, súng phóng lựu M.79, tiểu liên M.16 thi nhau trút đạn về mọi phía trước, khói súng bốc lên mù mịt, quân thay nhau hò hét tiến nhanh. Năm phút sau, mục tiêu lần lượt hiện ra trước mặt: quang gánh đổ tứ phía, rổ rá nồi niêu ở mọi nơi, gạo, cá hộp, mì gói lẫn lộn. Có tiếng gà oang oác. Có tiếng hô hoảng hốt của lính Mỹ “stop, hứng ại (đứng lại)”. Hơn mười phụ nữ bị điều lếch thếch tới chỉ huy đại đội. Mặt ai cũng xanh như lá chuối. Nguyễn Hiếu nhờ y tá băng vết thương chân cho hai chị lớn tuổi. Ai cũng nói đi buôn kiếm chút lời nuôi con. Đại đội Bravo đã đột kích vào ngôi chợ chồm hổm của khu vực giải phóng. Mỹ chửi thề quá cỡ.
Trung đội hai điện về yêu cầu phiên dịch. Trước mặt Nguyễn Hiếu là một số dụng cụ cứu thương và một thùng sắt bị bật nắp chứa giấy má tập vở. Hiếu kiểm tra chiến lợi phẩm trong lúc trung đội Mỹ lăm lăm tay súng dàn chĩa hai bên trong tư thế quỳ gối. Trung đội trưởng dẫn Hiếu lên phía trước chỉ cho thấy mấy cái cáng thương tự tạo bằng cây rừng xếp thẳng hàng. Bông băng rơi đây đó phất phơ dưới mấy chiếc giường cá nhân bằng tre đan. Một dẫy công sự mới đào ngụy trang lá xanh phía trên. Nhiều vỏ đạn AK vãi theo lối mòn đi sâu vào núi.
Tới đây Nguyễn Hiếu ngừng lại.“Lúc đó, tưởng tượng cảnh nhà thương làm tao lạnh người,” anh nói tiếp, “một trạm quân y dã chiến thì đúng hơn. Dân tiếp tế cho trạm quân y giải phóng. Mỹ đổ chậm nên họ rút mất về hướng ngoài dự đoán. Tuy nhiên, trong đống chiến lợi phẩm gồm: sổ theo dõi tình trạng chữa trị, danh sách thương binh... Hồ sơ viết tay nào cũng có chữ ký và đóng dấu của trạm trưởng tên Đặng Thùy Trâm. Nhưng không có tấm ảnh nào vẽ chân dung của người trạm trưởng. Mấy bà ‘tù binh’ bị tao ‘dọa bỏ tù’ cho biết: ‘mấy cổ mấy chú nói tiếng Bắc đâu có hại ai nên họ mới đem đồ lên bán.’ Chuyện mua bán làm ăn chỉ mới từ tháng trước. Toàn là dân Thạch Trụ. Mỹ thả họ về nhưng tịch thu gióng gánh hàng hoá.”
Tôi t­ëng tượng mắt Nguyễn Hiếu sáng lên, “Tao thắc mắc không hiểu thương binh từ đâu ra. Hay là từ trận đụng độ cách hai tuần trước với tiểu đoàn 1/14 (Golden Dragon) tại Phổ Trang. Họ đã chuyển thương binh từ đó về đây. Đơn vị đụng với thằng 1/14 là quân chính quy Bắc Việt, tụi Mỹ kết luận qua vũ khí thu được và tin tình báo, có lẽ là một đơn vị thuộc một Trung đoàn Sao Vàng đang ẩn hiện ở dãy núi trước mặt.”
Giọng Nguyễn Hiếu trầm trầm cảm xúc, anh đột ngột đổi qua chuyện bác sĩ Trâm. “Bạn học hồi phổ thông của tao có mái tóc dài như tấm hình nữ du kích Minh Long. Nước da bạn gái tao trắng. Miền tây của tao, con gái ở đồng ai cũng kẹp tóc. Nhỏ lớn tao thấy nữ ở quê tao toàn tóc dài nên hồi lên Sài Gòn học tao không mấy ưa tóc uốn quăn. Chắc tao nhập tâm nên diễn tả cho mầy nghe về diện mạo cô trạm trưởng là như vậy. Thấy hông, tao đã đoán không sai.”
Người trạm trưởng quân y ở Đức Phổ, Đặng Thuỳ Trâm, được Nguyễn Hiếu vẽ theo tưởng tượng, mang dáng vẻ của những cô gái dễ thương, dịu dàng, mộc mạc ở quê Nguyễn Hiếu! Tôi nghe anh mà bâng khuâng. Anh mang kỷ niệm về “người chưa gặp” trong lòng từ ngày ấy đến nay. Tôi nhớ con người sau một năm vào lính của Nguyễn Hiếu dường như bị lột ra sau cuộc đột kích núi Tam Cọp. Tôi nhớ giọng anh tự nhiên nghe nhẹ nhàng. Nhiều lần anh kể chuyện miền Tây, chuyện quê anh, chuyện nhà anh ở gần dòng sông, có ghe có đò, huyện anh ở có nhiều món ăn ngon nhứt. Anh nói nhiều lúc nhìn các bà các chị phụ nữ ở ngoài nầy làm anh nhớ đến má đến chị của mình ở Mỹ Tho. “So ra họ khổ quá,” có lần anh tâm sự với tôi như thế. Còn tôi, tôi lớn lên ở thành phố nên nghe như vịt nghe. Lần khác, “tao hỏi mầy, giả dụ cũng lính Mỹ tràn vô quê tao, cũng bắt bớ đập phá ào ào chỗ ba má tao và bà con tao ở, mầy tính sao?” Tôi còn chưa kịp thở, anh bắt luôn, “Thiệt ra thì không có như vậy. Ba má tao dọn ra thị trấn lâu rồi. Nhưng nhớ lại hồi nhỏ tao và ba má ở trong đồng mà tội cho bà con ở đây.”


*

Sau khi Văn Nghệ Trẻ đăng bài ký này, từ California Lê Thành Giai đã viết thư cảm ơn:
Anh Phạm Viết Đào quý mến,
Thông tin anh báo cho tôi về việc báo Văn Nghệ Trẻ đã đăng loạt bài ký của tôi về Số phận những thông dịch viên người Việt bên cạnh quân viễn chinh Mỹ đã làm cho tôi chảy nước mắt. Từ sau loạt bài hồi ức viết về bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm, không hiểu vì sao tôi hay bị chảy nước mắt. Sự động viên của anh đã giúp cho vốn chữ nghĩa hạn chế của tôi có thể viết lên những điều mà từ lâu tôi không biết tâm sự cùng ai. Các bạn thông dịch viên của tôi ở Mỹ rất vui mừng khi nhận được tin những dòng tâm sự của tôi được báo Văn Nghệ Trẻ đăng tải nhiều kỳ.
Chúng tôi, những con người đã bị người Mỹ sử dụng như một thứ công cụ nhưng bây giờ người ta đã cố tình quên. Ngược lại, những anh em của chế độ mới lại muốn hiểu và thông cảm với chúng tôi. Tôi chưa liên lạc được với Nguyễn Hiếu để báo cho anh ấy biết. Tôi tin chắc Nguyễn Hiếu sẽ chảy nhiều nước mắt và thổn thức. Anh ấy rất nhạy cảm, nhạy cảm hơn tôi nhiều. Đối với Nguyễn Hiếu đi đâu quê hương cũng ở trong lòng.
Tôi và nhiều anh em thông dịch viên đều ấp ủ niềm yêu thương quê hương trong lòng. Cũng chính nhờ anh và các anh ở báo Văn Nghệ Trẻ đã nhóm lên ngọn lửa tình yêu đó cháy bùng trở lại để không bao giờ bị tàn lụi trong chúng tôi. Niềm vui mỗi ngày trong tôi dường như được nhân lên. Tôi thật trân trọng những tình cảm của anh, của báo Văn Nghệ Trẻ và của độc giả. Cuối cùng một phần đời của anh em thông dịch viên được nhiều người biết đến. Chúng tôi, những người bị Mỹ bỏ lại sau cuộc bỏ chạy 304.1975., đang nhận được sự an ủi tinh thần rất quý giá từ trong nước. Mỗi lần ngồi trước máy computer, hồi ức về những ngày tháng trong quân ngũ lại hiện lên mãnh liệt trong tôi. Những người bạn thông dịch viên đã chết tưởng như hiện về và thôi thúc tôi: Hãy viết về tụi tao đi, hãy viết về những uẩn khúc của một lớp người trẻ tuổi bị hư hại vì cuộc chiến do Mỹ gây ra.
Anh cho tôi gửi lời cảm ơn Ban biên tập báo Văn nghệ Trẻ và độc giả của báo. Tôi sẽ cố gắng cộng tác nhiều với các anh.
Thân quý,
Lê Thành Giai



[1]MACV: Military Assistance Command-Vietnam, Sở chỉ huy chiến trường ở các địa phương trong chiến tranh Việt Nam (talawas).
[2]INS: Immigration and Naturalization Service, Cục Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (talawas).
[3]USAID: tên đầy đủ là United States Agency for International Development, cơ quan viện trợ nhân đạo và phát triển của Chính phủ Mỹ (talawas)

Nguồn: Văn Nghệ Trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) các số 14, 15, 16 ra ngày 2.4, 9.4 và 16.4.2006. Bản đăng trên talawas có một số sửa chữa, biên tập và chú thích của talawas.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 172

Return to top