Thứ sáu 13
Minh Thùy
Helena thò đầu vào phòng làm việc của Chiêu, nháy mắt với Petro và Chiêu, nói lớn:
- Ngày mai là thứ sáu 13, kính thưa quý vị.
Bà Marian giật mình:
- Ngày mai rồi, Chúa ơi, sao mau vậy?
- Thì sự đời như vậy mà, cái gì mong nó không đến, toàn đến thứ mình không ưa. Matrioshka đã xin nghỉ hôm thứ sáu chưa?
- Mày có gan nhắc lại cái tên đó lần nữa nghe coi, đồ láu cá...
Cái đầu Helena biến mất, vang lại tiếng cười từ hành lang.
Tên Marian biến thành Matrioshka sau lần sinh nhật thứ 55, Marian nhận liền lúc 7 hộp quà tặng không tên người gửi, đầy khả nghi. Mở ra, toàn những con búp bê Matrioshka của Nga, con nào cũng tròn quay, bụng như cái trống, đầu đít bằng nhau, giống y bà ta. Marian ném luôn mấy gói quà ra cửa, gào khóc:
- Chúng mày chơi tao, sỉ nhục tao, quân thổ phỉ, đồ khủng bố, hải tặc....
Có bao nhiêu danh từ gán cho đám phiến quân nổi loạn, Marian tuôn ra bằng hết. Đang họp, ngài giám đốc phải ngưng nói đột xuất, ra lệnh điều tra ai là chủ nhân mấy gói quà. Mấy cái loa của công ty tự dưng im bặt. Ông hứa sẽ nhờ CIA điều tra, mấy năm nay chưa tìm ra thủ phạm, chứng tỏ CIA quá dở! Petro đề nghị bàn giao “Mission impossible” này cho James Bond 007, giám đốc từ chối:
- Tay James Bond quá tuổi về hưu rồi, mắc bệnh lú lẫn của người già, thành “Điệp viên không không thấy” từ lâu, tao không nhất trí.
Tên Matrioshka bị cấm nơi công cộng, nhưng vẫn lưu thông trong văn chương truyền khẩu ở cơ quan, đám nhân viên xem như một thứ xả stress giải sầu.
- Tao không cần đưa đơn, vẫn được nghỉ phép thứ sáu này. Dù núi lửa có phun ra tại đây, tụi mày không được gọi tao vô công ty đấy! Marian dặn dò.
- Thiếu bà, trái đất ngày mai ngừng quay, lo chi Tsunami với núi lửa.
Petro đốc thêm, ngó Chiêu cười. Mặt bà Marian hầm hầm:
- Nói phải tội chứ Chúa ơi, sao con mong cái công ty này bị động đất quá, xem tụi mày còn cười tao nữa không.
Sau ba lần gặp xui đúng ngày thứ sáu 13, Marian tin là bị quỷ ám vào ngày này. Lần đầu, bị trộm viếng nhà giữa ban ngày, dọn sạch đồ đạc, từ bộ sofa bọc da trắng tinh, đến TV, computer, cả tủ ly tách xưa quý, tiền bạc nữ trang giấu trong két sắt - lúc đó Marian đang du lịch, hàng xóm tưởng bà thuê công ty dọn nhà đến chuyển đồ đạc qua nhà mới. Lần thứ hai, trượt ngã gãy chân vì mấy vỏ chuối, phải bó bột cả tháng, di chuyển bằng xe lăn. Lần thứ ba, quên túi xách trên xe bus, mất hết giấy tờ, tiền, thẻ nhà bank. Marian thề không bao giờ bước chân ra khỏi nhà hôm thứ sáu 13, tuyên bố:
- Nếu có chết, cũng được chết trong nhà bình yên, nguyên vẹn hình hài.
Petro không chừa thói cắc cớ, hỏi:
- Rủi máy bay rớt ngay trên nóc nhà, bà có chạy ra đường không?
- Mày đừng trù ém tao, đồ phản động, đồ Hannibal ăn thịt người, đồ Dracula...
Chiêu với Helena được trận cười thỏa thích. Ở công ty quảng cáo tầm cỡ thế giới này có đến 22 văn phòng, hơn 200 nhân viên, không ai chịu làm việc chung phòng vì tính khí ẩm ương của Marian, vừa trẻ con vừa như mẹ chồng quái ác. Chỉ hai tên thất nghiệp từ công ty bảo hiểm như Chiêu với Petro mới lò dò về cơ quan lãnh đủ.
Petro, dân xứ Chile tận cực Nam Mỹ, phiêu bạt đến nước Đức hơn 10 năm, có máu khôi hài đen hay châm chọc, gọi Marian là “Robinet rỉ nước”, bà ta dễ khóc tồ tồ khi lên cơn tức. Chiêu bị căng thẳng thần kinh với bà nhiều lần đâm chai lì, hết bị mất ngủ vì tức, trở thành đồng minh với Petro ghẹo bà cho quên đời. Từ khi bị gắn biệt danh Matrioshka, bà ta bớt theo dõi, soi mói, đi báo cáo sếp những “hành động khả nghi” của bọn ngoại kiều (là Chiêu với Petro), Sếp cảnh cáo:
- Xin bà từ giã tư tưởng kỳ thị chủng tộc cũ rích ấy đi, nếu không thì mời bà về hưu sớm.
Marian ấm ức xuống nước, nhờ vậy hai tên ngoại kiều được sống yên.
Marian chưa chịu yên, cái bệnh sạch sẽ hành hạ bà ta. Theo Helena, con virus sạch sẽ ăn sâu vào não trạng của đàn bà Đức từ bao đời nay, hết thuốc chữa. Cô nàng tâm sự:
- Vừa vô đại học là tao bye bye mẹ tao với bà ngoại luôn, ngày lễ nào cũng thành ngày thánh tẩy, hai bà tẩy uế mọi thứ. Từ nồi chảo, cửa sổ đến bồn cầu, chỗ nào cũng phải sạch bóng, trắng tinh mới chịu.
- Thế mày không phải dân Phổ [1] sao?
- Thế hệ 6X, 7X tụi tao bị lai giống với đám di dân, tị nạn tràn đến nước Đức, nên khác dân 3X, 4X lâu rồi.
Chủ nhật chạy jogging trong công viên, Chiêu vẫn thấy mấy bà già Đức, đeo tạp-dề, đứng trên thang, hai tay hai giẻ lau, đánh vật với kính cửa sổ.
Tuần đầu tiên làm việc ở đây, sáng nào cũng thấy mảnh giấy trắng lấm lem bụi bẩn để trên bàn, Chiêu không hiểu nổi lý do. Đến khi mấy tờ giấy bẩn đi kèm bản cáo trạng về Chiêu: “làm việc không nghiêm túc, ngồi lắc lư, sinh hoạt dơ bẩn”, và về Petro: “cười nhăn nhở lớn tiếng, ưa rung đùi làm rung rinh sàn nhà, khiến bà mất tập trung làm việc” nằm trên bàn giám đốc, cô mới phát hiện ra thủ phạm. Giám đốc nhìn gương mặt Chiêu rưng rưng nước mắt, phì cười:
- Cô nên tập thói “mackeno” bà Marian đi, công ty sẽ đưa Marian đi bác sĩ tâm lý.
Mỗi ngày, sáng và chiều, nhìn Marian cặm cụi lau bàn giấy, ngăn kéo, computer, tập hồ sơ... đến bóng lộn, Chiêu ớn lạnh xương sống. Petro “canh me” lúc Marian vắng mặt, vẫy tàn thuốc lá, đổ đất khô từ bụi cây vào hộc bàn Marian, cười:
- Để Marian tìm thấy ý nghĩa cuộc sống!
Vậy mà Marian không thâm thù Petro bằng Helena. Bà ta không bao giờ tha thứ “tội lỗi đáng đóng đinh trên thập giá” của Helena sau lần cô thăm Marian ở bệnh viện, với bó hoa và cái hộp lớn - lần đó bà phải mổ ruột thừa. Marian xúc động dân dấn nước mắt, hớn hở mở hộp, tưởng là cái bánh ngọt đầy kem và dâu. Chúa ơi, hóa ra là mấy miếng vải lau bụi và chai nước rửa! Helena phải bỏ chạy đến rơi chiếc giày. Cả công ty lăn ra cười, bổ sung thêm chuyện:
- Có bà già mới chết, cha cố vừa làm phép thánh xong, sắp đóng nắp hòm để đem chôn, thì bất ngờ bà ngồi bật dậy kêu réo: “Ối giời ơi, cái hòm đầy bụi bẩn thỉu thế này mà nhét tôi vào đây, làm sao tôi nhắm mắt được. Giết tôi đi còn hơn!”. Mọi người hãi quá, phải lau rửa cái hòm đến sạch bóng, bỏ thêm chục chai thuốc rửa với mấy chục tấm khăn lau vô hòm để bà tiếp tục sự nghiệp lau chùi trên thiên đàng, bà mới chịu vĩnh viễn ra đi.
Những lúc ngắm Marian tỉ mỉ đánh bóng cái túi da, mặt kính trên bàn, Chiêu không sao hiểu nổi trong đầu bà nghĩ gì. Ngày xảy ra biến cố chấn động ở New York, 11 tháng 9, cả công ty ngừng làm việc, dán mắt vào cái TV ở căn-tin, xem đi xem lại đoạn phim kinh hoàng, không tranh luận ồn ào như mọi ngày, một cú sốc quá nặng. Chiêu nhìn mọi người bất động trước màn hình, quay ra cửa sổ ngắm đường phố. Từ tầng cao thứ 16, không nghe tiếng động, chỉ thấy xe, người lăng xăng chạy qua lại, bình thản như trong một phim câm. Ở đây và New York hiếm khi mọi người nhìn thấy tận mắt cảnh đổ máu, chết thảm hàng loạt.
Chiêu quay lại phòng làm việc, muốn được ngồi một mình với nỗi buồn riêng.
Chỉ một mình Marian trong phòng, đang ăn pizza, nguyên hộp bánh để mở trên bàn. Thấy Chiêu, bà cười hơn hớn, đưa cô một góc bánh:
- Mày đói bụng không, ăn với tao cho vui, tao xơi cái pizza để thưởng công mình. Biết không, hôm qua, tao với thằng Juan đánh bóng cái xe Mercedes mới mua, dọn dẹp cái garage sạch tinh, trông đẹp mắt hơn. Tối nay tao với nó đi nhảy ở buổi hội người Ghana, tụi Phi châu nhảy ngộ lắm, lắc mông rất hấp dẫn, mày đi chơi với tụi tao không, bảo đảm vui nhộn cực kỳ!
Có con gì kêu lên ong ong trong đầu Chiêu. Cô chẳng nghe gì nữa, chỉ thấy đôi môi dày bóng mỡ của bà ta mấp máy, động đậy liên tục.
Tối thứ bảy, tụ họp nhau ở quán nhạc Queen Bee trong khu phố cổ, Petro, Chiêu và Helena lắng nghe cô ca sĩ da đen giọng khàn khàn, hát nhạc xưa, những tình khúc lãng mạn của một thời đã mất. Cả ba đều yêu thích quán nhạc nhỏ này, ca sĩ không chuyên nghiệp mà có người hát rất hay.
Petro thắc mắc:
- Không hiểu sao chỉ có ca sĩ da đen hát nhạc Blues, nhạc tình mới nghe thấm thía.
- Có lẽ cái buồn, cái thảm của thân phận với quê hương đã thấm vào giọng hát họ - Helena nói - người ta nói 3 người da đen họp lại thành ban nhạc jazz, 3 người Đức thành đội quân, 3 người Tàu thành cái chợ, 3 người Do Thái thành nhà bank. Nè Chiêu, 3 người Việt Nam mày họp lại thì thành cái gì?
- Mày hỏi khó tao chi vậy, 3 người VN có bao giờ chịu ngồi lại với nhau đâu mà thành cái chi.
Petro ngó Chiêu bằng cặp mắt hóm hỉnh, ẩn dấu ý nghĩa sau cặp kính trắng.
- Dân châu Mỹ la tinh, có một thời tay nào cũng muốn biến thành Che! Và mơ những cuộc cách mạng thần thánh.
Ánh đèn sân khấu chuyển sang màu tím xanh, in hình cô ca sĩ mặc robe trắng lóng lánh trên bức màn nhung, ca sĩ kéo cái micro sát người, mắt nhắm lại, nhập hồn vào điệu kèn saxophone, giọng khàn than vãn như hát cho chính mình: “Hôm qua là một bình minh xám. Cha tôi chết banh xác trên đường vì dẫm phải mìn. Mẹ tôi ho ra máu ở nhà thương thí. Người ta bắt cóc con trai tôi ngay trong lớp học, nó mới 11 tuổi. Nó bị ép buộc phải hít ma túy, ăn viên thuốc phiện bọc chocolate để quên cái đói. Tập chơi bom đạn thay chơi đá banh...”
Không hiểu sao, câu kết trong truyện Con đường đau khổ [2] qua 20 năm vẫn ám ảnh Chiêu: “Năm tháng rồi sẽ trôi qua. Những cuộc chiến tranh sẽ im lắng dần. Những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét. Chỉ còn lại tấm lòng em dịu dàng và âu yếm bên anh”.
Nhiều năm tháng đã đi qua, nhưng thế giới có khi nào im lắng. Chiến tranh chỉ đổi chỗ từ nơi này sang nơi khác, khốc liệt hơn, tàn bạo hơn. Những cuộc chiến không phải vì ý thức hệ hay bảo vệ Tổ quốc, chỉ vì tranh giành quyền lợi giữa các phe phái, vì hận thù sắc tộc giữa những người đồng chủng. Người đối xử với người tàn nhẫn hơn, như sói với sói.
Ở đâu tìm thấy tấm lòng dịu dàng cho đời nhau? Chiêu lặng lẽ giấu tiếng thở dài.
Cái Handy của Chiêu bất chợt reo liên hồi, cô lục túi xách lôi ra nó. Tiếng Marian nức nở:
- Mày làm ơn đến ngay đây với tao đi, nếu không, ngày mai tụi mày phải đi phúng điếu tao thôi.
Đứng giữa căn nhà Marian ngổn ngang đồ đạc, rác rưởi vương vãi từ cầu thang, nhà bếp đến phòng khách, mặt kính cửa cổ, cửa cái bị quệt sơn dơ bẩn, mấy chữ lớn Goodbye forever tô đậm trên tường,
Chiêu, Petro với Helena bàng hoàng kinh ngạc. Marian ngồi bệt giữa nhà, tóc rối bù, áo ngủ xốc xếch, khóc thảm thiết:
- Thằng lưu manh, đồ sở khanh, nó làm tan nát đời tôi, nó giết tôi rồi.
Nó - Tay Don Juan da đen tị nạn, nhỏ hơn Marian 20 tuổi. Bà ta kết hôn với Juan như bị một cú sét đánh chỉ sau một tuần quen biết, đúng ngày Hội hóa trang ở thành phố. Không ai hiểu nổi, sau hơn nửa thế kỷ cô đơn, ép xác mình với những ngày thánh tẩy, bận rộn đánh bóng nhà cửa, tủ bàn, đến cả trái tim và tấm thân phì nhiêu của mình, đột nhiên Marian lại đổi đời bằng cuộc hôn nhân dị chủng, chênh lệch mùa xuân dữ vậy. Chỉ mình Petro cười tủm:
- Cứ nhìn thằng đó lắc mông, nhảy Lambada cọ sát đùi phụ nữ thế nào, đến tôi cũng lên cơn sốt huống gì Marian.
Sống bên nhau mới hơn tháng, Juan tỉ tê than vãn, mẹ hắn bên nhà đau tim sắp chết, cần tiền cứu chữa. Vì tình yêu nóng bỏng, Marian phải móc ví đưa hắn 1.000 Euro. Tháng ngày nối tiếp, lần lượt bà con của Juan theo nhau vô bệnh viện vì đủ chứng ung thư, toàn loại bệnh hết thuốc chữa, thêm vài người sắp chết với tin buồn báo trước, khẩn cầu viện trợ. Sparbuch (sổ tiết kiệm) của Marian càng ngày càng “leer” (rỗng).
- Nếu không đưa tiền thì nó hăm dọa bỏ đi, quen sống với nó 6 năm nay rồi, vắng nó, trở lại sầu cô đơn làm sao tôi sống nổi.
Nhìn gương mặt nhem nhuốc nước mắt với phấn sáp của Marian, Helena vừa thương hại vừa cáu:
- Bây giờ phải báo cảnh sát tìm bắt nó lại, khóc lóc rên rỉ thì giải quyết được gì.
- Nó để lại lá thư đoạn tuyệt đây này: “Vĩnh biệt tình em, anh di tản qua Mỹ làm cuộc đổi đời lần nữa”. Nước Mỹ bao la, biết nó đâu mà tìm. Nó còn chôm luôn cái xe Mercedes của tôi nữa. Chắc tôi chết mất thôi, quân đểu giả...
Petro phản đối:
- Nói nhảm, nó đâu có đểu giả, chỉ hơi đểu thật thôi! Còn giấy tờ gì của nó không, đem ra làm chứng cớ đi thưa.
- Còn gì đâu, mới tuần trước được nhập quốc tịch Đức, cầm cái Pass trong tay là nó tính bài chuồn, đã thế trước khi đi, nó còn làm bẩn thỉu cả nhà tôi thế này đây, quân khốn nạn.
Petro nháy mắt với Chiêu, thì thào “dấu ấn để đời!”. Chiêu không dám cười, cô nhấc điện thoại, gọi số khẩn cấp.
- Marian bình tĩnh đi. Nó mới đi hôm nay phải không, chưa chạy xa đâu, gọi cảnh sát chặn bắt nó lại.
Bà ta nhảy dựng lên, chụp cái bình hoa ném vào tường vỡ toang, khóc gào lên:
- Nó đi từ hôm qua kia, Chúa ơi, hôm qua thứ sáu 13, tôi biết mà…đúng là quỷ ám!
Chú thích:
[1] Dân Phổ: Tên gọi người Đức trước kia.,
[2] Bộ tiểu thuyết 3 tập của Alexey Tolstoi.,