Luật Nhân Quả
Dương Hà
Trời nhá nhem tối vào buổi giao mùa đèn đường chưa kịp bật sáng vì chưa đủ tối để hệ thống tự động, dưới sự tranh tối tranh sáng một chút xíu nữa thì chàng thanh niên lái xe đi vuột mất vì không nhìn thấy một người phụ nữ cạnh chiếc xe đang đậu trong “lane” ngoài cùng dành cho những xe chẳng may chết máy giọc đường.
Chàng thanh niên ngừng chiếc xe Ford cũ gần như phế thải trước đầu xe Mercedes Benz sang trọng nhưng hiện đang nằm ụ một đống tại đây, người thanh niên vẫn để máy xe nổ máy ì ạch, chàng mở cửa xe bước xuống tiến lại người phụ nữ nhỏ nhẹ nói:
- Thưa bà, xe bà sao thế này?
Thấy chàng thanh niên ăn mặc có vẻ bình dân, đầu tóc không được chải chuốt cho lắm, nhưng lại là người đồng hương gương mặt hiền lành thì người phụ nữ tỏ vẻ không sợ sệt như lúc ban đầu khi người thanh niên vừa mở cửa xe bước xuống xe, người phụ nữ nói:
- Ông là người Việt Nam?
- Dạ, vâng thưa bà
- May quá ông có lòng tốt ngừng để giúp tôi chứ nếu không, thì không biết tôi phải xoay sở ra sao đây, hôm nay đoạn đường này vắng quá trời lại gần tối làm tôi sợ!
- Sao bà không ngồi yên trong xe rồi dùng cell phone kêu cho người nhà mà lại mạo hiểm ra đứng ngoài đường trong khi thời tiết lạnh thế này?
- Tôi tự trách sự đãng trí vì vội vàng đi nên cứ đinh ninh rằng cell phone vẫn còn nằm trong giỏ xách tay, ai ngờ khi cần mở ra thì không thấy đâu cả, chẳng biết lạc đi đau mất.
Ngưng đàm thoại với người phụ nữ giây lát, người thanh niên đi một vòng chung quanh xe quan sát, chàng thấy bánh xe nào xẹp đoán chắc vì bị cán phải đinh nên xì hơi, bắt buộc phải thay bánh sơ-cua thì mới xong, anh nói :
- Thưa bà, tôi có thể giúp bà để thay bánh sơ-cua?
- Vâng, xin ông giúp tôi! Thế thì quý hoá quá tôi sẽ hậu tạ ông.
Chàng thanh niên nói:
- Vậy mời bà lên ghế trước ngồi cho ấm, bánh xe sau xẹp nên bà ngồi trên không ảnh hưởng gì đến sức đẩy của con đội …
Nhìn nét mặt người phụ nữ có vẻ băn khoăn lo lắng chàng thanh niên nhanh trí nói:
- Chắc bà đứng ngoài đã lâu, gió lạnh lắm bà cứ yên tâm vào trong xe ngồi nghỉ chờ tôi thay vỏ xe xong thì bà về nhà nghỉ.
Mặc dầu thấy vẻ mặt lương thiện và nụ cười luôn nở trên môi người thanh niên, nhưng người đàn bà vẫn lo sợ những bất trắc bất ngờ xẩy đến , bà vẫn do dự trù trừ chưa chịu vào trong xe ngồi theo lời khuyên của người thanh niên, hiểu ý bà nên người thanh niên nói:
- Tên tôi là Thiện Tâm sẽ thay bánh xe xẹp cho bà, xin cứ yên tâm vào trong xe ngồi cho ấm.
Tới lúc đó người phụ nữ mới chịu vô xe ngồi, Tâm nhận biết bà vẫn còn run sợ phần vì lạnh một phần cũng vì lo lắng , có thể bà đã và đang nghĩ trong bụng rằng “thằng cha này nó tới giúp mình nhưng cũng có thể lại mưu đồ làm hại gì mình đây chăng?” . Tâm thấy xe bà bị xẹp bánh, việc thay bánh xe tuy hơi khó khăn nặng nhọc đối với đàn bà, nhưng đối với đàn ông thì việc này đối với đàn ông thì đơn giản thôi.
Tâm bò người xuống gầm xe, tìm chỗ đặt con đội nâng càng xe lên cho hổng bánh xe lên để thay thế, dưới chỗ đậu xe thì chỗ sỏi đá gồ ghề chỗ lổm chổm khiến Tâm khi chống tay lấy thế thì bị trầy da nhiều chỗ, có chỗ rướm ngoài da bật máu tươi. Tuy tay bị đau và thấm dầu lấm đất nhưng cuối cùng Tâm cũng thay được cái bánh xe sơ-cua vào chỗ bánh xe xì hơi cho người đàn bà. Trong khi anh đang vặn lại những con ốc giữ chặt bánh xe, thì bà xuống xe đứng sau lưng Tâm để quan sát và trò truyện:
- Ngồi trong xe một chập, tôi đã cả thấy đỡ lạnh phần nào rồi.
Qua ánh đèn đường, bà thấy tay Tâm run run vì gió lạnh, bà kêu lên:
- Ấy chết, chắc ông lạnh lắm nhỉ?
- Dạ, cũng hơi lạnh chút xíu nhưng tôi chịu đựng được. Còn bà xin ráng chờ thêm mấy phút nữa là xong. À mà bà đi đâu giờ này?
- Tôi từ Galveston trở về Houston, đến quãng đường này chẳng hiểu tại sao xe cán đinh, xẹp bánh xe không chạy được nữa phải ngừng, kiếm cell phone trong bóp không có lúc đó mới hay đã để quên nơi đâu hay rớt mất không chừng! Không có phone đành phải xuống xe chờ khách vãng lai tới giúp, nhưng lâu quá mà chẳng có bóng dáng một ai, may mà có ông tới giúp nếu không...
Bà mới nói đến đó thì công việc thay bánh sơ-cua đã xong, bà nói:
- Cám ơn ông thật nhiều, ông là vị cứu tinh của tôi, trên con đường bất an lại về đêm gió lạnh nếu không có ông ghé lại giúp thì không biết tôi phải xoay sở ra sao, tôi tưởng tượng ra bao nhiêu là tai nạn ghê gớm có thể xẩy ra ở đoạn đường bất an này, giờ đây tôi rất vui mừng vì thoát nạn, ông muốn lấy công bao nhiêu tôi cũng sẵn sàng trả...
Bà vừa nói dứt câu thì Tâm đã khoác tay ra dấu từ chối và nói:
- Thưa bà, cám ơn lòng tốt của bà, nhưng tôi không nhận tiền thù lao dù bà đưa ít hay nhiều. Đây là việc làm mà tôi quan niệm rằng phải giúp đỡ người cần được giúp đỡ thôi. Tôi không làm việc này với mục đích kiếm tiền.
Người phụ nữ nài nỉ cách mấy Tâm cũng một mực chối từ, cuối cùng bà thấy Tâm nói phải nên từ đây bà tâm niệm rằng sẽ làm một việc gì cho người nào đó mà bà sẽ gặp cần sự giúp đỡ, bà sẽ làm như chàng thanh niên tốt bụng tên Thiện Tâm đã làm cho bà. Bà thầm nghĩ cử chỉ rộng lượng và tên chàng thanh niên chẳng khác nhau là bao. Mặc dù bà sống trong nhung lụa, nhưng bà vẫn cảm thấy thiếu cái gì đó, hay nói đúng hơn một lòng từ thiện một nghĩa cử đạo đức của chồng mình.
Trước khi chào từ biệt Tâm, bà trao cho chàng một danh thiếp và dặn Tâm khi hữu sự cần giúp đỡ xin gọi bà, xong bà lên xe nổ máy chạy hướng về phía Houston để trở về nhà. Tâm liếc nhìn tấm danh thiếp đề Tổng giám đốc Văn Cung, công ty sản xuất cơ phận xe, chàng chờ đợi bà Cung rồ máy xe khi khỏi một cách an toàn rồi mới trở lại xe của mình lái đi. Trời lạnh giá, vài cơn gió đông thổi hắt vào mặt làm rát mặt chàng, một ngày làm việc mệt nhọc, mỏi cả vai lưng, vài vết thương trầy nơi tay vì chống tay xuống sàn đá gió lạnh làm tê thêm tuy vậy chàng cũng vẫn thấy vui trong lòng. Chàng lái xe mất hút trong đêm tối hướng về nhà.
Xa lộ I-45 có đoạn không đèn, đoạn có đèn đường chiếu sáng, màn đêm xuống dần, người đàn bà lái xe được chừng ba dặm thấy đoạn đường có đèn chiếu sáng, bên đường có lưa thưa vài quán xá, có quán Mac Donald và quán Denny’s. Bà cảm thấy đói bụng nên ngừng xe vào quán Denny’s. Vừa ngồi vào bàn bà thấy một người phụ nữ dáng dấp người Á Châu làm hầu bàn bụng mang dạ chửa, tự nhiên vì lòng trắc ẩn bà thấy thương người phụ nữ này quá. Là phụ nữ nên bà Cung cũng đã trải qua thời thai nghén, vào những ngày tháng đứa bé sắp đòi ra thì thật là cực nhọc, thế mà chị hầu bàn này vẫn còn phải làm việc vào những giờ khuya khoắt thế này nên bà động lòng trắc ẩn... Bà đắn đo suy nghĩ giây lát, vẫn chần chừ vì không biết chị hầu bàn kia có phải là người VN đồng hương của mình không vì những người Á Châu sinh sống ở đây rất giống nhau rất dễ lầm lẫn, do đó bà dùng anh ngữ ướm hỏi:
- Sorry m’am, are you Vietnamese?
Cô hầu bàn tên Lan nghe bà khách hỏi ngỡ ngàng đáp:
- Yes, m’am – Thưa bà, bà cũng là người VN sao?
- Phải, đúng vậy chúng mình gặp đồng hương rồi, thật vui cô nhi?
- Dạ, thưa bà vâng ạ.
- Chắc cô sắp đến ngày ở cữ rồi phỏng, nhìn bụng cô tôi thấy như vậy!
- Vâng, bác sĩ bảo ‘due day’ vào 15 tháng này, nghĩa là khoảng trên 10 ngày nữa.
- Gần ngày sanh như vậy mà sao cô còn đi làm, mà lại còn làm vào giờ ban đêm nữa?
- Tôi phải làm ‘over time’ để kiếm thêm tiền mua tã lót và mua sữa cho cháu bé.
- Ba cháu làm nghề gì vậy?
- Da, thưa ba cháu làm thợ máy...
- Ở xứ này ai cũng phải có chiếc xe làm chân, chắc anh nhà giỏi máy xe lắm nhỉ?
- Ba cháu tuy là thợ máy nhưng mấy năm nay làm ăn ế ẩm lại có người giới thiệu đến làm ở một body shop nhỏ chuyên làm về dàn đồng của xe hơi.
Trong câu chuyện bà khách kể xe bà vừa bị cán vào đinh, xẹp bánh, vì quên cell phone ở nhà hoặc rớt đi đâu mất nên khi xe hư bà phải đứng đường để hễ có xe nào chạy ngang qua đường đó thì ngoắc lại, ngặt vì hôm nay thời tiết đổ lạnh bất ngờ lại vào ngày nghỉ “long weekend” nên đường xá vắng tanh, bà kể rằng phải chờ đến cả tiếng đồng hồ mà không thấy một bóng xe qua lại. màn đêm lạ từ từ xuống dần, bà lo sợ nhiều bất trắc có thể xẩy ra nhưng thật may mắn đang lúc thất vọng cùng cực thì có một người thanh niên Việt Nam lái chiếc xe Ford mầu xanh kiểu cũ kỹ lắm đi ngang qua, đường tối nên anh ta chưa kịp thấy bà nên lái xe qua một khúc ngắn mới dừng lại, anh ta thay bánh xe sơ-cua dùm bà nên bà mới an toàn về đến quán này đây ! Bà còn khoe vừa gặp được cậu thanh niên quá tử tế, thay bánh xe cho bà xong nhất định không lấy công, anh thanh niên ấy nói rằng anh này giúp vì bà cần được giúp trong lúc cần, nếu bà gặp trường hợp nào cần được giúp đỡ thì bà cũng nên làm như anh đã làm. Bà mừng vì thoát nạn và đã đến được chỗ này coi như thoát hiểm nên bà nói trong nỗi mừng vui. Bà nghĩ ngợi miên man về câu nói xưa "Ơn bất cầu báo".
Bà Cung chợt nhìn xuống bụng cô hầu bàn ái ngại, bà nhớ lại vừa được người thanh niên giúp mình nên bà nghĩ cần giúp người đàn bà và em bé sắp ra đời... Bà nói:
- Cô dọn dẹp cái khay này, đổ vào thùng rác giùm tôi nhe.
- Dạ, bà cứ để đó cháu dẹp giùm.
Bà khách dúi vào tay Lan tiền “tip” rồi bước vội ra cửa, Lan mở ra coi lại thấy hai trăm tờ tiền giấy, nàng hoảng hồn tưởng bà khách đưa lộn, có lẽ bà cho “tip” hai đô la lại đưa lầm hai trăm đô la chăng nên Lan vội chạy theo bà khách và nói:
- Thưa bà, bà cho tiền tip lầm rồi vì bà đưa những hai trăm!
- Tôi không lầm đâu, đây là quà tặng cháu bé của cô sắp chào đời đấy. Cô hãy cầm giùm dùng cho cháu sau này...
- Cám ơn bà nhưng sao cầm tiền của bà cháu thấy ái ngại quá!
- Không sao đâu cô, đây là tiền tôi cho cháu chứ đâu có tặng cô mà phải nghĩ ngợi!
Nói xong bà vội bước ra xe, còn Lan đứng đó nàng rưng rưng nước mắt vì cảm động, biết ơn bà khách vì lúc này gia đình nàng đang cần tiền để dành cho lúc nàng sinh nở.
Về nhà Lan kể chuyện cho chồng nghe diễn tiến việc vừa xẩy ra giữa nàng và bà khách ghé quán ăn, rồi bỗng dưng cho tiền đứa con còn đang trong bụng của nàng, Lan kể rõ đầu đuôi mạch lạc, lại nói bà khách sang trọng đi chiếc xe Mercedes màu xám tro bóng loáng…
Nghe vợ kể xong, Tâm không tiết lộ việc thiên chàng đã vừa làm cho chính bà khách đã làm ngạc nhiên nàng, Tâm thấy lòng mình thơi thới hân hoan và thầm ước rằng giá mà cả thế giới này mọi người đều tử tế...
Bà khách về nhà ngẫm nghĩ mãi bài học tử tế đã học được của người thanh niên dáng dấp bình dân ấy, bất giác bà nhớ đến chồng bà có tác phong không giống người khác, tuy ông thành công trong lãnh vực thương mại, nhưng tính tình kém giao tế, kiêu ngạo, tự mãn vì thành công thời cơ mà khá giả, ông thường bày tỏ thái độ trịch thượng, phách lối với những người chung quanh, đôi khi còn bắt chẹt, cắt xén bớt tiền công của những người thợ mà ông đang thuê mướn để cung cấp môt bộ phận nào đó thuộc về dàn đồng (auto body) cho một hãng xe hơi Nhật có trụ sở chi nhánh tại Mỹ. Bà nghĩ khi ông mua chiếc xe Mercedes Benz sang trọng cho bà thì ít nhiều chiếc xe đó cũng do tiền cắt xén đồng lương của nhân công nghèo khổ mà có được. Bà thoáng đau lòng khi nghĩ đến ý nghĩ đó về người chồng. Bà muốn xin ông bán chiếc xe đang xử dụng đắt tiền để mua chiếc xe nhỏ hơn, số tiền còn dư bà sẽ tặng cho một cô nhi viện hay viễn dưỡng lão địa phương.
Ý định của bà có thực hiện được hay không còn tuỳ thuộc vào ông Văn Cung, bà cảm thấy bi quan cho mộng ước làm một điều gì đó về từ thiện. Trong cuộc sống dư dã hơn nhiều người, bà vẫn nặng lòng với người nghèo khó. Linh tính từ trực giác chiều hôm đó ông nghe bà trình bày ý định bán chiếc xe đắt tiền để có ngân khoản giúp người nghèo. Ông Văn Cung một mực bác bỏ và cho là ý nghĩ của bà điên rồ.
Bà biết tính tình của chồng mình hơn ai hết vì ông sẵn lòng vung vẩy tiền bạc cho những buổi tiệc liên hoan hầu tạo danh tiếng cho cá nhân ông, ông sẵn lòng tung tiền mua chuộc những đàn em nịnh thần tâng bốc, tung hô ông ta. Bà Cung hiểu ông chồng vốn sống vì lợi danh phù vân. Sự từ thiện và đạo đức của giá trị cuộc sống với ông là những điều phù phiếm, xa xỉ không cần thiết. Kể từ đó ông lấy chiếc xe mới Mercedes đi làm, để bà đi một chiếc xe Nhật nhỏ như bà nói gợi ý trong ý nghĩ giúp từ thiện.
Rồi một hôm bà được tin Sở Cảnh Sát Tuần Lưu Xa Lộ thông báo ông nhà bị nạn trên đoạn đường xa lộ về nhà bà vội chạy đến hiện trường, chiếc xe Mercedes yêu quý của gia dình bị một xe tải cỡi lên làm nó bẹp rúm lai. Điều may là tính mạng ông Văn Cung vẫn còn, dù tương lai ông sẽ ngồi xe lăn.
Sau thời gian tĩnh dưỡng và tập vật lý trị liệu, ông Văn Cung được cho xuất viện, vợ ông chuẩn bị đưa ông vào trong chiếc Toyota nhỏ nhắn. Khi ông an vị, ông bỗng liếc nhìn chiếc Mercedes Benz của ai đó đậu sát bên cạnh, nó có màu xám tro như xe của ông và rồi ông liếc trong kiếng chiếu hậu thấy vợ mình xếp chiếc xe lăn cho vào sau xe. Ông lẩm bẩm một mình: "Xe Benz đổi lấy xe lăn!" trong nỗi luyến tiếc của những giọt nước mắt long lanh.
DƯƠNG HÀ