Điện Thoại
Phạm Thái Lê
Giám đốc Nguyễn Sĩ Toại giật mình thức giấc vì tiếng chuông điện thoại. Ông dụi mắt rồi bật điện, bình tĩnh nhìn đồng hồ. Đã hơn một giờ sáng. Ông vẫn chưa nhấc máy vội.
Từ ngày trung tâm giáo dục thường xuyên tách ra khỏi phòng giáo dục huyện, trực thuộc trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh, quản lý theo ngành dọc, ông trở thành giám đốc. Cũng từ đó, ông có thêm phẩm chất kiên nhẫn này. Khác hẳn với hồi còn là hiệu trưởng của trường bổ túc văn hóa, mỗi lần chuông điện thoại reo là ông nhấc lên ngay. Nếu đang làm gì ở xa thì ông lao vội tới. Cũng bởi vì hồi ấy điện thoại hiếm lắm. Nó là sự hiện đại và xa xỉ. Cần việc gì với người ở thành phố, nhấc máy lên, bấm mấy cái, thế là nghe được nhau nói, nói được cho nhau nghe. Có khi chả phải vì cần việc gì cũng nhấc máy lên, hỏi han cho đỡ nhàn tẻ. Với lại là để khai thác hết cái hiện đại này.
Hồi ấy, ông cứ có ý nghĩ điện thoại không đổ chuông, không gọi đi là điện thoại chết. Một ngày nó chết đến mấy chục tiếng đồng hồ. Lãng phí thật! Bởi vậy, nếu không gọi cho ai thì ông lại mong ai đó gọi tới cho mình. Thế mà có khi hai ba ngày ông chẳng gọi được cho ai và cũng chẳng ai gọi tới cho ông cả. Những lúc ấy, ông an ủi rằng: Nó - cái điện thoại, là vật trang trí đầy kiêu hãnh trong căn phòng nhỏ lộn xộn những sách báo giấy tờ này. Như vậy, điện thoại đúng là sự hiện đại và xa xỉ. Và cũng vì vậy mà giáo viên trong trường không được phép gọi, chỉ được nghe. Đó là quy định của hiệu trưởng. Nhưng vì nó hiện đại và xa xỉ mà bạn bè anh em họ không mấy ai có nên rất ít người gọi đến.
Cái điện thoại của nhà trường gần như nghiễm nhiên thuộc về riêng ông. Và ông thú vị lắm. Ông thưởng thức nó bằng cách lúc ngồi nghe điện, ông cho phép mình gác chân lên ghế. Đây là điều tuyệt đối cấm kỵ. Giáo viên không được gác chân lên ghế. Tất nhiên rồi. Bởi thế không mô phạm, là mất tư cách. Còn học sinh thì lại càng không. Em nào trong giờ học gác một chân lên ghế sẽ bị phạt một nghìn đồng. Quy định này được áp dụng triệt để từ ngày ông làm hiệu trưởng. Bởi vậy, khi cho phép mình vi phạm, ông cũng phải đảo mắt một vòng quanh sân trường. Đang là giờ học. Vắng tanh. Cẩn thận đến thế mà cũng có lần ông bị cô văn thư bắt gặp. Lần ấy, ông đang tiếp thu ý kiến của sở giáo dục. Nói chuyện với phó giám đốc phải vâng dạ rối rít mà vẫn gác được chân lên ghế. Thế mới sướng! Vì sướng quá nên ông mất cảnh giác. Khi thấy cô ta hiện ra đột ngột ở cửa, ông vội vàng lấy tay gãi sồn sột vào chân. Ngứa thì phải gãi. Ngứa ở chân thì phải cúi xuống mà gãi. Nhưng đang ngồi nghe điện thoại thì không thể cúi. Bởi vậy chỉ còn cách là nhấc chân lên. Thật chí lý!
Ông còn thưởng thức cái điện thoại của nhà trường bằng một kiểu khác. Kiểu này thú vị hơn: ông đùa cợt này nọ qua điện thoại với một cô cùng học lớp đại học tại chức ngày trước. Cô ta trắng nhất lớp. Không xinh nhưng trông đầy đặn. Hồi ấy, ông mê cô nhưng cô thì chẳng để ý gì. Nói mê là mê thế thôi chứ ông không dám thổ lộ. Bởi ông có vợ rồi. Bây giờ ấy à, kể cả việc con sắp vào đại học, ông cũng chẳng việc gì phải sợ vì nói qua điện thoại. Ông còn dám nói với cô ấy rằng: "Người như em, khối thằng đàn ông muốn chết... Anh ấy à, anh chết em từ lâu rồi... Chết vì cái trứng gà bóc ấy". Một nhà sư phạm mà ăn nói bỗ bã thế là không được. Ông biết điều đó rõ lắm vì ông vẫn nhắc nhở đồng nghiệp luôn luôn. Thế nhưng bấy giờ ông nói được là nhờ cái điện thoại.
Ấy thế mà mấy năm nay, ông không cợt nhả với cô ấy nữa. Mình bấy giờ đường đường là một giám đốc. Cô ta là gì? Mũm mĩm à? Trắng trẻo à? Cũng chỉ là giáo viên thường thôi nhé. Thế nhưng ông lại thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Và thế là ông nảy ra sáng kiến khi sắp xếp phòng giám đốc. Ngay sát cửa ra vào ông cho kê một bộ salon nệm mút, giữa phòng là bàn làm việc. Trên bàn, sách vở giấy tờ được sắp xếp gọn ghẽ cạnh cái điện thoại. Sau cái ghế ông ngồi là tấm ri-đô. Tấm ri-đô được đặt may ở cửa hàng rèm vải cao cấp Hằng Huệ - hiệu may lớn nhất thị trấn. Điều đáng nói ở cái ri-đô là sự đặc biệt này. Nó được mắc từ trần nhà phủ xuống sát nền gạch, che kín toàn bộ phần còn lại của căn phòng. Đứng ngoài nhìn vào chỉ thấy toàn hoa nhưng đứng trong nhìn ra thì thấy hết mọi sự.
Sau tấm ri-đô, ông cho kê một chiếc giường, không phải giường một, cũng chẳng phải giường đôi. Cái giường một người nằm thì rộng, hai người nằm thì vừa khít. Từ khi có cái giường, ông càng giàu trí tưởng tượng. Ông hình dung ra những cảnh vụng trộm đằng sau bức rèm đặc biệt này. Lúc thì cô áo hoa. Lúc thì cô tóc ngắn. Có lúc lại là cô mặc quần bò dù rằng ông rất ghét con gái mặc quần bò. Bởi vậy ông cấm tiệt giáo viên nữ mặc quần bò đến trường. Mặc thế còn ra thể thống gì nữa. Có lần ông còn bắt cô Hà nghỉ tiết dạy về nhà thay quần bò rồi mới được lên lớp. Các cô giáo trẻ mới ra trường là lắm vi phạm, phải rèn cho đến đầu đến đũa. Ai đời hồ sơ giáo án mà không kẻ lề ngang mục bằng mực đỏ. Thế thì đẹp làm sao được. Xếp loại trung bình để học kỳ sau rút kinh nghiệm.
Chuông điện thoại vẫn réo một cách kiên nhẫn và giục giã vào một rưỡi sáng. Ông Toại bình tĩnh nhấc máy. Bình tĩnh cũng là phẩm chất cần có của một giám đốc. Ông đã từng im lặng một cách bình tĩnh khi nghe cô học viên lớp đại học tại chức của trung tâm trình bày lý do nghỉ hai buổi học hôm chủ nhật vì bố mất. Bố mất là một việc. Đi học lại là việc khác. Một tuần học có ba buổi, nghỉ mất hai thì còn gì. Học trình ấy lại có hai lăm tiết. Nghỉ hai buổi mất mười tiết. Làm sao đủ điều kiện mà thi. Không cho thi là đúng, việc gì phải khóc lóc. Đàn bà con gái là chúa đưa nước mắt ra để xin xỏ. Ông là ông ghét nhất thói ấy.
Gọi điện vào giờ này chắc là nhờ cấp trên gây áp lực cho mình đây. Ông không lên tiếng vội. Bao giờ nghe điện thoại ông cũng không lên tiếng trước. Đó là một nghệ thuật. Nghệ thuật này có được phải trải qua một quá trình lâu dài chứ hồi mới có điện thoại ông còn nhầm lẫn chào "Anh về nhá", có khi cúp máy rồi còn nói vói theo. Bây giờ thì khác xa rồi. Sau khi nhận ra đầu dây đằng kia là đối tượng nào, ông mới có ngữ điệu phù hợp. Nhận định đối tượng qua điện thoại là một kỹ năng đòi hỏi sự tinh tường và nhạy cảm. Ông tự hào về điều đó. Thế mà cũng có lần ông nhầm. Giám đốc mới của trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh có giọng kim như giọng đàn bà khiến ông nhầm là học viên xin nghỉ học. May mà ông mới rắn giọng nói: " Phải, tôi là Toại, giám đốc đây" chứ chưa nói gì thêm. Thật hú vía!
Rút kinh nghiệm, nếu người ta đã lên tiếng mà vẫn chưa phân loại được đối tượng thì ông làm tiếp động tác đằng hắng. Đằng hắng là tín hiệu dọn giọng để sẵn sàng thoại. Các học viên truyền cho nhau kinh nghiệm nếu điện cho giám đốc Toại mà nghe ông đằng hắng là phải cẩn thận, ăn nói cho nhún nhường, lễ độ kẻo ông nổi nóng. Ông mà đã nổi nóng thì thôi nhé, miễn trình bày. Lơ mơ ông cúp máy cái rụp là hết cơ hội. Vậy mà lần này nhấc máy lên, chờ một lúc vẫn không thấy bên kia lên tiếng. Ông hơi ngạc nhiên rồi đằng hắng. Vẫn im lặng. Ông chờ đợi và suy đoán. Ai nhỉ? Chắc chắn không phải là học viên, cấp dưới rồi. Vậy cấp trên có việc gì? Không phải việc chung. Việc chung phải gọi vào giờ khác. Vậy việc riêng gì đây? Hay là... Ông thấy thích thú khi chợt nghĩ cô nàng lâu lâu không thấy mình nay chủ động điện thoại cho với mình rồi làm trò thế này đây. Ông kiên nhẫn chờ đợi. Mấy phút im lặng trôi qua. Ông bắt đầu hết bình tĩnh thì nghe một tiếng "cộp". Tiếp theo đó là những tiếng tút tút của điện thoại. A, nó đã cúp máy. Cú điện thoại làm ông Toại không thể ngủ tiếp được. Ai đã gọi điện cho ông vào giờ này. Lại không nói gì cả. Im lặng một cách hỗn xược. Im lặng một cách đe dọa và khủng bố.
Ai nhỉ? Mục đích gì vậy? Hay là thằng Sơn? Phải rồi. Thằng Sơn vừa mới bỏ học. Hắn bỏ vì tức ông không cho hắn thi. Ông có gì sai đâu. Hắn nghỉ học nhiều tiết, không đủ điều kiện dự thi. Quy định ấy là của Bộ Giáo dục chứ có phải của ông đâu. Đã đi học là phải chấp hành. Học tại chức thì càng phải nghiêm túc. Lâu nay, xã hội đã xem cái bằng tại chức không ra gì rồi. "Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức". Ông phải làm nghiêm túc để mọi người hiểu được rằng cái sự học là vinh quang và gian khổ. Rằng học tại chức mà nghiêm túc thì không kém gì học chính quy. Với lại là giáo viên đi học càng phải nghiêm túc. Giáo viên mà không nghiêm túc thì nói học sinh làm sao được. Thằng Sơn là nó coi thường chuyện học tại chức. Nghe đâu hắn từng tuyên bố dưới lớp là hắn học thế thôi chứ có thêm được kiến thức đâu. Đành rằng hắn là giáo viên giỏi cấp tỉnh, hắn có chuyên môn tốt, nhưng hắn mới chỉ có bằng cao đẳng. Nếu chỉ có bằng cao đẳng thì khó mà lên hiệu trưởng được dù hắn là hiệu phó có năng lực. Không bằng cấp, không thẻ Đảng thì đừng có mơ làm lãnh đạo.
Cùng dạy với nhau một trường ở miền núi cao, ông quá hiểu nó: tự cao tự đại. Nhưng cái mà ông khó chịu về nó nhất là đêm ngủ ngáy rất to, lại còn hay gác. Khi ông không cho thi, nó lên chửi ông một trận rồi đem chuyện hồi ở chung ra để rêu rao. Bạn thì bạn. Hiệu phó thì hiệu phó. Nó chỉ là học viên trong trung tâm của ông thôi. Nó sai, nó chịu. Chắc là nó đố kỵ với ông, lại hậm hực vì tiếc hai triệu học phí nên bày trò quấy rối ông đây.
Nhưng... ông chợt chững lại. Nhà thằng Sơn không có điện thoại. Không phải thằng Sơn. Vậy thì ai? Ông thấy mình thật căng thẳng. Ai mà bí hiểm đến vậy? Gọi vì mục đích gì? Xưa nay ông có thù oán gì với ai đâu. Chỉ có lũ học viên thấy ông làm nghiêm túc thì không thích. Nhưng ông cũng chẳng sai bao giờ. Ông làm theo quy định của nhà nước cả đấy chứ. Đến giờ, ông cho bảo vệ khóa cổng. Đi chậm thì phải đứng ngoài, giáo viên cũng như học sinh. Có thế mới nền nếp được. Học không đủ tiết thì không được thi. Đến trường ăn mặc nói năng phải nghiêm chỉnh. Thầy ra thầy, trò ra trò. Làm gì có cái kiểu học viên cứ xông vào phòng nghỉ của giáo viên. Có hôm còn ngủ trưa với cô giáo dạy tại chức. Lỗi là cả của cô giáo đấy. Rồi còn cười to nữa chứ. Nhất là mấy cô tiểu học ở lớp tại chức. Ăn mặc thì luộm thuộm. Lương bây giờ mỗi tháng gần hai chỉ vàng mà không chịu ăn mặc cho tử tế. Có cô đến trường còn sặc mùi nến đất và bồ kết. Đã học thì thôi đừng có đẻ. Phải như cô Hoa ở lớp đại học Toán ấy. Bỏ trầu rồi vẫn trả trầu để người ta khỏi giục cưới. Cưới thì dễ đẻ lắm. Đẻ lại lôi thôi cho cái sự học. Người ta phải biết hy sinh như thế chứ đằng nào cũng muốn được thì có mà.
Học viên của trung tâm mời đi dự đám cưới đố có bao giờ ông đi. Mình đi ăn cỗ nhà nó, đến khi nó đẻ, nó xin nghỉ học, mình nói nó làm sao được. Ông hậm hực rót cho mình chén nước. Nước nguội ngắt. Lạnh xuống đến tận bụng. Cái lạnh ấy làm ông thấy dịu dần. Tắt điện rồi chui vào màn, ông nằm lơ mơ bảo mình không nghĩ gì nữa để ngủ. Thế nhưng bảo không nghĩ mà ông vẫn cứ nghĩ. Ông chợt nhớ tới bà vợ nái nẩm của ông ở quê. Kể ra bà ấy cũng khổ. Hồi mới lấy nhau về ông đã thấy chán ngắt. Rồi ông đi dạy đi học ở xa. Một mình bà ở nhà lợn gà ruộng vườn con cái. Mọi công việc nhà chồng cũng một tay bà lo liệu.
Nhiều lúc ông tính kiếm cho bà ấy cái việc gì đỡ chân lấm tay bùn nhưng trông bà ấy xồ xề và quê mùa quá. Ăn nói thì cục mịch thô thiển. Bởi vậy, ông phải giấu tiệt mọi người, giấu như mèo giấu cứt. Người ta mà biết ông giám đốc có bà vợ như thế thì người ta cười cho thối mũi ra. Nhiều lúc, nhìn vợ con người ta, nhất là mấy cô giáo trong trường, cứ trơn mườn mượt, son phấn hồng hào, ông lại chạnh lòng buồn bực cho số phận hẩm hiu của mình. Nhưng thôi, bù lại là bà ấy lo hết mọi việc ở nhà, ông không bận tâm tí gì, rảnh rang mà lo sự nghiệp. Với lại bà ấy sợ ông một phép. Ông nói gì là răm rắp nghe theo. Vợ là phải như thế. Được thế là tốt chứ cứ như mấy cô xinh đẹp kia về nhà cãi chồng lôm lổm. Lại còn xem bóng đá rồi vỗ đùi đen đét. Chồng ngồi uống nước cũng ngồi ngang hàng, cũng húp soàn soạt. Thật chả ra làm sao. Vợ con ngữ ấy phải rèn dạy nhiều vào mới nên người được. Ngẫm nghĩ, ông thấy vợ mình lại hay. Và ông hài lòng rồi thiếp ngủ.
Đang bắt đầu chìm vào giấc, ông Toại giật bắn mình vì tiếng chuông điện thoại. Đêm yên tĩnh thế mà nghe chuông điện thoại thì thật là khó chịu.
Càng khó chịu hơn khi ông vừa chợp mắt. Lại càng khó chịu hơn nữa khi ông nghĩ tới cú điện thoại vừa rồi. Ông thấy căng thẳng trở lại. Mớ bòng bong suy diễn và phán đoán lúc nãy ùa về. Nhưng ông vẫn bình tĩnh chưa nhấc máy vội. Ai đang gọi cho ông đây? Có phải kẻ lúc nãy? Gọi nhằm mục đích gì mà không lên tiếng? Hay là ông Hùng. Ông Hùng, giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, có cô cháu gái học lớp đại học Văn - Sử. Cô ấy chửa sắp đẻ. Nhìn học viên chửa ông rất ghét. Đến trường mà bụng cứ vác ngược ra, đi lại khệnh khạng dọc hành lang như là ở khoa sản bệnh viện. Đã thế lại hay về sớm. Giải lao là đã lẩn về. Ông bèn đổi cách điểm danh. Hôm thì ông điểm danh cuối giờ giải lao. Có hôm gần hết giờ ông mới lên kiểm tra. Có thế mới bắt được quả tang ai trốn học. Hôm nào không có ai nghỉ, ông cảm giác như là mình thất bại. Hôm thứ bảy, cô này nghỉ mất nửa buổi. Sáng chủ nhật lại đi chậm. Khi xe của sở về kiểm tra thì lẻn theo vào. Nhưng làm sao mà qua được mắt ông. Ông đã lên tận lớp để đề nghị cô ấy ra khỏi phòng học. Phải biết sai mà ra chứ đằng này lại còn dài dòng lý do lý trấu. Đã thế ông đuổi thẳng cổ. Hôm kia, ông Hùng gọi điện cho ông, nói xa nói gần về việc cô ta. Nhưng ông mà cho cô ta học là ông sai. Cấp trên mà biết thì ông phải chịu trách nhiệm. Trung tâm của ông vừa được sở khen tặng về nền nếp, làm thế đâu được. Làm giám đốc cũng có cái khổ thế đấy. Nhưng ông quyết không vi phạm. Gì chứ cái thói nhờ cấp trên gây áp lực là ông chúa ghét. Nhưng có phải ông Hùng làm cái trò này không?
Ông nhấc máy. Vẫn lặp lại kịch bản cũ. Im lặng một cách nặng nề. Im lặng một cách đe dọa. Ông bắt đầu nổi nóng song vẫn cố kìm nén. "Alô". Vẫn im lặng. Ông bực mình lắm nhưng không dám cáu. Nhỡ đầu dây kia là cấp trên thì khốn. Bởi vậy, ông kiên nhẫn chờ đợi. Ai mà độc ác quá. Thần kinh ông căng ra như dây đàn. Hai mắt thì cay và nhức. Ông đằng hắng một tiếng thật to thì bên kia cũng đằng hắng lại. Rồi im lặng. Thật hỗn xược. Một lúc sau, không thể chịu đựng được nữa, ông định cất tiếng hỏi thì "Cộp". Nó đã cúp máy. Quái quỷ thật. Đã ba giờ sáng. Ông đứng dậy mở cửa sổ. Trăng cuối tháng sáng nhờ nhờ, bàng bạc. Một ngọn gió nhẹ len vào phòng. Cái ri-đô động đậy. Những bông hoa loang lổ, uốn éo. Cái ri-đô ban ngày trông sạch đẹp là thế sao bây giờ lại xộc xệch và bẩn thỉu đến vậy. Cứ như là cái áo của thầy dạy văn học Trung Quốc. Thôi chết rồi, đúng rồi. Đích thị là thầy Huy văn học Trung Quốc khủng bố ông rồi. Cách đây độ bốn tháng, thầy Huy về dạy ở lớp đại học Văn - Sử. Cô Hồng trong lớp là con của bạn thầy Huy có đem đến cho thầy can rượu bố gửi. Ai dè ra chơi, thầy Huy lại gọi mấy học viên có tuổi trong lớp ra làm mỗi người một chén. May mà ông bắt gặp kịp thời chứ không thì cuộc rượu hôm ấy chưa biết đi đến đâu. Ông cho lập biên bản rồi đình chỉ buổi học. Nếu thầy Huy có nhân cách, biết đúng sai, biết cư xử thì đã khác. Đằng này thầy lại cãi ông. Thầy Huy dạy rất lơ mơ. Lên lớp không bao giờ có giáo án sách vở gì. Dạy học thì toàn kể chuyện. Lại hay đứng ở cửa. Viết lên bảng thì ít. Có hôm lại để cho học viên tranh cãi ầm ĩ. Ông biết rõ về thầy Huy không chỉ vì thường xuyên theo dõi mà từ cái hồi ông học tại chức, thầy có dạy một học trình. Thầy dạy rất khó hiểu. Một số người trong lớp cũng thấy thế chứ không phải chỉ mình ông. Bằng chứng là không chỉ mình ông thiếu điểm môn thầy. Đành rằng cũng là thầy giáo cũ của ông đấy. Nhưng xa rồi. Bây giờ ông là giám đốc, thầy về dạy thì phải chịu sự kiểm tra quản lý của ông. Thầy vi phạm ông có quyền xử lý. Nghe đâu ở trường đại học, thầy Huy còn hay chống chủ nhiệm khoa. Thầy giáo đại học gì mà thiếu tư cách. Ăn mặc luộm thuộm, hút thuốc lào, lại uống nhiều rượu. Thầy giáo thế thì phải đuổi. Ông thảo ngay một công văn gửi về trường đại học báo cáo sự việc. Lớp Văn - Sử họp lên họp xuống kiểm điểm. Hai tháng sau, thầy Huy mới được về dạy nốt phần văn học Trung Quốc. Dân đọc nhiều, học nhiều văn học Trung Quốc là thâm nho lắm. Cái trò khủng bố tâm lý kiểu này chỉ có tầm cỡ như ông Huy Trung Quốc mới nghĩ ra thôi. Khốn nạn thật! Ông không thâm thù gì với ông Huy cả. Xong việc là thôi, ông có để bụng bao giờ. Thế mà không ngờ... Sự đời cũng lắm đảo điên. Ác thật! Cái điện thoại vốn là niềm tự hào, khâm phục của ông về sự văn minh và hiện đại lại chơi ông một vố thế này.
Ừ, cái gì rơi vào tay kẻ xấu mà chẳng xấu. Ông thấy đầu đau như búa bổ. Không thể nằm lại được nữa, ông mở cửa đi ra ngoài. Sân trường vắng lặng trong giấc ngủ rạng đông. Trong xóm đã có người dậy. Con đường trước cổng trung tâm chạy về chợ huyện lác đác bóng người đi trong trăng, toàn tiếng đàn bà. Mà... biết đâu đấy. Biết đâu thủ phạm những cú điện thoại vừa nãy lại là của một nữ tặc nào đây. Ở lớp tiểu học có một cô ghê lắm. Ngày còn dạy vùng biên giới, nghe nói cô ta đánh nhau cả với phỉ. Đàn bà dễ có mấy tay... Nhưng cô này mới bị ông quát có một lần. Lần ấy cô ta sai sờ sờ. Cô ta không thể thù hằn cá nhân kiểu ấy với ông được. Vừa đi dọc hành lang lớp học, ông vừa ngẫm nghĩ. Người ông rã rời vì mất ngủ và căng thẳng. Một luồng gió sớm thổi tới khiến ông ớn lạnh. Ông khẽ rùng mình rồi quay về. Người cứ nôn nao như say sóng. Đầu ông váng vất những khuôn mặt - cái tròn, cái méo, cái cười nhăn nhở, cái trợn mắt lên... Những khuôn mặt các học viên từng "đụng độ" với ông. Đến gần phòng, ông chợt giật mình vì tiếng chuông điện thoại. Réo rắt và giục giã. Ông thấy sợ tiếng chuông điện thoại lắm rồi. Lao vội vào phòng, nhấc máy, ông định quát cho kẻ khốn nạn ở đầu dây một trận. Chưa kịp lên tiếng, ông đã nghe trong máy giọng đàn ông không ra đàn ông, đàn bà không ra đàn bà. Một câu chửi hết sức tục tĩu. Ông Toại hự lên một tiếng rồi ngã vật. Đầu đập vào cạnh bàn. Cái điện thoại rơi thõng xuống, bung beng.
Nửa tiếng sau, bác bảo vệ lên mở cửa văn phòng thì phát hiện ra ông giám đốc nằm ngất lịm trên nền nhà. Bác hốt hoảng gọi người đưa đi cấp cứu. Hai tháng sau, ông Toại mới được biết thủ phạm của vụ khủng bố tâm lý qua kết quả điều tra của công an huyện. Thì ra đó là con trai của một tiệm vàng trong thị trấn. Hắn nghiện rượu và ma túy. Hắn khai là hôm đó hắn uống rượu về không ngủ được, bấm gọi ngẫu nhiên một số máy để đùa. Hắn không biết đó là số máy của ông giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên huyện. Hắn cũng không biết ông giám đốc phải vào viện mất gần một tháng. Bấy giờ hắn thấy ân hận lắm. Hắn đã từ bỏ ma túy rồi. Công an đừng bắt hắn đi cai nghiện. Hắn hứa sẽ không bao giờ lặp lại chuyện ấy nữa. Thật thế mà.