Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Xứ ra ghe

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 328 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Xứ ra ghe
Hà Văn Thùy
    Chàng nhìn vào màn đêm mông lung ánh trăng mờ. Trăng bị rừng che khuất nhưng vẫn thả xuống đáy cái hố nơi chàng đứng một màn sáng huyền ảo. Xa xa, nơi nào đó con mang đơn độc ném vào đêm từng tiếng tác buồn thao thiết. Rồi tiếng cọp gầm dài giận dữ. Tiếng chân thú hốt hoảng xô nhau chạy. Hoang dã vô cùng, chàng nghĩ. Và bất giác, đôi môi dày vốn khắc nghiệt của chàng nhếch một nụ cười. Không ai có thể đọc hết ý nghĩa của nụ cười ấy. Vui ư ? Có. Buồn ư ? Có ! Và nhiều hơn cả là sự mai mỉa. Mỉa mai cho cái thân phận một con người. Sao mi không chết đi ?  Sao mi không bỏ mạng cùng quân Xiêm cùng sĩ tốt ? Nếu vậy thì sao nhỉ ?  Hẳn lúc này xác mi đã trôi theo sóng và lấp chìm vào bãi bờ nào đó. Nơi ấy chính là chỗ chôn vùi 250 năm thăng trầm của một dòng họ ! Chàng tiếc mình không được chết tại trận như một tên lính. Ôi, nếu vậy sẽ nhẹ nhàng xiết bao, sẽ đơn giản biết bao! Hết tất cả : hết niềm vui, hết nỗi buồn, hết gây thù, hết chuốc oán, tất cả cái trò vô nghĩa vô vị của kiếp người.
 
Trước mắt chàng vẫn hiện lên rần rần lửa cháy, gươm khua, súng nổ, máu phun, tiếng kêu gào, la thét, những con thuyền chìm. Một trận chém giết của địa ngục. Chàng chỉ kịp nhảy lên bờ và trối chết chạy. Không một lần ngoái lại nhưng chàng biết đoàn hộ giá chỉ còn mấy người. Chàng hơi yên lòng khi nhận ra vóc dạc đồ sộ của Nguyễn Văn Trị theo sát bên mình.
 
Chàng bấm đốt ngón tay. Ðã ba ngày sau cái ngày kinh hoàng ấy. Vậy nay là ngày 10 tháng Chạp. Ba ngày chạy trốn chui nhủi, mệt nhọc, đói khát. Có lúc kiệt sức không chạy được nữa, Trị phải ghé vai cõng chàng.
 
Chàng vẫn sống ! Vẫn sống có nghĩa là chàng vẫn mang trên vai mình tất cả : gánh nặng của một giang sơn, một dòng họ, gánh nặng của mối thù. Bất giác chàng cảm thấy xót xa lo sợ cho bản thân mình, một con người nhỏ bé phải mang trên vai thân phận quá lớn lao.
 
Ngước lên nền trời bàng bạc, chàng băn khoăn : khuya lắm rồi, mà sao đội thám thính vẫn chưa về ? Họ sẽ mang về cho chàng điều gì ? Liệu có gì đáng mừng ? Có đường nào thoát ra khỏi con rạch như cái rọ này ? Buổi chiều nay, để tránh quân tuần của Văn Ða, chiếc ghe chài của chàng phải lẩn vô con rạch. Rồi cứ phải đi tiếp đi tiếp hy vọng những lung rạch ngang dọc giữa lòng U Minh này sẽ mở ra lối thoát. Nhưng chiếc ghe chở chàng cứ như con cá lách dần lên cạn, lách mãi, lách mãi rồi cuối cùng chui vô cái rọ này. Toán thám thính của chàng đang tìm đường ra. Ruột nóng như lửa, chàng chắp tay sau lưng bước những bước ngắn trên sàn ghe hẹp. Hai tên lính canh đứng như hai cây cọc hai đầu. Phải chăng lại một trò đùa của số phận ? Không cho chàng chết nơi chiến dịa, số phận bắt chàng phải chết lãng xẹt nơi vũng ao tù này ?! Bất giác chàng rùng mình nghĩ tới Phúc Ðông anh ruột chàng cùng hai Chúa bị giặc Huệ bắt và giết thê thảm !
 
Chàng lắng nghe tiếng động lạ trong rừng. Rồi tiếng bước chân rõ dần. Họ đã về, chàng mừng thầm trong bụng. Lên ghe, Trị tiến lại gần, giọng không giấu nổi lo lắng : "Bẩm Chúa công, sông Cái chỉ cách đây hơn một dặm. Nhưng toàn là rừng bịt bùng, không có đường nào thông ra sông hết. Hỏi dân, họ nói, đây là xứ Rọ Ghe." Bất giác chàng bật cười thành tiếng :
 
     -Phải, chúng ta đã đút đầu vô rọ!
 
Rồi chàng hạ giọng, cố nói vẻ bình thản : "Ông bố trí canh gác rồi đi nghỉ. Ta cũng nghỉ đây !"
 
Ðặt lưng xuống sàn đã lâu mà chàng trằn trọc không thể nào ngủ được. Thao thức, nhưng thực tình chàng biết không thể nghĩ được điều gì khôn ngoan trong lúc này. Tất cả là ở lòng Trời ! Lẽ nào Trời dẫn lối cho ta những năm qua, đến bây giờ Hoàng thiên lại để ta chết thảm nơi xó rừng này ? Quá mệt, cuối cùng chàng cũng thiếp đi trong giấc ngủ nặng nề mộng mị. Chàng thấy mình rơi hun hút xuống một vực sâu rồi không hiểu sao lại từ đó bay lên trong ánh sáng cầu vồng ngũ sắc. Sáng ra chàng nói với bọn Trị : "Ta có cách rồi. Ông hãy đi mời tất cả dân làng tới gặp ta ở đây. Nói với họ : Chúa Nguyễn muốn gặp. Ông nhớ dặn quân lính chớ làm dân kinh động."
 
Cuối giờ Thìn dân làng đã tề tựu ở khoảng đất trống bên bờ rạch. Từ trên ghe kín đáo nhìn xuống, chàng thấy trước mặt mình là những ông già phong sương, những chàng trai bộ dạng thô lậu quê mùa nhưng không có vẻ hung ác. Chàng hơi yên tâm và nghĩ trằng mình đã đúng. Chàng biết là không còn cách nào khác : quay ghe lại dứt khoát rơi vào tay giặc Huệ, còn bỏ ghe lên bộ, chẳng sớm thì chầy sẽ rơi vào nanh cọp dữ hay làm mồi cho sấu hoặc lút mất tăm trong bãi bùn sình nào đó. Cái sống cái chết của chàng tuỳ thuộc vào những người dân quê mùa này. Chàng lệnh cho tất cả chỉnh trang y phục, rồi theo chàng bước xuống. Khi cả bọn từ ghe xuống đã đứng hàng dọc trên bờ, chàng bước tới đám đông. Dân làng tò mò nhìn đám người lạ. Họ nhận ra một chàng trai trẻ dáng tầm thước, mặt dầy dạn sương gió nhưng uy nghi trong bộ quần áo màu vàng thêu rồng có những đường kim tuyến lóng lánh. Chàng tuổi trẻ nhìn thẳng và từ mắt chàng tỏa ra luồng nhỡn quang rờ rỡ khiến mọi người cúi mặt xuống. Tới gần đám đông, chàng dừng lại, vòng tay chào các bô lão rồi quay ra xá chung dân làng. Ðám đông dân làng ngước nhìn khi chàng dõng dạc lên tiếng:
 
    - Thưa các bô lão, thưa dân  làng ! Ta Nguyễn Phúc Ánh có lời chào các bô lão cùng dân làng. Hôm qua, do chạy giặc gấp, ghe của ta tới địa phận đây. Nhưng chẳng may, nơi này lại là Rọ Ghe. Ta khác nào con chuột kẹt trong sừng trâu. Ðiều này là gì ? Phải chăng điềm trời báo rằng dòng họ của ta tới đây chấm dứt ? Nhớ lời cổ nhân : lòng người là lòng trời, nay ta gặp mặt dân làng để xem lòng trời phán bảo ra sao ? Nếu quả thật ta hết lộc thì dân làng cứ chặt đầu ta nạp cho giặc Huệ mà lĩnh thưởng. Còn nếu dòng họ Nguyễn chưa hết phúc thì xin các bô lão cùng dân làng thể lòng trời mà cứu ta !
 
Ðám đông dân làng xao động. Họ không thể ngờ lại có ngày hôm nay. Họ nhìn nhau và đưa mắt nhìn các vị bô lão chờ đợi. Các bô lão lại nhìn vào ông già cao tuổi nhứt, râu tóc bạc phơ nhưng còn tráng kiện, dáng phương phi vững chãi như một võ tướng. Ông lão bước lên một bước, cúi người xuống xá Chúa một vái dài, nói :
 
    -  Thưa Chúa công ! Dù người có là ai chăng nữa nhưng khi gặp nạn ở đất này, người hãy yên lòng. Sống trong xứ U Minh, chúng tôi lấy nhân nghĩa làm trọng, không bao giờ đánh kẻ ngã ngựa và luôn cứu giúp người lâm nạn. Ðó là nói chung, còn với Chúa công thì không chỉ có vậy, bởi chúng tôi đều là con cháu của những lưu dân mà nhiều năm qua các Chúa đã đưa vô đây. Lưu đày là hình phạt khốc liệt nhưng dù sao cũng hơn là chết ! Cha ông chúng tôi rồi tới chúng tôi được các Chúa cho mở đất rừng, sống cuộc sống tự túc, không thuế khoá, không tạp dịch... Trong thời loạn lạc này, được như vậy đã là đại phúc. Thưa Chúa công, chúng tôi dốt nát quê mùa, mới chỉ nhìn sự việc qua cái bao tử của mình. Còn nếu nhìn xa hơn, chúng tôi hiểu, cả giang sơn này là của Chúa. Hơn 200 năm nay, các tiên Chúa đã tiếp nối nhau khai mở miền đất phía Nam này. Cái công đức khai cơ là vô cùng lớn mà hậu thế phải đời đời ghi nhớ. Chúng tôi được nghe, sau khi hai Chúa bị sát hại, Chúa công tẩu quốc nhiều phen nguy khốn, ngàn cân treo sợi tóc. Nhưng sở dĩ Chúa còn đến nay là do dân phía nam, dân miền Hậu Giang còn hướng về nhà Chúa. Nay trong bĩ cực, Chúa công đến địa phận chúng tôi, âu đó cũng là ý trời. Trời muốn dân Rọ Ghe được chút đỉnh báo đền ơn các tiên Chúa cùng Chúa công. Thưa Chúa công, lòng người là lòng trời, vậy lòng chúng tôi muốn vì Chúa công biến cái tên đất Rọ Ghe này trở thành xứ Ra Ghe.
 
Nghe như nuốt lấy những lời ông già, chàng cả mừng, vội nói :
 
    - Cảm ơn các bô lão, cảm ơn dân làng. Ơn cứu tử này ta sẽ khắc cốt ghi tâm. Nhưng chưa hiểu dân làng giúp ta bằng cách nào ?
 
   - Xin người yên lòng, mời Chúa thượng và đại quan đi nghỉ, chúng tôi sẽ lo chu tất.
 
Chàng nói gì đó vào tai Trị. Trị bước nhanh lên ghe, lát sau trở lại mang tới một gói nhỏ bọc trong mảnh lụa màu vàng. Chàng nói với ông già : cảm ơn dân làng. Ðể ghi nhớ ơn cứu tử hôm nay, ta xin tặng dân làng chút quà ! Chàng bảo Nguyễn Văn Trị mở gói, mười lá vàng loá sáng trong tay viên võ tướng. Ông già đùn đẩy không nhận nhưng chàng nài ép mãi, ông vái Chúa một vái rồi nói : Nể tình Chúa thượng, lão xin tạm nhận ! Hai tay nâng gói vàng, ông trao lại cho ông già đứng phía sau. Ðoạn ông gọi mấy người đàn ông lại gần, nói gì với họ rồi sau đó mỗi người một hướng tản đi. Một nhóm chặt cây phát bụi mở con đường ra Sông Cái. Một nhóm đi tới các nhà gom dây choại bện thành những chiếc chạc lớn và dài. Nhóm đi lùa từ rừng về  năm cặp trâu mộng. Mấy người đào cái rãnh thoai thoải trước mũi ghe để lấy đà kéo ghe lên. Nhiều chiếc ghe nhỏ được đưa về. Khi mọi việc chuẩn bị đã xong, việc kéo ghe bắt đầu. Một ông già leo lên mũi ghe, chít khăn màu đỏ, râu tóc bạc phơ, tay cầm chiếc trống nhỏ. Mọi người như nín thở nhìn theo ông. Ông giơ trống ra trước mặt, tay gõ vào tang trống cắc, cắc… cho mọi người chú ý rồi khua dòn một hồi. Năm đôi trâu rướn sức kéo và mấy chục người hò dô.  Trên mấy chiếc ghe phía sau, những trai tráng xúm vô cố đẩy. Chiếc thuyền từ từ nhô lên bờ. Cắc ! Cắc ! Cắc !... Khi chiếc dùi gõ vào tang trống, mọi người dừng lại thở thì chiếc ghe đã nằm trên mặt đất. Theo lệnh ông già, người ta kê cho chiếc ghe lên cao khoảng một thước ta. Sau đó dùng tràm đóng thành chiếc khung vững chãi bao lấy chiếc ghe. Phía đáy khung là hai cây tràm lớn, suôn đuột, song song với thân ghe. Trên con đường đã mở ra bờ sông, người ta dùng cây tràm lát thành hai đường song song. Chiếc lồng ghe được hạ xuống, đặt trên những con lăn bằng cây tràm. Hai cặp trâu được đóng giàm kéo chiếc lồng thuyền. Những người đi bên tiếp tay đẩy. Đám trai trẻ phía trước thay nhau vác tràm từ đoạn đường thuyền vừa đi qua, đưa lên trước rải đường. Ở những chỗ lầy thụt thì lót tràm làm nền đường. Lặng lẽ, chiếc ghe nhích từng chút một. Lúc đầu, chưa hiểu dân làng làm thế nào, chàng chỉ đứng xem. Nhưng sau đó, lây cái hăng hái của đám đông, chàng cũng xen vào đẩy. Bàn tay chàng phồng rát và mồ hôi trên mình đầm đìa. Tuy vậy chàng không hề mệt nhọc, lòng chàng nhẹ tênh. Khoảng giờ dậu, chiếc ghe đã sát mé Sông Cái. Chỉ cần đẩy nhẹ, ghe sẽ lao đi để trở lại cuộc đời sông nước. Nhưng vốn thận trọng, ông già dấu ghe trong một lùm cây trước bờ sông. Ông nói với chàng : "Bẩm Chúa thượng, công viêc như vậy là xong. Nhưng để người có thể lên đường được, còn cần phải coi lại ghe và và làm một số công việc. Chúng tôi sẽ đưa lương thực và nước ngọt lên ghe. Khuya nay, sang giờ tý, đúng giờ tốc hỷ, Chúa công có thể lên đường ! Còn bây giờ xin mời Chúa công cùng các quan dự cuộc vui với dân làng.
 
Xung quanh đống lửa củi tràm cháy bập bùng tỏa mùi thơm hăng hắc, những manh đệm bàng được trải lên cỏ. Trên đệm, chiếc lá sen trải rộng, con cá lóc nướng trui vàng nhẫy cong mình như muốn nhảy. Bên cạnh là chén mắm me và cái bầu đựng rượu. Chàng được ông già mời ngồi rồi bóc vảy con cá, tách đám thịt bụng rắng ngần lấy ra bộ đồ lòng béo ngậy, chấm mắm me, kính cẩn đặt vào chén của chàng. "Kính mời Chúa công !" Ông già nói rồi rót từ bầu ra chung rượu sủi tăm cung kính đặt trước chàng : "Kính mời Chúa thượng thưởng thức món ăn quê mùa nơi thâm sơn cùng cốc !" Với những người dân này, chàng có thể yên tâm. Chàng tin và nể họ. Chàng nhận ra sức dân thật kỳ diệu. Tưởng mười mươi là cái chết nhưng chỉ với lòng dân, mọi việc xoay vần như trở bàn tay. Cùng với ý nghĩ miên man ấy, chàng nhấm nháp chất ngọt của rượu nơi đầu luỡi. Rượu ngon đấy nhưng chàng hơi ngại cái ruột cá mà ông già đặt vô chén của chàng. Ðiều này làm chàng khó xử. Không ăn thì phụ lòng các vị bô lão còn ăn thì chàng thấy gơm gớm. May thay trời đêm nên không ai thấy được vẻ mặt chàng lúc đó. Thôi thì, chàng tự nhủ rồi liều ngắt một mẩu ruột cá đưa lên miệng. Ðiều kỳ lạ đã xảy ra : không phải tanh mà là mùi thơm ngọt ngào đưa lên mũi trong lúc miếng thức ăn nhẹ nhàng tan trên đầu lưỡi, vừa béo vừa ngọt. Thật không ngờ ! Và nhẩn nha, chàng ăn hết bộ đồ lòng. Một con rùa lớn đặt trong chiếc dĩa đại được đưa lên, còn nguyên con như rùa sống. Ông già gỡ bỏ mai rùa, từ dưới mai, thịt rùa trắng lộ ra. Ông kính cẩn gắp thịt rùa vào chén mời chàng. Không còn e dè như trước nữa, chàng gắp một mẩu thịt rùa đưa lên miệng. Miếng thức ăn tan ngay ở đầu lưỡi toả ra mùi thơm, vị ngọt lạ kỳ. Sau những ngày khốn quẫn trong mệt mỏi và đói khát, bữa ăn dân dã hôm nay với chàng hơn mọi yến tiệc. Chàng thêm quý người nơi này, chẳng những tuyệt cùng thông minh cứu chàng khỏi hoạn nạn mà còn biết làm ra những món ăn đơn giản nhưng khoái khẩu. Tiếp đó, mấy tráng đinh treo trên than củi một con nai tơ. Than hồng rực, mỡ từ con mồi nhỏ xuống xèo xèo. Một người chọc con dao nhọn vào đùi con vật. Từ vết dao, một miếng thịt nóng bỏng phun ra, bốc hơi nghi ngút. Miếng thịt được cắt khỏi con vật, cho vào cái chén rồi được dâng lên chàng. Chàng chấm mắm gừng rồi bỏ vào miệng miếng thịt còn nóng hổi, mềm và ngọt như chưa bao giờ chàng được ăn ngon đến vậy. Nhưng chàng ăn không được nhiều vì đã quá no. Hơn nữa, món này lại gợi chàng nỗi buồn khi nhớ lại những ngày thanh bình khi trước, chàng theo các tiên Chúa đi săn trong khu rừng ngự phía tây thành Phú Xuân. Tiệc gần tàn, một người con gái đứng ra hát trong tiếng đàn tranh réo rắt của người đàn bà già dáng mảnh mai :
 
         Trời xanh xanh
         Nước xanh xanh
         Núi non xây thành
         Ca khúc Nam hành
 
          Gió bụi nẻo đường
          Gối đất nằm sương
          Lìa quê hương
          Lòng thê lương
 
          Thân lưu đày
          Xiềng nặng tay
          Ði quên dặm dài
          Ði quên tháng ngày
          Phận lưu đày ai có hay.
 
Chàng ngồi lặng đi rồi gọi cô gái tới gần :
 
-  Nàng hát hay nhưng buồn quá! Làm sao nàng có bài hát này ?
 
-  Thưa, mẹ thiếp là con hát. Còn cha thiếp cựu thần nhà Lê bị đi đày. Cha thiếp làm ra cho mẹ thiếp hát. Mẹ thiếp truyền lại cho thiếp.
 
Ánh lửa bập bùng soi khuôn mặt người con gái khi tỏ khi mờ. Nàng có vẻ gì đó cao sang trong mớ y phục quê mùa nàng mặc. Phận lưu đày, chàng nghĩ thật cám cảnh. Chàng thấy thương cho kiếp người và thương cho chính chàng cũng đang là kẻ lưu đày. Bỗng dưng khoé mắt chàng ứa lệ.
 
Ông già đến trước chàng : "Thưa Chúa thượng, sắp tới giờ lên đường rồi. Thay mặt dân làng, lão xin chúc Chúa thượng lộ bình an." Ông vẫy tay, mười chàng trai trẻ tiến đến cúi chào chàng. Ông già nói : "Dân chúng tôi nghèo, chỉ có tấm lòng. Dân làng xin gửi theo Chúa thượng mười trai đinh mong được hầu hạ bên mình rồng trong những bước gian truân sắp tới. " Ðoạn cầm gói vàng ban sáng từ tay ông già đứng bên, ông lão tiếp: "Thưa Chúa thượng, ban sáng người có ban cho dân chúng tôi một số vàng. Cảm lòng Chúa, chúng tôi đã nhận ! Còn bây giờ xin dâng Chúa để người còn chi dùng nhiều cho việc quân việc nước sắp tới. " Không thể chối từ, chàng nâng hai tay nhận lấy gói vàng rồi đưa cho Nguyễn Văn Trị đứng bên cạnh.
 
Mười trai đinh cùng lính tráng đã lên ghe, chàng còn bịn rịn chia tay dân làng :
 
- Xin cảm ơn các bô lão, cảm ơn dân làng. Ý dân như ý trời. Lòng dân đã mở đường sống cho Ánh này, mai sau sự nghiệp hoàn thành, Ánh sẽ không bao giờ quên buổi hôm nay cùng ân nhân xóm Ra Ghe .
 
Bằng cái đẩy nhẹ của nhiều người, chiếc ghe trườn xuống sông. Hai chục mái chèo khua gấp. Chiếc ghe băng băng lướt trên Sông Cái đưa chàng vào tiếp cuộc phiêu lưu. Một ngày mới bắt đầu, ngày 11 tháng Chạp năm Giáp Thìn. Mấy ngày nữa thôi, chàng sang tuổi hăm ba.
 
Câu chuyện này được truyền tụng ở vùng U Minh Thượng. Có điều không hiểu vì sao  tên Ra Ghe không xuất hiện bên cạnh những địa danh U Minh khác gắn bó với thời bôn tẩu của Gia Long ?
 
Rạch Giá 1990  



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 658

Return to top