Những ngày tiếp nối, linh hồn nàng đôi lúc muốn đắm chìm trong cái sâu lắng từ cõi mù sương. Cứ cho rằng cuộc đời bên kia giờ này như hội chợ phù hoa, lẫn lộn kẻ xấu người tốt, xen lẫn những công trình tốt đẹp của nhân loại vẫn không thiếu những nơi trác táng, đồi trụy làm băng hoại đời sống tinh thần của một cộng đồng, liên đới với nhau để trở nên một bức tranh nhiều màu sắc, sinh động, bình dị, đơn giản mà cũng không thiếu sắc màu lòe loẹt, phù phiếm, xa hoa.
Thế giới của linh hồn nếu đi sâu đến tận cùng của nó, phơi ra ánh sáng mặt trời chắc cũng không hơn gì cõi bên kia ở thể vật chất. Tuy nhiên có đôi chút khác nhau, nếu không thế thì chắc con người đã không hãi sợ khi từ bỏ thể vật chất, vì họ đang chơi vơi tự hỏi sau cõi đời họ sống, biết những gì sẽ chờ đón ở phía bên kia.
Dĩ nhiên là có, chắc chắn một điều là con người chỉ có thể làm được điều thiện hay ác ở cái thể vật lý, khi họ còn hiện diện trên trần gian, và chỉ có thể luân chuyển được dòng nước đục sang dòng nước trong khi họ còn là một sinh vật biết ngo ngoe cử động, biết suy tư để hiểu mình đang bơi trong dòng nước mát, hay đang ngụp lặn trong dòng nước đục. Riêng ở thể linh hồn thì hoàn toàn là sự chờ đợi và suy ngẫm, lắng đọng lại để mà chờ đón con đường mình phải đi chứ không còn giải pháp nào nữa, vì con đường bằng phẳng hay chông gai đã tự mình chọn trước rồi.
Tuy vậy nàng không hề bối rối để linh hồn chìm đắm trong nỗi lo lắng suy tư đó, vì nàng hiểu nó cũng chẳng đưa tới đâu, chi bằng tìm một cách hay nhất là đón nhận và cùng tìm tòi, suy nghĩ từ những gì đang gặp gỡ, nhìn thấy được trong sâu thẳm của mỗi linh hồn nàng gặp trong cõi mù sương. Đêm nay, chỉ có một mình ngồi suy tư trên nấm mộ của mình, mới hôm nào xung quanh chỉ trơ trọi đất cát, nay đã phủ lên vùng cỏ xanh, những đám hoa dại tự nhiên đua nhau mọc lan tràn bên mộ nàng, dệt một tấm thảm vàng bát ngát và cánh đồng hoa dập dềnh theo gió. Con người đi ngang đây sẽ không khỏi suýt soa vì vẻ đẹp tuyệt vời của cánh đồng hoa trong nghĩa trang, mà biết đâu đó lại chẳng có người mơ ước mai sau được đến đây yên nghỉ nghìn thu.
Buổi chiều hôm qua được chứng kiến một cảnh tượng đẹp khiến nàng vô cùng cảm xúc, khi ánh hoàng hôn còn vương lại những dải nắng yếu ớt trên rặng liễu ven hồ, nàng đã bắt gặp một người đàn ông say sưa ôm cây đàn trong tay, dạo những đường tơ cho một bản đàn năm cũ, với giọng hát khàn đục nhưng chứa chan tình cảm dành cho một người phụ nữ nằm đưới đáy mộ sâu.
Nàng tò mò đến bên tấm bia có hình của một phụ nữ xinh đẹp, mặc dù lúc ấy nàng có đứng gần sát vào chỗ đứng của người đàn ông đánh đàn và hát kia, thì ông ta vẫn hoàn toàn không biết. Không thấy một biểu hiện gì là linh hồn của người phụ nữ kia còn hiện hữu trong góc nghĩa trang này, chỉ có nàng đang đắm đuối trong sầu khúc Tristesse của Chopin với tiếng đàn của người đàn ông đa sầu đa cảm:
“Thôi! Buồn làm chi
Luyến tiếc mà chi
Bao nhiêu sầu nhớ sẽ phai đi cùng thời gian
Lá úa hoa tàn
Thôi hỡi đàn vang những lời ca não nùng
Nhắc làm gì, bao ngày qua.”
Tiếng đàn Guitare Espagnol vẫn réo rắt rung lên giữa buổi chiều tà, khiến nàng thổn thức khi tưởng tượng rằng, có lẽ ngày xưa khi còn sống, người phụ nữ diễm lệ kia đã từng ngồi tựa bên ông ta để hồn say đắm trong tiếng nhạc êm dịu. Một mối tình đẹp lãng mạn và tuyệt vời, âm nhạc lại càng nâng nó lên để tuyệt vời hơn nữa. Đôi môi người đàn ông lại mấp máy những lời thì thầm, nhưng ở thể linh hồn, nàng nghe rất rõ như đang nghe một bài thơ :
“Anh chỉ muốn thời gian ngừng lại
Để được gần em mãi mãi
Dù bóng hình em không còn nữa
Anh vẫn yêu em đến cuối đời
Với một mối tình đắm say.”
Đó là lời bản nhạc của Chopin người nhạc sĩ thiên tài mà vắn số, nhưng mặc thời gian và không gian, bằng tâm cảm nó vẫn tồn tại trong bao con tim của hậu thế. Tất cả đã vĩnh viễn đi theo linh hồn của người phụ nữ được yêu kia, bây giờ bà ta về đâu, giờ đây chỉ còn người đàn ông si tình nhớ đến người xưa qua bản đàn cũ. Chạnh nghĩ đến mình, nàng lại cảm thấy hơi buồn buồn vì hình như nàng lại đang rơi vào nỗi buồn vô vọng cũ, khi người chồng và những đứa con hình như giờ đây có vẻ đã nguôi ngoai dần và chưa bao giờ thấy họ đứng trước mộ nàng để thầm thì kể một câu chuyện với người đã khuất.
Nỗi buồn ở đâu bỗng ập đến khiến nàng chảy nước mắt, nhưng nước mắt cũng không có thật để nàng có thể dùng tay gạt đi những giọt lệ, mà nó chỉ âm ỉ trong linh hồn một nỗi buồn khó nguôi. Thiên đàng là đây, địa ngục là đây, hạnh phúc là đây, đau khổ là đây, khi giữ mãi trong tâm tư những nỗi buồn thì hồn vẫn quẩn quanh mà không thoát ra được, nàng nhớ đến lời dặn dò của người bạn tri kỷ nàng gặp đầu tiên hôm ấy, ông đã ân cần nhắn gửi cho nàng bao nhiêu điều hiểu biết trước khi bay đi về cõi của ông ta. Khi người đàn ông chuyển sang bản nhạc “If you go away” với tiếng đàn nức nở trầm buồn đến não cả lòng, nàng đã bật lên khóc vì thương cảm. Nàng ngồi đó chìm lắng trong cung đàn và tiếng hát tiếc thương, trong khi người đàn ông ôm đàn đứng đó mà chẳng cảm thấy được sự hiện diện của nàng. Nàng hiểu người ta không thể trở về với dĩ vãng . . .
Tiếng đàn chơi với réo rắt và giọng hát truyền cảm say sưa của người chồng đang tưởng nhớ đến người vợ yêu dấu của mình, hình như vẫn luẩn quẩn trong linh hồn nàng, nhưng nàng lại chưa muốn hay không muốn chia xẻ cho 2 người bạn nàng gặp trong nghĩa trang này, vì nàng có cảm tưởng họ chưa thể hiểu hết được nỗi buồn sâu lắng đó nơi lòng người như nàng đã hiểu. Có những điều người ta không thể nói ra được, có những nỗi buồn, niềm đau người ta thích giữ lấy một mình, như người đàn ông giữ lấy nỗi sầu của ông ta trong tiếng đàn mà ông ta nghĩ chỉ có người phụ nữ đáng yêu của đời mình nằm dưới nấm mồ kia mới xứng đáng nhận được nó mà thôi. Nỗi tiếc thương đó khiến nàng chợt nhớ đến mấy vần thơ:
“Có những tình yêu không thể nói
Có những nỗi buồn làm sao vơi
Dấu trong tim khổ niềm thương nhớ
Gửi áng mây trôi tận cuối trời.”
Khi trời tối hơn, một nửa vầng trăng lơ lửng trên nền trời nhung thẫm đầy sao thì hai người bạn của nàng cũng tới. Kể ra có bạn bè cũng vui, nhưng không hẳn lúc nào cũng bận rộn với mọi người xung quanh khi tâm hồn cần sự yên tĩnh, nghỉ ngơi. Lần này thì cả hai người bạn cùng đến một lúc, đang bàn cãi về linh hồn người đàn ông đau khổ giờ này vẫn còn bám vào những cái rễ của sự khổ đau do chính ông ta trồng trọt lấy tự kiếp trước. Rồi cả ba cùng rủ nhau thơ thẩn đi ngắm cảnh, rặng liễu lả những ngọn tóc dài phất phơ trên mặt hồ, gờn gợn trên mặt nước long lanh phản chiếu nửa vầng trăng và những ánh sao trời dưới đáy nước.
Mấy hôm trước, có đám ma của một bà cụ, rất đông người đưa tiễn và rất nhiều vành khăn tang, khi nàng đảo đến đó thì cũng đã về chiều, người con gái mặc nguyên bộ quần áo màu đen còn ngồi gục đầu khóc mãi bên nấm mồ của mẹ già, lại một cảnh “tử biệt sinh ly” bày ra trước mắt nàng đến độ quá quen thuộc, nên không làm cho nàng quá quan tâm như ngày xưa. Rồi cũng thế thôi, tất cả rồi cũng thế thôi, chẳng ai lại không có ngày đến đây để gửi nắm xương tàn.
Đêm nay trở lại, ba người đã thấy một bà cụ già ngồi khóc tỉ tê, lạ lùng làm sao là ai cũng khóc khi từ giã cõi bên kia, tâm trạng cô đơn và hụt hẫng chắc là nỗi buồn chung của người vừa mới từ giã cõi đời. Ba người cùng lắng nghe linh hồn bà cụ già khóc kể, rền rĩ như trách móc, nỉ non, như khi ra đi bà cụ đang mang trong lòng nỗi buồn phiền vì lũ con, cháu bất hiếu của mình. À, thì ra thế thật, nhưng sống hết một đời đến gần trăm tuổi như bà cụ mà còn tiếc đời, tiếc của thì lạ quá, cả ba linh hồn cùng muốn tìm hiểu vì lẽ gì mà bà cụ cứ khóc lóc, than thân trách phận mãi. Nghe linh hồn bà cụ già khóc kể, cả ba cũng thấy mủi lòng, riêng nàng còn nhớ thêm dáng vóc ẻo lả người con gái mặc tang chế gục đầu bên nấm mồ người mẹ mấy hôm trước, chắc cô ta thương mẹ nhiều lắm, nhưng sao hình như tiếng kể của bà cụ vẫn tấm tức điều gì. Vì thế, nàng tiến đến gần hơn và rụt rè chào bà với một vẻ cung kính:
- “Xin chào cụ. Chẳng hay nỗi thương nhớ chưa vơi, nên nghe như cụ còn buồn lắm vì phải xa lìa những người thân yêu?”
Như bắt được bạn tri kỷ, đúng thế, bà cụ đang cần có người hỏi để kể về nỗi ấm ức của mình. Ngày bà còn sống, khi nằm đó mà thấy có người đến thăm, vẫn hay ca cẩm chuyện trong nhà, về những người con và cháu không hết lòng săn sóc gần gũi mẹ. Người già sống lâu thường xoay vòng lại làm đứa trẻ con vòi vĩnh, khó chiều mà lại hay tủi thân, vì thế có người cho rằng ông Trời sinh ra vậy để lúc ra đi con cháu đỡ phần tiếc nuối. Bà cụ đang khóc kể tỉnh hẳn lại, rồi rỉ rả kể nỗi tức tối của bà cho ba người cùng nghe:
- “Ôi chào các bà, các cô, đi đâu mà vui như chảy hội thế này? Ôi chà! Già này đang buồn đây, thế ra tất cả những thỏi vàng trong túi già chỉ là mấy miếng ngói, đám con đã đánh lừa tôi khi nửa tỉnh nửa mê trên giường bệnh, chúng nó bịp bợm tôi, tôi không bao giờ tha thứ được.”
Cụ già lại nức lên khóc, khiến cả ba vô cùng ái ngại. Chỉ riêng nàng đã lờ mờ hiểu ra chút ít về nỗi buồn của bà cụ: TIẾC CỦA. Nhưng người bạn của nàng đã nhanh nhẩu hỏi:
- “Vâng, lũ trẻ bây giờ như thế cả, mình còn sống nhăn răng ra chúng cũng đã muốn lấy của mình rồi, huống gì già lão như cụ mà lại có vàng cất trong túi thì chúng cứ mong mình chết nhanh nhanh để lấy cho gọn. Nhưng chuyện như thế nào hở cụ?”
Chết thật! Cái người đàn bà này thì luôn luôn “đồng thanh tương ứng” với những linh hồn có hoàn cảnh na ná như bà ta. Nàng chỉ biết im lặng chờ đợi, thì bà cụ đã kể một mạch:
- “Ôi trời ơi có mắt thì ngó xuống mà xem, con cái cướp giựt lừa phỉnh của cha mẹ. Không dấu gì các cô, tôi thuở sinh tiền ăn dè hà tiện, chắt mót mãi mới mua được ít vàng để dành. Mãi đến khi ốm đau lây lất, tôi biết chẳng thể để của một nơi người một nẻo, đồng tiền phải liền với ruột nên đã cẩn thận cất ở túi áo trong gài kim băng cẩn thận. Thế mà chúng nó cũng lần mò đợi mình mê ngủ rồi đổi mấy viên gạch bỏ vào túi mình, hễ giựt mình thức giấc, nhớ ra là tôi lại hỏi: “Vàng đâu? vàng của mẹ đâu?”. Trời tru đất diệt nó đi, chính cái con bé ngồi khóc bên mộ tôi thảm thiết nhất lại là đứa bàn với anh em nó đổi vàng ra gạch bỏ vào túi áo của tôi, rồi miệng cứ trả lời thon thót: “Vàng đây, vàng của mẹ đây.”, vì thế khi sờ vào lúc nào cũng thấy nằng nặng. Đến khi mình nhắm mắt lìa đời, lúc ấy mới biết bị lừa thì đã muộn rồi, hỏi xem ai mà không buồn, không tức?”
Khi hồn người đàn bà hiểu thấu câu chuyện làm cho bà cụ phiền lòng thì phá ra cười, khiến bà cụ đâm ra bực mình, gay gắt hỏi:
- “Này bà kia, chẳng lẽ câu chuyện của già này làm bà vui lắm sao mà lại cười?”
Bà ta cứ cười, cười ngặt nghẽo rồi hỏi bà cụ:
- “Thế cháu vô phép hỏi cụ, nếu như cụ có đem được mấy thỏi vàng sang thế giới bên này, thì cụ dùng nó làm gì nhỉ? Để hối lộ Thượng Đế cho cụ lên trời, hay dành tiền để mua sự cầu nguyện cho linh hồn mau siêu thoát? Nghĩ lại đi cụ ơi, trong khi cụ đau ốm nằm đó, tiền bó vào ruột tượng, thì ai là người chăm nom miếng ăn giấc ngủ cho mình, ai thuốc thang tắm rửa cho mình, ai lo việc ma chay cho mình khi nằm xuống, có phải là con cái của cụ không?”
Bà cụ già tiếc của giờ đây như thấm ra vì câu nói xấn xả của người phụ nữ trực tính, nên im lặng ngồi yên. Người đàn bà lại nói:
- “Ông trời cho mình cuộc sống và một thân thể mà mình lại không biết hưởng rồi lại tự đày đọa mình thiếu thốn, hà tiện quá mức đối với bản thân cũng là TỘI đấy nhé, mà cũng vì keo kiệt rồi sinh ra ích kỷ với mọi người xem ra cũng chẳng phải điều tốt. Cô con gái của cụ là người tốt, khi mẹ còn sống lo cho mẹ đầy đủ mà không tơ hào lấy vàng của mẹ là con gái ngoan, nếu cụ nằm xuống mà được mồ yên mả đẹp do chính đồng tiền mình dành dụm để không phiền con cái, mình cũng là người mẹ tốt. Còn bao nhiêu thì để lại cho con, nếu nhờ đó mà đời con cháu mình đỡ khổ thì tại sao mình lại tiếc?”
Nàng và cô gái cũng gật gù đồng ý, còn bà cụ thì đang tiến thối lưỡng nan trước lời giải thích của người đàn bà đanng ngồi trước mặt bà. Nàng cũng lên tiếng góp vào:
- “Cụ ơi! Cháu chưa thấy một đám ma nào lại đông đảo người đưa, sắp sếp chu đáo như đám ma của cụ. Nào là linh mục đưa đến tận huyệt cầu kinh xông hương cho cụ, nào là vòng hoa lớn hoa bé đầy những lời thương tiếc, nào là con cháu, họ hàng túc trực hai bên khi hạ huyệt, ai cũng khóc lóc thảm thiết, nếu như những vòng hoa kia do bạn bè thân hữu của các con cháu cụ phúng viếng, thì chẳng phải do sự giao tế của con cháu cụ mà cụ được như vậy sao? Mình phải mừng mới phải vì chẳng phải ai ra đi cũng được như thế, cũng do cái phúc đức của cụ vậy?”
Bà già nghe nói thấm ý nhoẻn miệng cười, dù chỉ ở thể linh hồn nhưng với cảm quan mạnh ai cũng thấy nụ cười móm mém của bà thật dễ thương, sự THA THỨ bao giờ cũng biến tâm hồn người ta ra con trẻ. Tuy vậy bà cụ cũng biết đối đáp lại nàng:
- “Khéo nói ơi là khéo nói, thế cái dạo cô ra đi thì cũng ối vòng hoa đẹp, nào chỉ mỗi mình tôi mới có.”
Thấy bà cụ tươi tỉnh lại biết nói đùa, nàng cũng cười đáp lại:
- “Thưa cụ, đẹp vậy mà chỉ một sáng một chiều cũng héo rũ hết, có gì tồn tại đâu, chỉ một vài hôm là người phu quét rác lại phải nhặt nhạnh đem vứt đi. Mà thế cũng tốt hơn là cứ phải nhìn những vòng hoa héo trên nấm mộ, trông nó buồn rầu bi thảm làm sao ấy. . .”
Nói đến đây tự nhiên nàng im lặng, lòng thổn thức bâng khuâng nghĩ đến lời nói chí tình của người bạn tri âm tri kỷ đã đi về cõi xa nào rồi: “. . . Đấy, đấy. Chân lý là ở chỗ đó, bà có thấy hoa nào là không tàn đâu”, lòng nàng nặng trĩu một nỗi buồn nhớ vu vơ. Nhưng người bạn đồng hành thật là đáo để, nhìn nàng nheo mắt cười:
- “Lại nhớ đến tri âm tri kỷ rồi phải không? Thôi thì “hạc bỏ tiên về nơi cõi xa, nền cũ lầu hoang đứng thẫn thờ”, thơ của tiên sinh Lý Bạch đấy, cái ông thi sĩ gàn say ruợu nhảy ùm xuống ao ôm bóng trăng giả vào lòng mà chết.”
Nàng bật cười:
- “Ai bảo bà thế, khiếp thật, cứ như đi guốc vào lòng người ta vậy?”
Bà ta cười to lên chế nhạo nàng:
- “Chứ không à? Ngay khi gặp nhau tớ đã chả bảo với đằng ý là ở đây chẳng ai dấu nhau được điều gì đâu, tốt xấu nó bày hết ra, thượng vàng hạ cám ai ra người nấy cả rồi, hỏi để cho có chuyện chứ chẳng lẽ im lặng hết như bãi tha ma thì chịu sao thấu.”
Tất cả cùng cười, đến chết mà còn biết cười thì hồn vẫn vui vậy. Bà cụ hết kể lể khi đã hiểu ra mọi chuyện lại theo thói quen lâm râm đọc kinh cầu nguyện. Người đàn bà quay đi bĩu môi nói đùa với hai người bạn:
- “Lại đọc kinh để xin lên Thiên đàng đấy. Bây giờ thì chắc là bay được rồi vì cái túi vàng hay gạch nó không nặng trĩu ra. Tôi đã nói rồi mà, có người ngày nào cũng cầu nguyện cho mình được về với Chúa, với Phật, nhưng hễ Chúa đón ngay về thì hãi bỏ mẹ, lại rối rít xin cho sống mãi đến già cũng vẫn sợ chết. Cứ tưởng tượng mai kia ngồi đâu ruồi bâu đến đó không buồn giơ tay đuổi, thì thôi, cái áo nó cũ rồi thì lột bà nó đi mà mặc áo mới có phải thích không?”
Ôi chao! Bà ta cứ nhẩn nha nói lung tung, thế nhưng triết lý nhân sinh thì lại nghe như gần gũi với cuộc đời trong gang tấc. Thế giới của linh hồn trong bóng đêm vẫn xôn xao nhiều chuyện vui buồn như vậy, nhưng nếu có thi sĩ nào ở thế giới loài người muốn mượn chốn này để thẫn thờ, thơ thẩn cũng không hề trông thấy, nghe thấy được điều gì. Chỉ nghe tiếng lá khô lăn tròn trên mặt đường, tiếng chim khuya khắc khoải gọi nhau, hay bóng trăng nằm lung linh dưới đáy nước. Thế nào trong thơ của thi sĩ, lại chẳng có những cành liễu rủ mình xuống mặt nước đen thẫm, và biết đâu lại tưởng tượng thêm bước chân của người tình đạp trên lá vàng khô . . .