Tình qua tin nhắn
Trung Cường
Tôi nghĩ hắn là đàn ông. Còn hắn đoán tôi là phụ nữ. Mọi chuyện rất đơn giản, kể từ khi tôi quen hắn. Rất ngẫu nhiên bằng một tin nhắn. Dĩ nhiên là từ phía hắn, vì tôi không thích mấy cái trò nhăng nhít này. Ấy thế mà tôi lại quen hắn, đến nay là 3 tháng. Thế mới lạ! Và càng lạ hơn nữa khi tôi với hắn không hề biết mặt nhau.
Hắn giới thiệu hắn là nhà báo nửa mùa (đơn giản là viết để kiếm sống, nhưng không được danh chính ngôn thuận cho lắm, vì không có tòa soạn nào nhận hắn). Hắn mới ra trường, làm việc được sáu tháng, gặp ông sếp ngụy quân tử, thế là hắn bỏ việc và trở thành “ký giả tự do”, như tin hắn nhắn. Ừ! Tôi cũng gặp nhiều loại người như hắn. “Thế lấy gì sống?”- tôi hỏi - “Sự cưu mang của bè bạn”. “Đời cũng hay nhỉ?”. Hỏi cũng để mà hỏi, tôi cũng chẳng quan tâm lắm. Đời vốn phức tạp, cái gì đơn giản được cứ để cho nó đơn giản. Tôi quan niệm thế.
Tôi không cần biết hắn là ai (có lẽ hắn cũng vậy). Khi buồn, ngày hay đêm, tin nhắn của tôi đều được reply. Khi vui, hắn là người duy nhất nhận tin nhắn của tôi. Những lúc cô đơn, hắn nhắn hắn có thể giúp được tôi. Quả thật, có lần tôi khóc, dường như hắn biết được (tôi đoán thế), nhắn lại rằng: “Phụ nữ khóc ra nước mắt. Đàn ông nhỏ nước mắt gọi là khóc”. Nghe cũng triết lý nhưng khó lọt tai. “Có gì khác đâu?”. “Sao không? Nhìn đời qua khe mắt hẹp như you thì làm sao thấy được độ chênh của nó”. “Thế đã bao giờ “nhỏ nước mắt” chưa người đàn ông?”. Sự im lặng hồi lâu của phương tiện liên lạc hiện đại. “Tôi chỉ trả những gì đã từng được nhận”. “Thế trả hết chưa?”. “Có người không bao giờ muốn trả, có người muốn trả lại không được. Đời mà!”. Hắn kết thúc câu chuyện. Tôi biết thế.
Một sáng nhận tin nhắn của hắn, có nội dung: Sếp cũ gọi hắn làm việc lại, ký hợp đồng dài hạn và nhiều hứa hẹn. Hắn đếch cần, lấy lại hồ sơ, nguẩy cái mông quần bạc phếch vào cặp kiếng cận đang nhướng lên như mắt ếch của sếp, rồi biến. Thề không bao giờ quay lại nhìn cái thói đạo đức giả của những thằng luôn tỏ ra mình có hành động giống quân tử. Dòng cuối hắn nhắn: “Tưởng tượng thôi. Ngày Cá tháng tư mà!”. Bật cười. Nhưng đâu rồi lại đấy, như bao mẩu tin vặt vãnh tôi đọc hằng ngày. Nhàm chán. Đơn điệu. Không lưu nổi vào bộ nhớ của tôi.
Ngày vẫn lại là ngày. Hắn nhắn (dường như hắn buồn), hắn đã từng yêu, người ấy đã lấy chồng. “Sao vậy?”. “Không biết. Cô ấy bỏ tôi. Không. Đúng hơn tôi chia tay cô ấy”. Chuyện thường thôi. Tôi gặp đã nhiều ở ngoài đời, trong tiểu thuyết và có thể là chính tôi. “Bận tâm làm quái gì” - tôi reply lại. Hắn không trả lời. Dường như hắn giận. Mặc kệ. Đời này lắm đứa dở hơi. Nghĩ vậy nhưng thấy chạnh lòng.
Kỳ lạ. Hắn không bao giờ có ý định gặp tôi. Và tôi cũng không có ý nghĩ ấy. Lỡ ra... Rách việc. Có lần hắn giả sử: “Nếu mình gặp nhau thì sao nhỉ?”. “Chẳng sao cả. Tôi chẳng muốn gặp anh”. Hắn nhắn: Hi... Hi.
Trong những lúc buồn bực, stress, tôi vẫn thường xem hắn như một bao cát. Thình thịch nện vào đó bao bực dọc về công việc, bè bạn, tình cảm... Và tất cả những gì tôi nghĩ hắn có thể hứng chịu, như hắn đã và đang chịu sự bầm dập của thói đời. Hắn vẫn với giọng ôn hòa (có thể đang cố gắng) điềm đạm phản bác lại tôi. Quẩn quanh như đi vào ngõ cụt, tôi buông tay, mệt mỏi vớt vát: “Để rồi xem”. Có lẽ vì câu nói ấy làm cầu nối giữa tôi và hắn, cho đến bây giờ.
Hắn lại nhắn vào một sáng thứ bảy, khi tôi đang thinh lặng bên ly cà phê không đường như bao ngày cuối tuần: “Có bao giờ you nghĩ sẽ yêu một người nào đó theo đúng nghĩa đàn ông chưa?”. “Không cần biết. Cái gì đi rồi sẽ đến. Và ngược lại”. “Thế là you đã từng yêu”. “Ai mà chẳng từng yêu. Ai chẳng từng đổ vỡ. Hạnh phúc nào cũng bềnh bồng, diệu vợi”. Tôi nghĩ thế. Hắn cười (tôi luôn tin vào những phán đoán của mình): “You có ý nghĩ lạ, không giống ai”. “Tôi sợ giống một ai đó, phiền phức lắm, sống phải cho ra mình”. Hắn nhắn hắn có nhiều việc đáng lo nghĩ. Có thể. “Nhưng nghĩ lắm mệt người” - tôi luôn đơn giản mọi vấn đề, không riêng với trường hợp của hắn. Tôi có một căn nhà để ở, một công việc để làm, không bận bịu với toan tính yêu đương. Thế thì cần gì phải nghĩ. “Biết đâu”-hắn luôn kết thúc mọi tranh cãi như thế. Biết đâu. Tôi mỉm cười lặp lại câu nói của hắn. Nghe cũng triết lý chứ nhỉ?
Ngày lại ngày. Công việc vẫn cứ là công việc. Không có sự đổi thay. Tôi với hắn vẫn nhắn tin, và theo tôi, ai cũng hiểu rằng không nên phí thời gian để gọi điện làm phiền nhau. Thế đấy. Một quy luật bất thành văn. Nó ngớ ngẩn mà vẫn tuân thủ đúng quy trình của nó. Tôi nghĩ thế. Còn hắn? Thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ tới, nhưng rồi cũng bật cười vì mình cũng dở hơi như hắn. Đã quy luật thì bất biến. Có quy luật nào bị phá vỡ không nhỉ? Biết đâu. Tôi mượn lời của hắn kết thúc ý nghĩ ngớ ngẩn của mình.
Có lần tôi nhắn với giọng buồn bực, khi đứa bạn thân vừa rầu rầu với câu chuyện buồn tôi kể, thoáng chốc đã cười nói như chẳng có việc gì. Tôi ngẫm tưởng, người ta vừa trút khỏi khuôn mặt cái mặt nạ đồng cảm. Và biết đâu sau cái mặt nạ đồng cảm đó...? Tôi dằn dỗi kết luận: “Mỗi người đều có những mặt nạ khác nhau. Tôi và anh cũng vậy”. Hắn không phủ nhận: “Chính đời sống làm nên những mặt nạ ấy. Con người chỉ mượn mặt nạ đa sắc thái để duy trì sự tồn tại dễ thở hơn một chút”. “Tất cả đều giả dối”- đó là chủ kiến của tôi. “Không hẳn vậy! Tính tiêu cực hay tích cực tùy thuộc nhiều góc nhìn: người đeo mặt nạ, người nhận mặt nạ, hoàn cảnh đeo-nhận v.v...”. Tôi không trả lời. Hắn lại nhắn: “ Sống ở đời cần loại suy nhiều. Đừng áp đặt những ý kiến, nghĩ suy của mình lên người khác. Khổ cho người, đau cho mình”.
* * *
Bẵng thời gian, tôi không nhận được tin nhắn của hắn-như một người ghiền cà phê thiếu đi dư vị đăng đắng hằng ngày. Người với người rồi cũng có lúc như dấu chấm than vô nghĩa. Tôi nghĩ thế. Đời sống vốn bắt đầu từ sự ngẫu nhiên. Ngẫu nhiên đến. Ngẫu nhiên đi. Thế thôi. Nghĩ là vậy nhưng có một khoảng trống nào đó dìu dịu trong tôi. Rất nhẹ... Rất nhẹ...
Một sáng như buổi sáng nhận được tin nhắn đầu tiên của hắn, chiếc điện thoại báo hiệu có kẻ quấy rối giấc ngủ cuối tuần. Bực dọc. Cầm điện thoại mở hộp thư đến: “Một ngày mới bắt đầu từ cái giường của mình. Chúc cuối tuần zui zẻ”. Bật cười. Vội reply. Vẫn vậy, tin nhắn của hắn vẫn sặc mùi triết lý, nhưng có vị ngô nghê. Tôi vẫn gọi đó là thứ triết lý rởm đời, triết lý của những kẻ nhìn đời bằng cách ngược xuôi giữa dòng đời hối hả, bên cạnh những bon chen, chụp giựt danh vọng, tiền tài, địa vị... mà vẫn giữ cái nhìn rất rởm. Rởm đến cho người đời chột dạ dừng lại nhìn. Nhìn người. Nhìn mình. Rồi cúi đầu bước.
Cứ thế, tôi với hắn vẫn duy trì cái quy luật như đã từng thiết lập nhưng không từng có ý định phá vỡ. Cho đến...
Một sáng như thường ngày, tin nhắn lại đến với tín hiệu thông thường: “Hôm nay 49 ngày anh Hai mất. Chị đến nhé. Có lẽ anh mong chị lắm!”.
Ngẫu nhiên. Nhưng không đơn giản.
Chưa một lần tôi nghe giọng nói của anh.
Không hiểu sao tôi òa khóc!