A. Sự bình đẳng giữa Phải Quấy và Xấu Tốt:
Đứng theo quan niệm nhị nguyên (chỉ thấy có một cái ta riêng biệt) mà xem, thì sẽ thấy sự vật có phải, có quấy rõ ràng. Phải, là cái gì có lợi cho ta. Quấy, là cái gì bất lợi cho ta.
Trái lại, nếu không thiên chấp mà biết nhìn rộng ra sự vật khác bên ngoài ta, thì biết đâu cái mà ta gọi là "phải" đối với ta đây, vị tất cũng còn là "phải" đối với kẻ khác? Ngay cùng một việc mà ta cho là "phải" đối với ta bây giờ, sẽ không còn là "phải" nữa đối với ta sau này! Như vậy Phải và Quấy là một việc cá nhân tương đối và chủ quan, hết sức bất thường. Nêu nó ra để mà nói với thiên hạ, để mà làm tiêu chuẩn chung và bắt cả thiên hạ phải cùng theo, thì còn nghĩa lý gì nữa!
"Người nằm trong chỗ ẩm thấp thì sinh ra đau lưng và tê liệt một bên mình; con cá chạch thì có sao không? Người ở trên cây thì run rẩy, sợ sệt; còn loài khỉ vượn có sao không? Ba loài ấy, ai biết chỗ nào là chỗ ở chính? Con người thì ưa ăn thịt thà; hươu nai thì thích ăn cỏ non; rết thì cho rắn con là ngon; chim mèo chim cú thì nghiện ăn chuột bọ. Bốn loài ấy, ai biết món ăn nào là chính vị? Mao Tường Lệ Cơ, người thấy thì cho là đẹp mà cá thấy thì lặn sâu, hươu nai thấy thì chạy dài. Bốn loài ấy, ai biết sắc đẹp nào là chính sắc trong thiên hạ?"
Mỗi vật đều thuận theo chỗ hợp của mình: không có chỗ nào là chỗ hợp chung cho tất cả vạn vật. Mỗi vật đều biết ngon theo chỗ ngon riêng của mình: không có vị nào là ngon chung cho tất cả vạn vật. Mỗi vật đều có sự ưa thích theo một cái đẹp riêng theo mình: không có cái đẹp nào là cái đẹp chung chi tất cả vạn vật. Và như vậy, nếu đã không có cái đẹp nào là cái đẹp chung để làm cái gương tận mỹ chung cho tất cả mọi vật, thì cũng không có cái thiện nào có thể đem ra làm cái gương tận thiện chung cho tất cả mọi người.
Quan niệm về bình đẳng của Trang tử không giống với quan niệm thông thường của người đời. Bình đẳng của người thường hiểu là một thứ bình đẳng hình thức máy móc, hiểu theo cái nghĩa nông cạn là san bằng mọi sự mọi vật, bất chấp cái luật "bất bình đẳng tự nhiên" trong vạn vật cũng như trong loài người: sang, hèn, trí, ngu, lớn, nhỏ, trai, gái… đều bắt buộc phải uốn mình sống theo một khuôn khổ luân- lý, giáo dục, luật pháp giống nhau. Nơi trường học, kẻ sáng, người tối, gái, trai…đều chịu chung một lối giáo dục như nhau; người ta quên nghĩ đến cái cá tính đặc biệt của mỗi người mỗi vật. Văn minh loài người sở dĩ không thể phát triển mau lẹ được cũng vì quan niệm lạc lầm này. Trong nhiều chế độ người ta còn đề cao vai trò của xã hội đến đỗi cá nhân không còn chỗ nào để thở được bằng cái mũi của mình, xem được theo cặp mắt của mình, cảm được theo quả tim của mình nữa, mà suốt đời chỉ biết nhận những chỉ thị của bề trên, và sống rập theo một khuôn khổ đã ấn định chung cho tất cả mọi người.
Theo Trang tử, "tính" của vật không đồng nhau, tức là chỗ mà nhà xã hội học ngày nay gọi là "những bất bình đẳng tự nhiên". Vậy, chỗ "không đồng" (bất đồng) của vạn vật, ta phải biết "nhận lãnh", biết "chịu" nó, và hãy để cho mỗi vật tự do sống theo cái sống của nó. Đó là nhân chỗ "bất đồng" mà làm cho vạn vật "đồng nhau" vì mỗi vật đã được tự do sống theo "bản tính" của mình.
Tất cả mọi chế độ chánh trị, xã hội, luân- lý từ xưa đến nay đều, ít hay nhiều, quy định một cái tận thiện mẫu để làm tiêu chuẩn chung cho tư tưởng hành vi con người và bắt buộc người người đều theo đó mà sống. Đó là cưỡng ép chỗ "không thể đồng" phải "đồng nhau". Phải chăng là điều rất sai với tự nhiên, làm thống khổ con người vô cùng! Mỗi vật đều có cái tính tự nhiên của nó: sự ưa ghét cũng vì đó mà không thể "đồng" nhau. Nay lại cưỡng ép người người đều phải thừa nhận một lẽ phải khác với cái lẽ phải của họ, khác với lòng hiếu ố riêng của họ, là làm cho họ mất tự do sống theo cái Sống của họ. Cho nên, Tự Do và Bình đẳng không thể đi đôi với nhau được: hễ được Tự Do thì không bình đẳng, mà theo bình đẳng, cái thứ bình đẳng san bằng mọi vật, thì mất tự do.
Theo Trang tử thì không phải vậy. Tự Do và bình đẳng lại đi đôi với nhau như bóng với hình. Sở dĩ con người được bình đẳng là nhờ có tự do, mà được tự do là nhờ có bình đẳng. Nhận có tự do và quý trọng tự do thì mới có cầu mong cho vạn vật, mỗi vật đều được tự do sống theo cái Sống của mình. Mà, nếu vạn vật, vật nào cũng sống được cái sống của mình, đó là vạn vật nhờ tự do mà được bình đẳng. Cũng như, nhận có bình đẳng thì mới chịu để cho vạn vật, vật nào cũng được sống theo mình thì vạn vật, vật nào cũng nhờ đó mà được tự do.
Tóm lại, phàm đã chủ trương tự do tuyệt đối, ắt cũng phải chủ trương bình đẳng tuyệt đối. Là vì nếu không thừa nhận bình đẳng tuyệt đối, mới có cho rằng giữa người và người, giữa vật và vật có cái này hay hơn cái kia, hoặc có cái kia hay hơn cái này. Đã nhận có cái này hay hơn cái kia, người này hay hơn người kia mới có cho rằng người hay phải lo cải tạo người không hay, để cho đó trở về đường hay theo quan niệm chủ quan tạm thời của mình. Như thế là ta không nhận có tự do của con người. Không nhìn nhận tự do của con người mới có sự cưỡng ép kẻ khác phải sống theo quan niệm về điều phải lẽ quấy theo ta, không được sống tự do theo cái sống của họ. Nếu đó không phải là chuyên chế, thì đâu mới là chuyên chế?
Người người đều được tự do sống theo mình, thì cái "phải" của mọi người đều được xem là "phải" cả, và cái "đẹp" của mọi người cũng đều được xem là "đẹp" cả. Vậy thì mọi vật dưới trời không còn vật nào tự nó không tốt đẹp; mọi ý kiến dưới trời không có ý kiến nào là không ngang bằng nghĩa là bình đẳng như nhau tất cả.
***
Thị Phi, Thiện ác là một vấn đề tương đối. Nhưng, tiến thêm một bước sâu hơn, ta lại thấy: thị cũng do phi mà có, phi cũng do thị mà sinh, cũng như thiện do ác mà sinh, ác do thiện mà có.
Trang tử nói: "(…) đó do đây mà ra; đây do đó mà có(…)"
"Đó" do "đây" mà ra, "đây" nhân "đó" mà có, đó là muốn nói đến cái luật đối đãi, mà cũng vừa muốn nói đến cái luật "vật cùng tắc biến" và hễ biến thì biến thành đối địch của nó.
Và lên đến một tầng cao hơn nữa, ta sẽ thấy thị phi chẳng những là một lẽ đối đãi, bổ khuyết cho nhau "nhất âm nhất dương chi vi Đạo", mà thị tức là phi, phi tức là thị: cả hai là đồng nhất. Bởi vậy, Trang tử mới nói: "vật, không vật nào là không phải "đây", không vật nào là không phải "đó"(…) "Đó" cũng là "đây" mà "đây" cũng là "đó".
"Đó" và "đây" đã là một, thì "đó" và "đây" riêng ra, đâu có thật. Hay nói một cách khác: cái phải của "đây" là cái quấy của "đó", mà ’đó" là ’đây’, "đây" là "đó" thì chung quy phải và quấy là một vậy.
"Đây" và ‘đó" đã vô định, thì phải và quấy cũng vô định, vậy mà người đời lại muốn định phải quấy nên mới có sự tranh biện và giành phần phải cho mình. Nhưng, tranh biện nhau có đủ để rõ đặng đâu là phải, đâu là quấy chăng?
Thiên Tề- Vật- Luận nói: "Ta với ngươi cùng tranh biện: ngươi không được ta, ta không thắng được ngươi, vậy ngươi hẳn là đã phải, mà ta hẳn là đã quấy chưa? Nếu ta thắng được ngươi; ngươi không thắng được ta, vậy ta hẳn là đã phải, mà ngươi hẳn đã là quấy chưa? Hay là, khi thì phải, khi thì quấy hay sao? Hay là, cả hai chúng ta đều phải cả, hoặc cùng quấy cả hay sao? Ta và ngươi không thể biết được nhau, thì người người đành phải chịu tối tăm rồi! Ta phải nhờ ai chính lại việc ấy? Nhờ kẻ đồng với ngươi thì làm sao chính được việc đó! Cậy người khác với ta và ngươi, để chính lại việc đó ư? Nó đã khác với ta và khác với ngươi, thì làm sao chính lại được việc đó? Cậy người đồng với ta và đồng với ngươi thì làm sao chính được việc đó? Vậy thì ta với ngươi cùng với người đó đều không thể biết nhau được, sao phải chờ người đó làm gì?"
Vậy thì, tuy tranh biện mà phải quấy cũng không sao định đặng. Là vì còn thấy có "đó", có "đây". Khi mà lòng mình không còn chia phân Nhi Ngã, sống được trong cái Sống- một của Đạo rồi, thì "đó" là "đây", "đây" là "đó", vấn đề phải quấy, thiện ác tự nhiên theo đó cũng tiêu tan như một cơn mộng mị. Một nhà Đạo học ấn độ ngày nay, J. KRISNAMURTI, nói rất chí lý: "không có vấn đề nào để giải quyết cả: chỉ có cái Sống để sống mà thôi".
***
"Phải" là một lẽ vô cùng; quấy cũng là một lẽ vô cùng" nghĩa là pahỉ và quấy như trên cái vòng tròn, không biết đâu là khởi điểm. Ta cần đứng ở trung tâm của cái vòng ấy (hoàn trung) để chịu đây chịu đó. Chỗ trung tâm ấy, gọi là Đạo xu (cốt của bánh xe Đạo). "Thánh nhân vì chỗ hòa mà nói thị nói phi, rồi đứng yên nơi Thiên Quân, đó gọi là lưỡng hành". Lưỡng hành là "không rời khỏi thị phi, mà lại vượt thoát khỏi thị phi".
Thánh nhân đối với thị phi có hai cách cư xử:
đối với mình, thì tâm trí hợp nhất, chỉ thấy có cái sống một mà không thấy có thị phi.
đối với người, thì biết phải quấy là hai lẽ tương đối nương nhau mà có, nên cứ đứng yên nơi trục quân bình để mà hòa với mọi người, tức là chỗ mà Trang tử gọi là "triêu tam mộ tứ".
***
Nếu bảo rằng không có cái phải nào là tuyệt đối, tại sao Trang tử lại bài bác chế độ luân- lý của người đương thời, há không phải đó là tự mâu thuẫn với mình sao? Không, Trang tử có bao giờ cho rằng có một cái Phải nào là cái Phải tuyệt đối để làm mẫu cho mực cho thiên hạ loài người đâu! Sở dĩ có bài bác chăng là bài bác cái óc thiên tư độc đoán cho rằng chỉ có mình là Phải mà thiên hạ đều Quấy, và cái Phải hay cái Quấy chỉ là một trạng thái tạm thời và luôn luôn phản biến bất thường, không thể dụng tư tâm đem cái quan niệm về điều Phải lẽ Quấy của riêng mình mà bắt cả thảy thiên hạ cùng theo, và nhân đó làm cho con người thống khổ. Vậy chứ cái mà thiên hạ thường gọi là lo đời chẳng phải là lo đem thiên hạ vào cùng một khuôn tư tưởng như mình sao? Và "hễ đồng với ta, cho ta là Phải, không đồng với ta, cho ta là Quấy", hay nói một cách khác, kẻ nào không cùng với ta, là nghịch với ta. Thiên hạ từ xưa đến nay sở dĩ mà loạn, là vì phần nhiều ai ai cũng tưởng cái Phải của mình là tuyệt đối, nghĩa là chỉ có mình là phải. Không thế, thì sao có những chế độ độc tài đã làm điêu linh thống khổ thiên hạ!
***
B. Sự bình đẳng giữa Sống và Chết
Bình đẳng giữa thị phi… đưa ta đến một vấn đề không kém quan trọng hơn: vấn đề Sống Chết.
Theo Trang tử thì trong Trời Đất, chỉ có một cái Sống mà thôi, tức là cái Sống không sinh, không tử. Còn nói đến sống và chết, những hình thức đối đãi nhau mà có, thì đó chỉ là một sự "thành hoại" của một trạng thái trong cuộc đại hóa của Trời Đất thôi. Sống chết, theo Trang tử là một "cột", một "mở", một "đi" một "lại" nối tiếp nhau như trên cái "vòng tròn".
Cái Sống của ta đối với hình thể ta, như "lửa đối với củi". Cái Sống ấy như lửa truyền từ bó củi này sang bó củi kia: "Hỏa truyền mãi mà không tắt, cái mạng quấn mãi mà không tuyệt".
Chết, là từ hình thức của một vật hiện tại nầy chuyển qua hình thức khác. Nếu từ cảnh nầy đổi qua cảnh khác mà sanh lòng lo sợ, thì có khác nào cảnh của "nàng Lệ Cơ, con của một vị phong nhân xứ Ngại, gả cho Vua nước Tấn. Khi về nhà chồng, lụy ướt dầm bầu. Kịp khi đến hoàng cung, cùng vua đồng sàng, nếm mùi sô hoạn, rồi lại hối hận giọt lệ ngày xưa" mà không chịu trở về quê cũ. Như ta cho hình thức hiện đây là đáng vui mừng, thì sau khi chết, chỗ ta sẽ đặng hình thức mới, sao lại biết không có chỗ đáng vui mừng như bây giờ, hoặc hơn bây giờ?
Thiên Đại Tông Sư cũng có nói: "Hồi vị thủy trong vô cực, theo Vạn hóa mà có nó ra. Vậy, vui với đó, nhận riêng nó (mà không nhận cái khác) có phải lẽ không?" Giải thích đoạn văn trên đây, Quách Tử Huyền viết: "Trong muôn vàn hình thức của vạn vật, hình thức của người là một. Gặp được hình thức ấy, chưa đủ riêng vui với nó mà thôi sao? Trong vô cực, chỗ "gặp mới" của vạn vật đều như con người, há chỉ riêng có con người là biết vui với cái hình thức ấy mà thôi; còn bao nhiêu vật khác đều không biết vui với hình thức của chúng như con người sao?" Gốc ta đâu phải là người mà biến thành con người. Hóa làm người, đó là ta đã mất cái chỗ cũ kia, nhưng tuy mất cái cũ mà lại vui, là vui chỗ "gặp mới" khác nầy đây. Mà cuộc biến hóa thì vô cùng, thì chỗ "gặp mới" cũng sẽ vô tận.
Chúng ta đi trên con đường biến hóa vô cùng của Trời Đất, có khác nào một lữ khách: cảnh nào cũng mới, chỗ nào cũng đẹp. Nhưng đừng để cho cảnh nào trói buộc mình, vì trên đời không còn biết bao cảnh lạ bất ngờ vui đẹp khác đang chờ đợi ta.
Trang tử cũng có nói: "Giá như cánh tay trái tôi hóa làm con gà, thì tôi nhân đó mà gáy canh. Giá như cánh tay phải tôi hóa làm hòn đạn, thì tôi nhân đó mà kiếm chim quay. Giá như cái xương cùng của tôi hóa thành bánh xe, lấy cái thần hồn tôi làm con ngựa thì tôi sẽ nhân đó mà cỡi lên, há còn phải đợi xe ngựa nào nữa. Vả đắc là thời, thất là thuận. An thời xử thuận thì buồn vui làm sao vào đặng cõi lòng".
Tóm lại, bậc chân nhân ngày xưa "không ham sống, không ghét chết", ra không vui, về không buồn, thản nhiên mà đến, thản nhiên mà đi… luôn luôn "an thời xử thuận" vì vậy mới giải quyết được dứt khoát vấn đề sinh tử.
***
C. Ta và vật bình đẳng
"Xưa Trang Châu chiêm bao thấy mình là bướm, vui phận làm bướm, tự thấy thích chí, không còn biết có Châu nữa. Chợt tỉnh giấc, thì lại thấy mình là Châu. Không biết Châu chiêm bao là bướm, hay bướm chiêm bao là Châu? Châu và bướm ắt phải có tánh phận khác nhau. Đó gọi là Vật hóa".
***
"Không biết Châu chiêm bao là Bướm, hay Bướm chiêm bao là Châu?" Một câu hỏi có thể bao trùm được cả vấn đề "vật ngã bình đẳng". Sự hỗn hợp giữa Ta (Trang Châu) và Vật (con bướm) hồn nhiên đến không thể biết đâu là thực, đâu là mộng. Và như vậy, mộng cũng là thực, thực cũng là mộng, và Ta cũng là Vật, Vật cũng là Ta. Ta và Vật là một.
Ngoài sự bình đẳng của thọ yểu, lớn nhỏ, nên hư, há chẳng phải đều do đây mà ra cả hay sao?
***
Người ta thường bảo thiên Tề- Vật- Luận là một thiên tinh thâm kỳ diệu. Nhưng chỗ tinh thâm nhất là ở đọan đầu của thiên, tức là chỗ mà Tử Kỳ giảng cho Nhan thành Tử Du về cái ý nghĩa của "Thiên lại", "địa lại", "Nhân lại".
Nhân lại là "sáo người"… Tiếng sáo tuy có cao thấp, dài ngắn khác nhau, mà tựu trung chỉ do một hơi thổi vào mà gây nên: tùy lỗ hổng lớn nhỏ gần xa mà phát ra đủ loại âm thanh khác biệt. Hơi thổi đó (mà Tử Kỳ gọi là gió, đối với Địa lại) tức là Đạo, động cơ duy nhất gây thành muôn điệu âm thanh, cũng như vạn vật.
"Hơi thổi" của nhạc công, cũng như "gió thổi" mà im bặt, thì cả thảy "sáo người", "sáo đất" sẽ cùng im lặng, không còn có gì cả. Cho nên "hơi thổi" hay gió thổi là cái chính, tuy không thấy, nhưng mà có. Trái lại, âm thanh muôn điệu ồn ào, tuy có mà kỳ thật là không.
Chương Tề- Vật- Luận, chung quy là để giảng về một chữ Hòa. Sáo, là nhạc; Nhạc, là điều hòa tất cả những gì mà riêng ra, không thể hòa nhau mà lại còn chống đối nhau là khác, như những giọng cao giọng thấp, tiếng thô tiếng trong, tiếng dài tiếng ngắn… Sự vật tuy khác nhau, chống đối nhau như thị phi, thiện ác… thế mà lại hòa nhau, nên mới gọi là đồng nhau, và đặt tên là Tề Vật. Trang tử dùng "nhân lại" để dẫn qua "địa lại" và nhân "địa lại" mà bàn qua "thiên lại". "Thiên lại" là yếu điểm của toàn thiên: sự điều hòa của tất cả mọi bất đồng mâu thuẫn trên đời.
Giảng rộng thiên nầy, thiên Thu Thủy viết: "Hải Thần nói:" Cùng ếch giếng không thể nói biển đặng: nó chỉ biết có cái hang nó mà thôi. Cùng con trùng mùa hạ, không thể nói băng tuyết đặng: nó chỉ biết có cái mùa của nó mà thôi! Cùng bọn khúc- sĩ không thể nói Đạo đặng: họ bị trói buộc trong giáo lý của họ. Nay ngơi ra khỏi lòng sông, thấy biển cả mà biết xấu hổ. Vậy thì, nói đại- lý với ngươi đợc.
Dưới trời, nước không đâu nhiều hơn biển. Đó là nơi muôn sông chảy về, không biết bao giờ thôi, mà không hề đầy; rồi nước biển lại chảy vào các sông không biết bao giờ ngưng, mà không hề vơi. Xuân, Thu chẳng biến- đổi nó, mà thủy- hạn nó cũng chẳng cần biết đến làm gì. Hơn rạch sông không biết lợng- số nào kể, mà ta cha từng cậy đó là nhiều, là vì tự sánh với Trời Đất, Âm Dơng, thì ta có khác nào một viên đá nhỏ, một gốc cây gầy trong dãy núi to! Đã rằng là ít, sao thấy mình nhiều? Bốn biển ở trong Trời Đất phải chăng cũng chỉ là những hang nhỏ ở trong chầm lớn hay sao? Trung Quốc nằm trong bốn biển cũng chẳng giống hạt lúa ở trong kho lớn hay sao? Vạn- vật, lấy số muôn mà nói, thì ngời chỉ đợc số một mà thôi! Lấy chín châu, nơi lúa thóc sinh sản xe thông hành, thì người cũng không qua số một. Vậy, người đối với Vạn- vật, khác nào một sợi lông trên mình ngựa. Chỗ liên- hiệp của Ngũ- Đế, chỗ tranh giành của Tam- Hoàng, chỗ lo lắng của người nhân, chỗ nhọc nhằn của kẻ sĩ, rốt lại có gì! Bá- Di từ ngôi, lấy đó làm danh; Trọng- Ni nói ra, gọi đó là rộng. Những cái mà họ cho rằng nhiều đó, thì có khác nào ngơi trước khi thấy biển."
Đó là thiên "tương đối luận" có lẽ hùng hồn nhất từ xưa đến nay ở Đông Phương nầy!
DƯỠNG SINH CHỦ
A. Ngô sinh dã hữu nhai, nhi tri dã vô nhai; dĩ hữu nhai tùy vô nhai, đãi dĩ!
Dĩ nhi vi tri giả, đãi nhi dĩ hĩ. Vi thiện vô cận danh, vi ác vô cận hình. Duyên đốc[ii] dĩ vi kinh, khả dĩ bão thân, khả dĩ toàn sinh, khả dĩ dưỡng thân, khả dĩ tận niên.
DỊCH NGHĨA:
A. Sinh lực của ta thì có hạn, mà sự muốn biết của ta thì không bờ bến. đem cái có hạn (như sinh lực của ta) để mà chạy theo cái không bờ bến (như lòng ham muốn của ta) là nguy vậy!
Đã biết thế, lại không dừng, càng nguy hơn nữa. Làm việc thiện mà không bị danh ràng buộc; theo con đường giữa mà đi, thì có thể giữ được thân mình, có thể toàn được sinh mạng, có thể nuôi dưỡng mẹ cha và có thể hưởng được hết tuổi trời.
***
B. Bào Đinh[iii] vi Văn Huệ Quân[iv] giải ngưu[v] thủ chi sở xúc, kiên chi sở ỷ, túc chi sở lý, tất chi sở kỳ, hoạch nhiên hướng nhiên tấu đao hao nhiên, mạc bất trúng âm, hợp ư Tang Lâm chi vũ, nãi trúng Kinh thủ chi hội.
Văn Huệ Quân viết: Hi, thiện tai! Kỹ khái chí thử hồ!
Bào Đinh thích đao đối viết: "Thần chi sở háo giả, Đạo dã. Tiến hồ kỹ hĩ. Thủy, thần chi giải ngưu chi thời, sở kiến vô phi ngưu giả, tam niên chi hậu, vị thường kiến toàn ngưu dã. Phương kim chi thời, thần dĩ thần ngộ nhi bất, dĩ mục thị, quan tri chỉ, nhi thần dục hành, ỷ hồ thiên lý, phê đại khước, đạo đại khoản, nhân kỳ cố nhiên, kỹ kinh khẳng khải chi vị thường, nhi huống đại qua hồ. Lương bào tuế cánh đao, cát dã tộc bào, nguyệt cánh đao, chiết dã. Kim thần chi đao thập cửu niên hĩ, sở giải sổ thiên ngưu hĩ, nhi đao nhẫn nhược tân phát ư hình. Bỉ tiết giả hữu gian[vi], nhi đao nhẫn giả vô hậu ; dĩ vô hậu nhập hữu gian, khôi khôi hồ kỳ ư du nhẫn tất hữu dư địa hĩ. Thị dĩ thập cửu niên nhi đao nhẫn nhược tân phát ư hình. Tuy nhiên mỗi chí ư tộc, ngô kiến kỳ nan vi, truật nhiên vi giới, thị vi chỉ, hành vi trì, động đao tối vi, hoách nhiên, dĩ giải, như thổ ủy địa. đề đao nhi lập, vi chi tứ cổ, vi chi trừ mãn chí. Thiện đao nhi tàng chi."
Văn Huệ Quân viết:
"Thiện tai! Ngô văn Bào Đinh chi ngôn, đắc dưỡng sinh yên."
DỊCH NGHĨA:
B. Bào Đinh mổ bò cho Văn Huệ Quân.
Lúc ra thịt, điệu bộ của tay động, của vai đưa, của chân đạp, của gối chạm, tiếng da xương lìa nhau, tiếng dao cạo cắt đều trúng cung bực, hợp với điệu múa Tang Lâm, với bài nhạc Kinh- Thủ.
Văn Huệ Quân nói: "Hay thật! Nghệ thuật đến đó là cùng!"
Bào Đinh buông dao, thưa rằng: "Cái chỗ ưa thích của thần, là Đạo. Ban sơ, lúc ra thịt một con bò, chỗ mà thần chỉ có thấy mà thôi, là con bò. Về sau ba năm, thần không còn thấy con bò nữa. Bấy giờ, thần không dùng con mắt để nhìn, mà dùng cái thần để xem: ngũ quan dừng lại, mà thần thì muốn đi, nương theo thiên lý. Tách các gân lớn, lùa các khớp lớn, nhân chỗ cố niên của nó mà cắt. Bắp thịt còn không xắt qua, huống chi là khớp xương to. Người bếp thường mỗi tháng thay dao một lần, vì họ chặt. Nay con dao của thần đã dùng mười chín năm; số bò đã mổ có trên nghìn con, vậy mà dao như mới mài xong. Các khớp xương kia có kẽ hở mà lưỡi dao nầy thì mỏng. Lấy cái bề mỏng của con dao mà đưa vào chỗ kẽ, thì rộng có thừa. Vì vậy mà lưỡi dao đã dùng mười chín năm nay vẫn còn sắc như mới mài. Tuy vậy, mỗi khi gặp những chỗ gân xương sát nhau quá cảm thấy khó làm, thì thần phải nhìn kỹ, hành động chậm lại; con dao cử động một cách rất nhẹ nhàng, thế mà thịt lại đứt và rơi xuống như bùn rơi xuống đất. Bấy giờ thần cầm dao đứng yên, ngảnh nhìn bốn phía, đắc ý vì được con dao tốt, rồi đem cất nó đi…"
Văn Huệ Quân nói: "Hay biết chừng nào! Ta nghe lời nói của Bào Đinh mà hiểu được cái đạo dưỡng sinh!"
***
C. Công Văn Hiên kiến Hữu Sư[vii] nhi kinh viết: "Thị hà nhân dã? ô hồ giới[viii] dã? Thiên dư, kỳ nhân dư?"
Viết: "Thiên dã, phi nhân dã. Thiên chi sinh thị sử độc dã. Nhân chi mạo hữu dư[ix] dã; dĩ thị tri kỳ thiên dã, phi nhân dã."
Trạch trĩ thập bộ nhất trác bách bộ nhất ẩm; bất kỳ súc hồ phàn[x] trung, thần tuy vượng[xi], bất thiện dã.
DỊCH NGHĨA:
C. Công Văn Hiên thấy vị quan Hữu Sư mà kinh ngạc!
ấy là ai đó vậy? Tại sao mà lại chỉ còn có một chân? Trời làm ra thế chăng? Hay người làm ra thế chăng?
Hữu Sư đáp:
Do trời đấy, không phải do người đâu. Trời sinh ta, bắt ta phải một chân. Hình dung của con người thì phải có hai chân cùng đi mới được. Vì vậy, mới biết rằng, đó là do trời, chứ không phải do người làm ra.
Con trĩ ở trong chầm, mười bước đi, một lần mổ, trăm bước đi, một lần uống, nhưng nào có mong được nuôi dưỡng ở trong lồng. Thần thái tuy khỏe, nhưng lại đâu có ưa việc ấy.
***
D. Lão Đam tử. Tần Thất điếu chi, tam hào nhi xuất.
Đệ tử viết: Phi Phu tử chi hữu da?
Viết: Nhiên.
Nhiên tắc điếu yên nhược thử khả hồ?
Viết: Nhiên Thủy dã ngô dĩ vi kỳ nhơn dã, nhi kim phi dã. Hướng ngô nhập nhi điếu yên, hữu lão giả khốc chi như khốc kỳ tử, thiếu giả khốc chi như khốc kỳ mẫu. Bỉ kỳ sở dĩ hội chi, tất hữu bất ky ngôn nhi ngôn, bất ky khốc nhi khốc giả, thị độn thiên bội tình[xii] vong kỳ sở thọ, cổ giả vị chi độn thiên cho hình. Thích lai[xiii], phu tử thời dã. Thích khứ, phu tử thuận dã. An thời nhi xử thuận, ai lạc bất năng nhập giả.
Cổ giả, vị thị Đế[xiv] chi huyền giải[xv].
Chỉ cùng ư vi tân, hỏa truyền dã, bất tri kỳ tận[xvi] dã.
DịCH NGHĩA:
D. Lão Đam chết, Tần Thất đến điếu, khóc gào ba tiếng rồi bước ra.
Học trò hỏi: không phải bạn của thầy sao?
Phải.
Vậy thì, điếu như vậy coi được không?
Được chứ! Trước kia, đó là bạn ta thật; nay thì không phải vậy nữa. Lúc nãy ta vào điếu, thấy có người già khóc như khóc con, có người trẻ khóc như khóc mẹ. Cái chỗ hợp lại đó (cái xác của ông ta), có cầu ai nói đến mà nói, có cầu ai khóc nó mà khóc. Thế là đã trốn trời, thêm tình, quên chỗ mình thọ lãnh. Người xưa gọi đó là hình phạt của sự trốn trời. Vui mà đến, là phu tử an thời; vui mà đi, là phu tử xử thuận. An thời xử thuận, thì buồn vui không sao xâm nhập cõi lòng. Người xưa cho rằng đó là tháo mở cái sợi dây mà Tạo Hóa đã cột ta vào cõi sống. Thì cũng như việc lửa vào củi, lửa truyền mãi không biết đến đâu là cùng.
***
TỔNG BÌNH
ở thiên Tề- Vật, Trang tử cho rằng "sinh tử" là một. Vậy sao còn quý cái sống mà dưỡng nó?
Hỏi thế là hỏi sai. Không ham sống, không sợ chết, xem tử như sinh, sinh như tử, và sinh tử là một, đó là cái Đạo của Tề Vật. Nhưng ở cảnh nào phải biết vui với cảnh ấy[xvii]. Đang sống mà không lo dưỡng nó, để phải tật bệnh đau khổ, không biết thuận theo tự nhiên của nó mà dưỡng nó, thì còn đâu gọi là vui với đó! Không dưỡng nó để cho nó đau khổ, như vậy là cầu cái chết hay sao? Có biết bao kẻ quá đau khổ, đi cầu cái chết để thoát khổ của cảnh sống đầy tật bệnh, đó chẳng phải là coi cái chết là quý sao? Như vậy đâu còn phải là cái Đạo của Tề- Vật nữa!
***
A. Những nguyên nhân làm cho ta thương sinh rất nhiều, nhưng không có chi nguy hiểm bằng "tham vọng". Sự đèo bòng tham muốn chạy theo ngoại vật, cũng như chạy theo cái hiểu biết của cái học trục vật, đeo đuổi theo những vật bất thường và mộng ảo, là nỗi ưu tư không bờ bến làm mòn mỏi sinh lực con người không sao cứu được.
Bởi vậy, ở đầu thiên Dưỡng Sinh, Trang tử nói: "Sinh lực của ta thì có hạn, mà sự muốn biết của ta thì không bờ bến. đem cái có hạn (như sinh lực của ta) để mà chạy theo cái không bờ bến (như lòng ham muốn của ta) là nguy vậy! Đã biết thế, lại không dừng, càng nguy hơn nữa".
Tiến thêm bước nữa, ông nói: "Làm việc thiện mà không bị danh ràng buộc; theo con đường giữa mà đi, thì có thể giữ được thân mình, có thể toàn được sinh mạng, có thể nuôi dưỡng mẹ cha và có thể hưởng được hết tuổi trời".
ở thiên Biền Mẫu có đoạn giải rất rõ cái ý nghĩa của trên đây: "Bá Di vì danh mà chết ở núi Thú Dương, còn Đạo Chích thì vì lợi mà chết ở gò Đông Lăng. Hai người ấy, tuy cái chỗ theo mà chết không giống nhau, nhưng đều làm tàn hại cái Sống, thương tồn cái Tính mình cả. Chắc gì Bá Di là phải, mà Đạo Chích là quấy? Người trong thiên hạ đều chết theo như thế cả. Nếu mà cái mình chết theo là Nhân, là Nghĩa, thì tục gọi là cái chết của người quân tử. Nếu cái mình chết theo là tiền bạc, thì tục gọi là cái chết của tiểu nhân. Cái chỗ mà mình chết theo chỉ có một, vậy mà cũng quân tử tiểu nhân ư? Đến như việc tàn cái sống, tồn cái tính, thì Đạo Chích cũng như Bá Di, đâu có khác nhau chỗ nào!"
Người đạt Đạo, không thiên về lẽ Phải hay lẽ Quấy, hoặc nói cho đúng hơn, đã vượt lên trên Phải Quấy và đã "thuận theo con đường giữa" (duyên đốc dĩ vi kinh) nghĩa là gìn giữ Quân bình, nên không thiên hẳn bên nào đến phải "chết vì một cái gì cả" dù là cho lẽ Phải hay lẽ Quấy nào. Đạo là Quân bình, bao giờ cũng ở trên thiện ác, cho nên người đạt Đạo biết rằng thiện ác nương nhau mà có, trong thiện có ẩn cái ác, trong ác có ẩn cái thiện, cho nên không vì điều Phải lẽ Quấy nào cả, mà phải ràng buộc mình và lo âu đến phải thương sinh vì nó cả. Nghĩa là người đạt Đạo là kẻ hoàn toàn tự do, không còn nô lệ bất cứ một bảng giá trị về điều Phải lẽ Quấy của một thứ luân- lý tịnh nào nữa cả, cổ cũng như kim.
***
B. "Lưỡi dao" của Bào Đinh đi giữa xương thịt mà không chạm gân xương nên đặng lâu dài mà không mòn mẻ. Đạo dưỡng sinh của người cũng một thế: cứ hoạt động trong chỗ hư không, thuận với lẽ tự nhiên, thì vật không thương tồn được.
Lòng "ham muốn" của ta về những vật ngoài ta, khác nào như "gân xương", còn sinh lực của ta khác nào như "lưỡi dao". Hễ còn lòng tham muốn, đèo bòng theo những vật ngoài mình, tức là "những vật không tùng mình …" thì mới có lo sợ: lo được, sợ mất. Đắc thất, doanh hư, thị phi, vinh nhục… đều là những cớ để làm náo loạn tinh thần, thương tồn sinh mạng. Tranh đấu với những điều không thể tranh được, như thị phi, vinh nhục, với những lẽ Doanh Hư Đắc Thất trong đời, thì tranh ắt phải thất, đó là đem lưỡi dao bén mà chạm vào "gân xương", thì dao mòn lưỡi mẻ. Vì vậy mà Lão tử mới đề xướng thuyết "bất tranh": "Vì ta không tranh nên thiên hạ không ai tranh nổi với ta"
Tranh với nhau, là vì còn cùng nhận một bảng giá trị như nhau, chứ đối với kẻ đã vượt lên trên thị phi thiện ác… thì còn đi tranh với họ Phải Quấy làm gì được nữa. Có ai lại đi tranh giành phú quý với kẻ đã xem thường phú quý? Cho nên mới nói: "Vì ta không tranh, nên thiên hạ không ai tranh nổi với ta".
***
D. Lại còn một nguyên nhân nữa làm cho con người thành một con vật đau khổ nhất trên đời, là lòng "ham sống, sợ chết". Lòng "ham sống" và "sợ chết" mà không còn, thì tinh thần ta mới không náo loạn. Tinh thần mà không náo loạn, thì bệnh hoạn do đâu mà sinh ra?
"Lão Đam chết, Tần Thất đến điếu, khóc gào ba tiếng rồi bước ra.
Học trò hỏi: không phải bạn của thầy sao?
Phải.
Vậy thì, điếu như vậy coi được không?
Được chứ! Trước kia, đó là bạn ta thật; nay thì không phải vậy nữa. Lúc nãy ta vào điếu, thấy có người già khóc như khóc con, có người trẻ khóc như khóc mẹ. Cái chỗ hợp lại đó (cái xác của ông ta), có cầu ai nói đến mà nói, có cầu ai khóc nó mà khóc. Thế là đã trốn trời, thêm tình, quên chỗ mình thọ lãnh. Người xưa gọi đó là hình phạt của sự trốn trời. Vui mà đến, là phu tử an thời; vui mà đi, là phu tử xử thuận. An thời xử thuận, thì buồn vui không sao xâm nhập cõi lòng. Người xưa cho rằng đó là tháo mở cái sợi dây mà Tạo Hóa đã cột ta vào cõi sống. Thì cũng như việc lửa vào củi, lửa truyền mãi không biết đến đâu là cùng."
Dùng lửa mà nhen củi, củi tận mà tưởng là lửa tận, đó là chỗ thấy của thường nhân. Thật ra, củi có tận, mà lửa thì vô tận, truyền mãi từ bó củi này sang bó củi khác, không khác nào cái Sống của ta truyền từ hình thể này qua hình thể kia.
***
Dưỡng sinh có hai phương diện! Dưỡng cái sống "có sống có chết" (thân thể) và dưỡng cái sống "không sống không chết"(chân tình). Trên đây, là bàn về cái Đạo dưỡng cái sống "có sống có chết". Đến khi bàn đến cái sống "không sống không chết", Trang tử kết luận bằng cái tỉ dụ "củi và lửa" như vầy: "khi lửa cháy hết bó củi nầy, thì truyền sang qua bó củi khác…không bao giờ tắt". Cái sống "không sống không chết" như lửa, không bao giờ cùng. Hãy gìn giữ nó, và đừng bao giờ để nó vì tư tâm tư dục mà đèo bòng tham muốn những cái ngoài phận mình mà mờ tắt đi.
***
Dưỡng sinh cũng phải vừa lo trong, vừa lo ngoài, không nên thái quá hay bất cập.
Thiên Đạt sinh giải về cái Đạo dưỡng sinh vừa bên trong bên ngoài nầy rất rõ: "Điền Khai Chi yết kiến Châu Uy Công. Uy công nói: Ta có nghe thầy của khanh là Chúc Thận có được cái Đạo sống. Khanh cùng Chúc Thận ở chung với nhau, vậy khanh có nghe nói về Đạo ấy không?
Điền Khai Chi nói: Tôi là đứa quét nhà, làm gì nghe đặng!
Uy công nói: Điền tử chớ khiêm nhượng. Quả nhân muốn nghe điều đó.
Điền Khai Chi nói: Nghe thầy tôi nói: người khéo dưỡng sinh giống như người chăn chiên. Thấy con nào lẻ bầy, thì quất nó (cho nó trở về với bầy)."
Uy công nói: Nghĩa là sao?
Điền Khai Chi nói: Tại nước Lỗ, có tên Đơn Báo ở trong non, uống nước suối, không cùng người cộng lợi. đã bảy mươi tuổi mà nhan sắc còn như đứa con nít. Rủi bị cọp bắt ăn. Cũng có tên Trương Nghị, không cửa cao nhà rộng nào mà y không chạy đến (để cầu thân). được bốn mươi tuổi, bị bệnh nội thiệt mà chết. Báo, thì dưỡng phần trong mà cọp ăn phần ngoài; Nghị, thì dưỡng phần ngoài mà bị bệnh giết phần trong. Hai người đó đều không biết quất con chim lẻ bầy."
Trong và ngoài, là hai điều không thể lìa nhau. Vật chất, tinh thần, đối với Trang tử, không phải chỉ ảnh hưởng lẫn nhau rất mật thiết mà thôi, hơn nữa, cả hai là một. Để cho lìa nhau, là sai với tự nhiên, không khác nào con chiên lạc bầy. Đánh cho nó trở về, là hợp lại hai lẽ "trong" và "ngoài": đạo dưỡng sinh đến đó mới là đầy đủ và toàn hảo.
***
Đến như cái hại về sinh lực do sự sắc dục ăn uống mà gây nên, người dưỡng sinh cũng không nên không để ý: "Gặp nơi tử địa, anh em cha con còn biết lo sợ, răn bảo nhau đừng bước vào. Còn như trên chăn chiếu, giữa cuộc uống ăn, cũng là nơi tử địa, sao không mấy kẻ biết lo sợ, không biết răn mà nhủ nhau, lại còn mạo hiểm lăn mình vào, thì là quá rồi!" (Đạt Sinh)
Nhất là đừng để kẻ khác lợi dụng lòng háo danh của mình để bắt mình phụng sự cho tư dục họ: Trang tử, cũng trong thiên Đạt sinh, có nói: "Một vị quan lãnh việc tế tự, nói với heo: Sao bây ghét chết? Ta nuôi bây trọn ba tháng. Vì bây mà ta phải giữ ba ngày chay, mười ngày giới. Lúc tế, ta để bây trên chiếu trắng, trên mâm chạm. Bây còn phàn nàn nỗi gì nữa? Ôi! Nếu vị quan ấy, thật tình nuôi heo (vì nó), sao không để cho nó tự do ăn tấm cám, sao cũng được. Vị quan ấy thích sống theo áo mão, chết có quan quách, và cho vậy là vinh, rồi lại tưởng cho heo cũng như thế!"
Người ta nói: "nuôi quân ngàn thuở, nhờ có một khi"…Và chỉ một khi thôi, nhưng có khi lại phải thương sinh tính mạng là thường… "Trang tử câu trên sông Bộc. Sở vương sai hai quan đại phu đem lễ vật mời ông ra làm quan. Trang tử cầm cần câu không nhúc nhích cũng không thèm nhìn lại, nói: "Tôi nghe vua Sở có con thần quy, chết đã ba nghìn năm. Vua Sở quý nó và cất trên miếu đường. Con qui ấy, chịu chết để lưu lại cái xương của mình cho người ta thờ, hay chịu thà sống mà kéo lê cái đuôi của mình trong bùn?"Hai vị đại phu nói:" Thà sống lê cái đuôi trong bùn còn hơn."Trang tử nói:" Thôi, về đi. Ta đây cũng chịu kéo lê cái đuôi của mình trong bùn."(Thu Thủy)
Người theo Đạo Dưỡng Sinh có đâu lại lao đầu vào vòng "cân đai áo mão", "cá chậu chim lồng" để phải bị chặt chân, lại còn ngoan cố ngụy biện cho là số Trời[xviii]! "Con trĩ ở trong chầm, mười bước đi một lần mổ, trăm bước đi một lần uống, nhưng nào có mong được nuôi dưỡng ở trong lồng…" dù đó là một cái lồng sơn son thếp vàng…
------------------------------------------------
Tri: ở đây có nghĩa là sự hiểu biết theo nhị- nguyên; nhân đó mới có sự lo âu, nghĩ ngợi, do lòng đèo bòng tham muốn chạy theo ngoại vật cũng như chạy theo cái học trục vật. Lão tử bảo: "Vi học nhật ích".
Theo Trang- tử, ở thiên Tề- Vật- Luận, thì không có gì là thật Phải, thật Quấy, thật thiện, thật ác một cách tuyệt đối. Có cái thiện không nên làm, có cái ác cần phải làm, để lập lại thế quân bình. Nhưng làm việc thiện không nên vì danh (tức là vị ngã), làm việc ác không nên vì nó mà lụy thân: cả hai đều làm thương sinh cả. [ii] Duyên đốc. Duyên có nghĩa là thuận; đốc là giữa. Muốn giữ được Đạo dưỡng sinh, cần ăn ở mực thước, đừng có cái gì thái quá. No quá, đói quá không nên; vui quá, buồn quá cũng không nên.
Nếu làm việc thiện (ám chỉ các việc Phải, việc lành) thì coi chừng, đừng để sa vào cái bẫy của tấm lòng hiếu danh; còn làm việc chẳng phải (sai với phép nước, sai với luân- lý đạo đức của xã hội mình đang sống) thì phải phòng người trong xã hội trừng phạt lên án. Tránh hai lẽ cực đoan ấy, mà dùng đến trung đạo có lẽ sẽ giữ được mình, có thể toàn được sinh mạng… hưởng được hết tuổi trời.
Làm sai với phép nước để đến bị xã hội tru lục, đành rằng, đó là không biết cách phòng hoạn cho bản thân, nhưng làm việc thiện, làm việc phải để được tên tuổi vang lừng trong thiên hạ, cũng chưa phải là biết cách phòng hoạn nữa. Bởi vậy, ở thiên Nhân Gian Thế sách Trang- tử cũng có câu: "cây trên núi, tự nó là cừu địch của nó… cây quế ăn được, nên bị đốn. Cây sơn dùng được, nên bị chặt." Con người mà có tài và để cho người người đều biết mình là có tài, thì sẽ như cây sơn, cây quế… bị chặt, bị đốn. "người ta đều biết cái lợi của hữu dụng, mà không biết cái lợi của vô dụng." [iii] Bào: là người đầu bếp. ở đây lấy nghề làm họ.
Đinh: là tên của người đầu bếp. (theo Chu Quế Diệu dẫn Thích Văn) [iv] Văn Huệ Quân: tức là Lương Huệ Vương. [v] Ngưu: là bò. (Ta thường nhận lầm chữ nầy là trâu. Con trâu gọi là thủy ngưu). [vi] ở đây, đọc là Gian: hai chữ nầy cổ văn dùng lẫn nhau. [vii] Hữu Sư: một tước quan. [viii] Giới: một chân. Người một chân. [ix] Hữu dư: hai chân cùng đi. [x] Kỳ: cầu mong
Phàn: cái lồng. [xi] đọc là vượng. [xii] Bội tình: Tình, là tình cảm vui buồn (vui được, buồn mất) của thường nhân chưa huyền đồng con người tạo vật. [xiii] Thích lai là chỉ về cái sống; thích khứ là chỉ về cái chết. [xiv] Chữ đế là ám chỉ Tạo hóa, tự nhiên (không phải là Thượng đế theo quan niệm Thần quyền). [xv] Huyền giải: Huyền, là cột lại; giải, là mở ra. Người Pháp gọi là Association và Dissociation..
ở thiên Đại Tông Sư cũng có nói: "Đắc giả thời dã, thất giả thuận dã ; an thời nhi xử thuận, ai lạc bất năng nhập dã, thử cổ chi sở vị Huyền giải dã." Bởi vậy, chỗ mà Trang- tử gọi là Huyền giải, là ám chỉ cảnh giới mà Sống Chết bằng nhau, quên cả sự đắc thất. [xvi] Cùng, tức là hết, ám chỉ củi. Củi là thân thể ; lửa, là tinh thần. Củi tuy có chỗ tận, chỗ cùng, nhưng hết bó này đến bó kia (vô tận), thì lửa truyền từ bó củi này sang bó củi kia cũng vô đây. ở đây ta thấy chủ trương của Trang- tử là tinh thần và vật chất đều nương nhau mà có, đều là một, và sinh tử cũng là một. [xvii] Đây là chỗ mà cái học Lão Trang sở dĩ có khác với cái học của nhà Phật tiểu thừa "xem đời là bể khổ", ‘sinh, lão, bệnh, tử, khổ", nhìn cuộc đời hiện tại đều phủ một màu đen tối… Trang- tử thì khác: "Trang- Châu chiêm bao thấy mình làm bướm, vui phận làm bướm, tự thích chí, không còn biết có Châu nữa…"chứ không "đứng núi này trông núi nọ", đang sống, lại lo cầu đến cái sống sau khi chết. [xviii] Ngụy biện như quan chủ tế ngụy biện với đám heo tế đã kể trên đây vậy.