Nhà thơ bất tử
Asimov, Isaac
Lời giới thiệu của dịch giả: Sinh năm 1920 tại Nga. Cha mẹ ông là người gốc Do Thái, di cư sang Mỹ năm 1923. Ông là nhà hóa học, tự xem mình là người vô thần, và được coi là người đã đặt ra chữ robotics và positronic. Ông viết rất nhiều, phần lớn truyện của ông thuộc loại khoa học giả tưởng như Pebble in the Sky, The End of Eternity, Foundation, The Naked Sun, Fantastic Voyage, Nemesis, The Gods Themselves..., và các sách góp phần phổ biến khoa học trong giới bình dân như The Intelligent Man’s Guide to Science, Understanding Physics, Asimov’s Guide to the Bible, Asimov’s Guide to Shakespeare... Ông mất năm 1992.
Nhà thơ bất tử (The Immortal Bard) trích trong tuyển tập truyện ngắn Earth Is Room Enough, nhà xuất bản Doubleday phát hành năm 1957 tại New York.
___________________
Tiến sĩ Phineas Welch nói:
- Ồ, đúng. Tôi có thể mang hồn danh nhân về.
Ông hơi say, nếu không có thể ông đã không nói. Tất nhiên hơi say trong tiệc Giáng sinh hàng năm là chuyện bình thường.
Scott Robertson, thầy giáo trẻ dạy Anh văn của trường, sửa lại gọng kính, nhìn quanh quất để xem họ có bị ai nghe thấy không.
- Thật sao, tiến sĩ Welch?
- Tôi nói thật. Chẳng những hồn, tôi còn mang cả xác họ về nữa.
Robertson nói với vẻ nghiêm trang:
- Tôi không nghĩ là làm được.
- Sao không? Chỉ là vấn đề chuyển đổi thời gian thôi.
- Ông muốn bảo là du hành vượt thời gian à? Nhưng chuyện đấy rất ư là... bất thường.
- Không bất thường nếu chú biết cách.
- À, cách nào, tiến sĩ Welch?
Nhà vật lý nghiêm nghị hỏi:
- Tưởng tôi chỉ cho chú hả?
Ông lơ đãng nhìn quanh tìm một ly rượu nữa mà không thấy. Ông nói:
- Tôi đã mang về khối người. Archimedes, Newton, Galileo. Mấy anh chàng tội nghiệp.
Robertson nói:
- Họ không thích chốn này sao? Tôi nghĩ lẽ ra họ phải mê mẩn vì nền khoa học tân tiến của chúng ta chứ.
Anh bắt đầu thích cuộc nói chuyện này.
- Ồ họ thích. Họ thích. Nhất là Archimedes. Thoạt tiên tôi ngỡ ông ấy phát điên lên vì vui sướng khi nghe tôi giải thích sơ bằng tiếng Hy Lạp mà hồi xưa tôi đã gạo kỹ, nhưng không, không...
- Thế có chuyện gì không ổn?
- Chỉ là khác biệt văn hóa thôi. Họ không quen với cách sống của chúng ta. Họ cực kỳ cô đơn và hốt hoảng. Tôi phải đưa họ về lại.
- Bết quá.
- Ừ. Những khối óc vĩ đại, nhưng không linh hoạt. Không phổ cập. Vì vậy tôi thử Shakespeare.
- Cái gì?
Robertson kêu lên. Chuyện này gần gũi hơn. Welch bảo:
- Đừng la lớn, chú em. Tính xấu đấy.
- Ông bảo ông mang Shakespeare về à?
- Ừ. Tôi cần một người có khối óc phổ cập, một người thấu hiểu con người đủ để có thể sống xa thời đại của mình hàng thế kỷ. Shakespeare chính là người đó. Tôi có chữ ký ông ta. Như món quà kỷ niệm ấy mà.
Robertson trợn mắt hỏi:
- Ký tặng ông à?
- Đây này.
Welch lục túi này sang túi khác:
- À, đây rồi.
Thầy giáo nhận mẩu giấy bồi. Một mặt ghi: “L. Klein & Con, Bán sỉ đồ sắt”. Mặt kia viết “Will Shakespeare” bằng nét chữ nguệch ngoạc.
Robertson đầy vẻ ngờ ngợ:
- Trông ông ấy ra sao?
- Không giống hình. Hói, ria mép xấu xí. Ông ấy nói nặng giọng Ái Nhĩ Lan. Tất nhiên tôi cố hết sức làm ông ấy vui lòng về thời đại chúng ta. Tôi bảo chúng ta đánh giá cao và vẫn còn diễn các vở kịch của ông ấy. Tóm lại, tôi nói chúng ta nghĩ đó là những tác phẩm văn chương lớn nhất trong ngôn ngữ Anh, có lẽ trong tất cả mọi ngôn ngữ không chừng.
Robertson nghẹn thở:
- Tốt. Tốt.
- Tôi bảo thiên hạ đã viết hàng bao bộ sách bình luận về các vở kịch của ông ấy. Lẽ tự nhiên ông ấy muốn xem một bộ, và tôi lấy ở thư viện một bộ về cho ổng.
- Rồi sao?
- Ồ, ông ấy thích lắm. Tất nhiên, ông ấy gặp khó khăn với thành ngữ đương thời và các dẫn chứng về những biến cố sau năm 1600, nhưng đã có tôi giúp. Anh chàng tội nghiệp. Tôi nghĩ chưa bao giờ ông ấy mong sẽ được ca tụng như thế. Ổng cứ bảo: “Trời, a trời! Chữ nghĩa năm thế kỷ rồi làm sao mà không bị bóp méo đi chứ? Tớ nghĩ thiên hạ có bé xé ra to được!”
- Không thể nào ông ấy bảo như thế.
- Tại sao không? Ông ấy viết kịch nhanh hết sức mình. Ông ấy kể ông ấy phải làm cho kịp thời hạn. Ông ấy viết Hamlet chưa tới sáu tháng. Cốt truyện từ một cốt truyện cũ. Ông ấy chỉ đánh bóng lên thôi.
Thầy giáo Anh văn căm phẫn nói:
- Thì kính thiên văn cũng thế. Người ta chỉ lau bóng lên thôi.
Nhà vật lý mặc kệ anh ta. Thấy một ly cốc-tai chưa ai đụng đến trên quầy rượu cách đấy vài bước, ông rón rén đi tới:
- Tôi bảo nhà thơ bất tử rằng thậm chí chúng ta còn dạy mấy khóa đại học về Shakespeare nữa.
- Tôi có dạy một lớp đấy.
- Tôi biết. Tôi ghi danh ông ấy trong lớp mở thêm buổi tối của chú. Tôi chưa từng thấy ai háo hức muốn biết đời sau nghĩ gì về mình như anh chàng Bill đáng thương này. Hắn học chăm lắm.
- Ông ghi danh William Shakespeare trong lớp tôi?
Robertson lẩm bẩm. Ý tưởng làm anh lảo đảo, cho dù nó chỉ là một ảo tưởng vì say. Và có phải là một ảo tưởng say chăng? Anh bắt đầu nhớ lại người đàn ông hói với cách nói kỳ lạ...
Tiến sĩ Welch bảo:
- Tất nhiên không dùng tên thật. Đừng thắc mắc ổng lấy tên gì. Đó là một sai lầm, thế thôi. Một sai lầm lớn. Anh chàng tội nghiệp.
Lúc này ông đã lấy được ly cốc-tai và nhìn nó lắc đầu.
- Tại sao sai lầm? Chuyện gì xảy ra thế?
Welch gầm lên căm phẫn:
- Tôi phải trả ông ấy về lại năm 1600. Anh nghĩ người ta có thể chịu nhục nhã đến cỡ nào?
- Ông bảo nhục nhã chuyện gì?
Tiến sĩ Welch nốc cạn ly cốc-tai:
- Còn hỏi tại sao, đồ cả quỷnh, chú mày đánh rớt ông ấy.