Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Những người bạn già

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 338 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Những người bạn già
Đoàn Ngọc Hà

Tưởng rũ sạch công danh, về làng, hưởng lương hưu hàng tháng, hưởng sự nhẹ nhõm thanh thản, hoá ra không phải thế. Vốn là một giáo viên rồi làm công chức qua Sở sau 40 năm hành nghiệp, ông Lung trở về quê với chiếc cặp có mấy cuốn sách, hơn triệu bạc công đoàn cơ quan dành dụm và một bữa liên hoan bia bọt như chan, chúc tụng như rót mà ông Lung chẳng cất được gánh buồn. Cái buồn của người mãn nguyện công chức nhưng bóng nặng của chiều tà, xám phủ, sự rời phai một quá vãng, sự tắt lụi của mọi hoài bão khi cánh cửa thời gian đang từ từ khép lại.
Theo sự sắp xếp của thằng Ngoạn con cả, bà Lung từ Sài Gòn về. Hai ông bà lúm cúm chăm sóc nhau. Việc đầu tiên, ông sửa lại sân nhà, trang bài lại căn gác, san vườn trồng hoa. Theo chỉ dẫn của ông Phan, bạn già cùng xóm, ông hãy đi nạo ít bùn từ ngòi lên vườn thì hoa mới đậu. Ông bà làm cái chậu hì hụi vét bùn. Nửa buổi, ông Lung bỗng hốt hoảng khi ông lật lên một xẻng bùn máu đỏ loè. Ông cúi xuống, một con trạch đất bị đứt làm đôi, đoạn đầu còn oặt oại trong máu! Ông sởn gai ốc. Việc con trạch bị vô tình sát hại cứ đeo đuổi ông mấy ngày. Thơ thẩn, ông ra chùa. Nhà sư đã già lắm. Đọc lại mấy cặp câu đối, ông giật mình vì chữ viết sai nhiều quá. Hỏi ra mới biết chùa mới sửa, có cung tiến về. Nhìn các thập điện thờ Phật, ông càng sửng sốt. Phật đâu mà đông đúc, nhốn nháo như họp chợ. Sách Phật quy định ngôi thứ, không còn ai nhớ nữa. Buổi họp các cụ ở đình làng, ông ra trình bày về cái sự sai sót ấy. Chẳng ai phản ứng gì. Họ còn mải gọi nhau vào các chiếu. Chiếu nhất đành cho các vị “Thượng hội đồng”. Rồi đến chiếu cộng đồng quan viên. Họ ngồi yên vị rồi, ông Lung vẫn không có chỗ. Ông ra về.
Rẽ vào cổng nhà ông Phan, ông Lung gọi toáng lên, vì ông này ngồi ở gác hai đọc sách mà đàn chó tây thì cùng tru lên chói gắt. Khác với mọi ngày, ông Lung đề nghị ông Phan bỏ thủ tục ngắm hoa, pha trà để ngồi vào bàn, có việc. Chưa nghe hết chuyện, ông Phan đã độp tay vào lưng ông bạn già:
- Biết! Biết! Khỏi lôi thôi. Nghĩ ngợi làm quái gì. Rời quan trường năm năm nay ở quê sao tôi không biết! Nói chung, chúng ta không hợp. Tôi với ông, lương nhà nước, ở nhà gác, con cái đề huề, chỉ ăn chơi hưởng lộc, họ ghét là phải.
Ông Lung cắt lời:
- Không phải chuyện ấy. Vấn đề là mình biết thì đóng góp vào cộng đồng.
- Thế hả? - Ông Phan trốn mắt rồi bật cười hậc hậc. Ông cười rõ to, cái cổ đỏ ứng lên rung nhịp - Ông mới về, khổ thân ông, tôi đã bảo là ông chưa nắm hết. Cộng đồng ư, cái cộng đồng làng xóm của người mình xem chừng phải hiểu thêm và cắt nghĩa lại. Ở làng mình bây giờ ồn ào, nhốn nháo, mất hết vẻ thanh bình làng mạc rồi. Tôi tìm đến ba chỗ ở đều không thể chịu nổi. Thôi về quê cố chịu vậy. Về rồi, mới thấy mình lạc lõng như con gà rừng. Mình muốn đem điều hay đến cho họ, họ cho mình cậy chữ, coi thường dân đen. Đi ăn cỗ với họ cứ cắm mặt xuống ăn thì lại hay. Động nói là họ bảo dạy họ. Mà họ nói ngứa tai lắm. Thì ra ta làm văn hoá, mới chỉ làm cái ngọn, còn cái gốc thâm căn cố đế ta ít động đến.
Buồn bã, ông Lung nói nhỏ:
- Đã đành. Nhưng ở quê thì phải hoà hợp với họ.
- Hoà hợp cách nào? - Ông Phan khảng khái, gần như quát lên. - Lão Quất thủ từ làng ta, chữ quốc ngữ còn phải đánh vần. Các vị “Thượng hội đồng” thì cả đời chưa ra khỏi luỹ tre làng. Giàu lên là họ ghét. Học cao hơn là họ tức tối. Chưa nói những tự do vô lối. Ai cho phép anh rước kèn thờ người chết lên loa máy làm cả một vùng mất ngủ?
Sẽ sàng, ông Lung đứng lên khép bớt cửa và ghé vào tai bạn: “Nói nhỏ chứ, ông ơi!”. Không ngờ, ông Phan đấm đùi hộc lên:
- Trời đất! Ông sợ ư? Sợ ai? Một đời làm văn hoá, tôi còn sợ cái gì? Tôi còn phải đưa lên công luận, tôi phải gào lên cho mọi người thấu!
*
* *
Hàng ngày ra chùa lễ Phật, bà Lung tải về cho ông đủ thứ chuyện. Râm ran nhất vẫn là chuyện vào các cụ. Ông Phan ba lần đưa ra “Thượng hội đồng” xét vào các cụ, cả ba lần đều không đắc cử. Ý kiến phê ông nặng nhất vẫn là sự khinh nhờn lệ làng phép nước, tính hách dịch coi thường kể cả trong làng, cậy con cái giàu nứt đố đổ vách mà miệt thị xa lánh người nghèo. Bà “cảnh cáo” ông Lung rằng người ta bắt đầu bàn đến ông rồi đấy. Không chừng, ông lại ăn phải đũa của ông Phan, động một tí là lên tiếng dạy làng. “Mà thôi” - bà Lung bảo - “ông cũng nên ít sang nhà ông Phan. Mỗi lần ông sang, người ta đều đứng ngoài nghe trộm về việc ông Phan chửi làng, về việc ông với ông Phan đàm đạo cái gì đó!”. Ông Lung làm thinh. Bà Lung tiếp: “Sống có làng, có nước, tôi bảo ông nhiều lần rồi. Mặc xác ông Phan. Bà ấy mất sớm nhưng con cháu ông ấy bề thế như giời. Ông ấy sống sao mà chả được. Có nhẽ họ nghi ông liên can đến ông Phan nên mấy lần đưa ra xét đều không được. Từ nay, mọi người cứ việc đắp tai cài trốc lại, hết năm nay thì phải “vào được các cụ”. Ông mà không “vào được các cụ” thì cũng coi như người ngoài làng. Lúc sống vậy, còn lúc chết, tủi thân lắm!”. Những lúc như thế, ông Lung không nói gì, ông đi nằm. Theo lệ, bà đã chải gối, lấy lọ nước muối để đầu giường cho ông súc miệng. Nằm mãi không ngủ được, ông Lung quờ tay tìm bà. “Gì thế?” - bà dịu dàng hỏi. “Xoa trán cho tôi”. Ông bảo và nằm yên để hưởng thụ sự chăm sóc của bà. Từ ngày bà về, ông đã bớt buồn, bớt nghĩ vớ vẩn nhưng vẫn hay “làm nũng” với bà như vậy. Là con gái út cụ đồ Chớt, bà Lung vẫn giữ cái diểm dắn(?), đoan trang, phúc hậu của con nhà nòi.
Thực tình thì ông Phan đâu phải là người xấu. Một kẻ sĩ thông thái, văn chương Tây, Tàu có cả, một đời làm trưởng ty văn hoá, làm chủ tịch Hội nhà báo tỉnh, lão từng trải ghê gớm. Một con người như thế không thể dung nạp những gì bẩn tưởi, hèn kém. Ông ta phẫn nộ những “rác rưởi” ở nông thôn là phải. Còn vịệc con ông, một đứa làm thứ trưởng, một đứa là tổng công trình sư, ba đứa kĩ sư thì lại là chuyện khác. Chúng học hành và thành tài thực sự. Đi xe về làng, chúng ý tứ để xe mãi ngoài đồng rồi lóm cóm đi bộ, gặp ai cũng cúi rạp chào tử tế. Vậy mà ở quê rõ ràng ông Phan không được yên ổn, người ta cạnh khoé, người ta công kích, người ta nhìn ông như một kẻ ngoại đạo. Đến tháng nay thì ông Phan hì hụi viết. Ông bật đèn viết suốt đêm. Trên gác hai nhà ông không lúc nào tắt ánh điện. Gặp ông Lung đâu là ông Phan lại lồng lên, dắt tay bạn đến bên bàn và tát vào những trang giấy: “Phóng sự đấy, một phóng sự về chốn thôn quê hiện đại. Tôi phải gào lên, tôi phải nói sự thật!”.
Tình thế đó làm ông Lung càng đau đầu. Mỗi người một phận. Ông có thằng
con cả trong Sài Gòn, đứa con gái trên Thái Nguyên. Mỗi đứa một gia nghiệp đều muốn bố mẹ ở với chúng. Nhưng ông bà đã nghĩ kĩ. Chẳng ở đâu bằng ở quê, sống ở quê, chết ở quê. Tuy nhiên, ông vẫn không ngờ về quê mà còn rắc rối thế. Thì ra làng vẫn có cái pháp quyền u ẩn, truyền bí của nó. Hội người cao tuổi có nhưng vẫn chỉ là phong trào. Mọi sự đình đám các cụ quyết đoán. Người không có trong đoàn thể các cụ hầu như không được ra đình, không được tham bàn gì. Lúc chết, người có chân trong các cụ nằm xuống đã có trống làng, cờ quạt, ban “Thượng hội đồng” làm lễ long trọng; Kẻ ngoại sổ, khi nằm xuống, mượn cái trống làng cũng khó, chưa nói đến việc đưa tiễn. Chao ôi! Khi người ta chỉ còn nghĩ tới cái chết thì cũng là cùng đường mất rồi, buồn thảm lắm lồi, ấy thế mà chết rồi, cái thân xác xử lí ra sao vẫn còn khổ nữa. Liệu ông chết ở quê hay vào Sài Gòn chết? Rồi sẽ ra sao khi ông nằm xuống mả vẫn chưa được vào các cụ? Nắm xương vô định, biết gửi chốn nào cho yên phận? Bà vợ ông nói phải, dẫu thế nào ông cũng phải vào các cụ.
Vậy mà nguyên cớ tại đâu, một nghi án gì đó mà mấy lần đem xét, các cụ đều lắc đầu, không thông suốt. Lần thứ nhất, tháng 10 năm ngoái, khi nghe các cụ họp, ông Lung ra đình kiếm cớ xem cây cảnh. Vừa lúc các cụ tan họp. Từ vườn đình ông Lung nhìn ra thấy một đám người trang phục láo nháo. Có ông kềnh kệch đi giày Liên Xô cũ, có ông lể thể khoác ba-đờ-xuy cứt ngựa từ Pháp thuộc, có cụ khăn xếp, có cụ lại mũ lưỡi trai Nhật hoàng, có cụ quần ống sớ lụng thụng lại có cụ sơ-vin lòi ra cái bụng như cái bướu. Ông đi giày Liên Xô cũ chính là ông Quất thủ từ. Ông ấy đấm đến mấy nhát kình kịch để đi đến chỗ ông Lung vẻ đắc ý: “Ông thì rồi cũng vào nhập tịnh!”. Ông Lung căn vặn: “Thế nghĩa là lần này tôi vẫn chưa đắc cứ?” Ông Quất ngật cái cổ lên: “Hẳn!” rồi bệ vệ, ông ấy điệu hai cái giày tổ bố lên nền đình để cho cái mặt phèn phẹt đỏ lịm ngửa ra nhai trầu.
Trở về, ông Lung kể lại cho bà Lung chuyện ấy, bà Lung bảo: “Phải gai lấy gai mà khêu. Tại mình ít chơi bời với dân làng. Phải la cà và gặp ai ông cũng phải chào hỏi, với lại cũng nên công đức vào đình chùa. Chết, tôi còn có đoàn thể các già, tôi lo cho ông quá! Có bộ cửa đình đã cũ. Hay nhà ta công đức?” Ông Lung cười hiền. Mấy hôm sau, ông rút vài triệu đưa cho cái ông có đôi giày Liên Xô cũ. Ông giày Liên Xô cũ khặc khặc cười. Hôm sửa đình các cụ nháo nhác tìm bát đĩa để phục chế bức phù điêu “Lưỡng long chầu nguyệt”. Ông Lung bảo ông sẽ tìm cho các cụ cái đĩa cổ có miệng to bằng cái rá, in bát trên. Ông cho bơm nước ao nhà, rồi lội ào xuống bùn tìm đến cái góc ao quạnh vắng. Bà ôm xống áo của ông ngồi trên đợi. Dễ đến trên một tiếng đồng hồ, ông Lung tìm mà không thấy. Rõ ràng ngày chạy loạn, hai mẹ con ông đã gạt bùn, xếp cả nồi ba mươi, mâm đồng, bát đĩa cổ xuống góc ao này. Đây rồi, ông Lung reo lên. Mừng quá bà Lung cũng xắn cao quần lội ào xuống đỡ cho ông cái đĩa cổ tuyệt đẹp. Để nguyên mình trần lấm láp, ông Lung mang đĩa cổ chạy ra ngoài đình. Bà Lung ôm mớ xống áo chạy theo. Các cụ “Thượng hội đồng” đều vuốt râu khen cái đĩa đẹp. Nhưng bỗng một cụ thận trọng ghé tai vào ông Lung hỏi nhỏ: “Bà ấy đã cầm vào cái đĩa chưa đấy?” Ông Lung trả lời thế nào mà các cụ lại gật đầu khen rối rít: “Thế là còn tịnh. Được, được lắm!”. Lập tức, cái đĩa được rước lên gắn vào bộ phù điêu sang trọng.
Tin ông Lung sắp vào các cụ tới tấp đưa về. Ông bà Lung mừng lắm. Cuối cùng thì ông giày Liên Xô chính thức thông báo ý kiến các cụ: Rằm tháng hai này sẽ làm lễ nhập tịnh cho ông Lung. Oái oăm thay, giữa lúc ấy thì cái nhà ông Phan cứ thúc thả đến tìm gọi ông Lung sang nhà ông để chơi bời, bàn luận. Có tới dăm bảy lần như thế, lão cứ bác cái cổ to tổ bố lên mà gọi ồi ồi ngoài cổng rồi lại tũng tẫng về với cái quần soóc chứa hai quả mông lính phính như hai cái giành. Ông Lung lánh mặt, cố lánh mặt. Những lúc ông Phan gọi, bà Lung ôm chồng đẩy vào khe cót lúa cẩn thận rồi mới ra thông báo với ông Phan: “Ông nhà tôi ra bưu điện mua báo.”
Ngày rằm đến, bà Lung sửa soạn mâm cơm mời họ, coi như bữa cơm mừng ông Lung nhập tịnh hưởng lộc làng, lộc thánh. Trừ thằng con cả trong Sài Gòn, bà Lung báo con cháu về mừng. Bữa tiệc chưa tàn thì con chó chồn ra sân roãi cổ tru lên oăng oẳng. Ông Quất lừng lững từ cổng vào. Đôi giày to chuyển từ tiếng bình bịch ngoài vườn sang tiếng độp độp trên sân gạch. Bà Lung vội ra đón khách. Khuôn mặt quá khổ của ông này vẫn ngửa lên trời mà ngoen ngoét nhai trầu trong khi nói:
- Thôi nhá! Các cụ chưa nhất trí cho ông lão nhà bà nhập tịnh!
Một giây bàng hoàng tổ tán, bà Lung se sẽ kéo vạt áo ông Quất vào góc sân hỏi dồn:
- Thế thì sao? Thế thì vì lỗi gì, ông cho tôi biết?
- Tôi không biết?
- Ơ, không biết? - Bà Lung chuyển giọng, giãy nảy lên. - Các ông lạ nhỉ! Bắt tù bắt tội cũng còn có án. Ừ, ông nhà tôi có tội gì nào? Nhà tôi có ăn trộm chuông chùa, có đâm chém ai, có làm thất đức đâu mà các ông không cho nhập làng? Tôi phái hỏi cho ra nhẽ, rồi trên, tôi tấu lên tam toà Bắc đẩu, dưới tôi trình lên Chính phủ, Nhà nước cho các ông rũ tù!...
*
* *
Hơn một năm sau, thời gian vẫn chưa khoả lấp hết những hoảng loạn trong tâm trí ông Lung. Ờ, thế là ông đã xa nhà vào ở với thằng con cả hơn một năm trời. Ngày ông đi, bà khóc quá. Bà lo cho sức khoẻ của ông nhưng tình thế không giữ ông ở nhà được. Tự dưng người ông cứ gầy rạc đi, đêm nằm thổn thức lúc thức giấc lại kể cơn chiêm bao vừa thấy, toàn ác mộng, kể xong, ông rũ ra kêu trời, buồn bực, ngơ ngác người nhợt ra, chân tay lạnh giá. Vào Sài Gòn, ông nhớ bà quá nhưng thằng cả giữ không cho về. Ông ăn uống, luyện tập nghiêm ngặt theo liệu pháp, giữ điều độ thuốc uống theo sự bố trí dày công của thằng cả. Tất cả để sức trở lại, chờ ngày ra Bắc sống với bà.
Ông nghĩ, dẫu quê còn trái ngang, rồi sẽ hoà hợp tất cả có lẽ nào mình thành tâm mà bị tách ra rìa mãi. Tất cả là do thích ứng. Ông sẽ thích ứng, điều ông chưa kịp nói hết với người bạn đã ra đi. Giá bạn ông - ông Phan tự tiết chế mình một chút. Người vậy mà ngã đùng ra chết. Chẳng ai biết vì sao lão Phan đột tử một cách kinh hoàng như thế ngoài ông Lung. Chính nỗi kinh hoàng ấy đãkhiến ông Lung phải cao chạy xa bay vào đây ở với thằng cả. Cơn bột phát, nộ khí tức tối đến điên khùng của ông Phan trút lên tới tấp trên trang giấy. Đúng là ông muốn gào lên cho hả dạ. Tuổi già làm việc quá sức lại sẵn chứng cao huyết áp, lại bị o bế, bị từ chối giao hảo, ngay cả đến người bạn cuối cùng là ông Lung cũng không thèm gặp ông nữa. Hỡi ôi, khi biết tin, ông Lung chạy sang thì lão đã phây phây nằm, người đầy trồi trội, cái trán to tướng ngửa ra, hai cánh tay co lên trước ngực như vẫn còn nộ khí. Tán tàn, cờ lọng cắm đầy đường. Xe con cắn đuôi nhau như càng cạc. Làng Đồng Thành đầy khách sang trọng. Làng đứng ra tổ chức, thế chứ, mấy khi thiên hạ rong ruổi về cúi đầu trước một kẻ sĩ của làng. Vị thứ trưởng, vị tổng công trình sư con ông Phan chắp vái từng người làng. Trống làng thùng thình,linh cữu ông Phan được cất lên tròng trành rồi phẳng là trôi theo đoàn người. Đến ngã ba giữa đồng, vị chấp hiệu hô to, tiếp cặp tre “cách cách” thông lệnh nghỉ, cỗ cữu vừa hạ thì một vị trong “Thượng hội đồng” bước ra, toa toa lên như lệnh vỡ: “Làng nước nghe đây! Tình nghĩa với vị quá cố, ta đưa đến đây đã là đủ. Thể tất không băn khoăn gì nữa, ta đã làm tròn bổn phận đạo làng nước. Bây giờ làng bàn giao lại việc tiễn đưa vị quá cố cho con cháu, làng bái yết tất cả quan khách và xin từ biệt”. Thật kinh hoàng! Đám đông rùng rùng, xôn xao. Con cháu tủi thân khóc thét lên. Phút chốc làng bỏ về hết chỉ còn con cháu và khách khứa. Ở một tình thế bất ngờ, thương ông bạn, ông Lung chọn một mô đất cao, đứng lên, bắc loa tay: “Tất cả đừng lộn xộn. Xin nghe đây, tôi là bạn ông Phan, xin các quý khách nâng giúp linh cữu ông Phan ra phần mộ!”. Giời đất! Như có phép thần, hàng trăm khách lật mũ, cởi áo, tháo giày lăn vào đỡ linh cữu. Không biết do giúp được bạn hay vì thương mình, ông Lung nói xong câu ấy thì bưng mặt khóc. Ông khóc hô hô. Bà Lung phải kêu lên, rẽ đám đông dìu ông về …
- Bố, bố phải chuẩn bị cho con các toa thuốc, ghi chữ cho từng gói kẻo lẫn, quần áo của bố nữa. Con thu xếp cho bố về thăm mẹ ít ngày do con có việc cần ra Hà Nội giải quyết gấp.
- Thế thì đi ngay à con?
Mừng đến ngớ ngẩn; ông Lung chỉ còn kịp khoác chiếc áo rồi xách túi đựng đầy các toa thuốc ra xe. Ngồi trên xe, ông chỉ nghĩ đến bà. Thôi, ông sẽ ở quê, tuổi giả ông bà có nhau. Giời từ đêm mai ông lại được nằm bên bà, hít thở vào cái gáy mịn trắng, thơm ấm, được bà xoa trán cho đến khi chìm vào giấc ngủ.
Xe đến bệnh viện huyện thì thằng cả bảo ông vào nghỉ chân ở phòng khách bệnh viện có mấy bác sĩ. Tiếng thằng cả đanh rắn khác thường:
- Con nói, bố phải bình tâm. Bố không nghe con không được đâu. Bác sĩ đã trực sẵn nhưng con tin rằng bố không cần đến bác sĩ. Thôi nào, bố ráng sức chịu đựng. Con lạy bố, bố giữ thể trạng cho con. Con báo tin buồn, mẹ con mất rồi!
Người ông giật lên. Ông nhìn những bóng áo trắng lố nhố.
Mười ngày ma chay rồi cũng qua. Chưa biết sống ở quê hay đi với thằng cả, tạm thời ông hãy ở nhà trong vòng 49 ngày thắp hương gọi bà về ăn cơm. Cứ nâng bát lên là ông khóc. Sau bảy ngày bà mất thì ông có đôi giày Liên Xô sang bắc chân chữ ngũ, mặt phèng phèng, miệng rộng hoác và đỏ lòm, lười thè lè đưa đẩy miếng trầu, ông ấy vui mừng thông báo:
- Ngày mai làng làm lễ nhập tịnh cho ông đấy!
Đã tê dại đi trong nỗi đau, đã cảm thấy hết cái khốc liệt của một kiếp người, sinh hoá, hoá sinh, như một thứ trò đùa, ấy vậy mà người ta vẫn nhơn nhơn làm khổ nhau, ông Lung thờ ơ và mệt mỏi:
- Tôi ấy à?
- Phải! - Lão kia bỏ miếng bã trầu ra để tra vào miệng miếng trầu khác. Rồi không hiểu sao, hứng khởi do đâu lão cúi gập, lóm thóm đến bên ông Lung, không quên nhìn ảnh bà Lung rồi cúp người đầy vẻ bí mật, lão thầm thào: “Tại bà đẹp quá. Khính khính!” - Lão cười như thế. - “Rõ đến già vẫn đẹp. Mấy lần đưa ra, các cụ đều ngần ngại. Người đẹp thế, vị tất lúc nào ông cũng rếch tay, mà vào các cụ là phải thanh tịnh. Với lại già rồi, ông bà vẫn ngủ chung giường là thế quái nào? Cả cái hôm, ông biếu cái đĩa ngọc, bà ấy cũng không có ý tứ, trước các cụ “Thượng hội đồng” mà cứ khoe ra cái đùi trắng hếu. Khính khính!” - Lão lại cười cái điệu cười rất lạ như thế, rồi đến bên ảnh bà, lão vái đủ ba cái.
Thì ra nguyên cớ thật đơn giản, nào ông có biết. Ông thở dài lại muốn khóc./.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 466

Return to top