Chúng ta là những người học Phật, tu theo Phật, chủ yếu là phải hiểu Phật dạy như thế nào, để đi đúùng đường không lầm lạc được lợi ích, đường hướng ấy được dạy ở bài chánh báo và y báo. Chánh báo là quả báo gốc hay quả báo chủ yếu của nghiệp nhân đã tạo, còn y báo là quả báo nương nơi chánh báo mà có như nhà cửa cảnh vật xung quanh... Chánh báo và y báo là chỉ cho con người và cảnh vật thuộc về con người. Vậy chánh báo và y báo cái nào là gốc cái nào là ngọn ? Nếu chúng ta không hiểu sẽ bị lầm lẫn và không biết cái nào là gốc để tu, cứ mãi chạy theo cái ngọn, rồi cả đời tu không được lợi ích. Vậy, quí Phật tử học xong, tự kiểm lại xem từ lâu mình tu là tu theo ngọn hay tu theo gốc?
Tại sao nói chánh báo tốt thì y báo tốt ?
- Vì có con người tốt mới có cảnh vật tốt. Chữ tốt ở đây là chỉ cho người có tài, có trí, có đức hạnh. Người tài trí đức hạnh ở đâu thì hoàn cảnh sẽ chuyển theo họ trở thành tốt đẹp. Có khi nào một người bất tài vô trí thiếu đạo đức tạo được một sự nghiệp vẻ vang không ? Nếu có là nhờ phước dư ở quá khứ, chỉ có trong giai đoạn ngắn rồi cũng hoại, không bền. Người tài trí đức hạnh dù hoàn cảnh không tốt, nhưng họ có thể chuyển lần lần thành tốt. Ví dụ những nhà kiến trúc, những kỹ sư có tài đức, vì một lý do nào đó họ đến ở nơi núi rừng xa vắng. Với cảnh rừng núi này, họ họp tác kiến thiết xây dựng cuộc sống mới. Một thời gian sau cảnh hoang vắng rừng núi đó trở thành vùng trù phú xanh tươi. Còn nếu người bất tài vô trí, thiếu đạo đức, dù ở trong hoàn cảnh tốt rồi cũng trở thành hư xấu, vì họ thiếu khả năng xây dựng kiến tạo, mà cảnh vật thì mau hư hoại, không được sửa chữa.
Một sự kiện trước mắt chúng ta là khu Thường Chiếu, trước năm 1974 là một vùng đất hoang vắng, chỉ có tre gai, tranh, mắc cở... không có nhà cử cây trái. Sau này nhờ những người biết tu có chánh báo tốt, biến nơi này thành một cảnh già lam nghiêm tịnh, thanh lịch. Và Viên Chiếu cũng vậy. Mọi người đều ghi nhận cảnh Thường Chiếu, Viên Chiếu thanh tịnh đẹp đẽ. Vậy cảnh tịnh và đẹp đó, là do tự cảnh đẹp hay do người mà có?
Mọi cảnh đều tùy thuộc vào con người nên con người là chủ là chánh báo, còn cảnh vật là bạn tùy thuộc vào con người, nên gọi là y báo. Đó là chánh báo y báo của người xuất gia. Bây giờ đến chánh báo y báo của người tại gia. Mỗi Phật tử ai cũng có gia đình nhà cửa, nếu là một Phật tử biết tu đúng như lời Phật dạy và là người tài đức thì, cảnh gia đình nhà cửa của Phật tử ấy sẽ êm ấm trang nhã sạch sẽ. Ngược lại, nếu là người không biết tu, là kẻ bất tài vô trí thì cảnh gia đình họ không hạnh phúc, nhà cửa họ lụp xụp, tồi tàn, túng thiếu. Vì vậy nên nói “nhìn qua cảnh biết được người”; tức là nhìn “y báo biết được chánh báo” chánh báo tốt thì y báo cũng tốt, chánh báo xấu thì y báo xấu theo.
Người đời thường nói: “thời thế tạo anh hùng” tức là hoàn cảnh đưa đẩy con người trở thành anh hùng. Cũng có người nói ngược lại “anh hùng tạo thời thế”, tức là người hùng, người tài đức tạo nên sự nghiệp vẻ vang trong đời. Hai câu này câu nào đúng? Người đời hay bàn tán: Có những người trước kia họ là những kẻ tầm thường không có tài đức, nhờ gặp cơ hội tốt họ nghiễm nhiên trở thành con người xuất chúng. Như vậy là “thời thế tạo anh hùng”. Lại có một số người khác bàn rằng: Vua Quang Trung tuy là người áo vải ở chốn quê mùa, nhưng lại là người tài trí phi thường, nên từ một con người áo vải quê mùa trở thành một vị tướng giỏi, một ông vua tài trí. Như vậy không phải “anh hùng tạo thời thế” là gì ? Kết luận, tất cả mọi người thành công trên đời đều là “anh hùng tạo thời thế. Tại sao vậy ? Vì nếu thời thế đổi thay mà chúng ta là kẻ thiếu phước, bất tài, vô trí, chúng ta không cải cách gì được hoàn cảnh, chỉ ỳ ra đó thì vẫn là kẻ tầm thường như bao nhiêu kẻ khác. Ngược lại, dù cho thời thế có biến chuyển, đổi thay trăm ngàn lần đi nữa, đối với người có tài trí đức hạnh dù trước cảnh thuận hay nghịch, họ vẫn là người dũng mãnh đứng lên cải cách xã hội, làm nên việc lớn. Vì họ là người có sẵn tài trí, phước đức. Người đời vì không hiểu rõ chánh báo, y báo nên cho rằng nhờ thời thế tốt, nên đưa đẩy con người trở thành người tài giỏi, nên nói “thời thế tạo anh hùng”. Họ đâu biết bản chất của người đó đã có cái hay cái giỏi đang tiềm ẩn sẵn, khi gặp thời thế có cơ hội phát triển bèn trở thành người tài giỏi. Để thấy rõ con người là gốc, hoàn cảnh tùy thuộc vào con người là ngọn. Người đời kẻ nhìn khía cạnh này, người nhìn khía cạnh nọ nên nói như thế, không đúng lẽ thật. Thế nên ở đây chúng tôi khẳng định “người tốt thì cảnh tốt”. Đó là trường hợp thứ nhất.
Đến trường hợp thứ hai “chánh báo xấu thì y báo xấu”. Nếu là người bất tài vô đức, dù họ có dời nhà hay thay đổi hoàn cảnh hàng trăm ngàn lần đi nữa, họ cũng vẫn là kẻ tầm thường khốn khó, hết thất bại này đến thất bại khác, ở đâu rồi cảnh vật cũng điêu tàn lụn bại, vì họ không có khả năng xây dựng kiến tạo, làm sao có được cảnh vật tốt đẹp? Như vậy, cảnh không thể làm cho con người hay, tốt, mà chính con người mới làm nên cảnh tốt, cảnh đẹp. Để thấy rằng người có chánh báo xấu mà muốn y báo tốt, việc đó không thể được, nên nói “người xấu thì cảnh xấu”, hoặc chánh báo xấu thì y báo cũng tồi tệ.
Ở Việt Nam có một số người có cái tật cất nhà lựa chỗ hàm rồng, để sau này làm ăn phát đạt, hoặc chôn ông bà cha mẹ lực chỗ hàm rồng, để sau con cháu phát quan, mà không lo tu nhân tích đức. Lựa chỗ tốt để cho con người được tốt, vậy người có tốt không ? Nếu người không tu nhân lành dù có chọn chỗ tốt, sự nghiệp người ấy vẫn không tốt, vì không tài, không đức, thiếu phước làm sao có được quả báo tốt? Vả lại, những thầy địa lý chính thống, nhìn người, thấy cảnh, biết người và cảnh hợp tốt. Tuy họ có hướng dẫn cho quí vị đến để an cư, họ luôn luôn nhấn mạnh là phải tu nhân tích đức, nếu không tu nhân tích đức thì không làm nên sự nghiệp. Như vậy, lựa cảnh tốt mà người không tốt, vẫn bất tài thiếu đức thì có giàu sang phát quan không ? Đó là một sự lầm lẫn rất lớn. Do chúng ta không thấy được cái gốc, cứ chạy theo cái ngọn, để rồi loanh quanh lẩn quẩn, không được lợi ích thiết thực. Tất cả chúng ta nếu thực là người có tài đức thì dù ở trong cảnh ngộ nào, cũng biến cảnh đó dần dần trở thành tốt.
Khi nhận cuộc đất Thường Chiếu này, đứng ngoài cổng nhìn vào, chúng tôi thấy phía trước đường đi thoai thoải thấp, phía trong là gò đất cao. Chúng tôi nghĩ: Nếu cất chùa trên gò đất cao, nhìn ra đường thì đẹp lắm. Bấy giờ chưa có tiền cất chùa, chúng tôi trồng hai hàng dương trước, đến khi đủ duyên cất chùa thì dương đã có sẵn, tạo thành cảnh chùa nghiêm tịnh, thanh lịch, đa số người đến chùa đều ưa thích. Để thấy đó là phước duyên của con người, nên sắp đặt công việc được thành công, nếu không có phước duyên thì tính trật thất bại. Nên nói “người là chủ, cảnh là bạn tùy thuộc theo người”, hay nói “chánh báo tốt thì y báo tốt”. Hiểu như vậy, Phật tử chúng ta phải làm sao xây dựng chánh báo cho tốt đẹp, vì chánh báo chính là tài trí đức hạnh con người. Y báo là sự nghiệp của cải tài sản thuộc về con người.
Nói chánh báo là con người, đó là lối nói đơn giản, chứ chánh báo là phần sâu kín tế nhị hơn, đó là tâm. Vì tâm chủ động tất cả. Nếu tâm nghĩ tốt thì miệng mới nói tốt và thân mới hành động tốt, tất cả cảnh sở thuộc về người mới tốt đẹp. Bởi vậy nói đến chánh báo là nói đến tâm. Kinh Duy ma Cật, phẩm Tịnh Quốc Độ có câu: “Tùy kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh” nghĩa là tâm thanh tịnh thì cõi nước theo đó mà thanh tịnh. Do đó nói tâm người là gốc. Tôi dẫn một câu chuyện để quí vị thấy tâm người là gốc và cảnh do tâm mà chuyển. Tôn giả Mục-kiền-liên là đệ tử lớn của Phật, nổi tiếng là có thần thông bậc nhất. Sau khi chứng A-la-hán. Ngài nghĩ đến mẹ là bà Thanh Đề, bình sanh bà sống không lương thiện, tánh tình keo kiệt tham lam, tôn giả sợ bà thác sanh vào đường ác, nên dùng thiên nhãn thông tìm xem coi bà sanh ở cõi nào. Tôn giả nhìn đến cõi ngạ quỉ, thấy bà đang làm quỉ đói thân hình tiều tụy vô cùng đói khổ. Động lòng thương, tôn giả đi khất thực được một bát cơm, liền vận thần thông đem dâng cho mẹ. Bà vốn là kẻ đầy lòng tham lam bỏn xẻn, khi vừa được bát cơm một tay bà bốc cơm một tay che lại, sợ kẻ khác thấy giựt cơm của bà. Do lòng tham lam bỏn xẻn còn đầy dẫy trong lòng bà, nên cơm vừa đưa tới miệng thì hóa thành lửa bà không ăn được, vẫn đói khổ. Nếu lúc đó bà phát tâm từ bi hỷ xả, thì chắc cơm không hóa thành lửa. Tôn giả Mục-kiền-liên trông thấy cảnh khổ của mẹ, Ngài không biết làm sao cức mẹ thoát kiếp ngạ quỉ, bèn trở về bạch Phật tự sự. Thế Tôn dạy: “Một mình không đủ oai lực chuyển tâm niệm của mẹ ông. Vậy nhân ngày chúng Tăng hôi về tự tứ, ông hãy sắm sửa trai nghi để cúng dường các vị Thánh tăng và nhờ cầu nguyện khiến cho mẹ ông chuyển tâm tham lam bỏn xẻn thì sẽ thoát kiếp ngạ quỉ”.
Nghe qua, ắt quí vị có nghi ngờ. Theo lý nhân quả người khi đã tạo nhân thì phải thọ quả. Bà Thanh Đề tạo nhân tham lam bỏn xẻn nên phải chịu quả báo làm quỉ đói, tại sao chúng tăng cầu nguyện mà bà khỏi kiếp ngạ quỉ được ? Nếu chúng Tăng cầu nguyện mà bà thoát kiếp ngạ quỉ thì trái với lý nhân quả ? Như trước đã nói tâm là gốc, tâm là chánh báo. Nếu tâm chuyển thì chánh báo và y báo theo đó mà chuyển. Tâm bà Thanh Đề tham lam bỏn xẻn đó là chánh báo xấu, nên y báo cũng xấu là sống trong cõi ngạ quỉ đói khổ. Bấy giờ bà được chúng Tăng thành tâm cầu nguyện, chuyển tâm tham lam bỏn xẻn của bà thành tâm từ bi hỷ xả. Vì tâm của chư Thánh Tăng thanh tịnh đồng hướng về bà, nên có oai lực có sức mạnh, khiến bà cảm được niệm lành, bà liền thức tỉnh chuyển tâm tham lam bỏn xẻn thành tâm từ bi hỷ xả, ngay đó bà thoát được kiếp ngạ quỉ, sanh lên cõi thiện lành. Chúng ta đừng nghĩ lầm rằng: chư Tăng cầu nguyện là thân nhân mình được giải thoát. Điều đó không đúng. Nếu chúng Tăng cầu nguyện mà thân nhân mình thức tỉnh, chuyển tâm ác thành tâm thiện thì mới chuyển đổi được kiếp đọa lạc mà sanh vào cõi thiện. Ngược lại, nếu không chuyển được tâm thì hoàn cảnh cũng không đổi thay. Vì y báo tùy thuộc vào chánh báo là tâm.
Chủ yếu của người tu là phải chuyển tâm, khi tâm chuyển thì thân và cảnh mới chuyển theo. Nếu tâm không chuyển thì thân và cảnh không thể chuyển được. Tại sao một mình tôn giả Mục-kiền-liên không khiến cho tâm bà Thanh Đề chuyển được, mà phải nhờ nhiều vị Thánh Tăng khác ? Điều này mới nghe qua có vẻ huyền bí, nhưng kỳ thật không có chi là huyền bí cả. Thực tế mỗi người chúng ta đều có nhân điện, mà nhân điện đó nó có một sức mạnh, nếu chúng ta biết luyện tập và biết ứng dụng vào cuộc sống, thì nó có tác dụng rất cụ thể, chẳng hạn như trị bệnh bằng cách xoa sát hay xoay bấm huyệt, đó là chuyền nhân điện làm cho người hết bệnh nơi thân. Cũng vậy, chư Thánh Tăng là những bậc tu hành viên mãn, tâm các Ngài thanh tịnh trong sáng, cùng hướng về một người cầu nguyện thì có một sức mạnh, có sự cảm ứng nơi người nhận. Vấn đề này trong thực tế chúng ta thấy có những sự kiện xảy ra rất cụ thể, như trong gia đình hoặc cha hay mẹ hấp hối, khi đó có người con đang ở xa, cả gia đình từ cha mẹ đến anh chị em đều trông người con ấy về để gặp mặt. Khi đó người con ở xa cảm thấy lòng xao xuyến bức rứt. Tại sao ? Vì tâm lực (nhân điện) của những người thân trong gia đình đang hướng về người con ấy, nên có sức giao cảm khiến cho lòng xao xuyến bức rứt. Nhưng vì tâm lực (nhân điện) của những người thân đó yếu, nên người con ở xa chỉ cảm thấy lòng xao xuyến thôi. Nếu tâm mọi người thanh tịnh thì sẽ có sức giao cảm mạnh, khiến cho người nhận biết rõ điều mà người trong gia đình muốn cho biết. Sự kiện này rất cụ thể, tuy quá tầm mắt của chúng ta nên khó tin, nhưng không phải là không có. Thế nên những nhà thôi miên họ dùng nhân điện điều khiển được những người mà họ muốn điều khiển một cách dễ dàng. Để thấy mỗi người chúng ta ai cũng có nhân điện, nếu nhân điện mạnh của nhiều người đồng hướng về một người nào, để cầu nguyện cho người đó chuyển tâm niệm thì sẽ được thành tựu. Do đó cầu nguyện có kết quả là vậy, chớ không phải chư Tăng nguyện, rồi Phật hay thiên thần tới rước đi về cõi khác. Đó là do lòng thành, do sức nguyện cầu, khiến cho tâm xấu ác của người trở thành tâm thánh thiện. Khi tâm thánh thiện thì nghiệp đã chuyển nên sanh về cõi thiện, đâu có trái lý nhân quả. Hiểu như thế chúng ta mới không nghi ngờ chánh báo và y báo trái với lý nhân quả. Nhưng nhớ, chánh báo mà chuyển được là phải có cơ hội, có sức mạnh đánh thức mới chuyển được, chớ bình thường khó mà chuyển nổi. Cũng như quí Phật tử khi chưa biết đạo không thích đi chùa, không thích làm phước. Nhưng nhờ một cơ duyên nào đó, chẳng hạn như trong gia đình có xảy ra tai biến khổ đau, bạn bè rủ đi nghe pháp, nên được thức tỉnh và chuyển tâm niệm liền thay đổi cuộc sống.
Quí vị đã thấy tầm mức quan trọng nhân điện của chư Tăng, đánh thức tâm niệm của người nghiệp chướng nặng nề. Và, quí vị phải nhớ, Phật dạy hàng Thánh Tăng đã chứng lục thông La-hán tâm thanh tịnh mới có đủ oai lực, chớ không phải hàng Tăng sĩ lôi thôi. Chúng ta bây giờ vì không hiểu ý nghĩa, chỉ chú trọng hình thức, miễn thỉnh được các thầy đầu tròn áo vuông tụng ê a, chuông mõ rền vang là được rồi. Chớ không cần biết các vị Tăng ấy có giữ trai giới phạm hạnh thanh tịnh không, phần sức mạnh tinh thần thì không cần lưu ý. Nếu chư Tăng không giữ trai giới phạm hạnh thanh tịnh mà cầu nguyện, thì có khác gì quí Phật tử cầu nguyện. Vậy tốt hơn là cả gia đình, cả gia quyền hợp lại tụng kinh, thành kính cầu nguyện cho cha mẹ còn có ý nghĩa hơn. Tập trung tinh thần hướng về một người để cầu nguyện, nếu tinh thần những người cầu nguyện trong sáng thì có ảnh hưởng tốt, nếu tinh thần của những người cầu nguyện đen tối thì làm sao chuyển nổi nghiệp chướng cho người, e còn làm nặng nề thêm là khác. Vì “tâm tịnh là cõi nước tịnh”, nên pháp môn Tịnh độ dạy Phật tử niệm Phật là phải niệm cho nhất tâm, mới được sanh về cõi Cực lạc (cõi tịnh). Khi niệm Phật nhất tâm rồi thì không còn một niệm dấy khởi, mà niệm không dấy khởi thì đâu có nghĩ xấu nghĩ bậy, tâm không tịnh là gì ? Tâm tịnh nhất định sanh về cõi tịnh. Ngược lại, nếu tay lần chuỗi miệng niệm Phật lâm râm, mà tâm còn toan tính chuyện hơn chuyện thua chuyện được mất, dù cho có niệm vô số câu A Di Đà Phật tâm vẫn còn nhiễm ô, Phật cũng không thể rước về cõi tịnh.
Có một số Phật tử hỏi rằng: Người niệm Phật cầu sanh về Tịnh độ, sau khi chết được Phật A Di Đà rước về cõi Cực lạc. Còn người tu Thiền không cầu sanh về cõi nào, vậy sau khi chết đi về đâu, chẳng lẽ đi lang thang?
Người tu Thiền có hai trường hợp: Một là đạt được thiền định; đối với những người sạch hết vọng tưởng tâm thanh tịnh nhất như, quyết định là sẽ được giải thoát - Niết bàn. Hai là đối với người loạn tưởng đã giảm, tâm chưa trong sạch hoàn toàn nhưng có phần thanh tịnh, khi chết chưa vào Niết bàn được. Tuy nhiên, tùy tâm tịnh ở mức độ nào thì đaến cõi tịnh ở mức độ nấy. Nếu tâm tịnh được 50% thì đến cõi tịnh 50%. Nếu t6am tịnh được 80% thì về cõi tịnh 80%... Rất là vô lý, khi tâm tịnh mà không biết chỗ đến lại đi lang thang là kiếp ngạ quỉ, do nhân tham lam bỏn xẻn mới chịu quả báo đói khát lang thang. Người tu tâm thanh tịnh, lại từ bi hỷ xả thì làm gì phải lang thang ? Ví dụ có một người đi Huế, người ấy có thân nhân ở Huế, cho nên yên lòng ra đó sẽ ở nhà thân nhân. Một người khác cũng đi Huế, người này thì không có thân nhân ở Huế, nhưng người ấy có mang theo tiền để chi dùng trong chuyến đi, khi đến Huế họ mướn khách sạn ở. Cùng đến Huế, người ở nhà thân nhân, người ở khách sạn, vậy ai hơn ai ? Chúng ta có thể bảo người không có thân nhân ở Huế, đến Huế họ đi lang thang được không?
- Không. Vì họ có hành trang để đi đường. Cũng vậy, chỉ sợ người tu tâm không tahnh tịnh, đừng lo không có cõi tịnh để mình đến. Phải hiểu cho thật rõ chỗ này kẻo tu bị lầm lạc. đừng đứng bên này chỉ trích bên kia, phê phán bên nọ, làm một việc gây hoang mang nghi ngờ cho người mới tu học, là lỗi lầm không lợ ích. Xhúng ta hiểu rõ tâmai thường thanh tịnh, người đó sẽ được sanh cõi tịnh. Chẳng những Phật tử tu Thiền tu Tịnh độ, mà người không quy y làm Phật tử nếu tâm họ tịnhcũng được sanh vào cõi tịnh. Vì chánh báo tốt ắt hẳn y báo phải tốt.
Bây giờ ứng dụng lý chánh báo và y báo vào việc tu hành.
Trước là bản thân của người xuất gia. Thông thường nhiều người xuất gia có quan niêïm tu là phải cất chùa to, đúc tượng Phật lớn, trang trí cảnh chùa cho đẹp , quên đi phần tu học cho bản thân. Nếu người xuất gia mà không tu học làm sao có tài có đức, để cho người kính tin kết duyên mà làm Phật sự ? Vì vậy mà phải xoay lại bản thân mình để lo tu học, một khi có đủ tài đức thì chùa to cảnh đẹp ắt sẽ có. Xưa có nhiều vị thiền sư ẩn tu trong những hang đá, am tranh trên núi rừng, là những người tu hành chân chánh tài đức vẹn toàn. Khi có người biết đến liền thỉnh về kinh đô trụ trì những ngôi chùa lớn, để hoằng dương chánh pháp. Chúng ta ham ở chùa to cảnh đẹp mà bất tài, thiếu đức lại tu hành lôi thôi, sớm muộn gì cũng bị người mời ra khỏi chùa, để thỉnh người xứng đáng về trụ trì. Như vậy mới thấy chánh báo không tốt mà đòi y báo tốt thì không thể được. Chúng ta tu phải làm sao cho có tài trí đức hạnh, chớ lo không có chùa ở.
Kế là việc giáo hóa đệ tử. Người tu cần phải lo cho đệ tử như thế nào ? Nếu người thông lý chánh báo y báo, trước phải dạy đệ tử tu học có đức có tài. Đức do tu mà có, tài do học mà được. Tài đức vẹn toàn rồi thì lo gì mai sau không xiển dương được Phật pháp. Vì đã có chánh báo tốt, chắn chắn y báo sẽ theo đó mà tốt. Còn lo cất chùa cho đẹp cho kiên cố, để lại hàng trăm năm cho đệ tử ở, nếu là đệ tử bất tài vô đức tu hành lôi thôi thì, chẳng làm gì lợi ích cho Phật pháp. Lại có thể, nó cởi áo tu hoàn tục bỏ chùa hoang, không người hương khói. Lo cho đệ tử như vậy không bảo đảm. Vậy lo cất chùa để lại cho đệ tử có đức có tài, tu hành chơn chánh hợp với chánh pháp.
Chúng tôi thường nói rằng: Sau này chúng tôi tịch rồi, chỉ để lại một số người biết tu, biết đạo chớ không để lại chùa tốt, chùa sang. Ngôi chánh điện Thường Chiếu tôi cất chỉ có hai mươi ngày là xong. Các nơi nghe tôi cất chùa chỉ có hai mươi ngày, họ cười nói “chùa dã chiến”. Mà thật “chùa dã chiến”. Vì nó không ra gì hết. Trên Chân Không có bao nhiêu vật liệu, đem xuống Thường Chiếu ráp lại vừa đủ, không thêm cái gì hơn. Chúng tôi chỉ cần có chỗ cho Tăng Ni tu, Phật tử đến học đạo là được rồi. Sau khi tôi tịch, nếu ai có tài trí phước đức hơn tôi họ cất chùa to là tùy họ. Chúng tôi chỉ nghĩ làm sao đào tạo một số Tăng Ni có học, có tu, có tài, có đức, để lại cho đạo là đủ rồi, còn chùa cảnh thì chúng tôi không đặt nặng. Đó là phương hướng giáo hóa đệ tử.
Kế đến là làm Phật sự. Phật sự thì có liên hệ đến Phật tử tại gia nhiều. Phật tử khi làm Phật sự thì nhắm vào y báo hay chánh báo ? Đa số Phật tử nghe nói xây chùa đúc tượng thì thích lắm, còn nghe nói nuôi Tăng Ni tu học thì không thích. Tại sao vậy ? Vì mình làm cực khổ mới có tiền của, đem đến nuôi người nhàn rỗi hơn mình là một điều không được vui, nên không thích. Hơn thế nữa, đem bao nhiêu của đến Tăng Ni ăn cũng hết, không còn để lại cái gì thấy là của mình đã cúng. Còn cất chùa tạc tượng đúc chuông để lại đời đời, cái mà mình đã cúng vẫn còn đó thì thích hơn. Vì nó có hình thức dễ thấy, hình thức đó thuộc về y báo. Nếu chùa tốt Phật to chuông thanh, mà không có một vị Tăng tu hành chân chánh gìn giữ, xiển dương chánh pháp thì cất chùa có lợi ích gì ? Vậy, Phật tử hiểu đạo rồi nên ứng dụng lý chánh báo và y báo để làm Phật sự mới hợp đạo. Chúng ta phải làm sao cho ngày mai có những Tăng Ni tài đức, để duy trì pháp Phật được lưu truyền, sau đó mới gìn giữ chùa chiền là nơi thờ kính Phật. Việc chính của chúng ta là phải phát triển chánh báo cho tốt, rồi y báo theo đó sẽ tốt. Nếu chỉ một bề lo y báo mà không lo chánh báo thì sẽ bị suy thoái về sau. Đâu quí vị kiểm lại xem Phật sự quí vị đã làm là nhắm vào gốc hay ngọn ? Đa số là nhắm vào hình thức. Ví dụ như các thầy dự định xây cổng chùa, có một Phật tử đến xin cúng một mình, để cổng chùa ấy mang tên của mình cúng. Tên người cúng cổng chùa vẫn còn lưu lại đến năm ba mươi năm còn nếu cúng một hai triệu để nuôi một trăm vị Tăng tu ăn chỉ vài tháng là hết, tên người cúng cũng không còn, nên không vui không thích. Cúng cỗng chùa mỗi lần đi ngang qua nghĩ cổng chùa mình cúng còn đây. Quí vị quên rằng chư Tăng ăn của tín thí tuy hết, nhưng họ lo tu học tâm trí được sáng suốt, đức hạnh được tăng trưởng, thanh tịnh. Mai sau họ là người hoằng dương chánh pháp, làm cho Phật pháp trường tồn lợi ích chúng sanh. Nếu không có những tồn lợi ích chúng sanh. Nếu không có những người đó thì lấy ai duy trì Phật pháp giáo hóa chúng sanh?
Bây giờ đến phần ứng dụng lý chánh báo, y báo trong cuộc sống hằng ngày của Phật tử. Trước hết là ngay bản thân mình, việc trước mắt là phải trao dồi tài đức, chớ đừng nghĩ mai kia mình sẽ có có địa vị làm ông này bà nọ, sẽ giàu sang phú quí. Nếu mình có đủ tài đức thì mọi việc tốt sẽ đến với mình. Giả sử có một học sinh đi học, ngày ngày cứ mơ ước mai sau sẽ làm bác sĩ hoặc bác học, mà hiện tại vào lớp nó không chịu học hành, cứ tha hồ mơ ước viễn vông. Cuối năm thì thi rớt, vậy mai kia có làm bác học, bác sĩ được không ? Chắc chắn là không. Ngược lại, có một học sinh khác không mơ ước mai sau làm gì cả, mỗi ngày vô lớp chăm chỉ, siêng năng học hành, nên học giỏi nhất nhì trong lớp. Và cứ như thế, hết niên khóa này tới niên khóa khác, và cuối cùng là được tuyển vào khoa học hay y học để rồi ra làm bác sĩ, bác học. Mơ ước những điều cho ngày mai là việc làm không thực tế. Mà thực tế là hiện tại phải làm sao trau giồi cho có tài đức thì, mọi sự tốt đẹp dù không muốn nó cũng đến. Vì chánh báo đã tốt thì y báo tốt sẽ đến.
Sau là việc dạy dỗ con cháu. Có nhiều Phật tử quan niệm là phải làm sao cho có nhiều tiền của để lại cho con cháu. Nếu có nhiều tiền của mà con cháu bất tài vô đức, lêu lỏng ăn chơi thì càng thêm hư hỏng. Của cải khó bề bảo quản, sớm muộn gì rồi cũng tiêu tán. Thế nên thương và lo cho con cháu là phải cho nó học để có tài, phải giáo dục cho nó có đức. Nếu có tài có đức thì mai kia nó sẽ nên người, làm được việc mà chúng ta mong muốn. Chớ dành dụm của cải cho nhiều để lại cho con cháu, mà nó bất tài thiếu đức thì không gìn giữ được. Vì của cải thì có thể bị con cháu phá, trộm cắp cướp đoạt mất đi. Chớ tài đức thì không ai cướp giựt được. Lại có nhiều người nhìn phiến diện, chỉ lo cho con học giỏi thôi, không nghĩ đến đức hạnh của nó. Đó là một khuyết điểm lớn của người làm cha mẹ. Trên đời nhiều người làm những tội ác tày trời đâu phải là những người dốt, bất tài. Chẳng hạn như những thủ lãnh của những đảng cướp lừng danh thế giới đâu phải là kẻ ngu, kẻ bất tài. Người càng tài giỏi mà không đạo đức là càng họa to cho xã hội, cho nên có tài thì cần phải có đức. Tài thì nhà trường đào tạo, đức không phải tự nó có mà do cha mẹ kết hợp nhà trường hướng dẫn giáo dục. Được như thế nó mới có thể giữ gìn được sự nghiệp của mình và làm lợi ích cho nhân quần xã hội.
Như chúng ta đã biết gốc của chánh báo là tâm. Gần đây, quí Phật tử nghe nói pháp tu Tịnh độ quá đơn giản, là gần lâm chung niệm Phật từ bảy câu đến mười câu, cũng được Phật rước về cõi Cực lạc. Điều này cần phải nghiệm lại cho kỹ. Kinh A Di Đà phật dạy: niệm Phật cho đến nhất tâm bất loạn ít nhất là một ngày, hoặc hai ngày... cho đến bảy ngày. Nhất tâm bất loạn tức là định, mà định là tâm thanh tịnh, mà tâm thanh tịnh thì sanh về cõi Phật tịnh. Phật dạy thật rõ ràng. Vậy mà tay chúng ta lần chuỗi, miệng niệm Phật, tâm thì nghĩ nhớ vô số chuyện. Như vậy tâm quá loạn thì sao về cõi tịnh được ? Nếu Phật vì lòng từ bi có rước về cõi Phật, chúng ta cũng không ở được, vì tâm chúng ta quá ô nhiễm, tham sân si còn dẫy đầy làm sao tương ưng được với cõi tịnh mà ở, rốt cuộc rồi cũng phải trở lại cõi Ta bà uế trược này. Vì chánh báo nào y báo nấy. Chuyện thế gian gần nhất là nhiều người đi nước ngoài, trong số đó cũng có một số người chịu sống ở nước ngoài, nhưng cũng có một số người muốn trở về Việt Nam. Trong khi đi họ nghĩ rằng ra nước ngoài sẽ sung sướng hơn. Nhưng khi đến nước ngoài vì văn hóa kém, ngôn ngữ của người không nói được, phong tục tập quán của người mình không khế hợp được... nên cảm thấy lạc loài, muốn trở về Việt nam. Người niệm Phật mà tâm không thanh tịnh, còn loạn động bởi tham sân si mà muốn về cõi Cực lạc cũng na ná như vậy.
Người tu Thiền cũng vậy, chúng ta đừng mong mau chứng Niết bàn, mà phải tu làm sao cho hết vọng tưởng phiền não. vọng tưởng phiền não hết thì Niết bàn hiện tiền. trái lại, tu mà mong mau chứng đắc Niết bàn, sẽ bị ma quấy nhiễu rồi dẫn vào đường tà. Niết bàn là gì ? Niết bàn là tâm thanh tịnh; nếu vọng tưởng phiền não hết thì tâm thanh tịnh là Niết bàn, không cần mong cầu tìm kiếm. Đó là một lẽ thực, đừng mong ước Niết bàn trong khi tâm mình còn đầy dẫy vọng tưởng phiền não, thì không bao giờ được Niết bàn như ý muốn.
Vậy, chủ yếu của sự tu hành là ở tâm. T6am được thanh tịnh là do tu thiền định, gạn lọc tham sân si phiền não hết sạch, rồi trãi lòng thương giúp đỡ người, làm cho mọi người được an vui lợi ích. Mình vui, người vui thì đâu có chán nản móng tâm đi đây đi kia ! Vì tâm mình ích kỷ đố kỵ ganh ghét, thấy ai cũng xấu xa tồi tệ nên chán, tự cô lập mình thành một cái ốc đảo cô đơn lạc loài. Nếu ở chỗ này với tâm ích kỷ phiền não thấy mình lạc loài, tới chỗ khác cũng sẽ bị lạc loài. Tu là hiện tại phải chuyển tâm, tâm chuyển thì cảnh chuyển. Chớ trách cảnh, trách người xấu, mà hãy tự trách mình còn nhiều thói hư tật xấu, nên y báo xấu nó theo mình. Vì vậy, tự mình phải lo tu sửa cho tâm được tốt, cho tâm được thanh tịnh.
Chúng ta hiểu rõ lý chánh báo, y báo rồi, thì phải ứng dụng trong đời tu, trong khi làm Phật sự, trong cuộc sống gia đình, giáo dục con cái cho đúng, thì sẽ được lợi ích rất lớn, không riêng cho bản thân mình mà còn lợi ích cho tất cả mọi người chung quanh.