Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Đêm Nghe Tiếng Đại Bác

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 8868 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đêm Nghe Tiếng Đại Bác
Nhã Ca

Chương 10 (chương kết)

- Mấy giờ rồi con?
- Dạ, năm giờ me.
- Chúng nó đã tới đông đủ chưa.
- Có ai đâu mà đông, me.
- Sao thằng Kim bảo là nó sẽ đưa mấy thằng bạn của nó về nhà. Còn Hoà nữa, bộ chưa đứa nào báo tin cho nó sao?
- Bọn con chả thấy thằng Kim nói gì cả. Chắc nó quên luôn rồi. Còn Hoà thì mấy hôm trước con có ghé nhưng không gặp. Con định chiều qua sẽ trở lại. Nhưng thôi. Có lẽ để chờ anh Phan về xem ý anh ra sao đã. Me ạ.
- Cái thằng thật lắm chuyện. Mà sao giờ nầy chưa thấy tăm hơi bọn chúng đâu cả. Mẹ sốt ruột quá.
- Chắc tại tàu bay trễ đó me. Dạo nầy con nghe xin máy bay quân sự khó lắm. Đôi khi phải chờ đôi ba ngày cũng nên.
- Ai thì phải chờ chứ anh Phan thì khỏi đi. Anh ấy mồm mép lắm. Chắc thế nào cũng xoay ra máy bay để về kịp trong ngay. Me yên tâm đi.
Tuy nói me tôi yên tâm. Nhưng tôi biết cả nhà tôi lúc nầy không ai yên tâm nổi đâu, nhất là me tôi.


Từ buổi trưa đến giờ, bà luôn luôn hỏi mấy giờ và chốc lại kêu sốt ruột quá.
Chị Phượng nói:
- Chắc tại me nôn quá, rồi suốt đêm qua không chợp mắt được nên bây giờ sốt ruột chớ gì.
Chị Phượng nói vậy nhưng chính chị cũng đứng ngồi không yên.


Dạo nầy sau mỗi bữa cơm, giờ tụ tập trong phòng khách của gia đình tôi thường kéo dài lâu hơn. Cả nhà thường nói nhiều về những trận đánh, những tin tức chiến sự. Buổi tối, ba tôi thường ngồi lâu hơn trước máy thâu thanh, sau bản tin chiến sự hồi 9 giờ của đài Saigon. Me tôi cũng không còn lòng dạ nào để thích nghe chèo cổ nữa. Nhất là chị Phượng. Cầm báo, mục chị coi trước nhất không còn là truyện Kiều Phong A Tỷ nữa mà là tin chiến sự. Chị thuộc lòng từng tên làng, tên địa điểm, tên các loại súng, tên những trận đụng độ. Và khi giở vào trang trong các nhật báo, chị đã bắt đầu chê trách mấy nhà văn mà trước đó chị vẫn theo dõi, rằng họ vô trách nhiệm, chả biết viết gì về cuộc chiến nầy cả. Chị Phượng thế đó, còn tôi, trái ngược với chị, tôi không biết gì hết, không nhớ gì hết, không hiểu gì hết, mà chỉ thấy chiến tranh, bom đạn, chết chóc đủ thứ vo tròn lại một cuộc nhào lộn trong đầu.
- Mấy giờ rồi nhỉ?
- Thôi con Quyên để đó mẹ với chị Phượng làm cho, lên trên lo dọn rượu với thằng Hoàng đi.
- Vội gì me. Hãy còn sớm mà. Hoàng đang nói chuyện với ba con ngoài hiên ấy. Để con làm xong món nước mắm nầy đã.
- Quyên coi dùm bếp lửa cho chị một tí. Không chả giò thành than cả bây giờ.
Tôi gắp bớt bớt vài cục than ra khỏi bếp lửa cho chị Phượng, rồi tiếp tục cầm mấy trái chanh gọt vỏ, tế múi. Mùi chanh chua khé cổ làm cổ họng tôi đắng chát những nước bọt. Không hiểu Hoàng đang nói cùng ba tôi những chuyện gì trên nhà. Chắc lại không ngoài chuyện chiến tranh chính trị. Chị Phượng đang lấy rau muống chẻ trong tủ lạnh ra sắp lên đĩa. Những sợi rau xanh mát, quấn quít lấy nhau trông thật ngon mắt. Biết đến bao giờ đời sống lại tươi mát như thế. Chị Phượng thấy tôi nhìn đĩa rau thì bảo:
- Thôi cô, có cho cái món nước mắm của cô xong mau lên không. Chắc các ông ấy về đến nơi giờ đó.
- Đôi khi lúc nầy bọn nó đã tới phi trường rồi cũng nên há.


 
Sáu giờ chiều, bữa chả giò được dọn đầy đủ lên bàn ăn.


Mùi chả, mùi nước mắm, thơm phức. Nhưng vẫn chưa thấy tăm hơi gì của anh Phan, anh Nghĩa. Để đỡ nóng ruột, cả nhà tôi và Hoàng ngồi quây trong phòng khách vừa uống nước, vừa đọc mấy tờ báo mới. Nhưng đến khoảng hơn bảy giờ thì me tôi không còn đủ sức chịu đựng thêm nữa. Đang ngồi nghe đọc một cái phóng sự chiến trường, mẹ tôi đột nhiên đứng bật dậy:
- Hay là đứa nào lấy xe ra phi trường xem sao đi. Me sốt ruột quá.
Me tôi nói xong, bà vẫn đứng nguyên giữa phòng khách, nhìn từng đứa một trong chúng tôi như để cầu cứu. Hoàng buông tờ báo xuống, hướng về ba tôi:
- Hay ba me để con với Kim chở nhau ra phi trường hỏi coi chiều nay có chuyến bay nào không.
Câu nói của Hoàng làm tôi thấy nô nức. Ừ nhỉ, tại sao chúng tôi không cùng kéo nhau vào phi trường hỏi coi. Chị Phượng cũng nô nức như tôi, và có lẽ cũng muốn tranh phần Kim để đi cùng Hoàng vào phi trường như tôi. Nhưng ba tôi đã đặt mạnh ly rượu chát của ông xuống bàn, nói với Hoàng:
- Con cứ ở nhà đi, không có đi đâu hết. Bộ me chúng nó quẩn đấy. Bảy giờ hai mươi rồi. Giờ nầy, ai cho người ngoài vào phi trường.
Rồi ngừng lại một giây, ba tôi lại tiếp:
- Mà dù có cho vào nữa cũng không việc gì phải đi. Bà tưởng chúng nó không biết đường về nhà mình nữa sao. Cứ đứa nầy đi kiếm đứa nọ rồi đuổi nhau đến bao giờ cho gặp.
Và ông kết luận bằng cách bảo Hoàng:
- Thôi, con đọc tiếp cái phóng sự cho me con nghe đi. Mình chờ chúng nó thêm 40 phút nữa.
Đoạn phóng sự trong tờ báo Hoàng đọc tiếp đang tả một trận đánh ngoài Ba Lồng, Quảng Trị. Ba tên Việt Cộng lọt được vào đồn bằng ngõ Tây Nam. Một trái lựu đạn tung vào vị trí súng cối. Ba xạ thủ của đồn bị thương. Nhưng một chiến sĩ của ta đã nhận ra bọn đột nhập. Anh rút kíp lựu đạn, chờ cho ba tên nầy vừa nhô khỏi chỗ núp là ném. Trái lựu đạn nổ tung. Nổ tung... Nổ tung... Nổ tung. Hoàng vẫn đọc tiếp. Nhưng tôi chỉ nghe đến đấy. Rồi mấy câu nổ tung, nổ tung, cứ vang lên mãi trong đầu tôi, như tiếng nói trong một khúc đĩa hát cũ bị mũi kim giắt lại. Tiếng Hoàng đọc vang trong căn phòng càng ngày càng có vẻ như được khuếch đại thêm bởi hình như cũng chả còn ai nghe. Hoàng đọc hết cái phóng sự chiến trường, đọc thêm sang một lô tin tức, bài vở khác ở mấy tờ báo, mà vẫn không làm ngắn được phút chờ đợi. Thỉnh thoảng, Kim pha trò một câu, hay bật lên cười hô hố. Nhưng sự huyên náo của nó chỉ làm lặng lẽ trống trải thêm những phút sau đó.
Trời tối dần bên ngoài. Rồi Kim bật tách một cái. Đèn sáng. Rồi chiếc đồng hồ quả lắc phía trên tủ trà đổ chuông. Vẫn không thấy gì. Đến tiếng chuông đồng hồ thứ ba, thứ bốn gì đó thì ba tôi nhỏm dậy, tuyên bố:
- Thôi, ngồi vào bàn ăn đi. Vậy là chúng nó không về rồi.
Hoàng ái ngại nhìn me tôi:
- Hay là để chờ thêm nửa tiếng nữa. Biết đâu các anh ấy...
Ba tôi cương quyết đứng dậy kéo ghế:
- Thôi, ngồi vào bàn đi. Không thể chờ chúng nó được nữa - và ông gắng pha trò - kiến bò bụng lắm rồi. Ba chịu không nổi. Thôi me nó, con Phượng, con Quyên, Hoàng, Kim ngồi vào đi...
Cả nhà theo chân ba tôi, lần lượt ngồi quanh bàn ăn. Nhưng vừa cầm đũa lên là me tôi khóc ngay:
- Thôi, thế là chúng nó không về thật rồi. Thằng Phan không về thì thằng Nghĩa cũng không về được đâu.
Ba tôi gắt:
- Ơ hay, cái bà nầy ăn nói hay nhỉ. Sao bà bảo chúng nó không về. Chưa bữa nay thì bữa mai chứ sao.
Thằng Kim phụ họa với ba tôi:
- Thì con chả bảo với me trước sao. Cuối lá thư, anh Nghĩa đã viết là các anh ấy bận đi hành quân gấp đó thôi.
Hoàng nói:
- Có thể các anh ấy về muộn. Đôi khi tới bữa ăn, các anh ấy kéo nhau về lại còn vui hơn nữa.
Bình thường, ba tôi nói gì ít khi me tôi chịu thua, nhưng không hiểu sao, sau câu gắt của ba tôi vừa rồi, bà có vẻ sợ:
- Thằng Phan nó thích chả giò lắm. Mà phải chả giò tôi làm nó mới thích.
Ba tôi cười:
- Thì ngày mai ngày mốt chúng nó về, lại làm một bữa nữa. Bộ bà tưởng không có cái vé số trúng 500 của bà, nhà nầy không làm nổi một bữa chả giò hay sao?
Me tôi nửa khóc nửa cười:
- Thôi, con Phượng lấy cho me cái đĩa ra đây, me để phần chả của chúng nó lại. Để lát nữa chúng về cho có ăn. Còn Hoàng, thôi ăn đi con.
- Cầm đũa đi. Cầm đũa đi.
Kim sốt ruột thúc giục. Còn ba tôi thì nhìn tôi rồi nâng ly với Hoàng:
- Cụng ly với ba đi, Hoàng. Đây đúng là tiệc mừng người thi trượt đây, phải không. Kìa coi mấy cái mặt. Coi chừng làm hỏng bữa chả giò của me chúng bay đấy. Nước mắm nầy đứa nào pha đây?
- Tác phẩm của chị Quyên đó ba. Coi nầy, chị Quyên chia nước mắm cho anh ấy đi chứ.
Hoàng vừa sớt một muỗng nước mắm vào chén, vừa cười:
- Đây là tiệc ba me cho con để lên đường đây. Mấy tháng nữa, xong ở Thủ Đức ra con sẽ xin xoay về chung một tiểu đoàn với anh Phan, anh Nghĩa.
Kim vừa nhồm nhoàm vừa ráng gân cổ la:
- Me, chị Phượng, chị Quyên, nâng chén mừng anh Hoàng đi nào.
Nhờ ba tôi, không khí quanh bàn ăn trở thành vui vẻ lại dần. Chị Phượng và me tôi để phần chả giò cho anh Phan, anh Nghĩa xong, cũng bắt đầu góp chuyện về chuyện Hoàng sắp đi Thủ Đức. Hoàng trở thành nhân vật chính của bữa ăn, và tôi, thật tôi biết ơn ba me tôi, biết ơn gia đình tôi quá sức.
Nhưng chúng tôi ăn chưa đầy nửa bữa thì có tiếng chuông reo ngoài cửa, chị Phượng đang cầm ly nước trên tay, giơ luôn cả ly nước ra ngoài:
- Kìa, me coi.
Me tôi kêu lên:
- Phan hở. Kìa chúng bay, ra mở cửa mau lên. Me tôi nói quên cả nuốt. Nói chưa dứt câu bà đã đứng dậy. Nhưng không ai cười me tôi cả, bởi tất cả đều mải nhìn ra ngoài. Sau cánh cửa, tôi thấy bóng một bộ tay-di thấp thoáng. Chị Phượng ngồi xa cửa hơn tôi. Nhưng tôi chưa kịp đứng dậy thì chị đã ra đến gần cửa. Cả bàn ăn đứng lên. Chị Phượng đã ra đến nơi. Hai cánh cửa mở tung ra một lần. Nhưng tôi chưa kịp nhìn rõ gì thì đã nghe thấy tiếng me tôi rơi phịch xuống ghế và kêu lên:
- Ồ. Không phải rồi.
Bấy giờ khoảng sân phía ngoài đã sáng rõ hơn. Một người lính cao lêu nghêu, vai mang ba lô đã bước vào sân. Người lính cao hơn chị Phượng hẳn một cái đầu, bóng anh ta in dài trên bức tường cạnh đó. Hình như người lính nói gì với chị Phượng, tôi không nghe rõ, nhưng tôi trông thấy chị gật gật. Lát sau, chị ra dấu mời người lính vào và tôi nghe chị nói: Mời trung sĩ vào. Có ba me tôi trong nầy.
Người lính đã vào đến giữa nhà. Anh ta đứng trước bộ xa lông, hướng về phía ba me tôi chào nghiêm theo kiểu nhà binh. Tôi nhận ra người lính còn cao hơn tôi tưởng và chiếc ba lô anh ta mang trên lưng có vẻ nặng.
- Thưa cụ, chúng tôi là trung sĩ Đảo, trung đội phó trung đội của anh Phan.
Chị Phượng nói thêm:
- Thưa ba me, trung sĩ đây ở cùng đơn vị với anh Phan và anh Nghĩa.Trung sĩ mang tin hai anh về nhà.
Hoàng đứng dậy lại bên người lính:
- Mời anh ngồi, chắc anh vừa về tới thành phố. Xin anh hãy để ba lô xuống đã.
Còn ba tôi thì đon đả:
- Chúng tôi đang mong các con tôi về. Cháu ngồi đi đã. Cứ gọi tôi là bác. Người nhà cả mà. Con Quyên rót thêm bia đi con. Cháu dùng một chút bia đã nhé.
Mặc dù nghe rõ ba tôi sai rót bia nhưng không hiểu sao tôi vẫn không nhúc nhích gì được. Tôi nhìn khuôn mặt người lính: anh chừng độ 26,27. Đen và rắn. Vừa rồi, khi anh chào nghiêm theo lối nhà binh, tôi thấy dáng dấp anh có vẻ mạnh mẽ. Nhưng lúc nầy đây, sau khi anh xưng danh và gỡ mũ ra cầm tay, tôi bỗng thấy anh hiện rõ vẻ lúng túng. Hoàng đưa tay đỡ chiếc ba lô trên lưng anh xuống nhưng anh lính quýnh tránh sang một bên, gần như không muốn cho Hoàng đụng đến nó. Chị Phượng nói:
- Chúng tôi có nghe anh Phan nhắc đến trung sĩ. Chắc trung sĩ với anh tôi thân lắm.
- Dạ.
Người lính ấp úng nói. Nhưng anh vẫn chưa chịu ngồi xuống. Rồi trong phút chốc, tôi vẫn thấy anh đưa mắt nhìn quanh nhà. Nhìn ba tôi. Nhìn tôi. Nhìn Kim. Nhìn bàn chả giò. Nhìn bức tường. Nhìn chiếc bàn, chiếc ghế như muốn tìm kiếm một dấu hiệu nào đó trên những thứ ấy. Tôi nghe thấy tiếng me tôi gấp rút:
- Thằng Phan nhà tôi có nhắn gì với trung sĩ không?
Ba tôi cũng đã đến bên người lính, nói:
- Thì bà để cháu nó ngồi nghỉ một tí đã nào. Ngồi xuống đi cháu.
Ba tôi nắm tay người lính, kéo anh ngồi xuống ghế. Nhưng trông những ngón tay ba tôi đang bấu vào tay áo người lính, tôi thấy nổi rõ trên nền xanh một vẻ vì khác lạ, tôi bắt đầu run. Me tôi cũng có vẻ ấy. Bà không chờ đợi nổi nữa, mà bật lên hỏi:
- Mấy đứa nó có sao không cậu?
Người lính đã ngồi xuống salon. Chị Phượng đã thay tôi mang ra một ly bia. Chiếc ba lô đã được Hoàng đỡ xuống cạnh, và bây giờ hai bàn tay người lính đang bóp chặt lấy ly nước như muốn bóp nó bể. Rồi anh cúi xuống, nói nhỏ với ba tôi:
- Thưa, thế hai bác chưa nhận được tin gì của anh Phan, anh Nghĩa cả ạ?
Thôi rồi. Trước mắt tôi tối sầm. Tiếng người lính vang tiếp:
- Cháu vừa từ Pleiku về đây chiều nay. Cháu tưởng hậu cứ ở đây đã báo tin anh Phan, anh Nghĩa rồi, nên mới xin về chia buồn cùng hai bác.
Người lính rời ly nước, cúi xuống nhấc nhấc chiếc ba lô lên:
- Nhân thể, cháu đem về hai bác những di vật của anh Phan, anh Nghĩa.
Sau mấy tiếng của người lính, có đến hơn một phút căn phòng khách nhà tôi lặng đi, không một tiếng thở nhỏ. Rồi đột nhiên tôi nghe xoảng một tiếng như có tiếng gì rơi vỡ đâu đó. Rồi một tiếng kêu, không, không phải tiếng kêu, mà là một tiếng rú, của me tôi tru lên, cùng với tiếng bà vật mình xuống nền đá.


Phút chốc, cả phòng khách hỗn loạn và tôi ngã vào tay Hoàng lúc nào tôi cũng không biết nữa.
- Vực me chúng mầy lên đi văng đi. Con Phượng, con Quyên, lấy chai dầu ra đây. Ơ hay,  chúng mầy làm cái gì cả vậy. Thằng Kim, thôi thằng Kim vào tìm chai dầu cho me mầy. Đi. Mau lên. Chúng mầy đâu rồi. Chúng tôi không đi đâu hết. Chúng tôi vẫn ở đó. Ở trong phòng khách. Chị Phượng vẫn ngồi trên ghế, mắt mở lớn bất động. Ba tôi, Hoàng, và cả người lính đang vực me tôi lên đi văng, xúm xít quanh me tôi. Còn tôi, tôi đã rời tay Hoàng và dựa người vào tường, nhìn trân trân xuống cái ba lô mà người lính vừa thả bên ghế. Cái gì vậy. Di vật của anh Phan, anh Nghĩa đó sao. Anh Phan đó sao? Anh Nghĩa đó sao? Không, không. Tôi không tin. Tôi không tin đâu. Ai mà tin được.
Có tiếng rên, tiếng khóc từ phía trong đi văng. Me tôi đang tỉnh dần, rồi đột nhiên bà vùng dậy kêu lớn:
- Phan ơi là Phan. Con ơi là con. Sao con không về. Bao giờ con về.
Cả ba tôi và Hoàng phải cùng nhau giữ me tôi lại, không cho bà vùng vẫy. Me tôi vừa dẫy dụa vừa kêu tên anh Phan. Một lát, bà lả dần xuống, rồi lảm nhảm luôn miệng:
- Nó không về. Không bao giờ nó về nữa đâu. Con ơi.
Người lính đứng tần ngần phía trong một lát, rồi anh chầm chậm đi lại phía tôi:
- Tôi thật bậy. Tôi không ngờ chính tôi lại mang tin buồn nầy lại. Tôi ân hận hết sức.
Tôi nhìn người lính xa lạ mà thấy anh bỗng như thân thuộc gắn bó với gia đình tôi từ lâu. Tôi hỏi anh:
- Thưa anh, anh Phan tôi gửi được về cho chúng tôi những gì?
Người lính lấy trong túi ra một cái lắc bạc nhỏ đưa cho tôi:
- Đây là tấm lắc ghi số quân và số máu của anh Phan.
SQ.264279. LM O. Tấm lắc trong tay tôi lạnh buốt. Đúng rồi. Anh Phan. Anh đeo cái gì lủng lẳng ở cổ vậy? Sinh mạng của anh đấy. Cái gì mà sinh mạng, mà lại có đến hai ba tấm lận. Quyên biết tại sao hai tấm không. Trước khi tử thương, anh sẽ gỡ tấm nhỏ nầy gửi về cho me. Còn cái lớn nầy sẽ giữ lại ở cổ. Để làm gì à. Để cho người ta biết số quân, số máu của mình mà cứu. Thấy chưa. Lính là thế. Cái gì cũng số. Mỗi người trở thành một con số. Anh Phan đã nói thế và cười với tôi. Mới đó. Và đó, những con số của anh ở trong tay tôi. Hình như bắt đầu méo đi, nên giọng người lính trước mặt tôi cũng đượm vẻ dỗ dành hơn. Anh hỏi tôi:
- Xin lỗi! Cô có phải là Quyên không?
Tôi gật đầu nhưng vẫn nhìn sững tấm lắc sinh mạng anh Phan trong tay tôi. Người lính lại tiếp:
- Anh Phan vẫn thường nói với chúng tôi chuyện nhà. Về Quyên và Phượng. Tôi có giữ một khăn tay của Quyên. Anh Phan mất hôm kia, trong một cuộc chạm súng ở gần Bu Hon. Anh mất vào lúc 5 giờ chiều. Chắc chỉ nay mai nhà sẽ được tin báo. Quyên ngồi xuống đi.
Tôi ngoan ngoãn ngồi xuống, theo lời người lính. Tôi hỏi anh:
- Thế còn anh Nghĩa tôi. Xin anh...
- Cho đến nay chúng tôi chưa được tin tức chính xác của anh Nghĩa. Chỉ có tin báo là anh ấy mất tích. Lúc anh Phan mất, anh Nghĩa có ở bên tôi. Anh lồng lên xách súng lao đi rồi thôi. Có thể anh Nghĩa bị bọn chúng bắt mất. Trận nầy chúng có đến hơn hai tiểu đoàn.
Tiếng khóc của me tôi ray rứt ở ngay bên tai tôi. Cả ba me tôi, Hoàng, chị Phượng và Kim đều đã quây quanh người lính từ bao giờ. Ba tôi hỏi:
- Nó có kịp nhắn gì không cháu?
- Dạ có. Anh ấy có nhờ cháu ghé lại nhà ở đường Yên Đổ thăm chị ấy. Thật khổ. Chị Hạnh cũng đang có mang. Vừa rồi, nghe tin, chị ấy cũng đã ngất đi ngay giữa nhà. Anh Phan có bảo cháu nói chị ấy xuống săn sóc bác gái.
Tiếng khóc me tôi vẫn không ngớt. Hình như me tôi không nghe thấy gì nữa. Chị Phượng nhìn tôi, rồi nhìn ba tôi. Chúng tôi không hiểu người lính nói gì. Nhưng cũng không ai đủ sức hỏi lại.
- Tao bị rồi. Anh ấy la lớn vậy. Rồi anh ấy vùng lên, không trú không núp gì hết, cứ thế nã cạc bin vào mấy gốc cây phía trước. Tôi với anh Nghĩa chạy đến. Nhưng không kịp nữa. Anh ấy bị đến 7 phát. Vào ngực. Vào đầu. Vào cổ. Vào bụng. Vào... Thôi! Tôi muốn la lên như vậy, nhưng tiếng không bật khỏi cuống họng. Một tiếng của mẹ tôi bật lớn lên, át hẳn tiếng nói người lính, làm anh phải ngừng nói nhìn tôi, hai mắt lúng túng như người vừa làm một tội ác. Ngồi lại một lát, rồi có lẽ thấy không nên kể thêm gì với gia đình tôi trong lúc nầy nữa, anh đứng dậy xin phép ra về, ba tôi hỏi thăm về việc lĩnh xác anh Phan. Người lính nói với ba tôi:
- Thưa bác, ngày mai, trình diện và liên lạc với hậu cứ xong, con sẽ xin trở lại hầu bác để lo cho anh Phan.
Ba tôi hỏi anh ở đâu và ngỏ ý mời anh lại ở với gia đình tôi trong những ngày nghỉ phép nhưng người lính từ chối. Khi cùng Hoàng và chị Phượng đưa anh ra cổng, tôi nghĩ đến hai tút thuốc Lucky và xấp khăn tay tôi vừa cất cho anh Phan, anh Nghĩa. Tôi nói với anh:
- Xin anh thế nào cũng trở lại với chúng tôi sớm. Bây giờ anh là anh Phan, anh Nghĩa của gia đình chúng tôi.
Người lính cảm động lắm. Anh không dám nhìn tôi nhưng anh nói:
- Quyên và Phượng yên tâm. Thế nào tôi cũng phải trở lại.
Người lính đi rồi, quang cảnh bữa chả giò dang dở trong gia đình tôi càng thê thảm thêm. Me tôi vẫn chưa tỉnh. Bà ôm chặt lấy Hoàng luôn miệng kêu: Phan, Phan. Con của me. Rồi kéo Hoàng đến bàn ăn, bày phần chả giò bà để phần anh Phan, anh Nghĩa nhất định bắt Hoàng phải ăn, trong khi chúng tôi nhìn nhau không cười được mà cũng không còn khóc được nữa.


Một lát, Hoàng dìu mẹ tôi vào phòng trong. Ba tôi kêu chị người làm lên dọn bàn ăn, rồi trong khi ông ngồi lặng trên ghế thì tôi nhìn cái ba lô của anh Phan do người lính để lại. Tôi muốn giở cái ba lô ấy ra, muốn trông thấy đồ đạc của anh Phan, nhưng tôi không dám sợ làm me tôi điên thêm. Có lẽ biết ý tôi, chị Phượng bảo tôi: Quyên để đấy chị. Rồi chị xách ba lô lên gác. Chiếc ba lô nặng lắm, tôi biết, nhưng chị mang như không. Tôi không tưởng tượng nổi có lúc chị có thể mạnh đến như thế. Một lát, lẫn trong tiếng lảm nhảm của me tôi, có tiếng khóc của chị Phượng trên gác vọng xuống. Đã đến lúc chị không nín nổi nữa. Có lẽ chị đang gục đầu vào những đồ đạc do anh Phan tôi để lại. Ba tôi ngồi cứng như một bức tượng trong ghế bành. Mắt ông trừng trừng nhìn thẳng nhưng tôi biết ông không trông thấy gì. Tôi, tôi cũng không còn sức để nín hơn được nữa. Tôi muốn nổ tung. Muốn lăn vào lòng ba tôi. Muốn lay gọi ông. Nhưng tôi chưa kịp làm gì thì phía ngoài bỗng có tiếng đập cửa. Tiếng đập cửa liên hồi. Hối hả. Cấp bách. Me tôi đầu tóc rũ rượi từ phòng trong chạy ra, vừa chạy vừa la: Thằng Phan về. Thằng Phan về. Để tôi mở cho nó. Để tôi mở cho nó. Chúng tôi vừa kịp đứng lên thì cửa đã mở tung. Me tôi ôm chầm lấy cái bóng vừa từ ngoài bóng tối ngã vào. Bà vừa ôm, vừa kêu: Trời ơi. Con của me. Tóc gáy tôi dựng ngược. Cái bóng vừa ngã trong tay me tôi trắng toát. Anh Phan đó sao. Anh Phan về thật sao.
Nhưng không. Không phải anh Phan. Cái bóng đó là một cô gái, một người đàn bà, một người đàn bà trắng toát, mềm nhũn. Một người chưa bao giờ chúng tôi trông thấy. Hình như cô ta cũng còn đang xỉu trong tay me tôi. Tiếng ồn ào dưới nầy đã làm cho chị Phượng cùng chị người làm chạy ra. Dìu được cô gái vào giữa nhà rồi, me tôi vẫn còn ôm chặt lấy chị, nhìn chị trân trân. Rồi mặt me tôi thay đổi dần. Hình như cô gái trong tay đã làm me tôi ra khỏi cơn mê sảng. Bà nhìn chúng tôi, nhìn ba tôi, nhìn mọi người. Ngơ ngác, cô gái trong tay me tôi kêu những tiếng nho nhỏ, đứt quãng:
- Anh Phan. Anh Phan. Anh...
Sau khi khóc được ít phút trên gác, chị Phượng đã có vẻ tỉnh táo. Chị nhìn cô gái, rồi nói với ba tôi:
- Thưa ba. Đây là chị Hạnh ở đường Yên Đổ mà vừa rồi anh Đảo nói. Chị ấy là người yêu anh Phan. Chị ấy đang có mang. Trong ba lô anh Phan có một lá thư viết tiếp cho con Quyên, nói về việc chị ấy.
Câu chuyện có vẻ khó hiểu, nhưng chúng tôi hiểu ngay. Phải rồi. Lá thư của anh Phan, lá thư dang dở. Chị Phượng, me tôi đỡ Hạnh lên đi văng. Me tôi gạt vạt áo dài của chị sang một bên, đặt tay lên bụng chị. Bụng Hạnh đã nhô lên chút ít. Me tôi gục đầu vào bụng chị vừa kêu vừa khóc: Phan ơi là Phan. Cơn ơi là con. Trời ơi là trời.


Hoàng. Tôi kêu và bấu chặt lấy tay Hoàng. Tôi bấu chặt lắm. Ba tôi thở dài:
- Nó sắp tỉnh rồi đấy. Me mầy phải để cho nó nghỉ với chứ.
Rồi ông quay mặt đi. Trên khuôn mặt ba tôi, đang quay ra bóng tối ngoài cửa sổ, tôi thấy lấp lánh trên sống mũi ông hai giọt nước mắt đang lăn xuống chậm chạp.
Tiếng đại bác. Tiếng đại bác. Tôi đang nghe. Tôi đang nghe đây. Gửi gì không. Có. Tôi có gửi. Hãy gọi anh Phan về đêm nay cho me tôi thấy. Hãy mang anh Nghĩa về đêm nay cho chị Phượng tôi thấy. Hãy mang tất cả về đêm nay cho tôi thấy. Cho ba tôi thấy. Cho em Kim tôi thấy. Cho chị Hạnh thấy. Tiếng đại bác. Tiếng đại bác. Gửi gì không. Có. Tôi có gửi. Cho tôi gửi ra những bông hồng. Những khăn tay, những bữa ăn, những gói thuốc lá. Hãy nhắn với họ. Với Đông, với Hoàng, với Mẫn, với Nghĩa, với tất cả. Tôi gửi lời thăm. Thăm tất cả. Tiếng đại bác. Tiếng đại bác. Còn gửi gì nữa không. Còn. Tôi còn gửi. Ngủ đi Ba. Ngủ đi me. Ngủ đi chị. Ngủ đi em. Ngủ đi tiếng đại bác. Đại bác. Ngủ đi. Ngủ đi. Tôi còn gửi. Để cho tôi gửi. Gửi cả tương lai tổ quốc ta theo đó.


 

 

 


Hết.

 

 

 

 

 

VNTQ xin chân thành cảm tạ các bạn Fish, tomato, trieuminhquanchua, sieucoi, tieuoc, phunhongloan đã hoàn tất tác phẩm nầy.

 
 

<< Chương 9 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 221

Return to top